Người Trẻ Đối Diện Với Tiếng Gọi Của Chúa
Giuse Lưu Hành, SDB
Khởi đầu Tông huấn Đức Kitô hằng sống, Đức thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh: “Đức Kitô hằng sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và một cách kỳ diệu Người mang sự tươi trẻ đến cho thế giới chúng ta, và mọi sự được Người chạm đến đều trở nên trẻ trung, mới mẻ, đầy tràn sức sống”[1]. Là người trẻ, chúng ta có quyền sống sự tươi trẻ ấy ở bất cứ đâu: trong gia đình, ngoài xã hội và thậm chí là chính nơi nội tâm của từng người chúng ta. Đừng bao giờ dừng lại khi vẫn còn có thể, hay nói cách khác, chúng ta đừng bao giờ mất niềm hy vọng, hãy luôn hy vọng cho dẫu không còn gì để hy vọng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng hãy ý thức tuổi trẻ là khoảng thời gian đặc biệt mà Thiên Chúa dành riêng cho từng người để sống sung mãn sự lắng nghe, phân định và chọn lựa. “Chúng ta đừng bao giờ ân hận vì đã sống tốt lành ở tuổi thanh xuân, đã mở lòng ra với Chúa, và đã sống khác với thói đời. Những điều đó không làm tuổi thanh xuân mất gì, thay vào đó chúng kiện cười và làm tươi trẻ tuổi xuân của chúng ta”[2]. Đặc biệt, khi đối diện với tiếng Chúa, một tiếng gọi từ thẳm sâu nơi tâm hồn, là tiếng mời gọi yêu thương để từng cá nhân bước vào cuộc giao duyên huyền nhiệm với Thiên Chúa. Khi đó, chúng ta phải đối diện với Tiếng Gọi ấy như thế nào?
Đầu tiên, chúng ta cần ý thức Tiếng Gọi xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến, vô điều kiện của chính Thiên Chúa, và khi lời mời gọi ấy được cất lên, cũng có nghĩa là Thiên Chúa đang muốn chúng ta yêu nến Ngài như Ngài đã yêu mến và tạo dựng nên ta. Hơn nữa, Thiên Chúa yêu thương ta trước và chính Ngài đang mời gọi chúng ta bước vào kế hoạch mà Ngài dành sẵn cho từng người, được tham dự trực tiếp vào lời mời gọi của Chúa Giêsu trước lúc đi chịu chết là:“anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến thầy”[3]; và khi sống lại vinh quang, Đức Giê su cũng mời gọi: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo”[4].
Chúng ta đừng sợ hãi khi nghĩ mình không đủ điều kiện để thưa tiếng xin vâng với lời mời gọi của Chúa; nhưng hãy ý thức rằng chúng ta thật hạnh phúc khi đã nhận ra tiếng Chúa đang gọi ta. Khi nhớ lại điều kiện mà Chúa Giêsu đưa ra cho những người muốn theo Chúa, thật đơn giản: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”[5], hoặc chúng ta cũng có thể bắt gặp tư tưởng ấy như sau: “Ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được”[6]. Chắc hẳn Chúa cũng chỉ đòi hỏi chúng ta như thế, đối với riêng tôi, việc đáp trả tiếng gọi của Chúa vừa là một sự can đảm nhưng cũng là một cuộc mạo hiểm. Can đảm và mạo hiểm là vì chúng ta không phải là một nhà tiên tri để có thể biết trước phía sau tiếng đáp trả xin vâng ấy sẽ là điều gì, hoặc giả như những thử thách và gian nan là điều kiện tất yếu phải có của tiếng thưa vâng ấy, thì liệu rằng chúng ta có biết được đó là những gì, hẳn là không.
Khi thưa vâng với tiếng Gọi của Chúa, chúng ta đang sống trọng vẹn cho Đấng mà chúng ta tự nguyện đi theo. Đức Giêsu Kitô, vừa là Đấng tình yêu và là Thầy của mỗi chúng ta; cho nên khi đã đi theo Chúa, đừng bao giờ nghi ngờ hay nản lòng mỗi lúc gặp gian nan thử thách. Trong cuốn Để Nên Môn Đệ Đức Kitô, tác giả Edward Sri đã nêu lên 5 điểm và theo tôi đó cũng là cách để chúng ta ý thức rằng mình cần phải nỗ lực đáp trả hơn là luôn chán nản vì nghĩ mình không xứng đáng. “Thứ nhất, các môn đệ không chọn Đức Giêsu, những chính Người chọn các ông; kế đến, Đức Giêsu không chỉ là Thầy mà người còn là Chúa; Các môn đệ của Đức Giêsu không phải là những kiểu mẫu hoàn hảo, nhưng là khuôn mẫu của một tiến trình; Đức Giêsu không chỉ đóng vai trò như một khuôn mẫu để bắt chước, nhưng Người ngự trong chúng ta và biến đổi chúng ta từ bên trong; và cuối cùng là Đức Giêsu không an ủi chúng ta, Người kêu gọi chúng ta vác thập giá”[7].
Chúng ta cũng hãy để cho Chúa đồng hành. Giống như hai môn đệ trên đường Emmaus, họ được Thiên Chúa đi sát bên, lắng nghe và cảm thông với những suy nghĩ và ước muốn của họ. Hơn nữa, chính Chúa cũng là Đấng giúp họ tìm lại được niềm hy vọng để rồi nhận ra Chúa và tiếp tục hành trình làm môn đệ và làm chứng cho Chúa Phục sinh. Nhưng để nhận ra Chúa, khám phá ra sự hiện diện của Người, luôn là một thách đố với từng người trẻ chúng ta. Đặc biệt khi sống đời thánh hiến mà cụ thể hơn nữa đối với những người trẻ sống đời thánh hiến, việc nhận ra sự hiện diện của Chúa cần phải được ý thức, sống và canh tân mỗi ngày trong cuộc đời. Với ý thức ấy, chúng ta sẽ có đủ tự tin vì Chúa vẫn đi ngay sát bên ta, dù đó là khó khăn hay thử thách gì, miễn là chúng ta chịu để cho Chúa đồng hành thì mọi việc sẽ trở nên đầy tràn hy vọng nơi Đức Kitô.
Ngoài ra, khi thưa vâng cũng có nghĩa là chúng ta đang trực tiếp tham gia vào sứ mạng loan báo Tin Mừng của Chúa, nghĩa là ra đi làm chứng cho Tin Mừng và sự Phục sinh của Chúa. Nhưng trước hết, chúng ta được gọi để phụng sự Chúa cách tốt nhất, vì căn bản của đời sống thánh hiến là kết hợp mật thiết và trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô rồi sau đó mới là để phục vụ cho sứ mệnh. Căn tính chung và thiết yếu của đời sống thánh hiến là tự nguyện hiến thân theo Chúa Kitô để sống Tin Mừng một cách triệt để và trọn vẹn hơn trong đời sống khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục[8]. Nhưng cũng thật khó để tôi luôn ý thức như vậy, bởi là một người trẻ sống đời thánh hiến, tôi cũng có lúc bị cám dỗ bởi việc mình làm hơn là việc mình là, hay cụ thể là công việc để tìm vinh danh mình hơn là tìm vinh danh Chúa. Chính vì thế, việc đầu tiên phải làm là để đời sống của mình trở nên giống Đức Giêsu, vì từ nay “tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”[9].
Bạn thân mến, bạn có nghĩ rằng mình đang được Chúa gọi cách đặc biệt để bước vào đời sống thánh hiến, điều ấy hoàn toàn có thể xảy ra chứ không phải là một chuyện không tưởng. Ơn gọi là một huyền nhiệm, chúng ta chẳng thể biết được rằng ở nơi đâu, trong hoàn cảnh nào và đối với ai thì Chúa sẽ gọi; nhưng quan trọng hơn hết là đừng hoang phí tuổi trẻ của mình để rồi lãng quên hay tránh né tiếng gọi của Chúa. Là một người trẻ, tôi cũng đã từng hoang phí đời mình khi cố tình bịt tai trước tiếng gọi của Chúa. Hoặc có những khi tôi thả mình trượt dài trong cuộc sống hưởng thụ của sự an nhàn, tiệc nghi và tự do làm mọi điều mình muốn. Chính ngay lúc ấy, Chúa gọi và rồi tôi nhận ra một luồng ánh sáng mới chiếu rọi vào tận tâm hồn đang đầy những xáo động của tôi. Đó là sự thật và thật may mắn khi tôi kịp nhận ra tiếng Chúa, để rồi những ngày tiếp theo, tôi luôn cảm thấy trong mình là nhiều băn khoăn và thao thức. Đã đến lúc tôi quyết định trả lời Chúa rằng: con đồng ý, để từ nay cả cuộc đời con là của Chúa; nhưng cũng từ đây, tôi nhận ra nhiều yếu đuối và bất toàn nơi con người mình mà trước giờ tôi vẫn tự hào về nó. Thật may là tôi bắt gặp được quyết định của Phêrô và Anrê khi được Chúa gọi trên bờ biển, “lập tức hai ông bỏ chài lưới mà đi theo Người”[10]. Và thế là tôi an tâm đi theo Chúa, đó là cả một quá trình dài, cho đến bây giờ khi đã là một tu sĩ, tôi vẫn cảm thấy lời mời gọi của Chúa là một huyền nhiềm trong cuộc đời tôi.
Hãy can đảm và mạnh dạn trước tiếng gọi của Chúa, hãy trả lời rằng con sẵn sàng khi được Chúa gọi; bạn và tôi chúng ta cùng ý thức rằng Đức Giêsu đang muốn làm bạn với mỗi người chúng ta trong một mối tình huyền siêu. Chúng ta cũng nhớ tới lời nhắn nhủ của Đức thánh cha Phanxicô: “Cha muốn các con biết rằng khi Chúa nghĩ về mỗi người các con và về điều Ngài muốn ban cho các con, Ngài xem các con như một người bạn thân thiết của Ngài. Và nếu Ngài có kế hoạch ban cho các con một ơn, một đặc sủng sẽ giúp các con sống tận lực và trở thành một người hữu ích cho người khác, một người để lại một dấu ấn trong đời sống, thì đó chắc hẳn sẽ là một ân ban có sức đem lại cho các con niềm vui và niềm phấn khích hơn bất cứ gì khác trên thế giới này”[11]. Các bạn trẻ, các bạn cũng hãy lắng nghe và nếu được hãy hỏi Chúa xem: kế hoạch của Chúa dành cho con là gì?
—
[1] x. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 1
[2] x. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 17
[3] x. Lc 22, 19
[4] x. Mt 16, 15
[5] x. Mt 16, 24
[6] x. Lc 14, 33
[7] x. Edward Sri, Để nên môn đệ Đức Kitô, tr. 63-64
[8] x. Sắc lệnh PC, số 1,5-13
[9] x. Gl 2, 20
[10] x. Mt 4, 20
[11] x. ĐTC Phanxicô, Tông huấn Đức Kitô hằng sống, số 288