Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 11 Thường niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 11 Thường niên

Thứ Hai tuần 11 Thường niên.

Thứ Ba tuần 11 Thường niên.

Thứ Tư tuần 11 Thường niên.

Thứ Năm tuần 11 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 11 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 11 Thường niên.

 

AI XIN, HÃY CHO

Thứ Hai tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 38-42

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì anh hãy cho; ai muốn vay mượn, thì anh đừng ngoảnh mặt đi.”

Suy niệm

Đoạn Tin Mừng hôm nay dễ bị đem ra nhạo cười,

vì có vẻ nó dung túng sự ác và biểu lộ một tinh thần yếu hèn bạc nhược.

Người ta hay nghĩ rằng nếu cứ sống theo tinh thần của Chúa Kitô

thì hẳn kẻ ác sẽ tha hồ tác oai tác quái trong thế giới này.

Tuy nhiên, chính vì con người muốn sống theo khuynh hướng tự nhiên,

nên thế giới hôm nay mới không ngớt chiến tranh và đau khổ.

Đánh phủ đầu là đánh trước khi người kia kịp đánh mình.

Trên thế giới mỗi ngày có biết bao vụ sát nhân chỉ vì một chút hờn oán.

“Mắt đền mắt, răng đền răng”

câu này thường được dùng để cho thấy sự tàn nhẫn của Cựu Ước.

Thật ra, Cựu Ước chẳng bắt người ta phải móc mắt, nhổ răng kẻ thù.

Câu này chỉ nhằm giới hạn việc báo thù trong mức độ cân xứng.

Trong xã hội mang tính bộ tộc của Israel thuở ban đầu,

“mắt đền mắt” đã là một tiến bộ đáng kể.

Đức Giêsu đi xa hơn khi đòi hỏi đừng chống cự lại người ác,

nghĩa là đừng lấy ác báo ác, đừng sống theo luật báo phục (lex talionis).

“Nếu bị ai vả má bên phải, hãy đưa cả má kia ra nữa” (c. 39).

Bị vả má bên phải nghĩa là bị tát bằng mu bàn tay phải.

Không phải là đau hơn, nhưng là nhục nhã hơn nhiều.

Đức Giêsu đã từng có kinh nghiệm này trong cuộc Khổ Nạn (Mt 26, 67).

“Đưa má kia” đơn giản chỉ có nghĩa là tránh trả thù, chịu mình ở thế yếu,

vì báo oán là chuyện của Thiên Chúa (Rm 12, 19-20).

“Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12,21).

“Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong, hãy để cho hắn lấy cả áo ngoài nữa” (c. 40).

Ở Đông phương, áo ngoài là quan trọng để chống cái lạnh ban đêm,

nên nếu bị cầm cố, thì cũng phải trả lại cho người ta có cái mà đắp (Đnl 24, 13).

Đưa cả áo trong lẫn áo ngoài cho kẻ kiện cáo mình

là chấp nhận bị trần trụi và xấu hổ, nếu ai đó chỉ có một bộ thôi.

Trong xã hội Paléttin bị đô hộ bởi đế quốc Rôma,

chuyện bị ép vác đồ dùm cho lính tráng vẫn hay xảy ra (x. Mt 27, 32).

“Người bắt anh đi một dặm, hãy đi với người ấy hai dặm” (c. 41).

Môn đệ Đức Giêsu, trước những ép buộc không mấy chính đáng,

chẳng những được mời ưng thuận, mà còn làm hơn cả điều bị ép buộc.

Câu cuối của bài Tin mừng cho thấy thái độ bác ái của Kitô hữu

trước những yêu cầu của có thật của tha nhân (c. 42).

Mở lòng ra trước người xin, người muốn vay mượn,

dù kẻ ấy là kẻ thù hay người không có khả năng hoàn trả.

Lời của Đức Giêsu hôm nay làm chúng ta choáng váng.

Lời này không đòi dẹp bỏ hệ thống pháp luật, cảnh sát hay nhà tù.

Nhưng nếu các Kitô hữu cứ để cho Lời này thấm vào lòng từ từ,

đời sống của họ sẽ được thay đổi một cách kỳ diệu,

và bộ mặt thế giới sẽ đổi khác.

Hiền hậu, bao dung, quảng đại, đó là điều thế giới hôm nay thiếu trầm trọng.

Gandhi, người say mê những câu Lời Chúa hôm nay, đã than phiền:

“Tôi thích Đức Kitô của các anh, nhưng tôi không thích các Kitô hữu.

Vì các Kitô hữu thì chẳng giống Đức Kitô mấy.”

Chỉ mong chúng ta có trái tim hiền hậu giống Đức Kitô hơn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

NHƯ CHA TRÊN TRỜI

Thứ Ba tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.”

Suy niệm

Bí tích Thánh Tẩy làm chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.

Nhưng bí tích Thánh Tẩy không phải chỉ là bí tích để lãnh nhận,

mà còn là bí tích để sống.

Trở nên con cái Thiên Chúa là tiến trình dài một đời người.

Kitô hữu trở nên con Cha trên trời nhờ bí tích Thánh Tẩy

và cũng nhờ cố gắng liên tục sống như Cha của mình.

Thiếu cố gắng này, người ta chỉ còn là Kitô hữu có tên trong sổ Rửa tội.

Bài Tin Mừng hôm nay thật là đỉnh cao của Kitô giáo.

Đức Giêsu dạy ta nẻo đường để trở nên con cái Cha trên trời (c. 45).

Đó là: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em”.

Cựu Ước dạy ta yêu người thân cận (Lv 19, 18).

Còn Đức Giêsu dạy ta yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ (c. 44).

Yêu ở đây không phải là chuyện của cảm xúc hay thích thú.

Dĩ nhiên chúng ta không thể yêu kẻ thù tha thiết như yêu cha mẹ mình được.

Yêu ở đây là chuyện của ý chí và hành động.

Chúng ta yêu kẻ thù, vì kẻ thù cũng là thụ tạo của Cha như ta.

Dù kẻ thù của ta có là kẻ xấu xa và bất chính,

nhưng họ vẫn được Cha trên trời dấu yêu.

Ngài cho mặt trời mọc lên mỗi sáng để nắng ấm đem lại sự sống cho họ.

Ngài cho mưa rơi xuống luống cày của họ để họ có của nuôi thân (c. 45).

Thiên Chúa không dành nắng hay mưa cho riêng người tử tế đạo đức.

Ngài bao dung và rộng rãi khi đối xử với mọi người.

Trở nên con cái Cha là mang những tâm tình sâu kín ấy của trái tim Cha.

Khi trái tim ta giống trái tim Cha,

ta sẽ nhìn kẻ thù bằng cặp mắt mới, sẽ cư xử với họ theo cung cách mới.

Lúc đó họ sẽ chẳng còn là kẻ thù nữa, mà là bạn.

Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của mình bước lên,

lên cao hơn cái tự nhiên, bình thường của người đời.

Dù là kẻ xấu, người thu thuế vẫn yêu kẻ yêu thương ông ta.

Người dân ngoại chưa biết Chúa vẫn chào hỏi anh em của họ (c. 46).

Điều mà Đức Giêsu đòi các Kitô hữu phải làm hơn người khác,

đó là yêu kẻ thù ghét mình, cầu nguyện cho kẻ làm khổ mình

và chào những kẻ chẳng bao giờ chào hỏi mình.

Làm thế là vượt lên trên tình cảm tự nhiên đang kéo trì mình xuống,

là giải thoát mình khỏi sức nặng của cái tôi nhỏ mọn, tự ái, kiêu căng.

Làm thế là bắt đầu đi vào trong nơi sâu nhất của trái tim Thiên Chúa.

“Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời” (c. 48).

Lý tưởng này thật là cao xa, sức người không vươn tới được.

Nhưng nếu ta tập quen yêu kẻ thù chung quanh ta,

– mà ai trong chúng ta lại không có kẻ thù –

thì chúng ta dần dần sẽ trở nên hoàn thiện.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

ĐẤNG THẤU SUỐT NHỮNG GÌ KÍN ĐÁO

Thứ Tư tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 6, 1-6.16-18

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

Suy niệm

“Đã mang tiếng ở trong trời đất,

phải có danh gì với núi sông.”

Danh tiếng để lại cho đời là điều khiến nhiều người bận tâm.

Có người hiến mình để làm những công trình lớn lao để lại cho hậu thế.

Nhưng cũng có người rơi vào thói háo danh,

làm mọi sự chỉ để tìm cho mình chút tiếng khen mau qua.

Trong Bài Giảng trên núi mà ta nghe hôm nay,

Đức Giêsu tố giác thói háo danh của những người đạo đức giả,

khi họ làm ba việc đạo đức căn bản là bố thí, cầu nguyện, ăn chay.

Ngài cũng cho thấy cách sống đạo của người môn đệ.

Làm các việc đạo đức để tìm tiếng khen, là một cám dỗ có thật.

Có người thổi kèn trong hội đường hay ngoài phố khi bố thí.

Có người thích đứng cầu nguyện tại giữa ngã ba đường.

Có người có mang bộ mặt thiểu não khi ăn chay.

Tất cả chỉ nhằm thu hút sự chú ý của nhiều người khác,

chỉ nhằm “cho người ta thấy”, “để người ta khen” (cc. 1. 2. 5. 16).

Họ làm những việc tốt lành, nhưng lại tìm mình, co quắp trên chính mình,

trong khi lẽ ra những việc này phải mở họ ra trước Thiên Chúa.

Đối với Đức Giêsu, được người ta khen là nhận được phần thưởng rồi,

nên cũng chẳng được Cha trên trời ban thưởng nữa (c. 1).

Họ được phần thưởng mau qua của người đời,

nhưng mất phần thưởng trọng hậu trong ngày sau hết.

Đức Giêsu mời các môn đệ đi vào cái kín đáo, thầm lặng,

nơi đó không có con mắt của người đời, không có tiếng khen chê.

Nơi đó kín đến mức tay trái không biết việc tay phải làm.

Nơi đó là căn phòng đóng cửa, để chỉ có Cha và anh gặp gỡ.

Cha là Đấng hiện diện ở nơi kín đáo (cc. 6. 18).

Cha cũng là Đấng thấy những gì được làm ở nơi kín đáo (cc. 4. 6. 18).

Cha thấy anh đã bố thí, cầu nguyện, ăn chay cách thầm lặng.

Chính Cha sẽ ban thưởng cho anh.

“Hữu xạ tự nhiên hương” có thể là một hình ảnh đẹp về người Kitô hữu.

Đời Kitô hữu là cuộc đời kín đáo thầm lặng, như bị che khuất.

Nhưng cũng là cuộc đời không che giấu được trước mắt mọi người.

Chính khi cái tốt được làm một cách vô cầu, thì nó lại tỏa ngát hương.

Không hẳn là chúng ta luôn luôn phải cầu nguyện trong phòng đóng cửa.

Cũng như không hẳn chúng ta phải tô son đánh phấn khi ăn chay.

Nhưng điều quan trọng là chúng ta làm mọi sự cho vinh danh Chúa.

Cầu nguyện

Ngày lại ngày, lạy Thiên Chúa,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan,

hai tay cung kính, lạy Thiên Chúa muôn loài,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Dưới bầu trời bao la,

trong cô đơn và thầm lặng,

với tấm lòng thanh tịnh,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Trong thế giới ồn ào vì nhọc nhằn,

huyên náo vì đấu tranh,

giữa đám đông hối hả lăng xăng,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan.

Và khi đã hoàn tất việc đời,

lạy Thiên Chúa muôn loài,

một mình, lặng lẽ,

tôi sẽ đứng trước Người chiêm ngưỡng dung nhan. Amen.

(R. Tagore,

Đỗ Khánh Hoan dịch)

 

LẠY CHA CHÚNG CON

Thứ Năm tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 6, 7-15

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Khi cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại; họ nghĩ rằng: cứ nói nhiều là được nhận lời. Đừng bắt chước họ, vì Cha anh em đã biết rõ anh em cần gì, trước khi anh em cầu xin.Vậy, anh em hãy cầu nguyện như thế này:

Lạy Cha chúng con là Đấng ngự trên trời,

xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển,

triều đại Cha mau đến,

ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày;

xin tha tội cho chúng con

như chúng con cũng tha

cho những người có lỗi với chúng con;

xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ,

nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ.

Thật vậy, nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.”

Suy niệm

Chúng ta không thể lèo lái hay ép buộc Thiên Chúa

bằng những lải nhải dài dòng hay bằng những câu thần chú.

Cầu nguyện không phải là thông báo cho Chúa biết nhu cầu của ta (c. 8).

Cha Teilhard de Chardin đã viết:

“Chúng ta phải cầu xin Chúa không phải vì lề luật buộc như thế,

cũng không phải vì Chúa không biết ta cần gì.

Không, kinh nguyện là tình yêu, là cách diễn tả tình yêu.”

Thiên Chúa thích nghe miệng chúng ta nói lên nhu cầu của mình.

Đức Giêsu dạy chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha, Abba, như Ngài đã gọi.

Abba là tiếng gọi âu yếm thân thương của đứa con đối với người cha.

Khi gọi Thiên Chúa là Cha, chúng ta thấy mình hết sợ hãi và xa cách.

Cha siêu việt và quyền uy, nhưng Cha không áp bức và bắt con làm nô lệ,

Cha cao sang ở trên trời nhưng Cha lại gần gũi với nhu cầu của con cái.

Ba lời cầu xin đầu tiên đều hướng về Cha: Danh Cha, Nước Cha, và Ý Cha.

Danh Cha được vinh hiển khi Nước Cha được thành tựu, Ý Cha được thể hiện.

Nước Cha đã đến rồi với sự hiện diện và hoạt động của Đức Giêsu,

nhưng chúng ta vẫn phải cầu xin cho Nước ấy mau đến cách viên mãn.

Ý Cha và quyền tối cao của Cha đã được thể hiện trọn vẹn trên trời rồi,

nhưng còn phải được thể hiện dưới đất nữa, nơi mọi người và nơi từng người.

Ba lời cầu đầu tiên, là những lời trực tiếp nài xin Cha.

Làm cho Danh Cha được biết đến, Nước Cha được nhìn nhận,

Ý Cha được tuân hành: đó là công việc của Cha cho đến tận thế.

Nhưng việc đó cũng cần sự cộng tác hằng ngày của mỗi Kitô hữu

qua việc họ sống tận căn những đòi hỏi gai góc của Nước Trời,

để cho thấy Nước Trời đã đến trên mặt đất.

Bốn lời cầu xin sau nhắm đến nhu cầu cụ thể của các môn đệ.

Xin lương thực hàng ngày là điều cần thiết cho họ,

những người nay đây mai đó, sống nhờ lòng tốt của người nghe.

Xin ơn tha thứ là điều ta cần mỗi ngày từ Chúa, sau bao sai lỗi,

mà cũng là điều ta phải trao lại cho anh em.

Xin Chúa đừng đưa chúng ta vào cơn thử thách quá sức chịu đựng

đến mức mất đức tin và quỵ ngã.

Nhưng xin Chúa gìn giữ và giải thoát chúng ta khỏi Ác Thần.

Kinh Lạy Cha giúp chúng ta trò chuyện với chính Thiên Chúa là Cha.

Chúng ta được mở ra trước thế giới trên trời nơi Cha ngự trị,

những cũng được mở ra trước thế giới dưới đất của con người.

Một thế giới có bao người thiếu bánh ăn, cần được chia sẻ.

Một thế giới có nhiều xung đột và hận thù, cần sự bao dung thứ tha.

Một thế giới hỗn loạn với bao điều phải chấn chỉnh cho hợp Ý Chúa.

Một thế giới không biết mình là anh em, con cùng một Cha.

Kinh Lạy Cha bao giờ cũng nhắc chúng ta về những điều dang dở…

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.

Xin đừng mỉm cười mà nói rằng

Chúa đã ở bên chúng con rồi.

Có cả triệu người chưa biết Chúa.

Nhưng biết Chúa thì được cái gì?

Chúa đến để làm gì

nếu đời sống con cái của Chúa

cứ tiếp tục y như cũ?

Xin hoán cải chúng con.

Xin lay chuyển chúng con.

Ước gì sứ điệp của Chúa

trở nên máu thịt của chúng con,

trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.

Ước gì sứ điệp đó

lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,

và đòi buộc chúng con,

làm chúng con không yên.

Bởi lẽ chỉ như thế,

sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con

bình an sâu xa,

thứ bình an khác hẳn,

đó là Bình An của Chúa. Amen.

(Hélder Câmara)

 

KHO TÀNG Ở ĐÂU, TIM Ở ĐÓ

Thứ Sáu tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 6, 19-23

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tích trữ cho mình những kho tàng dưới đất, nơi mối mọt làm hư nát, nơi kẻ trộm khoét vách và lấy đi. Nhưng hãy tích trữ cho mình những kho tàng trên trời, nơi mối mọt không làm hư nát, nơi trộm cắp không đào ngạch và lấy đi được. Vì kho tàng của anh ở đâu, thì tim anh ở đó. Ðèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!”

Suy niệm

Cuộc sống con người ở đời thật mong manh và bấp bênh.

Vì thế con người muốn tìm cho mình một cái gì chắc chắn.

Của cải vật chất hứa hẹn cho con người một chỗ dựa an toàn.

Càng có nhiều của cải thì càng vững:

nhiều người đã thành thật tin như vậy

nên đã suốt đời lo tích trữ một kho tàng trên trần gian.

Thầy Giêsu không tin như thế.

Đối với Thầy, kho tàng dưới đất cũng mong manh và bấp bênh.

Thời xưa mối mọt là kẻ thù đáng sợ của nhiều thứ tài sản (G 4, 19).

Nhà cửa, đồ đạc đều có thể làm mồi cho chúng.

Thật ra vật chất tự nó đã mang mầm mống hư hoại rồi.

Hơn nữa, sự đe dọa không chỉ đến từ bên trong.

Kẻ trộm là nguy hiểm có thực đối với những căn nhà thời ấy.

Hắn có thể đào ngạch, khoét vách làm bằng bùn,

để lấy đi những của cải thường được chôn dấu dưới đất (c. 19).

Kho tàng dưới đất quả là không bền.

Thầy Giêsu đề nghị chúng ta tích trữ một cách khôn ngoan hơn,

tích trữ một kho tàng gì đó mà mối mọt không đục khoét được

và kẻ trộm không sao ăn cắp được.

Đó là thứ kho tàng trên trời được tích trữ qua bao việc lành,

những việc ta làm theo ý Thiên Chúa.

Có một sự khác biệt lớn giữa kho tàng trên trời và kho tàng dưới đất.

Tích trữ kho tàng dưới đất khiến ta cậy dựa vào của cải đời này.

Tích trữ kho tàng trên trời đòi ta hoàn toàn cậy dựa vào Thiên Chúa.

Kho tàng ở đâu thì tim anh ở đó (c. 21).

Kho tàng trên trời sẽ nâng tim anh lên trời cao.

Kho tàng dưới đất sẽ kéo tim anh xuống đất thấp.

Trái tim là nơi sâu thẳm của tâm linh con người.

Chính vì thế thi thoảng cần kiểm tra xem tim mình đang ở đâu,

kho tàng nào đang khiến mình gắn bó.

Chúng ta phải ngừng theo đuổi những kho tàng mau qua

để gắn bó với những giá trị thực sự bền vững.

Con người thời nay cũng phải sống trong sự bấp bênh triền miên.

Càng tiến bộ kỹ thuật lại càng có nhiều bất ổn, bất trắc,

nên đời sống vẫn không vì thế mà được thư thái bình an.

Nhiều người đã cảm được sự phù du của vật chất và tiếng tăm.

Tiền bạc và quyền lực như nước trôi qua kẽ tay, chẳng ai nắm được.

Thầy Giêsu mời chúng ta đổi mới cái nhìn.

Đừng nhìn bằng mắt xấu, nghĩa là bằng cặp mắt thèm muốn, tham lam.

Hãy nhìn bằng mắt tốt, nghĩa là bằng cặp mắt siêu thoát, quảng đại.

Cái nhìn bằng mắt tốt sẽ đem lại ánh sáng cho toàn thân (c. 22).

Cái nhìn bằng mắt xấu sẽ gây ra bóng tối kinh khủng (c. 23).

Con mắt là ngọn đèn cho thân thể.

Ước gì con mắt tôi biết thấy Chúa là kho tàng đích thực của mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

NGƯỜI SẼ THÊM CHO

Thứ Bảy tuần 11 Thường niên

Lời Chúa: Mt 6, 24-34

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em có thể nhờ lo lắng mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang không? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Salômôn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”

Suy niệm

Chế độ nô lệ tưởng như đã không còn trên thế giới.

Nhưng ngày nay người ta vẫn nói đến những hình thức nô lệ mới.

Nước nghèo mất chủ quyền, chịu nô lệ cho nước giàu,

các phụ nữ trở nên nạn nhân của nô lệ tình dục,

trẻ em nô lệ cho chơi game, thanh niên nô lệ cho ma túy.

Xem ra khó tránh được chuyện bị làm nô lệ,

giữa một thế giới đề cao tự do và giải phóng.

Khi không muốn làm nô lệ cho ai,

con người lại trở nên nô lệ cho cái tôi ích kỷ.

Khi không chấp nhận lệ thuộc Đấng Tạo Hóa cao vời,

con người lại trở nên nô lệ cho các thụ tạo do mình tạo ra.

Đức Giêsu đặt chúng ta trước một chọn lựa.

“Anh em không thể đồng thời làm tôi Thiên Chúa và Tiền Của được.”

Nếu có hai chủ thì thế nào cũng yêu mến người này hơn người kia.

Giữa Thiên Chúa và Tiền Của, tôi sẽ gắn bó với ai hơn, tôi sẽ chọn ai?

Tôi không thể giả vờ thỏa hiệp để chọn cả hai, để được cả hai.

Thần Tài hứa hẹn cho tôi sự an toàn và hạnh phúc giả tạo,

còn Thiên Chúa hứa cho tôi hạnh phúc đích thực, vững bền.

Chỉ khi đặt Thiên Chúa lên trên mọi sự, tôi mới thật sự tự do.

Có sáu động từ lo trong bài Tin Mừng trên đây.

Đức Giêsu nhiều lần khuyên các môn đệ đừng lo (cc. 25. 31. 34).

Nhưng làm người ai lại không lo về ngày mai, trừ phi là trẻ thơ?

Trên thế giới bao người vẫn phải vật vã từng ngày với cơm ăn, nước uống?

Con người có thể sống vô tư như chim trời không

khi chim trời ngày nay cũng bị đe dọa không nơi trú ẩn?

Chúng ta cần hiểu cho đúng chữ lo của Đức Giêsu.

Ngài không dạy chúng ta sống vô trách nhiệm, phó mặc hay lười biếng.

Cái lo mà ta nên tránh là cái lo âu, lo sợ của người kém lòng tin (c. 30),

không tin rằng Thiên Chúa quý con người hơn mọi thụ tạo khác.

hơn giống chim trời, hơn hoa ngoài đồng nội.

Lo âu đó chi phối quá khiến người ta cứ loay hoay, bối rối tự hỏi:

ta sẽ ăn gì, uống gì hay mặc gì đây? (c. 31).

Lo âu này khiến người ta bất an và sợ hãi, vì là lo âu một mình,

quên rằng mình có Người Cha biết rõ những nhu cầu thiết yếu (c. 32),

và sẵn sàng lo cho mình những điều cần dùng (c. 33).

Lo âu này cũng khiến người ta tìm kiếm thỏa mãn nhu cầu của mình

hơn là ưu tiên tìm kiếm xây dựng Nước Thiên Chúa (c. 33).

Kitô hữu không phải là người ngây thơ, sống không lo ngày mai.

Kitô hữu là người biết lo liệu, lo toan cho cuộc sống của họ.

Nhưng họ không căng thẳng vì phải bơ vơ lo một mình.

Họ lo như một người con trưởng thành, cùng lo với Thiên Chúa Cha.

Họ lo một cách thư thái nhẹ nhàng như loài chim buổi sớm đi tìm thức ăn.

Kitô hữu nắm được chìa khóa của hạnh phúc, của no đủ và bình an.

Đó là cứ tìm kiếm Thiên Chúa trước tiên, mọi sự khác sẽ được ban dư dật.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con luôn vui tươi.

dù có phải lo âu và thống khổ,

xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;

nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,

những người – cũng như con –

đang cần một người bạn.

Nếu như con nên yếu đuối,

thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,

thông cảm và nhân từ hơn.

Nếu bàn tay con run rẩy,

thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.

Khi lâm tử,

xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật

như một lời kinh.

Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,

như một lời xin vâng cuối cùng.

Và con về nhà Chúa,

để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.