Thanh Luyện Để Tẩy Sạch Hầu Nên Thánh

print

01-11-2020 : Lễ Các Thánh Nam Nữ

Thanh Luyện Để Tẩy Sạch Hầu Nên Thánh

Lm. Giuse Nguyễn

Lịch phụng vụ hôm nay hướng ý cho chúng ta mừng lễ Các Thánh Nam Nữ. Sở dĩ có ngày này là vì bài đọc thứ nhất, sách Khải Huyền cho chúng ta biết: “Tôi thấy: kìa một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9) . Họ là ai? Ho là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh7, 14). Họ là các thánh.

Vì số các thánh quá đông, có những vị đại thánh ai cũng biết, có những vị xa lạ nên chúng ta không biết, có những vị là người thân của chúng ta… mà trong năm phụng vụ không thể kính nhớ hết được, nên Giáo hội dành riêng một ngày trong năm để mừng kính chung toàn thể các thánh trên trời.

Vậy các thánh là ai? Là những người đã tẩy sạch mình trong “Máu Con Chiên”, nghĩa là tất cả những người đã chịu phép rửa; vì khi chịu phép rửa chúng ta đã được “Máu Con Chiên” thanh tẩy mình, ngay lúc đó chúng ta đã là thánh. Thánh Phaolô đã gọi giáo dân của mình là các thánh: “Chúng tôi, Phaolô và Timôthê, là những tôi tớ của Đức Kitô Giêsu, kính gửi toàn thể các thánh trong Đức Kitô Giêsu ở Philipphê” (Pl 1,1) . Vì thế mỗi người chúng ta là một vị thánh trong gia đình của Thiên Chúa vì chúng ta đã được giá máu của Đức Giêsu tẩy sạch.

Các thánh là những người đã sống theo tinh thần Tám Mối Phúc mà Đức Giêsu đã công bố trong bài Tin Mừng hôm nay. Đó là những người : nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nên người công chính, biết xót thương, sống trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì đạo. Nhiều vị thánh đã sống rõ nét tinh thần đó nên đã được tuyên thánh cho nhiều người noi gương bắt chước như thánh Phanxicô Assisi nghèo khó, thánh nữ Mônica sầu khổ, Mẹ Têrêxa Calcutta biết xót thương, thánh Maria Goretti trong sạch, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận xây dựng hòa bình, các thánh Tử đạo tại Việt Nam đã sẵn sàng chết vì đạo…

Như vậy nên thánh có phải là chuyện của các thánh vì mặc dù đã lãnh nhận Bí tích Rửa tội, đã là “thánh” của Chúa, nhưng tôi đã phạm tội, đã không sống trong ơn nghĩa của Chúa, tôi không còn là “thánh” nữa? Thưa không, Chúa muốn tất cả chúng ta sẽ là những vị thánh: “Các người hãy Thánh, vì Ta là Thánh (Lv 19,2).

Sách Khải huyền cho ta thấy cảnh tượng đông đảo các thánh, nghĩa là những người thuộc mọi thành phần, mọi hoàn cảnh, mọi nước, mọi dân ; và Tám Mối Phúc cho ta biết nên thánh là thuộc về Thiên Chúa, vì dù bất cứ cảnh ngộ nào họ đều có “Nước Trời”, “Đất Hứa”, “Thiên Chúa”, “phần thưởng trên trời” làm động lực cho họ.

Như vậy các thánh có phải là những vị hoàn toàn trong sạch không vướng bất cứ tội nào? Thưa không phải thế, vì vua Đavit phạm tội tày trời khi ngoại tình còn giết cả chồng người ta vẫn được gọi là thánh vương Đavit. Phêrô chối Chúa 3 lần vẫn được gọi là cột trụ Giáo hội. Madalena là cô gái điếm khét tiếng nhưng đã được nhìn thấy Đấng Phục Sinh đầu tiên. Augustinô ăn chơi sa đọa, theo bè rối vẫn là tiến là của Hội thánh… Vì thế chúng ta có thể gọi các thánh là những người biết ăn năn sám hối. Sở dĩ họ ăn năn sám hối là để “thuộc về Thiên Chúa” vì họ ý thức mình được dành riêng cho Chúa.

Sự hoán cải là điểm nỗi bật nhất của các thánh và cũng là điều cần thiết nhất trong cuộc đời của mỗi Kitô hữu. Sự hoán cải dẫn chúng ta đến những hành động cụ thể để thanh luyện bản thân, đền bù tội lỗi và góp phần làm cho thế giới ngày càng thánh thiện hơn.

Có lần báo Công giáo và Dân tộc viết về Linh mục Phêrô Trần An thuộc dòng Đức Mẹ Người Nghèo. Cha đã làm một điều không thể tưởng khi nhận giúp cho những con nghiện được thoát khỏi cảnh dằn vặt của cơn nghiện bằng phương pháp tâm linh và tình thương. Đến cộng đoàn của cha, tôi cảm nhận một không gian linh thánh vì không thể ngờ những con người xăm trổ đầy mình, đã từng vật vã vì cơn nghiện nay lại đọc kinh phụng vụ, hát thánh ca, ngồi thinh lặng cầu nguyện… họ làm những việc đạo đức đó bằng tất cả tấm lòng được thể hiện bằng những hành động bên ngoài. Sở dĩ cha có thể làm được điều đó là vì cha đã từng là con nghiện nên cha hiểu và cảm thông cho họ. Thánh nhân là người biết hoán cải.

Sự thanh luyện còn được thể hiện qua việc biết xót thương người để ra tay hành động hầu cứu giúp người . Trên hành trình hướng về miền Trung, tôi đã gặp biết bao những tấm lòng nhân ái với nhiều hoàn cảnh khác nhau. Có người kinh doanh thành đạt, có người chỉ đơn giản buôn bán hằng ngày, có người là tài xế, có người là linh mục, nữ tu, có người là người nổi tiếng, có người âm thầm chẳng ai biết đến… nhưng cùng chung một xuất phát điểm đó là lòng thương xót không thể làm ngơ trước cảnh khổ của đồng bào mình. Không biết những con người đó tội lỗi, thánh thiện ra sao, nhưng nhờ lòng thương xót đã thanh luyện họ để họ là hình ảnh sự thánh thiện của Thiên Chúa, vì Ngài biết xót thương.  

Sự thanh luyện đó còn là thánh hóa bản thân để chu toàn bổn phận mình được trao phó, nhất là trong đời sống gia đình. Sở dĩ ở Việt Nam còn nhiều ơn gọi là vì các bạn trẻ được ngụp lặn trong không khí của một gia đình thánh, một gia đình dù như thế nào vẫn ưu tiên cho đời sống đức tin. Chính môi trường đức tin đó đã làm cho những người con trở nên những con người biết hướng về sự thánh thiện và cố gắng mỗi ngày để nên thánh.

Sự thanh luyện bản thân còn được thể hiện qua việc cộng tác với Giáo hội bằng tất cả khả năng của mình, vì biết rằng mình yếu đuối, tội lỗi nên mong muốn được Chúa tha thứ bằng những hy sinh nổ lực hằng ngày cho gia đình, cho Giáo hội.

Sự thánh thiện được thể hiện qua những việc làm cụ thể mà mục đích trước hết là để thanh luyện bản thân của mình, sau đó góp phần cho sự thánh thiện của Giáo hội.

Chính vì thế mỗi người chúng ta hãy quyết tâm nên thánh trong hoàn cảnh của mình bằng việc cố gắng hết sức để thể hiện lòng sám hối ăn năn, làm mọi việc trong khả năng có thể để bù đắp cho những lỗi lầm của bản thân. Khi cố gắng như vậy là ta đang góp phần làm cho mình nên thánh.

Xin Mẹ Maria là Nữ Vương các Thánh trên trời ban cho chúng con biết xin vâng trong hoàn cảnh cụ thể của mình.