Ngày 25/01: Thánh Phaolô trở lại
Người trẻ sám hối và xin ơn trở về.
Sau những cuộc hoán cải, sám hối trở về thì có lẽ những dấu ấn tuyệt đẹp của sự đổi thay, của việc mặc lấy con người mới sẽ xuất hiện. Điều này tỏ lộ thật rõ ràng nơi cuộc đời của thánh Phaolô tông đồ. Với ngài, biến cố trên đường Đamas đã đánh dấu một bước chuyển mình nhiệm mầu. Ngắm nhìn mẫu gương và dõi theo từng bước chân trong hành trình trở lại của thánh nhân, mỗi người chúng ta được mời gọi hướng lòng lên Chúa để nguyện cầu cách riêng cho các bạn trẻ được ơn hoán cải, không ngừng sám hối và xin ơn trở lại để cũng được mặc lấy con người mới trong Thiên Chúa.
Theo lẽ thường, người ta chỉ trở lại khi đã ra đi, sám hối khi đã sai lỗi; nhưng, hình ảnh của thánh Phaolô khiến ta phải tạm dừng lại những suy tưởng có phần cổ điển và theo lối mòn ấy. Vì thật ra, Phaolô có xuất thân danh giá, mang quốc tịch công dân Rôma, điều mà những người cùng thời với ngài đều mong muốn. Thừa hưởng những điều kiện thuận lợi từ gia đình, lại được hấp thụ kiến thức từ những bậc thầy danh tiếng, nên con người của ngài được định hình và sớm trở thành một chàng trai trẻ nhiệt thành, đạo đức, giữ luật như một người Pharisêu và sống công chính theo lề luật chẳng ai trách được.[1]
Hết lòng phụng thờ Thiên Chúa nhưng lại ra sức truy bắt các tín hữu và ngược đãi Giáo hội đang rao giảng về Đức Giêsu, bởi chàng trai ấy muốn bảo vệ tôn giáo độc thần và bởi không biết chính Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu. Đến đây, ta như không thể tìm ra sai lỗi của Phaolô, lại càng không thể kết tội ngài, vì thực chất, đó là một sự trở lại đúng nghĩa sau khi Phaolô đã nhận biết chính “Đấng mà ngài đang bắt bớ.”
Kinh nghiệm hoán cải của chàng trai ấy đã không khởi đi từ tội lỗi, sai phạm nhưng lại xuất phát từ chính ngọn lửa nhiệt huyết. Kinh nghiệm hoán cải này cũng không khởi đi từ sức riêng nhưng đến và nhờ sự giúp đỡ từ Thiên Chúa. Ý thức được như thế, thì các bạn trẻ cũng được mời gọi để sám hối và xin ơn trở về cùng Chúa mỗi ngày.
Nhìn lại chính mình trong tinh thần khiêm nhường, các bạn trẻ sẽ dễ dàng hơn để nhận thấy và tìm kiếm nguồn chân lý thiện hảo nơi Chúa, để dừng lại những bước chân lệch lạc và tiến bước trên đường nhân đức, để đi đến những nơi tràn ngập ánh sáng tốt lành, thánh thiện mà không rẽ vào nơi u ám tăm tối của tội lỗi. Là những người trẻ, chắc chắn bạn cũng luôn sẵn có trong mình sự nhiệt thành như chàng trai Phaolô năm xưa, nhưng sự nhiệt thành ấy lại cần được thanh luyện để rực cháy lên thiêu đốt con người cũ của bạn. Dù vậy, bạn cũng đừng quên, trong cuộc hoán cải trở về, Phaolô đã phải rơi vào tình trạng mù tối về thể lý lẫn tâm linh. Nhắc lại điều này để bạn thêm vững tin, thêm cậy trông mà chờ đợi một sự đổi thay tận căn thật đẹp và để đón nhận một kết quả tuyệt vời xuất hiện không lâu sau đó.
Như thế, giống như thánh Phaolô, bạn hãy luôn để Chúa làm chủ cuộc đời bạn. Hãy xin Chúa cho bạn đủ can đảm để đối diện với “những kiểu ngã ngựa khác” từ cuộc sống và luôn nhớ rằng: “Có nhiều người không nghĩ về việc Thiên Chúa sẽ dùng đến mình nếu mình sẵn sàng để cho Người sử dụng.”[2] Thật vậy, chính Phaolô đã nhờ lần ngã ngựa ấy, nhờ tiếng nói của Chúa chất vấn lương tâm mà được ơn trở lại và được Chúa dùng làm khí cụ chuyển trao Tin Mừng đến cho dân ngoại.
Khi ánh sáng đức tin bừng lên, Phaolô đã chân thành hoán cải trở về cùng Chúa và đủ sức vượt qua cả những nghi ngờ từ người khác về thiện chí của ngài để tiếp tục hăng say dấn thân. Nguồn ánh sáng ấy vẫn đang chiếu rọi vào cuộc đời của bạn, ước mong sao bạn luôn vững vàng nhìn tới phía trước sau khi đã nỗ lực sám hối và trở về. Ước gì bạn luôn biết bạn là hiện tại của Thiên Chúa và bạn đang làm phong phú thế giới bằng những đóng góp của mình,[3] để cũng như thánh Phaolô bạn đủ sức vượt qua xu hướng mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề cập rằng: “Người lớn chúng ta có nguy cơ liệt kê ra một danh sách những hư hỏng, lầm lỗi của người trẻ trong thời đại chúng ta.”[4]
Và ước gì bạn luôn hết lòng sám hối và trở về mỗi ngày theo gương thánh Phaolô để bạn nên giống Đức Kitô hơn, và để bạn thực hiện hóa “ước mơ” lành thánh của vị cha chung: “Giáo Hội cần sự hăm hở dấn thân của các con, cần trực giác và đức tin của các con… và khi các con sẽ đến nơi mà chúng tôi đây chưa đạt tới, các con kiên nhẫn chờ đợi chúng tôi.”[5]
Sr.MT. Minh Thùy
—
[1] Pl 3,5-6.
[2] Youcat VN, Số 116
[3] ĐTC Phanxicô “Tông huấn Đức Kitô đang sống” (Christus Vivit), số 64.
[4] Ibid, số 66
[5] Ibid, số 229