CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lương Thực Đi Đường
Lm. Giuse Nguyễn
“Chiếc bánh thứ tư” trong tập sách nhỏ “5 chiếc bánh và 2 con cá” của ĐHY. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận là “Bí tích Thánh Thể, sức mạnh độc nhất của tôi”. Ngài nói rằng trong lao tù nhưng ngài vẫn làm lễ. Bàn thờ là chiếc vali, chén thánh là lòng bàn tay, rượu là thứ “thuốc trị đường ruột” do giáo dân bên ngoài gửi vào, bánh lễ được xé nhỏ cho vào một cái ống chống ẩm. Chẳng những ngài dâng thánh lễ để có Mình Thánh Chúa cho ngài, mà còn cho những anh em Công giáo cùng tổ với ngài. Sáng hôm sau, Mình Thánh Chúa còn được truyền bằng túi thuốc lá cho những anh em trong tổ khác, mỗi người được giữ trong mình một ngày, thay phiên nhau chầu Chúa, làm giờ thánh với Chúa. Chính nhờ lương thực đó, mà Đức Cha và nhiều anh em khác có được sức mạnh trong lao tù, có được niềm vui trong đau khổ, có được hạnh phúc trong đau thương, và nhất là có được tình thương trong thù hận. Sức mạnh của Mình Thánh Chúa còn làm cho nhiều người khác tin vào Chúa và chịu bí tích rửa tội, có khi ngay tại ngục tù, có khi sau này đã ra trại. Cũng chính nhờ sức mạnh đó mà bây giờ ngài trở thành vị tôi tớ, đang chờ để Giáo Hội tôn vinh trên bàn thờ các thánh. Phụng vụ lời Chúa ngày hôm nay cũng cho chúng ta thấy lương thực đi đường mà mỗi người chúng ta cần có là gì.
I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
- Bài Đọc I: 1V 19, 4-8
Sau khi tiêu tiệu diệt 470 tư tế của thần Baal, vị thần không có thực khi đem ra thách thức với Thiên Chúa, tiên tri Êlia bị hoàng hậu Giêsabel truy sát. Ông phải chạy trốn lên núi Hôrep. Sau khi qua sa mạc, ông mệt mỏi vì vừa đói, vừa khát, vừa sợ hãi đến mức xin Thiên Chúa cho mình chết đi. Trong lúc thiếp ngủ, Thiên Chúa sai thiên thần đem bánh và nước đến cho ông ăn uống lấy lại sức để tiếp tục cuộc hành trình. Sách các vua thuật lại thiên thần đã kêu ông đến hai lần: “Dậy mà ăn, vì đường còn dài lắm!” Nhờ lương thực đó mà ông đã đi một mạch 40 ngày đêm lên núi Horeb để gặp Thiên Chúa. Lương thực thiên thần cho Êlia ăn là hình bóng cho thứ lương thực mà Chúa Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay.
- Tin Mừng: Ga 6, 41-51
Tiếp tục diễn từ về bánh của Gioan. Càng ngày Chúa Giêsu càng mặc khải rõ hơn về thứ “Bánh bởi trời”. Hôm nay Ngài khẳng định: “Tôi là bánh bởi trời xuống”. Người Do Thái phản ứng gay gắt về tuyên bố đó của Chúa Giêsu, nhưng Ngài không đầu hàng trước dư luận, mà Ngài còn khẳng định mạnh mẽ hơn Ngài là Đấng được Chúa Cha sai đến, để tất cả những ai đón nhận giáo huấn của Chúa Cha thì phải tin vào Ngài. Táo bạo hơn nữa, chẳng những Ngài tuyên bố Ngài từ trời xuống, mà còn là thứ lương thực bởi trời để làm thức ăn cho những người trên đường về trời. Ngài nói: “Lương thực đó chính là thịt tôi đây để cho thế gian được sống”.
Phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta một sự thật về đức tin. Đó là trên hành trình tiến về với Chúa, Ngài không để chúng ta phải chết đói, nhưng sẽ ban lương thực để chúng ta có sức mạnh mà tiến bước. Lương thực đó được giới thiệu từ trong cựu ước qua hình ảnh manna thời Môsê, hay như hôm nay là bánh cho Êlia. Nhưng với lương thực này, con người cũng sẽ chết. Chúa Giêsu muốn giới thiệu với chúng ta thứ lương thực cao cả hơn nhiều, lương thực không dẫn đến cái chết nhưng sẽ dẫn đến sự sống muôn đời, đó chính là Mình và Máu Chúa. Như vậy lời xác quyết của ĐHY. Phanxicô Xavie Nguyễn Văn Thuận dựa vào lời Chúa hôm nay cũng phải là xác quyết của từng người chúng ta: “Bí tích Thánh Thể, sức mạnh độc nhất của tôi” trên con đường tiến bước về nhà Cha.
II. DẪN ĐẾN CÁCH SỐNG
Từ niềm xác tín Bí tích Thánh Thể là sức mạnh độc nhất, là lương thực đi đường cho người kitô hữu, chúng ta phải sống niềm xác tín đó như thế nào trong đời sống đức tin của chúng ta?
- Đức tin hay chỉ là lý thuyết?
Trước hết, niềm xác tín đó là đức tin hay chỉ là lý thuyết mà một đứa con nít học xưng tội rước lễ lần đầu cũng biết? Nếu là đức tin thực sự thì chúng ta phải thể hiện được sự quý trọng và yêu mến Bí tích Thánh Thể. Sự quý trọng và yêu mến này được thể hiện qua việc năng tham dự thánh lễ, rước lễ, viếng Chúa, chầu Chúa, thường xuyên xưng tội để được rước Chúa cách xứng đáng hơn… Có nghĩa là chúng ta làm mọi cách để được kín múc nguồn sức mạnh từ nơi Chúa. Còn nếu đó chỉ là lý thuyết suông, đồng nghĩa với việc Bí tích Thánh Thể chẳng ăn nhập gì với cuộc sống của chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta cũng đương nhiên chẳng ăn nhập gì với Bí tích Thánh Thể. Mà một khi không kín múc nguồn sức mạnh độc nhất của mình, không đón nhận lương thực dành cho mình, thì chúng ta sẽ trở nên yếu nhược, đói khát, và sẽ chết. Vì vậy không lạ gì khi những người không xưng tội, không tham dự thánh lễ, không rước lễ, không có sự liên kết với Bí tích Thánh Thể có một đời sống tệ hại. Bởi vì lẽ thường tình người ta phải ăn mới sống được. Khi họ không ăn lương thực dành cho mình, họ phải ăn những thứ khác để được sống, mà những thức ăn khác chắc chắn do ma quỷ bày ra. Vì vậy hoa trái từ thức ăn của ma quỷ chính là một đời sống xấu xa, tệ hại, còn hoa trái từ Mình Thánh Chúa là một đời sống tốt lành, thánh thiện.
- Sống sự trao hiến như Chúa:
Kế đến, sống Bí tích Thánh Thể còn là sống sự trao hiến, trao hiến đến tận cùng như Chúa. Chúa Giêsu đã trao hiến trọn vẹn cho con người, không phải bằng việc cho con người một món quà hay một gia tài sự nghiệp lớn lao, mà là trọn vẹn cả cuộc đời, và nhất là chính thân thể của Ngài dưới hình bánh rượu làm của ăn, của uống nuôi dưỡng con người cho đến ngày tận thế. Sự trao hiến đó được thể hiện rõ nét nhất trong đời sống hôn nhân và gia đình, khi hai vợ chồng biết trao hiến trọn vẹn cho nhau cả thân xác, tâm hồn, tình yêu và cuộc sống. Họ, những người sống trong đời sống vợ chồng tuy hai nhưng chỉ là một.
Trao hiến tuổi thanh xuân, lúc cuộc đời như những bông hoa đang tươi đẹp thì rất dễ; nhưng trao hiến tuổi già, lúc cuộc đời như bông hoa sắp tàn thì thật là khó.
Trao hiến lúc khỏe mạnh, lúc hừng hực nhựa sống thì rất dễ; nhưng trao hiến lúc ốm đau, lúc không còn chút sinh khí nào thì thật là khó.
Tôi muốn nói đến những hy sinh, vất vả trong đời sống vợ chồng, nhất là khi một người ốm đau, tật nguyền, thậm chí nằm liệt, thì sự trao hiến của người còn lại để cho người bạn đời của mình nhận thấy họ vẫn được yêu thương, càng quý trọng hơn biết chừng nào.
Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy lương thực để chúng ta tiến về quê trời chính là Bí tích Thánh Thể như lời khẳng định của Chúa Giêsu: “Thịt Ta thật là của ăn, Máu ta thật là của uống”. Đó là một sự thật về tình yêu thương của Chúa. Sự thật này đòi hỏi chúng ta phải nhìn lại điều đó là xác tín hay chỉ là một lý thuyết mà chúng ta được biết. Để nếu là một xác tín, là đức tin của chúng ta, thì chúng ta hãy tìm mọi cách để gặp gỡ và rước lấy Mình Thánh Chúa. Kế đến chúng ta phải sống sự trao hiến như Chúa Giêsu Thánh Thể trong đời sống gia đình của chúng ta, để một lòng yêu thương và trung thành với người bạn đời như lời đoan hứa ngày thành hôn: Nhận nhau làm vợ chồng, “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe để yêu thương và tôn trọng nhau mỗi ngày suốt đời”.