Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 9 Thường Niên

print

Manna Lương Thực Hàng Ngày Tuần 9 Thường niên

Thứ Hai tuần 9 Thường niên.

Thứ Ba tuần 9 Thường niên.

Thứ Tư tuần 9 Thường niên.

Thứ Năm tuần 9 Thường niên.

Thứ Sáu tuần 9 Thường niên.

Thứ Bảy tuần 9 Thường niên.

 

TẢNG ĐÁ GÓC

Thứ Hai tuần 9 Thường niên

Lời Chúa: Mc 12, 1-12

Khi ấy, Đức Giêsu bắt đầu dùng dụ ngôn mà nói với các thượng tế, kỳ mục và kinh sư. Người nói: “Có người kia trồng được một vườn nho; ông rào giậu chung quanh, đào bồn đạp nho và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa. Đến mùa, ông sai một đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi vườn nho mà họ phải nộp. Nhưng họ bắt người đầy tớ, đánh đập và đuổi về tay không. Ông lại sai một đầy tớ khác đến với họ. Họ đánh vào đầu anh ta và hạ nhục. Ông sai một người khác nữa, họ cũng giết luôn. Rồi ông lại sai nhiều người khác: kẻ thì họ đánh, người thì họ giết. Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu: người này là người cuối cùng ông sai đến gặp họ; ông nói: “Chúng sẽ nể con ta”. Nhưng bọn tá điền ấy bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và gia tài sẽ về tay ta”. Thế là họ bắt cậu, giết chết rồi quăng ra bên ngoài vườn nho. Vậy ông chủ vườn nho sẽ làm gì? Ông sẽ đến tiêu diệt các tá điền, rồi giao vườn nho cho người khác. Các ông chưa đọc câu Kinh Thánh này sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta!” Họ tìm cách bắt Đức Giêsu, nhưng lại sợ dân chúng; quả vậy, họ thừa hiểu Người đã nhắm vào họ mà kể dụ ngôn ấy. Thế là họ để Người lại đó mà đi.

Suy niệm

Dụ ngôn Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng hôm nay làm ta khó chịu.

Chúng ta không chấp nhận được sự độc ác của những tá điền,

những người làm công cho ông chủ,

và có bổn phận phải nộp hoa lợi vườn nho cho ông khi đến mùa.

Tại sao họ lại đánh đập người đầy tớ đầu tiên do ông chủ sai đến?

Tại sao họ lại tiếp tục đánh đập và làm nhục người đầy tớ thứ hai?

Tại sao họ dám cả gan giết người thứ ba

và tiếp tục làm như thế với nhiều đầy tớ khác? (cc. 2-5).

Cuối cùng, ông chủ đã sai đến với các tá điền người con yêu dấu của mình,

người cuối cùng trong số những người được ông sai.

Ông nghĩ người con của ông sẽ có đủ uy tín để khiến các tá điền phải vị nể.

Nhưng đáng thương thay, cậu con thừa tự dấu yêu đã bị bắt,

bị giết và bị quăng xác ra ngoài vườn nho.

Chúng ta không hiểu được sự độc ác tàn nhẫn của các tá điền.

Nhưng chúng ta lại càng không hiểu được

sự cam chịu kiên trì và sự ngây thơ lạ lùng của ông chủ.

Tại sao ông lại không phản ứng mạnh mẽ ngay từ tội ác đầu tiên?

Tại sao ông lại thiếu cương quyết khiến cho nhiều đầy tớ,

và chính con yêu dấu của mình phải chết như vậy?

Dụ ngôn Đức Giêsu kể nhắm vào các nhà lãnh đạo Do thái giáo,

những thượng tế, kinh sư và kỳ mục (Mc 11,27; 12,12).

Các đầy tớ trong dụ ngôn là những ngôn sứ đã được sai đến với dân Israel.

Các tá điền chính là những nhà lãnh đạo dân Israel từ bao đời.

Người con yêu dấu chính là Đức Giêsu, Con Thiên Chúa,

người đã được Thiên Chúa gọi là Con yêu dấu khi chịu phép rửa

và khi được biến hình (Mc 1, 11; 9, 7).

Qua dụ ngôn này, Đức Giêsu báo trước cuộc khổ nạn và cái chết sắp đến

bởi tay các nhà lãnh đạo đang đứng trước mặt Ngài đây.

Thiên Chúa như ông chủ vườn nho đau khổ,

có sức chịu đựng vô bờ dù bao lần dân Israel quay lưng từ chối.

Nhưng cuối cùng ông sẽ tiêu diệt các tá điền và giao vườn nho cho người khác.

Như thế dụ ngôn này vẫn mang nét tươi,

vì mọi sự không chấm dứt với cái chết của người con.

Tảng đá bị thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc (c. 10).

Đức Giêsu Phục Sinh chính là tảng đá góc cho một tòa nhà mới.

Đó là cộng đoàn mới gồm những kẻ tin vào Ngài,

thuộc cả dân Do thái và dân ngoại.

Cả một lịch sử cứu độ nằm trong một dụ ngôn, mới nhìn có vẻ buồn.

Nhưng nơi đây ta bắt gặp tình yêu Thiên Chúa làm chủ suốt dòng lịch sử.

Một tình yêu kiên nhẫn chịu đựng, có vẻ dại dột và ngây thơ.

Một tình yêu bị bẽ bàng và làm nhục qua cái chết của Người Con yêu dấu.

Nhưng cuối cùng tình yêu ấy đã chiến thắng vẻ vang nơi sự Phục Sinh,

và nơi công trình kỳ diệu là Giáo Hội (c.11).

Cầu nguyện

Lạy Cha từ ái,

đây là niềm tin của con.

Con tin Cha là Tình yêu,

và mọi sự Cha làm đều vì yêu chúng con.

Cả những khi Cha mạnh tay cắt tỉa,

cả những khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,

cả những khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,

con vẫn tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.

Con tin Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,

chẳng để con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.

Con tin rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất

cũng có một đốm lửa của sự thiện,

được vùi sâu dưới những lớp tro.

Chỉ một ngọn gió của tình yêu chân thành

cũng đủ làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.

Con tin rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,

thế giới vẫn tồn tại nhờ hy sinh thầm lặng của bao người.

Con tin rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.

Sự Sống và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ

đang chuyển mình tiến về với Cha,

qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu

và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,

vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng,

mọi dị biệt, thành kiến,

để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời

mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.

CỦA THIÊN CHÚA TRẢ VỀ THIÊN CHÚA

Thứ Ba tuần 9 Thường niên

Lời Chúa: Mc 12, 13-17

Khi ấy, người ta cử mấy người Pharisêu và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến cùng Đức Giêsu để Người phải lỡ lời mà mắc bẫy. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có được phép nộp thuế cho Xêda hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?” Nhưng Đức Giêsu biết họ giả hình, nên Người nói: “Tại sao các người lại thử tôi? Đem một đồng bạc cho tôi xem!” Họ liền đưa cho Người. Người hỏi: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp: “Của Xêda.” Đức Giêsu bảo họ: “Của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa.” Và họ hết sức ngạc nhiên về Người.

Suy niệm

Nhóm Pharisêu và nhóm Hêrôđê không phải là hai nhóm hợp nhau.

Nhưng họ lại rất hợp nhất trong việc muốn trừ khử Đức Giêsu (Mc 3, 6).

Ngài đã từng nhắc các môn đệ đề phòng “men” của hai nhóm này (Mc 8, 15).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, họ lại liên minh với nhau để giăng bẫy.

Trước khi đưa Đức Giêsu vào bẫy, họ đã lấy lòng bằng những lời ca ngợi.

Rồi cái bẫy được giăng ra, sắc như một con dao hai lưỡi.

“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (c. 14).

Đã từng có những câu hỏi như thế.

“Có được phép chữa bệnh trong ngày sa bát không?” (Mt 12, 10).

“Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lý do nào không?” (Mt 19, 3).

Được phép có nghĩa là không đi ngược với Luật Môsê.

Từ năm thứ sáu sau công nguyên,

khi Giuđê và Samari trở thành một tỉnh của đế quốc Rôma,

mỗi người dân Do thái phải nộp một thứ thuế thân cho những kẻ xâm lược.

Đã có những phong trào đứng lên chống lại thứ thuế này.

“Có được phép nộp thuế cho Xêda không?”

Nếu Đức Giêsu nói rõ là được phép nộp thì đụng đến lòng ái quốc của dân,

và cũng đụng đến nhóm Pharisêu là những người không chấp nhận

sự thống trị nhơ nhớp của ngoại bang trên phần đất của Thiên Chúa.

Nếu Ngài nói rõ là không được phép nộp thì Ngài sẽ gặp khó khăn với Rôma,

và sẽ đụng đến nhóm Hêrốt là nhóm lãnh đạo dựa dẫm vào thế của đế quốc.

Dĩ nhiên Đức Giêsu đã khôn ngoan không trực tiếp trả lời câu hỏi này.

Ngài không rơi vào bẫy, ngược lại, có thể nói, Ngài giăng một cái bẫy khác.

“Đem cho tôi một đồng bạc để tôi xem” (c. 15).

Đức Giêsu không mang trong mình thứ tiền này, dùng để nộp thuế cho Rôma.

Nhưng kẻ thù của Ngài thì mang, và đưa cho Ngài một đồng bạc.

Đồng bạc này mang hình của Xêda và mang dòng chữ:

“Tibêriô Xêda, con của Augúttô thần linh, Augúttô.”

Khi biết đó là đồng tiền bằng bạc của Xêda, Đức Giêsu đã nói:

“Những thứ của Xêda, hãy trả lại cho Xêda,

những thứ của Thiên Chúa, hãy trả lại cho Thiên Chúa” (c. 17).

Câu trả lời này đã làm họ sững sờ, không thể nào bắt bẻ được.

Đức Giêsu có vẻ không chống lại chuyện nộp thuế thân cho Xêda.

Nhưng Ngài quan tâm đến một chuyện quan trọng hơn nhiều.

Chuyện đối xử công bằng với Thiên Chúa.

Trả lại cho Thiên Chúa mọi sự thuộc về Thiên Chúa: đó là bổn phận.

Đồng tiền mang hình Xêda, nên chúng ta phải trả cho Xêda.

Còn chúng ta là người mang hình ảnh Thiên Chúa,

nên chúng ta phải dâng trả chính bản thân mình cho Thiên Chúa.

Tên của Giêsu đã được ghi khắc trong tim ta,

nên chúng ta không được quên mình đã thuộc trọn về Giêsu.

Còn bao điều trong đời ta thuộc về Thiên Chúa mà ta vẫn giữ cho mình!

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin nhận lấy trọn cả tự do, trí nhớ, trí hiểu,

và trọn cả ý muốn của con,

cùng hết thảy những gì con có,

và những gì thuộc về con.

Mọi sự ấy, Chúa đã ban cho con,

lạy Chúa, nay con xin dâng lại cho Chúa.

Tất cả là của Chúa,

xin Chúa sử dụng hoàn toàn theo ý Chúa.

Chỉ xin ban cho con lòng mến Chúa và ân sủng.

Được như thế, con hoàn toàn mãn nguyện. Amen.

(Kinh dâng hiến của thánh I-Nhã)

THIÊN CHÚA CỦA KẺ SỐNG

Thứ Tư tuần 9 Thường niên

Lời Chúa: Mc 12, 18-27

Khi ấy, có những người thuộc nhóm Xađốc đến gặp Đức Giêsu. Nhóm này chủ trương không có sự sống lại. Họ hỏi Người: “Thưa Thầy, ông Môsê có viết cho chúng ta rằng: ‘Nếu anh hay em của người nào chết đi, để lại vợ mà không để lại con, thì người ấy phải lấy nàng, để sinh con nối dòng cho anh hay em mình’. Vậy có bảy anh em trai. Người thứ nhất lấy vợ, nhưng chết đi mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ hai lấy bà đó, rồi cũng chết mà không để lại một đứa con nối dòng. Người thứ ba cũng vậy. Cả bảy người đều không để lại một đứa con nối dòng. Sau cùng, người đàn bà cũng chết. Trong ngày sống lại, khi họ sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai trong số họ? Vì bảy người đó đã lấy bà làm vợ”. Đức Giêsu nói: “Chẳng phải vì không biết Kinh Thánh và quyền năng Thiên Chúa mà các ông lầm sao? Quả vậy, khi người ta từ cõi chết sống lại, thì chẳng còn lấy vợ lấy chồng, nhưng sẽ giống như các thiên thần trên trời. Còn về vấn đề kẻ chết trỗi dậy, các ông đã không đọc trong sách Môsê đoạn nói về bụi gai sao? Thiên Chúa phán với ông ấy thế nào? Người phán: Ta là Thiên Chúa của Ápraham, Thiên Chúa của Ixaác, và Thiên Chúa của Giacóp. Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là của kẻ sống. Các ông lầm to!”

Suy niệm

Khi được hỏi về cuộc sống mai hậu,

Đức Khổng Tử đã trả lời đại khái như sau:

chuyện đời này còn chưa nắm hết, nói gì đến chuyện đời sau.

Nhưng chuyện đời sau vẫn là thao thức muôn thuở của con người.

Con người muốn biết sau cuộc sống ngắn ngủi này, mình sẽ đi về đâu.

Đi mà không rõ đích đến thì sẽ đi lông bông vô định.

Tiếc là có người đã tin rằng chẳng có gì sau cái chết!

Nhóm Xađốc cũng thuộc hạng người trên.

Họ là những tư tế Do thái giáo bảo thủ, không chấp nhận các ý tưởng mới

như chuyện người chết sống lại hay sự hiện hữu của các thiên thần.

Trong Kinh Thánh, họ chỉ dựa vào Ngũ Thư, trong đó có sách Đệ nhị luật.

Sách này có nói đến chuyện một người trong họ hàng gần (Đnl 25, 5-10),

phải lấy bà vợ góa không con của anh em mình, để có người nối dõi.

Nhóm Xađốc đã đưa ra một trường hợp hãn hữu và buồn cười (cc. 20-23),

để cho thấy chuyện sống lại là vô lý, và Môsê cũng chẳng tin chuyện đó.

“Khi sống lại, bà ấy sẽ là vợ của ai? Vì cả bảy người đều đã lấy bà làm vợ.”

Đức Giêsu đã nặng lời chê các tư tế trong nhóm này (c. 24).

Họ đã hiểu cuộc sống đời sau như một thứ kéo dài cuộc sống hiện tại,

nơi đó người ta vẫn cưới vợ, lấy chồng, vẫn sinh con đẻ cái.

Đức Giêsu cho thấy một bộ mặt khác hẳn của đời sau.

Người được sống lại là người bước vào cuộc sống hoàn toàn mới.

Họ sống “như các thiên thần trên trời” (c. 25),

nghĩa là sống trọn vẹn cho việc phụng sự Thiên Chúa,

với một thân xác đã được biến đổi nên giống thân xác Đấng Phục Sinh.

Nhưng đừng hiểu thiên đàng là nơi mất đi sự ấm áp của tình người.

“Hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (Lc 23, 43).

“Thầy đi dọn chỗ cho anh em, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3).

Tình yêu với Thầy Giêsu và những mối dây thân ái giữa người với người,

chẳng có gì bị phá vỡ, nhưng trở nên hoàn hảo vững bền.

Người ta sẽ không cưới hỏi hay sinh con,

nhưng tình nghĩa vợ chồng được nâng lên một bình diện mới.

Đức Giêsu trưng dẫn sách Xuất hành để minh chứng có sự sống lại.

Thiên Chúa nhận mình là Thiên Chúa của các tổ phụ Israel (Xh 3,15).

Mà người Do thái tin là Ngài không gắn mình với các anh hùng đã chết.

Vậy Abraham, Ixaác và Giacóp phải là những người đang sống,

nghĩa là những người đã chết và đã được Phục Sinh.

Chúng ta tuyên xưng có sự sống đời sau qua kinh Tin Kính.

Nhưng sống niềm tin ấy giữa thế giới vật chất và vô tín là điều không dễ.

Chỉ xin cho vất vả lo toan đời này không làm ta quên đời sau.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

giàu sang, danh vọng, khoái lạc

là những điều hấp dẫn chúng con.

Chúng trói buộc chúng con

và không cho chúng con tự do ngước lên cao

để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con

khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất,

nhờ cảm nghiệm được phần nào

sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi

bán tất cả những gì chúng con có,

để mua được viên ngọc quý là Nước Trời.

Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng

trước những lời mời gọi của Chúa,

không bao giờ ngoảnh mặt

để tránh cái nhìn yêu thương

Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

 

HAI ĐIỀU RĂN

Thứ Năm tuần 9 Thường niên

Lời Chúa: Mc 12, 28b-34

Khi ấy, có một người trong các kinh sư đến gần Đức Giêsu và hỏi rằng: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” Đức Giêsu trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Israel, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó”. Ông kinh sư nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ”. Đức Giêsu thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.

Suy niệm

Trong những ngày cuối tại Giêrusalem,

Đức Giêsu bị kéo vào những cuộc tranh luận với nhiều nhóm

về quyền, về chuyện nộp thuế, về sự sống lại (Mc 11, 27- 12, 27).

Ít có một cuộc đối thoại đúng nghĩa khi người ta chỉ muốn giăng bẫy,

và không thực sự muốn kiếm tìm chân lý.

Chính vì thế bài Tin Mừng hôm nay là một bất ngờ thú vị.

Một kinh sư nghe Đức Giêsu trả lời các đối thủ của mình

thì ông có cảm tình và muốn hỏi Ngài câu hỏi mà ông bận tâm.

“Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu?” (c. 28).

Đức Giêsu thấy thiện tâm của ông, và Ngài đã trả lời nghiêm túc.

Ông kinh sư như reo lên khi nghe câu trả lời của Ngài.

“Thưa Thầy hay lắm, Thầy nói rất đúng.”

Câu trả lời của Đức Giêsu chạm đến điều dường như đã có nơi ông.

Ông thích thú lặp lại những lời Ngài đã nói (cc. 32-33).

Theo ông, những điều răn đó còn quý hơn hy lễ và lễ toàn thiêu (c. 33).

Đức Giêsu vui sướng khi đứng trước một vị kinh sư khôn ngoan và cởi mở.

Ngài nói với ông một câu mà chúng ta thèm muốn:

“Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu!” (c. 34).

Vị kinh sư hỏi Đức Giêsu về một điều răn đứng đầu.

Ngài đã trả lời tới hai điều răn (c. 31).

Hai điều răn này gắn kết với nhau chặt chẽ, nhưng vẫn là hai.

Cả hai đều đòi hỏi một thái độ, một chọn lựa diễn tả qua động từ “yêu”.

Yêu Thiên Chúa bằng tất cả con người mình

bằng trọn cả trái tim, linh hồn, trí khôn và sức lực,

và yêu tha nhân như yêu chính mình (cc. 29-31).

Tình yêu đối với tha nhân không thay thế được tình yêu đối với Thiên Chúa.

Tình yêu đối với Thiên Chúa như thanh dọc của thập giá

đỡ lấy thanh ngang là tình yêu tha nhân.

Sống trọn tình yêu là chấp nhận cả hai thanh gỗ làm nên cây thập giá.

Nếu lễ toàn thiêu đòi đốt hoàn toàn lễ vật, và hy lễ đòi giết chết con vật,

thì tình yêu đối với Chúa và tha nhân

cũng đòi thiêu rụi và giết chết cái tôi kiêu ngạo, ích kỷ của mình.

Chẳng thể nào yêu mà đòi giữ nguyên cái tôi khép kín.

Người Kitô hữu hôm nay cũng có thể hỏi Chúa câu hỏi tương tự:

Điều răn nào quan trọng hơn cả chi phối mọi lề luật trong Giáo Hội?

Chúa cũng sẽ giữ nguyên câu trả lời như ngày xưa.

Ngài vẫn tóm mọi điều răn và giới răn trong một động từ đơn giản: yêu.

Xin để tình yêu chiếm lấy trái tim của tôi, chi phối mọi chọn lựa,

và biến đời tôi thành tình yêu.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,

nếu Hội Thánh được ví như một thân thể

gồm nhiều chi thể khác nhau,

thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu

một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.

Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.

Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.

Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,

thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,

các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu,

cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,

ơn gọi của con chính là tình yêu.

Con đã tìm thấy

chỗ đứng của con trong Hội Thánh:

nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,

và như thế con sẽ là tất cả,

vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,

mọi ước mơ của con được thực hiện. Amen.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)

 

BÊN HỮU CHA ĐÂY

Thứ Sáu tuần 9 Thường niên

Lời Chúa: Mc 12, 35-37

Khi ấy, Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy trong Đền thờ rằng: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Kitô là con vua Đavít? Chính vua Đavít được Thánh Thần soi sáng đã nói: Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. Chính vua Đavít gọi Đấng Kitô là Chúa Thượng, thì Đấng Kitô lại là con vua ấy thế nào được?” Đám người đông đảo nghe Đức Giêsu cách thích thú.

Suy niệm

Sau khi đã bị chất vấn về nhiều vấn đề bởi các nhà lãnh đạo tôn giáo,

bây giờ đến lượt Đức Giêsu đặt vấn đề với họ, cụ thể là các kinh sư.

Khung cảnh vẫn là Đền thờ với đám đông thính giả.

Có vẻ đây là một đám đông có cảm tình với Đức Giêsu (c. 37).

Câu chuyện khởi đi từ câu đầu tiên của thánh vịnh 110.

Thánh vịnh này là thánh vịnh được các Kitô hữu sơ khai yêu thích,

và được trích dẫn nhiều lần trong các sách Tân Ước,

bởi lẽ họ nhận ra khuôn mặt của Đức Giêsu vinh quang trong đó.

Đối với các kinh sư, cũng như đối với Đức Giêsu,

thánh vịnh này được vua Đavít viết ra, dưới ơn linh hứng của Thánh Thần.

Ông viết về Đấng Mêsia được Đức Chúa cho toàn thắng.

“Đức Chúa phán cùng Chúa của tôi rằng: bên hữu Ta đây, con lên ngự trị,

để rồi bao địch thù Ta đặt làm bệ dưới chân con” (c.36).

Trong thánh vịnh này, Đavít đã gọi Đấng Mêsia một cách long trọng,

bằng tước hiệu “Chúa của tôi”.

Thế mà theo quan niệm của các kinh sư, Đấng Mêsia (còn gọi là Đấng Kitô)

là con vua Đavít, là người thuộc dòng dõi vua Đavít.

Câu hỏi Đức Giêsu đặt cho các kinh sư như sau:

Nếu Đavít gọi Đấng Mêsia là Chúa của tôi

thì làm sao Đấng Mêsia lại là Con của Đavít?

Mới nghe câu hỏi của Đức Giêsu,

ta có cảm tưởng Ngài không nhìn nhận mình là Con vua Đavít.

Thật ra Ngài không bảo rằng Đấng Mêsia không thể là Con Đavít được.

Nhưng Ngài chỉ đặt một câu hỏi lơ lửng để mời họ suy nghĩ.

“Bởi đâu (pothen) mà Đấng Mêsia lại là con vua Đavít?” (c. 37).

Bởi đâu Đấng Mêsia vừa là Con, vừa là Chúa của Đavít?

Đối với Kitô hữu chúng ta, mầu nhiệm này đã được hiển lộ.

Đức Giêsu là Con vua Đavít, thuộc dòng dõi Đavít theo xác thịt (Rm 1,3),

nhưng Ngài được siêu tôn làm Chúa nhờ trải qua cái chết thập giá,

nhờ sự hạ mình vâng phục, và nhờ được Phục Sinh.

“Chính vì thế Ngài được ban cho một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu,”

khiến mọi loài phải tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Chúa (Ph 2, 9-11).

Hôm nay chúng ta vẫn phải làm việc vất vả

để thế giới nhìn nhận quyền làm Chúa của Đức Giêsu Kitô.

Vì kẻ thù cuối cùng vẫn chưa bị khuất phục trọn vẹn (1 Cr 15, 25).

Chúng ta mong mọi sự quy phục Đức Kitô, để tất cả thuộc về Thiên Chúa.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã yêu trái đất này,

và đã sống trọn phận người ở đó.

Chúa đã nếm biết

nỗi khổ đau và hạnh phúc,

sự bi đát và cao cả của phận người.

Xin dạy chúng con biết đường lên trời,

nhờ sống yêu thương đến hiến mạng cho anh em.

Khi ngước nhìn lên quê hương vĩnh cửu,

chúng con thấy mình được thêm sức mạnh

để xây dựng trái đất này,

và chuẩn bị nó đón ngày Chúa trở lại.

Lạy Chúa Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,

xin cho những vất vả của cuộc sống ở đời

không làm chúng con quên trời cao;

và những vẻ đẹp của trần gian

không ngăn bước chân con tiến về bên Chúa.

Ước gì qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,

mọi người thấy Nước Trời đang tỏ hiện. Amen.

TẤT CẢ NHỮNG GÌ BÀ CÓ

Thứ Bảy tuần 9 Thường niên

Lời Chúa: Mc 12, 38-44

Khi ấy, Đức Giêsu lên tiếng giảng dạy dân chúng rằng: “Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng. Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc. Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn.” Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao. Có lắm người giàu bỏ thật nhiều tiền. Cũng có một bà goá nghèo đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền gọi các môn đệ lại và nói: “Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết. Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó; còn bà này, thì rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.”

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược.

Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa.

Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ,

từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.

Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do thái giáo.

Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê,

thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng.

Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân.

Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã.

Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh.

Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ.

Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc,

họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao.

Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác.

Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập

lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa.

Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài.

Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.

Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy

là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng.

Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền.

Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại

và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác,

mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ.

Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.

Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy,

cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa.

Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật.

Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả.

Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất.

Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.

Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức

khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo,

ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình.

Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa,

với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh.

Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm.

Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền,

nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.

Cầu nguyện

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.