Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 4 Mùa chay

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 4 Mùa chay

Thứ Hai tuần 4 Mùa Chay.

Thứ Ba tuần 4 Mùa Chay.

Thứ Tư tuần 4 Mùa Chay.

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh.

Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay.

Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay.

CON ÔNG SỐNG

Thứ Hai tuần 4 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 4, 43-54

Khi ấy, Đức Giêsu bỏ Samaria mà đến Galilê. Chính Người đã quả quyết: ngôn sứ không được tôn trọng tại quê hương mình. Khi Người đến Galilê, dân chúng trong miền đón tiếp Người, vì đã được chứng kiến tất cả những gì Người làm tại Giêrusalem trong dịp lễ, bởi lẽ chính họ cũng đã đi dự lễ. Vậy Đức Giêsu trở lại Cana miền Galilê, là nơi Người đã làm cho nước hoá thành rượu. Bấy giờ có một sĩ quan cận vệ của nhà vua có đứa con trai đang bị bệnh tại Caphácnaum. Khi nghe tin Đức Giêsu từ Giuđê đến Galilê, ông tới gặp và xin Người xuống chữa con ông vì nó sắp chết. Đức Giêsu nói với ông: “Các ông mà không thấy dấu lạ điềm thiêng thì các ông sẽ chẳng tin đâu!” Viên sĩ quan nói: “Thưa Ngài, xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” Đức Giêsu bảo: “Ông cứ về đi, con ông sống.” Ông tin vào lời Đức Giêsu nói với mình, và ra về. Ông còn đang đi xuống, thì gia nhân đã đón gặp và nói là con ông sống rồi. Ông hỏi họ con ông đã bắt đầu khá hơn vào giờ nào. Họ đáp: “Hôm qua, vào lúc một giờ trưa thì cậu hết sốt.” Người cha nhận ra là vào đúng giờ đó, Đức Giêsu đã nói với mình: “Con ông sống”, nên ông và cả nhà đều tin. Đó là dấu lạ thứ hai Đức Giêsu đã làm, khi Người từ miền Giuđê đến miền Galilê.

Suy niệm

Trong các sách Tin Mừng, chúng ta thường gặp nỗi sợ hãi, lo lắng

của những bậc cha mẹ trước căn bệnh hiểm nghèo của con mình.

Ông trưởng hội đường Giairô khẩn khoản nài xin Đức Giêsu

“Con bé nhà tôi gần chết. Xin Thầy đến và đặt tay trên nó” (Mc 5, 23).

Bà dân ngoại gốc Canaan kêu lên: “Xin thương xót tôi,

vì con gái của tôi bị quỷ ám trầm trọng lắm” (Mt 15, 22).

Người cha có đứa con bị động kinh cũng nài van Đức Giêsu:

“Xin Thầy chạnh lòng thương mà cứu giúp chúng tôi” (Mc 9, 22).

Trong bài Tin Mừng hôm nay viên sĩ quan, có lẽ của vua Hêrôđê, cũng năn nỉ:

“Xin Ngài xuống cho, kẻo cháu nó chết mất!” (c. 49).

Bệnh tật và cái chết đang đe dọa đứa con khiến cha mẹ khổ đau và bối rối.

Họ không muốn mất đứa con đã trở nên một phần của đời họ.

Họ vội vã đến với Đức Giêsu như đến với một nơi có thể cấp cứu kịp thời.

Họ tin vào sự hiện diện của Ngài, vào sự chữa lành mà Ngài đem lại.

Lòng tin của viên sĩ quan đã lớn lên từ từ.

Ông tin nhờ nghe người ta nói về những gì Đức Giê su đã làm ở vùng Giuđê.

Ông gặp Ngài vì tin Ngài có thể chữa đứa con trai đang nguy tử của ông

bằng cách đi với ông về nhà ở Caphácnaum (c. 49).

Nhưng sau đó ông tin vào uy quyền của lời Đức Giêsu:

“Ông cứ về đi, con ông sống!”

nên ông vâng lời đi về nhà một mình (c.50).

Chẳng cần sự hiện diện, chỉ cần lời của Ngài nói từ xa cũng đủ con ông khỏi bệnh.

Lòng tin của ông được vững vàng hơn khi ông kiểm chứng và biết rõ

chính vào giờ Ngài nói thì con mình được chữa lành (c. 53).

Bây giờ hẳn ông đã tin trọn vẹn vào chính con người Đức Giêsu.

Lòng tin ấy lôi cuốn cả gia đình ông tin theo.

Sau khi dấu lạ xảy ra, không thấy nói gì về thái độ ngạc nhiên của gia quyến.

Kết quả tuyệt vời của dấu lạ là chính lòng tin của mọi người trong nhà.

Họ sẽ được ông kể cho nghe từng chi tiết câu chuyện gặp gỡ.

Trong tiệc cưới ở Cana, lòng tin của Đức Maria đã dẫn đến dấu lạ đầu tiên.

Dấu lạ này đã khiến các môn đệ Đức Giêsu tin vào Ngài (Ga 2, 11).

Trong dấu lạ thứ hai này ở Cana, lòng tin của viên sĩ quan, của một người cha,

đã dẫn đến lòng tin của những người thân thuộc.

Lòng tin thật sự bao giờ cũng có khả năng thu hút, lôi kéo, lan rộng.

Ngay trước đoạn Tin Mừng này,

chuyện người phụ nữ Samari cũng cho ta thấy điều đó.

Từ lời chứng của chị, dân thành Xykha đã tin vào Đức Giêsu (Ga 4,39).

Đời chúng ta cũng có những lúc tưởng như tuyệt vọng,

khi ta thấy tuột khỏi tay mình những gì rất quý mà mình muốn ôm giữ.

Hãy nhìn lên thánh giá để khỏi mất lòng tin.

Hãy chấp nhận đi vào những nẻo đường lạ lẫm mà Chúa đang mời gọi.

Như viên sĩ quan, ta sẽ gặp tin vui ngay trên đường về nhà.

Cầu nguyện

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

MUỐN TRỞ NÊN LÀNH MẠNH

Thứ Ba tuần 4 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 5, 1-3a.5-16

Nhân dịp lễ của người Do thái, Ðức Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần Cửa Chiên, có một hồ nước, tiếng Hipri gọi là Bếtdatha. Hồ này có năm hành lang. Nhiều người đau ốm, đui mù, què quặt, bất toại nằm la liệt ở đó. Ở đó, có một người đau ốm đã ba mươi tám năm. Ðức Giêsu thấy anh ta nằm đấy và biết anh sống trong tình trạng đó đã lâu, thì nói: “Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” Bệnh nhân đáp: “Thưa Ngài, tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước khuấy lên. Lúc tôi tới đó, thì đã có người khác xuống trước mất rồi!” Ðức Giêsu bảo: “Anh hãy trỗi dậy, vác chõng và đi!” Người ấy lập tức trở nên lành mạnh, vác chõng và bước đi. Hôm đó lại là ngày sabát. Người Do thái mới nói với kẻ được lành mạnh: “Hôm nay là ngày sabát, anh không được phép vác chõng!” Nhưng anh đáp: “Chính người đã làm tôi được lành mạnh đã nói với tôi: ‘Anh hãy vác chõng và đi!’” Họ hỏi anh: “Ai là người đã bảo anh: ‘Vác chõng và đi?’” Nhưng người đã được lành mạnh không biết là ai. Quả thế, Ðức Giêsu đã lánh đi, vì có đám đông ở đấy. Sau đó, Ðức Giêsu gặp người ấy trong Ðền Thờ và nói: “Này, anh đã trở nên lành mạnh. Ðừng phạm tội nữa, kẻo lại phải khốn hơn trước!” Anh ta đi nói với người Do thái: Ðức Giêsu là người đã làm anh được lành mạnh. Do đó, người Do thái chống đối Ðức Giêsu, vì Người hay chữa bệnh ngày sabát.

Suy niệm

Các Tin Mừng Nhất lãm chẳng khi nào nói đến chuyện

Đức Giêsu chữa bệnh cho ai ở vùng Giêrusalem.

Riêng Tin Mừng Gioan nói đến chuyện Ngài chữa bệnh cho một anh bất toại

tại một cái hồ, gần Cửa Chiên dẫn vào khuôn viên Đền thờ Giêrusalem.

Hồ Bếtdatha này khá lớn, có hình chữ nhật, được ngăn làm hai phần.

Chính vì thế có đến năm hành lang, nơi đây người bệnh nằm la liệt.

Họ mắc đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền khác nhau,

nhưng ai đến đây cũng nuôi hy vọng khỏi bệnh.

Giữa bao người ốm đau tàn tật đó, dường như Đức Giêsu chỉ thấy một mình anh.

Ngài biết anh mắc bệnh đã lâu, nằm trên chõng một thời gian dài.

Ba mươi tám năm, thời gian bằng một nửa đời người.

Chính Đức Giêsu là người đến với anh và mở lời bằng một câu hỏi:

“Anh có muốn trở nên lành mạnh không?” (c. 6).

Câu hỏi có vẻ thừa này thật ra lại chạm đến nỗi khát khao sâu thẳm của anh.

Nó đụng đến chờ đợi mòn mỏi của anh từ nhiều năm qua.

Anh bất toại không trả lời câu hỏi của Đức Giêsu, người với anh vẫn còn xa lạ.

Nhưng anh lại muốn trải lòng cho người lạ này thấy cái ngõ cụt của mình,

những lý do khiến mình phải nằm ở đây lâu đến vậy.

“Tôi không có người đem tôi xuống hồ, khi nước động”: đó là lý do thứ nhất.

Tôi không có được sự trợ giúp từ phía bạn bè thân thuộc.

Tôi cô đơn, trơ trọi một mình.

Giá mà tôi có ai đó giúp tôi lúc cơ may đến…

“Lúc tôi tới đó, thì người khác đã xuống trước tôi rồi”: đó là lý do thứ hai.

Khi phải lê đi bằng chính sức của mình, thì tôi bao giờ cũng là người đến sau.

Tôi đã cố gắng nhiều lần, nhưng luôn phải cam chịu thất bại.

Bây giờ tôi còn dám tin vào mình nữa không?

Anh bất toại mong có một người bạn đem anh xuống nước đầu tiên.

Anh mơ thấy ngày trồi lên từ hồ nước, ướt sũng, nhưng đi lại bình thường.

Anh chẳng tin rằng ngày ấy là hôm nay.

Người bạn anh mong đang ở gần, kéo anh ra khỏi nỗi cô đơn.

Anh sẽ được khỏi bệnh mà người vẫn khô ráo.

“Anh hãy trỗi dậy, vác chõng mà đi!”: đây là lời mời hay mệnh lệnh?

Bất ngờ, nhanh chóng và dễ dàng, anh đã đứng lên và đi được.

Cái chõng đã vác anh, bây giờ anh vác nó.

Hãy nhìn những bước đi đầu tiên của người ba mươi tám năm bất toại.

Anh đã trở nên lành mạnh, dù anh không xin hay bày tỏ lòng tin nào (cc. 6, 9,14).

Giêsu đến với anh như một người bạn làm anh trở nên lành mạnh (cc. 11,15).

Vì chữa bệnh cho anh này vào ngày sabát, Ngài đã bắt đầu bị chống đối (c.16).

Hôm nay Đức Giêsu cũng hỏi tôi: Con có muốn trở nên lành mạnh không?

Con có muốn ra khỏi sự bất toại kinh niên của mình không?

Ngài mời tôi đứng lên và mạnh dạn bước đi, bỏ lại quá khứ tội lỗi.

Sau khi được chữa lành, ngài dặn tôi đừng phạm tội nữa (c. 14).

Cầu nguyện

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong…

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,

xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con. Amen.

KHÔNG THỂ LÀM GÌ TỰ MÌNH

Thứ Tư tuần 4 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 5, 17-30

Khi ấy, Ðức Giêsu nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do Thái lại càng tìm cách giết Ðức Giêsu, vì không những Người phá luật sabát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Ðức Giêsu lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tùy ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Ðấng đã sai người Con. Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Ðấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống. Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến – và chính là lúc này đây giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án. Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Ðấng đã sai tôi.

Suy niệm

Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa,

mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.

Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.

Con thuyền đi qua

để lại sóng

đoàn tàu đi qua

để lại tiếng

đoàn người đi qua

để lại bóng

tôi không đi qua tôi

để lại gì?

Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình,

người ấy mới có gì để lại cho hậu thế.

Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời.

Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha.

Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng

vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17).

Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha.

Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18).

Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha.

Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng.

Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha,

đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu.

Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.

Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19).

Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26).

Người ta tưởng Con bị vong thân,

nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn.

Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha.

Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có.

Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được.

Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20).

Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21).

Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26).

Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27),

và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28).

Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23).

Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha.

Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha,

nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.

Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai.

Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.

Tôi không đi qua tôi, để lại gì?

Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

ai trong chúng con cũng thích tự do,

nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ.

Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:

tự do trước những đòi hỏi của thân xác,

tự do trước đam mê của trái tim,

tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,

để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa,

để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,

xin cho chúng con được tự do như Chúa.

Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi,

khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi

và chữa bệnh ngày Sabát.

Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe,

khi Chúa không ngần ngại nói sự thật.

Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết,

vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,

để chúng con được tự do bay cao. Amen.

 

THẬT PHÚC CHO ANH EM

Thứ Năm tuần 4 Phục Sinh

Lời Chúa: Ga 13, 16-20

Sau khi đã rửa chân các môn đệ, Chúa Giêsu nói với các ông: “Thật, Thầy bảo thật anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà, kẻ được sai đi không lớn hơn người sai đi. Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em! Thầy không nói về tất cả anh em đâu. Chính Thầy biết những người Thầy đã chọn, nhưng phải ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Kẻ đã cùng con chia cơm sẻ bánh lại giơ gót đạp con. Thầy nói với anh em điều đó ngay từ lúc này, trước khi sự việc xảy ra, để khi sự việc xảy ra, anh em tin là Thầy Hằng Hữu. Thật, Thầy bảo thật anh em: ai đón tiếp người Thầy sai đến là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.”

Suy niệm

Khi giảng cho các Giám mục Anh Giáo,

ông Jean Vanier có kể câu chuyện như sau xảy ra tại cộng đoàn của ông,

một cộng đoàn được lập tại nước Pháp để giúp những người cơ nhỡ.

Nhà ông có nhận nuôi anh Eric, 16 tuổi, vừa mù lại vừa điếc.

Anh không đi được, không muốn ăn, chỉ quậy phá và muốn chết.

Anh thật là mối kinh hoàng cho những ai phải chăm lo cho anh.

Làm sao để anh yêu cuộc sống này?

Làm sao để anh thấy mình được yêu và đáng quý,

bất chấp những khiếm khuyết của mình?

Tìm đâu thứ ngôn ngữ để một người vừa mù vừa điếc hiểu được điều ấy?

Ông Jean Vanier có nhiệm vụ tắm cho anh mỗi sáng.

Và ông đã tìm ra được thứ ngôn ngữ mà anh hiểu được, cảm được,

thứ ngôn ngữ của bàn tay, ngôn ngữ của thịt.

“Lời đã thành thịt, để thịt của chúng ta thành lời,” ông đã nói như thế.

Khi Thầy Giêsu chạm tay của mình vào chân các môn đệ để rửa

với sự trân trọng và yêu thương,

chắc họ đã cảm được thứ ngôn ngữ không lời đó.

Kinh nghiệm được Thầy rửa chân là kinh nghiệm chẳng thể nào quên.

Thầy muốn các môn đệ tiếp tục làm điều Thầy đã làm:

“Thầy đã nêu gương cho anh em,

để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em” (Ga 13, 15).

Thầy Giêsu nhắc các môn đệ về vị thế của họ,

vị thế của người tôi tớ, người được sai.

Vị thế này hẳn thấp hơn vị thế của Thầy là chủ, là người sai họ đi (c. 16).

Bởi đó việc rửa chân cho nhau giữa các tôi tớ là một đòi buộc (c. 14).

“Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành,

thì thật phúc cho anh em!” (c. 17).

Đức Giêsu đã biến hành vi rửa chân thành mối phúc.

Con người thường tìm hạnh phúc nơi việc được phục vụ, được tôn vinh.

Thầy Giêsu dạy ta tìm hạnh phúc nơi việc cúi xuống khiêm hạ.

Nhiều Kitô hữu đã nếm được thứ hạnh phúc này,

trong đó có ông Jean Vanier, Mẹ Têrêsa, cha Đamiêng, Đức Cha Cassaigne…

Họ đã tình nguyện dâng đời mình cho những người cùng khổ.

Hôm nay, Đức Giêsu vẫn ở nơi những người cần được rửa vết thương,

vết thương thể chất và tinh thần.

Hôm nay, Ngài vẫn ở nơi những người đang cúi xuống,

âm thầm, nhẹ nhàng băng bó các vết thương của thế giới.

Cầu nguyện

Lạy Thầy Giêsu,

khi Thầy rửa chân cho các môn đệ

chúng con hiểu rằng Thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng

khi Thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn,

khi Thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc Thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy Thầy Giêsu,

thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của Thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn Thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử.

Không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi Thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp Thầy,

chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu,

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động.

Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo,

để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Thầy vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con,

để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh. Amen.

GIỜ CỦA NGƯỜI CHƯA ĐẾN

Thứ Sáu tuần 4 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 7, 1-2.10.25-30

Khi ấy, Ðức Giêsu thường đi lại trong miền Galilê; Người không muốn đi lại trong miền Giuđê, vì người Do Thái tìm giết Người. Lễ Lều của người Do Thái gần tới, tuy nhiên, khi anh em Người đã lên dự lễ, thì chính Người cũng lên, nhưng không công khai và hầu như bí mật. Bấy giờ có những người ở Giêrusalem nói: “Ông này không phải là người họ đang tìm giết đó sao? Kìa, ông ta ăn nói công khai mà họ chẳng bảo gì cả. Phải chăng các nhà hữu trách đã thực sự nhìn nhận ông là Ðấng Kitô? Ông ấy, chúng ta biết ông đến từ đâu rồi; còn Ðấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người đến từ đâu cả.” Lúc giảng dạy trong Ðền Thờ, Ðức Giêsu nói lớn tiếng rằng: “Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi đến từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Ðấng đã sai tôi là Ðấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi.” Bấy giờ họ tìm cách bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.

Suy niệm

Lễ Lều là một đại lễ hàng năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ.

Đây là một lễ rất vui, kéo dài cả tuần (Lv 23, 34-36).

Mục đích chính là để tạ ơn Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban,

và còn để nhớ lại tình thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa.

Lễ Lều là một lễ hội tưng bừng và long trọng bậc nhất.

Những người tham dự cắm trại trong các lều làm bằng cành lá,

được dựng trên mái nhà, gần nhà hay ngoài đồng.

Mỗi buổi sáng có lễ rước nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ.

Mỗi tối, tiền đình phụ nữ nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.

Đức Giêsu đã không muốn bỏ qua lễ hội này,

dù lên Đền thờ Giêrusalem bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng,

vì người Do thái, nghĩa là giới lãnh đạo Do thái giáo, đang tìm cách giết Ngài.

Đức Giêsu đã chọn giải pháp lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10).

Nhưng vào giữa kỳ lễ, Ngài đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14).

Đức Giêsu dám đối mặt với thế lực đang đe dọa Ngài.

Ngài bình tĩnh giảng ngay nơi Đền thờ,

trước những thượng tế, những người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem.

Họ chẳng dám làm gì Ngài, vì giờ của ngài chưa đến (c. 30).

Xảy ra cuộc tranh luận giữa Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem.

Chẳng có chút thiện cảm nào với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài.

Họ tin vào điều này một cách vững chắc:

“Khi Đấng Kitô đến, chẳng ai biết Người đến từ đâu” (c. 27).

Nguồn gốc của Đấng Kitô, đối với họ, phải là một điều bí ẩn.

Họ không tin Đức Giêsu là Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.”

Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu là dân vùng Nazareth,

làm nghề thợ mộc, sống với cha mẹ là Giuse và Maria.

Tự hào về cái biết đúng nhưng không đủ ấy của họ,

đã khiến họ ngừng lại nơi nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.

Đức Giêsu thật là Đấng Kitô.

Và đúng như dân Giêrusalem đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết.

Đức Giêsu biết nguồn gốc của mình.

Ngoài gốc nhân loại, Ngài còn gốc thần linh, gốc từ trời.

Ngài không tự mình mà đến, nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến.

Ngài xuất thân từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).

Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người Đức Giêsu.

Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.

Làm sao tôi có thể nhận ra Đức Kitô cao cả

đang ở bên những người tầm thường tôi gặp mỗi ngày?

Cầu nguyện

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ cõi chết đến sự sống,

từ lầm lạc đến chân lý.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ thất vọng đến hy vọng,

từ sợ hãi đến tín thác.

Xin hãy dẫn dắt con

đi từ ghen ghét đến yêu thương,

từ chiến tranh đến hòa bình.

Xin hãy đổ đầy bình an

trong trái tim chúng con,

trong thế giới chúng con,

trong vũ trụ chúng con. Amen.

(Thánh Têrêxa Calcutta)

ÔNG NÀY LÀ ĐẤNG KITÔ

Thứ Bảy tuần 4 Mùa Chay

Lời Chúa: Ga 7, 40-53

Khi ấy, sau khi nghe Chúa Giêsu giảng, có nhiều người trong đám dân chúng nói rằng: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Ðấng Kitô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Ðấng Kitô mà lại xuất thân từ Galilê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Ðấng Kitô xuất thân từ dòng dõi vua Ðavít và từ Bêlem, làng của vua Ðavít sao?” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt. Các vệ binh, trở về với các thượng tế và người Pharisêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây?” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” Người Pharisêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pharisêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” Trong nhóm Pharisêu, có một người tên là Nicôđêmô, trước đây đã đến gặp Ðức Giêsu; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không?” Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Galilê cả.” Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm qua cho thấy người Do Thái không tin Đức Giêsu là Kitô

vì đối với họ, Đấng Kitô phải là người mà họ không biết xuất thân từ đâu.

Còn Đức Giêsu thì họ tự hào đã quá biết gốc gác của Ngài (Ga 7, 27).

Bài Tin Mừng hôm nay lại tiếp tục cuộc tranh luận về căn tính của Đức Giêsu.

Đức Giêsu gây ra một sự chia rẽ trong dân chúng

đang nghe Ngài giảng tại Đền thờ Giêrusalem (cc. 40-45).

Có những người tin Ngài là Vị Ngôn sứ được ông Môsê tiên báo (Đnl 18, 15).

Có người lại cho Ngài là Đấng Kitô (c.41).

Có người không đồng ý như thế, vì Đức Giêsu xuất thân từ Galilê,

còn Đấng Kitô thì phải xuất thân từ Bêlem, quê của vua Đavít (c.42).

Thật ra chuyện gốc Đức Giêsu ở đâu, chẳng quan trọng mấy.

Chuyện quan trọng là Đức Giêsu Nazareth ấy xuất thân từ Thiên Chúa.

Đức Giêsu còn gây ra sự chia rẽ trong giới lãnh đạo.

Các thượng tế và người Pharisêu đã sai các vệ binh đi bắt Đức Giêsu (c.32).

Nhưng họ đã không tuân lệnh các nhà lãnh đạo ấy,

chỉ vì họ bị ngây ngất trước lời giảng dạy đầy quyền uy của Đức Giêsu.

“Xưa nay chưa hề có ai nói năng như người ấy” (c. 46).

Nhận xét của họ còn đúng mãi đến tận thế.

Trước chuyện bất phục tùng của các vệ binh, người Pharisêu cảm thấy bực bội.

Họ không thể hiểu được tại sao các vệ binh lại có thể bị lừa dối dễ đến thế.

Vì khinh bỉ những người tin vào Đức Giêsu,

Họ gọi những người này là bọn dân đen, dốt nát không biết Lề Luật.

Ai không biết Lề Luật thì cũng chẳng thể giữ Lề Luật,

nên đây đúng là những người bị Thiên Chúa nguyền rủa (c. 49).

Thật ra không phải là không có thủ lãnh nào trong dân tin vào Đức Giêsu.

Ông Nicôđêmô là một thủ lãnh (Ga 3,1) đã đến gặp Đức Giêsu ban đêm.

Ngay bây giờ ta sẽ thấy ông dám lên tiếng để bênh vực cho Ngài (c. 50).

Ông đòi Đức Giêsu phải có tiếng nói trước khi bị kết tội (x. Đnl 1, 16-17).

Khi kết án Ngài cách vội vã, Thượng Hội Đồng Do Thái đã phạm luật.

Nhưng tiếng nói của ông Nicôđêmô đã không được nghe nghiêm túc.

Bất chấp vai vế của ông, ông cũng bị chế nhạo:

“Cả ông nữa, ông cũng là người Galilê sao?” (c.52).

Người Galilê là hạng người bị coi khinh vì ít giữ Luật so với người Giuđê.

Nhưng đừng quên từ Galilê cũng có ngôn sứ Giôna, con ông Amíttai (2V 14, 25).

Thái độ của những thượng tế và người Pharisêu thật đáng ta suy nghĩ.

Họ khép lại trong thành kiến với Đức Giêsu.

Họ vùi dập bất cứ ai có cái nhìn ngược với họ, dù là vệ binh hay Nicôđêmô.

Họ không ngại châm biếm hay khinh miệt những người khác quan điểm.

Xin Chúa cho ta hồn nhiên như các vệ binh,

và can đảm nói sự thật như ông Nicôđêmô.

Cầu nguyện

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế Người là tất cả của tôi.

Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,

đến với Người trong mọi sự,

và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.

Chỉ mong tôi chẳng còn gì,

nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.

Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,

nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người

và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi. Amen.

(R. Tagore)