Những suy nghĩ tản mạn về đời sống và tác vụ linh mục

print

NHỮNG SUY NGHĨ TẢN MẠN

VỀ ĐỜI SỐNG VÀ TÁC VỤ LINH MỤC

Bài 1: MẪU LINH MỤC HOÀN THIỆN THEO GƯƠNG ĐỨC KITÔ.

BÀI 2: MỨC ĐỘ CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG.

BÀI 3: ĐỘC ĐOÁN.

BÀI 4: GÓP Ý – SỬA LỖI

 

Đôi dòng cảm nghĩ

Ba mươi năm đời linh mục! Ba mươi năm trải nghiệm đời tông đồ, phục vụ. Ba mươi năm với biết bao nhiêu gặp gỡ, trao đổi. Những gặp gỡ, trao đổi giữa anh em linh mục với nhau. Những gặp gỡ, trao đổi với mọi người, thuộc đủ thành phần: nghèo-giầu, lương-giáo, trí thức-thất học, chức vị-bình dân.Những gặp gỡ, trao đổi với tư cách khác nhau; khi thì là bạn hữu, khi thì là thế hệ đàn anh, đàn em, khi thì là bề trên, khi thì là huynh đệ linh mục.

Những gặp gỡ, trao đổi muôn hình muôn vẻ. Lúc thì dễ dàng, lúc lại khó khăn; lúc đạt kết quả, lúc lại thất bại; có khi gia tăng tình nghĩa, có khi tình nghĩa chẳng còn.

Tất cả kết tinh lại thành một số suy nghĩ tản mạn. Tất cả đúc kết thành một số kinh nghiệm chia sẻ. Có thể có ích cho chính mình, cho người khác. Cũng có thể là vô ích!

Tuy vậy, được suy nghĩ, được viết ra đã là niềm vui!

Linh mục Mỹ Sơn, Long Xuyên

https://www.giaophanlongxuyen.org/

 

Bài 1: MẪU LINH MỤC HOÀN THIỆN THEO GƯƠNG ĐỨC KITÔ

Trong Tin Mừng Mát-thêu, khi dạy môn đệ và dân chúng về yêu thương cả kẻ thù, Chúa Giêsu kết luận: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5, 48). Đâu là mẫu linh mục hoàn thiện theo gương Đức Kitô?

Một linh mục kể với tôi về một người bạn khi vừa chịu chức linh mục được một thời gian ngắn. Vị tân linh mục này đã tâm sự với anh: “Nói thực với cậu, làm linh mục với làm thầy khác nhau một trời một vực”. Có thể tân linh mục đó nói về sự phục vụ cao quí trong chức thánh như khi cử hành các bí tích, khi làm việc bác ái, khi đi tìm những con chiên lạc, bỏ Chúa…; cũng có thể vị này nói về sự kính trọng, quyền thế, uy tín, tiền bạc, v.v.

Kể từ đó, cùng với sự gặp gỡ những linh mục khác, ở khắp nơi, tôi suy nghĩ nhiều về các linh mục, trong đó, có bản thân tôi cũng là một linh mục, về cách cư xử, lối sống, suy nghĩ và não trạng của anh em linh mục chúng ta.

Từ những suy nghĩ, những gặp gỡ, tôi nhận ra có thể có những mẫu linh mục sau đây:

 

  1. Mẫu linh mục ý thức và cố gắng nên thánh.

Đa số anh em linh mục chúng ta thuộc mẫu này. Đây là mẫu linh mục mà người ta gặp nhiều nhất. Các linh mục này ý thức và cố gắng tiến tới trên con đường thiêng liêng, nên thánh nhờ thi hành chức vụ linh mục một cách nhiệt thành, tận tuỵ, quên mình. Tuy nhiên, mẫu linh mục này có thể phân biệt thành những mẫu người khác nhau sau:

– Thứ nhất là mẫu người ý thức và cố gắng tiến tới trên con đường thiêng liêng, nên thánh, nhưng lại bị trói buộc, bị lôi kéo về phía sau bởi những khuynh hướng xấu, tính xấu, thói quen xấu. Tuy biết, nhưng lại yếu đuối, ý chí bạc nhược, nên không chống đỡ nổi cám dỗ, không vượt qua được những chướng ngại, những thử thách gian nan. Và trong cuộc chiến dai dẳng, trường kỳ này, phần thất bại nhiều hơn là chiến thắng. Nhưng có một điểm tích cực, đó là mẫu người này biết mình, biết thất bại của mình, cũng như biết những chiến thắng ít ỏi của mình. Vì vậy, vẫn có hi vọng một ngày nào đó, với ơn Chúa giúp, họ sẽ vượt qua.

– Thứ hai là mẫu người có ý thức và cố gắng tiến tới trên con đường thiêng liêng, nên thánh, với ý chí mạnh, với khuynh hướng tốt, với tính tự nhiên tốt, tuy vẫn tồn tại một số khuyết điểm. Mẫu người này sẽ ngày một tiến triển trên con đường nên thánh. Tuy có vấp váp, trở ngại đó, họ cũng sẽ vượt qua để sống thánh thiện, đạo đức một cách mạnh mẽ.

– Thứ ba là mẫu người thánh thiện nhờ luôn ý thức và cố gắng nên thánh mỗi ngày. Đây là mẫu người sống đaọ đức gần như hoàn hảo, tuy đôi khi người khác nhìn vào thấy như là “quá khích”, như là “điên điên”. Mẫu người này hầu như toàn tâm, toàn trí hướng về Chúa, hướng về đời sống siêu nhiên, kết hợp mật thiết với Chúa, không màng chi đến những sự trần thế. Con người họ toả ra xung quanh khí chất của một người “thiêng liêng” mà ai tiếp xúc cũng cảm nhận được.

Đây là mẫu linh mục lý tưởng nhất. Thú thực, trong đời tôi, chỉ khi còn bé, lúc mới vào chủng viện, năm đầu tiên, có cảm nhận đó, theo trực giác, trong lần gặp một linh mục người Pháp, đến giảng phòng cho chúng tôi, những cậu bé mới vào chủng viện, bằng tiếng việt trọ trẹ, khó nghe.

 

  1. Mẫu linh mục sống theo tính tự nhiên tốt lành.

Mẫu linh mục thứ hai là những linh mục sống theo tính tự nhiên tốt lành.

Tôi đã gặp một số linh mục coi xứ, sống chan hoà với giáo dân và mọi người, ăn mặc bình dân, tiền bạc rộng rãi, thương người và sẵn lòng giúp đỡ những người túng thiều, nghèo khổ, không so đo, tính toán. Những linh mục đó cũng không tích luỹ tiền bạc cho bản thân một cách ích kỷ.

Có lần tôi hỏi một vị trong số đó: “Cha có làm những việc đó với ý thức là muốn theo gương Chúa Giêsu không? Và để trở thành người mục tử nhân lành như Chúa không? Và có coi đó là những dịp thuận tiện để luyện tập nhân đức, nhờ đó ngày một tiến tới trên con đường thiêng liêng không?” Linh mục đó trả lời là mình không nghĩ tới những điều đó bao giờ.

Có thể những linh mục này sống theo tính tốt tự nhiên sẵn có, và tính tốt đó đã phần nào được học tập, được thành hình, nhờ thời gian đào tạo ở chủng viện và thời gian làm mục vụ tại các giáo xứ chăng? Tiếc rằng các linh mục đó không tận dụng cơ hội sẵn có, tính tốt sẵn có, để tiến ngày một xa hơn trên con đường thiêng liêng, nên thánh.

 

  1. Mẫu linh mục sống theo tính tự nhiên tiêu cực.

Xin kể ra đây vài câu chuyện tôi đã chứng kiến hoặc nghe kể lại:

– Có linh mục kia, dâng thánh lễ như một cái máy, cử chỉ, điệu bộ, lời đọc, ngồi, đứng, đi lại đều rất nhanh, như có ý làm cho xong, càng mau càng tốt. Giáo dân đi dự lễ than: cha xứ của mình dâng lễ vô hồn, không thấy một chút đạo đức, sốt sắng nào. Đây là tính tự nhiên làm gì cũng mau, nhưng chỉ làm cho có lệ, không ý thức về những gì thánh thiêng, siêu nhiên.

– Có linh mục nọ, hễ gặp ai có tiền, những “đại gia” là xán lại làm thân, xin số phone, địa chỉ. Mỗi lần tổ chức tiệc tùng của cá nhân hay của giáo xứ, đều kiếm cách mời những “đại gia” đó cho bằng được. Đây là tính tự nhiên xu hướng về tiền bạc, của cải vật chất.

– Rồi có linh mục rất hay gắt gỏng, la mắng giáo dân; gặp gì trái ý là quát mắng liền, không vị nể ai hết. Đây là tính tự nhiên nóng nảy, ngược với tính hiền từ của một mục tử.

– Có linh mục lại thường hay làm theo cảm tính tự nhiên. Thích ai thì dùng người đó. Không thích ai thì dù người đó có khả năng đến đâu cũng không dùng. Thích việc gì thì làm tối đa, không thích việc nào thì dù tốt đến mấy cũng không chịu làm.

– Có linh mục làm theo ý riêng, thuận tiện cho mình, chứ không nghĩ đến giáo dân, ví dụ khi hẹn làm thủ tục hôn phối vào một ngày duy nhất, vào một giờ duy nhất, ai không đến đúng giờ, thì đợi tuần sau. Đây là tính tự nhiên ích kỷ, chỉ biết mình, bắt người khác phục vụ mình.

– Có thể còn nhiều hình thức khác làm theo tính tự nhiên tiêu cực của anh em linh mục chúng ta, không thể kể ra hết ở đây.

Trên đây là một số minh hoạ cho mẫu linh mục sống theo tính tự nhiên tiêu cực, chứ không tích cực, tốt lành. Dĩ nhiên, một linh mục không phải hoàn toàn sống theo tính tự nhiên tiêu cực về mọi mặt. Có thể mặt này thì tiêu cực, nhưng mặt khác lại tích cực, tốt lành hơn. Tuy vậy, khi những mặt tiêu cực lộ rõ, ảnh hưởng xấu đến người khác, đến việc phục vụ, thì cần phải tránh, cần phải hoán cải và canh tân.

 

  1. Mẫu linh mục giả hình.

Mẫu linh mục thứ bốn là mẫu linh mục giả hình. Giả hình thực sự từ đầu đời linh mục hay giả hình được thành hình theo thời gian, điều đó khó có thể nhận ra và phân biệt được. Rất có thể khởi đầu là phát xuất từ lòng đạo đức, nhiệt thành tông đồ, rồi dần dà bị những tính hư tật xấu xâm nhập biến linh mục đó từ người đạo đức thật thành người đạo đức giả chăng?

Ví dụ điển hình. Một linh mục nọ thường dang tay cầu nguyện với giáo dân trước tượng đài Đức Mẹ. Nhờ đó, linh mục này được khen là đạo đức. Đến khi chuyển đổi đến một giáo xứ khác, vị này cũng cầu nguyện dang tay như vậy. Nhưng chỉ sau một thời gian, giáo dân kêu ca, thư từ thưa gởi lên toà giám mục chồng chất. Nhiều người cho đó là một người giả hình.

Một ví dụ khác: có linh mục kia, suy tư và viết lách về đời sống đạo đức sâu sắc, nhưng đáng tiếc, đó chỉ là những suy tư trên bình diện trí khôn, mà không tác động gì đến đời sống hàng ngày. Viết về khiêm nhường, nhưng thực sự lại rất kiêu căng; viết về khó nghèo, nhưng thực sự lại rất lo lắng kiếm tiền; viết về từ bỏ, nhưng lại bám rất chắc vào uy tín, quyền thế. Thật khó mà nhận ra!

Chúng ta cũng có thể giả hình khi lời nói, lời giảng khác xa với lối sống, thậm chí đôi khi còn trái ngược nữa; hoặc cũng có thể giả hình, khi chúng ta vô tình hay hữu ý làm chỉ cho người khác coi, nhất là trước mặt đông người, còn khi không có ai thì chúng ta không làm việc đó, hay không quan tâm thực sự đến ai đó.

Có lẽ không ai trong chúng ta hoàn toàn thuộc về mẫu linh mục này. Nhưng chúng ta có thể sống giả hình cách này hay cách khác, hoặc về mặt này hay mặt khác, hoặc vào thời gian này hay thời gian khác. Vì vậy, để tránh lối sống giả hình, không có cách nào khác ngoài phải luôn phản tỉnh, xét mình cách chân thực, nhờ Lời Chúa soi dẫn, và nhất là nhờ ơn Chúa ban, qua đời sống cầu nguyện thường xuyên.

Chúng ta hãy nhớ lời Chúa Giêsu khiển trách các kinh sư và người Pharisêu trong Tin Mừng Mát-thêu (23, 13-32): “Khốn cho các ngươi, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình!…”

 

  1. Suy nghĩ cá nhân:

Tôi hay suy nghĩ và đặt câu hỏi: Tại sao linh mục chúng ta dâng thánh lễ thiêng liêng cực trọng mỗi ngày; cử hành các bí tích cao quý thánh thiêng mỗi ngày; cầu nguyện Phụng vụ giờ kinh của Hội Thánh mỗi ngày, mà sao đời sống đạo đức, thiêng liêng, siêu nhiên không mấy tiến triển, có khi còn thụt lùi cách thảm hại nữa?

Xét mình kỹ lưỡng chân thực trước mặt Chúa, nhất là vào những giờ cầu nguyện sốt sắng, tôi càng thấy mình bất xứng. Những năm tháng đầu đời linh mục với biết bao nhiệt tình, hăng say, sốt sắng dấn thân phục vụ đâu mất rồi? Giờ nhìn lại, tuy có những điểm sáng đáng khen đó, nhưng hình như đang bị “rong rêu” bám ngày càng dầy che khuất dần, theo số năm tháng, tuổi đời linh mục.

Nhìn lại đời linh mục; 3 năm, 5 năm, 10 năm, 20 năm, 30 năm và hơn nữa, có lẽ chúng ta thấy mình có tiến bộ về khả năng điều hành giáo xứ, khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn trong khâu tổ chức, vận hành giáo xứ, các hội đoàn, các gia đình; khả năng xây dựng, kiếm tiền, khả năng trí thức, v.v.

Nhưng nếu xét mình về đời sống thiêng liêng, nên thánh, về đời sống linh mục là một người phải thánh thiện, một người đã gặp Chúa, một người toả ra chung quanh hương thơm của đời sống siêu nhiên, thì chúng ta phải đấm ngực, thú nhận mình còn quá lơ là, thiếu sót.

Rất cần thời gian để phản tỉnh, suy nghĩ và tự vấn, hầu nhận ra đâu là nguyên nhân.

Kết

Ước gì hết thảy anh em linh mục chúng ta trở thành những mẫu linh mục đạo đức, thánh thiện như thánh Gioan-Maria Vianey, thánh Phanxicô Assisi, thánh Gioan Thánh Giá, thánh Piô Năm Dấu.

Và cũng ước gì trước hết và trên hết, anh em linh mục chúng ta giúp nhau nên thánh. Đó là sự hiệp hành tốt nhất, tích cực nhất và cao quí nhất.

Xin Chúa thương trợ giúp chúng ta. Amen.

 

BÀI 2: MỨC ĐỘ CỦA ĐỜI SỐNG THIÊNG LIÊNG

Qua tiếp xúc với nhiều anh em linh mục và suy nghĩ về những việc làm của chính mình, tôi thấy có những cách làm việc tông đồ, mục vụ, bác ái với những ý thức về đời sống thiêng liêng khác nhau. Có thể nhận ra một số thứ bậc về đời sống thiêng liêng sau đây:

 

  1. Mức độ 1: Làm vì mình với mục đích vụ lợi theo thói thế gian.

Đây là điều bình thường trong xã hội. Ai cũng làm việc vì mình, vì sự thăng tiến của mình, vì lợi ích cá nhân của mình. Lợi ích đó có thể là địa vị, quyền hành, uy tín. Lợi ích đó cũng có thể là tiền bạc, vật chất, v.v.

Ví dụ: tôi làm việc này để người trên thấy khả năng, sự tài giỏi của tôi, mà trọng dụng, đặt tôi lên những chức vị cao, nhiều quyền hành hơn, kiếm được lợi ích vật chất, tiền bạc nhiều hơn, v.v.

Đó là xét về phương diện tự nhiên hay xã hội. Còn về phương diện siêu nhiên, về đời sống thiêng liêng, đời sống tông đồ, mục vụ, bác ái, nếu chỉ làm việc vì những mục đích trên: tiền bạc, địa vị, uy tín … thì không có ích gì cho đời sống dạo đức, không giúp nên thánh được. Trong khi là linh mục tôi phải nên thánh và có trách nhiệm giúp người khác nên thánh nhờ mục vụ bí tích và các hoạt động tông đồ khác.

  1. Mức độ 2: Làm vì mình với mục đích tầm thường.

Đây là những người làm việc tông đồ, mục vụ, bác ái cũng vì mình, nhưng ở mức độ nhẹ hơn: vì sức khoẻ, hoặc để tự tưởng thưởng bằng những phần thưởng rất tự nhiên, thiên về thói quen hưởng thụ, chứ không thiên về thiêng liêng.

Ví dụ: giận dữ, nóng này với người khác làm tôi nhức đầu, nhói tim, v.v. không tốt cho sức khoẻ, vì thế tôi phải tập bỏ tính xấu này. Hoặc một ví dụ khác: được mời đi xức dầu bệnh nhân vào giờ nghỉ trưa, tôi thấy làm biếng, ngại đi quá, nhưng tự nhủ: ráng đi, về nhà sẽ tự thưởng cho mình một điếu thuốc lá ngon, một ly cà phê thơm phức, v.v.

Linh mục làm việc tông đồ, mục vụ, bác ái vì những lý do vửa kể, tuy không mang lại tiếng xấu bên ngoài cho hàng ngũ linh mục như những người làm việc theo mức độ thứ nhất, nhưng xét về đời sống thiêng liêng, nên thánh, thì những việc làm với mục đích tầm thường vì mình kiểu này sẽ không giúp cho linh mục phục vụ tận tâm thật sự và đương nhiên, sẽ không giúp nên thánh.

 

  1. Mức độ 3: Làm vì danh dự, tiếng tốt của mình, hay tập thể mà mình là thành phần hoặc đại diện.

Ví dụ: tôi là linh mục, vậy phải làm việc và sống sao để khỏi bị mang tiếng xấu về linh mục; hoặc tôi là linh mục thuộc giáo phận này đi dạy học ở một giáo phận khác, thì phải cố gắng nghiên cứu, giảng dạy sao cho có kết quả tốt, để đừng mang tiếng giáo phận của mình; đem chuông đi đánh xứ người thì chuông phải kêu cho ra hồn chứ!

Mục đích như vậy đã là tốt; nhưng chưa đủ và cũng không thể là mục đích thực sự của hoạt động tông đồ, mục vụ, bác ái nơi linh mục. Nó không giúp linh mục nên thánh, mà cũng không thể giúp người khác nên thánh nếu chỉ dừng lại ở sự tìm danh dự, tiếng tốt cho mình hoặc cho tập thể của mình.

 

  1. Mức độ 4: Làm vì lòng yêu mến Chúa và vì yêu thương người khác.

Đây là mức độ đúng nhất và cao nhất trong mọi việc làm của linh mục, của người môn đệ Đức Kitô.

Tôi nhớ có lần mới chợp mắt nghỉ trưa, có người bấm chuông xin cha đi xức dầu ở phòng hồi sức cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh. Tôi liền chuẩn bị đi ngay. Vừa về đến nhà, mới nằm tiếp chưa được 10 phút, lại có tiếng bấm chuông, mời đi xức dầu ở bệnh viện. Hơi bực bội, nhưng cố gắng tự nhủ, xin dâng hi sinh này cho Chúa. Đến nơi, người bệnh cũng nằm ờ phòng hồi sức cấp cứu, cách vài giường, tự nhiên, khá bực bội, tôi hỏi, sao không mời luôn lúc nãy thì được trả lời cha về rồi mới hay. Trên đường về, thấy bực bội như vậy là không đúng, tôi xin lỗi Chúa. Tính tự nhiên là như vậy, phải cố gắng vượt qua để phục vụ giáo dân đúng theo tinh thần Đức Kitô.

Tôi cũng cố tập thói quen, mỗi khi leo lên xe máy đi xức dầu, đọc kinh kính mừng cầu nguyện cho người bệnh sắp gặp và khi về cũng vậy.

Theo kinh nghiệm, thường trong mọi việc chúng ta làm, những mục đích trên đan xen, cái nhiều cái ít. Điều quan trọng là tập luyện sao cho mục đích thứ 4 ngày càng nhiều hơn, rõ nét hơn; còn những mục đích không chính đáng (3 mục đích đầu) ngày càng giảm dần và ít đi. Có vậy, đời sống thiêng liêng của linh mục chúng ta mởi tiến triển.

Ước gì anh em linh mục chúng ta ngày càng tiến bước trên con đường thiêng liêng, nên thánh nhờ các hoạt động tông đồ, mục vụ, bác ái với mục đích phục vụ vì lòng mến Chúa và yêu thương tha nhân hết lòng theo gương Chúa Giêsu, vị Mục tử nhân lành.

 

BÀI 3: ĐỘC ĐOÁN

Có lẽ độc đoán luôn là một nguy cơ cho một số anh em linh mục, nhất là những linh mục đã làm chính xứ lâu năm, thường có những quyết định, những hành động theo ý mình, không nghe ý kiến của người khác, dù là của bề trên, dù là của anh em linh mục, dù là của đa số giáo dân.

I. Ví dụ điển hình

Xin kể ra đây một vài ví dụ:

  1. Ở một giáo xứ nọ, cha xứ quyết định đào ao làm nhà thuỷ tạ. Vài năm sau, một cha xứ khác đến ra lệnh lấp ao trồng cây cho mát. Giáo dân nghĩ sao về hành động và quyết định của hai cha xứ này?
  2. Tại một giáo xứ khác, cha xứ mới về nhất định chặt hàng cây sao lâu năm hai bên nhà thờ vì lá cây rụng quá nhiều, mất công quét, dù giáo dân góp ý thế nào và tình nguyện lập nhóm quét lá ra sao, thì cha xứ vẫn cứ đốn. Rồi phía trước nhà xứ có cây cổ thụ lâu năm, nhưng bóng rợp làm tối nhà xứ và làm cho đường xe vào nhà xứ khó đi. Hơn nữa, cha xứ mới thích sáng sủa, thích trồng bông, nên dù giáo dân không đồng ý, cha xứ đó vẫn đốn cây cổ thụ giá trị đó, bán lấy tiền và trồng hoa.
  3. Riêng tôi, khi làm cha xứ, có lần tôi nói ông chủ tịch hội đồng mục vụ giáo xứ đưa hết cho tôi các bằng ghi công của những ông trong ban thường vụ khoá trước và bằng chứng nhận các ông ban thường vụ khoá đương nhiệm chỉ vì không muốn các ông phô trương, khoe khoang, Quyết định và hành động của tôi chắc chắn đã làm cho ông chủ tịch rất buồn.

Tóm lại, linh mục chúng ta thường có những quyết định, những hành động độc đoán, không biết lắng nghe, không cần biết đến người khác đón nhận hay không; quen làm theo ý riêng mình.

 

II. Lý do đưa đến độc đoán

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao linh mục chúng ta thường độc đoán, nhất là những linh mục đã làm chính xứ lâu năm? Khó có thể biết hết mọi lý do, mọi khía cạnh của vấn đề. Tuy nhiên, chúng ta có thể liệt kê một số lý do sau đây:

  1. Linh mục là “cha” thiêng liêng.

Làm linh mục là làm “cha” thiên hạ. “Cha” đây hiểu theo nghĩa tích cực, mà cũng có thể hiểu theo nghĩa tiêu cực. Nghĩa tích cực: linh mục là “cha” về đời sống thiêng liêng, đời sống đạo. Linh mục dạy dỗ giáo dân về Chúa, về đạo. Linh mục hướng dẫn họ đến với Chúa, gặp được Chúa, để được sự sống đời đời. Không những linh mục hướng dẫn, dạy dỗ, mà còn thay mặt Chúa và Giáo hội ban các bí tích, các ơn thiêng cần thiết để giáo dân sống đạo tốt đẹp, thánh thiện, xứng đáng là con cái Chúa và được hưởng ơn cứu độ là hạnh phúc đời đời mai sau.

Xét về mặt này, rõ ràng linh mục là “cha” thiêng liêng, “cha” về phần đạo của giáo dân, và là một người “cha” đúng nghĩa.

Tuy nhiên, vì thuộc tầng lớp “cha” thiêng liêng, “cha” về phần đạo, nên nhiều khi linh mục thấy mình là người quan trọng, thấy mình là “cha”, cư xử và hành động như người “cha” đầy quyền thế, nên đi đến tự tôn, cho mình có quyền trên giáo dân về mọi phương diện, có quyền ra lệnh và mọi người phải tuân theo; và không ai có quyền nói gì, góp ý gì trái với ý của mình, trừ khi đó là bề trên; mà bể trên có nói thì chưa chắc đã nghe theo, đã vâng lời.

 

  1. Linh mục “toàn quyền” khi được bổ nhiệm.

Hơn nữa, linh mục được Đức giám mục giáo phận bổ nhiệm làm cha xứ, cha phó, nên toàn quyền điều hành giáo xứ, nắm cả quyền “hành pháp”, “tư pháp”, “luật pháp”, thậm chí cả quyền trên lương tâm mỗi giáo dân nữa. Có khi linh mục còn thi hành quyền vượt cả trên giáo luật, lúc cấm người này xưng tội, rước lễ, lúc phạt người kia không được chịu bí tích, không làm phép hôn phối, không cho chôn đất thánh, v.v.

 

  1. Kính trọng của giáo dân.

Cũng cần nói thêm, giáo dân, nhất là giáo dân ở Việt Nam, rất quí mến và tôn trọng các linh mục. Họ vâng lời linh mục, một điều thưa “cha”, hai điều thưa “ngài”, dù linh mục đó còn rất trẻ, đáng tuổi con cháu, em út. Vì thế, một số anh em linh mục, dù mới chịu chức vài ba năm, đã cho mình là “cha”, đã xưng hô cả với những người cao tuổi “cha với con’, đã ra lệnh và có những quyết định, những hành động độc đoán, không cần hỏi ý kiến ai, cũng không nghe ý kiến một ai, hoặc chỉ nghe ý kiến một bên, tức là bên mình thích, hoặc hợp với ý của mình; điều tệ hơn là linh mục lại cho rằng mình quyết định, mình làm gì cũng đúng, cũng tốt.

 

  1. Thời gian dài thành tật xấu.

Cuối cùng, vì đã là “cha”, đã là người có quyền, đã quen dùng quyền, nên theo thời gian linh mục càng dùng quyền nhiều hơn, mạnh mẽ hơn, và có thể ngày càng độc đoán hơn, có khi đã trở thành tật xấu, không còn nhận ra mình là người độc đoán, chuyên quyền nữa.

 

III. Phòng tránh

Nếu đã là linh mục, độc đoán luôn là nguy cơ, thì chúng ta có cách nào để phòng tránh và loại bỏ được tính chuyên quyền, độc đoán này không? Có một số cách thế, những cách thế này không hẳn là đầy đủ và tốt nhất, chỉ theo kinh nghiệm cá nhân, nên cần những kinh nghiệm khác bổ túc. Chúng ta có thể liệt kê một số sau đây:

 

  1. Tinh thần phục vụ.

Anh em linh mục chúng ta cần luôn ý thức mình là người thay mặt Chúa để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ. Quyền hành Chúa ban và Giáo hội trao cho chúng ta là để phục vụ, không phải để ra lệnh, sai khiến độc đoán, độc tài, theo ý thích của mình.

  1. Đời sống thiêng liêng.

Chúng ta cần xây dựng một đời sống thiêng liêng vững chắc nhờ chuyên chăm cầu nguyện, luyện tập nhân đức, nhiệt thành thi hành sứ vụ với tình yêu thương và lòng bác ái vị tha.

  1. Khiêm tốn lắng nghe.

Tập khiêm tốn lắng nghe góp ý, phản ứng của giáo dân để cư xử cho đúng, nhưng cũng cần phải thích hợp nữa, chứ không phải chỉ đúng là được. Dĩ nhiên, cũng nên đề phòng tránh sợ dư luận mà thiếu quyết đoán trong những việc cần thiết, quan trọng, có lợi cho giáo dân về đời sống đạo, và vì lợi ích chung của giáo xứ, giáo phận, giáo hội và xã hội.

  1. Xét mình.

Xét mình thường xuyên, xem đời sống đạo đức của mình thế nào, cách cư xử với giáo dân, với mọi người ra sao? Có cảm thông, có yêu mến, có giúp đỡ họ thực sự không? Có khiêm tốn phục vụ quên mình thực sự không? Có nóng giận không? Có hay bắt bẻ người khác không? Có cầu nguyện với mọi người và cho mọi người thường xuyên, nhất là những người thuộc trách nhiệm của chúng ta không?

Có đồng cảm với giáo dân, với mọi người về đời sống, công ăn việc làm, những khó khăn, những nỗi khổ, những vất vả, những thất vọng và ước mong của họ không? Có lấy tấm lòng yêu thương của người mục từ mà phục vụ, hướng dẫn, dạy bảo, ban các bí tích cho họ không? Hay chỉ bắt bẻ, tìm cớ, để làm khó, để từ chối ban các bí tích cho họ, nhất là đối với những người chúng ta không ưa, hoặc họ không ưa chúng ta mà còn chống đối chúng ta nữa?

Quan trọng nhất vẫn là xét mình xem thực sự mình có tấm lòng nhân hậu của người mục tử trong các đối xử, phục vụ giáo dân và mọi người không? Mình có luôn cố gắng noi gương Chúa Giêsu, Người Mục tử nhân lành không?

Kết

Nếu mỗi anh em linh mục chúng ta đều ý thức đề phòng sự độc đoán, độc tài và luôn cố gắng xây  dựng đời sống thiêng liêng sâu xa, vững mạnh, nhất là tập luyện luôn để thực sự có tấm lòng của người mục tử nhân lành như Chúa Giêsu, trong tình thần khiêm tốn phục vụ, thì chắc chắn chúng ta sẽ là những người cha thiêng liêng tốt lành, không bao giờ độc đoán, chỉ làm theo ý riêng và thoả mãn ý thích của mình.

 

BÀI 4: GÓP Ý – SỬA LỖI

Việc góp ý hay đúng hơn, việc sửa lỗi anh em luôn là điều khó, rất khó. Khó cả hai phía, phía người góp ý cũng như phía người được góp ý. Đó là những khó khăn nào?

 

I. Phía người góp ý.

A. Ngần ngại.

Dù là bề trên, dù là bạn thân, ai cũng ngại góp ý để sửa lỗi anh em. Có nhiều lý do đưa đến tâm lý hoặc thái độ ngần ngại này.

  1. Khuyết điểm của bản thân.

Chính người góp ý cũng nhận ra bản thân đầy những khuyết điểm trong đời sống cá nhân cũng như trong đời sống tông đồ phục vụ. Minh đã không ra gì, thì còn nói gì đến việc góp ý, sửa lỗi người khác.

  1. Sợ mất lòng.

Góp ý sửa lỗi luôn làm phiền lòng người được góp ý. Ngoài mặt, có thể họ nói lời cám ơn, nhưng thực sự trong lòng lại rất buồn phiền và không thích ta; trừ những người có lòng khiêm nhường thực sự và luôn mong người khác góp ý cho mình để tiến tới hơn. Nhưng có thể nói, đại đa số không thích nghe góp ý và cũng không thích người góp ý.

  1. Muốn lấy lòng.

Tâm lý chung của chúng ta là không muốn mất lòng ai. Hơn nữa, khi chịu trách nhiệm một công việc chung, chúng ta càng cố tránh làm mất lòng người khác. Chúng ta muốn lấy lòng họ, để họ hăng hái cộng tác với chúng ta để công việc chung chúng ta lo được tiến triển tốt đẹp, đạt được nhiều thánh quả.

Không chỉ muốn lấy lòng, chúng ta còn muốn được tiếng khen là người hiền lành, dễ mến, thân thiện, không khó khăn, nghiêm khắc, v.v.

  1. Muốn yên thân.

Góp ý làm gì cho phiền. Mình không chịu trách nhiệm về người đó, công việc đó, vậy nói làm gì. Hơn nữa, minh đâu có vai vế gì, uy tín gì để nói người khác nghe. Nói người ta có nghe mình không, hay lại ghét mình, nói mình nhiều chuyện, rồi rất có thể họ moi móc những chuyện xấu của mình, mà bản thân mình đâu có tốt lành gì, đầy dẫy khuyết điểm ra đó.

  1. Dửng dưng.

Một lý do khác, đó là lối sống và cách suy nghĩ cá nhân ích kỳ của nhiều người trong xã hội hiện nay: việc ai nấy lo, đã có bề trên lo, mình lo làm gì, quản việc của người khác chi cho phiền; việc mình làm còn không xong, nói gì đến việc người, “Ốc không mang nổi ốc, còn đòi mang cọc cho rêu.”

  1. Chúa lo.

Có người nghĩ tích cực hơn một chút, nhưng vẫn là thái độ tiêu cực. Thấy khuyết điểm của anh em, thấy việc chung có thiếu sót, nhưng lại nghĩ, tốt nhất để Chúa lo, mình có nói cũng chẳng ích gì, hãy cố gắng làm tốt trách nhiệm của mình, đó đã là điều đẹp lòng Chúa rồi. Chúa đâu bắt mình lo cho người khác, coi chừng vượt quá bổn phận.

 

II. Phía người được góp ý.

Phần trên, chúng ta nói đến phía người góp ý. Tiếp đến, chúng ta nói đến người được góp ý, sửa lỗi.  Người được góp ý, sửa lỗi đón nhận thế nào là việc rất quan trọng. Kết quả xây dựng của việc góp ý đạt được hay không phần lớn dựa vào thái độ lắng nghe và phản ứng của người được góp ý. Như vậy, thường thì người được góp ý đón nhận thế nào và phản ứng ra sao? Có thể có những phản ứng sau đây:

  1. Tức giận.

Người được góp ý có thể có thái độ tức giận vì cho rằng người góp ý có ý xấu. Người đó ghét mình, không ưa mình nên có những góp ý không đúng. Họ chỉ muốn trù dập mình cho bõ ghét.

Người được góp ý cũng có thể tức giận vì cho rằng người góp ý không được phê phán, sửa lỗi mình vì người đó không có quyền cũng như không có bổn phận gì đối với mình, nhất là khi đó lại là người dưới quyền, địa vị thấp kém.

Đàng khác, người được góp ý cũng có thể tức giận vì tin rằng mình là người mẫu mực, hoàn hảo, không có khuyết điểm gì, nên không ai có quyền góp ý, sửa sai mình. Đây có thể là người thực sự tin mình hoàn hảo, hoặc đã tự cho mình như vậy từ lâu. Dù sao, đây cũng là mẫu người tự kiêu, không đánh giá đúng về bản thân, vì đã là người thì sao lại không có khuyết điểm, không có sai lỗi, sao lại có thể là người hoàn hảo mọi mặt được!

Thêm nữa, người được góp ý có thể tức giận vì cá nhân người đó từ trước tới nay được mọi người tôn kính, khen ngợi, chưa từng có ai dám lên tiếng phê phán, hoặc có người nào dám góp ý; vả lại, từ trước tới này, chỉ người đó mới là người góp ý, sửa lỗi người khác thôi. Một người thực sự tự tôn, cao ngạo, uy tín lớn, được mọi người tin tưởng, sùng bái, thì sao có thể chấp nhận góp ý của người khác được. Chấp nhận góp ý là chấp nhận mình có khuyết điểm, chấp nhận góp ý là chấp nhận mình dưới cơ. Mình luôn là người ở trên mọi người làm sao có thể ở dưới ai được chứ!

Cuối cùng, người được góp ý có thể tức giận vì người góp ý đã nói không đúng cách, không đúng thời điểm. Ví dụ nói sỗ sàng, nói hùng hổ, nói trong lúc nóng giận, nói giữa đám đông, nói cho mọi người biết như có ý bêu xấu, v.v.

Người được góp ý mà tức giận thường là mẫu người kiêu ngạo, tự tôn, không chấp nhận khuyết điểm, hoặc không muốn chấp nhận khuyết điểm; không muốn mất mặt vì bộ mặt hoàn hảo, tốt lành mà người đó đã vẽ lên suốt đời họ không thể bị làm cho méo mó được. Vì thế, dù góp ý là đúng, và có tính cách xây dựng thì họ cũng bác bỏ.

Trong anh em linh mục chúng ta cũng có người thuộc mẫu người tức giận, hoặc ra mặt hoặc âm thầm, vì chúng ta là linh mục, là mẫu người luôn coi mình phải được tôn trọng và phải được coi là người hoàn hảo, mẫu mực. Bởi đó, người góp ý, nhất là góp ý cho các linh mục, rất ngần ngại, và rất ít người có can đảm góp ý, dù đó là bề trên, đù đó là anh em linh mục bạn hữu.

  1. Biện minh.

Thái độ phản ứng thứ hai là biện minh.

Người được góp ý có thể kiếm cách biện minh cho thiếu sót của mình, và thường cách biện minh dễ dàng nhất là đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho người khác.

Người biện mình tuy nhìn nhận thiếu sót, nhưng vì đổ lỗi đi, nên người đó không còn có lỗi nữa, mà không có lỗi thì đâu cần sửa đổi. Nếu là linh mục coi giáo xứ thì chuyển đổi đi đâu, đến giáo xứ nào đi nữa, vẫn sẽ bị kêu ca như vậy, vì linh mục đó có nhận khuyết điểm, sai lỗi đâu. Hậu quả là trước sống thế nào thì sau vẫn sống như thế.

  1. Làm nhẹ đi.

Thái độ phản ứng thì ba là giảm nhẹ sai lỗi, giảm nhẹ trách nhiệm.

Đây là người nhận lỗi, nhưng lại giải thích cho nhẹ đi; có khi lỗi nặng 10, chỉ còn 1 và kết quả là chuyện lớn hoá nhỏ, chuyện nhỏ hoá không.

Đây là mẫu người không hoàn toàn thành thật. Có thể trước mặt người khác, trước mặt bề trên, người đó nói cho nhẹ đi để đỡ mất mặt, nhưng trong thâm tâm nhận thực là khuyết điểm rồi cố gắng sửa sai thì tốt. Trái lại, nếu cố ý làm cho ra không có gì nặng nề, giảm nhẹ và coi như không có, rồi vẫn sống như cũ, không sửa đổi gì, thì lại là người dối trá, không thành thực. Sự góp ý, sửa sai sẽ không giúp ích gì cho mẫu người này.

  1. Không chấp nhận.

Thái độ thứ tư là không chấp nhận, bác bỏ thẳng thừng.

Người được góp ý có thể không đón nhận sự góp ý vì cho rằng việc mình làm là đúng, không sai lỗi, vì thể, không tiếp nhận sự góp ý, sửa sai, và không sửa đổi.

Góp ý cho mẫu người này rất khó. Nếu góp ý thuộc lãnh vực luân lý, luật lệ là những lãnh vực dễ phân biệt đúng sai, tốt xấu, thì khỏi phải nói; nhưng nếu góp ý thuộc phạm vi cách làm việc, cách ứng xử, phương pháp mục vụ, thì rất khó. Những điều này còn tuỳ thuộc vào tính tình, thói quen, giáo dục, cách suy nghĩ, não trạng, văn hoá … mà người được góp ý đã sống, đã được đào tạo, đã được nhào nặn từ thuở nhỏ. Đối với các linh mục, nhất là những linh mục là cha xứ lâu năm, đã quen chỉ huy, ra lệnh, đã quen người khác phục tùng mình, v.v. thì lại càng khó hơn nữa.

  1. Nói dối.

Thái độ phản ứng thứ năm là nói dối.

Người được góp ý có thể chối, không nhận vì không muốn nhận, vì dối trá mà dối trá là vì sợ hãi, sợ bị phạt, sợ bị tai tiếng, sợ bị nghi kỵ, sợ bị ghét bỏ v.v.

Người được góp ý có thể chối, không nhận vì lương tâm chai đá, không còn khả năng để nhận ra sai lỗi, khuyết điểm nữa. Đây là mẫu người đáng thương nhất!

  1. Đón nhận cách giả dối.

Thái độ phản ứng thứ sáu là bề ngoài dường như khiêm nhường, sẵn sàng thú nhận sai lỗi, nhưng trong lòng lại hoàn toàn khác.

Người được góp ý có thể đấm ngực nhận khuyết điểm, sai sót. Người đó không những thú nhận bằng lời mà còn bằng chữ viết nữa. Tuy nói và viết thú nhận đó, nhưng tận thâm tâm, người đó vẫn có thể sống như một người hoàn toàn vô tội. Bằng chứng là người đó luôn phê phán người khác, chỉ ra những cái sai của người khác, luôn tỏ ra mình là bậc thầy về đạo đức, mình là thánh nhân, và chỉ mình mới có quyền dạy dỗ, chỉ bảo, phê bình người khác; ngược lại, không ai có quyền góp ý, phê bình mình.

Mẫu người này, dù có đấm ngực thú nhận mình là người tội lỗi thì cũng chỉ là bề ngoài, giả hình, để cho người khác thấy mình là người đạo đức như thật, thánh thiện như thật. Đối với mẫu người này, mọi góp ý, sửa lỗi đều vô ích, khó mà đạt được kết quả nào.

  1. Đón nhận cách chân thành.

Thái độ phản ứng thứ bảy là chân thành lắng nghe và đón nhận góp ý, sửa sai.

Người được góp ý thành thực đón nhận sự góp ý với lòng khiêm tốn và phục thiện. Tuy lúc nghe góp ý có thể cảm thấy buồn bực, khó chịu theo tính tự nhiên, nhưng người đó vượt qua được, nhận ra những thiếu sót của mình, đón nhận góp ý cách khiêm tốn, và cố gắng sửa đổi.

Thực sự, người đón nhận chân thành là người khiêm tốn luôn sẵn sàng lắng nghe góp ý, cám ơn người đã góp cho mình cách thực lòng, rồi xét lại bản thân và cố gắng sửa đổi, canh tân.

Cũng có thể người được góp ý nhận ra sự góp ý do hiểu không đúng về mình, nhưng người đó vẫn đón nhận, coi như một cảnh giác để mình quan tâm đề phòng.

Mẫu người khiêm tốn sẵn sàng đón nhận góp ý, sửa sai của người khác, của bề trên, của anh em linh mục cũng như của giáo dân, của những người làm việc dưới quyền mình, không nhiều. Đây là mẫu người luôn xét mình cặn kẽ, chân thành đối diện với chính mình, đối diện với Chúa.

Ước gì mỗi anh em linh mục chúng đêu thuộc mẫu người thứ bảy, mẫu người khiêm nhường lắng nghe, đón nhận sự góp ý, sửa sai của người khác để chúng ta phục vụ Chúa và anh chị em ngày một nhiệt tình hơn, đạt những kết quả tốt đẹp, và nhờ đó, trở nên những linh mục tốt lành, thánh thiện.

 

III. Sẵn sàng.

Vậy đâu là thái độ cần thiết, đúng đắn về vấn đề góp ý, sửa lỗi cho nhau? Cần những thái độ sau:

  1. Nhận thức rõ: góp ý sửa sai là một bổn phận, là biểu lộ tấm lòng yêu thương tha nhân thực sự. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cách sửa lỗi cho nhau. Và trong Kim chỉ nam về đời sống và tác vụ linh mục, bộ giáo sĩ cũng nói đến sự góp ý và sửa lỗi anh em là thái độ có trách nhiệm, là yêu thương người khác thực sự.

Góp ý là một trách nhiệm theo lời Chúa Giêsu và Giáo hội dạy, chúng ta không thể ngần ngại, cũng không thể vì muốn yên thân hay không muốn làm mất lòng người khác, để rồi, không nói những gì cần nói. Làm như thế, chúng ta mắc lỗi với Chúa, Giáo hội và anh chị em.

  1. Góp ý tế nhị, thẳng thắn, vào dịp thuận tiện, và dĩ nhiên phải phát xuất từ tấm lòng thương yêu tha nhân thực sự, vì ích lợi của cá nhân người đó, và vì ích lợi chung của cộng đoàn. Không bao giờ góp ý, sửa sai vì ghét bỏ, vì nóng giận, hoặc chỉ để phê bình, chỉ trích, hoặc để chứng tỏ mình hơn người.

Góp ý, sửa sai vì yêu thương, cách tế nhị sẽ giúp người được sửa sai, được góp ý dễ đón nhận, không ghét bỏ hay thù hận ta.

  1. Can đảm.

Tuy nhiên, cuối cùng, thì góp ý, sửa sai người khác luôn cần sự can đảm. Can đảm xây dựng cho chính đương sự, cho chính cộng đoàn. Vì thế, người góp ý sẽ không sợ người được góp ý giận mình, ghét mình, nói xấu mình, thậm chí làm hại mình nữa.

Kết.

Ước gì tất cả anh em linh mục chúng ta hợp thành một cộng đoàn yêu thương, luôn sẵn sàng góp ý, xây dựng cho nhau để mỗi người và cộng đoàn được tiến triển trên con đường phục vụ Chúa và mọi người.