Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 3 Mùa chay

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 3 Mùa chay

Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay.

Thứ Ba tuần 3 Mùa Chay.

Thứ tư Tuần 3 Mùa Chay.

Thứ Năm tuần 3 Mùa Chay.

Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay.

Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay.

 

BĂNG QUA GIỮA HỌ MÀ ĐI

Thứ Hai tuần 3 Mùa Chay

Lời Chúa: Lc 4, 24-30

Khi ấy, Đức Giêsu nói với dân chúng rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình. Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Êlia, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Israel; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Sarepta miền Siđôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Êlisa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Israel, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Naaman, người xứ Syria thôi.” Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

 

Suy niệm

Trong Mùa Chay Giáo Hội cho chúng ta nghe

về kết cục khá bất ngờ và đau đớn của Đức Giêsu

khi Ngài trở về với hội đường của làng Nazareth thân quen.

Nơi đây Ngài gặp lại những người đồng hương.

Họ ngỡ ngàng trước những lời Ngài giảng.

Họ muốn Ngài làm những điều Ngài đã làm ở Caphácnaum (Lc 4, 23).

Nhưng Đức Giêsu đã đáp lại bằng câu tục ngữ:

“Không một ngôn sứ nào được chấp nhận nơi quê nhà của mình” (c. 24).

Đức Giêsu tự nhận mình là một ngôn sứ.

Như những ngôn sứ khác trong lịch sử Israel,

Ngài cũng không được đón nhận và tin tưởng bởi những người cùng quê.

Họ nghĩ mình đã quá biết Ngài, biết gia tộc, biết nghề nghiệp,

biết quá khứ từ ấu thơ đến lúc trưởng thành.

Chính cái biết ấy, đúng nhưng không đủ,

lại trở thành một chướng ngại cho việc họ nhận ra Ngài thật sự là ai.

“Ông này không phải là con ông Giuse sao?” (Lc 4, 22).

Đúng Ngài là con ông Giuse, một người thợ mộc.

Đúng ngài là ông thợ mộc độc thân người làng Nazareth.

Giêsu Nazareth là tên được ghi trên thập tự,

Nazareth sẽ mãi mãi đi với tên Ngài để phân biệt ngài với những Giêsu khác.

Đức Giêsu chẳng bao giờ coi thường Nazareth, quê nhà của mình.

Ngài quen biết những khuôn mặt trong hội đường này và yêu mến họ.

Nhưng sứ mạng của Ngài trải rộng hơn Nazareth nhiều.

Ngài cho thấy mình không bị trói buộc bởi mối dây làng xã,

cũng không bị giữ chân bởi những người đồng bào cùng tôn giáo.

Để biện minh cho thái độ rộng mở của mình,

Đức Giêsu đã nhắc đến hành động của hai vị ngôn sứ thời Cựu Ước.

Êlia, vị ngôn sứ đầy quyền năng, được Thiên Chúa sai đến với một bà góa.

Bà này là một người dân ngoại sống ở Siđôn vùng dân ngoại.

Êlisa, vị ngôn sứ học trò của Êlia, đã chữa bệnh phong cho Naaman.

Ông này là người dân ngoại, chỉ huy đạo quân của Syria.

Như thế các vị ngôn sứ nổi tiếng đã không bị bó hẹp trong dân Do thái.

Họ đã mở ra với dân ngoại.

Đức Giêsu cũng chẳng bị giới hạn bởi bất cứ biên cương nào.

Ngài chẳng dành cho quê nhà Nazareth một ưu tiên nào.

Phải chăng vì thế mà Ngài làm họ phẫn nộ đến độ muốn xô Ngài xuống vực?

Nỗi đe dọa lại đến từ chính những người đồng hương.

Làm sao chúng ta nhận ra và chấp nhận những ngôn sứ bề ngoài rất bình thường

đang sống trong cộng đoàn chúng ta hôm nay?

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

dân làng Nazareth đã không tin Chúa

vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.

Các môn đệ đã không tin Chúa

khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.

Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa

chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa

hiện diện dưới hình bánh mong manh,

nơi một linh mục yếu đuối,

trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình

nơi những gì thế gian chê bỏ,

để chúng con tập nhận ra Ngài

bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con

để khiêm tốn thấy Ngài

tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

 

HẾT LÒNG THA THỨ

Thứ Ba tuần 3 Mùa Chay

Lời Chúa: Mt 18, 21-35

Bấy giờ, ông Phêrô đến gần Ðức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Ðức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy. Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn nén vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con tài sản mà trả nợ. Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ. Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ. Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.”

Suy niệm

“Tôi viết cho anh, người bạn vào giây phút cuối của đời tôi…

Vâng, tôi cũng xin nói với bạn tiếng Cám ơn và lời Vĩnh biệt này…

Ước gì chúng ta, những người trộm lành hạnh phúc,

được thấy nhau trên Thiên đàng, nếu Thiên Chúa muốn,

Người là Cha của hai chúng ta.”

Đây là những câu cuối trong di chúc của cha Christian de Chergé,

tu viện trưởng của một đan viện khổ tu ở Tibhirine, nước Algérie, châu Phi.

Cha viết những câu này vào cuối năm 1993 cho một người nào đó sẽ giết mình.

Ngày 21-5-1996, cha đã bị nhóm Hồi giáo vũ trang chặt đầu

cùng với sáu tu sĩ khác trong đan viện.

Cha Christian gọi kẻ sẽ giết mình là bạn, chứ không phải là kẻ thù hay sát nhân.

Cha coi mình cũng là tên trộm lành chẳng khác gì anh ta, cũng cần được tha thứ.

Cha chỉ mong gặp lại anh ta trên Thiên đàng,

vì cả hai đều là con, cùng được tha vì được yêu bởi Thiên Chúa.

Dụ ngôn hôm nay hẳn đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của cha Christian.

Có hai người mắc nợ, cả hai đều là đầy tớ của cùng một ông chủ.

Một người mắc nợ ông chủ một món nợ cực lớn, mười ngàn yến vàng.

Một người mắc nợ đồng bạn mình một món nợ nhỏ, một trăm quan tiền,

mà người đồng bạn ấy lại chính là người đang mắc nợ ông chủ.

Cả hai đều không trả nổi và năn nỉ xin hoãn.

Ông chủ chạnh lòng thương tha luôn món nợ cho người thứ nhất.

Nhưng người này lại dứt khoát không chịu hoãn lại cho người thứ hai.

Anh ta đã tống bạn mình vào ngục.

“Đến lượt ngươi, ngươi lại không phải thương xót người đầy tớ đồng bạn

như chính ta đã thương xót ngươi sao?” (c. 33).

Lòng thương xót tha thứ của Thiên Chúa như dòng suối chảy vào đời tôi.

Thương xót tha thứ chính là để cho dòng suối ấy chảy đi,

chảy đến với người xúc phạm đến tôi nhiều lần trong ngày.

Tôi tha bằng chính sự tha thứ mà tôi đã nhận được từ Thiên Chúa.

Không tha là giữ dòng suối đó lại, và biến nó thành ao tù.

Không tha là đánh mất cả những gì mình đã nhận được.

Người mắc nợ ông chủ nhiều, đã được tha một cách quảng đại bất ngờ,

nhưng sự tha thứ đó đã bị rút lại.

Chỉ ai biết cho đi sự tha thứ mới giữ lại được nó cho mình.

Chúng ta đều là người mắc nợ và đều là đầy tớ của Thiên Chúa.

Tôi nợ Chúa nhiều hơn anh em tôi nợ tôi gấp bội.

Sống với nhau tránh sao khỏi có lúc thấy mình bị xúc phạm.

Chỉ tha thứ mới làm cho tôi đi vào được trái tim của Thiên Chúa nhân hậu.

Chỉ tha thứ mới làm tôi được nhẹ lòng, và người kia được giải thoát.

Cầu nguyện

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi Cầu nguyện:

Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi

mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên

để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang

để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường

để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,

hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai

để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề

để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn. Amen.

Tagore

(Đỗ Khánh Hoan dịch)

 

KIỆN TOÀN

Thứ tư Tuần 3 Mùa Chay

Lời Chúa: Mt 5, 17-19

Khi ấy, Đức Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.”

Suy niệm :

Vào thời Tin Mừng Mátthêu được viết, các người Do thái thuộc Hội Đườngthường chỉ trích các người Do thái đã tin vào Đức Giêsu Kitô,
coi họ như những người đã bỏ Luật Môsê, bỏ cái cốt lõi của Do thái giáo.
Đức Giêsu của Mátthêu đã bác bỏ lối hiểu sai này.
“Thầy không đến để bãi bỏ, nhưng để kiện toàn” (c. 17).
Kiện toàn là đưa Luật Môsê đến chỗ thành tựu, hoàn hảo,
bởi lẽ nó có những hạn chế, bất toàn,
do Thiên Chúa phải nương theo trình độ lúc đó của Dân Ngài.
Kiện toàn là giải thích lại Luật Môsê theo đúng ý Thiên Chúa.
Chẳng ai biết Ý Thiên Chúa Cha bằng Con của Ngài là Đức Giêsu Kitô.
Hơn ai hết, Đức Giêsu có quyền nói lên ý nghĩa mới mẻ của Lề Luật.
Có một dòng chảy liên tục trong khoa sư phạm của Thiên Chúa.
Ngài huấn luyện Dân Ngài qua Môsê và các ngôn sứ trong lịch sử.
Đỉnh cao nhất là Đức Giêsu, Đấng vén mở trọn vẹn ý định của Thiên Chúa.
Đức Giêsu không phá những công trình đi trước, ngài kiện toàn.
Lời giáo huấn của Ngài vừa liên tục với,
vừa vượt qua Giao Ước thứ nhất còn khiếm khuyết.
Vượt qua về chiều rộng,
khi Ngài mời ta đi xa hơn chuyện không được giết người,
mà còn không được có hành vi, lời nói giận ghét anh em (Mt 5, 22).
Vượt qua về chiều sâu,
khi Ngài đòi ta không được giữ Luật kiểu giả hình bên ngoài,
nhưng phải khởi đi từ trái tim, từ cái tâm bên trong (cc. 27-28),
khi Ngài đưa ra những đòi hỏi tận căn trước đây chưa hề có
về việc chẳng những không được trả thù mà còn yêu kẻ thù (cc. 38-48).
Mọi lề luật đều qui về điều răn chính yếu là yêu thương.
Phải yêu như Cha trên trời mới trở thành con cái Cha (c. 45).
Đức Giêsu mời chúng ta nghiêm túc giữ Luật Môsê đã được Ngài kiện toàn.
Luật ấy là lời giáo huấn của Ngài mà các môn đệ đã nghe.
Con người thời nay thích tự do nên dị ứng với luật lệ.
Nhưng giữ luật không phải là chuyện của nô lệ hay trẻ con.
Khi tránh được thói nệ luật, cứng nhắc bám vào mặt chữ,
ta có thể giữ luật như cách biểu lộ hồn nhiên tình yêu với Chúa và tha nhân.
Trung tín với những đòi hỏi nhỏ bé của các điều răn chỉ vì yêu,
và “dạy người ta mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 20),
đó là con đường dẫn đến hạnh phúc mai sau cho người môn đệ.

Cầu nguyện :

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do,
nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.
Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.
Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,
tự do trước đam mê của trái tim,
tự do trước những thành kiến của trí tuệ.
Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,
để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa.
Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,
khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi
và chữa bệnh ngày Sabát.
Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,
khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.
Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,
vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.
Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao. Amen.

 

NGƯỜI MẠNH HƠN

Thứ Năm tuần 3 Mùa Chay

Lời Chúa: Lc 11, 14-23

Khi ấy, Ðức Giêsu trừ một tên quỷ, và nó là quỷ câm. Khi quỷ xuất rồi, thì người câm nói được. Ðám đông lấy làm ngạc nhiên. Nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Bêendêbun mà trừ quỷ.” Kẻ khác lại muốn thử Người, nên đã đòi Người một dấu lạ từ trời. Nhưng Người biết tư tưởng của họ, nên nói: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nọ đổ xuống nhà kia. Nếu Xatan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?… Bởi lẽ các ông nói tôi dựa thế Bêendêbun mà trừ quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều đại Thiên chúa đã đến giữa các ông. Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được. Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán.”

Suy niệm

Đức Giêsu vừa mới trục xuất được một quỷ câm.

Khi quỷ xuất ra thì người câm nói ngay được (c. 14).

Cùng với sự ngạc nhiên thích thú của đám đông,

còn có sự vu khống xuyên tạc của một số người khác.

Họ cho rằng chẳng qua Đức Giêsu chỉ là kẻ dựa dẫm Bêendêbun.

Bêendêbun là tên của một vị thần ở vùng Canaan.

Người Do thái vẫn coi các thần dân ngoại là ma quỷ (1Cr 10, 19-20).

Ở đây, Bêendêbun chính là quỷ vương, là Xatan (c. 18).

Như thế Đức Giêsu bị tố cáo là người cùng phe với quỷ,

dùng tay tướng quỷ để trừ các quỷ nhỏ.

Đức Giêsu cho thấy sự sai lầm của lập luận này.

Ngài nhắc đến nước của Xatan, một nước hiện vẫn còn đứng vững (c. 18).

Nước ấy chưa sụp đổ vì không có sự chia rẽ giữa các quỷ với nhau,

nên không thể bảo là Ngài dùng quỷ vương để trừ quỷ nhỏ.

Vả lại, có những người Do thái khác cũng trừ quỷ như Ngài.

Có ai dám bảo là họ thông đồng với quỷ vương không? (c. 19).

Đức Giêsu vén mở cho thấy ý nghĩa của việc Ngài trừ quỷ.

“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ,

thì quả là Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (c. 20).

Nước Thiên Chúa đến qua việc Đức Giêsu giải phóng.

Ngài giải phóng con người khỏi bệnh tật thân xác.

Ngài trả lại cho con người khả năng nghe, nói, nhìn.

Ngài kéo người bất toại đứng lên, đi được, đưa tay ra.

Ngài trả người phong về với cộng đoàn, đưa người chết ra khỏi mộ.

Trên hết, Ngài giải phóng con người khỏi sự chật hẹp của lòng mình.

Ngài mở con người ra trước nỗi đau và cô đơn của anh em.

Ngài nâng con người lên tới tầm cao của trái tim Thiên Chúa.

Như thế là con người được thật sự tự do.

Chỗ nào có tự do thật sự, chỗ đó có Nước Thiên Chúa.

Chỗ nào có Nước Thiên Chúa, chỗ đó nước của Xatan phải lui đi.

Cuộc chiến giữa Nước Thiên Chúa và nước Xatan vẫn tiếp diễn,

nhưng Nước Thiên Chúa đã đến rồi, ngón tay Thiên Chúa ở đây.

Chúa Giêsu vẫn tiếp tục trừ quỷ và mời chúng ta cộng tác.

Làm sao để con người hôm nay không còn bị ám bởi bất cứ thụ tạo nào,

không sụp lạy trước bao ngẫu tượng mới của thời đại?

Quỷ vẫn là kẻ mạnh, được vũ trang đầy đủ, đứng canh nhà của nó (c. 21).

Nhưng Thiên Chúa và Chúa Giêsu lại là người mạnh hơn (c. 22).

Người mạnh hơn tấn công, tước vũ khí và phân chia chiến lợi phẩm.

Trong cuộc chiến này, chúng ta không có quyền mập mờ, hàng hai.

Mùa Chay mời chúng ta đứng hẳn về phía Giêsu,

vì ai không ở với Giêsu là chống lại Ngài,

ai không thu góp với Giêsu là phân tán (c. 23).

Hãy quyết định dứt khoát để cùng với Giêsu chiến đấu cho Nước Cha.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

 

ĐIỀU RĂN ĐỨNG ĐẦU

Thứ Sáu tuần 3 Mùa Chay

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có một người trong nhóm Kinh sư tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi, tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó.” Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Suy niệm

Giữa một rừng 365 điều cấm làm và 248 điều phải làm dựa theo Luật,

các rabbi thường tranh luận với nhau xem điều răn nào đứng đầu.

Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của vị kinh sư bằng lời mở đầu của kinh Shema,

kinh này được người Do thái đọc sáng chiều mỗi ngày:

“Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất.

Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, với tất cả trái tim ngươi,

tất cả linh hồn ngươi, tất cả trí tuệ ngươi, tất cả sức lực ngươi” (Đnl 6, 4).

Đó là điều răn đứng đầu, điều răn thứ nhất trong mọi điều răn (c. 29).

Tuy nhiên, Đức Giêsu còn muốn thêm một điều răn thứ hai nữa.

“Ngươi phải yêu mến người thân cận với ngươi như chính mình ngươi” (Lv 19,18).

Và Ngài kết luận: “Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn nhũng điều răn đó” (c.31).

Đức Giêsu tóm gọn mọi luật lệ trong hai điều răn, bằng hai câu trích trong sách thánh.

Cả hai đều bị chi phối bởi một động từ duy nhất: yêu mến.

Yêu mến Thiên Chúa, yêu mến tha nhân:

đó là câu trả lời của Đức Giê su cho ông kinh sư Do thái cách đây hai ngàn năm.

Đó cũng là câu trả lời của Ngài cho các Kitô hữu hôm nay.

Ngài mời ta hãy để lòng yêu mến thấm vào mọi lãnh vực của cuộc sống.

Điều răn thứ nhất là yêu mến Thiên Chúa, yêu Ngài với tất cả con người mình (c.30).

yêu Ngài một cách tuyệt đối, và đặt Ngài lên trên mọi người, mọi sự khác,

vì chỉ mình Ngài là Tạo Hóa, tất cả mọi sự khác chỉ là thụ tạo.

Chúng ta yêu mến Thiên Chúa để đáp lại tình Ngài yêu mến chúng ta trước.

Ăn ngay ở lành không đủ.

Theo đạo không phải chỉ là chuyện ăn ngay ở lành.

Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.

Nhưng tình yêu đối với Thiên Chúa lại đòi hỏi tình yêu đối với tha nhân.

Thương người như thể thương thân.

Nhưng đối với tôi thương thân là gì? Tôi cần gì trong cuộc sống?

Cảm thông, khoan dung, trung tín, tôn trọng, khích lệ, nâng đỡ, hiền từ…

Tôi biết người khác cũng cần những điều ấy như tôi, và tôi muốn trao cho họ.

Có một cuộc đối thoại thực sự và thân tình giữa ông kinh sư với Đức Giêsu.

Ông hỏi, nhưng không có ý thử Ngài.

Câu trả lời của Đức Giêsu khiến ông hoàn toàn nhất trí.

Ông thấy lòng yêu mến Thiên Chúa và tha nhân lớn hơn mọi lễ vật trong Đền thờ,

dù ông không coi thường việc dâng lễ vật cho Thiên Chúa.

Phụng vụ phải đi kèm với cuộc sống mến yêu.

Mùa Chay là thời gian trở lại với trái tim của mình

để xem Thiên Chúa có chỗ nào trong trái tim đó.

Chỉ khi tim tôi bị tình yêu Thiên Chúa chinh phục và chiếm trọn,

nó mới có thể mở ra đến vô cùng trước tha nhân.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

 

TỰ HÀO VÀ KHINH NGƯỜI

Thứ Bảy tuần 3 Mùa Chay

Lời Chúa: Lc 18, 9-14

Khi ấy, Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.”

Suy niệm

Tự hào về sự đạo đức của mình và khinh người khác,

Đó chẳng phải chuyện của các ông Pharisêu ngày xưa.

Đó là chuyện của con người mọi thời, của chính các môn đệ hôm nay.

Chúng ta nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn này cho mình trong Mùa Chay thánh.

Hai nhân vật đối lập nhau, được đặt bên nhau trong dụ ngôn.

Họ ở trong cùng một đền thờ, cùng đứng cầu nguyện trước nhan Chúa.

Họ là một ông Pharisêu thánh thiện và một người thu thuế tội lỗi.

Nghe lời cầu nguyện của họ, chúng ta biết được lòng họ.

Người Pharisêu không xin gì cho mình, ông chỉ tạ ơn Thiên Chúa.

Ông kể ra những điều xấu mà ông không làm như bao kẻ khác,

hay như tên thu thuế mà ông thoáng thấy đứng cuối đền thờ (c. 11).

Ông còn kể những việc đạo đức tự nguyện về ăn chay và dâng cúng

mà ông đã làm vượt quá những gì Luật đòi buộc.

Lời cầu nguyện của ông khiến nhiều người Do Thái tử tế phải thèm.

Còn người thu thuế thì đứng xa, cúi đầu, đấm ngực, cầu xin cách đơn sơ:

“Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (c. 13).

Anh thấy mình bất xứng, bất lực, chỉ biết cậy dựa vào tình thương tha thứ.

Kết luận của Đức Giêsu hẳn đã làm nhiều người chưng hửng.

Người thu thuế được Thiên Chúa làm cho nên công chính,

còn người Pharisêu thì không (c. 14).

Thiên Chúa có bất công không? Chúng ta có cần sống tử tế nữa không?

Thật ra, ông Pharisêu không được gì vì ông đã không xin gì.

Ông không xin vì ông thấy mình quá ư giàu có về mặt đạo đức.

Ông ra trước Thiên Chúa với một kho công trạng của mình.

Có bao nhiêu chữ con đầy tự hào trong lời nguyện của ông.

Chúng ta tưởng ông mở ra khi nói “con tạ ơn Thiên Chúa”

nhưng thực tế ông đã khép lại, quay vào mình, ngắm nghía vẻ đẹp của mình.

Rốt cuộc Thiên Chúa là người thừa, cùng lắm chỉ là người ông đến đòi nợ.

Ngược lại, anh thu thuế tuy có nhiều tiền, nhưng thấy mình tay trắng, lỗi tội.

Chính điều đó khiến anh hết sức cần đến Thiên Chúa.

Ngài đã nghe tiếng kêu của anh từ xa, từ cuối đền thờ.

Không cần Thiên Chúa và coi thường tha nhân, vẫn là cám dỗ muôn thuở.

Nên thánh không phải là chuyện “tôi làm”

mà là chuyện để Thiên Chúa tự do làm nơi đời tôi.

Chỉ ai nhìn nhận sự yếu đuối của mình,

lời cầu nguyện của người đó mới đánh động được trái tim Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,

nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,

dễ thấy Chúa hiện diện

và hoạt động trong đời con.

Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,

xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,

khép kín và nghi ngờ.

Xin dạy con sự hiền hậu

để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.

Xin dạy con sự khiêm nhu

để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm,

vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài,

hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.