Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 10 Thường niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 10 Thường niên

Thứ Hai tuần 10 Thường niên.

Thứ Ba tuần 10 Thường niên.

Thứ Tư tuần 10 Thường niên.

Thứ Năm tuần 10 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 10 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 10 Thường niên.

 

PHÚC THAY

Thứ Hai tuần 10 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 1-12

Khi ấy, Đức Giêsu thấy đám dông dân chúng, Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người mở miệng dạy họ rằng:

“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai hiền lành,

vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai sầu khổ,

vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai khát khao nên người công chính,

vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai xót thương người,

vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch,

vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai xây dựng hoà bình,

vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính,

vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại

và vu khống đủ điều xấu xa.

Anh em hãy vui mừng hớn hở,

vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao.

Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế.”

Suy niệm

Đức Đạt-lai Lạt-ma, vào mùa thu năm 1994 tại thủ đô nước Anh,

đã được mời chia sẻ về giáo huấn của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.

Một trong những bài chia sẻ đầu tiên là về các Mối Phúc.

Theo ngài các Mối Phúc dường như nói về nghiệp (karma), về nhân quả.

“Nếu bạn hành động như thế, thì bạn sẽ chịu hậu quả như thế.

Nếu bạn không hành động như thế, thì bạn cũng chẳng chịu hậu quả như thế.

Vậy rõ ràng nguyên lý nhân quả nằm ở trong giáo huấn của các Mối Phúc.”

Thật ra các Mối Phúc của Kitô giáo lại không bắt nguồn từ nguyên lý nhân quả,

dù mới đọc ta có cảm tưởng như vậy.

Các Mối Phúc bắt đầu bằng chữ “Phúc thay”,

kế đến nói lên ai là người được hưởng phúc ấy,

cuối cùng nêu lên lý do hay nền tảng của hạnh phúc ấy bằng chữ “vì”.

Hạnh phúc đích thật của người Kitô hữu không phải là “quả” tự nhiên

do “nhân” là việc lành phúc đức của họ.

Dù sống tốt đến mấy đi nữa, thì “nhân” ấy cũng không thể sinh “quả” ấy được.

“Quả” hạnh phúc của Kitô giáo là quà tặng lớn của Thiên Chúa cho con người.

Điều này được diễn tả qua những lối dùng động từ ở thể thụ động:

“sẽ được ủi an, sẽ được no thỏa, sẽ được xót thương, sẽ được gọi.”

Trước khi giảng về các Mối Phúc, Đức Giêsu đã loan báo:

“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần bên” (Mt 4, 17).

Nước Trời người Do thái mong đợi đã đến với sự hiện diện của Đức Giêsu.

Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa đã được trao ban,

chẳng phải do công sức của con người.

Hãy mở lòng ra đón lấy Nước ấy bằng cách hối cải, bỏ đời sống cũ.

Nhưng hơn thế nữa, còn phải đón nhận một lối sống mới cho phù hợp.

Bài giảng trên Núi, và các Mối Phúc, cho thấy hướng sống

của những ai muốn đón nhận quà tặng Nước Trời với bao hạnh phúc kèm theo.

Để nhận được quà tặng vô giá ấy, để được hưởng hạnh phúc vô bờ ấy,

cần cung kính đưa hai tay để đón lấy với lòng khiêm hạ và biết ơn.

Sống theo các Mối Phúc là có thái độ trân trọng cung kính ấy.

Không đưa tay thì cũng chẳng được quà.

Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà,

nếu Thiên Chúa không muốn cho trước khi ta xin.

Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả.

Cung kính đưa tay là sống nghèo khó, cậy dựa vào Thiên Chúa,

là hiền lành, là chịu sầu khổ, chịu bách hại vì Đức Kitô.

Cung kính đưa tay là có lòng thương xót, có tinh thần xây dựng hòa bình,

là làm tất cả mọi sự với quả tim trong sáng, không chút vẩn đục.

Khi làm như thế chúng ta hy vọng được chạm đến Thiên Chúa,

thậm chí được nếm biết Nước Trời ngay từ đời này (cc. 3. 10).

Chúng ta có thể viết thêm những mối phúc mới

qua những kinh nghiệm trong cuộc đời Kitô hữu.

Có bao niềm vui lớn nhỏ mỗi ngày mà ta cảm nhận khi sống lời dạy của Giêsu.

Chỉ khi ấy ta mói thấy thật sự lời của Ngài là Tin Mừng.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu thương mến,

xin ban cho chúng con

tỏa lan hương thơm của Chúa

đến mọi nơi chúng con đi.

Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con

bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.

Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con

để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.

Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,

để những người chúng con tiếp xúc

cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng con.

Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,

không phải bằng lời nói suông,

nhưng bằng cuộc sống chứng tá,

và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa. Amen.

(Mẹ Têrêxa Calcutta)

 

 

MUỐI CHO TRÁI ĐẤT

Thứ Ba tuần 10 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 13-16

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi. Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.”

Suy niệm

Người ta thường định nghĩa Kitô hữu là người tin vào Đức Kitô,

là người sống mầu nhiệm Vượt Qua với Đức Kitô, Con Một Thiên Chúa,

hay đơn giản là người bạn của Ngài.

Chẳng thể nào nói đến Kitô hữu mà không nói đến mối dây với Đức Kitô.

Nhưng trong bài Tin Mừng hôm nay, khi nói chuyện với các môn đệ,

những người vừa được nghe các Mối Phúc,

Đức Giêsu lại đưa ra một định nghĩa khác về họ.

“Các con là muối cho trái đất” (c. 13).

“Các con là ánh sáng cho thế giới” (c. 14).

Thế giới này, trái đất này, nằm trong định nghĩa về người Kitô hữu.

Không có Kitô hữu sống lơ lửng giữa trời và đất.

Họ thuộc về trời và thuộc về đất, về thế giới hiện tại và thế giới mai sau.

Họ được sai vào thế giới này để phục vụ bằng cách biến đổi.

Muối có nhiều công dụng.

Muối dùng để bảo quản cho khỏi hư, để nêm nếm cho đậm đà, để bón phân.

Muối cần cho sự sống thường ngày con người.

Đức Giêsu dùng hình ảnh muối để áp dụng cho các môn đệ.

Họ cần cho trái đất này,

Như muối thấm vào đồ ăn, họ phải có ảnh hưởng tích cực trên trái đất.

Điều làm cho muối là muối, đó là vị mặn.

Muối trở nên nhạt thì đánh mất chính mình rồi, chẳng đáng gọi là muối nữa.

Đức Giêsu tự nhận mình là Ánh sáng cho thế giới (Ga 8, 12; 9,5; 12, 46).

Bây giờ Ngài mạnh dạn gọi các môn đệ là ánh sáng cho thế giới.

Thế giới hôm nay đã được điện khí hóa khắp nơi.

Nhưng bóng tối và bóng mờ thì chỗ nào cũng có.

Cả bên ngoài lẫn bên trong tim con người.

Bóng tối thật là một quyền lực đáng sợ mà con người phải đối diện.

Chỉ khi môn đệ mang Ánh sáng của Đức Giêsu, và trở nên ánh sáng,

khi ấy họ mới có thể giúp thế giới này bừng sáng.

Thành thánh Giêrusalem ở trên núi, không sao giấu được.

Ngọn đèn được thắp lên cũng không để lấy thùng che lại.

Căn tính của người Kitô hữu cũng vậy.

Tự nó bừng sáng, tự nó quyến rũ, tự nó hồn nhiên tỏa hương.

Đừng sợ để người khác thấy điều tốt nơi mình,

nếu điều đó đưa người ta đến chỗ nhận biết và tôn vinh Thiên Chúa.

Một phần ba thế giới là Kitô hữu,

bẩy phần trăm người Việt Nam là Công Giáo.

Chúng ta có thể làm được nhiều điều cho thế giới hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Vua vũ trụ,

nếu Chúa là vua của hơn bốn trăm ngàn linh mục,

nếu Chúa là vua của hơn tám trăm ngàn nữ tu,

nếu Chúa là vua của một tỉ người công giáo,

thì thế giới này sẽ đổi khác,

Hội Thánh sẽ đổi khác.

Chúng con không phải là một lượng men quá nhỏ.

Nếu khối bột chẳng được dậy lên,

thì là vì men đã mất phẩm chất.

Chúng con phải chịu trách nhiệm

về sự dữ trên địa cầu:

có nhiều sự dữ do chính chúng con gây ra.

Chúng con chỉ kêu cầu cho Nước Chúa mau đến,

nhưng lại không chịu xây dựng Nước ấy trên trần gian.

Lạy Chúa Giêsu Vua vũ trụ,

chúng con thường cố ý thu hẹp vũ trụ của Chúa,

giữ chặt Chúa ở trong nhà thờ,

nên nhiều nơi vẫn vắng bóng Chúa,

dù Chúa đã đến trái đất này từ 2000 năm.

Chúng con sợ Chúa đến làm phiền chúng con,

và không cho chúng con được yên ổn.

Ước gì một tỉ người công giáo

chịu để Chúa chi phối đời mình

và đưa Chúa đi vào những nơi Chúa chưa hề đến.

Như thế vũ trụ này

trở thành vũ trụ của Thiên Chúa. Amen.

 

 

ĐỂ KIỆN TOÀN

Thứ Tư tuần 10 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng không thể qua đi được, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Suy niệm

Đã có thời người ta nghĩ rằng theo Công giáo là bất hiếu,

vì phải từ bỏ việc cúng giỗ cha mẹ tổ tiên.

Nếu người chết cũng có nhu cầu ăn uống tiêu dùng như người sống,

thì hiếu thảo đòi phải lo cho người đã khuất được đầy đủ, ấm no.

Nhiều người không dám theo đạo,

vì sợ theo đạo thì không được cúng giỗ tổ tiên, phải bỏ ông bà.

Vào thời thánh Mátthêu, một số người Do thái cũng có nỗi sợ tương tự.

Họ tin vào Đức Giêsu và muốn trở thành môn đệ của Ngài,

nhưng họ lại sợ làm thế là bỏ đạo của cha ông, bỏ Do thái giáo.

Họ sợ giáo huấn mới mẻ của Đức Giêsu làm họ bỏ Luật Môsê,

và không còn thuộc về dân Thiên Chúa nữa.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định:

“Đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hay lời các Ngôn sứ.

Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (c. 17).

Luật Môsê thật ra là Luật của Thiên Chúa trao qua trung gian ông Môsê.

Môsê đã làm nhiệm vụ trao lại cho dân Do thái và giải thích Luật ấy.

Người Do thái từ bao đời đã giữ Luật theo lời giải thích của Môsê.

Bây giờ có một Đấng mới xuất hiện, là Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa.

Ngài biết rõ ý định của Thiên Chúa mà Ngài âu yếm gọi là Cha.

Đức Giêsu không gạt bỏ Luật của Thiên Chúa được trao cho Môsê.

Nhưng Ngài sẽ giải thích lại Luật ấy cho đúng với ý Thiên Chúa,

vì chẳng ai biết rõ ý Cha bằng Con.

Trong Bài Giảng trên núi mà ta sắp nghe trong những ngày tới,

ta sẽ thấy Đức Giêsu giải thích lại Luật Môsê như thế nào.

Hành vi đó được gọi là kiện toàn hay hoàn chỉnh.

Một giai đoạn mới trong lịch sử cứu độ đã được mở ra với Đức Giêsu.

Giai đoạn chung cục này vừa liên tục, vừa vượt quá giai đoạn cũ.

Đức Giêsu mời chúng ta tuân giữ nghiêm túc Luật Thiên Chúa đã ban,

nhưng theo cách giải thích mới mẻ, hoàn chỉnh và có thẩm quyền của Ngài.

Muốn trở nên hoàn thiện, muốn đón nhận Nước Trời do Ngài khai mở,

cần sống Luật Tôra đã được Ngài giải thích lại.

Người Kitô hữu gốc Do thái khi theo Đức Giêsu thì chẳng sợ mình bỏ đạo,

bỏ Lề Luật, bỏ các Ngôn sứ hay truyền thống của cha ông

Giáo huấn của Đức Giêsu đã chứa đựng cốt lõi tinh túy của Luật ấy rồi.

Làm thế nào để các Kitô hữu Á Châu cảm thấy đức tin của mình

không tạo ra sự xung đột hay đoạn tuyệt

với những giá trị của nền văn hóa mình đã lãnh nhận và đã sống?

Làm sao để mình sống viên mãn là một Kitô hữu, một người Công Giáo Rôma,

mà vẫn chẳng mất căn tính là người Việt Nam hay người Châu Á?

Chỉ cần một điều kiện, đó là thấy Kitô giáo không phá bỏ, nhưng kiện toàn

tất cả mọi giá trị cao quý có trong các nền văn hóa và tôn giáo khác.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,

Chúa đã muốn trở nên con của loài người,

con của trái đất, con của một dân tộc.

Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa

dù họ từ khước Tin Mừng

và đóng đinh Chúa vào thập giá.

Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,

một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu

sau những năm dài chiến tranh,

một quê hương đang mở ra trước thế giới

nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc

và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.

Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên

trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,

nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,

và làm một điều gì đó thật cụ thể

cho những đồng bào quanh chúng con.

Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước

bằng khối óc, quả tim và đôi tay.

Và ước gì chúng con biết khiêm tốn

cộng tác với muôn người thiện chí. Amen.

 

 

CHỚ GIẾT NGƯỜI

Thứ Năm tuần 10 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 20-26

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pharisêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người. Ai giết người, thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai giận anh em mình, thì phải bị đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải bị đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan tòa, quan tòa lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.”

Suy niệm

“Chớ giết người”, đó là một trong những giới luật quan trọng.

Dân Do thái đã nhận giới luật này từ Thiên Chúa

qua trung gian ông Môsê trên núi Xinai (Xh 20, 13; Đnl 5, 17).

Đức Giêsu không đến để bãi bỏ Luật Môsê.

Ngài nâng Luật này lên một tầng cao mới.

Không phải chỉ hành vi giết người mới là tội.

Ngay cả ai giận ghét anh em trong lòng

và biểu lộ ra bằng những lời nhục mạ, mắng chửi,

cũng phải chịu những hình phạt tương tự (c. 22).

Đức Giêsu đẩy giới răn này đến chỗ triệt để, tận căn.

Ngài tìm về cội nguồn của hành vi sát nhân nơi tâm con người.

Nếu lòng con người không còn giận ghét anh em,

và lời nói giữ được sự kính trọng, ôn hòa,

thì tội giết người hoàn toàn có thể tránh được.

Sống với nhau tránh sao khỏi những tranh chấp, cọ sát.

Đi làm hòa với người anh em trong cộng đoàn là điều khẩn trương.

Thậm chí phải để lại lễ vật sắp dâng trước bàn thánh

mà đi làm hòa với một người anh em đang bất bình với mình,

rồi sau đó mới trở lại dâng lễ vật cho Chúa (cc. 23-24).

Phải chăng người ta chỉ đến được với Chúa và được đoái nhận lễ vật

khi người ta đến được với anh em trong sự an hòa thứ tha?

Để đến được với người đang xích mích với mình,

cần khiêm hạ, ra khỏi mình và lên đường đến với người ấy.

Đi bước trước để đến với người khác, dù lỗi không thuộc về mình,

đó là cách làm hòa và làm lành những vết thương.

Hòa giải với tha nhân phải được coi là việc cần làm ngay

trước khi ta có thể hiệp thông với Thiên Chúa qua việc dâng của lễ.

“Chớ giết người”, giới răn này xem ra bị coi nhẹ trong thế giới hôm nay,

một thế giới tự hào là văn minh, nhưng mạng sống con người bị rẻ rúng.

Những vụ phá thai, những tai nạn xe cộ mỗi ngày,

những cuộc chiến không ngừng giữa các quốc gia thù nghịch.

Bao cuộc khủng bố đã làm hàng ngàn người chết.

Những tội ác diệt chủng đã xóa sổ cả triệu con người.

“Chớ giết mình”, con người cũng không biết quý mạng sống mình.

Những vụ tự tử, những cái chết do sử dụng ma túy hay ăn chơi,

những bệnh tật do con người tự phá hoại thân xác mình.

Cain đã giết em là Abel vì ghen tương và giận dữ.

Tội ác đó vẫn xuất hiện mãi trên mặt đất cho đến nay.

Làm thế nào để ta biết trân trọng sự sống của người khác và của mình?

Làm thế nào để Thiên Chúa được nhìn nhận như Chủ Tể của sự sống?

Kitô hữu được mời gọi tôn trọng nhân vị của từng người,

trong trái tim, trong lời nói cũng như hành động.

vì mỗi người mang hình ảnh của chính Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ. Amen.

 

 

NGOẠI TÌNH TRONG LÒNG

Thứ Sáu tuần 10 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 27-32

Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hỏa ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hỏa ngục. Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay hẳn gây sốc cho những ai nghe Đức Giêsu,

và nhất là cho chúng ta ở thế kỷ này nữa.

Đòi hỏi của Đức Giêsu mang tính tận căn, vượt quá Luật Môsê.

Không phải chỉ là tránh ngoại tình trong hành động,

mà còn phải tránh cả ngoại tình trong tư tưởng, trong trái tim,

khi nhìn người phụ nữ bằng cái nhìn thèm muốn chiếm đoạt.

Phụ nữ ở đây hẳn là người đã có chồng, đầu tóc được che khăn.

Thèm muốn ở đây không phải chỉ là một rung động tự nhiên trước vẻ đẹp,

nhưng muốn nói đến một dục vọng xác thịt được nuôi dưỡng kéo dài,

nhắm đến một tương quan bất chính với người phụ nữ ấy.

Thèm muốn này có tính chiếm đoạt.

Điều này đã được nói đến ở giới răn thứ mười:

chớ thèm muốn vợ người khác (Xh 20, 17).

Đàn ông hôm nay thấy khó tránh cái nhìn thèm muốn, chiếm đoạt.

vì phụ nữ hôm nay biết cách lôi kéo cái nhìn của họ.

Nhiều phụ nữ coi “gợi cảm” và “gợi tình” là điều cần nhắm tới.

Các quán bán cà phê đều cần những cô “có ngoại hình”.

Trong các tạp chí và trên mạng thiếu gì những hình ảnh tươi mát, dâm ô.

Chúng ta đã quen với một nền văn hóa tiếp thị bằng hình ảnh như thế.

Từ nhìn đến thèm muốn cháy bỏng, rồi dẫn đến sa ngã thực sự.

Nạn mãi dâm, ngoại tình, đổ vỡ trong gia đình vẫn là chuyện nhức nhối.

Từ đó phát sinh bao bệnh tật và tệ nạn trong xã hội.

Đức Giêsu muốn ngăn chặn cái xấu từ trong gốc rễ.

Bà Evà đã nhìn, đã thèm muốn, rồi cuối cùng đã hái trái cấm.

Từ mắt đến tim và đến tay: đó vẫn là con đường bình thường của cám dỗ.

Đức Giêsu đã dùng lối ngoa ngữ để nói lên đòi hỏi tận căn của Ngài.

Nếu mắt hay tay làm dịp cho chúng ta phạm tội về xác thịt,

thì thà mất mắt phải hay tay phải mà vào Nước Trời

còn hơn toàn thân bị ném vào hỏa ngục.

Chúng ta không hiểu theo nghĩa đen để rồi chặt tay hay móc mắt,

vì làm thế cũng chẳng khiến ta hết dục vọng.

Nhưng chúng ta hiểu mình cần phải chịu những hy sinh đau đớn

mới có thể giữ mình thanh khiết để xứng đáng với Nước Trời.

Làm sao để cái nhìn của tôi được trong sáng ngay giữa một thế giới ô uế?

Làm sao để tôi không coi người khác phái chỉ là đối tượng của dục vọng xác thịt?

Làm sao tôi có thể quay đi và nhắm mắt để được tự do?

Cầu nguyện

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,

xin gìn giữ mắt con.

Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,

xin dạy con biết trân trọng thân xác.

Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,

xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao

vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,

để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực

vào những chuyện tình cảm chóng qua,

nhưng giúp con tự rèn luyện mình

để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.

Như đóa sen trong đầm lầy,

xin giữ thân xác con thanh khiết. Amen.

 

 

CÓ THÌ NÓI CÓ

Thứ Bảy tuần 10 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 33-37

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Ðức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Ðừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Ðừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Ðừng chỉ Giêrusalem mà thề, vì đó là thành của Ðức Vua cao cả. Ðừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hóa trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.”

Suy niệm

Việc thề vẫn có trong các nền văn hóa nhân loại.

Người ta thề để người khác tin lời của mình hơn,

vì nếu không giữ lời thề sẽ bị các thần minh nguyền rủa.

Người Do thái từ xa xưa cũng đã có thói quen thề.

Thề là nại đến Thiên Chúa để làm chứng cho điều mình nói.

Hêrôđê Antipas đã thề hứa với cô bé con bà Hêrôđia (Mt 14, 7).

Lời thề của một người lãnh đạo như ông đã khiến ông bị kẹt.

Phêrô đã chối Thầy kèm theo những lời thề thốt (Mt 26, 72. 74),

vì ông sợ người ta không tin lời ông nói.

Đức Giêsu biết chuyện Luật Môsê cấm bội thề,

và phải giữ trọn điều đã hứa với Đức Chúa (c. 33).

Nhưng quan điểm của Ngài trong Bài Giảng trên núi là không thề gì cả.

Không cần thề để xin Đức Chúa làm chứng cho lời ta nói,

vì mọi lời ta nói, Ngài đều biết và làm chứng.

Vì những sơ xuất trong việc giữ lời thề

có thể làm Thánh Danh Đức Chúa bị xúc phạm, nên khi thề,

người Do thái thường thay Danh Chúa bằng một vật gì đó (Mt 23, 16-22).

Tương tự như ở Việt Nam, họ dùng trời hay đất để thề.

Họ cũng thề nhân danh Đền thờ Giêrusalem hay chính đầu của mình

Đối với Đức Giêsu, điều đó cũng chẳng làm nhẹ tội chút nào,

vì trời, đất, Đền Thờ, hay đầu của chúng ta cũng đều thuộc về Chúa.

Trời quan trọng vì là ngai của Thiên Chúa.

Đất quan trọng vì là bệ dưới chân Người.

Đền thờ quan trọng vì là thành của Đức Vua cao cả.

Đầu cũng chẳng thuộc quyền con người,

vì màu trắng hay đen của sợi tóc nằm ngoài tầm chi phối của họ (cc. 34-36).

Khi kêu gọi chúng ta đừng thề chi cả,

Đức Giêsu muốn lời nói của ta tự nó phải mang sức mạnh của sự thật,

tự nó chắc chắn, đáng được mọi người tin cậy.

Thánh Giacôbê đã nhắc lại giáo huấn của Đức Giêsu khi viết:

“Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không,

như thế anh em sẽ không bị xét xử” (Gc 5, 12).

Mọi thêm thắt đều do ác thần (c. 37).

Giáo hội sơ khai đã giữ lệnh truyền này một cách nghiêm túc.

Nhưng từ đầu thời Trung cổ, Giáo hội đã dùng các hình thức tuyên thệ.

Giáo sư trong các chủng viện vào đầu năm học, phải tuyên thệ

trung thành giảng dạy giáo lý chính thống của Giáo hội.

Các lời khấn của tu sĩ cũng là những lời thề hứa sống như Giêsu.

Dù sao chúng ta cũng là những con người mong manh, hay thay đổi.

Thề, hứa, khấn, tuyên thệ trọn đời, đều là những việc vượt sức con người.

Trung tín với điều mình đoan nguyện là bắt đầu đi vào vĩnh cửu.

Chỉ xin sự trung tín của Thiên Chúa nâng đỡ sự trung tín của chúng ta.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi Cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

Tagore

(Đỗ Khánh Hoan dịch)