Rảnh Sinh Tật, Tất Bật Tạo Niềm Vui

print

Rảnh Sinh Tật, Tất Bật Tạo Niềm Vui

Chúng ta đang sống trong một thế giới của quá nhiều điều cần phải làm, nhiều trách nhiệm cần phải chu toàn, và nhiều nhiệm vụ cần phải hoàn thành, tắt một lời là một thế giới bận rộn, quay cuồng, và luôn trong tình trạng vận động không ngừng nghỉ cả bên trong lẫn bên ngoài chúng ta. Trong một thế giới ồn ào tất bật và túi bụi công việc như thế, chúng ta luôn thèm được rảnh, thèm được những giây phút nằm dài trên một chiếc ghế êm dưới làn gió mát và tiếng rì rào của sóng biển ở một khu nghỉ dưỡng cao cấp nào đó, thèm được nằm cách sảng khoái trên một chiếc ghế trường kỷ để thư giãn, thèm được ngồi một mình trong một góc café nào đó…Tất cả những nhu cầu được rảnh rang là hợp lẽ, nhưng nó chỉ thật sự hợp lẽ khi bạn biết cách sử dụng nó cách khoa học và đúng đắn về mặt tinh thần, bằng không thì đó lại là một cái bẫy mà chúng ta tự giăng ra cho mình, tự rơi vào, và rồi không lối thoát, mà cổ nhân đã đúc kết rất đúng: “Nhàn cư, vi bất thiện”.

 

Nếu bạn khiêm tốn, thì bạn sẽ nhìn nhận thực tại này nơi bản thân mình khi bạn rảnh: đó là bạn bắt đầu nghĩ rất nhiều về bản thân mình, về những cảm xúc, những ký ức, những kỷ niệm, những mối quan hệ, những tham vọng, kế hoạch, và những thứ làm cho thỏa mãn bản thân bạn…như các nhà khoa học thần kinh và não bộ đã phát hiện ra trong quá trình nghiên cứu của họ. Trong các nghiên cứu của mình, các nhà khoa học mời gọi những người tham gia nghiên cứu hãy cho các nhà khoa học biết chuyện gì diễn ra trong tư tưởng của họ khi họ rảnh, “không làm gì”, và như Daniel Goleman đã viết, “thật không có gì kinh ngạc, chẳng có gì xảy ra cả! Những người tham gia nghiên cứu cho biết là tư tưởng của họ đi lang thang; thường nhất là những tư tưởng đi lang thang này được dành để tập trung vào bản ngã của họ.” Những lúc như thế này, Daniel Golemand viết tiếp, “thì một hệ thống trong não bộ mà các nhà khoa học gọi là ‘chế độ mặc định’ sẽ làm cho bạn trở thành trung tâm của vũ trụ”. Khi bạn trở thành trung tâm của vũ trụ, thì một tâm lý mặc định tất yếu xuất hiện, đó là muốn được cung phụng, được phục vụ, và được thỏa mãn.

 

Theo các nhà khoa học về não và thần kinh, thì khi bạn tập trung làm một việc gì đó bất luận là giải một bài toán hay ngồi cầu nguyện  hay thiền định, thì “hệ thống mặc định” này sẽ dịu lại, và nó sẽ lại năng động trở lại khi bạn hoàn tất nhiệm vụ cần phải làm. “Và khi chẳng có gì khác thu hút sự chú ý của chúng ta, thì tư tưởng của chúng ta sẽ đi hoang, rất thường là đi đến những điều đang làm cho chúng ta rắc rối – căn nguyên gốc của mọi sự lo lắng mỏi mệt hằng ngày của chúng ta”. Đó là lý do vì sao mà họ gọi “một tư tưởng lang thang là một tư tưởng bất hạnh”.

 

Nhìn vào thế giới đang có vẻ như rất bận rộn và túi bụi hôm nay, nhìn vào con số người bị trầm cảm gia tăng, số người tự sát, số người phá thai, số người nghiện ngập, số gia đình đổ vỡ, số vụ ly hôn, những cuộc tình một đêm, những mối quan hệ chóng vánh mang tính xác thịt, những mâu thuẫn và chiến tranh như hiện nay,..và những điều tương tự, chúng ta có thể nói rằng: tất cả những điểu này là hệ quả của một tập thể nhân loại đang quá rảnh, mà trong đó, các tư tưởng đi hoang trên những xa lộ không tên, mà cứ mỗi phút có đến 45 tư tưởng phá hoại, tiêu cực y chang nhau đi vào lưu thông, tác động, chen lấn, và ảnh hưởng lên nhau. Cái “thế giới lỏng” của những tư tưởng đi hoang ấy tạo nên một thế giới những con người đói và khát thật sự về mặt tinh thần, những con người không thể tìm thấy niềm vui thật sự trong cuộc sống, bởi “niềm vui chỉ có được ở nơi những người nghiêm túc làm việc ở mức độ cao nhất về khả năng của họ”, nơi những người “sống tinh thần vì người khác”, chứ không tìm kiếm sự rảnh rang nguy hiểm cho riêng mình.

 

Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã từng viết, “một người phụ nữ chỉ đạt được sự quân bình về tinh thần và tâm lý khi giữa những bộn bề công việc hằng ngày, họ vẫn không tìm kiếm sự thoải mái cho riêng mình, nhưng tìm kiếm sự phục vụ các thành viên khác trong gia đình”. Với nhu cầu đòi quyền bình đẳng “theo kiểu số học” như ngày nay nơi các phụ nữ hiện đại, họ có thể có được “sự bình đẳng số học” này với nam giới, với chồng mình, nghĩa là họ cũng có quyền được bỏ bê trách nhiệm cao cả của một người mẹ để vui hưởng mọi thứ trên đời như chồng mình, đi làm về họ cũng muốn nằm phè ra coi tivi, đọc báo, nghe nhạc, và có chồng phục vụ hoặc giúp việc, thì họ sẽ lập tức thấy mình trong một thế giới lỏng, một thế giới tưởng là tự do và hạnh phúc, nhưng lại là một thế giới của những tư tưởng đi hoang. Ở trong tình trạng lỏng ấy, người phụ nữ bắt đầu nghĩ về mình, về những đớn đau, những bất công, những hoài nghi….và cảm xúc chi phối, và chiến tranh bùng nổ. Nếu kéo dài mà không chịu điều chỉnh, thì gia đình sẽ thành bãi chiến trường, hôn nhân đổ vỡ, hạnh phúc trở nên mong manh, và nhất là vợ chồng và con cái trở thành những “người vô gia cư ngay trong chính gia đình mình”, trở thành những người di dân và tị nạn ngay trong gia đình mình.

 

Điều nguy hại tương tự cũng xảy ra với cánh đàn ông, khi họ thấy mình được quyền rảnh, cần phải vắng nhà thường xuyên vì những phi vụ, thương vụ, công việc, hoặc trở thành một người xa lạ ngay trong gia đình, họ sẽ rơi vào thế giới của những “tư tưởng đi hoang bất hạnh”, họ nghĩ về những thành tựu cần đạt, những dự án lớn, những thú vui bất chính, và đương nhiên, tự cho mình cái quyền được không chung thủy với vợ con, đi tìm niềm vui riêng cho mình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rất cụ thể về tình trạng thế giới lỏng và lạc của người chồng, người cha “không chắc về vị thế mà họ có trong gia đình, hoặc cách nuôi dạy con cái. Và vì thế giữa những hoài nghi của mình, họ trì hoãn; họ đứng sang một bên và phớt lờ những trách nhiệm của mình”. Đây là một tình trạng mà rất đông cánh mày râu bị vướng vào như một vòng xoáy mãnh liệt và không lối thoát, và dĩ nhiên, đời sống gia đình và cá nhân của họ bị ăn mòn và phá hủy từ từ theo những tư tưởng đi hoang của họ.

 

Nghỉ ngơi là điều cần thiết sau một ngày làm việc hay sau một công việc mệt mỏi, nhưng nghỉ ngơi không có nghĩa là tìm thời gian rảnh hay sự rảnh rỗi và nhàn hạ của bản thân. Nghỉ ngơi sẽ giúp bạn khôi phục lại sức lực về thể lý và tinh thần khi bạn kết hợp việc ấy với một việc làm có giá trị thật sự: nghe một album nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, xem một bộ phim có giá trị nhân văn, đọc một cuốn sách hay, sống nền văn hóa gặp gỡ và sẻ chia, hay những công việc thể lý và thiêng liêng của lòng thương xót. Và đó là bí quyết để có một cuộc sống vui tươi, bình an, và hạnh phúc thật sự đã được các nhà khoa học chứng thực qua các công trình nghiên cứu của mình, bận rộn cách có giá trị và nghỉ ngơi cách có giá trị.

Joseph C. Pham

masimpress.com