Nghệ Thuật Cử Hành Thánh Lễ

NGHỆ THUẬT CỬ HÀNH THÁNH LỄ

LỜI NÓI ĐẦU

          Để có thể cử hành Thánh lễ đúng theo sự hướng dẫn của Hội Thánh, đòi buộc người cử phải biết và hiểu đúng ý nghĩa của từng thành phần cấu tạo nên thánh lễ, hiểu đúng giá trị và cử chỉ cần phải thực hiện khi cử hành, hiểu đúng các dấu chỉ phụng vụ được thể hiện qua từng nghi thức và các đồ vật được sử dụng trong phụng vụ.

          Thánh lễ đầu tiên được Chúa Giêsu thực hiện trong Bữa Tiệc Ly. Hội Thánh vâng lệnh truyền của Đấng Sáng Lập: “các con hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy”, hằng ngày đã thực hiện lại nhằm “tưởng niệm” và “sinh ơn cứu độ” cho đến khi Chúa đến.

          Như thế, thánh lễ của Hội Thánh không gì khác hơn thánh lễ của Ngày Tiệc Ly. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, Hội Thánh đã thêm vào những nghi thức, cử chỉ để phù hợp với phụng vụ cử hành của Hội Thánh, nhưng vẫn tôn trọng cấu trúc ban đầu của nó: Lời Chúa và Thánh Thể.

          Sau khi hoàn tất cours phụng vụ và cử hành thánh lễ, các ứng sinh linh mục đã biết và hiểu đúng về thánh lễ, về cách thức cử hành dựa theo những chỉ dẫn của Hội Thánh. Việc cử hành đúng thánh lễ như Hội Thánh muốn được xem như hoàn thành tốt một tác phẩm nghệ thuật: tôn trọng các nghi thức, các cử chỉ, các bài lễ, các đồ vật thánh…

Kính thưa quý vị,

Ban Phụng Vụ chúng con sẽ lần lượt post lên trang Web giáo phận quyển Nghệ Thuật Cử Hành Thánh Lễ, của Lm. Gs Lê Ngọc Ngà, nhằm phụng vụ tất cả mọi người đang tìm hiểu và cử hành Thánh lễ.

          Nghệ Thuật cử hành thánh lễ như một bản tóm để giúp các linh mục khi cử hành thánh lễ tôn trọng tính nghệ thuật khi cử hành.

          Nghệ Thuật cử hành thánh lễ được viết từ gợi hứng của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002 và một vài tài liệu khác liên quan đến thánh lễ được trích dẫn trong sách này.

          Ngoài ra, tập sách này còn có thêm năm bài viết, được giới thiệu trong phần phụ lục. Các bài này cũng liên quan trực tiếp đến Nghệ Thuật cử hành thánh lễ mà các thừa tác viên cần lưu ý: chọn bài hát, chuẩn bị bài giảng, xông hương, việc trưng bày quyển Thánh kinh trong nhà thờ, ý nghĩa các cử chỉ trong thánh lễ…

          Rất mong tập sách này góp phần cho việc chuẩn bị và cử hành Thánh lễ cách tốt đẹp.

  

PHẦN I:

NHỮNG NGHI THỨC MỞ ĐẦU

  1. NHẬP LỄ.

Chỉ dẫn:

 “Khi dân chúng đã tụ họp và đang khi linh mục cùng với phó tế và các thừa tác viên tiến vào thì hát ca nhập lễ” (x. QCTQ số 47) [1].

Vài điểm lưu ý:

  • Khi linh mục đi vào buổi cử hành, cộng đoàn đứng chào đón ngài trong tư cách đại diện cách bí tích: “Chúa Kitô, Đầu của thân thể là Hội Thánh” (Cl 1,18). Sự tập họp của các tín hữu cũng thể hiện sự hiện diện tối hảo của Chúa Kitô theo lời hứa: “Ở đâu có hai, ba người hội họp nhân danh Thầy, thì có Thầy ở giữa họ” (Mt 10,20 ; xem QCTQ 27).
  • Tùy theo hoàn cảnh và sắp xếp của nơi cử hành mà tổ chức đoàn rước vào thánh lễ sau cho phù hợp. Việc tổ chức đoàn rước tùy thuộc vào nơi, cộng đoàn tham dự và số lượng người rước. Cũng nên tránh những phô trương không cần thiết.
  • Cách tốt nhất là linh mục không đi vào một mình nhưng trong đoàn rước, hoặc ít ra với các thừa tác viên giúp lễ. Thứ tự đoàn rước như sau: (1) Người cầm nhang (hoặc bình hương có bỏ hương sẵn trong phòng áo), (2) Người cầm thánh giá đi giữa hai người cầm nến, (3) Các người giúp lễ hoặc thừa tác viên khác, (4) Thừa tác viên đọc sách có thể mang sách Tin Mừng, chứ không phải sách bài đọc[2], (5) Linh mục đồng tế (nếu có) và sau cùng là linh mục chủ tế. Cũng nên lưu ý: khi đi rước luôn sử dụng Thánh giá có tượng Chúa Kitô chịu đóng đinh, và có thể dựng bên cạnh bàn thờ nếu bàn thờ hoặc trong gian cung thánh chưa có thánh giá, nếu không thì cất đi và đặt vào nơi xứng đáng trong phòng thánh. Đèn thì đặt trên hoặc bên cạnh bàn thờ, còn sách Tin Mừng thì đặt trên bàn thờ (QCTQ 120 và 122).
  • Khi đoàn rước đến cung thánh, linh mục chủ tế (và các thừa tác viên chức thánh) cúi chào bàn thờ trong thinh lặng và xứng hợp, vì bàn thờ chính là nơi cử hành lễ tưởng niệm Hy Tế của Chúa Kitô, và là bàn tiệc mà chính Người sẽ thết đãi dân bằng Mình và Máu Thánh Người. Truyền thống xác nhận bàn thờ chính là biểu tượng của Chúa Kitô khi nói: Bàn thờ, chính là Chúa Kitô. (xem Nghi thức làm phép bàn thờ).
  • Việc xông hương chung quanh bàn thờ hoặc niệm nhang trước bàn thờ[3]: Xông hương hay niệm nhang trong phụng vụ có hai ý nghĩa: (1) Tỏ lòng tôn kính, (2) Biểu trưng cho lời cầu nguyện bay lên trước tôn nhan Chúa (Tv 140,2; Kh 8,3).

– Bàn thờ được phủ ít là một khăn trắng. Trên hoặc gần bàn thờ phải đặt hai, bốn hoặc sáu cây nến, nhất là thánh lễ Chúa nhật hoặc lễ trọng, nhưng khi Giám mục giáo phận cử hành thì đặt bảy cây nến. (x. QCTQ 117).

  1. CA NHẬP LỄ.

Chỉ dẫn:

“Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành, giúp hợp nhất cộng đoàn, hướng tâm hồn họ về  mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ và kèm theo cuộc rước linh mục và các thừa tác viên”. (QCTQ 47)

Vài điểm lưu ý:

– Những bản văn của ca nhập lễ được ghi trong Sách Lễ Roma phần nhiều được trích từ các thánh vịnh. Chúng có thể được thay bằng những bài thánh ca khác thích hợp với buổi cử hành phụng vụ, nhưng cần được Đấng Bản Quyền chuẩn nhận (x. QCTQ 48).

– Cần lưu ý về giai điệu vững chắc và được biết đến, hoặc ít là dễ hát nếu là bài hát mới. Một bài nhập lễ hát quá nhanh hoặc “giật gân” không thể hợp nhất cộng đoàn và hướng tâm hồn mọi người vào buổi cử hành. Do đó, cần phải đặc biệt chú ý đến tính cộng đoàn của ca nhập lễ. Tuy nhiên, khi hát ca nhập lễ, có thể luân phiên giữa ca đoàn và cộng đoàn, hoặc trong trường hợp ngoại lệ, ca đoàn có thể hát thay cho cộng đoàn, hoặc nếu không hát được thì một vài người đọc ca nhập lễ ghi sẵn trong Sách Lễ, hoặc chính linh mục có thể thích ứng nói vài lời nhằm đáp ứng khả năng tiếp thu của người tham dự (x. QCTQ 31).

– Ca nhập lễ có mối liên hệ với mầu nhiệm vượt qua được cử hành, hoặc với mùa phụng vụ. Bản văn cũng có thể được chọn trong mối liên hệ với các bài đọc trong thánh lễ. Bản văn ca nhập lễ của ngày lễ được ghi trong Sách Lễ là gợi ý tốt cho việc chọn bài hát ca nhập lễ.

– Cần thích nghi khi ca nhập lễ, có thể lặp lại phiên khúc hoặc điệp ca nhiều lần, cho tới khi đoàn rước kết thúc và linh mục đã về ghế chủ tế.

  1. LỜI CHÀO VÀ VÀI LỜI DẪN VÀO THÁNH LỄ.

Chỉ dẫn:

“Dứt ca nhập lễ, linh mục đứng tại ghế, cùng toàn thể cộng đoàn làm dấu thánh giá trên mình. Tiếp đó, linh mục dùng lời chào biểu thị cho cộng đoàn biết sự hiện diện của Chúa. Lời chào của linh mục và câu đáp của cộng đoàn nói lên mầu nhiệm của Hội Thánh được quy tụ. Sau lời chào, linh mục hoặc phó tế, hoặc một thừa tác viên giáo dân, có thể nói rất vắn tắt dẫn đưa cộng đoàn vào Thánh lễ ngày hôm ấy.” (x. QCTQ 50)

Vài điểm lưu ý:

– Một dấu thánh giá rất đẹp được linh mục và tất cả cộng đoàn làm một cách chậm rãi, cung kính. Việc làm này biểu lộ cộng đoàn dân Chúa tụ họp nhân danh Chúa Ba Ngôi.

– Một diễn tiến được thực hiện theo thứ tự: dấu thánh giá, lời chào của linh mục chủ tế và cộng đoàn đáp lại, vài lời ngắn gọn để dẫn vào thánh lễ.

– Lời chào trong buổi phụng vụ luôn dưới hình thức của một cuộc đối thoại: chủ sự và cộng đoàn. Nó vừa thể hiện sự hiện diện của Chúa Kitô trong buổi cử hành, và cũng vừa thể hiện mầu nhiệm của Hội Thánh qua lời đáp của cộng đoàn.

– Nếu là một thừa tác viên không chức thánh, hoặc một giáo dân đọc vài lời dẫn vào thánh lễ thì các lời này được đọc sau lời chào của chủ tế; và sau đó, chủ tế nói vài lời ngắn để mời gọi cộng đoàn phụng vụ chuẩn bị sám hối như đã được ghi trong Sách Lễ hoặc vài lời tương tự.

– Nếu linh mục chủ tế không quen biết cộng đoàn phụng vụ hoặc ngược lại, điều có thể làm đó là, sau lời chào, một người đại diện giới thiệu ngài với cộng đoàn để người tham dự khỏi thắc mắc: “Cha nào vậy?”, lo ra trong suốt thánh lễ.

– Để lời chào cộng đoàn và lời dẫn vào thánh lễ được tốt đẹp, cần viết ra giấy hoặc sử dụng công thức có sẵn trong Sách Lễ Roma.

  1. CHUẨN BỊ SÁM HỐI.

Chỉ dẫn:

“Linh mục mời mọi người cử hành sám hối. Sau giây lát thinh lặng, tất cả cộng đoàn đọc công thức thú tội chung, và linh mục đọc lời xá giải để kết thúc, tuy nhiên lời xá giải này không có hiệu lực của bí tích sám hối.” (x. QCTQ 51).

Vài điểm lưu ý:

Có bốn hình thức sám hối được Sách Lễ đề nghị:

  • Kinh “Tôi thú nhận cùng Thiên Chúa toàn năng” cả cộng đoàn cùng đọc.
  • Hai câu đối đáp giữa linh mục và cộng đoàn.
  • Ba lời khẩn cầu được linh mục xướng lên và cộng đoàn đáp “xin Chúa thương xót…”.
  • Rảy nước thánh (nên sử dụng trong Mùa Phục Sinh).

– Nếu sử dụng hình thức (1) và (2) thì sau câu kết thúc của linh mục, thì đọc kinh “xin Chúa thương xót…”, kinh này có thể đọc đối đáp giữa ca đoàn với cộng đoàn.

– Trong mọi hình thức, linh mục đọc câu mời gọi và câu kết thúc.

– Sách Lễ không chỉ định làm dấu thánh giá khi linh mục đọc câu kết “xin Thiên Chúa toàn năng thương xót…”, vì nghi thức sám hối này chỉ là á bí tích, không thể thay thế cho bí tích giải tội, và câu kết này không phải là công thức giải tội.

  1. KINH KYRIE ELEISON.

Chỉ dẫn:

“Kinh ‘xin Chúa thương xót…’ là bài ca các tín hữu dùng để ca tụng và kêu cầu lòng thương xót của Chúa” (x. QCTQ 52).

Vài điểm lưu ý:

– Theo chỉ dẫn của QCTQ Sách Lễ Roma, kinh “xin Chúa thương xót…” trước tiên là một lời ca tụng tiếp đến mới là một lời kêu cầu. Vì thế, trong hình thức sám hối (1) và (2) không có lời ca tụng, nên phụng vụ yêu cầu phải hát “Kyrie” liền sau phần chuẩn bị sám hối.

– Sách Lễ giữ lại tiếng hy lạp “Kyrie” để hát trong phụng vụ nhằm gợi nhớ rằng tiếng hy lạp là tiếng mẹ đẻ của Hội Thánh; các lời hát cũng không quá khó hiểu cũng như tiếng Amen hoặc Alléluia trong tiếng do thái.

  1. KINH GLORIA.

Chỉ dẫn:

“Kinh Vinh danh là một thánh thi có từ rất lâu đời và đáng kính mà Hội Thánh, được Chúa Thánh Thần đoàn tụ, dùng để tôn vinh Chúa Cha và Con Chiên và cầu khẩn với Con Chiên. Không được thay thế bản văn của thánh thi này bằng bản văn nào khác”. (x. QCTQ 53).

Vài điểm lưu ý:

Kinh Gloria (Vinh Danh Thiên Chúa), cũng như phần đầu của kinh Te Deum, là một thánh thi có từ thế kỷ thứ II. Như thế, kinh GloriaTe Deum đã được các tín hữu hát từ 19 thế kỷ qua trong tâm tình tôn thờ và kính trọng. Do đó:

  • Không được thay thế bản văn Gloria bằng bản văn nào khác.
  • Không được phổ thành bản hoà âm, cộng đoàn ngồi nghe.
  • Tránh sử dụng trong các buổi hoà nhạc để mọi người ngồi thưởng thức (tục hoá).
  • Đừng quên bài Gloria được sáng tác để hát hơn là để đọc. Về hình thức hát Gloria, QCTQ 53 cũng chỉ rõ: Linh mục, hoặc tùy nghi, một ca viên hay cả ca đoàn xướng, rồi hoặc tất cả mọi người cùng hát, hoặc cộng đoàn hát luân phiên với ca đoàn, hoặc một mình ca đoàn hát. Nếu không hát thì phải đọc, hoặc mọi người đọc chung, hoặc chia hai bè.
  • Kinh Gloria được hát hay đọc trong các Chúa nhật ngoài Mùa Vọng và Mùa Chay, trong các lễ trọng và lễ kính, và trong các dịp cử hành đặc biệt khá long trọng.
  1. LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ.

Chỉ dẫn:

“Tiếp đến, linh mục mời cộng đoàn cầu nguyện; và mọi người cùng linh mục thinh lặng trong giây lát, để ý thức mình đang ở trước Thánh Nhan Thiên Chúa và có thể nói lên trong lòng những nguyện ước của mình. Rồi linh mục đọc lời nguyện thường mệnh danh là lời “tổng nguyện”, là lời nguyện nói lên đặc tính của việc cử hành. Theo truyền thống ngàn xưa của Hội Thánh, lời tổng nguyện thường hướng về Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô, trong Chúa Thánh Thần[4], và kết bằng câu kết dài có tính Ba Ngôi”. (x. QCTQ 54).

Vài điểm lưu ý:

– Linh mục mời gọi cộng đoàn phụng vụ: ngài hướng về cộng đoàn và nói với họ: “chúng ta dâng lời cầu nguyện”. Thế nhưng, lời cầu nguyện chủ sự đọc lên không nói với cộng đoàn, nhưng nói với Thiên Chúa nhân danh cộng đoàn.

– Sau lời mời gọi, linh mục giữ thinh lặng trong giây lát. Sự thinh lặng này không phải là tùy ý, nhưng luật phụng vụ phải thinh lặng và xem thinh lặng là thành phần của việc cử hành (x. QCTQ 45). Ý nghĩa việc giữ thinh lặng trong lúc này là để mọi người dâng ý nguyện riêng của mình, hiệp với lời cầu nguyện của Hội Thánh mà linh mục sẽ đọc cách long trọng dâng lên Thiên Chúa. Vì thế mà lời nguyện nhập lễ này còn được gọi là lời Tổng Nguyện (Collecta).

– Nội dung của lời nguyện này vừa nhắc tới mầu nhiệm đang cử hành “hôm nay”, vừa trình bày cho Thiên Chúa Cha, nhờ Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần, những ước muốn thường xuyên của Hội Thánh.

– Cần lưu ý cách phát âm khi đọc lời nguyện này, vì nội dung quá phong phú của nó vừa ca tụng, vừa van xin… theo tinh thần phụng vụ được cử hành. Cần tránh cách đọc quá nhanh, nếu được thì có thể hát theo cung giọng được phụng vụ cho phép.

– Linh mục chắp tay khi đọc câu kết dài mang tính Ba Ngôi[5] (GM 136)[6].

– Trong thánh lễ chỉ đọc một lời nguyện nhập lễ duy nhất (x. QCTQ 54). Do đó, cần phải dựa theo chỉ dẫn của QCTQ số 363 để chọn lời tổng nguyện phù hợp với thánh lễ đang cử hành.

 “Trong bất cứ Thánh lễ nào, phải đọc các lời nguyện riêng của Thánh lễ đó, trừ phi quy định cách khác.

Trong các lễ nhớ các thánh thì đọc lời nguyện nhập lễ riêng của thánh kính nhớ, nếu không có, thì lấy trong phần Chung các thánh.

Vào những ngày trong tuần mùa Thường niên, thì ngoài những lời nguyện của Chúa nhật đầu tuần, còn có thể lấy các lời nguyện của một Chúa nhật khác thuộc mùa Thường niên, hoặc một trong các lời nguyện của các lễ cho các nhu cầu khác nhau, có ghi trong Sách Lễ. Nhưng luôn chỉ được phép dùng một lời nguyện nhập lễ lấy từ các lễ đó mà thôi.

Như thế, chúng ta có nhiều bản văn hơn ngõ hầu giúp nuôi dưỡng kinh nguyện của các Kitô hữu cách dồi dào hơn.

Nhưng trong các mùa phụng vụ quan trọng hơn, việc thích ứng này đã được thực hiện nhờ những lời nguyện riêng cho mỗi ngày trong tuần sẵn có trong Sách Lễ”.   

PHẦN II:

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

Chỉ dẫn:

“Các bài rút ở Thánh Kinh, cùng với các bài hát xen giữa, tạo nên phần chính của phụng vụ Lời Chúa; còn bài giảng, kinh Tin Kính và lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, khai triển và kết thúc phần này. Qua các bài đọc, được bài giảng giải thích, Thiên Chúa nói với dân Ngài[7], Ngài mạc khải mầu nhiệm cứu chuộc và ơn cứu độ, đồng thời cung cấp lương thực thiêng liêng; chính Đức Kitô hiện diện giữa các tín hữu qua lời của Người[8]. Nhờ sự thinh lặng và các bài hát, cộng đoàn làm cho Lời Chúa thành của mình; và nhờ lời tuyên xưng đức tin, họ gắn bó với Lời Chúa; và được Lời Chúa nuôi dưỡng, nhờ lời nguyện chung, họ dâng lời cầu xin cho các nhu cầu của toàn thể Hội Thánh và cho cả thế giới được cứu độ”. (x. QCTQ 55).

Vài điểm lưu ý:

– Phụng vụ Lời Chúa bắt đầu với bài đọc I và kết thúc với lời nguyện phổ quát (chung hay lời nguyện tín hữu).

– Tất cả các bài đọc và thánh vịnh phải đọc tại giảng đài (ambone)[9], trừ khi bài đáp ca được ca đoàn hát. Bài giảng có thể thực hiện hoặc tại toà giảng hoặc một nơi ghế chủ toạ hoặc một nơi thích hợp khác. Các lời nguyện phổ quát bình thường cũng được đọc ở giảng đài. Trong trường hợp thánh lễ cử hành cho những nhóm nhỏ, các ý nguyện có thể được đọc tại một nơi thích hợp.

– Để giữ sự trang nghiêm của giảng đài, chỉ có thừa tác viên mới được bước lên đó (x. QCTQ 309).

  1. CÁC BÀI ĐỌC THÁNH KINH.

Chỉ dẫn:

“Trong các bài đọc, bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra cho các tín hữu và các kho tàng Thánh Kinh được mở ra cho họ[10]” (x. QCTQ 57).

Vài điểm lưu ý:

– Thừa tác viên đọc bài đọc I không bước lên giảng đài trước khi cộng đoàn thưa Amen của lời Tổng Nguyện; cũng vậy, người đọc bài đọc II không lên giảng đài trước khi bài thánh vịnh đáp ca kết thúc. Người hát thánh vịnh không rời khỏi giảng đài trước khi cộng đoàn hát xong điệp khúc cuối cùng của thánh vịnh đáp ca. Nhưng, linh mục hoặc phó tế công bố Tin Mừng đi đến giảng đài trong lúc cộng đoàn hát Alléluia.

– Vì lòng tôn kính Lời Chúa với dân trong các bài đọc, vì tôn trọng cộng đoàn lắng nghe, cần chọn những thừa tác viên đọc sách xứng hợp, và họ phải có thời gian để chuẩn bị bài đọc trước. Nên chọn những người có khả năng đọc trôi chảy trước cộng đoàn, ngắt câu đúng, giọng đọc rõ ràng nhằm giúp người nghe hiểu cách tỏ tường Lời Chúa. Cần quan tâm đến kỹ thuật khuếch đại âm thanh và chuẩn bị kỹ lưỡng trước giờ cử hành.

– Vì lòng tôn kính Lời Chúa, không được sử dụng những tờ giấy rời rạt sử dụng một lần rồi vứt bỏ, kể cả những quyển Sách Lễ dành cho giáo dân dùng để cầu nguyện riêng.

– Vì là phụng vụ Lời Chúa chứ không phải là phụng vụ các bài đọc, cho nên người đọc cần phải tránh lối đọc biểu diễn của người đọc bài thuyết trình, bài diễn văn cá nhân, hoặc đọc với cặp mắt giao lưu với cộng đoàn sau mỗi dấu phẩy, dấu chấm. Người đọc cần chú ý đọc làm sao cho cộng đoàn có thể nghe đúng và hiểu rõ Lời Chúa đang nói với họ.

– QCTQ 59 chỉ dẫn “theo truyền thống, việc đọc các bài đọc không phải là nhiệm vụ của vị chủ tọa, mà là của thừa tác viên. Thừa tác viên đọc sách đọc các bài đọc, còn phó tế hoặc một linh mục khác công bố Tin Mừng”.

“Bài đọc Tin Mừng là đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa. Chính Phụng vụ dạy ta phải hết lòng tôn kính bài đọc này, vì Phụng vụ dành cho bài Tin Mừng sự tôn kính đặc biệt hơn các bài đọc khác; về phía thừa tác viên được đề cử để đọc thì phải dọn mình nhờ lời chúc lành hay lời cầu nguyện; về phía các tín hữu, thì phải tung hô để nhìn nhận và tuyên xưng Đức Kitô đang hiện diện và nói với họ; họ đứng để nghe Tin Mừng; ngoài ra còn có những dấu chỉ tôn kính đặc biệt dành riêng cho Sách Tin Mừng.” (x. QCTQ 60). Do đó, không được phép cho tất cả mọi người tham dự đọc chung bài Tin Mừng hoặc đọc lại liền sau khi thừa tác viên chức thánh công bố và thừa tác viên hát câu “đó là Lời Chúa” để kết thúc. Đây là một lạm dụng cần phải chấm dứt.

– Linh mục chủ tế có nhiệm vụ giảng, nhưng ngài có thể nhờ vị thừa tác viên chức thánh khác đảm nhiệm, vị này có thể không đồng tế mà chỉ hiện diện trong thánh lễ (x. QCTQ 66).

– Không một bản văn nào có thể thay thế các bài đọc Thánh Kinh đã được chỉ định, vì mọi cử hành Kitô giáo đều là hành vi của Giao Ước với Thiên Chúa. Chỉ có Lời Chúa, như là lời của Giao Ước, mới được công bố.

  1. THÁNH VỊNH ĐÁP CA.

Chỉ dẫn:

“Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca, bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa và rất quan trọng về mặt phụng vụ và mục vụ, vì giúp suy niệm Lời Chúa. Thánh vịnh đáp ca phải thích hợp với mỗi bài đọc và thường phải lấy từ Sách Bài đọc.” (x. QCTQ 61).

Vài điểm lưu ý:

– Chính từ “thánh vịnh” bao hàm một bài ca (vịnh) được hát lên với sự kèm theo của các nhạc cụ. Do đó, cố gắng hết sức có thể để thánh vịnh được hát hoặc bởi một ca viên ở giảng đài, hoặc bởi ca đoàn, hoặc cả cộng đoàn được chuẩn bị để hát. Dù cách nào, cộng đoàn tham dự ít ra cũng phải hát chung phần điệp khúc. Nếu không thể hát được các câu của thánh vịnh, ít ra cũng nên hát chung câu điệp khúc. Trong trường hợp này, nhạc cụ có thể đệm nhẹ theo các câu thánh vịnh với cung đọc phù hợp.

– Vì thánh vịnh là lời đáp lại của dân đối với Lời Chúa, nên sắp xếp người hát hoặc đọc thánh vịnh không phải là người đọc bài đọc I.

– Thánh vịnh đối đáp là thành phần của phụng vụ Lời Chúa: Lời của Chúa và lời của con người, diễn tả niềm vui hay nỗi thống khổ. Do đó, không thể lấy một bài hát “không thánh kinh” thay thế hoặc xem như tương đương với thánh vịnh đáp ca.

  1. ALLÉLUIA (hoặc bài hát thứ hai).

Chỉ dẫn:

“Sau bài đọc liền trước bài Tin Mừng, hát Alléluia hay bài nào khác do luật chữ đỏ quy định tùy mùa phụng vụ. Lời tung hô như vậy tự nó là một nghi thức hoặc một hành vi độc lập, qua đó cộng đoàn tín hữu đón chào Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng, và dùng lời hát tuyên xưng niềm tin của mình. Ca đoàn hoặc ca viên xướng trước Alléluia, mọi người đứng hát, và nếu cần thì lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hoặc ca viên hát.” (x. QCTQ 62).

Vài điểm lưu ý:

Alléluia và lời tung hô Tin Mừng được soạn để hát, vì QCTQ số 63 chỉ dẫn nếu không thể hát Alléluia và lời tung hô Tin Mừng thì có thể bỏ.

Alléluia có nghĩa: Ca ngợi Thiên Chúa. Cho nên tự thân bài hát này có tính chất tung hô.

– Bài ca Alléluia được hát kèm theo cuộc rước sách Tin Mừng (x. QCTQ 133). Đồng thời, nó chuẩn bị cộng đoàn lắng nghe Lời Tin Mừng.

  1. BÀI GIẢNG (Homélie).

Chỉ dẫn:

“Bài giảng là thành phần của Phụng vụ và rất được khuyến khích[11], vì cần thiết để nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo. Phải diễn giải hoặc một khía cạnh của các bài đọc Thánh Kinh, hoặc các bản văn nào khác thuộc phần chung hay phần riêng của Thánh lễ ngày đó, có liên hệ tới mầu nhiệm được kính nhớ, hay nhu cầu đặc biệt của thính giả[12].

Thông thường bài giảng hoặc do chính linh mục chủ tế, hoặc một vị đồng tế được ngài ủy thác, đảm nhiệm. Đôi khi, cũng có thể tùy nghi trao cho một phó tế, nhưng không bao giờ giao cho một giáo dân[13]. Trong những trường hợp đặc biệt và có lý do chính đáng, Đức Giám Mục hoặc một linh mục khác, hiện diện nhưng không thể đồng tế, cũng có thể giảng.

Vào các ngày Chúa nhật và lễ buộc, trong mọi Thánh lễ cử hành có cộng đoàn tham dự, phải giảng và không được bỏ, trừ khi có lý do quan trọng; còn các ngày khác cũng nên giảng, nhất là các ngày trong tuần mùa Vọng, mùa Chay và mùa Phục sinh, và trong các lễ khác cũng như các dịp có khá đông người tới nhà thờ[14].

Sau bài giảng, nên giữ thinh lặng một khoảng thời gian vắn.” (x. QCTQ 65-66).

Vài điểm lưu ý:

Nên nhớ rằng bài giảng có thể được thực hiện ở giảng đài, ghế chủ toạ hoặc ở một nơi thích hợp (x. QCTQ 136).

Theo QCTQ số 65-66, có thể rút ra vài nhận xét như sau:

– Bài giảng không phải là bài thuyết trình hoặc bài lớp, nó không được xác định giới hạn về thời gian, hay về hình thức. Nó có quan hệ bó buộc với phụng vụ được cử hành, nên nó không phải là một bài giảng thuyết (sermon) dài dòng với bất kỳ một đề tài tôn giáo nào.

“Làm sao cho bài giảng tạo được mối liên hệ giữa Lời Chúa với cử hành bí tích và với đời sống cộng đoàn. Bằng cách ấy, Lời Chúa thật sự trở thành nơi nương tựa và nguồn sống của Hội Thánh. Hơn nữa, cũng đừng quên mục đích huấn giáo và khích lệ của bài giảng”[15].

– Bài giảng chọn một điểm để giải thích, nó không cố gắng để nói hết tất cả.

  1. TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN.

Chỉ dẫn:

“Kinh Tin kính, cũng gọi là lời tuyên xưng đức tin, nhằm làm cho cộng đoàn hiện diện đáp lại Lời Chúa đã được công bố trong các bài đọc rút từ Thánh Kinh, và được trình bày qua bài giảng; đồng thời khi tuyên xưng đức tin theo công thức đã được chuẩn nhận để dùng trong phụng vụ” (x. QCTQ 67).

Vài điểm lưu ý:

– Tuyên xưng đức tin là hành động của cộng đoàn: Luật đức tin. Nó gồm tóm các điểm cốt yếu của đức tin của Hội Thánh. Dấu chỉ của sự nhận biết, nó tập họp một thành phần của cộng đoàn hiện diện và với mọi cộng đoàn khác đang cử hành phụng vụ trong toàn Hội Thánh, mọi nơi và mọi thời. Vì lý do đó, bản tuyên xưng đức tin được phụng vụ chỉ định, từ hình thức đến nội dung, không được thay thế bởi một bản văn nào khác.

– Thật sự bản văn Kinh Tin Kính của Công Đồng Nicée-Constantinople không đơn giản. Nhưng trong phụng vụ cũng cho phép sử dụng Kinh Tin Kính của Các Tông Đồ hoặc vào những buổi cử hành đặc biệt (đêm Vọng Phục Sinh, thánh lễ Thêm Sức…) có thể sử dụng công thức tuyên xưng đức tin theo nghi thức rửa tội.

  1. LỜI NGUYỆN PHỔ QUÁT.

Chỉ dẫn:

“Trong lời nguyện chung, cũng gọi là lời nguyện tín hữu, một cách nào đó cộng đoàn đáp lại Lời Chúa mà họ vừa đón nhận trong đức tin và thực thi chức vụ linh mục có được do bí tích Thánh Tẩy mà dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin ơn cứu độ cho mọi người. Thường nên đọc lời nguyện này trong các Thánh lễ có giáo dân tham dự, để cầu cho Hội Thánh, cho các nhà cầm quyền, cho những người đang gặp khó khăn khác nhau, cho hết mọi người và cho toàn thể thế giới được ơn cứu độ”[16].

Những ý nguyện thường theo thứ tự này là:

  1. Cho các nhu cầu của Hội Thánh;
  2. Cho các người trong chính quyền và cho toàn thế giới được ơn cứu độ;
  3. Cho các người đang gặp bất cứ khó khăn nào;
  4. Cho cộng đoàn địa phương.

   Nhưng trong một buổi cử hành đặc biệt nào đó, như là Thêm sức, Hôn phối, An táng, thì thứ tự các ý nguyện có thể ưu tiên cho trường hợp đặc biệt đó.” (x. QCTQ 69-70).

Vài điểm lưu ý:

Lời Nguyện Chung không phải là lời nguyện mà cộng đoàn phụng vụ khẩn cầu riêng cho mình. Cộng đoàn hiện diện cầu nguyện cho cả nhân loại, theo mọi nhu cầu. Riêng ý nguyện thứ tư (d) cầu “cho cộng đoàn địa phương” được hiểu theo nghĩa rộng, bao gồm mọi thành phần dân Chúa trong địa phận, trong họ đạo dù có mặt hay vắng mặt trong buổi cử hành.

– Việc soạn các ý nguyện không phải là việc dễ dàng. Vì vậy, khi soạn cần đơn giản, ngắn gọn và liên quan đến con người với những nhu cầu cụ thể, chứ đừng chú trọng quá đến ý tưởng cao siêu.

– Thời điểm cầu nguyện không phải là các ý nguyện, nhưng là các điệp khúc (cũng có thể cầu nguyện trong thinh lặng). Điệp khúc này cần ngắn gọn và nài xin. Các ý nguyện phải đáp ứng đúng nhu cầu và không vướng víu những tình cảm riêng tư.

– Chủ tế chắp tay mời gọi cộng đoàn cầu nguyện và giang tay đọc lời nguyện kết (x. QCTQ 138).

– Các ý nguyện hoặc do phó tế đọc, hoặc một người trong cộng đoàn đọc.

  1. THÁNH LẼ DÀNH CHO THIẾU NHI.

Liên quan đến Phụng Vụ Lời trong các thánh lễ dành cho thiếu nhi (tuổi học giáo lý), Huấn Thị về Thánh lễ Thiếu Nhi (Directoire des Messes d’enfant), của Bộ Phụng Tự, ban hành ngày 01/11/1973, cho phép:

  • Bỏ một trong các bài đọc, nhưng không được bỏ bài Tin Mừng (số 42).
  • Vì các em khó có thể giữ thinh lặng trong thánh lễ, nhất là vào những lúc thinh lặng được chỉ định, do đó, khoảnh khắc thinh lặng sau bài giảng có thể hát một bài thích hợp, và nếu chỉ đọc một bài đọc thì sau bài giảng cũng có thể hát một bài thích hợp ( số 46).
  • Bài giảng thỉnh thoảng có thể sử dụng hình thức đối thoại (số 48).

 

 

 

PHẦN III:

PHỤNG VỤ

THÁNH THỂ

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. TƯỞNG NIỆM.

Chỉ dẫn:

“Trong bữa tối sau hết, Đức Kitô đã thiết lập hy lễ và bữa tiệc vượt qua, nhờ đó hy lễ thập giá được tiếp tục hiện diện trong Hội Thánh khi linh mục, đại diện Đức Kitô là Chúa, làm cùng một việc chính Chúa Kitô đã làm và ủy thác cho các môn đệ làm, để tưởng nhớ đến Người[17]”. (x. QCTQ 72).

Vài điểm lưu ý:

Để hiểu được ý nghĩa của các cử chỉ phụng vụ mà Hội Thánh sử dụng để “tưởng niệm” Chúa Kitô, điều cần thiết là phải nhận thấy có hai khía cạnh trong hành động tưởng niệm: Hữu hình (nhìn thấy qua các cử chỉ) và vô hình (ý nghĩa biểu tượng của các cử chỉ). Thật vậy, Hội Thánh không tưởng niệm các cử chỉ, nhưng tưởng niệm người thực hiện chúng. “Trong Bữa Tiệc sau hết, đêm bị nộp, Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để uỷ thác cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái chết và sống lại của Người…”[18].

Điều này có nghĩa là việc tưởng niệm không chỉ đơn giản được hiểu như kỷ niệm quá khứ. Hành động tưởng niệm được thực hiện hôm nay và để tiến dâng hôm nay. Các hành động tiến dâng chứa đựng ý nghĩa “hôm nay”, hầu chúng ta có thể dâng tiến hôm nay cho Thiên Chúa Cha, Mình và Máu Chúa Kitô. Phần chúng ta, chúng ta đi vào trong lễ vật mà Chúa Kitô dâng cho Cha của Người, cùng với Người dâng lễ hy sinh của Hội Thánh, thân thể của Người: “Chúng con nài xin Chúa đoái nhìn hiến lễ của Hội Thánh dâng lên Chúa, và khi Chúa nhận đây chính là Của Lễ mà Chúa muốn hiến tế để nguôi lòng Chúa…” (Kinh nguyện Thánh Thể III).

“Vì thế, Giáo Hội hằng bận tâm lo các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng như là những người thấu đáo mầu nhiệm nhờ có các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi Lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Thánh Chúa; họ tạ ơn Chúa; và trong khi dâng lễ vật tinh tuyền, không chỉ nhờ bàn tay linh mục, mà còn liên kết với Ngài, họ tập dâng chính mình; và ngày qua ngày, nhờ Chúa Kitô Trung Gian, họ được tiêu hao trong tình kết liên với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa trở nên mọi sự trong mọi người”.[19]

Thánh lễ là nơi thực hiện trọn vẹn việc tưởng niệm Thánh Thể. Bởi vì chính nơi đây, thừa tác viên “chức thánh”, một thành viên của cộng đoàn, đại diện Chúa Kitô, Đấng hiện diện giữa các môn đệ và là “Đầu của Thân Thể là Hội Thánh” (Cl 1,18). Trong tư cách đại diện Chúa Kitô, linh mục chủ sự, nhân danh Chúa Kitô, tái hiện lại những gì mà Chúa Kitô đã nói, đã làm trong Bữa Tiệc Ly (nói ở phần dưới). Trong khi thực hiện trong tư cách thừa tác viên thánh, linh mục cùng với cộng đoàn cử hành việc tưởng niệm này, điều này được diễn tả qua từ “chúng con” trong Kinh Nguyện Thánh Thể: “Chúng con dâng lên Chúa…”. Đây cũng chính là cách biểu hiện chiều kích hiện tại của việc tưởng niệm: phụng vụ không còn là Bữa Tiệc Ly của hôm qua, nhưng là Thánh Thể của ngày hôm nay.

  1. CẦM LẤY, TẠ ƠN, BẺ RA VÀ TRAO CHO.

Chỉ dẫn:

“Vì thế, Hội Thánh hằng bận tâm lo cho các Kitô hữu tham dự vào mầu nhiệm đức tin ấy, không như những khách bàng quan, câm lặng, nhưng là những người thấu đáo mầu nhiệm đó nhờ các nghi lễ và kinh nguyện: họ tham dự hoạt động thánh một cách ý thức, thành kính và linh động: họ được đào tạo bởi Lời Chúa; được bổ sức nơi bàn tiệc Mình Chúa…” (SC 48).

Vài điểm lưu ý:

Trong những số tiếp theo, chúng ta phân tích chi tiết các cử chỉ, và ngôn ngữ được sử dụng trong phần phụng vụ Thánh Thể. Cần ghi nhận rằng Hội Thánh đã phân chia phần cử hành phụng vụ Thánh Thể thành các phần liên quan đến các lời, các cử chỉ của Chúa Kitô.

Như vậy, bốn động từ: cầm lấy, tạ ơn, bẻ ra và trao cho, là những từ được rút ra từ bản văn lập bí tích Thánh Thể theo Tân Ước, và nó xác định bốn hành động làm thành phụng vụ Thánh Thể.

Cầm lấy: chính là việc chuẩn bị và dâng lễ vật (ngày nay phụng vụ thường được gọi là phần dâng của lễ);

Tạ ơn: chính là Kinh Nguyện Thánh Thể;

Bẻ ra: chính là cử chỉ bẻ bánh;

Trao cho: chính là hiệp lễ (rước lễ).

Bốn hành động này làm thành phụng vụ Thánh Thể. Nếu bỏ sót một trong bốn phần phụng vụ Thánh Thể, nếu không đề cập đến tính hợp lệ, thì ít là nó thiếu tính chân thật và trọn vẹn trong các việc phải làm, để thể hiện sự vâng phục mệnh lệnh của Chúa: “các con hãy làm việc này để nhớ đến Thầy”.

  1. CHUẨN BỊ LỄ VẬT.

Chỉ dẫn:

“Bắt đầu phần phụng vụ Thánh Thể, thì đưa lên bàn thờ các lễ vật sẽ trở thành Mình và Máu Đức Kitô.

Trước hết để sửa soạn bàn thờ hay bàn tiệc của Chúa, tâm điểm của toàn bộ phần phụng vụ Thánh Thể[20], người ta đặt trên đó khăn thánh, khăn lau chén, Sách Lễ và chén lễ, trừ khi chén lễ được dọn ở bàn phụ.

Tiếp đến là đem lễ vật lên: nên để giáo dân dâng bánh và rượu, linh mục hay phó tế nhận tại một nơi thuận tiện, và đưa lên bàn thờ. Mặc dầu ngày nay giáo dân không còn mang bánh rượu của mình đến để dùng vào việc phụng vụ như xưa, nhưng việc dâng lễ vật vẫn giữ được giá trị và ý nghĩa thiêng liêng của nó.

Cũng được nhận tiền bạc hay các phẩm vật khác, do tín hữu mang đến, hoặc được quyên ngay trong nhà thờ để giúp người nghèo hay nhà thờ, những phẩm vật này được đặt ở một nơi xứng hợp ngoài bàn thờ.” (x. QCTQ 73)

Vài điểm lưu ý:

Phụng vụ Thánh Thể được bắt đầu với việc “chuẩn bị lễ vật” mà trước đây gọi phần này là “dâng tiến”(effertoire). Đây là cách gọi mới của cải cách phụng vụ. “Lời nguyện tiến lễ” dường như nhấn mạnh đến lễ vật (bánh và rượu sản phẩm từ hoa màu ruộng đất và công lao con người) được dâng lên, còn việc “dâng tiến” được đặt trong trung tâm của Kinh Nguyện Thánh Thể:“Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa” (Kinh nguyện Thánh Thể II) hoặc “chúng con dâng lên Chúa hy lễ hằng sống và thánh thiện này để tạ ơn Chúa (Kinh nguyện Thánh Thể III).

“Chuẩn bị lễ vật” được thực hiện qua việc: chuẩn bị bàn thờ, “đặt bàn” theo cách gọi thông thường, như Quy Chế Tổng Quát nêu rõ. Việc chuẩn bị bàn thờ này chỉ được thực hiện khi kết thúc phần phụng vụ Lời Chúa, đi từ bàn tiệc Lời Chúa (toà giảng) đến bàn tiệc Thánh Thể (bàn thờ).

Quy Chế Tổng Quát cũng đề nghị nên để giáo dân mang bánh và rượu lên và linh mục tiếp nhận, nghĩa là lễ vật này không được để sẵn trên bàn thờ hoặc gần bên bàn thờ, vì như thế nó có thể làm giảm mất ý nghĩa từ “cầm lấy” khi tưởng niệm việc Chúa “cầm lấy bánh”. Như vậy, có thể tổ chức một đoàn rước như QCTQ 74 chỉ định. Các người được chọn mang bánh và rượu lên cung thánh hoặc nơi thuận tiện, linh mục hoặc phó tế nhận và đưa lên bàn thờ. Các lễ phẩm giúp người nghèo cũng được nhận và đưa đến chỗ xứng hợp ngoài bàn thờ. Sau khi nhận lễ vật, nhân danh cộng đoàn, linh mục chủ tế dâng lên Chúa và đặt chúng lên bàn thờ.

Trong thực hành cần lưu ý QCTQ 75 “linh mục đặt bánh và rượu trên bàn thờ trong khi đọc những công thức đã quy định”. Điều này muốn nói rằng, sau khi nhận bánh và rượu, trước khi đặt chúng lên bàn thờ, linh mục phải đọc công thức, chứ không đặt lễ vật sẵn lên bàn thờ, sau đó linh mục đọc công thức rồi lại đặt lễ vật trên bàn thờ. Trong trường hợp, nếu có phó tế (hoặc một linh mục đồng tế) chuẩn bị lễ vật cách đơn giản, thì chính vị này đưa bánh và rượu cho chủ tế, để ngài dâng lên và đọc công thức sau đó ngài đặt chúng lên bàn thờ.

Bài ca dâng lễ (vẫn giữ cách gọi cũ): Hiện nay, có rất nhiều bài ca dâng lễ được sáng tác. Nên chọn bài hát thích hợp cho việc dâng lễ vật chứa đựng ý nghĩa các lễ vật này là ân ban của Thiên Chúa, là hoa màu ruộng đất, là công khó nhọc của con người… Bài hát này bắt đầu khi đoàn rước lễ vật tiến lên và kết thúc khi chủ tế đặt chúng lên bàn thờ theo như đã nói (x. QCTQ 74). Nếu không hát thì có thể đệm đàn nhẹ nhàng một bản thích hợp (x. QCTQ 142).

Trong trường hợp không hát ca dâng lễ, không đệm đàn, linh mục đọc lớn tiếng công thức dâng lễ, và cộng đoàn cùng đáp lại: “chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời”.

Một cử chỉ rất nhỏ cũng cần nói đến, đó là việc pha một chút nước vào chén rượu. Ý nghĩa của việc làm này được bày tỏ qua công thức “đọc thầm”: “Nhờ dấu chỉ nước hoà rượu này, xin cho chúng con được tham dự vào thần tính của Đấng đã đoái thương thông phần nhân tính của chúng con”. Như vậy, có thể nói, Thánh Thể là kết quả của mầu nhiệm Nhập Thể. Vào thời điểm Nhập Thể, Thiên Chúa làm người; vào thời điểm cử hành Thánh Thể, con người “được làm” Thiên Chúa, qua việc tiếp nhận Thân Mình Chúa Kitô: “Hãy trở thành những gì bạn lãnh nhận” (Thánh Augustinô).

Chuẩn bị chén thánh và pha chút nước, phó tế có thể thực hiện tại bàn thờ phụ, sau đó mang lên dâng cho chủ tế tại bàn thờ (x. QCTQ 178). Trong trường hợp thánh lễ có số linh mục đồng tế đông, thì có thể sử dụng nhiều chén (x. QCTQ 207). Cần phải rót rượu vào các chén trong khi chuẩn bị lễ vật, vì sau khi truyền phép tuyệt đối không được sang Máu Thánh Chúa từ chén này sang chén khác, để tránh xúc phạm đến mầu nhiệm cực trọng [21].

Có thể xông hương lễ vật vừa đặt trên bàn thờ, rồi xông hương bàn thờ và thánh giá khi đi ngang qua, với ý nghĩa là lễ vật và lời nguyện cầu của Hội Thánh cũng như hương trầm bay lên trước tôn nhan Chúa. Sau đó, phó tế hoặc người giúp lễ có thể xông hương cho linh mục chủ tế, linh mục đồng tế và cộng đoàn. Nếu có giám mục hiện diện mà không chủ sự thánh lễ, thì có thể xông hương cho ngài sau chủ tế hoặc sau linh mục đồng tế (x. LNGM 97). Việc xông hương này là một dấu chỉ rất đẹp, vì nói lên mọi thành phần dân Chúa: chức thánh hoặc giáo dân, nhờ bí tích rửa tội, tất cả đều trở thành dân tư tế, và giờ đây, cộng đoàn dân Chúa tụ họp để tạ ơn Chúa và dâng chính mình trong thánh lễ.

  1. KINH NGUYỆN THÁNH THỂ.

Chỉ dẫn:

“Bây giờ bắt đầu đi vào tâm điểm và lên đỉnh cao của toàn bộ việc cử hành nghĩa là đến chính kinh nguyện Thánh Thể, nghĩa là, kinh nguyện tạ ơn xin ơn thánh hóa. Linh mục mời cộng đoàn hướng tâm hồn lên để cầu nguyện và tạ ơn Thiên Chúa; đồng thời liên kết họ với mình trong lời cầu nguyện, để nhân danh tất cả cộng đoàn dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha, qua Đức Giêsu Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Ý nghĩa của lời cầu nguyện này là để toàn thể cộng đoàn tín hữu kết hiệp với Đức Kitô mà tuyên xưng những kỳ công của Thiên Chúa và hiến dâng hy lễ. Kinh nguyện Thánh Thể đòi mọi người cung kính và thinh lặng lắng nghe.” (x. QCTQ 78).

Vài điểm lưu ý:

Cần ghi nhận vài điểm liên quan đến linh mục chủ tế:

– Thánh lễ là hiến lễ tạ ơn của Chúa Kitô dâng lên Chúa Cha. Trong tư cách đại diện Chúa Kitô cách bí tích, “Đấng là Đầu của thân thể là Hội Thánh” (Cl 1,8), linh mục chủ tế đọc toàn bộ Kinh Nguyện Thánh Thể. Cộng đoàn tham dự đáp lại trong phần đầu của Kinh Tiền Tụng, Kinh Sanctus, Kinh Anamnesis (Tưởng Niệm, sau truyền phép) và Amen kết thúc. Cộng đoàn không được đọc cùng với linh mục (dù chỉ một phần) Kinh Nguyện Thánh Thể.

– Sau phần đối thoại đầu Kinh Tiền Tụng, linh mục chủ tế nói với Thiên Chúa nhân danh cộng đoàn với chủ từ được sử dụng “chúng con tạ ơn Chúa mọi nơi, mọi lúc…”. Linh mục không giảng cho cộng đoàn, nhưng ngài là thành phần của cộng đoàn dâng lên Chúa lời nguyện mà cộng đoàn đang lắng nghe ngài.

Giọng đọc cầu nguyện của chủ tế không quá chậm, không quá nhanh (như vẫn thường gặp), nhưng bình thản, khoan thai, và rõ ràng để mỗi từ, mỗi phần của câu từ chất giọng của ngài đến với tâm trí người tham dự. Nghĩa là, linh mục chú ý trong cách đọc theo cách thức cầu nguyện, và giúp người tham dự có thể nghe, hiểu được lời kinh phát ra từ môi miệng ngài.

Nên lưu ý đến khoảng cách của quyển Sách Lễ với tầm mắt sao cho phù hợp. Đồng thời cũng chú ý khoảng cách so với bàn thờ khi đứng đọc: đừng quá xa hoặc dựa “bụng” vào bàn thờ.

  1. KINH TIỀN TỤNG.

Chỉ dẫn:

“Những yếu tố chính tạo nên kinh nguyện Thánh Thể, có thể phân biệt như sau:

  1. Việc tạ ơn (đặc biệt được nêu rõ trong lời tiền tụng) khi linh mục nhân danh toàn thể dân thánh ngợi khen Chúa Cha và cảm tạ Ngài về tất cả công trình cứu độ, hoặc vì lý do nào đặc biệt, tùy ngày, tùy lễ, tùy mùa khác nhau.
  2. Việc tung hô: toàn thể cộng đoàn hợp cùng các vị quyền thế trên trời, hát kinh “Thánh! Thánh! Thánh!”. Lời tung hô này là thành phần của chính kinh nguyện Thánh Thể, nên cả cộng đoàn và linh mục cùng hợp tiếng.” (x. QCTQ 79).

Vài điểm lưu ý:

Việc tạ ơn được thể hiện ngay trong lời đối thoại khi đầu Kinh Tiền Tụng. Linh mục chủ tế nhân danh cộng đoàn để cầu nguyện. Giọng đọc của ngài phải mời gọi sự đáp trả của cộng đoàn. Thật là cần thiết việc chuẩn bị Kinh Tiền Tụng trước thánh lễ.

Kinh Tiền Tụng là thời điểm trữ tình nhất của lời kinh tạ ơn. Nên cách hay nhất là nên hát kinh này. Nếu không hát được, thì cũng cần phải đọc khoan thai như đã nói và tuyệt đối tránh lối đọc quá nhanh hoặc quá uỷ mị.

Kinh Tiền Tụng không kết thúc bằng dấu chấm hết nhưng nó được mở ra với Kinh Sanctus. Kinh này cộng đoàn hiệp với cộng đoàn thiên quốc hát ca tụng Chúa.

Thiên Chúa gần chúng ta trong Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Người vượt lên trên tất cả. Người là Thiên Chúa ba lần thánh. Bài ca Sanctus là thời điểm long trọng mà cộng đoàn cùng với chủ tế đặt mình trước sự hiện diện của Chúa cùng với Hội Thánh trên trời.

  1. KINH CẦU XIN CHÚA THÁNH THẦN.

Chỉ dẫn:

Kinh cầu xin Chúa Thánh Thần (Epiclesis): Hội Thánh dâng lời kêu cầu đặc biệt nài xin quyền năng Chúa Thánh Thần, để các lễ vật do con người dâng lên được Ngài hiến thánh, nghĩa là làm cho trở thành Mình và Máu Đức Kitô, và để của lễ tinh tuyền được rước lấy trong khi hiệp lễ, đem lại ơn cứu độ cho những ai lãnh nhận.” (x. QCTQ 79).

Vài điểm lưu ý:

Có hai Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần. Thứ I: trước lời truyền phép. Kinh này kêu xin Chúa Thánh Thần xuống trên bánh và rượu để chúng “trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô” (Kinh Nguyện Thánh Thể II). Thứ II: sau lời truyền phép. Kinh này kêu xin Chúa Thánh Thần xuống trên những ai hiệp lễ, làm cho họ “được bổ dưỡng bởi Mình và Máu Con Chúa và được tràn đầy Thánh Thần của Người, thì trở nên một thân thể và một tinh thần trong Đức Kitô” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).

Khi đọc Kinh Chúa Thánh Thần trước truyền phép của Kinh Nguyện Thánh Thể II, luật chữ đỏ chỉ định: “linh mục sáp hai tay lại, đặt trên lễ vật và đọc”. Trong khi kinh thứ II, đọc sau lời truyền phép trong Kinh Nguyện Thánh Thể III, thì được chỉ dẫn là“linh mục dang tay đọc”.

  1. BẢN VĂN THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ.

Chỉ dẫn:

Lời tường thuật việc lập bí tích Thánh thể và việc hiến thánh: hy lễ được thực hiện nhờ lời nói và việc làm của Chúa Kitô, đó là hy lễ chính Chúa Kitô đã thiết lập trong Bữa tối sau hết, khi dâng hiến Mình và Máu Người dưới hình bánh và hình rượu, và ban cho các Tông đồ để ăn và uống, đồng thời truyền cho các ngài phải làm cho mầu nhiệm này được tồn tại mãi.” (x.QCTQ 79).

Vài điểm lưu ý:

Tính trữ tình của Kinh Tiền Tụng và tâm tình cầu khẩn của Kinh xin Chúa Thánh Thần nhường chỗ cho lời tường thuật việc thiết lập bí tích Thánh Thể. Linh mục chủ tế đọc lại hành động nền tảng với sự đơn giản, sâu lắng bên trong. Các lời truyền phép không cần phát âm với một cung giọng đặc biệt. Nó chỉ cần tôn trọng dấu câu (ví dụ: Hãy cầm lấy mà ăn “:” vì này là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con).

Sau khi nâng cao bánh (rượu) đã truyền phép cho cộng đoàn thấy, linh mục cúi mình (bái gối). Ở đây, Hội Thánh không dự trù cho việc kéo dài thời gian để thinh lặng thờ lạy, nhưng liền ngay sau khi nâng cao Mình – Máu Thánh Chúa và cúi mình, là lời ca tụng (Đây là mầu nhiệm đức tin…).

Linh mục nâng bánh, tiếp đến là chén lên cao cho cộng đoàn thấy và thờ lạy ngắn gọn. QCTQ 43 chỉ định: mọi người phải quỳ khi truyền phép Mình – Máu Thánh, trừ khi bị ngăn trở vì lý do sức khỏe, vì nơi chốn chật hẹp hoặc vì quá đông người dự lễ hay vì lý do nào chính đáng khác thì đứng, và sau khi linh mục đặt bánh hoặc chén xuống thì cùng với linh mục cúi mình. Như vậy, khi linh mục nâng bánh hoặc chén lên, mọi người phải ngước nhìn, và sau đó là thờ lạy (cúi đầu nếu quỳ; cúi mình nếu đứng).

QCTQ 42 nói rõ về cử chỉ và điệu bộ của thân xác của cộng đoàn đang cử hành phụng vụ như sau: “Điệu bộ chung mà mọi người tham dự phải giữ là dấu chỉ của sự hợp nhất giữa các thành phần của cộng đoàn Kitô hữu đang quy tụ để cử hành phụng vụ thánh: nó biểu lộ và khích lệ tâm hồn cũng như tình cảm của các người tham dự”.

  1. TƯỞNG NIỆM.

Chỉ dẫn:

Tưởng niệm (Anamnesis): nhờ việc tưởng niệm, Hội Thánh thi hành mệnh lệnh đã lãnh nhận từ Đức Kitô qua các Tông đồ, khi kính nhớ chính Đức Kitô và đặc biệt tưởng niệm cuộc thương khó hồng phúc, sự sống lại vinh hiển và lên trời của Người.” (x. QCTQ 79).

Vài điểm lưu ý:

Anamnesis tiếng hy lạp, có nghĩa là hành động để nhớ, tưởng niệm. Ý nghĩa này nằm trong lời Kinh sau truyền phép: “vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa…” (Kinh Nguyện Thánh Thể II). Thời điểm này là trung tâm của phụng vụ Thánh Thể: tưởng niệm và dâng lễ, tạ ơn và hiến tế. “Vì vậy, lạy Chúa, chúng con là tôi tớ Chúa, và toàn thể dân Thánh Chúa, kính nhớ cuộc khổ hình hồng phúc, sự sống lại từ cõi chết và lên trời vinh hiển của Đức Kitô, Con Chúa, Chúa chúng con. Chúng con lựa chọn trong những của Chúa đã ban mà dâng lên trước tôn nhan Chúa uy linh…” (Kinh Nguyện Thánh Thể I).

Vatican II chọn lời tung hô của cộng đoàn sau truyền phép hướng về Chúa Kitô và ca tụng Người vì mầu nhiệm trung tâm rút ra từ cái chết và sự phục sinh của Người, trong khi chờ đợi Người lại đến trong vinh quang. Người tín hữu nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô, nên lời tung hô hướng trực tiếp về Người: đây là lần duy nhất trong toàn bộ Kinh Nguyện Thánh Thể. Lời ca tụng này được Hội Thánh lấy hứng từ lời của thánh Phaolô: “Mỗi lần anh em ăn bánh và uống chén này, anh em hãy loan truyền việc Chúa chịu chết cho tới khi Chúa đến” (1Cor 11,26).

Thánh Thể là bí tích mà Hội Thánh cử hành bởi vì Chúa vẫn chưa trở lại.

Hành động tưởng niệm là:

  • dựa trên một biến cố cứu độ, lịch sử và quá khứ: “Vinh danh Chúa, Đấng đã chết”;
  • để loan truyền trong việc hiện tại hoá, nhất là trong thánh lễ: “Vinh danh Chúa, Đấng hằng sống”;
  • và hướng đến việc thực hiện trong thời viên mãn: “Hãy đến, lạy Chúa Giêsu”.

Tưởng niệm là một hành động đức tin, khi dân Kitô giáo nhận ra sự hiện diện của Chúa Kitô dưới hình thức bánh và rượu. “Ta hãy lấy đức tin bù lại” (Tantum ergo). Nhưng sự hiện diện “bị che giấu” gợi lại điều mà Phaolô gọi “thấy rõ ràng”: “vì chúng ta tiến bước nhờ lòng tin chứ không phải nhờ được thấy” (2Cor 5,7) cho tới khi sẽ được mặt giáp mặt (1Cor 13,12).

Lời ca tụng cần được cộng đoàn hát lên. Sách Lễ Roma đã dự liệu ba mẫu tung hô đều ca tụng Chúa Kitô. Trong lúc hát, mọi người hãy hướng nhìn về Chúa Kitô đang hiện diện thực sự trong hình bánh-rượu.

  1. DÂNG TIẾN.

Chỉ dẫn:

Dâng tiến: nhờ việc dâng tiến trong cuộc tưởng niệm này, Hội Thánh, và đặc biệt cộng đoàn đang tụ họp tại đây và trong lúc này, trong Chúa Thánh Thần, dâng lên Chúa Cha của lễ tinh tuyền. Hội Thánh có ý cho các tín hữu không những dâng của lễ tinh tuyền, mà còn cho họ học biết dâng chính mình, và, nhờ Đức Kitô làm trung gian, mỗi ngày một hiệp nhất hơn với Thiên Chúa và với nhau, để cuối cùng Thiên Chúa sẽ là mọi sự trong mọi người[22]”.

Vài điểm lưu ý:

Sau lời tung hô của cộng đoàn trong việc tưởng niệm, linh mục thêm vào đó lời cầu nguyện dâng tiến. Ngài cố gắng đọc lời nguyện này với sự khoan thai và trang nghiêm trong thời khắc linh thiêng.

Linh mục đọc: “Chúng con dâng lên Chúa”; “chúng con” ở đây được hiểu là toàn Hội Thánh, cách đặc biệt là cộng đoàn đang hiện diện dâng lên Chúa hy tế cứu độ. Vì vậy, thái độ của mỗi tín hữu là phải biểu lộ “tinh thần đạo đức sâu xa và lòng bác ái đối với anh em cùng chung tham dự một cử hành” (x. QCTQ 95). Thái độ này được thể hiện qua sự chú ý lắng nghe lời cầu nguyện của chủ tế và ý thức sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô. Lòng bác ái trong đời cộng đoàn và trong đời sống người Kitô, được linh mục nêu lên trong lời Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần lần II (x. số 20).

Chúa Thánh Thần thấm nhập nhân tính của Chúa Giêsu để biến đổi cuộc sống Người thành của lễ dâng tiến. Hội Thánh đã cầu nguyện, “…nhờ cũng một Chúa Thánh Thần, đoái thương thánh hoá của lễ chúng con dâng tiến Chúa”. Qua lời cầu nguyện của linh mục, Hội Thánh cầu xin Chúa Thánh Thần “làm cho chúng con trở nên của lễ muôn đời dâng tiến Chúa”. Khi Chúa Kitô hiến mình cho Chúa Cha, đó chính là Đầu của thân thể (Cl 1,18), Người là lễ vật dâng tiến. Và giờ đây, qua lời Kinh Cầu Xin Chúa Thánh Thần II, giúp người tín hữu hiểu rằng trong sự hiệp nhất, họ trở thành thân thể của Chúa Kitô mà chính họ đã nhận lãnh (rước lấy).

  1. CHUYỂN CẦU.

Chỉ dẫn:

Chuyển cầu: các lời chuyển cầu cho thấy hy lễ tạ ơn được cử hành, trong sự hiệp thông với toàn thể Hội Thánh, cả thiên quốc lẫn trần gian, và cho thấy lễ vật được dâng tiến để cầu cho chính Hội Thánh và mọi chi thể, còn sống cũng như đã qua đời, là những chi thể đã được kêu mời thông phần ơn cứu chuộc và ơn cứu độ do Mình và Máu Đức Kitô đem lại.” (QCTQ 79).

Vài điểm lưu ý:

Đây không phải là lời cầu phổ quát (chung) thứ hai, nhưng đây là lời cầu nguyện cho nội bộ Hội Thánh phổ quát. Ở đây, Hội Thánh cầu nguyện cho đức giáo hoàng và giám mục mà cộng đoàn chưa thực hiện trong lời cầu nguyện chung, ngoại trừ một vài tình huống đặc biệt. Ở đây, Hội Thánh cũng cầu nguyện cho những cộng đoàn hiện diện, cho dân Chúa khắp mọi nơi và thừa tác viên thánh. 

 Kinh Nguyện Thánh Thể II, III và IV  hướng tới nhiều thành phần đặc biệt, chẳng hạn người mới được rửa tội trong tuần phục sinh, hoặc các tín hữu đã qua đời. Khi cầu nguyện cho từng thành phần, linh mục cần đọc rõ, chậm để cộng đoàn có thể hiệp ý.

  1. VINH TỤNG CA KẾT THÚC.

Chỉ dẫn:

Vinh tụng ca kết thúc (doxologie): đây là lời chúc tụng vinh quang Thiên Chúa, được lời tung hô Amen của cộng đoàn củng cố và kết thúc.” (x. QCTQ 79).

Vài điểm lưu ý:

Vinh tụng ca có nghĩa là lời ca tụng. Vinh tụng ca là lời kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể; nó tóm kết trong vài từ tất cả những gì muốn nói đến trong hành động tạ ơn.

Linh mục nâng bánh và rượu đã truyền phép. Không như lúc dâng lễ vật hay lúc nâng bánh và rượu sau truyền phép, lúc này, linh mục nâng bánh và rượu lên cao hơn; tay, đầu và mắt hướng nhìn… tất cả con người của ngài như được nâng lên trong cử chỉ dâng tiến hướng lên không gian (biểu tượng nơi ngự trị của Thiên Chúa), trong lúc đọc lời tạ ơn. Đây chính là sự dâng tiến đích thực.

Lời vinh tụng ca là thành phần lời cầu nguyện của chủ tế, do đó, chỉ một mình linh mục (gồm linh mục đồng tế, nếu có) đọc hoặc hát. Và lời vinh tụng được kết thúc bởi lời đáp Amen của cộng đoàn. Amen này cũng nên hát cách long trọng. Vì đây cũng chính là lời tuyên xưng đức tin của phần phụng vụ Thánh Thể.

  1. ĐỒNG TẾ.

Chỉ dẫn:

“Việc đồng tế biểu lộ cách thích đáng sự hợp nhất của chức linh mục của hy lễ và của toàn thể dân Chúa. Chính nghi thức buộc phải có đồng tế:

– Trong nghi lễ tấn phong Giám mục và truyền chức linh mục;

– Trong lễ chúc phong Đan viện phụ;

– Và trong lễ làm phép dầu.

Khuyên nên đồng tế trong các trường hợp sau đây, trừ phi lợi ích của tín hữu đòi hỏi cách khác:

  1. Trong Thánh lễ Tiệc Ly chiều thứ Năm tuần Thánh;
  2. Trong Thánh lễ của các Công đồng, các cuộc họp của các Giám mục và trong các Hội đồng;
  3. Trong Thánh lễ tu viện và Thánh lễ chính tại các nhà thờ và nhà nguyện;
  4. trong Thánh lễ nhân dịp bất cứ cuộc hội họp nào của các linh mục triều hay dòng” (x. QCTQ 199).

Vài điểm lưu ý:

Việc đồng tế của các linh mục: CĐ Vatican II khôi phục và Hiến Chế Phụng Vụ số 57 đề cập đến. Các linh mục được khuyên nên đồng tế khi có thể. QCTQ số 199 cũng nêu rõ các lễ buộc phải đồng tế.

Các linh mục nên chọn lựa đồng tế hay không tuỳ theo hoàn cảnh thích hợp. Cũng nên tránh những trường hợp lạm dụng việc đồng tế mà bỏ bớt lễ, làm nguy hại cho “lợi ích của người tín hữu”. Thí dụ: ngày Chúa nhật, hai linh mục không thể đồng tế vì lợi ích riêng của bản thân, mà bỏ dâng lễ cho giáo dân vào giờ thích hợp của họ.

Vài chỉ dẫn cần lưu ý:

“Một khi Thánh lễ đã bắt đầu, thì không ai được tiến lên đồng tế hoặc được nhận vào đồng tế nữa.” (x. QCTQ 206).

“Khi tới bàn thờ, các vị đồng tế và chủ tế chính cúi mình và lên hôn kính bàn thờ rồi về chỗ của mình. Còn chủ tế chính tùy nghi xông hương thánh giá và bàn thờ, rồi cũng về ghế của mình.” (x. QCTQ  211).

“Nếu trong Thánh lễ đồng tế mà không có phó tế, thì một vài vị đồng tế thi hành những phần việc của phó tế.” (x. QCTQ 208).

“Tại phòng mặc áo hay ở một nơi nào thuận tiện, các vị đồng tế sẽ mặc lễ phục như thường mặc khi làm lễ một mình. Nhưng khi có lý do chính đáng, ví dụ như có nhiều người đồng tế quá mà không có đủ áo lễ, thì, trừ vị chủ tế, các vị đồng tế khác có thể bỏ áo lễ, mà chỉ dùng áo alba và dây stôla” (x. QCTQ 209).

   “Sau khi chủ tế chính đọc lời nguyện dâng lễ, các vị đồng tế tiến lên đứng chung quanh bàn thờ, nhưng phải sắp xếp thế nào để không gây cản trở khi cử hành các nghi thức và để cộng đoàn thấy rõ nghi lễ, và cũng không cản trở phó tế, khi thầy phải lui tới thi hành phận vụ nơi bàn thờ.” (x. QCTQ 215).

“Các phần mà tất cả các vị đồng tế cùng đọc, thì các vị đồng tế phải đọc nhỏ tiếng và tiếng của vị chủ tế phải được nghe rõ hơn.” (x. QCTQ  218).

“Trước khi rời khỏi bàn thờ, các vị đồng tế cúi mình trước bàn thờ. Còn chủ tế thì kính cẩn hôn bàn thờ như thường lệ.” (x. QCTQ  251).

 

 

 

PHẦN IV:

CÁC NGHI THỨC HIỆP LỄ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. KINH LẠY CHA.

Chỉ dẫn:

“Trong kinh Lạy Cha, ta xin Chúa ban bánh hằng ngày; bánh này đối với Kitô hữu còn ám chỉ cách riêng bánh Thánh Thể; lại xin Chúa thanh tẩy tâm hồn cho khỏi mọi tội lỗi, hầu của thánh được thực sự ban cho những người thánh. Linh mục đọc lời mời cầu nguyện, rồi hết mọi tín hữu cùng đọc kinh đó với linh mục; một mình linh mục đọc tiếp kinh ‘Xin cứu chúng con…’ và cộng đoàn kết thúc bằng lời chúc vinh.” (x. QCTQ 81).

Vài điểm lưu ý:

Nghi thức hiệp lễ bắt đầu với Kinh Lạy Cha. Khi cùng nhau hát hoặc đọc thuộc lòng Kinh Lạy Cha, cộng đoàn phụng vụ đã bày tỏ sự hiệp nhất với Chúa Giêsu.

Chủ tế dẫn vào lời kinh với câu mời gọi cộng đoàn “vâng lệnh Chúa Cứu Thế…”, và giờ đây, như Chúa, người tín hữu cũng trong tư cách con cất lời van xin Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con…”.

Lời mời gọi của linh mục cần khoan thai và nhẹ nhàng, vì nó hướng dẫn cộng đoàn cất giọng cầu nguyện với tâm tình và ý thức.

Nên hát Kinh Lạy Cha. Trong khi hát chỉ một mình linh mục dang hai tay hướng lên trời như khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể. Kinh Lạy Cha được tiếp tục với lời khẩn cầu của Hội Thánh, và chỉ một mình chủ tế hát hoặc đọc: xin cho khỏi sự dữ, được cuộc sống bình an, thoát khỏi tội lỗi và khỏi mọi biến loạn trong khi chờ đợi ngày trở lại của Chúa Cứu Thế. Lời khẩn cầu này với câu Vinh tụng ca của cộng đoàn: “Vì vương quyền…”.

  1. NGHI THỨC CHÚC BÌNH AN.

Chỉ dẫn:

“Tiếp theo là nghi thức chúc bình an: qua đó Hội Thánh cầu xin ơn bình an và hiệp nhất cho chính mình và cho toàn thể gia đình nhân loại. Rồi các tín hữu bày tỏ cho nhau sự hiệp thông trong Hội Thánh và lòng yêu thương nhau, trước khi thông hiệp với bí tích Thánh Thể.

Các Hội đồng Giám mục sẽ tùy theo tinh thần và phong tục của mỗi dân tộc mà ấn định cách thức chúc bình an. Tuy nhiên, để thuận tiện thì mỗi người chỉ nên chúc bình an cho những người gần nhất một cách đơn giản thôi.” (x. QCTQ 82)

Vài điểm lưu ý:

Nghi thức chúc bình an được bắt đầu với lời van xin Thiên Chúa ban bình an và hiệp nhất của chủ tế. Lời cầu nguyện này dẫn đến cử chỉ trao bình an của mọi người cho nhau.

Cử chỉ chúc bình an không phải là một lời chào như “Hello” trong tiếng Anh hoặc “bonjour” trong tiếng Pháp, nhưng nó được tiếp nối bởi lời chúc của chủ tế: “Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em” và lời mời gọi “anh chị em hãy chúc bình an cho nhau”. Như vậy, bình an mà mọi người trao cho nhau là sự bình an của Chúa chứ không phải của thế gian.

Cử chỉ này cũng không đơn giản là việc chào hỏi giữa những người thân quen với nhau, nhưng là một sự chia sẻ bình an của Chúa Kitô giữa anh chị em trong gia đình của Chúa, dù trong cuộc sống, họ là những người xa lạ, không quen biết. Cử chỉ này tuy đơn giản, nhưng là thành phần của nghi thức hiệp lễ. Thực hiện cử chỉ nói lên sự hiệp nhất giữa con người với nhau trước khi hiệp nhất với Thiên Chúa qua việc rước lễ (x. Mt 5,23).

Tuỳ theo phong tục của mỗi dân tộc mà Hội Đồng Giám Mục quy định cử chỉ trao bình an nhưng như chỉ dẫn, “nên chúc bình an cho những người gần nhất và một cách đơn giản”. Cử chỉ trao bình an thường thấy ở một số nước là hoặc một cái cúi đầu và mĩm cười, hoặc bắt tay người bên cạnh, còn ở Việt Nam thì chỉ cúi đầu với người bên cạnh.

  1. BẺ BÁNH.

Chỉ dẫn:

“Linh mục bẻ bánh Thánh Thể, và nếu cần thì có phó tế hay một vị đồng tế phụ giúp. Cử chỉ bẻ bánh, mà Đức Kitô đã thực hiện trong bữa tối sau hết, và đã trở thành tên gọi cho toàn bộ hành động Thánh Thể thời các Tông đồ, biểu thị rằng: đông đảo các tín hữu đã làm nên một thân thể (1Cr 10,17) khi thông hiệp vào cùng một tấm bánh ban sự sống là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì phần rỗi của thế giới.” (x. QCTQ 83).

“Tính cách dấu chỉ đòi chất liệu dùng khi cử hành Thánh lễ phải thực sự tỏ ra là của ăn. Vậy, dù đó là bánh không men và làm theo hình thức cổ truyền, nhưng phải làm thế nào, để trong Thánh lễ có giáo dân tham dự, linh mục có thể thực sự bẻ bánh đó ra nhiều phần và phân phát cho ít là một số tín hữu rước lễ. Tuy nhiên, không loại trừ những bánh lễ nhỏ, khi số người rước lễ và những lý do mục vụ khác đòi phải có. Cử chỉ bẻ bánh, đã trở nên danh hiệu chỉ bí tích Thánh Thể đời các Tông đồ, sẽ biểu lộ rõ rệt hơn hiệu lực và tầm quan trọng của dấu chỉ sự hiệp nhất giữa mọi người trong một tấm bánh, và dấu chỉ đức bác ái, bởi vì một tấm bánh được phân phát giữa anh em.” (x. QCTQ 321).

Vài điểm lưu ý:

Sau khi “nhận bánh” khi chuẩn bị lễ vật và “tạ ơn” trong Kinh nguyện Thánh Thể, Hội Thánh bẻ bánh trong việc tưởng nhớ Chúa Giêsu, Đấng đã “bẻ” bánh để “trao” cho các môn đệ. “Bẻ bánh” là động từ thứ ba trong bản tường thuật việc lập bí tích Thánh Thể. Như vậy, cử chỉ bẻ bánh “được Chúa Kitô thực hiện ở Bữa Tiệc Ly và từ thời các tông đồ, đã được dành để chỉ tất cả hành động Thánh Thể, có nghĩa là tuy nhiều người, trong sự hiệp thông cùng một bánh ban sự sống duy nhất là Chúa Kitô, đã chết và phục sinh vì phần rỗi thế gian, trở nên một thân thể (1Cor 10,17).

Cho nên, việc bẻ bánh Thánh Thể trong thánh lễ được thực hiện sau khi chúc bình an, trong lúc cộng đoàn hát kinh Agnus Dei; việc này chỉ do chủ tế thực hiện, nếu cần, thì có sự giúp đỡ của phó tế hay một vị đồng tế chứ không bao giờ của một giáo dân. Cần thực hiện nghi lễ này với tấm lòng hết sưc tôn kính[23] và ngắn gọn. Lúc bẻ bánh cũng là thời điểm thực hiện việc bỏ miếng nhỏ vào chén thánh với lời nguyện thầm kèm theo: “xin cho việc hoà Mình và Máu…”.

  1. MỜI GỌI HIỆP LỄ.

Chỉ dẫn:

“Linh mục đọc thầm lời nguyện để chuẩn bị rước Mình và Máu Thánh cho có hiệu quả. Tín hữu cũng thinh lặng cầu nguyện để chuẩn bị.

Sau đó, linh mục giơ bánh Thánh Thể trên đĩa thánh hay trên chén thánh cho các tín hữu thấy, và mời họ đến dự tiệc của Đức Kitô, rồi cùng với họ biểu lộ lòng khiêm tốn bằng những lời Tin Mừng đã được chỉ định.” (x. QCTQ 84).

Vài điểm lưu ý:

Để chuẩn bị tâm hồn đón Chúa vào lòng, linh mục cũng như cộng đoàn cần phải có giây phút thinh lặng cầu nguyện. Sách Lễ Roma đã dọn sẵn hai mẫu lời nguyện thầm dành cho linh mục. Do đó, sau khi bẻ bánh, linh mục thực hiện việc lời nguyện này cách chậm rãi ngõ hầu người giáo dân cũng có thể chuẩn bị tâm hồn trong thinh lặng thánh.

“Phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa” là lời loan báo của linh mục khi giơ bánh Thánh Thể trên đĩa thánh hay trên chén thánh cho tín hữu thấy. Lời mời gọi này được dành cho tất cả mọi người, có mặt cũng như vắng mặt (x. Lc 14, 15-24).

“Đây Chiên Thiên Chúa…, phúc cho ai được mời…” đưa người tham dự vào dự tiệc cưới Con Chiên trong sách Khải Huyền (Kh 19,9). Đây là bữa ăn của thời cánh chung, bữa tiệc thiên quốc và mời gọi tất cả. Do đó, lời mời gọi này mang chiều kích cánh chung của Thánh Thể được phân chia: Một sự hiệp nhất trong Chúa Kitô đã thực hiện, nhưng cũng trong sự chờ đợi hoàn thành.

Lời đáp lại sau lời giới thiệu của chủ tế được mượn của viên sĩ quan mà Chúa Giêsu khen ngợi trong Tin Mừng Luca: “Trong dân Israel, Ta không tìm thấy lòng tin nào như vậy”. Lời đáp này vừa thể hiện sự khiêm nhường thẳm sâu, vừa thể hiện hành vi tạ ơn và tuyên xưng đức tin: “Lạy Chúa con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh”. Lời này cần được nói cách trang nghiêm, chậm rãi để mọi người có thể ý thức tâm tình bên trong.

Theo luật chữ đỏ: lời đáp này được linh mục và cộng đoàn cùng đọc chung một lần, nghĩa là, đây không phải là lời đối thoại giữa chủ tế và cộng đoàn, nhưng là thời khắc chuẩn bị tâm hồn của mọi thành phần dân Chúa trước khi hiệp lễ.

  1. RƯỚC LỄ.

Chỉ dẫn:

“Các linh mục buộc phải rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ cử hành, thì cũng rất ước mong là các tín hữu cũng được rước Mình Thánh được truyền phép trong chính Thánh lễ họ đang tham dự.” (x. QCTQ 85).

“Đang khi linh mục rước lễ, thì hát ca hiệp lễ…. Bài hát được kéo dài đang khi cho các tín hữu rước lễ[24]. Nếu còn hát bài nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc ca hiệp lễ vào đúng lúc.” (x. QCTQ 86).

“Sau khi cho rước lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi thinh lặng cầu nguyện ít phút. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.” (x. QCTQ 88).

Vài điểm lưu ý:

Mỗi linh mục khi cử hành thánh lễ phải rước lễ dưới hai hình tại bàn thờ hoặc ở tại chỗ đứng đồng tế, nếu thấy thuận tiện, và phải rước lễ với Mình Thánh được truyền phép trong thánh lễ đó.

Linh mục phải rước lễ trước khi trao Mình Thánh Chúa cho giáo dân.

Các linh mục không thể cử hành hay đồng đồng tế luôn được phép rước lễ dưới hai hình.

Người tín hữu có quyền chọn rước lễ bằng miệng hoặc bằng tay và thừa tác viên không được từ chối.[25] Tuy nhiên, người tín hữu không có quyền tự tay cầm lấy bánh Thánh hoặc chén Thánh và cũng không được chuyền tay cho nhau (lưu ý riêng trong lễ Hôn Phối)[26]. Họ có thể rước lễ đứng hoặc quỳ[27] và trước khi rước lễ cần phải có một cử chỉ tôn kính (x. QCTQ 160).

Thánh lễ không được tiếp tục khi các tín hữu chưa rước lễ xong.[28]

Cần phân biệt bài hát hiệp lễ và bài thánh ca ngợi khen. Đối với bài hát hiệp lễ thì được hát lên đang khi linh mục rước lễ và có thể kéo dài tới khi giáo dân rước lễ xong. Còn với bài thánh ca ngợi khen thì có thể hát sau khi cho rước lễ xong, vào lúc các thừa tác viên cất Mình Thánh Chúa và dọn dẹp bàn thờ. Thời điểm này cũng nên giữ vài giây thinh lặng để cộng đoàn cầu nguyện với Chúa Giêsu Thánh Thể, Đấng đang ngự trong lòng họ.

  1. RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH.

Vài chỉ dẫn:

“Xét về phương diện dấu chỉ, việc rước lễ dưới hai hình là hình thức đầy đủ hơn. Quả thật, dưới hình thức này, dấu chỉ của bữa tiệc Thánh Thể được sáng tỏ hơn.” (x. QCTQ 281).

“Ngoại trừ những trường hợp được nói đến trong các sách nghi thức, được rước lễ dưới hai hình:

  1. Các linh mục không có thể cử hành Thánh lễ hay đồng tế;
  2. Thầy phó tế và những người thi hành một phận vụ trong Thánh lễ;
  3. Các thành viên của các cộng đoàn trong Thánh lễ tu viện hoặc trong Thánh lễ gọi là “Thánh lễ cộng đoàn”, các chủng sinh, mọi người đang tĩnh tâm hoặc tham dự hội nghị về thiêng liêng và mục vụ.

Giám Mục giáo phận có thể ấn định những quy luật về rước lễ dưới hai hình cho giáo phận mình, mà ngay cả các nhà thờ của các dòng tu và các nhóm nhỏ cũng phải tuân giữ”. (x. QCTQ 283).

“Khi cho rước lễ dưới hai hình, thì:

  1. Người cầm chén thánh, thông thường là phó tế, nếu không có, thì một linh mục, hay một thầy giúp lễ đã được thiết lập, hoặc một thừa tác viên ngoại lệ cho rước lễ, hoặc khi cần, một tín hữu, được trao nhiệm vụ tại chỗ.
  2. Nếu còn dư Máu Thánh, thì phải được rước hết tại bàn thờ, do linh mục hoặc phó tế, hoặc do thầy giúp lễ đã được thiết lập, là người đã cầm chén thánh, rồi tráng, lau và sắp xếp bình thánh theo thường lệ.

Còn các tín hữu chỉ muốn rước dưới một hình bánh mà thôi, thì cứ cho họ theo hình thức đó.” (x. QCTQ 284).

“Linh mục lấy bánh thánh, nhúng một phần vào chén thánh, giơ lên và nói: Mình và Máu Thánh Chúa Kitô, người rước lễ đáp: Amen, rồi rước lễ bằng miệng từ tay linh mục, rồi lui về chỗ.” (x. QCTQ 287).

  1. LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ.

Chỉ dẫn:

“Sau khi cho rước lễ, linh mục và cộng đoàn tùy nghi thinh lặng cầu nguyện ít phút. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.” (x. QCTQ 88).

Để hoàn tất lời nguyện của Dân Chúa và kết thúc toàn thể nghi thức hiệp lễ, linh mục đọc lời nguyện hiệp lễ cầu xin cho mầu nhiệm cử hành sinh hiệu quả.

Trong Thánh lễ, chỉ có một lời nguyện hiệp lễ, kết thúc bằng câu kết thúc ngắn.” (x. QCTQ 89).

PHẦN V:

NGHI THỨC

KẾT THÚC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

  1. PHÉP LÀNH VÀ GIẢI TÁN.

Chỉ dẫn:

“Nghi thức kết thúc gồm có:

  1. Vài lời bảo vắn tắt, nếu cần;
  2. Lời chào và chúc lành của linh mục. Trong một số ngày và một số trường hợp đặc biệt, lời chúc lành này có hình thức một lời nguyện trên dân chúng, hay một công thức chúc lành trọng thể hơn.
  3. Lời giải tán dân chúng do phó tế hoặc linh mục, để ai nấy trở về với công việc của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa.
  4. Hôn bàn thờ của linh mục và phó tế; rồi cúi chào bàn thờ của linh mục, phó tế và các thừa tác viên khác.” (x. QCTQ 90).

Vài điểm lưu ý:

– Các thông báo, cảm tạ được thực hiện sau lời nguyện hiệp lễ. Có thể nói đây là thời điểm cho phép những sinh hoạt nội bộ cộng đoàn, nhưng cũng đừng vì thế mà kéo dài lê thê. Đừng lợi dụng thời gian này để thêm một “bài giảng phụ”.

– Trong Sách Lễ Roma có dự liệu nhiều công thức phép lành trọng thể theo các Mùa hoặc các lễ trọng, linh mục cần chuẩn bị và ban cho người tín hữu hưởng nhờ các ơn ích. Khi đọc câu chúc lành, linh mục giơ hai tay trên dân chúng (cánh tay hướng thẳng về cộng đoàn, hai lòng bàn tay úp xuống) và đọc từng câu phép lành. Cần nâng giọng sau mỗi câu để cộng đoàn có thể biết vào thưa Amen cách nhịp nhàng.

– Nếu ngay sau lễ có cử hành nghi thức phụng vụ nào khác thì bỏ nghi thức giải tán dân chúng theo quy định của luật chữ đỏ Sách Lễ Roma và Quy Chế Tổng Quát số 384.

Nhân tiện cũng nên nói rõ câu: Ite, missa est. Từ sau Công Đồng Vatican II đến nay, có ba bản dịch của Uỷ Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam:

– năm 1971: Lễ xong, chúc anh chị em về bằng an.

– năm 1992: Lễ đã xong, chúc anh chị em ra về bình an.

– năm 2005: Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.

Cùng một câu Ite, missa est mà ngôn ngữ Việt Nam ta dịch ba lần với ba phiên bản khác nhau. Dẫu sau, tuỳ từng thời điểm, khi Uỷ Ban Phụng Tự thông báo chính thức sử dụng bản văn nào, thì Hội Thánh Việt Nam phải sử dụng bản dịch đó. Hiện nay chúng ta đang sử dụng bản dịch năm 2005 “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an”. Nếu xét theo nghĩa gốc la-tinh, từ “Ite” dịch là “đi” là chuẩn nghĩa thần học hơn cả. Như vậy, bản dịch năm 2005: “ Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” là sát nghĩa.

Từ “đi” là một mệnh lệnh “sai đi” hơn là một lời giải tán đơn giản. Từ này giúp người Kitô hữu hiểu được mối quan hệ giữa Thánh Lễ vừa được cử hành với sứ mệnh được sai đi của mình vào trong thế giới. Như vậy, lời giải tán này chứa đựng sứ mạng truyền giáo của Hội Thánh. Dân Chúa đón nhận lời “Ite, missa est” như là lời tuyên bố kết thúc Thánh lễ đồng thời cũng đón nhận một mệnh lệnh khởi đầu cho cuộc hành trình mới của đời sống đức tin: Sứ mạng truyền giáo. Sau thánh lễ, ai nấy trở về với công việc của mình mà ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa, trong chính môi trường sống của mình. [29]

Lời giải tán “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an” như là âm vang của mệnh lệnh của Đấng Phục Sinh “Các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”(Mt 28,19). Qua lời tuyên bố kết thúc thánh lễ, giải tán dân chúng, Hội Thánh ý thức bổn phận truyền bá đức tin và ơn cứu rỗi của Chúa Kitô. Và, sứ mệnh được sai đi của Hội Thánh được hoàn tất do việc Hội Thánh vâng lệnh Chúa Kitô, được ân sủng và tình thương Chúa Thánh Thần thúc đẩy, đã trở nên hoàn toàn thực sự có mặt nơi mọi người hay mọi dân tộc, để nhờ gương mẫu đời sống, lời giảng dạy, các bí tích và những phương tiện ban ân sủng khác, Hội Thánh sẽ dân đưa muôn dân đến với Đức tin, tự do và bình an của Chúa Kitô.[30]

Với ý nghĩa sâu xa này, cần khẳng định rằng, không một lời nào khác có thể thay thế cho câu giải tán dân chúng, kết thúc Thánh lễ hay hơn sách phụng vụ đã dự liệu: Ite, missa est – Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an.

PHỤ LỤC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phụ lục 1:

HÁT và CHỌN BÀI HÁT TRONG THÁNH LỄ

Theo QUI CHẾ TỔNG QUÁT 2002

 

Mục đích của Thánh nhạc: làm vinh danh Chúa và thánh hoá người Kitô hữu. Mục đích này cũng chính là mục đích của Phụng Vụ. Do đó, Thánh nhạc liên kết chặt chẽ với hoạt động phụng vụ, vì thánh nhạc diễn tả lời cầu nguyện cách dịu dàng hơn, cổ võ sự hiệp nhất và làm cho các lễ nghi thêm long trọng.

  1. CA NHẬP LỄ (QCTQ 47)

Thời điểm: Khi dân chúng đã tập họp, và đang khi vị tư tế và các người giúp lễ tiến vào, thì bắt đầu hát ca nhập lễ và kết thúc ngay sau khi chủ tế hôn kính bàn thờ (tránh hát hết câu này đến câu khác).

Mục đích: Bài ca này có mục đích mở đầu việc cử hành Thánh Lễ, giúp giáo dân hiệp nhất, hướng tâm hồn vào mầu nhiệm mùa phụng vụ hay ngày lễ sẽ cử hành. Bài hát này đi kèm với cuộc rước của vị tư tế và thừa tác viên tiến vào chung thánh.

Do đó, nên chọn các bài thánh thi, thánh vịnh đã được phổ nhạc phù hợp Ca Nhập Lễ theo Mùa Phụng Vụ hoặc chọn một số bài hát phù hợp với tính chất ngày lễ hay mùa phụng vụ.

Chú ý: nếu không hát ca nhập lễ thì giáo dân cùng đọc ca nhập lễ ghi trong sách lễ.

  1. ĐÁP CA (QCTQ 61)

Thời điểm: Sau bài đọc thứ nhất là thánh vịnh đáp ca;

Mục đích: bài ca này là thành phần trọn vẹn của phụng vụ Lời Chúa. Nó có tầm quan trọng về phụng vụ và mục vụ vì giúp ích cho việc suy gẫm Lời Chúa.

Thánh vịnh đáp ca liên quan trực tiếp đến mỗi bài đọc, do đó phải lấy ở sách Bài Ðọc.

Thánh vịnh đáp ca nên được hát, ít là phần đáp của giáo dân. Do đó, người hát thánh vịnh hát tại giảng đài, hay tại một nơi thuận tiện, trong khi cộng đoàn ngồi nghe và đáp lại bằng câu đáp. Tuy nhiên, để dân chúng có thể hát những câu đáp dễ dàng hơn, một số bản văn của câu đáp và thánh vịnh đã được lựa chọn cho từng mùa trong năm, hoặc cho từng loại thánh nhân, để mỗi khi hát thánh vịnh, có thể dùng các bản văn này thay cho bản văn tương ứng với bài đọc.

Nếu không hát thánh vịnh, thì đọc theo cách thích hợp giúp suy gẫm Lời Chúa.

3. LỜI TUNG HÔ TRƯỚC TIN (QCTQ 62)

Thời điểm: Sau bài đọc đi liền trước bài Tin Mừng thì hát Alleluia, hay bài hát khác, theo luật chữ đỏ quy định tuỳ mùa phụng vụ.

Mục đích: Mọi người đứng cùng hát. Lời tung hô này tự nó là một nghi thức phụng vụ, vì qua đó, cộng đoàn tín hữu chào đón Chúa sắp nói với mình trong Tin Mừng và dùng lời hát để tuyên xưng niềm tin.

Ca đoàn hoặc một ca viên xướng trước Alleluia, mọi người đứng dậy và lặp lại. Còn câu tung hô thì ca đoàn hay một ca viên hát. 

Mùa chay, thay vì hát Alleluia thì hát câu tung hô trước Tin Mừng.

Alleluia hoặc lời tung hô trước Tin Mừng, nếu không hát thì có thể bỏ (QCTQ 63).

  1. . DÂNG LỄ (QCTQ 74)

Thời điểm: Khi rước lễ phẩm lên, thì hát ca tiến lễ (x. n. 37, b) và kéo dài bài hát này ít là cho tới khi đặt lễ phẩm trên bàn thờ.

Mục đích: Bài hát có thể luôn luôn đi theo nghi thức tiến dâng.

Như vậy, đây là bài hát mang tính cách minh họa. Nó bắt đầu từ khi rước lễ phẩm lên bàn thờ cho đến lúc chủ tế dâng lễ vật xong và đặt trên bàn thờ (khăn thánh).

Việc chọn bài ca dâng lễ cũng cần phải thận trọng. Không phải bài hát nào có từ “dâng” là chọn để hát dâng lễ. Bài ca dâng lễ cần phải đủ ý nghĩa dâng lên (lễ vật nào đó) để trở thành Mình Máu Thánh Chúa. Không nên hát tiếp tục khi vị chủ tế đã rửa tay. Một số ca đoàn viện lí do lễ bổn mạng hoặc lễ trọng để trình diễn hết câu này đến câu khác, có khi buộc vị chủ tế phải ngồi nghe chờ. Điều này nên tránh vì hát thánh ca phụng vụ “không phải là trình diễn” mà là giúp cộng đoàn kết hợp với Thiên Chúa trong thánh lễ.

  1. CA HIỆP LỄ (QCTQ 86)

Thời điểm: Ðang khi vị tư tế rước lễ, thì bắt đầu hát ca hiệp lễ.

Mục đích: Bài ca này có mục đích diễn tả sự hiệp nhất thiêng liêng giữa những người rước lễ qua sự hiệp nhất trong lời ca, đồng thời biểu lộ niềm vui trong tâm hồn và làm nổi bật tính cộng đồng của đoàn người đang tiến lên rước Mình Thánh Chúa.

Nếu có hát bài ca nào sau khi rước lễ, thì phải kết thúc bài ca hiệp lễ vào đúng lúc.

 Phải liệu cho các ca viên có thể rước lễ cách thích hợp. Nghĩa là ca viên cũng phải rước lễ trong thời điểm này chứ không ở lúc nào khác ngoài thánh lễ.

QCTQ 87 quy định:  Bài ca hiệp lễ có thể một mình ca đoàn hát, hoặc ca đoàn hay ca viên hát với giáo dân. 

Nếu không hát, thì giáo dân, hoặc một vài giáo dân hay độc viên, đọc ca hiệp lễ ghi trong Sách Lễ. Nếu không có ai khác, thì chính vị tư tế đọc sau khi đã rước lễ, và trước khi cho tín hữu rước lễ.

QCTQ 88 cũng lưu ý: Sau khi cho rước lễ, vị tư tế và giáo dân tùy nghi thinh lặng cầu nguyện ít phút. Nếu muốn, tất cả cộng đoàn cũng có thể hát một thánh thi, một thánh vịnh hay một bài thánh ca ngợi khen nào khác.

Nên chọn những bài ca Hiệp Lễ phù hợp về Thánh Thể, về ca ngợi tình yêu thương của Chúa, lòng biết ơn hay cảm tạ hồng ân để hát. Hay nhất là chọn hát những bài nêu lên suy tư về những chủ đề của bài Tin Mừng trong ngày lễ hay mùa Phụng Vụ. Khi việc rước lễ kéo dài có thể hát nhiều bài theo ý muốn nhưng cần phải có một phút “thinh lặng thánh” để cộng đoàn cầu nguyện sau khi rước lễ.       

  1. CA KẾT LỄ:

Bài hát này không có trong quy định của QCTQ. Tuy nhiên, theo thói quen, tất cả có thể chung lời hát một bài ca sau lời giải tán. Do đó, nên chọn bài hát thích hợp mang tính cộng đoàn: có thể chọn bài hát về Đức Mẹ, bài hát theo mùa hoặc bài ca kêu gọi, nhắc nhở sứ vụ “Rao giảng Tin Mừng” của mọi người sau khi tham dự Thánh Lễ.       

 

Phụ lục 2

CHUẨN BỊ BÀI GIẢNG VÀ GIẢNG TRONG PHỤNG VỤ

THEO TÔNG HUẤN Evangelii gaudium

Rút ra trong số 135-159 của Tông Huấn Evangelii Gaudium của Đức giáo hoàng Phanxicô. Bài viết này xin tóm lược ba ý chính: (1) đặc tính của bài giảng (homélie), (2) chuẩn bị bài giảng và (3) trong lúc giảng, như “món ăn đặc sản” của Đức Phanxicô gửi cho những người rao giảng Tin Mừng.

  1. Đặc tính của Bài Giảng (Homélie)
  • Bài giảng là một chia sẻ kinh nghiệm mãnh liệt và hạnh phúc vềChúa Thánh Thần, về một cuộc gặp gỡ an ủi với Lời Chúa, một nguồn mạch không ngừng đưa đến việc canh tân và tăng trưởng.
  • Bài giảngcó một giá trị đặc biệt vì phát sinh từ trong bối cảnh phụng vụ Thánh Thể, do đó, nó là một cuộc đối thoại tuyệt vời nhất giữa Thiên Chúa và dân Ngài. Lời Chúa trước hết là một hồng ân hơn là một đòi hỏi.
  • Bài giảng không phải là lúc để suy niệm hay dạygiáo lý. Nó không phải là một bài diễn văn hoặc một bài thuyết trình, nó cũng không là một bài học chú giải về Kinh Thánh, và không chỉ giới hạn vào việc khuyên răn luân lý. Nó càng không phải là một công việc quảng cáo hay một hình thức trình diễn để giải trí.
  • Bài giảng phảiđốt cháy lòng người, phải đem lại sự nhiệt thành và ý nghĩa cho buổi lễ.
  • Một bài giảnghay phải có một ý tưởng, một tâm tình và một hình ảnh.
  1. Chuẩn bị trước khi giảng
    • Các mục tử nên dànhnhiều thì giờ để học hỏi, cầu nguyện, suy niệm và sáng tạo mục vụ. Do đó, cần phải bớt một số công việc, cho dù quan trọng, để chuẩn bị bài giảng.
    • Không chấp nhận bất cứ lý do nào, kể cả bận quá nhiều công việc, để không dọn bài giảng cho kỹ. Mộtmục tử mà không dọn bài giảng cho kỹ lưỡng thì không “thuộc linh”, không làm việc dưới sự soi sáng của Chúa Thánh Thần, và “thiếu trách nhiệm đối với những hồng ân mà mình đã nhận được”.
    • Phương pháp soạn giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô:

+ Trước tiên, Cầu khẩn Chúa Thánh Thần,

+ Tiếp đến, phải tập trung vào bản văn, đặt nó trong mối quan hệ với toàn bộ Thánh Kinh. Phải chắc chắn hiểu đúng ý nghĩa và sứ điệp chính yếu mà tác giả muốn thông truyền. Đây là nguyên tắc quan trọng trong việc giải thích Thánh Kinh.

+ Chú ý đến các từ ngữ được lặp đi lặp lại hoặc nổi bât, nhận ra cấu trúc và sự thống nhất của nó,

+ Xem xét vai trò của các nhân vật…

  • Người giảng phải tiếp cận Lời Chúa, lắng nghe Lời Chúa với tâm hồn cầu nguyện, ngõ hầu Lời Chúa thấm sâu vào những suy nghĩ và cảm xúc để cho Lời ấy chạm đến cuộc sống, khuyên nhủ và lay chuyển mình. Việc rao giảng sẽ đạt được hiệu quả khi người giàng truyền đạt cho người khác điều mà mình đã chiêm niệm.
  • Cùng với việc lắng nghe Lời Chúa, người giảng phải lắng nghe giáo dân để biết được họ đang mong được nghe điều gì, để liên kết bản văn Thánh Kinh với cuộc sống họ. Cần phải có một sự nhạy cảm để nhận ra những gì thực sự ảnh hưởng đến đời sống của họ. Đây là cách nối kết sứ điệp của bản văn Thánh Kinh chiếu rọi vào hoàn cảnh sống cụ thể của dân Chúa.
  • Trong khi giảng
    • Giảng như người mẹ nói chuyện với con mình, như người mẹ chuẩn bị bữa cơm cho gia đình.
    • Giảng với thái độgần gũi, giọng nói ấm áp, cách nói dịu dàng, cử chỉ diễn tả niềm vui.
    • Giảng ngắn gọn.
    • Trình bày sứ điệp cách đơn giản, theo chủ đề rõ ràng, nối kết các ý tưởng mạch lạc để người nghe có thể tiếp thu. Đơn giản trong cách sử dụng ngôn ngữ, giúp người nghe có thể hiểu dễ dàng. Tránh sử dụng ngôn từ chuyên môn trong nghiên cứu, nhưng sử dụng ngôn ngữ chung của người nghe.
    • Sau cùng, giảng với cung giọng tích cực hơn là tiêu cực, nghĩa là nhấn mạnh đến những gì nên làm hơn là nói nhiều đến những cấm đoán. Một bài giảng tích cực sẽ khơi lên niềm hy vọng, hướng đến tương lai tốt đẹp.

Phụ lục 3

XÔNG HƯƠNG – NIỆM NHANG.

Ở Việt Nam thường sử dụng nhang thay cho hương. Nhang là những thẻ tre, phần trên có bột thơm, phần dưới dùng để cầm. Bột này thường có ba màu tạo nên ba loại nhang khác nhau: vàng tươi, nâu sẫm và đỏ sẫm. Ba loại nhang này rất phổ biến, có thể dùng trong phụng vụ. Mỗi lần dâng nhang thường dâng theo số lẻ, nghĩa là dâng 1,3,5,7… thẻ nhang, không bao giờ dâng theo số chẵn. Theo dân gian, số lẻ là dành cho thần linh, trong đó có cả linh hồn người chết. Phải chọn loại nhang khi đốt lên có mùi thơm dịu và phù hợp với phụng vụ Kitô giáo, vì trên nhang thường có khắc “rồng phụng” và chữ “phật”. Tốt nhất nên sử dụng loại nhang thông thường, đơn giản.

Bình hương gồm phần thân đựng than và phần dây treo gồm ba sợi. Nắp bình hương có thể di chuyển lên xuống nhờ sợi dây thứ tư. Khi sử dụng hương có thể xông bàn thờ, bánh rượu, thánh giá, sách Tin Mừng, người (chủ tế và cộng đoàn), ảnh các thánh, Mình Thánh Chúa, nến phục sinh và linh cữu.

Cách xông hương: (1) Ba lần, ba cú: Thánh Thể, thánh giá, ảnh Chúa khi trưng bày, của lễ, sách Tin Mừng, nến phục sinh, người tham dự và thi hài người quá cố. (2) Ba lần, hai cú: Hài cốt, ảnh tượng các thánh khi trưng bày để tôn kính. Nếu trong thánh lễ, thì xông hương hài cốt, ảnh các thánh sau khi xông bàn thờ và chỉ xông một lần đầu thánh lễ (3) Xông hương bàn thờ từng cái và đi từ phải sang trái, xông thánh giá nếu đi ngang qua. (4) Xông của lễ trước khi xông bàn thờ và thánh giá. (5) Quỳ gối khi xông hương Mình Thánh Chúa (lúc truyền phép và khi chầu Thánh Thể). (6) Nếu giám mục chủ toạ mà không cử hành thánh lễ thì xông hương theo thứ tự sau: chủ tế, các vị đồng tế, giám mục hiện diện và sau cùng là cộng đoàn. (7) Linh mục bỏ hương vào bình và thinh lặng làm phép bằng một dấu thánh giá. Trước và sau khi xông hương, cuối chào người hoặc vật được xông hương, trừ bàn thờ và lễ vật. (x. QCTQ 276).

Phụ lục 4: TRƯNG BÀY QUYỂN LỜI CHÚA TRONG GIAN CUNG THÁNH.

Hiện nay, ở Việt Nam xuất hiện việc trưng bày quyển Thánh Kinh ngang với nhà tạm Thánh Thể trong gian cung thánh, nhất là các nhà thờ mới trùng tu hoặc mới xây dựng. Vấn đề đặt ra là có cần thiết và đúng tinh thần phụng vụ không?

Câu trả lời cho vấn đề này là không cần thiết, với ba lý do:

  1. Theo truyền thống.

Việc tôn vinh Sách Thánh cho tới nay không có một tài liệu chính thức nào ngay cả lĩnh vực phụng vụ cũng không được nói đến. Các đề tài được nói đến thường xuyên trong phụng vụ, nhất là khi chỉ dẫn về cách sắp xếp và trang trí nhà thờ để cử hành thánh lễ đó là: Cung thánh, bàn thờ, giảng đài, ghế chủ tế, chỗ ngồi của giáo dân, vị trí ca đoàn, nhà tạm hay giữ Mình Thánh Chúa và trưng bày ảnh tượng (x. QCTQ 288-318). Tất cả các vật dụng này đều được sách các phép dự trù các nghi thức làm phép trước khi đưa vào sử dụng trong phụng vụ, nhưng không có dự liệu cho sách thánh.

  1. Theo thần học phụng vu.

Khi cử hành Thánh lễ, Hội Thánh xem phụng vụ Lời Chúa và phụng vụ Thánh Thể có giá trị ngang nhau, cả hai liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi làm nên một hành vi phụng vụ duy nhất[31]. Hai phần của thánh lễ được xem như hai bàn tiệc: Lời Chúa và Thánh Thể. Từ nơi đây, mọi tín hữu được giáo huấn và bổ dưỡng[32]. Hai bàn tiệc này chỉ xuất hiện khi Hội Thánh cử hành thánh lễ, và cả hai làm thành “một hành vi phụng tự duy nhất” là thánh lễ[33].

Bàn tiệc Lời Chúa được dọn ra cho tín hữu và kho tàng Thánh Kinh được mở ra trong phần phụng vụ Lời Chúa[34]. Theo quy định thì các bài đọc luôn phải đọc trên giảng đài (x. QCTQ 58.128.130.133). Như vậy, trong thánh lễ, giảng đài là nơi Hội Thánh dọn ra bàn tiệc Lời Chúa để giáo huấn dân Chúa. Việc xông hương và hôn kính sách Tin Mừng thể hiện việc tôn kính Lời Chúa được công bố trong thánh lễ (x. QCTQ 273).

Bàn tiệc Thánh Thể bắt đầu với việc đặt lễ vật bánh và rượu lên bàn thờ, để các lễ vật này, qua lời truyền phép sẽ trở thành Mình và Máu Chúa Kitô (x. QCTQ 73.75.142-143). Như vậy, bàn thờ là nơi Hội Thánh dọn ra bàn tiệc Thánh Thể để nuôi dưỡng dân Chúa.

Như vậy, toà giảng và bàn thờ là nơi diễn ra tiệc Lời Chúa và Thánh Thể. Ngoài thánh lễ không còn bàn tiệc nào, kể cả bàn tiệc Thánh Thể theo đúng nghĩa. Bàn thờ hay toà giảng nhường chỗ cho nhà tạm (tabernacle), nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa với mục đích dành cho bệnh nhân như của ăn đàng và người tín hữu đến chầu và cầu nguyện. Vì tôn kính sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể, phụng vụ đòi buộc phải đặt bên cạnh nhà tạm một đèn cháy sáng. (x. QCTQ 314-317).

  1. Theo phụng vụ thực hành.

Sách Tin Mừng hay Sách Bài Đọc được tôn trọng trong khi bắt đầu cử hành Thánh lễ, cách đặc biệt là trong phần Phụng Vụ Lời Chúa. Việc tôn trọng sách thánh, đặc biệt là Sách Tin Mừng được dự liệu trong chỉ dẫn của Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma: Rước sách lúc nhập lễ, xông hương trước khi công bố và hôn kính sau khi công bố; và khi cử hành long trọng hơn, sau khi hôn kính sách, giám mục có thể tuỳ nghi cầm sách Tin Mừng chúc lành cho cộng đoàn (x. 120. 273. 276.175).

Thế nhưng, Quy Chế Tổng Quát số 175 chỉ dẫn rõ sau khi hôn kính sách Tin Mừng, “đặt sách Tin Mừng trên bàn thờ phụ hoặc một nơi nào khác thích hợp và xứng đáng”. Từ chỉ dẫn này, có thể hiểu, Sách Tin Mừng hoặc sách bài đọc sau khi được sử dụng để công bố Lời Chúa, hoặc được xếp vào bàn giúp lễ (bàn thờ phụ), hoặc được đặt lại tại giảng đài (nơi thích hợp và xứng đáng), vì nơi này ngoài việc dành để đọc và giảng Lời Chúa còn có thể trưng bày Quyển Lời Chúa trước hoặc sau buổi  cử hành.

Vậy nếu nơi nào muốn trưng bày Lời Chúa hoặc tôn vinh Lời Chúa ngoài buổi cử hành, thì giảng đài là nơi thích hợp và xứng đáng nhất trong gian cung thánh, chứ không cần phải thêm một toà nào khác hay một nơi nào khác. Dĩ nhiên, việc trưng bày này thể hiện sự tôn trọng đối với Sách Thánh, sách chứa đựng Lời Chúa, và Lời này cần được công bố, nếu không các chữ viết cũng chỉ là những chữ “chết”, bất động. Chỉ khi nào được đọc lên trong cộng đoàn phụng vụ, Lời này mới là Lời Sống Động, Lời được diễn giải và mang lại hiệu quả qua môi miệng của thừa tác viên Lời Chúa. Đây cũng là việc đạo đức bình dân, nhằm giúp người tín hữu hiểu được vị trí của Lời Chúa trong cuộc sống. Do đó, sách thánh có thể được hoặc không được trưng bày. Vả lại, dù có trưng bày, sách thánh trong gian cung thánh ngang với nhà tạm hoặc đặt trên giảng đài, khi bước vào nhà thờ, nhà nguyện, người tín hữu vẫn bái chào Thánh Thể Chúa đang hiện diện trong nhà tạm, với ngọn đèn cháy sáng báo hiệu, chứ không ai bái gối hay cúi đầu chào quyển sách bất động được trưng bày.

Cuối cùng, như đã nói, không có một chỉ dẫn chính thức nào của luật phụng vụ nói về việc trưng bày Sách Thánh ngoài phụng vụ, và dĩ nhiên, cũng không có một dấu hiệu nào để nói lên sự hiện diện của Chúa trong sách thánh ngoài buổi cử hành, chẳng hạn: đặt ngọn đèn cháy sáng bên cạnh sách thánh được trưng bày, như quy định dành cho Nhà Tạm, nơi lưu giữ Mình Thánh Chúa (x. QCTQ 316).

Phụ lục 5:  CỬ CHỈ VÀ ĐIỆU BỘ TRONG PHỤNG VỤ[35].

Có thể nói Kitô giáo là một tôn giáo nhập thể, “Ngôi Lời đã trở nên xác phàm” (Ga 1,14). Qua Bí Tích Rửa Tội, thân xác đã trở nên Đền Thờ của Chúa Thánh Thần và chờ đợi ngày Phục Sinh. Con người được dựng nên và được cứu rỗi cả hồn lẫn xác, do đó, Phụng vụ không thể bỏ qua chiều kích “thân xác”. Các cử chỉ bên ngoài của thân xác biểu lộ một tâm tình sâu kín của tâm hồn con người. Một cử hành phụng vụ được xem như tích cực, ý thức và linh động, phải được người cử hành diễn tả những tâm tình tình bên trong qua các thái độ, cử chỉ của thân xác. Ngay cả khi phụng vụ latinh hiện đại có xu hướng lãng quên, nhưng tính đa dạng và ý nghĩa của thái độ cần phải có trong phụng vụ luôn được xác nhận qua truyền thống.

  1. Đứng: là trạng thái căn bản trong phụng vụ. Tư thế này đã được xem là tư thế cầu nguyện của người Do Thái, sách Tin Mừng đã chứng minh điều đó: “Khi anh em đứng cầu nguyện…”(Mc 11,25); “Người Pharisêu đứng riêng một mình, cầu nguyện rằng…”(Lc 18,11). Trạng thái đứng cầu nguyện cũng được các cộng đoàn Hội Thánh sơ khai thực hành. Đứng, trước tiên được hiểu đơn giản như trạng thái tôn trọng: đứng khi chủ sự bắt đầu buổi cử hành, đứng khi nghe công bố Tin Mừng, cũng như xưa dân Israel đứng để lắng nghe Lời Chúa (x. Nkm 8,5). Đứng còn là trạng thái biểu trưng của sự phục sinh: được giải thoát khỏi tội lỗi, khỏi sự chết, không còn là nô lệ, nhưng là con, do đó, con người có thể đứng trước mặt Thiên Chúa với niềm tin tưởng của người con được tự do. Các Kitô hữu đầu tiên đã sử dụng động từ Hy-Lạp: “trỗi dậy”, “đứng thẳng” để nói về sự phục sinh, và các giáo phụ nghiêm cấm quỳ gối trong khi cử hành, họp nhau ngày thứ nhất trong tuần và trong mùa Phục Sinh (x. Justin, Apologie 1,67,5; Tertullien, De la prière 23; Cyprien, De la prière du Seigneur 31; Basile, Traité du Saint Esprit 27…). Và cuối cùng, đứng mang một ý nghĩa cánh chung: Đây chính là trạng thái của người chờ đợi ngày Cánh Chung, ngày mà “anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” theo lời dạy của Chúa Giêsu (Lc 21,28), và các người được tuyển chọn “đứng trước ngai và trước Con Chiên” (Kh 7,9).
  2. Ngồi: là trạng thái của người lắng nghe: “Maria, cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy” (Lc 10,39). Trừ bài Tin Mừng, trong thánh lễ, ngồi để nghe các bài đọc và bài giảng. Ngoài ra, ngồi trong khi nguyện gẫm hoặc chiêm ngắm trong thinh lặng…
  3. Cúi mình, phủ phục: là những thái độ rất đặc biệt. Mặc dù phủ phục là trạng thái thường được nói đến trong Thánh Kinh. Nhưng trong phụng vụ Roma, phủ phục chỉ được sử dụng trong nghi lễ phong chức và tuyên khấn khi hát kinh cầu các Thánh. Ngoài ra có thể phủ phục (hoặc quỳ) khi linh mục chủ sự nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Chúa vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh. Trong khi đó, cúi mình là thái độ thường xuyên nhất và mang nhiều ý nghĩa. Cúi mình sâu khi đọc Vinh Tụng Ca (kinh Sáng Danh) sau mỗi thánh vịnh: ca tụng vinh quang Thiên Chúa; và cúi mình bày tỏ tâm tình thờ lạy và tôn kính, chẳng hạn khi linh mục giơ cao Mình Thánh Chúa hoặc đến trước Thánh Thể.
  4. Quỳ gối là cử chỉ của người sám hối. Theo thánh Basile, trạng thái quỳ gối muốn nói rằng “chính tội lỗi ném chúng ta xuống đất” (Basile, Traité du Saint Esprit, 27). Thái độ này thích hợp khi nhận lãnh bí tích Giải Tội hoặc trong khoảng thời gian cầu nguyện cá nhân. Trạng thái quỳ cũng được thực hành nhiều khi tôn thờ Bí Tích Thánh Thể.
  5. Ghi (vẽ) dấu Thánh Giá nhỏ (đơn) trên trán hoặc trên mình: đã xuất hiện khá sớm trong các nghi lễ Rửa Tội. Việc làm này nói lên dấu chỉ sự thuộc trọn về Chúa Kitô và tin vào cái chết và sự phục sinh của Người. Mỗi tín hữu tự mình vẽ lại dấu thánh giá trên thân xác mình. Dấu thánh giá cũng được sử dụng khá sớm như một cử chỉ ban phép lành. Nhưng dấu thánh giá lớn (kép) mà người tín hữu tự vẽ trên trán, trên ngực và trên hai vai (từ trái sang phải đối với người Công Giáo, từ phải sang trái đối với người Chính Thống) là một cử chỉ hiện đại. Việc làm này vừa khai mở mọi cử hành phụng vụ “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”, vừa gợi nhớ lại mầu nhiệm Cứu Chuộc nhờ bởi cây thập giá của Chúa Kitô và cũng vừa tuyên xưng vào một Thiên Chúa Ba Ngôi. Do đó, tín hữu có thể thực hiện điều này trong khi cử hành phụng vụ, mỗi khi làm đều niệm công thức Ba Ngôi. Anh em Kitô giáo Đông Phương, khi vẽ dấu thánh giá trên mình với ba ngón tay chụm lại (ngón cái, trõ, giữa) với ý nghĩa sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Dấu thánh giá cũng được liên kết với bài Tin Mừng (vẽ trên sách), Lời Chúa Kitô hằng sống, và cũng được thực hiện trong kinh nguyện Thánh Thể (vẽ trên bánh và rượu trước lời truyền phép). Ngoài ra, dấu thánh giá cũng được vẽ trên mình khi cử hành Kinh Thần Vụ, trước hát thánh ca Tin Mừng được rút ra từ Tin Mừng Luca 1 và 2: Bénédictus, Magnificat và Nunc dimittis.
  6. Giơ hai tay khi cầu nguyện: là một cử chỉ được thực hiện khi cầu nguyện trong truyền thống Thánh Kinh (Xh 17, 9-12; Is 1,15); và nhiều Thánh Vịnh: “Mệnh lệnh Ngài con giơ tay đón nhận, Thánh Chỉ Ngài, con sẽ ngẫm suy” ( Tv 119,48); “Hãy giơ tay hướng về Cung Thánh mà dâng lên lời chúc tụng Người” (Tv 134, 2), “Ước chi lời con nguyện như hương trầm bay toả trước Thánh Nhan, và tay con giơ lên được chấp nhận như của lễ ban chiều” ( Tv 141,2). Cử chỉ này cũng được các Kitô hữu đầu tiên thực hành. Các bức tranh thánh cũng phản ánh lại thái độ của người cầu nguyện giơ hai cánh tay lên cao, hai bàn tay mở ra, hoặc hai lòng bàn tay hướng lên trời… Đây cũng chính là cử chỉ khi đọc kinh Lạy Cha. Cử chỉ này muốn nói rằng của lễ mà người tín hữu muốn dâng lên Thiên Chúa Cha luôn nhờ lời cầu nguyện của Chúa Con.

Cầu nguyện với hai tay vươn lên trời cũng chính là cử chỉ đi kèm theo lời cầu nguyện chuyển cầu mà Môisen đã thực hiện trong thời Xuất Hành, nhờ cử chỉ này mà dân được tuyển chọn đã chiến thắng (Xh 17,11). Giơ tay cầu nguyện còn là lời chúc tụng và ngợi khen (Tv 34). Giơ hai tay lên trời khi cầu nguyện đối với người tín hữu còn một ý nghĩa là liên kết lời cầu nguyện của họ với lời cầu nguyện của Chúa Kitô, cánh tay giang ra trên thập giá.

Sau cùng, hãy lắng nghe lời khuyên của thánh Phaolô: “Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc” (1 Tm 2,8).   

 

MỤC LỤC

PHẦN I: 3

NHỮNG NGHI THỨC MỞ ĐẦU.. 3

  1. NHẬP LỄ. 5
  2. CA NHẬP LỄ. 7
  3. LỜI CHÀO VÀ VÀI LỜI DẪN VÀO THÁNH LỄ. 9
  4. CHUẨN BỊ SÁM HỐI. 10
  5. KINH KYRIE ELEISON. 11
  6. KINH GLORIA. 12
  7. LỜI NGUYỆN NHẬP LỄ. 14

PHẦN II: 17

PHỤNG VỤ LỜI CHÚA. 17

  1. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA. 18
  2. CÁC BÀI ĐỌC THÁNH KINH. 19
  3. THÁNH VỊNH ĐÁP CA. 22
  4. ALLÉLUIA (hoặc bài hát thứ hai). 23
  5. BÀI GIẢNG (Homélie). 24
  6. TUYÊN XƯNG ĐỨC TIN. 26
  7. LỜI NGUYỆN PHỔ QUÁT. 27
  8. THÁNH LẼ DÀNH CHO THIẾU NHI. 29

PHẦN III: 31

PHỤNG VỤ.. 31

THÁNH THỂ. 31

  1. TƯỞNG NIỆM. 32
  2. CẦM LẤY, TẠ ƠN, BẺ RA VÀ TRAO CHO. 35
  3. CHUẨN BỊ LỄ VẬT. 36
  4. KINH NGUYỆN THÁNH THỂ. 41
  5. KINH TIỀN TỤNG. 43
  6. KINH CẦU XIN CHÚA THÁNH THẦN. 44
  7. BẢN VĂN THIẾT LẬP BÍ TÍCH THÁNH THỂ. 45
  8. TƯỞNG NIỆM. 47
  9. DÂNG TIẾN. 50
  10. CHUYỂN CẦU. 51
  11. VINH TỤNG CA KẾT THÚC. 52
  12. ĐỒNG TẾ. 54

PHẦN IV: 58

CÁC NGHI THỨC HIỆP LỄ. 58

  1. KINH LẠY CHA. 58
  2. NGHI THỨC CHÚC BÌNH AN. 60
  3. BẺ BÁNH. 62
  4. MỜI GỌI HIỆP LỄ. 64
  5. RƯỚC LỄ. 66
  6. RƯỚC LỄ DƯỚI HAI HÌNH. 68
  7. LỜI NGUYỆN HIỆP LỄ. 70

PHẦN V: 71

NGHI THỨC. 71

KẾT THÚC. 71

  1. PHÉP LÀNH VÀ GIẢI TÁN. 72

PHỤ LỤC. 77

  1. LỜI TUNG HÔ TRƯỚC TIN (QCTQ 62) 80

Phụ lục 2. 84

XÔNG HƯƠNG – NIỆM NHANG. 88

Phụ lục 4: TRƯNG BÀY QUYỂN LỜI CHÚA TRONG GIAN CUNG THÁNH. 90

Phụ lục 5:  CỬ CHỈ VÀ ĐIỆU BỘ TRONG PHỤNG VỤ. 94

 MỤC LỤC ………………………………………………………….

                                                                       

[1] Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002 (QCTQ)

[2] Hiện nay ở Việt Nam chưa có sách Tin Mừng (Evangeliarium) tách riêng các bài đọc khác, do đó, khi đi rước thường sử dụng quyển bài đọc (Lectionarium) gồm cả các bài đọc và Tin Mừng của ngày lễ, nên có thể khi rước vào, thừa tác viên đặt sách lên giá đọc sách (Ambone) thay vì đặt trên bàn thờ.

[3] Xem thêm Phụ lục 1.

[4] x. Tertulianô, Adversus Marcionem VI, 9: PL. 2, 376A; Origenes, Disput-atiocum Heracleida, số 2, 24: SC. 67, tr 62; Tóm tắt các quy định của Công đồng Hippôn, số 21: CCSL 149, tr. 39.

[5] Câu kết dài: Nhờ Đức Giêsu Kitô con Chúa và là Chúa chúng con, Đấng hằng sống, hằng trị cùng Chúa, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

[6] x. Lễ Nghi Giám Mục.

[7] x. CĐ VATICANÔ II, Sacrosanctum Concilium (SC) , số 33.

[8] x. Sđd., số 7.

[9] Phân biệt giảng đài và giá sách thường dùng để rao lịch, dẫn lễ…

[10] x. Sđd., số 51

[11] x.SC số 52. Cf. Giáo luật, điều 767 §1.

[12] x. THÁNH BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Inter Oecumenici, ngày 26.9.1964, số 54.

[13] x. Giáo luật, điều 767.

[14] x. Sđd., số 53:

[15] Benedicto XVI, Tông huấn Sacramentum Caritas,  2007, số 46.

[16] x. SC, số 53.

[17] X SC, số 47; THÁNH BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum Mysterium, ngày 25.5.1967, các số 3a, b

[18] SC 47.

[19] Ibid., 48.

[20] THÁNH BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Inter Oecumenici, ngày 26.9.1964, số 91; Huấn thị Musicam Sacram, ngày 05.3.1967, số 24.

[21] Xem Bộ Phụng Tự về Kỷ Luật Bí Tích, Huấn Thị Redemptionis Sacramentum, 2004, số 106.

[22] SC, số 48; THÁNH BỘ NGHI LỄ, Huấn thị Eucharisticum Mysterium, ngày 25.5.1967, số 12.

[23] X. Bộ Phụng Tự, Huấn thị Liturgicae instaurationes, số 5.

[24] Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Inoestimabile donum, ngày 03.04.1980, số 17.

[25] X.Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Redemptionis Sacramentum, số 92

[26] Ibid., số 94 và QCTQ 160.

[27] Ibid., số 91

[28] X.Thánh Bộ Nghi Lễ, Huấn thị Inoestimabile donum, số 88. 

[29] Xem Quy Chế Tổng Quát Sách Lễ Roma 2002, số 90C.

Xem Đức Thánh Cha Bê-nê-dic-tô XVI, Tông huấn Sacramentum Caritas, số 51.

[30] Xem Sắc lệnh Truyền Giáo số 5.

[31] SC, số 56.

[32] Sđd., 48,51.

[33] Xem, CĐ Vatican II, Hiến Chế Mạc Khải, số 21.

[34] Xem Missale Romanum, Ordo lectionum Missae, Editio Typica Altera, số 51.

[35] X. QCTQ, số 42-44.

print