Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 20 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 20 Thường Niên

 

Chúa Nhật 20 Thường niên, Năm A

Thứ Hai tuần 20 Thường niên.

Thứ Ba tuần 20 Thường niên.

Thứ Tư tuần 20 Thường niên.

Thứ Năm tuần 20 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 20 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 20 Thường niên.

 

LÒNG TIN CỦA BÀ MẠNH THẬT

Chúa Nhật 20 Thường niên, Năm A

Lời Chúa: Mt 15, 21-28

Hôm ấy, Ðức Giêsu lui về miền Tia và Xiđôn, thì này có một người đàn bà Canaan, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là con vua Ðavít, xin dủ lòng thương tôi. Ðứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm!” Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi!” Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi.” Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi!” Người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.” Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống.” Bấy giờ Ðức Giêsu đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

Suy niệm

Một người mẹ có đứa con gái bị quỷ ám.

Bà là dân ngoại, còn Ðức Giêsu là người Do Thái.

Ít khi Ngài đến vùng đất quê hương của bà.

Không rõ nhờ đâu mà bà biết được Ðức Giêsu.

Khi thấy Ngài, bà tin rằng cơ may đã đến,

con bà hoàn toàn có hy vọng khỏi bệnh.

Ðức Giêsu khen bà là người có lòng tin lớn lao.

Khi đọc lại đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy điều đó.

Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi Chúa thinh lặng.

Bà xin Ngài nhìn đến nỗi đau của người mẹ,

đau vì nỗi đau của đứa con.

Nhưng Ðức Giêsu không đáp lại một lời.

Phải chăng Ngài lạnh lùng trước nỗi đau,

lãnh đạm trước điều Ngài có thể làm được?

Lắm khi chúng ta cũng gặp sự thinh lặng như thế.

Chúng ta khắc khoải tự hỏi:

Chúa có nghe gì không? Chúa có thấy gì không?

Lòng tin lớn lao biết kiên trì khi bị từ chối.

Bà chẳng ngã lòng trước sự thinh lặng của Ðức Giêsu.

Bà cứ đi sau mà kêu, kêu hoài, kêu mãi.

Rồi bà trực tiếp giáp mặt Ngài,

và nài xin Ngài cứu giúp.

Kết quả là một lời từ chối không khoan nhượng:

“Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó con.”

Bà có bị sốc không

khi Ðức Giêsu ví dân ngoại với chó con nuôi trong nhà

không đáng được hưởng phần bánh của con dân Israel?

Chắc chắn bà đã chẳng thất vọng trước lời từ chối này.

Lòng tin lớn lao là lòng tin khiêm tốn.

Bà chấp nhận lối so sánh của Ðức Giêsu.

Bà chấp nhận mình chỉ là chó con,

chỉ dám trông chờ những vụn bánh từ bàn rơi xuống.

Bà không dám mong được phần ăn của các con.

Sức mạnh của lòng tin ở nơi sự khiêm tốn.

Tin không phải là đòi hỏi.

Tin là chờ đợi tất cả từ tay Chúa,

và đón lấy tất cả như hồng ân nhưng không.

Ðức Giêsu từ chối giúp người phụ nữ dân ngoại

vì Ngài thấy rõ sứ vụ Cha giao cho Ngài:

Ngài chỉ được Cha sai đến với người Israel thôi.

Nhưng Ðức Giêsu không cứng nhắc trong nguyên tắc.

Ngài tin Cha vẫn nói với Ngài qua mọi cảnh ngộ,

nên Ngài cứ để cho trái tim Ngài được tự do mở ra,

ngỡ ngàng và ngây ngất trước lòng tin của người phụ nữ.

Ngài để cho mình bị chinh phục

và chấp nhận thay đổi quyết định ban đầu.

Thay đổi không phải là phản bội hay thiếu ý chí.

Thay đổi là trung thành và uyển chuyển

để có thể nắm bắt được ý Cha mới hé lộ cho ta.

Ước gì chúng ta để Cha dẫn đi từng ngày,

và mở chúng ta ra trước những chân trời mới.

Cầu nguyện

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,

những ơn con thấy được,

và những ơn con không nhận là ơn.

Con biết rằng

con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,

biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.

Con thường đau khổ vì những gì

Cha không ban cho con,

và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.

Tạ ơn Cha vì những gì

Cha cương quyết không ban

bởi lẽ điều đó có hại cho con,

hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.

Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha

dù con không hiểu hết những gì

Cha làm cho đời con.

 

 

 

 

TÔI CÒN THIẾU ĐIỀU GÌ?

Thứ Hai tuần 20 Thường niên

Lời Chúa: Mt 19, 16-22

Khi ấy, có một người đến thưa Ðức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì tốt để được hưởng sự sống đời đời?” Ðức Giêsu đáp: “Sao anh hỏi tôi về điều tốt? Chỉ có một Ðấng tốt lành mà thôi. Nếu anh muốn vào cõi sống, thì hãy giữ các điều răn.” Người ấy hỏi: “Ðiều răn nào?” Ðức Giêsu đáp: “Ngươi không được trộm cắp. Ngươi không được làm chứng gian. Ngươi phải thờ cha kính mẹ” và “Ngươi phải yêu đồng loại như yêu chính mình.” Người thanh niên ấy nói: “Tất cả những điều đó, tôi đã tuân giữ, tôi còn thiếu điều gì nữa?” Ðức Giêsu đáp: “Nếu anh muốn nên hoàn thiện, thì hãy đi bán tài sản của anh và đem cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, người thanh niên buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay gồm sáu câu đối thoại qua lại

giữa Đức Giêsu với một anh thanh niên giàu có.

Hẳn anh ấy là một người có thiện chí, khi anh đến gặp Đức Giêsu

để hỏi về chuyện phải làm điều tốt nào để có sự sống đời đời (c. 16).

Như thế sự sống đời đời là điều anh quan tâm,

và anh thực sự muốn biết cách hành động để đạt đến sự sống ấy.

Thầy Giêsu đã cho anh một câu trả lời đơn giản: hãy giữ các điều răn.

Thầy đã kể cho anh sáu điều răn (cc. 18-19),

bốn điều cấm làm và hai điều phải làm, tất cả đều liên quan đến tha nhân.

Anh cho biết mình đã sống mọi điều răn đó.

Dù vậy, anh vẫn mang trong mình một thao thức.

Chính thao thức ấy đã đưa anh đến với Thầy Giêsu để hỏi:

“Tôi còn thiếu điều gì?” (c. 20).

Anh chờ mong một câu trả lời từ vị Thầy mà anh quý mến.

Anh muốn làm một cái gì đó, muốn biết điều mình còn thiếu.

Câu trả lời của Thầy làm anh chưng hửng.

“Nếu anh muốn nên hoàn thiện, hãy đi, bán tài sản của anh,

cho người nghèo, anh sẽ có một kho tàng trên trời, và đến, theo tôi.”

Như thế khi anh xin có sự sống đời đời, xin được kho tàng trên trời,

thì Thầy Giêsu đòi anh bán kho tàng dưới đất anh đang có.

Bán xong, hãy tặng cho người nghèo để chẳng mong lấy lại.

Thầy mời anh trở nên tay trắng, rồi đến và theo Thầy.

Nhưng Thầy Giêsu không đòi mọi người phải làm y như anh thanh niên,

bán hết tài sản và cho người nghèo.

Ngài cũng không đòi mọi người phải bỏ vợ con để theo Ngài y như Phêrô.

Nhưng Ngài muốn mọi người nên hoàn thiện và có sự sống đời đời.

Ngài kêu gọi mọi người làm môn đệ, theo Ngài trong hoàn cảnh của mình.

Như thế ai cũng có cái phải bỏ, phải bán, phải cho không…

Ai cũng có thể hỏi Ngài như anh thanh niên: Tôi còn thiếu điều gì nữa?

Anh thanh niên giàu có đã phấn khởi đến với Thầy Giêsu (c. 22).

bây giờ anh lại buồn rầu bỏ đi.

Anh buồn vì không muốn mất một chỗ dựa vững chắc là của cải.

Thực ra anh buồn vì không đủ tự do để đáp lại một tiếng gọi đẹp quá.

Anh muốn sự sống đời đời, nhưng không dám chọn con đường tốt nhất.

Anh muốn làm môn đệ Thầy Giêsu, nhưng tình yêu của cải lại mạnh hơn.

Nếu anh chịu tự giải phóng mình khỏi trói buộc của vật chất,

khi trở lại gặp Thầy, anh sẽ thấy mình nhẹ hơn và giàu có hơn nhiều.

Nếu hôm nay, Thầy Giêsu gặp tôi, Thầy sẽ bảo tôi còn thiếu điều gì.

Điều gì đang ràng buộc tôi khiến tôi muốn quay lưng bỏ đi?

Xin cho tôi dám chọn Giêsu, dám mất những điều quý giá vì Giêsu,

vì có Giêsu là có tất cả.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại

chọn những cầu thủ bóng đá,

những tài tử điện ảnh

làm thần tượng cho đời mình.

Hôm nay

Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,

và chúng con thật sự đắn đo

trước khi chọn Chúa.

Bởi chúng con biết rằng

chọn Chúa là lội ngược dòng,

theo Chúa là bước vào con đường hẹp:

con đường nghèo khó và khiêm nhu,

con đường từ bỏ và phục vụ.

Hôm nay, chúng con chọn Chúa

không phải vì Chúa giàu có,

tài năng hay nổi tiếng,

nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.

Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.

Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.

Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa

nhiều lần trong ngày,

qua những chọn lựa nhỏ bé,

để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,

và để chúng con

thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

 

 

LẠC ĐÀ CHUI QUA LỖ KIM

Thứ Ba tuần 20 Thường niên

Lời Chúa: Mt 19, 23-30

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với các môn đệ của Người: “Thầy bảo thật anh em, người giàu có khó vào Nước Trời. Thầy còn nói cho anh em biết: con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Thiên Chúa.” Nghe nói vậy, các môn đệ vô cùng sửng sốt và nói: “Thế thì ai có thể được cứu?” Ðức Giêsu nhìn thẳng vào các ông và nói: “Ðối với loài người thì điều đó không thể được, nhưng đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được.” Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng thưa Người: “Thầy coi, phần chúng con, chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy bảo thật anh em: anh em là những người đã theo Thầy, thì đến thời tái sinh, khi Con Người ngự tòa vinh hiển, anh em cũng sẽ được ngự trên mười hai tòa mà xét xử mười hai chi tộc Israel. Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Nhiều kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và nhiều kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu.”

Suy niệm

Người thanh niên giàu có đã bỏ đi

khi Thầy Giêsu mời anh bán tài sản và cho người nghèo.

Của cải đã trói buộc anh, dù anh là người có thiện chí.

Anh tìm sự sống đời sau, nhưng lại bị vướng bởi vật chất đời này.

“Người giàu có thật khó vào Nước Trời” (c. 23).

Câu nói này của Thầy Giêsu khiến các môn đệ rất đỗi ngạc nhiên (c. 25),

vì vào thời đó, giàu sang thường được coi là dấu hiệu Chúa chúc lành.

Thầy Giêsu dùng một hình ảnh ngoa dụ, cường điệu,

để diễn tả việc người giàu khó vào Nước Trời,

khó hơn con lạc đà rất to chui qua lỗ kim rất nhỏ.

Dĩ nhiên lạc đà thì chẳng thể nào chui qua lỗ kim được,

nhưng người giàu thì vẫn có thể được vào Nước Trời, dù rất khó khăn,

“vì đối với Thiên Chúa, thì mọi sự đều có thể được” (c. 26).

Đã có những người giàu tốt bụng đi theo Thầy Giêsu.

Họ là Giuse Arimathia, Nicôđêmô, Dakêu, là các phụ nữ.

Giuse và Nicôđêmô đã lo mộ phần và việc tẩm liệm Thầy Giêsu.

Dakêu đã tự nguyện chia nửa phần tài sản mình cho người nghèo khó.

Các phụ nữ theo Thầy từ Galilê đã giúp đỡ vật chất cho Thầy (Lc 8, 3).

Có vẻ họ được tự do với của cải trần thế.

Của cải không ngăn cản họ trở thành người môn đệ Thầy Giêsu.

Nhưng cũng phải nhìn nhận của cải vật chất có sức mạnh của nó.

Như người ta hay nói: có tiền mua tiên cũng được.

Tiền bạc của cải có vẻ đem lại chỗ dựa vững chắc cho chủ nhân,

chính vì thế người ta thích thu tích của cải một cách vô độ (Lc 12, 21).

Của cải làm chúng ta phải bận tâm:

“Kho tàng anh em ở đâu, trái tim anh em ở đó” (Mt 6, 21),

kho tàng dưới đất sẽ giữ tim ta dưới đất.

Ham mê của cải có thể bóp nghẹt hạt giống lời Chúa trong tim ta (Mt 13, 22).

Nó làm chúng ta dễ trở nên nô lệ:

“Anh em không thể làm tôi hai chủ, vì sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia…

Anh em không thể làm tôi Thiên Chúa lẫn tiền tài” (Mt 6, 24).

Như thế nó có khả năng đẩy Thiên Chúa xuống hàng thứ yếu.

Quả thực của cải dễ làm ta khép lòng lại trước Thiên Chúa và tha nhân,

và làm cái tôi của ta trở nên cứng cỏi, tự mãn.

Khác với anh thanh niên giàu có, nhóm Mười Hai đã bỏ mọi sự mà theo Thầy.

“Vậy chúng con sẽ được gì?”, họ đã hỏi Thầy Giêsu như vậy.

Thầy hứa sẽ cho họ được cùng Thầy xét xử Israel trong ngày tận thế.

Hơn nữa, Thầy còn hứa bất cứ ai chịu mất mát về gia đình, cơ nghiệp,

đều được đền bù gấp trăm, và nhất là được sự sống đời đời (c. 29).

Hôm nay chúng ta cũng hỏi Ngài như vậy, về cái được, cái mất.

Chúng ta có thể bỏ mất nhiều điều mà thiên hạ coi là giá trị,

như một đời sống tiện nghi, một chỗ làm ổn định, hay một chút tiếng tăm.

Chỉ mong được tấm lòng luôn an vui, hạnh phúc,

vì biết mình được Đức Kitô và ở lại trong Ngài (Pl 3, 8-9).

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

sống cho Chúa thật là điều khó.

Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.

Chúa đòi con cho Chúa tất cả

để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.

Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa

để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.

Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà

để cây đời con sinh thêm hoa trái.

Chúa cương quyết chinh phục con

cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.

Xin cho con dám ra khỏi mình,

ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan

để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,

dù phải chịu mất mát và thua thiệt.

Ước gì con cảm nghiệm được rằng

trước khi con tập sống cho Chúa

và thuộc về Chúa

thì Chúa đã sống cho con

và thuộc về con từ lâu. Amen.

 

 

VÌ TÔI TỐT BỤNG

Thứ Tư tuần 20 Thường niên

Lời Chúa: Mt 20, 1-16a

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ dụ ngôn này: “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình. Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng.” Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy. Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?” Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi.” Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!” Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.” Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền. Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.” Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền sao? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?” Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

Suy niệm

Sau khi anh thanh niên giàu có từ chối lời mời của Đức Giêsu

ông Phêrô đã đại diện anh em hỏi Thầy:

“Chúng con đã bỏ mọi sự và theo Thầy. Vậy chúng con sẽ được gì?”

Thầy Giêsu đã đáp lại bằng một câu trả lời khá dài.

Họ sẽ được xét xử các chi tộc Israel, được gấp trăm về mọi sự,

và nhất là được hưởng sự sống đời đời (Mt 19, 27-30).

Như thế ở đây Nước Trời được coi như một phần thưởng,

một sự trả công Chúa dành cho những ai dám từ bỏ hy sinh.

Các môn đệ cho đi, và rồi họ sẽ được lại.

Bài Tin Mừng hôm nay nằm ngay sau câu chuyện trên.

Dưới một góc độ nào đó thì cả hai có nội dung rất khác nhau,

nhưng bổ túc cho nhau, để ta có một cái nhìn quân bình về Thiên Chúa.

Thiên Chúa không phải chỉ là Đấng công bằng,

thưởng công cho những gì chúng ta đã vất vả cố gắng.

Người còn là Đấng quảng đại, tốt lành và giàu lòng xót thương.

Dụ ngôn về “người thợ giờ thứ mười một” cho thấy điều đó.

Thật ra phải gọi dụ ngôn này là dụ ngôn về “Ông chủ độ lượng”.

Trong thế giới thời Đức Giêsu, người ta mướn thợ buổi sáng

và trả công cho thợ buổi chiều theo lề luật (Lv 19,13; Đnl 24, 14-15).

Lương công nhật là một quan tiền (denarius),

tiền này tạm đủ để nuôi gia đình ở mức căn bản.

Dụ ngôn hôm nay có nhiều nét khác thường mà không có lời giải thích.

Ông chủ vườn nho tự mình ra chợ mướn người, thay vì viên quản lý.

Những người thợ đứng suốt ngày ngoài chợ (c.6)

lại không được ông chủ thấy và mướn từ đầu, dù ông ra chợ nhiều lần.

Chỉ nhóm thợ đầu tiên mới được thuê với tiền công rõ ràng,

còn ba nhóm sau chỉ được hứa sẽ trả “hợp lẽ công bằng” (c.4).

Cuối cùng ba nhóm giữa bị bỏ rơi, để chỉ tập trung vào nhóm đầu và cuối.

Dụ ngôn này trở nên hết sức khác thường

với việc ông chủ ra lệnh trả công cho người làm cuối trước.

Những người thợ giờ thứ mười một (5 giờ chiều)

cả ngày làm có một tiếng, được trả một quan tiền.

Điều này hẳn tạo ra niềm hy vọng cho những ai đã làm từ sáng sớm,

“đã làm việc nặng nhọc cả ngày, lại bị nắng nôi thiêu đốt” (c.12).

Nhưng rốt cuộc những người thợ đầu tiên cũng chỉ được một quan tiền.

Chúng ta cần phải đứng trong hoàn cảnh của họ

để xem họ sẽ sửng sốt, thất vọng, buồn bực, tức giận và cằn nhằn ra sao.

Có lẽ chúng ta cũng phản ứng tương tự khi gặp chuyện như vậy.

Phản ứng này cũng là phản ứng giận dữ của người anh cả

khi biết cha mình đã tiếp đón linh đình sự trở về của đứa con hư hỏng.

Đối với những người thợ, đây rõ ràng là một sự bất công.

Bất công nằm ở chỗ làm nhiều, làm ít, nhận lương như nhau.

Nhưng ông chủ không cho đây là một sự bất công,

vì ông đã trả cho nhóm thợ làm sớm nhất đúng như đã thỏa thuận.

Những câu cuối của dụ ngôn là những câu đẹp nhất,

những câu nói lên bản chất sâu xa của tấm lòng Thiên Chúa.

“Tôi muốn cho người làm cuối này như tôi cho anh” (c. 14).

Tôi muốn cho họ nhiều như tôi đã cho anh, tôi muốn họ bằng anh:

đó là ước muốn, là chọn lựa của Thiên Chúa.

Tình thương của Người phá vỡ sự phân biệt người đầu, người cuối,

người làm nhiều, làm ít, công nhiều, công ít.

“Chẳng lẽ tôi không được phép làm điều tôi muốn

với tài sản của tôi sao?” (c. 15).

Thiên Chúa giàu sang nên có quyền rộng rãi thi ân cho kẻ Người muốn.

Chẳng ai có thể bắt Người phải đối xử công bình theo kiểu con người.

Chẳng ai có quyền hạch hỏi Người vì Người quá sức độ lượng (c.12).

“Hay mắt của anh xấu xa vì tôi tốt lành” (c. 15).

Con mắt xấu xa là con mắt khó chịu vì kẻ khác bằng mình, dù không đáng,

ghen tỵ với may mắn và hạnh phúc bất ngờ của người khác.

Đức Giêsu khẳng định mình là người tốt lành,

đặc biệt trong cách cư xử của Người đối với những tội nhân.

Anh trộm lành trên thập giá cũng là người thợ giờ thứ mười một.

Anh được hưởng những gì mà người khác phải nỗ lực cả đời.

Nói cho cùng, vấn đề không phải là đáng hay không đáng.

Chẳng ai xứng đáng để vào thiên đàng, kể cả các thánh.

Hạnh phúc Nước Trời là một ơn ban

hơn là một sự trả công hay phần thưởng.

Thiên Chúa vượt lên trên sự sòng phẳng có tính mua bán của con người.

Người không phải là nhà buôn, nhưng là người cha tốt lành.

Cha thương cả hai con, cả đứa ở nhà phục vụ lẫn đứa bỏ đi bụi đời.

Thậm chí đứa hư hỏng hay tật nguyền lại được quan tâm hơn.

Ông chủ vườn nho thương cả những người

đứng ngoài chợ suốt ngày mà không được ai mướn.

Có thể vì họ kém khả năng, kém may mắn hơn những người khác chăng?

Người thợ giờ thứ mười một đã làm được gì cho vườn nho của ông chủ?

Chắc chẳng được bao nhiêu.

Nhưng anh ấy đã đứng chờ suốt ngày.

Thế giới này lúc nào cũng có những người thợ giờ thứ mười một,

“những người không được ai mướn” (c.7),

những người cứ đứng chờ vậy thôi, suốt ngày, suốt đời,

những người được nhận trễ, chẳng biết mình sẽ được trả lương ra sao.

chỉ biết phó thác cho lòng tốt của ông chủ.

Những người này khác với những người làm từ sáng,

biết chắc mình sẽ được trả công một quan tiền.

Dụ ngôn không nói đến việc người làm cuối reo lên vì được trả công hậu hĩ.

Nhưng chắc là đã có những tiếng reo.

Thiên đàng đầy ắp những tiếng reo như thế,

kinh ngạc, ngỡ ngàng, thán phục, tri ân…

Chẳng có ai vào thiên đàng mà lại không reo lên

vì thấy những gì gọi là công đức của mình chỉ là chuyện nhỏ,

quá nhỏ để có thể mua được một vé vào thiên đàng.

Người ta cũng sẽ reo lên vì thấy sự có mặt của những người

mà ta tưởng chẳng bao giờ có thể lên thiên đàng được.

Thiên Chúa không chỉ thấy thời gian làm việc trong vườn nho.

Người còn thấy cả thời gian chờ.

Nhiều khi chờ còn mệt hơn làm việc.

Đừng cằn nhằn! hãy vui với niềm vui của Thiên Chúa,

Đấng hạnh phúc khi thấy người ta ngỡ ngàng vì những ơn bất ngờ,

vì lòng tốt của Ngài không sao hiểu được.

Hãy vui với những người được Chúa yêu, bất chấp quá khứ của họ.

Chúng ta không có quyền buồn như người con cả, khi cha đang vui.

Hãy đổi cái nhìn của mình về Thiên Chúa.

Như thế chúng ta cũng sẽ thay đổi cách cư xử với anh em.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

 

 

TIỆC CƯỚI ĐÃ SẴN SÀNG

Thứ Năm tuần 20 Thường niên

Lời Chúa: Mt 22, 1-14

Khi ấy, Ðức Giêsu nói với dân chúng dụ ngôn này: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình. Nhà vua sai đầy tớ đi thỉnh các quan khách đã được mời trước, xin họ đến dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Nhà vua lại sai những đầy tớ khác đi, và dặn họ: “Hãy thưa với quan khách đã được mời rằng: Này cỗ bàn, ta đã dọn xong, bò tơ và thú béo đã hạ rồi, mọi sự đã sẵn. Mời quý vị đến dự tiệc cưới!” Nhưng quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đây tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết. Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu hủy thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: “Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các nẻo đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới.” Ðầy tớ liền đi ra các nẻo đường, gặp ai, bất luận xấu tốt, cũng tập hợp cả lại, nên phòng tiệc cưới đã đầy thực khách. Bấy giờ nhà vua tiến vào quan sát khách dự tiệc, thấy ở đó có một người không mặc y phục lễ cưới, mới hỏi người ấy: “Này bạn, làm sao bạn vào đây mà lại không có y phục lễ cưới?” Người ấy câm miệng không nói được gì. Bấy giờ, nhà vua bảo những người phục dịch: “Trói chân tay nó lại, quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài, ở đó người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng! Vì kẻ được gọi thì nhiều, mà người được chọn thì ít.”

Suy niệm

Dụ ngôn hôm nay nói về một tình yêu bị từ chối.

Chẳng có gì long trọng và tưng bừng cho bằng tiệc cưới của hoàng tử.

Tiệc cưới này do chính nhà vua khoản đãi với sự chuẩn bị chu đáo.

Vua đã mời các quan khách từ trước, và còn mời nhiều lần sau đó.

Trước những lời mời trân trọng của nhà vua, họ đã chối từ.

Thái độ của quan khách thật không sao hiểu nổi.

Họ chẳng sợ xúc phạm đến nhà vua khi coi chuyện đi buôn và chăn nuôi

quan trọng hơn chuyện dự tiệc cưới hoàng tử (c. 5).

Thậm chí có kẻ còn bắt các đầy tớ, hành hạ và giết đi (c. 6).

Những khách quý bây giờ trở thành kẻ sát nhân.

Họ sẽ phải chịu cơn thịnh nộ ghê gớm của nhà vua về sự xúc phạm đó.

Như thế tiệc cưới cho hoàng tử sẽ đi về đâu?

Ai là người sẽ được mời tiếp theo, khi những người trước tỏ ra bất xứng?

Nhà vua đã đưa ra một quyết định rất bất ngờ.

“Hãy đi ra các ngả đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới” (c. 9).

Như thế phòng tiệc bây giờ vẫn đầy người được mời, có cả tốt lẫn xấu.

Dụ ngôn trên đây lại được kết nối với một dụ ngôn khác.

Chúng ta ngạc nhiên khi thấy nhà vua đi vào phòng tiệc

để quan sát cách ăn mặc của những vị khách đến từ đường phố (c. 11).

Có người không mặc y phục lễ cưới và đã bị trừng phạt nặng nề (c. 13).

Tại sao lại phạt anh, khi anh bất ngờ được đưa vào ăn cưới?

Nhưng đừng quên các người khác đều mang y phục lễ cưới đầy đủ,

nên anh chẳng nói được gì để tự biện minh (c. 12).

Lịch sự với Thiên Chúa là điều ta dễ quên.

Ngài vẫn trân trọng mời ta dự tiệc chung vui với Ngài, với Con của Ngài.

“Mọi sự đã sẵn, mời quý vị đến dự tiệc cưới” (c. 4).

Đối với Ngài, sự hiện diện của chúng ta đem lại niềm vui lớn.

Khi đa số dân Do thái, những khách quý được mời trước, từ chối Ngài,

Ngài đã không muốn phòng tiệc bị trống, tiệc cưới bị đình hoãn.

Thiên Chúa chấp nhận mở cửa phòng tiệc cho mọi người.

Họ đến từ muôn phương, có người tốt người xấu, để làm nên Giáo hội.

Giáo hội gồm những người được mời và được gọi một cách nhưng không.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn cần lịch sự với Thiên Chúa, người chủ tiệc,

cần mặc y phục lễ cưới một cách đàng hoàng.

Y phục ấy chính là một đời sống nghiêm túc theo giáo huấn của Đức Giêsu.

Các Kitô hữu chúng ta đã được ngồi trong phòng tiệc của Thiên Chúa.

Chúng ta đã được mời và được gọi để sống trong Giáo hội,

nhưng chưa chắc chúng ta nằm trong số những người được tuyển chọn.

Số người được chọn bao giờ cũng ít hơn số người được gọi.

Để vào số những người được chọn, chúng ta phải biết trân trọng ơn ban.

Có khi chúng ta cũng coi chuyện buôn bán làm ăn của mình

quan trọng hơn những lời mời khẩn thiết đến từ Thiên Chúa.

Làm thế nào để chúng ta giữ được ơn cứu độ Chúa đang ban hôm nay?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin thương nhìn đến Hội Thánh là đàn chiên của Chúa.

Xin ban cho Hội Thánh sự hiệp nhất và yêu thương,

để làm chứng cho Chúa giữa một thế giới đầy chia rẽ.

Xin cho Hội Thánh không ngừng lớn lên như hạt lúa.

Xin đừng để khó khăn làm chúng con chùn bước,

đừng để dễ dãi làm chúng con ngủ quên.

Ước gì Hội Thánh trở nên men

được vùi sâu trong khối bột loài người

để bột được dậy lên và trở nên tấm bánh.

Ước gì Hội Thánh thành cây to bóng rợp

để chim trời muôn phương rủ nhau đến làm tổ.

Xin cho Hội Thánh trở nên bàn tiệc của mọi dân nước,

nơi mọi người được hưởng niềm vui và tự do.

Cuối cùng xin cho chúng con

biết xây dựng một Hội Thánh tuyệt vời,

nhưng vẫn chấp nhận cỏ lùng trong Hội Thánh.

Ước gì khi thấy Hội Thánh ở trần gian,

nhân loại nhận ra Nước Trời ở gần bên. Amen.

 

 

ĐIỀU RĂN TRỌNG NHẤT

Thứ Sáu tuần 20 Thường niên

Lời Chúa: Mt 22, 34-40

Khi nghe tin Ðức Giêsu đã làm cho nhóm Xađốc phải câm miệng, thì những người Pharisêu họp nhau lại. Rồi một người thông luật trong nhóm hỏi Ðức Giêsu để thử Người rằng: “Thưa Thầy, trong sách Luật Môsê, điều răn nào là điều răn trọng nhất?” Ðức Giêsu đáp: “Ngươi phải yêu mến Ðức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi. Ðó là điều răn trọng nhất và điều răn đứng đầu. Còn điều răn thứ hai, cũng giống điều răn ấy, là: ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Tất cả Luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”

Suy niệm

Theo truyền thống hội đường Do thái, Luật gồm 613 điều răn.

365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.

Giữa một rừng điều răn như thế, người thông luật đã hỏi Đức Giêsu:

“Điều răn nào trọng nhất trong Luật Môsê?” (c. 36).

Đức Giêsu đã trả lời bằng một câu trong kinh Shema,

kinh mà người Do thái phải đọc mỗi ngày.

“Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi,

với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí khôn ngươi” (Tl 6, 5).

Và Ngài còn thêm một điều răn thứ hai nữa (c. 39).

“Ngươi phải yêu mến người thân cận như chính mình” (Lv 19, 18).

Tất cả Luật Môsê nằm trong hai điều răn đó.

Hai điều răn được gói trong một động từ yêu.

Mọi điều cấm làm và mọi điều buộc làm, đều bắt nguồn từ và qui về tình yêu.

Các bạn trẻ thường nghĩ yêu là chuyện dễ.

Nhưng yêu với tất cả trái tim, tất cả linh hồn, tất cả trí khôn, tất cả sức lực,

nghĩa là yêu với trọn cả con người mình, thì điều đó không dễ.

Đối với người Do thái, trái tim là nơi phát sinh toàn bộ đời sống tinh thần.

Yêu mến Thiên Chúa bằng tất cả trái tim của mình

là để cho Ngài chi phối mọi tư tưởng, mọi ý muốn, mọi tình cảm.

Tất cả đều nhằm làm cho Ngài được mọi người nhận biết và tôn vinh.

Yêu người thân cận như chính mình cũng là điều rất khó.

Có bao người làm chúng ta đau khổ và bị xúc phạm.

Yêu thương và tôn trọng họ đòi một sự từ bỏ mình không nhỏ.

Nhưng chúng ta cũng dễ coi mình là trung tâm và qui tất cả về mình.

Chúng ta lạnh lùng trước nỗi đau, thiếu sẻ chia và độc đoán,

đôi khi dùng tha nhân như phương tiện lót đường để ta tiến thân.

Nói chung, dù yêu Chúa hay yêu người, chúng ta cũng phải ra khỏi mình,

trao đi chính mình và chấp nhận mọi hy sinh mà tình yêu đòi hỏi.

Đức Giêsu đã tóm Luật Môsê trong động từ yêu mến.

Và Ngài đã hoàn thiện Luật này bằng cách đẩy yêu mến đến cùng.

Kitô hữu chẳng những yêu mến Thiên Chúa với trọn con người mình,

mà còn được mời yêu mến Đức Giêsu trên mọi thụ tạo khác,

trên mọi của cải, trên những người ruột thịt, và trên cả mạng sống.

Kitô hữu là người mang mối tình sâu đậm với Đức Giêsu,

“Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi” (Gl 2, 20),

đến nỗi họ có thể tuyên xưng như Phêrô: “Thầy biết con mến Thầy.”

Đức Giêsu cũng không chỉ đòi yêu tha nhân như chính mình.

Ngài còn đòi ta phải yêu như Ngài đã yêu (Ga 13, 34-35).

Một tình yêu tha thứ đến vô cùng, một tình yêu đối với cả kẻ thù,

một tình yêu phục vụ như người tôi tớ, một tình yêu dám hiến mạng.

Kitô hữu tự bản chất là người biết yêu và cuộc đời chỉ là tình yêu.

Tình yêu đích thực với Thiên Chúa thì đưa tôi về với anh em.

Tình yêu đối với anh em lại đòi tôi phải trở về với Thiên Chúa.

Chỉ mong đời tôi đong đưa giữa hai tình yêu đó, để chúng nên một tình yêu.

Cầu nguyện

Con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Ôi lạy Chúa là vẻ đẹp vừa cổ kính,

vừa luôn mới mẻ,

con đã yêu Chúa quá muộn màng!

Bấy giờ Chúa ở trong con

mà con thì ở ngoài,

con cứ chạy đi tìm Chúa ở ngoài.

Con thật hư hỏng,

khi chạy theo các thụ tạo xinh đẹp.

Bởi thế, bấy giờ Chúa ở với con

mà con lại không ở với Chúa.

Các thụ tạo xinh đẹp kia cứ giữ con ở xa Chúa,

trong khi chúng hiện hữu được là nhờ Chúa.

Chúa đã gọi con, đã gọi to

và phá tan sự điếc lác của con.

Chúa đã soi sáng

và xua đi sự mù lòa của con.

Chúa đã tỏa hương thơm ngát

để con được thưởng thức,

và giờ đây hối hả quay về với Chúa.

Con đã nếm thử Chúa

và giờ đây con đói khát Người.

Chúa đã chạm đến con,

nên giờ đây con nóng lòng

chạy đi tìm an bình nơi Chúa.

(Thánh Âu-Tinh)

 

 

LÀ ANH EM VỚI NHAU

Thứ Bảy tuần 20 Thường niên

Lời Chúa: Mt 23, 1-12

Một hôm, Ðức Giêsu nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các kinh sư và các người pharisêu ngồi trên tòa ông Môsê mà giảng dạy. Vậy, những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “rápbi”. Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “rápbi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Ðức Kitô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.

Suy niệm

Nửa sau của bài Tin Mừng hôm nay

có thể làm chúng ta bị sốc.

Ðức Giêsu bảo ta đừng để ai gọi mình là thầy,

vì chỉ có một Thầy, một vị lãnh đạo là chính Ngài;

cũng đừng gọi ai là cha,

vì chỉ có một Cha là Thiên Chúa trên trời.

Vậy mà chúng ta vẫn gọi nhiều vị trong Hội Thánh

là cha, là Ðức Thánh Cha,

là giáo phụ, thượng phụ, viện phụ…

Chúng ta có làm sai lời Chúa dạy không?

Ta có phải hiểu theo nghĩa đen lời của Ðức Giêsu không?

Hội Thánh sơ khai đã không hề hiểu theo nghĩa đen.

Thánh Phaolô đã coi mình là cha sinh ra các tín hữu,

đã gọi họ là con (1Cr 4,14-17; Gl 4,19).

Hội Thánh cũng có những thầy dạy (Cv 13,1; 1Cr 12,28),

và những vị lãnh đạo (Cv 15,22; Rm 12,8)

Vậy đâu là điều Ðức Giêsu muốn nhắn nhủ chúng ta?

Chắc chắn Ngài không hề muốn phá bỏ

những cơ cấu cần thiết cho thân thể Hội Thánh,

Ngài cũng không loại bỏ phẩm trật và quyền hành.

Ngài chỉ muốn chúng ta đừng quên:

mọi quyền bính trong Hội Thánh

đều bắt nguồn từ Thiên Chúa và phải quy về Thiên Chúa.

Nếu có ai làm thầy, làm người lãnh đạo,

thì vì họ được chia sẻ quyền làm Thầy của Ðức Giêsu.

Nếu họ được gọi là cha,

thì vì họ được chia sẻ quyền làm Cha của Thiên Chúa.

Dù có chức vụ hay chức vị gì trong Hội Thánh,

tôi cũng không được quên chân lý này:

còn tất cả anh em đều là anh em với nhau,

con một Cha trên trời.

Chỉ có một vị Thầy là Ðức Giêsu.

Nhưng Thầy Giêsu lại sống như bạn của các môn đệ,

như anh em với họ (Ga 15,14; Mt 12,49-50),

và nhất là như tôi tớ phục vụ họ (Mt 20,28).

Ðức Giêsu mãi mãi là gương cho các nhà lãnh đạo.

Quyền lãnh đạo chính là để phục vụ con người.

Phần đầu của bài Tin Mừng cho thấy sự giả hình

của một số người pharisêu, có quyền giảng dạy Lề Luật.

Giả hình là không làm điều mình dạy người khác,

là dễ dãi với chính mình,

nhưng khắt khe với tha nhân.

Giả hình là biến việc thờ phượng Chúa thành thờ mình,

làm việc tốt để người ta thấy và thán phục.

Khi nhìn khuôn mặt của người pharisêu giả hình,

tôi thấy tôi: háo danh, khoa trương, ích kỷ,

dám “đốc” chứ không dám làm…

Có những đoạn Tin Mừng làm chúng ta nhức nhối,

vì mở cho chúng ta những chân trời xa,

cho chúng ta thấy những điều cần làm, phải làm,

nhưng chưa làm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

khi đến với nhau,

chúng con thường mang những mặt nạ.

Chúng con sợ người khác thấy sự thật về mình.

Chúng con cố giữ uy tín cho bộ mặt

dù đó chỉ là chiếc mặt nạ giả dối.

Khi đến với Chúa,

chúng con cũng thường mang mặt nạ.

Có những hành vi đạo đức bên ngoài

để che giấu cái trống rỗng bên trong.

Có những lời kinh đọc trên môi,

nhưng không có chỗ trong tâm hồn,

và ngược hẳn với cuộc sống thực tế.

Lạy Chúa Giêsu,

chúng con cũng thường ngắm mình trong gương,

tự ru ngủ và đánh lừa mình,

mãn nguyện với cái mặt nạ vừa vặn.

Xin giúp chúng con cởi bỏ mọi thứ mặt nạ,

đã ăn sâu vào da thịt chúng con,

để chúng con thôi đánh lừa nhau,

đánh lừa Chúa và chính mình.

Ước gì chúng con xây dựng bầu khí chân thành,

để chúng con được lớn lên trong bình an.