Người Phụ Nữ Vinh Quang
Mục đích chính của lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời không chỉ nhằm tôn vinh Đức Mẹ, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa, vì cuộc đời Đức Mẹ là một chuỗi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện. Chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Mẹ, chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Đức Mẹ những điều kỳ diệu ấy, đồng thời xin cho chúng ta luôn noi gương Đức Mẹ trong cuộc đời dương thế, mặc dù còn nhiều thử thách gian nan.
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, khi sinh thời đã nói: “Khi nói về Đức Trinh nữ Maria, phải trình bày Đức Mẹ như một nhân vật mà chúng ta có thể bắt chước và một Đức Maria như các tác giả Phúc Âm muốn trình bày”. Thánh nữ cho rằng, nếu chỉ nói đến những điều cao siêu vĩ đại mà thôi, thì chúng ta chỉ cung kính ca tụng mà không noi gương bắt chước Đức Mẹ.
Trong ngày lễ Đức Mẹ về trời hôm nay, chúng ta chú ý tới cả hai khía cạnh: tôn vinh Đức Trinh nữ Maria và noi gương bắt chước Đức Mẹ.
Thánh Gioan tông đồ được thấy trong thị kiến một người phụ nữ lạ kỳ: mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Mẹ như trung tâm của vũ trụ. Mọi tinh tú đều quy hướng về Mẹ. Mặt trăng êm đềm như thế, chỉ là bệ đặt chân của Mẹ, mặt trời chói lọi dường bao, chỉ là áo khoác của Người. Những gì mà các dân ngoại coi là thần linh, dưới cái nhìn của Kitô giáo, chỉ là đồ trang điểm để làm nổi bật vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Là một tạo vật, Chúa đã ban cho Đức Mẹ muôn vàn ân sủng. Mẹ là người cộng tác với ơn Chúa, để cùng Ngài làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời Mẹ và trong lịch sử Cứu độ. “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc”. Quả vậy, rất nhiều tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, văn chương, điện ảnh mang chủ đề suy tôn Đức Trinh nữ Maria là người diễm phúc.
Mẹ Maria diễm phúc vì Mẹ đã tin những gì Chúa nói cùng Mẹ sẽ thành hiện thực. Đó là lời chào, cũng là lời khen ngợi của bà Elisabét, khi hai người phụ nữ gặp nhau. Hai người cũng đang mang thai, Elisabét mang thai Gioan Tẩy Giả, người sau này sẽ giới thiệu Đấng Cứu độ; Maria mang thai Đức Giêsu, Đấng Cứu độ muôn dân. Cả hai cùng là những người có phúc, vì họ đã tin vào Thiên Chúa và vào sự trung tín của Ngài. Cuộc gặp gỡ được diễn tả trong niềm vui mừng hân hoan, niềm vui của hai người mẹ và cũng là niềm vui của hai hài nhi đang được cưu mang trong lòng.
Khi đọc bài Tin Mừng kể lại việc Đức Mẹ đi thăm bà Elisabét, Phụng vụ muốn cho chúng ta noi gương bắt chước Đức Mẹ. Thánh Luca ghi rõ: “Maria vội vã lên đường”. Cuộc đời của Mẹ luôn hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Mẹ muốn thể hiện lòng yêu mến Chúa một cách cụ thể, qua việc phục vụ tha nhân. Trong cuộc viếng thăm này, mặc dù đường xa dặm thẳm, Đức Maria không ngần ngại. Mẹ phó thác cho Thiên Chúa và cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mẹ tin chắc những gì Chúa đã có sáng kiến khởi sự, thì Ngài cũng lo liệu để những điều ấy diễn tiến trong an bình và trật tự.
Nếu tác giả sách Khải huyền mượn mặt trời, mặt trăng và các tinh tú để diễn tả vẻ đẹp bề ngoài của Đức Mẹ, thì thánh Luca lại diễn tả Đức Mẹ với sự thánh thiện và niềm hân hoan trong tâm hồn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng”. Đức Trinh nữ được trình bày như trong một cuộc xuất thần. Đây là tâm trạng của các thánh, vào lúc các ngài cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Thiên Chúa, như thể hồn đã lìa khỏi xác để kết hợp với Đấng Tối cao. Trong niềm vui xuất thần này, Đức Mẹ hát lên bài ca Tạ ơn, vì những ơn trọng đại Chúa đã làm cho dân tộc Israel và cho cuộc đời của Mẹ.
Chính Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho Trinh nữ Maria hát lên bài ca tạ ơn tuyệt diệu. Chúa Thánh Thần cũng đang làm lan toả niềm vui siêu nhiên đến mỗi người chúng ta và đến toàn thể Giáo Hội trong ngày lễ trọng này. Giáo Hội hân hoan, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai. Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ). Người phụ nữ trong sách Khải Huyền vừa là hình ảnh của Đức Trinh nữ, vừa là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa phải đương đầu với con Mãng xà mang nhiều hình dạng khác nhau, trong mọi thời đại, nhưng cũng là Giáo Hội thánh thiện, không vết nhơ, xứng đáng với vị Hôn Phu là Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu đã về trời. Đức Maria cũng đã về trời. Trời là đích điểm và lý tưởng của người Kitô hữu. Mầu nhiệm Chúa Giêsu về trời và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời là hy vọng cho chúng ta. Đó cũng là câu trả lời cho những vấn nạn về sự chết, về đời sau. Thánh Phaolô đã quả quyết, những ai tin vào Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại vinh quang với Người (Bài đọc II).
Cũng như Chúa Giêsu tuy đã về trời nhưng vẫn ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế, Đức Maria luôn hiện diện giữa Giáo Hội. Mẹ ở đây với chúng ta để lắng nghe, thấu hiểu và chăm sóc chúng ta với tình mẫu tử thiêng liêng. Là tín hữu, chúng ta hãy tôn vinh Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta được những ơn cần thiết, để luôn vững tin trong hành trình cuộc đời.
+TGM Giuse Vũ Văn Thiên