Rồng Vàng Và Vấn Đề Hội Nhập

print

Rồng Vàng Và Vấn Đề Hội Nhập

1. Mình thơ thẩn đứng ngắm tượng đài Đức Mẹ.

Đức Mẹ trẻ đẹp. Đầu đội mấn kim tuyến. Rất kiêu sa. Áo dài thanh thiên, quét gót. Gió đùa nhẹ làm bay bay tà áo, để lộ bàn chân trắng muốt. Duyên dáng. Chúa hài nhi quần vải trúc bâu trắng, áo dài màu lam chỉ phủ một nửa ống chân. Dễ thương.

Phông đài cao và thanh thoát. Màu sắc dìu dịu từ xanh biếc đến xanh lá mạ. Sau phông đài là hai cây tùng thanh mảnh. Trước tượng Đức Mẹ là một chậu bông giấy. Lá xanh lưa thưa. Hoa vàng, trắng, hồng đua nhau khoe sắc. Đẹp quá!

Bất giác, mình hát tỉ ti: “Lạy mẹ là ngôi sao sáng”. Hát được nửa bài thì tịt. Mắc cỡ với Đức Mẹ. Để chống thẹn, mình lùi năm bước làm bộ nhìn toàn cảnh.

Giật mình đánh thót một cái. Hai con rồng vàng từ hai bên xông tới. Mõm ngoác ra để lộ hai cái nanh nhọn hoắt. Vây sắt buốt xếp thành hàng dài từ đầu tới đuôi. Những bàn chân vạm vỡ đầy móng vuốt đang cào cào vào các bậc cấp. Thân to và dài đang uốn lượn để lấy đà phóng mạnh về phía trước. Vảy tê tê phủ đầy mình. Thấy mà ghê!

Mình rút lui, thầm nghĩ trong bụng: Không biết ngày mai Đức Mẹ duyên dáng và Chúa Hài Nhi dễ thương có còn đứng ở đó nữa hay không.

Vừa ra khỏi cổng nhà thờ, thì gặp một người có vẻ quen quen.

– Chào cha – Cha còn nhớ con không?

– Lúc nãy thì hơi nhớ. Bây giờ thì rất nhớ. Nhớ cả hình ảnh cậu khóc làm mủi lòng người đẹp chưa thèm yêu cậu.

– Mời cha ghé nhà con uống nước. Cha đừng nhắc chuyện ấy với vợ con nhá. Quê thấy mồ!…

– Cha uống trà hay cà phê?

– Cà phê “một Chúa Ba Ngôi”! (3 trong 1).

– Cha hút thuốc không?

– Hút. Uống cà phê mà không hút thuốc thì khác nào người đẹp ở giá.

– Cha vẫn tếu như thuở nào.

Cà phê đắng đắng ngọt ngọt. Thuốc lá cay cay thơm thơm. Hai thứ quyện lấy nhau gợi nhớ tình bạn ngày xưa. Mình vào đề.

Cậu có biết ai thiết kế đài Đức Mẹ đó không?

– Biết

– Ai?

– Thằng này. Cha thấy thế nào?

– Màu sắc, thể khối, đường nét rất hài hòa, trừ… con rồng vàng: thằng phá đám.

– Lưỡng long chầu Thiên Mẫu mà. Uy nghi tuyệt vời!

– Chầu hỗn! Chầu thì phải cúi đầu cung kính. Chầu gì mà há mõm, nhe nanh, uốn cong mình như sắp nuốt sống người ta. Coi chừng nó táp Đức Mẹ hồi nào không hay.

– Hội nhập văn hóa mà cha. Cha nghĩ gì mà kỳ vậy.

– Cứ khách quan mà nhận xét. Đứng trên phương diện nghệ thuật mà nói, thì đường nét cầu kỳ, rậm rạp và phức tạp của con rồng mâu thuẫn với đường nét đơn giản mà thanh thoát của toàn bộ cấu trúc. Nói một cách quê mùa kiểu hai lúa của tớ, thì nội bộ tác phẩm của cậu cãi nhau chí chóe. Chủ đề là Đức Mẹ thì bị con rồng vàng bức tử. Con rồng nổi quá: màu vàng chang chói; đường nét chằng chịt, thể khối dài rộng quá mức. Lấn chiếm không gian. Khống chế mọi thể tích.

Ấy là chuyện nghệ thuật. Còn vấn đề hội nhập văn hóa, thì tớ sẽ bàn sau…

– Con chưa thua.

2. Hình ảnh lưỡng long chầu Thiên Mẫu khiến mình liên tưởng đến những con rồng rải rác khắp nơi trên đất nước, từ cung điện nhà vua cho tới đình chùa, miếu mạo và biệt thự. Con rồng nào cũng hung dữ. Con rồng nào cũng nanh vuốt, vây, vảy. Con rồng nào cũng ở trong tư thế phóng mạnh về phía trước. Con rồng nào cũng muốn ăn sống nuốt tươi kẻ thù đang ở trước mặt. Mình tự hỏi “tại sao thế”?

Nếu cặp rồng từ trong tiền sảnh phóng ra, thì mình đoán là nó tấn công ngoại thù, để bảo vệ chủ nhà cùng với tài sản kếch sù của ông ấy. Ông chủ cô đơn.

Nếu trong chính cung có một ông vua đang ngự triều, thì cặp rồng hung dữ ấy do ông vua nuôi và tung ra để bảo vệ ngai vàng của mình cho đến muôn muôn thế hệ. Không hữu tình, nhưng hữu lý đối với chế độ phong kiến. Ngày nay cặp rồng ấy là kẻ thù của chế độ dân chủ.

Ngày hội làng, dân chúng trùng trùng điệp điệp tiến vào sân đình. Hát xoan. Hát quan họ. Chập cheng, cắc tùng, vui hơn ngày tết. Ấy thế mà cặp rồng ở cổng đình lại nỡ tâm nhe nanh, há mõm.

Để chào dân ư? Vô duyên! Để đuổi dân ư? Lếu láo! Tiếp viên nhà hàng và khách sạn hôm nay mà cứ vô duyên và lếu láo như thế thì… eo ơi! Từ phá sản đến tan hoang.

Bà mệnh phụ mặc áo dài nhung. Vạt trước vạt sau đều thêu rồng bay bằng sợi chỉ kim tuyến. Mõm mở toang hoác, nhưng lại có một viên ngọc nằm hờ hững trên lá lưỡi hiếu động. Cũng vây, cũng vuốt, cũng vảy, nhưng không ghê tởm vì toàn là kim loại lóng lánh. Rồng cũng uốn khúc, nhưng để bay chứ không để tấn công. Nói chung là đẹp, là sang quý, nhưng không thân thương. Dễ nể, chứ không dễ gần.

Có một ngôi nhà thờ cổ kính kiến trúc theo kiểu gôtích. Vòm nhà thờ, tòa đặt tượng các thánh, khung cửa ra vào, khung cửa sổ, khung kính màu… tất cả đều giống như hai bàn tay khép hờ, bàn tay của người đạo đức đang tâm sự với Đấng vừa tối cao, vừa thân thương. Màu sơn tường là màu mỡ gà. Khung vòm được sơn bằng màu hột nhãn non. Không hoành tráng, không kiêu sa. Rất dễ cầu nguyện.

Bỗng có một cặp rồng vàng sang quý xuất hiện ở hai bên nhà tạm…

Có một người hỏi mình: “Cha thấy được không?” Mình không trả lời, đánh trống lảng sang chuyện khác. Vấn đề hội nhập văn hóa là một vấn đề vừa quá lớn vừa quá bức xúc. Nhưng… khó ơi là khó. Sắc lệnh “Đến với muôn dân” của Công đồng Vatican II, Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Độ” và Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” của Đức Gioan Phaolô II đều tha thiết kêu gọi người truyền giáo phải hội nhập văn hóa. Là người truyền giáo, mình hết sức băn khoăn về vấn đề này. Người ta đang đua nhau hội nhập mà mình thì cứ ngơ ngơ. Chê người ta, thì không dám, vì mình không đủ kiến thức để chê. Văn hóa tạo hằng mấy ngàn năm, mà mình chỉ thấy được vài trăm năm. Văn hóa thì hành trình cùng với lịch sử, mà lịch sử thì thăng trầm, và đường đi của nó thì ngoằn ngoèo như đường đèo lên Sapa.

Mình chỉ biết chắc một điều là:- Trầu cau là văn hóa của dân tộc, vì“miếng trầu là đầu câu chuyện”. Nhưng liệu trầu cau còn sống được 20 năm nữa không?

– Răng đen là văn hóa của dân tộc, vì “Bốn thương răng ánh hạt huyền kém thua”. Nhưng liệu răng đen còn tồn tại thêm được 10 năm nữa không? Răng đen đang sống gượng gạo đầy mặc cảm tự ti.

– Cái váy cũng là văn hóa của dân tộc, vì “Cái thúng mà thủng hai đầu. Bên ta thì có bên Tàu thì không”. Thế nhưng vào cuối thế kỷ XVIII, vua Gia Long đã bức tử nó tại miền Nam. Miền Bắc cố thủ cái váy, viện lý do “phép vua thua lệ làng”. Nhưng cuối cùng cái váy của miền Bắc cũng đã ra đi không một lời giã từ. Dường như nó biến mất sau Cách Mạng Tháng 8.

– Mẹ nhai cơm rồi bón cho con là văn hóa của dân tộc, vì “chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm”. Bây giờ còn ai dám làm điều ấy để nhắc nhở công ơn cha mẹ nữa không? Thách đấy.

– Áo tứ thân, yếm thắm… đều là văn hóa của dân tộc. Nhưng áo sơ mi, quần jean đã chiếm chỗ hết rồi. Nhưng dân tộc vẫn có văn hóa, văn hóa của hôm nay.

Riêng vấn đề Rồng Vàng thì mình vẫn biết nó là văn hóa của dân tộc. Có người bảo rằng đó là văn hóa của Trung Hoa. Nhưng có người cãi rằng rồng Tàu và rồng Ta khác nhau.

Đồng ý là vậy. Nhưng mình chỉ đồng ý ở trên đầu. Còn con tim của mình thì nó cứ ngúng nguẩy không chịu. Thấy con rồng ở bất cứ nơi nào, nó cũng cứ tưởng là mình sắp bị nuốt chửng. Ghê quá! Hỗn quá! Láo quá!

Biết sao bây giờ. Con tim có lý lẽ của nó. Xin lỗi mọi người.

Lm. Piô Ngô Phúc Hậu

cgvdt.vn