Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 15 Thường Niên

 

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 15 Thường Niên

 

Chúa Nhật 15 Thường niên, năm A.

Thứ Hai tuần 15 Thường niên.

Thứ Ba tuần 15 Thường niên.

Thứ Tư tuần 15 Thường niên.

Thứ Năm tuần 15 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 15 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 15 Thường niên.

 

 

NGHE VÀ HIỂU

Chúa Nhật 15 Thường niên, năm A

Lời Chúa: Mt 13, 1-23

Hôm ấy, Ðức Giêsu từ trong nhà đi ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Người rất đông, nên Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều.

Người nói: “Người gieo giống đi ra gieo giống. Trong khi người ấy gieo, thì có những hạt rơi xuống vệ đường, chim chóc đến ăn mất. Có những hạt rơi trên nơi sỏi đá, chỗ đất không có nhiều; nó mọc ngay, vì đất không sâu; nhưng khi nắng lên, nó liền bị cháy, và vì thiếu rễ nên bị chết khô. Có những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm nó chết nghẹt. Có những hạt lại rơi nhằm đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục. Ai có tai thì nghe”.

Các môn đệ đến gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.”

“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe. Vậy anh em hãy nghe dụ ngôn người gieo giống. Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục”.

Suy niệm

Dụ ngôn người gieo giống đầy tính lạc quan, hy vọng.

Ðức Giêsu gieo hạt giống Lời Chúa khắp nơi.

Có hạt bị chim trời ăn mất, khi chưa kịp nảy mầm.

Có hạt bị khô cháy khi chưa bám rễ.

Có hạt đã thành cây, nhưng bị gai làm chết ngạt.

Thực tế đau buồn ấy làm nản lòng nhiều người.

Ðức Giêsu đã gặp biết bao chống đối và thất bại.

Ngài có thật là Ðấng được Thiên Chúa sai đến

để thiết lập Nước Trời trên trần gian không?

May thay có những hạt rơi vào đất tốt,

và đem lại kết quả gấp bội.

Nhìn vào khuôn mặt của Giáo Hội hôm nay,

nhiều người thất vọng trước những khó khăn, khủng hoảng.

Ðức Giêsu khuyên ta hãy vững lòng.

Lời Chúa vẫn còn gặp được mảnh đất phì nhiêu.

Dụ ngôn người gieo giống đòi chúng ta phải xét mình

Có bao hạt Lời Chúa được gieo vào lòng tôi?

Ðâu là số phận của chúng?

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên mặt đường.

Tôi nghe mà không hiểu.

Không hiểu vì không muốn hiểu, vì cố tình né tránh,

bởi lẽ Lời Chúa đòi tôi hoán cải và từ bỏ mình.

Thế là Lời Chúa trượt đi như nước đổ lá khoai.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trên đất đá.

Tôi vội vã, hớn hở đón lấy ngay,

nhưng chỉ dừng lại ở bề mặt hời hợt.

Lời Chúa không đâm rễ sâu trong mảnh đất đời tôi.

Khi thử thách gay gắt của cuộc sống ập đến,

tôi té nhào và bỏ cuộc, chẳng dám sống Lời Ngài.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi trong bụi gai.

Bụi gai là nỗi lo âu chuyện đời, là đam mê của cải.

Bụi gai bóp nghẹt, làm cây Lời Chúa không sinh trái.

Có hạt rơi vào lòng tôi như rơi vào đất tốt.

Tôi nghe và hiểu.

Tôi hiểu được là nhờ dám sống Lời Chúa trong đời.

Chỉ ai hiểu nhờ sống mới đem lại mùa bội thu.

Dụ ngôn trên đòi tôi xét lại thái độ nghe Lời Chúa,

đòi tôi cải tạo lại mảnh đất lòng mình.

Có biết bao gai góc, đá sỏi trong mảnh đất đời tôi.

Có bao hạt giống bị mất mát vì tôi từ khước.

Nếu tôi dám để cho một câu Lời Chúa tự do lớn lên

thì đời tôi sẽ hoàn toàn thay đổi.

Hôm nay, tôi được mời gọi đi gieo hạt.

Nhưng trước hết, tôi cần được Lời Chúa biến đổi,

cần hiểu sâu nhờ dám sống Lời Chúa tận căn.

Xin Chúa giúp tôi tìm ra những lối gieo mới,

để Lời Chúa sai trái hơn trong thế giới hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

 

 

 

KHÔNG XỨNG VỚI THẦY

Thứ Hai tuần 15 Thường niên

Lời Chúa: Mt 10,34 – 11,1

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa người ta với cha mình, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà. Ai yêu cha hay yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai hay con gái mình hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được. Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy.Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ là một chén nước lã mà thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”

Khi Ðức Giêsu truyền dạy cho mười hai môn đệ xong, Người rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị.

Suy niệm

Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.

Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.

Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:

“Con thuyền đi qua

để lại sóng.

Đoàn tàu đi qua

để lại tiếng.

Đoàn người đi qua

để lại bóng.

Tôi không đi qua tôi

để lại gì?”

Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.

Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.

Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.

Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.

Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,

muốn gửi gấm qua những vần thơ này?

Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.

Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.

Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.

Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).

Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.

Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,

như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).

Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.

Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.

Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.

Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,

vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.

Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.

Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.

Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.

Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.

Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).

Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,

người ấy mới xứng đáng với Thầy.

Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,

người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).

Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,

nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?

Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.

Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,

tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.

Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:

“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,

để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,

để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,

để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,

xin làm cho con thật mạnh mẽ,

để không nỗi thất vọng nào

còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,

để ngay cả một ước muốn nhỏ

cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,

để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,

để không phải là con,

mà là chính Ngài đang sống.

 

 

KHÔNG SÁM HỐI

Thứ Ba tuần 15 Thường niên

Lời Chúa: Mt 11, 20-24

Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu quở trách các thành đã chứng kiến phần lớn phép lạ Người làm mà không sám hối: “Khốn cho các ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi các ngươi mà được làm tại Tia và Xiđôn, thì họ đã mặc áo vải thô, rắc tro lên đầu tỏ lòng sám hối. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, thành Tia và thành Xiđon còn được xử khoan hồng hơn các ngươi. Còn ngươi nữa, hỡi Caphácnaum, ngươi tưởng sẽ được nâng lên đến tận trời ư? Ngươi sẽ phải nhào xuống tận âm phủ! Vì nếu các phép lạ đã làm nơi ngươi mà được làm tại Xơđôm, thì thành ấy đã tồn tại cho đến ngày nay. Vì thế, Ta nói cho các ngươi hay: đến ngày phán xét, đất Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn các ngươi.”

Suy niệm

Lời giảng đầu tiên của Đức Giêsu là một lời mời sám hối (Mt 4, 17).

Những phép lạ Ngài làm cũng là một lời mời tương tự.

Phép lạ không phải chỉ là những biểu lộ của uy quyền và tình thương.

nhằm vén mở khuôn mặt của Thiên Chúa và của Con Ngài.

Phép lạ còn là lời mời gọi đổi đời, vì Nước Trời đã gần đến.

Đức Giêsu quở trách các thành đã lần lữa không chịu sám hối,

dù họ đã được chứng kiến phần lớn các phép lạ Ngài làm (c. 20).

“Khốn cho ngươi, hỡi Khoradin! Khốn cho ngươi, hỡi Bếtxaiđa!”

Đức Giêsu đã kêu than như một ngôn sứ, buồn phiền và đau đớn,

trước sự cứng lòng của những nơi mà Ngài đã đặt chân và thi ân.

Khoradin là một vùng ở tây bắc của Hồ Galilê (Mc 10, 13).

Nay chỉ còn là cánh đồng gạch vụn, với dấu tích của một hội đường.

Bếtxaiđa nghĩa là “nhà của cá”, nằm nơi sông Giođan đổ vào Hồ nói trên.

Thành này ngày nay cũng biến mất, có lẽ vì bị tràn ngập bởi phù sa.

Đức Giêsu đã so sánh hai thành này với hai thành dân ngoại Tia và Xiđôn.

Nếu Tia và Xiđôn nhận được sự hiện diện của Đức Giêsu,

hẳn họ đã ăn năn sám hối từ lâu rồi (c. 21).

Caphácnaum được coi là trụ sở của Đức Giêsu khi thi hành sứ vụ.

Nơi đây Ngài đã làm bao điều tốt lành (Mt 4, 13; 8, 5; 9, 1; 17, 24).

Vậy mà có vẻ nó lại không muốn đón nhận Đấng mang ơn cứu độ.

Phải chăng vì nó đã tự hào, tự cao trước những ơn Chúa ban?

“Ngươi sẽ được đưa lên tới tận trời sao? Ngươi sẽ bị tống xuống âm phủ.”

Đức Giêsu dám so sánh Caphácnaum với Xơđôm.

Xơđôm là một thành phố trụy lạc, đã bị thiêu hủy hoàn toàn (St 19, 25).

Ngài cho rằng Xơđôm mà được thấy những điều kỳ diệu Ngài làm,

hẳn nó đã hoán cải và còn tồn tại đến nay (c. 23).

Đến ngày phán xét, con người sẽ bị xét xử theo điều mình đã lãnh nhận.

Lãnh ít thì sẽ được khoan hồng nhiều hơn.

Mỗi người chúng ta thật sự chẳng rõ mình đã nhận được bao nhiêu.

Chúng ta dễ có thái độ tự cao của những người được gần gũi Chúa.

“Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt Ngài,

và Ngài cũng đã từng dạy dỗ trên các đường phố của chúng tôi” (Lc 13,26).

Nhưng điều quan trọng không phải là đã nghe giảng và đã thấy phép lạ.

Điều quan trọng là sám hối.

Những ơn lộc Chúa ban cho đời Kitô hữu lại đòi ta phải hoán cải nhiều hơn.

Chúng ta không thể coi mình là Caphácnaum để khinh Xơđôm được.

Thiên Chúa xét xử theo điều Ngài ban cho từng con người,

từng nền văn hóa hay văn minh, từng vùng đất hay từng tôn giáo.

Làm sao tôi có thể thấy được những phép lạ Chúa làm cho tôi mỗi ngày?

Có những phép lạ xảy ra đều đặn và bình thường nên tôi không nhận ra.

Mỗi cử chỉ yêu thương tôi nhận được cũng là phép lạ.

Mong tôi đáp lại phép lạ đó bằng một cử chỉ yêu thương.

Cầu nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì

Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì

Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì

Cha làm cho đời con.

 

 

CHA MẶC KHẢI

Thứ Tư tuần 15 Thường niên

Lời Chúa: Mt 11, 25-27

Khi ấy, Ðức Giêsu cất tiếng nói: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha. Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết Người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không biết Chúa Cha, trừ Người Con và kẻ mà Người Con muốn mặc khải cho.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay là một lời nguyện tự phát của Đức Giêsu.

Đó là một lời tạ ơn, một lời ngợi khen của Con dâng lên Cha.

Đức Giêsu gọi Thiên Chúa bằng từ Abba thân thương gần gũi,

nhưng Thiên Chúa ấy cũng là Đấng siêu việt ngàn trùng,

Đấng quyền uy tối thượng, Chúa Tể cả trời đất (c. 25).

Đức Giêsu ca ngợi Cha vì hành vi mặc khải của Cha cho con người.

Cha có một kế hoạch cứu độ nhân loại qua Con của Cha là Đức Giêsu.

Và Cha muốn vén mở kế hoạch đó cho con người biết.

Có những người đã thành tâm đón nhận, và có những người cố ý từ chối.

Nhưng tất cả đều không nằm ngoài chương trình của Cha (c. 26).

Lối nói kiểu Do thái của Đức Giêsu có thể khó hiểu đối với ta ngày nay:

“Cha đã giấu các điều này trước những người khôn ngoan thông thái.”

Thật ra, chẳng phải Thiên Chúa ghét bỏ hay phân biệt đối xử,

vì Ngài muốn cho mọi người được cứu độ (1 Tm 2, 4).

Chẳng phải Cha ghét bỏ các người khôn ngoan và cổ võ sự ngu dốt.

Ngài cũng không che giấu mầu nhiệm Nước Trời trước một ai.

Nhưng quả thật ai tự hào, tự mãn với hiểu biết khôn ngoan của mình,

và khép lại trước những gì vượt quá trí hiểu nông cạn của họ,

người ấy sẽ không có cơ may đón nhận được mặc khải của Thiên Chúa.

Một số kinh sư và người Pharisêu giỏi giang về Sách Thánh và truyền thống,

đã không thể đón nhận được cái hoàn toàn mới mẻ nơi giáo lý Đức Kitô,

vì họ quá bám víu vào cái biết cũ mà họ coi là tuyệt đối.

Nhưng các người bé mọn, ít tri thức và sách vở, lại dễ dàng đón nhận hơn.

Họ hồn nhiên mở ra trước mặc khải của Thiên Chúa qua Đức Giêsu.

Chính vì thế họ biết được những điều sức người không thể nào đạt tới.

Câu cuối (c. 27) là một mặc khải lớn của Đức Giêsu trong tư cách là Con.

Ngài cho thấy giữa Cha và Con có sự hiểu biết nhau cách độc nhất vô nhị.

“Không ai biết rõ Con trừ ra Cha và không ai biết rõ Cha trừ ra Con…”

Sự hiểu biết nhau thân tình và sâu xa này

như thể tạo ra một thế giới riêng giữa Cha và Con.

Muốn biết Cha phải nhờ Con, Đấng duy nhất có đủ thẩm quyền mặc khải.

Hơn nữa, muốn biết Con cũng phải nhờ Cha mặc khải.

Phêrô phải nhờ Cha mới biết được Đức Giêsu là ai (Mt 16, 17).

Nói chung Cha và Con làm nên một thế giới riêng tư, nồng ấm.

Nhưng thế giới ấy lại không khép kín, mà mở ra để mời con người vào.

Cha và Con đều muốn mặc khải thế giới ấy cho con người.

Cha đưa ta gặp Con, Con đưa ta gặp Cha.

Chỉ cần gặp Con hay Cha là có thể bước vào thế giới đó, để gặp cả Cha và Con.

Chị Edit Stein là một phụ nữ Do thái được coi là thông thái, trí tuệ.

Chị đậu tiến sĩ triết học với hạng tối danh dự tại Đức.

và là người cộng tác với ông tổ của Hiện tượng luận là triết gia Husserl.

Việc tìm kiếm Chân Lý đã dẫn chị đến với đạo Công giáo.

Chị đã đi tu Dòng Kín Cát Minh và đã bị giết tại trại giam của Đức quốc xã.

Chị Bênêđícta Thánh Giá được phong thánh năm 1998 bởi Đức Gioan Phaolô II.

Sự thông thái khiêm tốn đã giúp Chị gặp được Nước Trời như một kẻ bé mọn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

 

HIỀN HẬU VÀ KHIÊM NHƯỜNG

Thứ Năm tuần 15 Thường niên

Lời Chúa: Mt 11,28-30

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”

 

Suy niệm

Sống làm người ở đời ai tránh được gánh nặng.

Chẳng phải chỉ những người bốc vác ở cảng mới mang gánh nặng.

Gánh nặng gắn liền với phận người.

Có gánh nặng gia đình, gánh nặng nghề nghiệp, gánh nặng tuổi tác.

Có gánh nặng buồn đau của quá khứ, gánh nặng lo âu cho tương lai.

Xem ra mỗi người không vác nổi gánh nặng của mình.

Ai cũng thấy có lúc cần đến người khác.

Đức Giêsu nhìn thấy những ai đang mang gánh nặng vào thời của Ngài.

Đặc biệt những kẻ phải giữ chi li hơn 600 điều luật của phái Pharisêu.

Luật Chúa lẽ ra phải đem đến niềm vui hạnh phúc,

thì lại trở thành “những gánh nặng chất lên vai người ta” (Mt 23, 4).

Đức Giêsu mời đến với Ngài tất cả những ai đang vất vả,

tất cả những ai chưa là môn đệ của Ngài.

Ngài hứa sẽ cho họ được nghỉ ngơi trong tâm hồn (cc. 28. 29).

Sự nghỉ ngơi ở đây chính là sự bình an sâu xa của người được cứu độ,

được hưởng các mối phúc ngay từ bây giờ,

và bắt đầu được sống trong ngày Sabát vĩnh cửu với Thiên Chúa.

“Hãy đến với tôi; hãy mang ách của tôi; hãy học với tôi.”

Lời mời của Đức Giêsu lôi kéo những ai vất vả đến với Ngài.

Ngài mời họ làm môn đệ và sống theo giáo huấn của Ngài.

Trong Cựu Ước, ách tượng trưng cho Luật Thiên Chúa ban cho Môsê

Đi theo làm học trò Đức Giêsu, không phải là không có ách.

Ách của Đức Giêsu chính là lời giáo huấn của Ngài.

Lời giáo huấn ấy chúng ta đã được nghe trong Bài Giảng trên núi.

“Ách của tôi êm ái và gánh của tôi nhẹ nhàng” (c. 30).

Nhiều người không hiểu tại sao Đức Giêsu lại bảo ách mình êm ái,

khi mà Ngài đưa ra những đòi hỏi triệt để hơn,

tận căn hơn những đòi hỏi của Luật được giải thích bởi Môsê.

Thật ra sự êm ái nhẹ nhàng không bắt nguồn từ việc được đòi hỏi ít hơn,

nhưng đến từ tình yêu của tôi đối với Đức Giêsu.

Bài Tin Mừng hôm nay có 7 chữ tôi.

Cái tôi hiền hậu và khiêm nhường của Đức Giêsu thu hút tôi mến Ngài

Chính tình yêu làm cho ách và gánh của Ngài trở nên êm nhẹ.

Người ta thấy nặng nề khi bị áp lực phải giữ các luật lệ bên ngoài,

nhưng lại dễ làm theo sự thúc đẩy của một tình yêu bên trong.

Tự do hơn và vui tươi hơn, đó là điều ta cảm thấy khi sống cho Giêsu.

Làm sao để việc giữ đạo, theo đạo, sống đạo,

không trở thành một gánh nặng đè trên người Kitô hữu?

Làm sao để chúng ta tự do hơn và vui tươi hơn khi đến gặp Giêsu

và tìm được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn mình?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện.

 

 

TA MUỐN LÒNG NHÂN

Thứ Sáu tuần 15 Thường niên

Lời Chúa: Mt 12,1-8

Khi ấy, vào ngày Sabát, Ðức Giêsu băng qua một cánh đồng lúa; các môn đệ thấy đói và bắt đầu bứt lúa ăn. Những người Pharisêu thấy vậy, mới nói với Ðức Giêsu: “Ông coi, các môn đệ ông làm điều không được phép làm ngày sabát!” Người đáp: “Các ông chưa đọc trong Sách à? Vua Ðavít đã làm gì, khi vua và thuộc hạ đói bụng? Vua vào nhà Thiên Chúa, và đã cùng thuộc hạ ăn bánh tiến. Thứ bánh này, họ không được phép ăn, chỉ có tư tế mới được ăn mà thôi. Hay các ông chưa đọc trong sách Luật rằng ngày sabát, các tư tế trong Ðền Thờ vi phạm luật sabát mà không mắc tội đó sao? Tôi nói cho các ông hay: ở đây còn lớn hơn Ðền Thờ nữa. Nếu các ông hiểu được ý nghĩa của câu này: Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế, ắt các ông đã chẳng lên án kẻ vô tội. Quả thế, Con Người làm chủ ngày sabát.”

Suy niệm

Đức Khổng Tử đòi người quân tử phải có năm đức tính gọi là ngũ thường.

Đứng đầu của ngũ thường là lòng nhân.

Ngài viết: “Người quân tử mà bỏ đức nhân thì làm sao được gọi là quân tử?

Người quân tử dù trong một bữa ăn cũng không làm trái điều nhân,

dù trong lúc vội vàng cũng theo điều nhân (Luận Ngữ, IV, 5).

Trong giáo huấn của Đức Giêsu, lòng nhân có một chỗ đứng đặc biệt.

Hai lần câu này của ngôn sứ Hôsê được trích dẫn trong Mátthêu:

“Ta muốn lòng nhân, chứ đâu cần lễ tế” (9, 13; 12, 7).

Xem ra câu này không dễ hiểu, nên Ngài khuyên ta học cho biết ý nghĩa.

Giữ ngày sabát là điều rất quan trọng trong Do thái giáo.

Theo Luật Chúa, đó là ngày nghỉ ngơi, ngừng mọi công việc.

Đối với người Pharisêu, bứt lúa được xem như gặt lúa, nên là việc bị cấm làm.

Hành vi bứt lúa của các môn đệ bị coi là vi phạm ngày sabát.

Thay vì trách họ theo lời người Pharisêu, Thầy Giêsu lại bênh vực họ.

Ngài trưng dẫn trường hợp Đavít và các thuộc hạ khi đói bụng

đã ăn bánh thánh hiến vốn dành riêng cho các tư tế (Lv 24,5-9; 1 Sm 21,1-6).

Hiển nhiên đây là chuyện vi phạm Lề Luật vì có nhu cầu chính đáng.

Nếu chấp nhận chuyện Đavít thì càng phải chấp nhận chuyện của các môn đệ,

vì họ đi theo một Đấng mà Đavít phải gọi là Chúa (Mt 22, 43).

Luật giữ ngày sabát thật ra không phải là một đòi buộc luân lý tuyệt đối.

Các tư tế phải làm việc phụng sự Chúa, chuẩn bị các lễ vật vào ngày sabát.

Nếu họ được phép vi phạm ngày sabát mà không mắc tội (c. 5),

thì huống hồ là Thầy Giêsu và các môn đệ của Ngài,

những người làm việc cho Nước Trời, nhưng lại phải chịu đói nên mới bứt lúa.

Đức Giêsu không có thái độ bất kính với ngày sabát.

Nhưng Ngài là chủ ngày sabát, Ngài có quyền xác định điều gì được phép làm.

Ngài thấy gánh nặng đè lên con người bởi những cấm đoán chi li,

khiến con người ngột ngạt, mệt mỏi.

Giữ Luật phải đem lại cho con người hạnh phúc,

phải đi với lòng nhân.

Giữ Luật mà cứng nhắc, thiếu lòng nhân, lòng bao dung,

thì đó là thứ hy lễ Chúa không cần (Hs 6, 6).

Thật ra không có sự đối nghịch giữa luật lệ với lòng nhân.

Giữ luật là cách biểu lộ lòng nhân, vì luật trên hết là luật yêu thương.

Người giữ luật thực sự là người có khuôn mặt vui tươi và trái tim rộng mở.

Khi yêu thì người ta trở nên chi li.

Không phải chi li để xét đoán người khác.

Nhưng chi li vì thấy những nhu cầu nhỏ bé của tha nhân.

Chỉ xin giữ mọi luật lệ nhỏ bé thật chi li, chỉ vì yêu bằng tình yêu quá lớn.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,

nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.

Cho con biết yêu

những công việc bé nhỏ mỗi ngày,

những công việc âm thầm,

những bổn phận mà con làm vì yêu mến.

Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,

vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,

nhưng làm tim con đau đớn.

Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,

đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,

sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.

Hơn nữa, xin cho con can đảm,

dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,

nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người

và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.

Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,

xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,

con đường bé nhỏ và khiêm hạ.

Ước gì con được làm bạn của Chúa

trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,

và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.

 

 

HÀI LÒNG VỀ NGƯỜI

Thứ Bảy tuần 15 Thường niên

Lời Chúa: Mt 12,14-21

Khi ấy, nhóm Pharisêu bàn bạc để tìm cách giết Ðức Giêsu. Biết vậy, Ðức Giêsu lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói:

“Ðây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn,

đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người.

Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người.

Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân.

Người sẽ không cãi vã, không kêu to,

chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường.

Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy,

tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi,

cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng,

và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.”

Suy niệm

Chúng ta đã từng thấy một Đức Giêsu đầy uy quyền

trong Bài Giảng trên núi và trong các phép lạ (Mt 6-9).

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy một Đức Giêsu ở vào thế yếu.

Khi biết nhóm Pharisêu tìm cách giết mình thì Ngài lánh đi (c. 15).

Ngài đã lánh đi nhiều lần khi gặp chống đối và đe dọa.

Ngài lánh đi khi nghe tin Gioan bị nộp, rồi bị giết (Mt 4, 12; 14, 13).

Đức Giêsu không đối đầu với kẻ bách hại như Ngài đã dạy môn đệ (Mt 10, 23).

Ngài chỉ đón lấy cái chết khi Cha muốn.

Đức Giêsu có tiếng tăm nhưng cũng rất âm thầm.

Ngài chữa bệnh cho đám đông theo Ngài, nhưng lại muốn giữ kín (c. 16).

Ngài không muốn những phô trương rầm rộ, những biểu dương hoành tráng.

Đây là chọn lựa của Ngài ngay từ đầu sứ vụ

khi Ngài từ chối không nhảy xuống từ nóc đền thờ để người ta vỗ tay.

Và Ngài đã sống sự âm thầm này đến cuối đời

khi Ngài không bước xuống khỏi thập giá để được kẻ thù tin kính.

Sự Phục Sinh của Ngài có thể nói cũng là chuyện âm thầm,

vì Ngài chỉ hiện ra với các môn đệ của Ngài (1 Cr 15, 5-8).

Ngài chẳng hiện ra để đòi mạng Philatô, Caipha, Hêrốt…

Giáo hội nhỏ bé của Ngài cũng đã âm thầm lớn lên sau hai mươi thế kỷ.

Giáo hội này vẫn từ chối dùng quyền lực và bạo lực để xây dựng Nước Trời.

Các Kitô hữu đầu tiên đã thấy khuôn mặt người Tôi Trung nơi Đức Giêsu.

Đức Giêsu đã làm trọn từng nét của người Tôi Trung này (Is 42, 1-4).

Đây là người được Thiên Chúa yêu mến, tuyển chọn và hài lòng,

là người có Thần Khí Thiên Chúa, để được sai đến với muôn dân.

Người Tôi Trung này sẽ loan báo công lý trước muôn dân,

và sẽ đưa công lý đến toàn thắng (c. 20).

Tuy nhiên việc loan báo của người Tôi Trung này lại không ồn ào.

“Người sẽ không cãi vã, không kêu to,

chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường” (c. 19).

Đức Giêsu đã loan báo Tin Mừng như một lời mời gọi.

Ngài không dùng quyền năng Cha ban để đe dọa hay làm hại ai,

nhưng để phục vụ mọi người trong âm thầm và khiêm hạ.

Không bẻ gẫy cây lau bị giập, không làm tắt tim đèn leo lét (c. 20).

Nâng niu những gì còn có chút hy vọng,

gìn giữ những sự sống mong manh và khơi dậy những thiện chí còn ẩn giấu.

Đó là điều Đức Giêsu vẫn làm khi đến với những người bị loại trừ,

những tội nhân và người thu thuế.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nhắn nhủ các Đức Giám mục Việt Nam

trong buổi triều yết ngày 27-6-2009 như sau:

“Trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau,

chỉ mong Giáo hội có thể góp phần xứng đáng vào sinh hoạt quốc gia,

vào việc phục vụ tất cả người dân.”

Xin cho chúng ta biết sống phục vụ như người Tôi Trung Giêsu

để “xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng.”

Cầu nguyện

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy không gọi chúng con là tôi tớ,

Thầy cũng không chỉ coi chúng con là môn đệ.

Thầy còn coi chúng con như bạn hữu của Thầy,

vì Thầy đã thổ lộ cho chúng con

những điều riêng tư thầm kín nhất

trong tương quan giữa Thầy với Cha.

Hơn nữa, sau Phục Sinh,

Thầy đã gọi các môn đệ là anh em.

Mặc nhiên Thầy tự nhận mình là Anh Trưởng

đứng đầu một đoàn em đông đúc.

Xin cho chúng con

luôn thi hành ý muốn của Cha

để trở nên những người em

cùng huyết nhục với Thầy.

Lạy Thầy Giêsu, Thầy đã nâng chúng con lên

làm môn đệ, làm bạn, làm anh em của Thầy.

Còn Thầy lại hạ mình xuống

phục vụ chúng con như người tôi tớ,

rửa chân cho chúng con như một nô lệ

và chết thay cho chúng con trên thập giá.

Xin cho chúng con hiểu được tấm lòng của Thầy

và sống yêu thương mọi người như anh em. Amen.

 

 

 

print