Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 19 Thường Niên
Chúa Nhật 19 Thường niên, năm A.
XIN CHO CON ĐI TRÊN MẶT NƯỚC
Chúa Nhật 19 Thường niên, năm A
Lời Chúa: Mt 14, 22-33
Sau khi đã làm phép lạ cho năm ngàn người ăn no, Ðức Giêsu liền bảo các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến, Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên. Ðức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” Ông Phêrô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Ðức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!” Ông Phêrô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Ðức Giêsu. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!” Ðức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?” Khi Thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”
Suy niệm
Giữa lúc dân chúng định tôn Ðức Giêsu làm Vua,
sau khi đã được no nê bánh và cá,
thì Ngài lại giải tán họ,
và buộc các môn đệ phải chèo thuyền qua bờ bên kia.
Yên lặng trở lại với nơi hoang vắng.
Chỉ còn một mình Ðức Giêsu, cầu nguyện.
Ngài chìm sâu trong gặp gỡ Cha, Ðấng sai Ngài.
Nhưng Ðức Giêsu không quên các môn đệ.
Ngài biết họ đang vật lộn với sóng gió, một mình.
Kinh nghiệm cam go này thật cần cho họ.
Mãi gần sáng, Ngài mới đi trên mặt nước mà đến.
Các môn đệ tưởng là ma, nên kêu la sợ hãi.
Ðức Giêsu trấn an họ: “Hãy yên tâm, Thầy đây, đừng sợ.”
Tuy còn ngờ vực, Phêrô đã dám liều đề nghị:
“Nếu quả là Thầy, thì xin cho con
được đi trên mặt nước mà đến với Thầy.”
Thật là một lời đề nghị làm ta kinh ngạc.
Phêrô có thể chỉ cần nói:
Nếu quả là Thầy, thì xin cho sóng gió yên lặng.
Nói như thế dễ hơn nhiều, ít nguy hiểm hơn nhiều.
Nhưng Phêrô đã chấp nhận dấn thân nghiêm túc.
Nếu không phải là Thầy, thì thật là dại dột.
Nhưng nếu đúng là Thầy,
thì ông tin mình cũng đi được trên mặt nước như Thầy.
Ðức Giêsu chấp nhận đề nghị của Phêrô: “Cứ đến.”
Thế là Phêrô bước ra, đi trên mặt nước, đến với Ðức Giêsu.
Thật không thể tưởng tượng nổi,
mặt nước trở nên cứng như đá,
hay con người có đức tin trở nên nhẹ bổng.
Phêrô đi được bao xa, ta không rõ,
nhưng lòng ông thì cứ reo lên sau mỗi bước đi:
“Ðúng là Thầy rồi!”
Phải tin thì mới dám xin đi trên mặt nước,
nhưng phải dám đi trên mặt nước, thì mới tin trọn vẹn.
Cần ngắm nhìn những bước chân của Phêrô,
những bước chân của lòng tin mạnh mẽ.
Nhưng khi gió lồng lên dữ dội, nỗi sợ hãi ùa vào,
lòng tin bị chao đi với sóng,
lúc đó Phêrô thấy mình bị hút xuống lòng biển.
Ông chỉ kịp kêu lên: “Lạy Thầy, xin cứu con.”
Bàn tay Chúa đưa ra nắm lấy ông và đưa ông về thuyền.
“Người kém tin, tại sao lại hoài nghi!”
Hoài nghi và sợ hãi đã làm Phêrô trở nên nặng nề,
và nhận chìm ông xuống.
Chúng ta chỉ bắt đầu hiểu tin là gì
khi phải chịu lênh đênh giữa sóng gió và đêm tối
chỉ vì Chúa buộc phải ra đi,
khi dám xin đi trên mặt nước
dù Chúa chỉ là cái bóng trước mặt.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
con chẳng dám xin đi trên mặt nước như Phêrô,
nhưng nhiều khi con cảm thấy
sống đức tin giữa lòng cuộc đời
chẳng khác nào đi trên mặt nước.
Có bao thứ sóng gió đẩy đưa và lôi cuốn.
Có bao cám dỗ muốn hút con vô vực sâu.
Cả sự nặng nề của thân xác con
cũng kéo ghì con xuống.
Đi trên mặt nước cuộc đời chẳng mấy dễ dàng.
Nhiều khi con thấy mình bàng hoàng sợ hãi.
Xin cứu con khi con hầu chìm.
Xin nắm lấy tay con khi con quỵ ngã.
Xin nâng đỡ niềm tin yếu ớt của con,
để con trở nên nhẹ tênh
mà bước những bước dài hướng về Chúa. Amen.
ĐỂ KHỎI LÀM CỚ SA NGÃ
Thứ Hai tuần 19 Thường niên
Lời Chúa: Mt 17, 22-27
Khi thầy trò tụ họp ở miền Galilê, Đức Giêsu nói với các ông: “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ngày thứ ba Người sẽ trỗi dậy.” Các môn đệ buồn phiền lắm.
Khi thầy trò tới Caphácnaum, thì những người thu thuế cho đền thờ đến hỏi ông Phêrô: “Thầy các ông không nộp thuế sao?” Ông đáp: “Có chứ!” Ông về tới nhà, Ðức Giêsu hỏi đón ông: “Anh Simon, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu thuế? Con cái mình hay người ngoài?” Ông Phêrô đáp: “Thưa, người ngoài.” Ðức Giêsu liền bảo: “Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh.”
Suy niệm
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi mỉm cười,
khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá,
một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường.
Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được,
bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan,
vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30, 14)
những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp
để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó.
Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao,
và phép lạ đã xẩy ra như thế nào.
Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước
Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy.
Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế
lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này.
Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu.
Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế,
vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26).
Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc.
Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao.
Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13, 38),
và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6, 9).
Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế.
Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác.
Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế,
nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm.
Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum,
Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ.
Thầy biết mình có tự do,
nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác.
Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn về việc ăn đồ cúng.
“Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch,
nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14, 20).
Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn.
Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm.
Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu.
Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm.
Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn.
Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông,
nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng.
Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó
chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác,
thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng.
Cầu nguyện
Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.
Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.
Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.
Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh.
Amen.
(dịch theo Learning Christ)
EM NHỎ VÀ KẺ BÉ MỌN
Thứ Ba tuần 19 Thường niên
Lời Chúa: Mt 18, 1-5.10.12-14
Khi ấy, các môn đệ lại gần hỏi Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Ðức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ em, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời. Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. Còn ai tiếp đón một em nhỏ như thế này vì danh Thầy, là đón tiếp chính Thầy. Anh em hãy coi chừng, chớ khinh một ai trong những kẻ bé mọn này; quả thật, Thầy nói cho anh em biết: các thiên thần của họ ở trên trời không ngừng chiêm ngưỡng nhan Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời.”
“Anh em nghĩ sao? Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao? Và nếu may mà tìm được, thì Thầy bảo thật anh em, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc. Cũng vậy, Cha của anh em, Ðấng ngự trên trời, không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Suy niệm
Làm lớn ở trong nhóm hay trong Giáo Hội,
đó vẫn là mối bận tâm gây tranh cãi giữa các môn đệ Thầy Giêsu.
Sau khi Thầy loan báo lần thứ hai về cuộc Khổ nạn (Mt 17, 22-23),
các môn đệ vẫn bị hút vào câu hỏi ai là người lớn nhất (c. 1).
Như một nhà sư phạm khéo léo, Thầy Giêsu đã gọi một em nhỏ lại,
đặt em đứng giữa các ông, và đưa ra câu trả lời.
Câu trả lời của Thầy chắc đã làm các môn đệ bị sốc.
Trong xã hội Do thái thời Đức Giêsu, trẻ em không có vai vế gì,
cũng chẳng có chút quyền hành hay sự độc lập.
Chúng không phải là biểu tượng cho sự trong trắng, ngây thơ,
cho bằng là biểu tượng cho sự tùy thuộc, lệ thuộc vào người lớn.
Khi đặt một em nhỏ bằng xương bằng thịt giữa các ông,
Thầy Giêsu đã đưa ra câu trả lời rồi.
Đối với Thầy, điều kiện để vào Nước Trời mai sau,
là phải trở nên như trẻ em (c. 3).
Muốn trở nên như trẻ em, cần phải trở lại, nghĩa là quay lại, hoán cải.
Chỉ người lớn nào dám đổi hướng sống, mới có thể trở nên trẻ thơ.
Chỉ ai dám rũ bỏ đam mê về quyền lực và tiếng tăm, về địa vị và chỗ đứng,
người ấy mới có thể vào Nước Trời.
Nước Trời là Nước của trẻ thơ,
và những ai trở nên giống trẻ thơ nhờ hoán cải.
Vậy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?
Thầy Giêsu trả lời, đó là người tự hạ, thấp kém như một em nhỏ (c. 4).
Để vào được Nước Trời, để làm người lớn nhất trong Nước đó,
cần trở nên như trẻ thơ, tay trắng, không tự hào, tự mãn về mình,
không cậy dựa vào đạo đức của bản thân, nhưng vào tình thương của Chúa.
Như thế người lớn nhất trong Nước Trời lại là người nhỏ bé, khiêm nhu.
Thầy Giêsu không chỉ giúp môn đệ hiểu xem ai là người lớn nhất thực sự,
Ngài còn dạy họ biết quý giá trị của từng con người trong cộng đoàn.
Cộng đoàn tín hữu nào cũng có những môn đệ yếu kém mặt này, mặt khác.
Ở đây họ được gọi là những kẻ bé mọn.
Thầy Giêsu nhấn mạnh đến phẩm giá của những kẻ bé mọn này.
Không ai được phép khinh rẻ một người nào trong nhóm họ.
Họ được bảo trợ bởi các thiên thần riêng,
và các thiên thần của họ vẫn chiêm ngưỡng nhan Cha ở trên trời (c. 10).
Có những môn đệ bé mọn bị sa ngã, lạc lối.
Thái độ của người lãnh đạo là để lại chín mươi chín con chiên
để đi tìm một con chiên lạc.
Cả con chiên lạc cũng vẫn có giá trị khiến ta phải tốn công sức để tìm về.
“Thiên Chúa không muốn cho một ai trong những kẻ bé mọn này phải hư mất.”
Chính vì thế từng con chiên lạc đều đáng chúng ta trân trọng.
Khi nhìn trẻ nhỏ và kẻ bé mọn trong cộng đoàn bằng cặp mắt của Chúa,
chúng ta sẽ biết cư xử tử tế và kính trọng họ hơn.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.
SỬA LỖI NGƯỜI ANH EM
Thứ Tư tuần 19 Thường niên
Lời Chúa: Mt 18, 15-20
Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ.”
Suy niệm
Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.
Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn
thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).
Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,
vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,
thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ
mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.
Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.
Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).
Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.
Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.
Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.
Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,
nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.
Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.
Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.
Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,
thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).
Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,
không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,
nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,
thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.
Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,
nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:
coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,
kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,
kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.
Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,
thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.
Đức Giêsu Phục Sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô
được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)
khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).
Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.
Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,
thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).
Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,
thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).
Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).
Đức Giêsu Phục Sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).
Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng
nơi những cuộc hội họp nhỏ bé nhất giữa các tín hữu.
Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.
Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.
Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu,
cuộc đời chúng con diễn ra quanh những chiếc bàn,
làm bằng những chất liệu khác nhau,
kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.
Nơi bàn học,
Ngài mở trí tuệ chúng con
trước những chân trời mới,
và dạy chúng con học đạo làm người.
Nơi bàn ăn,
Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con
để chúng con có sức phục vụ tha nhân.
Nơi bàn làm việc,
Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài
trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.
Nơi bàn thờ,
Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,
và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.
Lạy Chúa,
giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,
để gặp gỡ, chia sẻ, để bàn bạc, thảo luận,
để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.
Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng
để tất cả trở nên con đường
đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.
BẢY MƯƠI LẦN BẢY
Thứ Năm tuần 19 Thường niên
Lời Chúa: Mt 18, 21 – 19, 1
Khi ấy, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.” Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: ‘Trả nợ cho tao!’ Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: ‘Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.’ Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: ‘Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?’ Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”
Khi Ðức Giêsu giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Galilê và đi đến miền Giuđê, bên kia sông Giođan.
Suy niệm
Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.
Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.
Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,
lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.
Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.
Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,
trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?
Dù một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,
nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.
Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.
Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.
Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.
“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).
Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế
khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.
Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.
Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).
Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.
Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.
Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.
Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.
Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:
“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,
như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (c. 33).
Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát
chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.
Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ
phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.
Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,
bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).
Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta
chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.
Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.
Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.
Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.
Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,
Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.
Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.
Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.
Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).
Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.
Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.
Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.
Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…
Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?
Cầu nguyện
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các Kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
MỘT XƯƠNG MỘT THỊT
Thứ Sáu tuần 19 Thường niên
Lời Chúa: Mt 19, 3-12
Khi ấy, những người Pharisêu đến gần Ðức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: ‘Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ’, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.’ Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” Họ thưa với Người: “Thế sao ông Môsê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ?” Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không thế đâu. Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.” Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu. Quả vậy, có những người là hoạn nhân vì từ lòng mẹ sinh ra đã như thế; có những người là hoạn nhân vì bị người ta hoạn; và có những người là hoạn nhân do họ tự ý sống như thế vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”
Suy niệm
“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”
Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,
và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.
Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng
ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.
Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể.
Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.
Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu,
người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.
Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,
nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.
Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”
Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).
Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.
Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.
Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.
Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).
Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.
Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)
để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).
Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)
để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.
“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,
mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.
Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)
và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.
Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).
Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê
và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.
Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.
Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.
Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.
Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng
mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.
Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.
Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,
khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,
khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,
khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…
khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.
Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,
bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…
để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.
Cầu nguyện
Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.
ĐỂ TRẺ EM ĐẾN VỚI THẦY
Thứ Bảy tuần 19 Thường niên
Lời Chúa: Mt 19, 13-15
Khi ấy, người ta dẫn trẻ em đến với Ðức Giêsu, để Người đặt tay trên chúng và cầu nguyện. Các môn đệ la rầy chúng. Nhưng Ðức Giêsu nói: “Cứ để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng, vì Nước Trời thuộc về những ai giống như chúng.” Người đặt tay trên chúng, rồi đi khỏi nơi đó.
Suy niệm
Bàn tay con người thật là cao quý.
Trong Cựu Ước, Đức Chúa muốn ông Môsê đặt tay trên ông Giosuê
để chia sẻ cho ông này quyền lãnh đạo dân (Ds 27, 18. 23).
Cụ Giacóp đã chúc phúc cho hai đứa cháu là Épraim và Mơnase
bằng cách đưa hai tay đặt trên đầu chúng (St 48, 14).
Cử chỉ đặt tay trên cũng thường thấy trong Giáo Hội thuở ban đầu.
Chúa Thánh Thần được trao ban qua việc đặt tay (Cv 8, 17-19; 19, 6).
Qua đặt tay, bảy phó tế đầu tiên lãnh nhận sứ vụ (Cv 6, 6).
Bácnaba và Saolô cũng được đặt tay sai để sai đi truyền giáo (Cv 13, 3).
Bàn tay Thiên Chúa là khí cụ che chở, đỡ nâng.
“Ngài bao bọc con cả sau lẫn trước,
bàn tay của Ngài, Ngài đặt trên con (Tv 138, 5).
Bàn tay của Đức Giêsu đóng vai trò lớn trong sứ vụ.
Ngài chữa anh mù bằng cách đặt tay trên mắt anh (Mc 8, 25).
Ngài cũng chữa bà còng lưng theo cách tương tự (Lc 13, 13).
Người ta xin Ngài đặt tay để chữa một anh điếc và ngọng (Mc 7, 32),
thậm chí đặt tay để hoàn sinh một em gái mới chết (Mt 9, 18).
Trong bài Tin Mừng hôm nay,
Cha mẹ của các em đã đưa các em đến với Đức Giêsu,
để được Ngài đặt tay trên chúng và cầu nguyện (c. 13).
Họ tin phúc lành đến với con cái họ qua cử chỉ ấy.
Cuối cùng, Đức Giêsu đã đặt tay trên các em nhỏ và cầu nguyện,
trước khi tiến về Giêrusalem để chịu khổ nạn (c. 15).
Nhưng các môn đệ lại bực bội và la rầy cha mẹ của các em.
Có lẽ đối với họ, Thầy Giêsu còn nhiều việc lớn lao để làm
hơn là mất thì giờ để chúc lành cho mấy em bé.
Đức Giêsu hoàn toàn không đồng ý với thái độ coi thường này.
Ngài nói thẳng: “Hãy để trẻ em đến với Thầy, đừng ngăn cấm chúng.”
Đến với Thầy Giêsu là quyền lợi của mọi trẻ em,
người lớn không được phép xâm phạm.
Ngài đưa ra lý do khiến các môn đệ phải tôn trọng trẻ em:
“vì Nước Trời là của những ai giống như chúng” (c. 14).
Như thế trẻ em, tuy không có chỗ cao trong xã hội,
nhưng lại có chỗ vững chãi trong Nước Trời.
Trẻ em có chỗ vì chúng hồn nhiên sống lệ thuộc vào cha mẹ,
và đón nhận mọi sự từ người khác với lòng biết ơn.
Những người lớn muốn vào Nước Trời phải nên giống chúng.
Đây là một tiến trình khó khăn và lâu dài,
vì người lớn phải quay lại, phải hoán cải để trở nên đơn sơ như trẻ thơ,
phải tự hạ mình xuống, bỏ đi những tự hào, tự mãn về mình (Mt 18, 3-4).
mở lòng đón lấy Nước Trời như quà tặng nhưng không.
Như thế trẻ thơ lại là mẫu mực cho các môn đệ của Thầy Giêsu.
Nước Trời dành cho trẻ thơ và những ai trở nên giống chúng.
Trẻ em có chỗ trong Nước Trời và trong Giáo Hội tại thế.
Các em cũng là thành viên trong cộng đoàn đức tin.
Lời dạy của Đức Giêsu vẫn mãi âm vang nơi chúng ta:
“Hãy để trẻ em đến với tôi, đừng ngăn cấm chúng.”
Chúng ta đã làm gì để đưa các em đến với Giêsu?
Cầu nguyện
Lạy Chúa Giêsu, vì con bé nhỏ,
nên xin yêu ngài bằng khả năng bé nhỏ của con.
Cho con biết yêu
những công việc bé nhỏ mỗi ngày,
những công việc âm thầm,
những bổn phận mà con làm vì yêu mến.
Cho con biết yêu những hy sinh bé nhỏ mỗi ngày,
vui lòng đón nhận những thánh giá tuy nhỏ,
nhưng làm tim con đau đớn.
Cho con biết yêu tinh thần bé nhỏ của trẻ thơ,
đơn sơ thú nhận mình yếu đuối và bất lực,
sung sướng nương tựa vào duy một mình Chúa.
Hơn nữa, xin cho con can đảm,
dám chọn những gì giúp con trở nên bé nhỏ hơn,
nhờ đó con vui tuoi phục vụ mọi người
và hạnh phúc khi thấy Chúa lớn lên trong con.
Mỗi lần bị cám dỗ tự cao,
xin cho con biết ngắm nhìn con đường Chúa đã đi,
con đường bé nhỏ và khiêm hạ.
Ước gì con được làm bạn của Chúa
trên đường từ Bêlem đến Núi Sọ,
và được ở bên Chúa trong Nước Trời. Amen.