Quyền Uy Của Chúa Tể Càn Khôn

print

Quyền Uy Của Chúa Tể Càn Khôn

Chúa Nhật 12 Thường Niên B

vo ha

“Lạy Trời mưa xuống. Lấy nước tôi uống. Lấy ruộng tôi cầy. Lấy đầy bác cơm  . Lấy rơm đun bếp. Lạy ông nắng lên. Cho trẻ con chơi…” 

Niềm tin trên qui chiếu vào một Ông Trời tạo dựng và điều hành thiên nhiên, như làm ra mưa nắng. Niềm tin đó  từ bao ngàn xưa đã bàn bạc trong dân chúng qua Truyện dân gian và ca dao ngạn ngữ của nền văn hóa nông nghiệp Bách Việt. 

Hơn nữa, chính nhờ được làm con Chúa, người Kitô Giáo hôm nay có nhiều cơ hội để thêm kiện toàn niềm tin có sẳn từ xa xưa trước kia. Nên danh gọi Ông Trời là hình ảnh báo trước, giúp đưa dẩn dễ dàng hơn tới Thiên Chúa trong Kitô Giáo, nhờ ơn lành được ban cho từng người.  

Cám tạ ơn Chúa nhơn từ, vì đã cho chúng con nhận biết Ngài. Xin cũng giúp chúng con thêm cố gắng yêu mến thờ phượng Ngài cho phải lẽ hơn nữa

Ta cùng đọc những bài Lời Chúa bên dưới,  chứa đựng uy quyền của Ngài qua những dấu chỉ cụ thể và cũng xin Chúa soi sáng thêm nữa. 

BÀI ĐỌC I: G 38, 1. 8-11

“Sóng cồn của ngươi phải dừng lại đây”.

Bài trích sách ông Gióp.

Bấy giờ từ cơn gió lốc, Chúa đáp lời Gióp rằng: “Khi nước chảy mạnh vỡ bờ như sinh ra bởi lòng mẹ, ai đã lấy cửa mà ngăn lại, lúc Ta lấy mây làm áo che nó, và lấy u tối che phủ nó như khăn bọc con trẻ? Ta đã vạch biên giới chung quanh nó, đã đặt khung cửa và then chốt mà phán rằng: “Ngươi chảy đến đây mà thôi, không được chảy xa nữa và vỗ sóng ba đào cũng phải dừng tại đây”.

 

BÀI ĐỌC II: 2 Cr 5, 14-17

“Đây mọi cái mới đã được tạo dựng”.

Bài trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô.

Anh em thân mến, lòng mến của Đức Kitô thúc bách chúng ta; chúng ta xác tín điều này là một người đã chết vì mọi người, vậy mọi người đều đã chết. Và Đức Kitô đã chết thay cho mọi người, để những ai đang sống, thì không còn sống cho chính mình nữa, mà là sống cho Đấng đã chết và sống lại vì họ. Vì thế, từ nay chúng ta không còn biết ai theo xác thịt nữa. Mặc dù nếu chúng ta đã biết Đức Kitô theo xác thịt, thì giờ đây chúng ta không còn biết như thế nữa. Vậy nếu ai đã trở nên một tạo vật mới trong Đức Kitô, thì những gì cũ đã qua rồi, vì đây mọi sự đều được trở nên mới.

PHÚC ÂM: Mc 4, 35-40

“Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ”. Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: “Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?” Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: “Hãy im đi, hãy lặng đi”. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: “Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?” Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?”

Đôi dòng ghi chú và tâm tình

Bài đọc I trích từ sách Ông Gióp. Sách thuộc loại giáo huấn, được viết theo thể văn xuôi và thi ca,  do hơn một ký lục ưu tú trí thức của thời  đó sưu tập và trước tác, vào thế kỷ V sau thời kỳ lưu đày Babylon trở về 538 BC.  

Giới hạn trong những dòng trích dẩn bên trên,  thì Chúa là chủ tể của thiên nhiên mà Người đã dựng nên. Xưa kia, Ngài thường  hiện ra trong cơn bão táp (38: 1) như thường thấy trong Cựu Ước  (Xh 13: 22, 19: 16). Coi như bão táp là sức mạnh của Ngài. Ở đây bão không gây thiệt hại, mà trong đó Chúa còn thân thiện trả lời Ông gióp  bằng cách hỏi:

Cửa đại dương ai ra tay khép lại? Đại dương giống như em bé sơ sinh được Chúa chăm sóc. Chúa đóng nó lại để ngăn phong ba bão tố.  Cho mây làm áo cho đại dương, cho sương mù làm vải che thân cho biển cả, đặt cho biển một ranh giới có cửa đóng then gài như một chiếc phòng nhỏ,  để giam sóng biển  trong đó.  Chúa cho phép biển chảy tới đâu thì nước tới đó một cách ôn hòa trong tầm kiểm soát. Không khí và nước được kể ra ở trên, cũng là hai trong tứ đại của thân thể, rất cần hoà họp cho sự sống. Những tạo vật Chúa làm ra thì hiền hoà, nên thơ cho con người hưởng dùng. 

Nhưng trong bài Phúc Âm của Thánh Marcô  thì sóng gió  lại nổi lên hung dữ trong câu chuyện vượt biển hồ Galilê ban đêm, để  Chúa Giêsu dạy các môn đệ những bài học lớn.

Vào chiều hôm đó, Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ đi thuyền qua bên kia bờ hồ. Khi ra khơi thì cơn bão nổi lên, sóng gió ùa vào làm thuyền đầy nước. Trong khi đó Chúa Giêsu an nhiên tự tại dựa gối đàng lái mà ngủ. Qua giấc ngủ, Chúa Giêsu cũng là con người thật.

 Sợ bị chìm, các tông đồ đánh thức Thầy mình. Chổi dậy Chúa Giêsu truyền cho sóng gió yên lặng, rồi nói với các ông: sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?.  Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau Ngài là ai mà gió lẫn biển đề vâng lệnh.   

Ngài là chủ tể tạo nên biển cả gió khơi, nói gọn là vạn vật. Quyền năng trên thiên nhiên của Thầy giúp củng cố đức tin cho trò trong gian nan thử thách sau nầy. 

 Một ý khác nữa là sóng gió tượng trưng cho tội lỗi, đã phá vỡ trật tự tốt đẹp ban đầu của vũ trụ. Và Chúa Giêsu có quyền đều phục vạn vật đồng thời cũng giúp bình định tội lỗi, thêm chữa lành tâm hồn khỏi khổ đau do tội gây ra.

Ý thứ ba là  những cơn hoạn nạn kinh hãi làm cho sắp mất mạng,  là dịp tốt giúp đưa con người tới với Chúa. Trong những con khủng hoảng bất an, con người mới dễ tìm về nương tựa bên Chúa như con thơ ẩn náo vào lòng cha mẹ. 

Con biết rằng trong cuộc đời nầy phúc họa, lành dữ xảy ra, cũng không ngoài ý Chúa. Như sợi tóc trên đầu rơi xuống cũng  được Chúa cho phép mới xảy ra ( Lc 21: 18). Con người phải biết phó thác vào sự sắp xếp hay quan phòng của Chúa.

Tóm lại, trong quyển Một Lối Sống Đẹp của Giáo Sư Lâm Ngữ Đường (1895-1976) có kể  câu chuyện rằng: có một người từ Hồ Nam muốn lên Hồ Bắc và ngươc lại Người Hồ Bắc muốn xuống Hồ Nam. Cả hai đều cầu Trời, xin cho gặp gió xuôi để thả buồm về hai bến ngược nhau, thì Thượng Đế phải nghe ai?  Nên mỗi khi gặp, dù phúc dù họa do Trời ban cho trong cuộc đời nầy, bổn phận của con người là phải thờ Trời. 

Thêm nữa, trong  Thánh Kinh Ông Gióp từ ngàn xưa, đã biết phó thác vào tay của Chúa, hết  mọi lành dữ xảy ra  trong cuộc đời:  “Chúng ta đón nhận điều lành từ Thiên Chúa, còn điều dữ, lại không biết đón nhận sao?” (Gb 2, 10).

Xin dâng lời cầu.

Cuộc sống của chúng con, như thuyền nan giữa biển, Nhưng có Chúa trên thuyền thì mọi sự đều bình an.  Xin giúp  chúng con luôn biết  trông cậy phó thác tất cả trong tay Chúa.  

 Xin giúp chúng con luôn sống trong vòng tay yêu thương của Chúa. Ngài như người Cha yêu thương, đã tạo ra mọi loài mọi vật cho chúng con hưởng dùng. 

Chúng con luôn căng thẳng và sợ hãi nhiều thứ vì thiếu Chúa trong đời sống hằng ngày. Xin thêm đức tin cậy  mến để chúng con tôn thờ Ngài là Chúa Tể Càn Khôn.

 Xin cho mọi người trên mặt đất mau nhận biết Ngài là chủ tể của mọi nguồn lực thiên nhiên.

Xin cho loài người  càng phát minh  khoa học kỹ thuật, càng biết khiêm tốn nhận ra quyền năng cao siêu của Chúa đã dựng nên trời đất muôn vật. 

Xin cho những người đang chiến đấu với bệnh tật hiểm nghèo và những ai đang hấp hối,  thật sự tìm được bình an tâm hồn, bằng cách phó thác sống chết vào trong tay Chúa.

Xin cho mỗi người trong Họ Đạo chúng con luôn tin cậy mến Chúa là chủ tể muôn loài muôn vật

 Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng con, để trong mọi hoàn cảnh chúng con biết hoàn toàn cậy dựa vào Chúa và phó thác trong tay Chúa.  Amen.