Mỗi Tuần Một Từ Ngữ – Bài 51-60

print

Mỗi Tuần Một Từ Ngữ – Bài 51-60

Thầy Giuse Nguyễn Văn Quýnh.

https://giaophanphucuong.org/

BÀI 51: CẢM GIÁC HAY CẢM NGHĨ

BÀI 52: BẮT NỌN HAY BẮT LỌN.

BÀI 54: CHIẾN THUẬT HAY CHIẾN LƯỢC.

BÀI 55: CHIA SẺ HAY CHIA XẺ.

BÀI 56: DAO ĐỘNG HAY GIAO ĐỘNG.

BÀI 57: KHINH BẠC HAY KHINH KHỈNH.

BÀI 58: VĂN HOÁ HAY VĂN MINH.

BÀI 59: VĂN HIẾN HAY VĂN VẬT.

BÀI 60: KẾT QUẢ HAY HIỆU QUẢ.

BÀI 51: CẢM GIÁC HAY CẢM NGHĨ

  1. Cảm giác là sự nhận biết của cơ thể do ngoại giới tác động vào các giác quan của cơ thể.

Thí dụ:

– Gió về khuya gây cảm giác lạnh.

– Tiếng đàn gây cảm giác êm đềm.

  1. Cảm nghĩ làý nghĩ nảy sinh khi có cảm xúc về điều gì.

Thí dụ:

– Những cảm nghĩ của nghệ sĩ trước cuộc sống.

– Ông hiệu trưởng phát biểu cảm nghĩ nhân ngày khai giảng năm học mới.

Như vậy, “Cảm giác” và “Cảm nghĩ” là hai từ hoàn toàn khác nhau. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.

BÀI 52: BẮT NỌN HAY BẮT LỌN

  1. Bắt nọn làgiả vờ như đã biết rồi để người nghe phải giật mình nói ra điều đang giấu giếm.
     

Thí dụ:
– Chỉ giỏi bắt nọn.
– Đừng bắt nọn nhau nữa.
 

  1. Bắt lọn làviết sai chính tả. Từ này không có nghĩa.
     

Thế nên, “bắt nọn” mới là từ đúng.

BÀI 54: CHIẾN THUẬT HAY CHIẾN LƯỢC

  1. Chiến thuậtlà phương pháp đánh trong từng trận chiến.

Thí dụ:
– Chiến thuật phục kích

  1. Chiến lượclà phương châm và biện pháp quân sự áp dụng trong suốt cuộc chiến.

Thí dụ:
– Chiến lược đánh lâu dài
 

Ban đầu, chiến thuật và chiến lược được dùng trong quân sự. Sau này, chúng được sử dụng trong các lĩnh vực khác, như: kinh tếthương mại, trò chơi, đàm phánthể thao.
 

Thí dụ:
– Chiến lược kinh doanh

Như vậy, hai từ này hoàn toàn khác nhau, tuỳ vào ngữ cảnh mà chúng ta sử dụng từ “Chiến thuật hay Chiến lược”.

BÀI 55: CHIA SẺ HAY CHIA XẺ

  1. Chia sẻlà cùng chia với nhau để cùng chịu hoặc cùng hưởng.

Thí dụ:
– Chia sẻ vui buồn
– Chia sẻ một phần trách nhiệm

  1. Chia xẻlà chia thành nhiều mảnh làm cho không còn một khối nữa.

Thí dụ:
– Chia xẻ lực lượng
– Chia xẻ chiếc bánh
 

Như vậy, chia sẻ hướng tới sự đồng hành, giúp đỡ, thiên về phương diện tinh thần; còn chia xẻ chỉ là chia tách một cách đơn thuần, chủ yếu ở phương diện vật chất.

“Chia sẻ” và “Chia xẻ” cùng là động từ, có nghĩa gần giống nhau nhưng cách dùng khác nhau. Tuỳ vào ngữ cảnh mà chúng ta sử dụng từ “Chia sẻ” hay “Chia xẻ”.

BÀI 56: DAO ĐỘNG HAY GIAO ĐỘNG

  1. Dao động(từ Hán Việt): “dao” là lung lay, “động” là không vững; “dao động” là lung lay không vững.

+ Nghĩa thứ nhất: Dao động là chuyển động qua lại hai bên một vị trí cân bằng.
   Thí dụ:

– Dao động của con lắc đồng hồ

 
+ Nghĩa thứ hai: Dao động là xê dịch trong một giới hạn nào đó.
Thí dụ:
– Nhiệt độ dao động từ 21oC đến 30oC.

 
+ Nghĩa thứ ba: Dao động là mất thế ổn định vững chắc về tinh thần, tư tưởng; hay ngả nghiêng, nao núng.
Thí dụ:
– Dao động khi gặp khó khăn, thử thách.

  1. Giao động là viết sai chính tả. Tiếng Việt không có từ này.

Vì thế, “Dao động” mới là từ đúng.

BÀI 57: KHINH BẠC HAY KHINH KHỈNH

  1. Khinh bạc (từ Hán Việt): “khinh” là nhẹ, trái với chữ trọng; “khinh” trong khinh khí cầu; “khinh bạc” là xem nhẹ những gì mà người đời coi trọng.

Thí dụ:

* Giọng văn khinh bạc

* Thái độ khinh bạc đối với cuộc đời

  1. Khinh khỉnh là tỏ ra kiêu ngạo và lạnh nhạt, không thèm để ý đến người đang tiếp xúc với mình.

Thí dụ:

* Vẻ mặt khinh khỉnh

* Cô bán hàng khinh khỉnh trả lời một tiếng

Như vậy, hai từ này có nghĩa khác nhau, tuỳ vào ngữ cảnh mà chúng ta sử dụng từ “Khinh bạc” hay “Khinh khỉnh”.

BÀI 58: VĂN HOÁ HAY VĂN MINH

  1. Văn hoá:

“Văn hoá” là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần mà con người sáng tạo ra trong lịch sử. Văn hóa là một khái niệm rộng, liên quan đến mọi lĩnh vực trong đời sống xã hội của mỗi người.

Thí dụ:

– Nền văn hoá của các dân tộc phương Đông

– Kho tàng văn hoá của người Nhật

  1. Văn minh:

Danh từ: là trình độ phát triển đạt đến một mức nhất định của xã hội loài người, có nền văn hoá với những đặc trưng riêng cho một cộng đồng, một thời đại.

Thí dụ:

– Văn minh Ai Cập cổ đại

– Văn minh trống đồng

Tĩnh từ: Có những đặc trưng của nền văn hoá phát triển cao.

Thí dụ:

– Một xã hội văn minh

– Nếp sống văn minh

Như vậy, “Văn hoá” chứa cả giá trị vật chất lẫn tinh thần, còn “Văn minh” thiên về giá trị vật chất và kỹ thuật. “Văn hoá” mang tính dân tộc, còn “Văn minh” mang tính quốc tế.

BÀI 59: VĂN HIẾN HAY VĂN VẬT

  1. Văn hiến là truyền thống văn hoá lâu đời và tốt đẹp được thể hiện qua sách hay và người tài.

Thí dụ:

  • Việt Nam, đất nước 4000 năm văn hiến
  1. Văn vật là truyền thống văn hoá tốt đẹp biểu hiện ở nhiều nhân tài và di tích lịch sử.

Thí dụ:

  • Hà Nội, thủ đô ngàn năm văn vật
  • Nhà bảo tàng văn vật

Như vậy, “văn hiến” và “văn vật” chỉ là những khái niệm bộ phận của “văn hóa”, chúng khác văn hóa về độ bao quát các giá trị.

“Văn hiến” là văn hóa thiên về truyền thống lâu đời, mà truyền thống lâu đời còn lưu giữ được chính là các giá trị tinh thần; còn “văn vật” là văn hóa thiên về các giá trị vật chất, như: nhân tài, di tích, hiện vật.

BÀI 60: KẾT QUẢ HAY HIỆU QUẢ

  1. Kết quả (từ Hán Việt)

Nghĩa thứ nhất là cái đạt được trong công việc hoặc trong quá trình tiến triển.

Thí dụ:

  • Kết quả học tập của em rất khả quan
  • Nghiên cứu đã có kết quả

Nghĩa thứ hai là cái do một hay nhiều hiện tượng khác gây nên (gọi là nguyên nhân – kết quả) .

Thí dụ:

  • Nguyên nhân nào kết quả đó
  • Cây cối do hoa sinh ra quả
  1. Hiệu quả (từ Hán Việt)

“Hiệu quả” là kết quả cao, đúng theo yêu cầu đã đặt ra.

Thí dụ:

  • Hiệu quả kinh tế
  • Lao động có hiệu quả

Như vậy, “Kết quả” và “Hiệu quả” là hai từ gần giống nhau, nhưng “Hiệu quả” thì ý nghĩa mạnh mẽ hơn, đáp ứng sự mong đợi của chủ thể. Chúng ta nên thận trọng khi sử dụng hai từ này.