‘Nói Không’ với ma quỷ, ‘Xin Vâng’ với Thiên Chúa!

print

‘Nói Không’ với ma quỷ, ‘Xin Vâng’ với Thiên Chúa!

Lm Xuân Hy Vọng
 

Kể từ hôm nay, chúng ta được mời gọi theo chân Đức Giê-su bước vào hoang địa ăn chay,  hãm mình, chiến đấu với mọi cám dỗ, và đặc biệt được tham dự cuộc thương khó – tử nạn – Phục sinh của Ngài.

Ngay bài đọc I trích sách Sáng thế, tổ phụ loài người được Thiên Chúa dựng nên theo hình ảnh Ngài (Imago Dei) và giống Ngài, nhưng vì sa ngã phạm tội, nghe lời dụ dỗ (cám dỗ) của con rắn (tượng trưng cho ma quỷ), hai ông bà đã phá vỡ lời cam kết với Thiên Chúa, và ngay sau khi trót theo lời con rắn, “mắt họ liền mở ra và họ nhận biết mình trần truồng, nên kết lá vả che thân” (St 3, 7), vì sợ đối phương xâm hại thân thể mình. Tuy nhiên, Thánh Tông đồ Phao-lô quả quyết: “Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Ðức Giê-su Ki-tô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế” (Rm 5, 17-18).

Thật vậy, thuở xưa tổ phụ loài người không thể chiến thắng cám dỗ, thì nay Con Một Thiên Chúa xuống thế làm người, chiến thắng cám dỗ. Xưa kia, tổ phụ loài người đã sa ngã phạm tội, đã truyền án phạt sự chết đến dòng giống con cháu (tội tổ tông truyền), nhưng nay nhờ đức công chính và sự vâng phục tuyệt đối của Ngôi Hai Thiên Chúa, mà chúng ta được cứu thoát khỏi ách nô lệ tội lỗi, được nâng lên bậc công chính thừa hưởng sự sống đời đời. Vì vậy, hôm nay “Thần Khí dẫn Đức Giê-su vào hoang địa để chịu quỷ cám dỗ” (x. Mt 5, 1) sau khi “Ngài ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày” (x. Mt 5, 2), chẳng phải là một biến cố ngẫu nhiên hoặc vô nghĩa; nhưng nhờ đó, chúng ta dù là những con người yếu đuối, hèn kém, dễ sa ngã phạm tội, biết noi gương Ngài chiến đấu với mọi cám dỗ bằng đời sống cầu nguyện, ăn chay hãm mình. Hơn nữa, nhờ gương chiến thắng cám dỗ của Đức Giê-su, Ngài biểu lộ cho chúng ta thấy rõ khả năng tiềm ẩn nơi con người, rằng: ơn thánh đủ đầy cho ta, hầu chống lại mọi cám dỗ và bước theo Ngài.

Đức Tổng Giám mục người Mỹ Fulton Sheen từng nói: ‘Cả ba cám dỗ của Đức Giê-su là ba con đường dễ dãi để Ngài không cần trải qua Thập Giá’, không cần làm theo Thánh ý Chúa Cha, không cần vâng phục Chúa Cha, và không cần thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Tuy nhiên, Đức Giê-su đã không chọn “ba con đường dễ dãi ấy”, mà Ngài chiến thắng cám dỗ, chấp nhận con đường Thập tự với một tình yêu nồng nàn, với lòng phó thác trọn vẹn nơi Chúa Cha.

Cám dỗ, xúi giục xa lìa Chúa luôn luôn hiển hiện. Cám dỗ từ hai phía như thể ‘giặc trong và giặc ngoài’. ‘Giặc trong’ là ham muốn, sống theo bản năng tự nhiên của bản thân, thích được thoả mãn ngay lập tức, ước vọng trần tục, v.v…; còn ‘giặc ngoài’ là tác động, dụ dỗ bên ngoài như ma quỷ, thú vui xã hội, xu hướng trần tục, sức chi phối từ người khác, v.v…Nhưng thông thường, qua đoạn Tin Mừng hôm nay (x. Mt 4, 3-11), chúng ta biết có ba loại cám dỗ chính, liên quan đến: tiền – tài – tình (vật chất – danh vọng/quyền lực – sắc dục). Chúng không chừa một ai, và chẳng hề báo trước cho ai trước khi ‘tiếp đất’.

Truyện xưa kể lại: Tại đất Thục, ở núi Phong Khê, có một giống đười ươi sở hữu bộ mặt giống như người. Chúng vừa biết nói cười và máu chúng được người ta dùng làm thuốc nhuộm quần áo rất tốt, nên các thợ săn địa phương thường tổ chức săn bắt chúng. Biết được loài đười ươi này thích uống rượu và đi guốc, nên thợ săn đã chuẩn bị, đem rượu và guốc đến bày la liệt tại một cánh đồng trống ngõ hầu quyến rủ chúng, rồi họ ẩn núp nơi kín đáo chờ đợi. Dẫu sống trong rừng sâu, nhưng loài đười ươi này lại có khứu giác rất nhạy nên khi ngửi thấy mùi rượu thơm, chúng liền kéo nhau tìm đến cánh đồng đó. Mặc dù, các con già đời đoán biết là bẫy của bọn thợ săn, đã nhắc nhở cho cả bầy rằng: ‘Hãy cảnh giác, đừng khờ dại uống rượu và đi guốc, kẻo bị mắc mưu của bọn người độc ác kia!’. Vừa nghe thế, cả bầy buồn bã bỏ đi trong sự nuối tiếc. Nhưng rồi một con bị mùi rượu thơm hấp dẫn không thể cưỡng lại, liền tỏ ra bất chấp lời khuyên khôn ngoan kia và rủ đồng bọn quay trở lại. Chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, “quen mùi thấy mùi ăn mãi”, chúng tranh giành chí choé nốc cạn hết bầu rượu này đến bầu rượu khác. Đến lượt các con già cả khôn ngoan tuy biết là nguy hiểm, nhưng không thể cưỡng lại sự hấp dẫn của rượu, cũng lao vào uống no say. Sau đó chúng đồng loạt xỏ chân vào guốc, bước tới bước lui, ngả nghiêng trông thật buồn cười. Bấy giờ, đám người thợ săn liền hò nhau nhất tề xông đến vây bắt. Thấy bọn thợ săn, bầy đười ươi đáng thương liền túa nhau bỏ chạy tán loạn; nhưng chân đi guốc không quen, nên bị té nhào và cuối cùng bị bọn thợ săn bắt gọn không sót một con.

Thật khó lường trước bao phen cám dỗ, lời mời mọc ham muốn. Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng: Cám dỗ chưa phải là xấu. Nó có thể giúp người ta trở nên tốt hơn. Cám dỗ không phải là tội. Nó sẽ giúp thấy rõ hơn sự thánh thiện nơi một con người. Cám dỗ cũng không phải là hình phạt, song nó sẽ là triều thiên vinh quang cho những ai chiến thắng (theo W. Barclay). Và trên hết, với ơn Chúa, cùng với sự nỗ lực liên lỉ của bản thân qua việc ăn chạy, cầu nguyện, làm việc bác ái, kết hợp mật thiết với Chúa trong các Bí tích, Thánh lễ hằng ngày…chúng ta sẽ chiến thắng mọi cám dỗ, sẽ cùng với Đức Giê-su nói ‘không’ với ma quỷ, nhưng thưa ‘xin vâng’ với Chúa Cha.

“…Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen!”