Papua New Guinea chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô giữa bối cảnh của thiên tai và sự bất ổn kinh tế xã hội

print

Papua New Guinea chờ đợi Đức Thánh Cha Phanxicô giữa bối cảnh của thiên tai và sự bất ổn kinh tế xã hội

Các tín hữu Công giáo ở Papua New Guinea đang háo hức chờ đợi chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha như một khoảnh khắc của sự khích lệ và ân sủng, tượng trưng cho niềm hy vọng và tình liên đới trong khi đang phải vật lộn với thiên tai và sự bất ổn kinh tế xã hội.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Mundiya Kepanga, một nhà hoạt động người Papua ủng hộ quyền của người dân bản địa và nhà lãnh đạo từ Papua New Guinea, tại Vatican ngày 8 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: IPA Agency/Maxppp)

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến Mundiya Kepanga, một nhà hoạt động người Papua ủng hộ quyền của người dân bản địa và nhà lãnh đạo đến từ Papua New Guinea, tại Vatican ngày 8 tháng 5 năm 2024 (Ảnh: IPA Agency/Maxppp)

Các tín hữu Công giáo ở Papua New Guinea đang mong chờ chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô như một sự khích lệ và ân sủng tại một đất nước đang phải vật lộn với thiên tai cũng như những thách thức về xã hội và kinh tế.

“Có một sự phấn khích lớn lao trong cộng đồng Công giáo của chúng tôi ở Papua New Guinea về chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Thánh Cha Phanxicô vào tháng 9 tới. Sự xuất hiện của ngài được coi là một sự kiện ân sủng dành cho tất cả các cộng đồng của một đất nước rộng lớn và đa nguyên, với nhiều đặc điểm và thực tế khác nhau, nhìn nhận sự đóng góp về mặt nhân bản và tinh thần của đức tin Kitô giáo”, Cha Victor Roche, một nhà truyền giáo Ấn Độ thuộc Dòng Ngôi Lời, người đã sống và làm việc tại Papua New Guinea từ năm 1981, cho biết.

“Việc chuẩn bị thiêng liêng đang được tiến hành, với những lời cầu nguyện ở tất cả các Giáo xứ và cộng đồng. Những lời cầu nguyện đó là cầu xin Thiên Chúa gìn giữ Đức Thánh Cha được an mạnh và cho ngài thực hiện cuộc hành trình đến một vùng đất xa xôi, nơi dân Chúa và mọi công dân khác sẽ chào đón ngài với niềm vui và cảm xúc mãnh liệt”, Cha Roche nói với Fides. Các cuộc họp và hội thảo cũng đang được tổ chức ở nhiều Giáo xứ khác nhau để thông báo cho mọi người về vai trò, chức năng, danh tính và sứ mệnh của Đức Thánh Cha trong Giáo hội Công giáo.

Đức Thánh Cha Phanxicô dự kiến sẽ thăm Indonesia, Papua New Guinea, Timor-Leste và Singapore. Đầu tiên ngài sẽ đến Jakarta, thủ đô của Indonesia vào ngày 3 tháng 9 và ở lại đó cho đến ngày 6 tháng 9. Từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9, Đức Thánh Cha sẽ thăm Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea, và Vanimo, một thành phố ở cực tây bắc gần biên giới Indonesia. Điểm dừng tiếp theo của Đức Thánh Cha sẽ là Dili, thủ đô của Timor-Leste, nơi ngài sẽ ở lại từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9. Sau đó Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tới Singapore trong chuyến viếng thăm ba ngày trước khi trở về Rôma.

Vụ sạt lở đất chết người

Một trận lở đất kinh hoàng vào đêm 24 tháng 5 đã cướp đi sinh mạng của vô số người ở ngôi làng hẻo lánh Kaokalam, cách Port Moresby khoảng 600 km về phía Tây Bắc. Báo chí đưa tin diện tích lở đất rộng bằng 4 sân bóng đá. 78% diện tích Papua New Guinea được bao phủ bởi rừng, bao gồm khu rừng nhiệt đới lớn thứ ba trên thế giới, sau Amazon và Congo.

Trong khi Liên Hợp Quốc ước tính 670 dân làng đã thiệt mạng trong vụ lở đất và 1.650 người sống sót phải di tản, thì AP đưa tin rằng chính phủ Papua New Guinea nói với Liên Hợp Quốc rằng họ cho rằng hơn 2.000 người đã bị chôn vùi trong thảm họa. Thảm họa thiên nhiên ở khu vực Maip-Mulitaka thuộc tỉnh Enga đã ảnh hưởng đến cuộc sống của 70.000 người.

“Tôi muốn bảo đảm với anh chị em về những lời cầu nguyện của tôi cho các nạn nhân của vụ lở đất nghiêm trọng quét qua một số ngôi làng ở Papua New Guinea”, Đức Thánh Cha Phanxicô nói trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư tại Vatican vào ngày 29 tháng 5. “Nguyện xin Thiên Chúa an ủi gia đình họ, những người những người đã mất nhà cửa và những người dân Papua, những người mà theo thánh ý Chúa, tôi sẽ gặp gỡ vào tháng 9 tới”.

Trước đó, sau tin tức về vụ lở đất, một bức điện tín đã được Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Vatican, gửi đi thay mặt Đức Thánh Cha để chuyển tải sự đau buồn sâu sắc và những lời cầu nguyện “cho những người đã qua đời, những người đang thương tiếc sự mất mát của họ và cho việc giải cứu nhiều người hiện vẫn đang mất tích” và đồng thời “bày tỏ sự khích lệ đối với chính quyền dân sự và nhân viên cấp cứu khi họ tiếp tục nỗ lực cứu trợ”.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ là vị Giáo hoàng thứ hai đến thăm Papua New Guinea sau chuyến Tông du của Thánh Gioan Phaolô II vào năm 1984 và 1995. Chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô đã được lên kế hoạch và bị hủy bỏ nhiều lần trong những năm gần đây do đại dịch COVID-19.

Bạo lực bộ lạc và các vấn đề kinh tế, xã hội

Papua New Guinea cũng đang phải vật lộn với bạo lực bộ lạc khiến ít nhất 64 người thiệt mạng vào tháng 2 vừa qua gần thị trấn Wabag ở vùng cao nguyên phía bắc. Theo chính quyền địa phương, các nạn nhân có thể là các chiến binh bộ lạc đã rơi vào ổ phục kích của nhóm đối thủ trước bình minh. Các cuộc đụng độ giữa các bộ tộc, thường do tranh chấp lãnh thổ và cáo buộc trộm cắp, đã xảy ra trong nhiều thế kỷ ở khu vực này của hòn đảo. Sự tràn vào của vũ khí tự động đã khiến các cuộc đụng độ trở nên nguy hiểm hơn và bạo lực leo thang.

Các hành vi tàn bạo thường đặc biệt bạo lực, nạn nhân bị chặt bằng dao rựa, bị thiêu đốt, bị cắt xẻo hoặc tra tấn. Thường dân, bao gồm cả phụ nữ mang thai lẫn trẻ em, đã từng là mục tiêu trong quá khứ. Cảnh sát, những người có thu nhập thấp, cho biết họ thiếu các nguồn lực cần thiết để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Vào tháng 1, tình trạng khẩn cấp đã được ban bố sau các cuộc bạo loạn khiến ít nhất 25 người thiệt mạng trên khắp đất nước. Tình trạng cướp bóc và bạo loạn, đốt phá các cửa hàng và cơ sở kinh doanh, bắt đầu ở thủ đô sau khi một số cư dân lợi dụng cảnh sát đang đình công, gây ra hiệu ứng gợn sóng nhanh chóng lan sang các khu vực khác của đất nước.

Các nhà quan sát cho rằng các cuộc bạo loạn làm nổi bật các vấn đề xã hội sâu sắc hơn, chẳng hạn như chi phí sinh hoạt cao, thất nghiệp, bất bình đẳng, tội phạm và tham nhũng. Trong thập kỷ qua, lạm phát hàng năm khoảng 5% đã làm xói mòn thu nhập khả chi. Mức lương tối thiểu đã không tăng kể từ năm 2013 và ngày nay, giá trị của nó chỉ bằng một nửa so với mức trước đó do lạm phát, theo Ngân sách Quốc gia năm 2024.

Một vấn đề quan trọng khác là tình trạng thiếu việc làm. Theo Cơ sở dữ liệu kinh tế PNG, việc làm trong khu vực chính thức đạt đỉnh 300.000 vào năm 2013 nhưng sau đó đã giảm xuống dưới 270.000. Trong cùng thời kỳ, dân số đã tăng khoảng 30%.

Kitô giáo

Kitô giáo được thành lập ở Papua New Guinea cách đây khoảng 130 năm trước. Nhiều cơ quan truyền giáo Công giáo và Tin lành đã được thiết lập trong thời kỳ thuộc địa và truyền giáo cho gần như toàn bộ dân chúng. Phần lớn dân số theo Kitô giáo, kết hợp đức tin này với các nghi lễ truyền thống của bản địa.

Thánh lễ Công giáo đầu tiên được cử hành trên Quần đảo Louisiade vào năm 1606. Các nhà truyền giáo người Đức thuộc Dòng Ngôi Lời đã thành lập các cơ sở truyền giáo trên sông Sepik và các khu vực ven biển phía bắc từ những năm 1890. Đại học Ngôi Lời tại Madang đã được thành lập theo Đạo luật của Quốc hội vào năm 1996.

Theo The World Factbook, 90% người dân Papua New Guinea là Kitô hữu, 64% theo đạo Tin lành và 26% tuyên bố liên kết với Giáo hội Công giáo. Điều này đại diện cho khoảng 1,5 triệu người. Có 19 Giáo phận Công giáo ở đất nước này, 4 trong số đó là các Tổng Giáo phận: Madang, Port Moresby, Rabaul và Mount Hagen.

Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm Papua New Guinea vào năm 1984 và 1995, nơi ngài đã tuyên phong Chân Phước cho Peter To Rot, một Giáo lý viên đã lập gia đình và là Kitô hữu địa phương thế hệ thứ hai. Một trong những vị Giám chức cấp cao hiện nay của đất nước, Đức Tổng Giám mục Rochus Tatamai thuộc Địa phận Rabaul, là hậu duệ thân thiết của gia đình To Rot.

Minh Tuệ (theo La Croix)