Mãi Mãi Là Noel

Bài 32:

MÃI MÃI LÀ NOEL

  1. Dẫn nhập. “Lại một Noel nữa mấy mùa Giáng Sinh rồi…”

 

Năm 2014 tôi đã chia sẻ trong tập Bài Giảng Chúa nhật tháng 12 về “Mừng lễ Noel theo định hướng tân phúc âm hóa” nhằm giúp Kitô hữu Việt Nam mừng Noel theo đúng ý nghĩa và chủ đích mà Chúa Giêsu muốn. Chúa muốn xuống thế làm người (Emmanuel) loan báo phúc âm cho mọi người đặc biệt là những người nghèo hèn, bệnh tật (x. Lc 4,18)… Noel là lễ Chúa giáng sinh làm người. Đây là một biến cố lịch sử lớn nhất, một cú sốc gây ngạc nhiên cho mọi người, bởi vì là một cuộc kết hôn “không môn đăng hộ đối” giữa Thiên Chúa và con người.

Tôi đã nhận được hồi âm từ nhiều nơi, hưởng ứng cách mừng Noel theo định hướng tân phúc âm hóa; đặc biệt là cha xứ nơi tôi đang ở, ngoài việc mừng Noel theo truyền thống, cha đã cùng bổn đạo mời một số người không công giáo quanh xứ đạo, đến thăm nhà thờ, dự lễ và dùng bữa cơm mừng Noel 2014. Hơn 350 người đã đến dự, tỏ ý rất vui mừng được mời đến, được đón tiếp… Sau bữa ăn còn có quà Noel đem về. Tất cả giáo dân và các người đến dự đều chan hòa niềm vui, bởi vì chưa có dịp gặp gỡ nhau như thế bao giờ. Hôm sau lễ Noel, cha xứ còn cho tôi biết có một bài hát mới về Noel là “Chuyện tình Emmanuel” của nhạc sĩ Mai Nguyên Vũ, do ca sỹ Như Ý hát, Vietcatholic đã tải vào ngày 25 -12-2014. Bài ca này tôi thấy trang web của gpcantho, không rõ vô tình hay hữu ý, vẫn lưu lại xuyên suốt cả năm 2015 cho đến nay ở phần cuối phía trái. Tôi nghe tiếng hát rất tròn trịa và trong vắt của ca sỹ cất lên, có ba câu riêng diễn tả cảnh Chúa giáng sinh “trong hang chiên gió rét lạnh lùng, khó nghèo”, và “quanh đây còn nhiều người đói rách, bao trẻ xin ăn”… rồi câu điệp khúc thì nhắc đến ý nghĩa và chủ đích của Noel, đó là “một chuyện tình kỳ lạ nhất trần thế, một chuyện tình say đắm muôn thế hệ, làm nhỏ bao châu lệ, làm đui muôn lý trí…một cuộc tình chẳng môn đăng hộ đối, Thiên Chúa yêu con người, hạ sinh xuống cõi đời” (x. google: Chuyện tình Emmanuel, Mai Nguyên Vũ). Tôi rất ngạc nhiên và vui mừng vì thấy bài Chuyện tình Emmanuel có cùng những tư tưởng như bài tôi viết. Tôi mong độc giả chọn bài này để thưởng thức dịp Noel, vừa nhớ lại vừa hiểu đúng ý nghĩa cũng như chủ đích của Noel. Bởi vì các bài hát về Noel từ 1945 đến giờ mà tôi biết, chưa thấy  bài nào nhớ tới những người nghèo khổ, xin ăn, không nhà,… để cảm thương an ủi chở che xót thương…

Vì thế năm nay 2015, tôi muốn đào sâu và làm nổi bật lễ Noel trong hai việc vừa thực tế vừa đúng tân phúc âm hóa hơn, là: Chúa cần Noel để xây dựng cuộc tình Emmanuel, và giáo hội cần Noel để làm chứng và góp phần xây dựng cuộc tình Emmanuel.

  1. Chúa cần Noel để xây dựng cuộc tình Emmanuel.

Chúa đã tạo dựng con người, chia sẻ cho họ tình yêu, trí tuệ, tự do, hạnh phúc,…  nhưng nguyên tổ loài người đã không muốn sử dụng chúng theo ý Chúa muốn. Dù vậy Chúa không bỏ mặc họ sống như kẻ không cha mẹ, như kẻ mồ côi… Chúa là cha mẹ, không có Chúa là thiếu vắng tất cả, con người không thể sống nổi, vì đau khổ mà không biết mình bệnh gì, chỉ gọi là “bệnh trầm cảm, trầm uất, kinh hoàng”… Còn Chúa gọi đó là bệnh “Thiếu vắng Chúa, bệnh từ chối Chúa, bệnh không có Chúa”. Vì thế ngay sau khi con người từ chối Chúa, Chúa hứa sẽ cứu con người (phúc âm khởi thủy). Cứu bằng cách Chúa xuống thế làm người, ở cùng con người để kết tình với mỗi người.

Từ khởi thủy đó, qua bao đời con cháu ông bà Ađam Eva, đời ông Noe, rồi đời ông Apraham mà ta biết rõ hơn là vào khoảng 1800 trước công nguyên, cuối cùng tới Chúa Giêsu giáng sinh. Chúa đã dùng các tổ phụ, các tiên tri chuẩn bị cho có người biết tự nguyện đón nhận lời cầu hôn cho cuộc tình Emmanuel. Đó là thời gian rất ư lâu dài, có thể gọi là Mùa Vọng trong Cựu ước. Và đức Trinh Nữ Maria là con người đầu tiên đã nói lời “Xin Vâng” để có lễ Noel, có cuộc tình Emmanuel. Khi Chúa Giêsu đã làm người, Chúa đã dành cả 30 năm sống âm thầm khó nghèo để chuẩn bị cho mình, rồi dùng ba năm cuối đời để chuẩn bị cho các tông đồ: mời gọi họ đến sống chung, dạy dỗ giáo dục họ, Người còn đi loan báo phúc âm cho người nghèo khó, trước khi Người hiến tế trên thập giá để hoàn tất cuộc cứu chuộc nhân loại. Sau khi sống lại, Chúa ban Thánh Thần để hoàn thành việc xây dựng cuộc tình Emmanuel với các môn đệ. Thế mà trong số 12 tông đồ, cũng có một là Giuđa phản bội cuộc tình đó để hư mất. Trước khi về trời, Chúa đã truyền cho các môn đệ đi khắp thế giới loan báo phúc âm, làm phép rửa tội cho họ, để xây dựng cuộc tình Emmanuel với hết mọi người, cho đến khi Chúa lại đến.

Chúa Giêsu cần Noel để đích thân xuống thế làm người xây dựng cuộc tình Emmanuel với mỗi môn đệ và loan báo phúc âm cho người nghèo khó, rồi lập họ thành giáo hội của Chúa, để cùng với Chúa tiếp tục xây dựng cuộc tình đó với mỗi người sinh ra trên trần gian cho đến  tận thế.

  1. Giáo hội cần Noel để minh chứng và góp phần với Chúa Giêsu xây dựng cũng như hàn gắn các cuộc tình Emmanuel với hết mọi người.

Sau lễ ChúaThánh Thần hiện xuống, giáo hội bắt đầu xây dựng cuộc tình Chúa ở cùng con người. Các tông đồ ra đi công bố phúc âm của Chúa Giêsu, đánh động rất nhiều người, có khi ba ngàn, rồi năm ngàn (x. Cv 2,4) xin chịu phép rửa tội để kết tình nghĩa với Chúa Giêsu Kitô, gia nhập giáo hội trở thành Kitô hữu. Tuy nhiên, nếu Chúa Giêsu đã chọn lựa chỉ 12 tông đồ, thế mà có một đã phản bội, thì nay giáo hội lan rộng khắp nơi, không tránh khỏi nhiều kẻ phản bội mà thánh Gioan ngay từ thời đầu đã gọi là các “phản Kitô” ( x.1Ga 2,18). Bởi vì theo kinh nghiệm của thánh Phaolô, Kitô hữu đón nhận cuộc tình của Chúa trong những bình sành( x.2Cr 4,7) nghĩa là chúng ta ở giữa trần gian gặp nhiều khó khăn do ma quỉ, do thế tục, do cả tính phóng túng tự do, luôn tìm cách ngăn cản phá hoại. Vì thế Kitô hữu phải luôn nhờ ơn ChúaThánh Thần ban cho ánh sáng và sức mạnh để duy trì cuộc tình ấy cho chung thủy trọn vẹn.

Giáo hội ý thức được những nguy cơ đó nên ngay từ đầu đã tổ chức cử hành thánh lễ để Kitô hữu nghe lời phúc âm Chúa, đón nhận Thánh Thể Chúa như lương thực nuôi dưỡng bảo vệ. Ngày nay ở đầu mỗi thánh lễ còn có việc ăn năn sám hối để hàn gắn và nối lại những gì làm sứt mẻ chia cắt mối tình đó. Nhất là giáo hội, theo gương chuẩn bị của Chúa, từ thế kỷ IV, hàng năm đã tổ chức Mùa Vọng trước lễ Noel, lập lại lời thánh Gioan Tẩy giả kêu gọi: “Hãy dọn đường cho Chúa đến, sửa lối cho thẳng để Người đi…” như ngôn sứ Isaia đã ghi chép ( Lc 3, 4-5). Kitô hữu có cả 4 tuần trước Noel để chuẩn bị tâm hồn, trang trí bề ngoài, tổ chức đối nội đối ngoại… nên phải tận dụng dịp này để nghiên cứu, làm tiếp thị tôn giáo, sao cho việc mừng lễ Noel đúng ý nghĩa chủ đích, có thể đánh động lòng người, vừa minh chứng về mối tình của mình với Chúa qua việc trang trí nhà thờ hang đá đèn sao, qua việc ca hát sốt sắng, có nghệ thuật, dự lễ nghiêm trang, vui tươi sốt sắng. Nhất là cả họ đạo từ cha xứ đến bổn đạo chia sẻ niềm vui Noel cho mọi người, đặc biệt những người chưa biết Chúa, nghèo khổ, không nhà… Lịch sử giáo hội đã chứng minh, khi Kitô hữu sống cuộc tình với Chúa chung thủy tốt đẹp đã thu hút hấp dẫn nhiều người chấp nhận cuộc tình của Chúa, có lúc biển đổi cả Âu châu thành một “Thế giới Kitô giáo” ( thế kỷ XII). Nhưng khi Kitô hữu làm nô lệ tiền bạc, thờ cả hai chủ, đã làm cho nhiều Kitô hữu bỏ đạo, nhiều người không muốn kết tình với Chúa, thậm chí còn chống đối Chúa nữa. Cho đến ngày nay, theo biểu đồ tháng 12-2012, dân số thế giới là 6.895.890.000 người, và dân số Kitô hữu là 2.173.180.000, tỉ lệ mới có 31,5% là Kitô hữu, còn 68,5% chưa biết Chúa. Riêng ở Việt Nam năm 2014, dân số cả nước là 95.247.745 người, và dân số người công giáo là 6.606.495, tỉ lệ là 6,93% Kitô hữu, còn 93.07% chưa đón nhận cuộc tình Emmanuel của Chúa.

Giáo hội cần Noel, nhất là ngày nay Noel đã trở thành lễ hội toàn cầu, bị thế tục hóa và làm cho lu mờ ý nghĩa và chủ đích của Chúa khi xuống thế làm người, người ta nhạy bén với các lối ăn chơi, và vô cảm với những người nghèo khổ. Vì thế giáo hội cần Noel để trước hết làm chứng cho mọi người thấy giáo hội sống cuộc tình với Chúa rất chung thủy tốt đẹp, qua việc tổ chức  mừng Noel như : trang trí hang đá đèn sao, ca hát dự lễ sốt sắng, bài giảng của linh mục cũng như thái độ của giáo dân… tất cả giới thiệu và xây dựng hoặc hàn gắn mối tình của Chúa với chính mình cũng như với mọi người, nhất là những người nghèo khổ. Để minh họa cho công việc mừng lễ Noel, xin chia sẻ ba câu chuyện: một dành cho giới trẻ nam nữ Công giáo, một dành cho các linh mục, một dành cho giáo dân.

  1. Ba chuyện tình Emmanuel.

4.1 – Noel là nguồn gợi hứng cho nhiều bức họa giá trị, nhiều bài hát đạo đời trong nước ghi lại những kỷ niệm đẹp và buồn, thời bình cũng như thời chiến như: Bài thánh ca buồn, Lá thư trần thế, Niềm tin, Dư âm mùa giáng sinh…Ở đây xin chọn bài Giáo đường im bóng. Theo tác giả Thiên Vi viết trong google: Giáo đường im bóng là một chuyện tình thật đẹp, nhạc sĩ Nguyễn Thiện Tơ là tác giả bài  “Giáo đường im bóng”, và đây làmột trong những tác phẩm giáng sinh mang chất tình ca đạo đời đầu tiên của Việt Nam vào những năm 1930”. Nhạc sĩ sinh năm 1921 tại Hà Nội, bài ca ra đời khi ông 17 tuổi, trong giai đoạn tình yêu chín muồi giữa ông và cô ca sĩ Vũ Hà Tiên. Chính nhạc sĩ kể: “Ông gặp nàng trong buổi biểu diễn từ thiện Hướng đạo sinh, ông đàn ghi ta và cô Hà Tiên hát rất hay. Nhan sắc yêu kiều, quý phái của nàng đã khiến tôi bần thần xúc động. Ngay từ phút giây ấy tôi nhận ra mình đã yêu mất rồi”. Sự hiền thục, thùy mị, có duyên và tài ca hát của cô không chỉ làm cho ông say đắm mà cả ba nhạc sỹ: Lê Thương, Đặng Thế Phong, Phạm Duy cũng thầm yêu cô… còn ông đã theo dõi và gặp thấy cô cầu kinh trong giáo đường trường Sacré-Coeur của các sơ Saint-Paul ở Nam Định, vào lễ Noel. Từ cuộc gặp gỡ đó mà tác phẩm đã chào đời, được hát ở mấy phòng trà nhưng cô Hà Tiên không hay biết đó là bài hát tặng cho mình. Nhạc sĩ viết nhạc trước, rồi nhờ một bạn thân viết lời sau, diễn tả tâm trạng của nhạc sĩ:

 

Nhớ tới đêm đầy ánh sáng

Hương trong gió tràn mênh mang

Giây phút như ngừng thôi trôi

Tiếng kinh muôn đời.

Dáng xinh xinh bao tiên kiều

Quỳ ngân Thánh Kinh ban chiều

Trong giáo đường đêm Noel ấy

Ngàn đời tôi mến yêu.

Nhưng chàng là người không công giáo, nàng là một nữ sinh công giáo ngoan đạo, một trở ngại rất lớn cho cuộc hôn nhân vào thời điểm đó. Tuy nhiên đôi bên đã phấn đấu “vượt suối qua đèo” để cuối cùng sau 6 năm trường, chàng xin học giáo lý và được rửa tội, rồi cử hành hôn phối công giáo năm 1944. Nhạc sĩ đã làm việc trong giàn nhạc giao hưởng, vũ kịch… Tình yêu nồng nàn thắm thiết, hơn 70 năm tâm đầu ý hợp đã cho họ 8 người con và một đứa con tinh thần là bài ca giáo đường im bóng. Nhạc sĩ tâm sự : “Trời đã cho tôi có được một tình yêu đẹp ”. Cuộc tình của họ là một cuộc tình khởi đầu “chẳng môn đăng hộ đối” nhưng rồi đã đạt được hạnh phúc.

Các bạn trẻ nam nữ công giáo đến tuổi biết yêu có suy nghĩ gì về chuyện tình này? Các bạn đã có cuộc tình Emmanuel với Chúa. Nhân dịp Noel về, các bạn hãy sống sao, như cô Hà Tiên, để làm chứng cho các bạn trẻ nam nữ khác thấy được cuộc tình Emmanuel ấy đã đem lại hạnh phúc thật cho các bạn, đồng thời đảm bảo cho các bạn trẻ ấy rằng chúng mình sẽ xây dựng được cuộc tình thật đẹp với nhau nếu có Chúa ở cùng.

4.2 Lễ Noel của linh mục Shah. Đây là câu chuyện do một ký giả người Anh thuật lại với đầu đề trên, câu chuyện vô cùng cảm động xẩy ra thời “Cách mạng văn hóa” bên Trung Quốc.

Tôi bị bắt giam trong một trại, trong đó có một ông già trạc 60 tuổi tên là Shah. Ông là một linh mục dòng Xitô. Trong trại công tác lao động là gánh đất lên đồi. Ông không khỏe nhưng ai mệt liền được ông gánh giúp, ai gánh không nổi ông đổi gánh nhẹ của mình cho. Ông luôn vui vẻ động viên anh em, trong trại ai cũng thương mến.

Tôi là người công giáo nhưng suốt bao năm tháng tôi chẳng giữ đạo tí nào. Không hiểu sao ông biết tôi là người công giáo. Một hôm giữa trời đông giá rét, vào giờ giải lao, ông cầm tay tôi kéo đi và hỏi tôi: anh là người công giáo phải không? – Phải – Hôm nay là lễ gì anh có biết không? – Tôi không biết – Lễ Noel, chắc anh nhớ gia đình, nhớ bao kỷ niệm; anh đi theo tôi, ta xuống cái hố đất đàng kia, tôi cùng anh dâng lễ.

Có một sức gì nơi ông thu hút, khiến chân tôi phải theo. Cả hai xuống một hố, ở miệng hố có mô đất bằng phẳng. Tôi không hiểu sao ông lại có một tí rượu nho trong cái bát nhỏ và một mẩu bánh mì. Ông để cả hai trên mô đất, giữa cảnh hoang vu lạnh giá, hai tay ông giang ra, ông cầu nguyện rồi đưa Mình Thánh Chúa lên cao. Nét mặt ông sáng ngời. Tôi chăm chú nhìn và tự nhiên tôi quỳ sụp xuống, tôi cầu nguyện và ăn năn sám hối. Ông cho tôi rước lễ. Mắt tôi nhòa lệ, lòng tôi như ấm hẳn lên. Rồi chúng tôi vội vàng trở về.

Một lính gác thấy chúng tôi liền tiến lại tóm cổ linh mục và hỏi: mày đi đâu đàng kia? – ông thẳng thắn trả lời: hôm nay lễ Noel, giờ giải lao, tôi đi cầu nguyện – Tên lính vụt cho ông một trận đòn chí tử, ông làm thinh chịu đựng. Rồi tên lính dẫn ông đi.Từ hôm đó, tôi không còn gặp lại ông nữa.

Trong suốt đời tôi, tôi không bao giờ quên được cảnh tượng chiều hôm đó: một dáng người mảnh khảnh, hai tay giơ lên cao, gương mặt gầy gò nhưng toát vẻ thánh thiện, áo quần rách nát tung bay theo gió, giữa trời và đất, Chúa ở cùng ông Shah… Chưa bao giờ và chắc sẽ chẳng bao giờ trong đời, tôi có một thánh lễ Noel sốt sắng đến thế. Cũng từ ngày đó đức tin sống lại trong tôi”. (trích trong “Nguời lữ hành” tr.103)

Các linh mục chúng ta cũng như linh mục Shah đã đón nhận cuộc tình Emmanuel, cuộc tình làm linh mục trở nên hiện thân của Chúa Kitô giữa loài người, cuộc tình kỳ lạ nhất trần thế, làm say đắm muôn thế hệ, làm đui muôn lý trí. Linh mục Shah đã hết mình sống và làm chứng cho cuộc tình đó cho các bạn tù trong trại, khiến mọi người ai cũng mến thương. Rồi đến lễ Noel, còn tìm cách dâng lễ Noel để xây dựng lại cuộc tình ấy cho một bạn tù, dù biết hậu quả sẽ ra sao. Còn các linh mục chúng ta có nhiều thuận lợi hơn linh mục Shah, chúng ta suy nghĩ gì về việc mừng lễ Noel? Chúng ta có thể làm gì cụ thể để giới thiệu, xây dựng hoặc hàn gắn cuộc tình đó của Chúa cho anh chị em chung quanh mình? Bài giảng lễ, các tổ chức mừng Noel, gặp gỡ, thăm viếng…

4.3 Lễ Noel năm 1886 của Paul Claudel.

Chắc chắn suốt 2000 năm qua, lễ Noel là cơ hội cho nhiều người xây dựng, củng cố, hàn gắn cuộc tình Emmanuel với Chúa Giêsu . Ở đây xin chọn một cuộc trở lại với cuộc tình đó của ông Paul Claudel, một nhà văn, nhà thơ, nhà ngoại giao người Pháp, nổi tiếng khắp thế giới: đức thánh giáo hoàng Gioan Phalô II, đức giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhắc đến tên ông; đặc biệt ở Việt Nam thi sĩ Hàn Mặc Tử có mấy bài thơ đạo về Đức Mẹ phảng phất thơ của ông, và thi sĩ Xuân Diệu đã có một bút ký về bài thơ “La Vierge à midi ” của ông:

Trưa hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ

Giữa đáy trưa, trong lòng Mẹ vô cùng.

Con là sáo, Mẹ là ngàn vạn gió,

Mẹ là trời, con là hạt sương rung…

                                                  ( Xuân Diệu 20 -5-1983)

Cuộc trở lại của Paul Claudel đã được chính ông tường thuật. Xin chỉ tóm lược ở đây:

Tôi sinh ngày 6 -8-1868, trở lại đạo ngày 25 -12-1886 lúc 18 tuổi. Dòng họ tôi có đạo đã có nhiều người làm linh mục. Nhưng khi đến Paris, gia đình tôi không còn để ý gì đến đức tin nữa…Tôi sống không đạo đức gì hết và dần dần tôi rơi vào thất vọng… ngày 25 – 12- 1886 tôi vào nhà thờ Đức Bà ở Paris, chen vai thích cách với đám đông như chỉ để coi mấy việc đạo đức lỗi thời… Rồi không biết làm gì nữa, tôi vào để dự buổi hát kinh chiều. Các chú bé mặc áo trắng và các chủng sinh đang hát một bài hát mà sau này tôi biết là bài Magnificat. Tôi đứng với đám đông. Và một biến cố chi phối cuộc đời đã diễn ra. Tâm hồn tôi xúc động và tôi đã tin. Suy nghĩ lại biến cố lạ thường đó, tôi thấy Chúa quan phòng đã dùng những cái sau đây như một tia sáng, một khí cụ để có thể can thiệp và mở lòng cho đứa con đáng thương đang tuyệt vọng : Những người có đức tin được hạnh phúc biết bao – có Thiên Chúa – Thiên Chúa có mặt ở đó. Người là một ai đó, một người có ngôi vị như tôi – Người yêu tôi, Người kêu gọi tôi. Thế là tôi khóc nức nở”. (trích trong “Théo” tr.733)

Nhưng con người vô thần duy vật của ông đã kháng cự quyết liệt trong suốt 4 năm. Cuối cùng ông đã phải buông dần hết khí giới này đến khí giới khác. Về sau, năm 1900 ông định tu dòng Biển Đức, nhưng đến năm 1905 ông lập gia đình. Ông viết kịch, làm thơ, viết văn diễn tả tình yêu và sự có mặt của Thiên Chúa ở mọi nơi và mọi biến cố cuộc đời. Ông về với Chúa năm 1955. Cuộc tình Emmanuel đã là cú sốc kỳ lạ gây chấn động tâm hồn, làm nhỏ bao châu lệ, làm đui muôn lý trí.

Giáo dân chúng ta đã dự lễ Noel biết bao lần, xem các trang trí đèn sao, hang đá, nghe ca đoàn hát, nghe cha giảng lễ, chúng ta có cảm thấy gì không? Còn ông Paul Claudel nghe tiếng hát như thiên thần của các thiếu nhi và chủng sinh ca tụng ngợi khen Chúa, chiều lễ Noel, đã nhận ra Chúa và cuộc tình của Người đối với ông. Chúa Quan phòng, hay chính xác hơn ChúaThánh Thần đã dùng mọi người, mọi biến cố, mọi cơ hội… để mở trí, để thức tỉnh cho mọi người thấy được sự có mặt của Chúa với tình yêu vô biên của Chúa. Các Kitô hữu phải lo tham gia mừng Noel thế nào để góp phần xây dựng và hàn gắn cuộc tình Emmanuel của Chúa cho chính bản thân mình, rồi còn cho cả nhiều người khác nữa.

5.Để kết. Mãi mãi là Noel.

Qua mấy tư tưởng và ba chuyện tình minh họa trên, ta thấy rõ đây thực là một việc tân phúc âm hóa, được tóm lại bằng năm chữ. Vai trò chính là ChúaGiêsu giáng sinh làm người để cứu chuộc, cùng với ChúaThánh Thần soi sáng hướng dẫn, có giáo hội gồm các Kitô hữu sống hiệp thông với mọi người để đi đến với mọi người, giới thiệu cho họ cuộc tình Emmanuel của Chúa, bằng cách tiếp thị tôn giáo là gặp gỡ, tương quan, cảm thương… vào dịp Noel. Vì thế mọi Kitô hữu: giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, phải tận dụng cơ hội rất thuận tiện này để tân phúc âm hóa, không thể để Noel qua đi vô ích, cần phải có Noel, và mãi mãi là Noel.

Linh mục An tôn Nguyễn Mạnh Đồng

Nhà hưu dưỡng Linh mục Cần Thơ 2015.

print