Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm A
CHÚA GIÊSU LÃNH NHẬN SỨ MẠNG
Đức Giêsu chịu phép rửa (Mt 3,13-17)
Sợi chỉ đỏ :
Sứ mạng của Chúa Giêsu là làm Đấng Messia, một Đấng Messia vừa cao sang trong thân phận Con Thiên Chúa, vừa khiêm tốn như một Người Tôi tớ.
– Bài đọc I : Hình ảnh Người Tôi Tớ được mặc khải cho ngôn sứ Isaia.
– Đáp ca : “Tiếng Chúa vang rền trên sóng nước”. Hai hình ảnh “nước” và “tiếng” sẽ được dùng lại trong bài tường thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa.
– Tin Mừng : Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời giới thiệu Ngài là Con yêu dấu của Chúa Cha.
– Bài đọc II : Thánh Phêrô hiểu biến cố Đức Giêsu chịu phép rửa là lễ tấn phong Ngài làm Đấng Messia.
I. DẪN VÀO THÁNH LỄ
Biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa là gạch nối giữa giai đoạn Chúa Giêsu sống ẩn dật với giai đoạn Ngài rao giảng công khai : sau thời gian sống với gia đình tại Nadarét, Chúa Giêsu bắt đầu đi rao giảng. Việc đầu tiên Ngài làm là lãnh nhận phép rửa của Gioan Tẩy giả ở sông Giođan. Như thế, lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là gạch nối giữa mùa Giáng sinh với mùa Thường niên : Chúng ta đã cùng sống với Chúa Giêsu qua các biến cố giáng sinh và hiển linh. Kể từ hôm nay chúng ta sẽ cùng sống với Ngài qua các biến cố của đời rao giảng.
Trong dịp Chúa Giêsu chịu phép rửa, Chúa Thánh Thần đã lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Ngài, và tiếng Chúa Cha từ trời phán xuống xác nhận Ngài là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Đó cũng chính là thân phận kitô hữu của mỗi người chúng ta : chúng ta cũng đã lãnh nhận phép rửa, cũng được Chúa Thánh Thần ngự xuống. Vậy chúng ta cũng hãy noi gương Chúa Giêsu mà cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
– Do bí tích Rửa tội, chúng ta đã được nhận là con của Chúa. Nhưng chúng ta chưa sống xứng đáng với danh nghĩa ấy.
– Dù là Con Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã sống như một Người Tôi Tớ hạ mình phục vụ mọi người. Còn chúng ta, chúng ta không thích hạ mình, không ưa phục vụ.
– Chúa Giêsu luôn sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngược lại chúng ta hay sống theo ý riêng.
Ngôn sứ Isaia được Thiên Chúa soi sáng đặc biệt nên đã hiểu Đấng Messia tương lai là một Người Tôi Tớ. Ông đã mô tả Người Tôi Tớ trong 4 bài thơ. Đoạn được phụng vụ trích đọc hôm nay nằm trong bài thơ thứ I :
– Đó là người được Thiên Chúa tuyển chọn và Thiên Chúa rất hài lòng.
– Người đó rất hiền lành và dịu dàng : “không lớn tiếng, không nở bẻ gãy cây lau bị dập, không dập tắt tim đèn còn khói”.
– Sứ mạng của Người Tôi Tớ là : a/ Tái lập công bình ; b/ nên ánh sáng cho muôn dân ; c/ giải thoát những người khốn khổ.
Bài thơ này ca tụng Thiên Chúa uy phong. Sự uy phong của Thiên Chúa thể hiện qua việc Ngài thống trị các sức mạnh của thiên nhiên : Ngài ngự trên những ngọn thuỷ triều, tiếng Ngài vang rền trên sóng nước.
Chính Thiên Chúa uy phong ấy sẽ tấn phong Chúa Giêsu làm Đấng Messia của Ngài trong biến cố phép rửa.
Mặc dù kể chuyện Chúa Giêsu chịu phép rửa, nhưng Thánh Marcô không chú ý mô tả cảnh chịu phép rửa, mà lại chú trọng đến những người làm chứng cho Chúa Giêsu :
a/ Chứng của Gioan Tẩy giả : Chúa Giêsu mặc dù đến sau Gioan nhưng trổi vượt hơn Gioan, Gioan không xứng đáng làm đầy tớ cuối xuống cởi dây giày cho Ngài ; mặc dù Chúa Giêsu nhận phép rửa Gioan, nhưng phép rửa trong Thánh Thần của Ngài cao trọng hơn phép rửa bằng nước của Gioan.
b/ Chứng từ trời : a/ Chúa Thánh Thần lấy hình chim bồ câu ngự xuống trên Chúa Giêsu để cho thấy Ngài là Vị Ngôn Sứ đầy tràn Thánh Thần ; b/ Tiếng Thiên Chúa từ trời phán xuống xác nhận Chúa Giêsu là Con yêu dấu của Chúa Cha.
c/ Với việc Chúa Giêsu bắt đầu xuất hiện trước công chúng, “trời mở ra” để bắt đầu một kỷ nguyên mới.
Dân do thái có quan niệm hẹp hòi cho rằng Thiên Chúa là Chúa riêng của họ, và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa được dành riêng cho họ. Vì thế, khi thánh Phêrô rửa tội cho ông Cornêliô một người thuộc dân ngoại, một số người do thái đã thắc mắc.
Thánh Phêrô biện minh rằng ông đã làm như thế cũng chỉ là theo đúng sứ mạng của Chúa Giêsu :
– Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giođan, Ngài đã được Thiên Chúa tấn phong làm Đấng Messia : “Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong cho Ngài”.
– Sứ mạng Messia của Chúa Giêsu là mang Tin Mừng cho tất cả mọi người và mọi dân tộc, vì thế nên “Ngài đi qua mọi nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người”. Phêrô còn nói : “Thiên Chúa không tây vị ai. Nhưng ở bất cứ xứ nào ai kính sợ Người và thi hành sự công chính đều được Người đón nhận”.
IV. GỢI Ý GIẢNG
Hai tiếng “sứ mạng” nghe có vẻ nghiêm trọng quá. Nhưng thực ra mọi người, mọi sinh vật, mọi thụ tạo – nói chung là mọi “hiện hữu” – đều có một sứ mạng :
– Sứ mạng của mặt trời là sưởi ấm các sinh vật trên mặt đất
– Sứ mạng của cây lúa là nuôi sống con người
– Thậm chí những con vi sinh nhỏ bé đến nỗi mắt thường không thấy được cũng có sứ mạng làm phân huỷ những chất thải.
Chúa Giêsu đã sinh ra trong trần gian với sứ mạng làm Đấng Messia mang ơn cứu độ đến cho mọi người. Ngài đã chu toàn sứ mạng ấy một cách tuyệt hảo.
Mỗi người chúng ta cũng có sứ mạng. Vậy mỗi người hãy tự hỏi “Sứ mạng của tôi là gì đối với gia đình, đối với xã hội, đối với Giáo Hội, đối với anh chị em không cùng tín ngưỡng ?”
Tôi được sinh ra trên đời là vì sứ mạng. Nếu tôi không chu toàn sứ mạng, hay tệ hơn nữa, nếu tôi không lưu tâm gì đến sứ mạng, thì sự hiện hữu của tôi là vô ích, chỉ là ăn hại. Chúa Giêsu đã nói “Nếu muối mà nhạt thì chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp dưới chân”.
Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa. Qua phép rửa, chúng ta cũng trở thành con Thiên Chúa. Về phần Chúa Giêsu, Ngài đã được khen là “Con yêu dấu của Cha”. Thế nào là một người “con yêu dấu” ?
– là biết ý của cha mình : Chúa Giêsu luôn cầu nguyện để biết ý của Chúa Cha.
– và luôn làm theo ý cha mình : Chúa Giêsu nói “Lương thực của Ta là làm theo ý của Cha Ta”. Trong vườn Cây Dầu, sau khi đơn thành tỏ cho Chúa Cha biết Ngài rất sợ chén đắng của cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu nói tiếp ngay “Nhưng xin đừng theo ý con, mà hãy theo ý Cha”.
Nếu chúng ta muốn trở thành con yêu dấu của Thiên Chúa thi chúng ta cũng hãy bắt chước Chúa Giêsu : luôn cầu nguyện, khi đã thấy được ý Chúa thì sẵn sàng bỏ ý riêng để làm theo ý Chúa.
Nếu tôi là dân do thái lúc đó, có thể tôi cũng đi từ Galilê bên Đức Giêsu suốt bốn năm ngày đường, tới sông Giođan để chịu phép rửa, mà không ngờ rằng Người là Đấng mà Gioan đang rao giảng. Khi tới nơi, chắc chắn tôi sẽ chen lấn Người để tôi được tới gần Gioan hơn. Tôi trố mắt nhìn và lắng tai. Gioan kêu gọi tôi sám hối. Tôi cảm động và rán lội tới sát Gioan. Tôi đẩy Người ra để xin Gioan rửa tôi trước, vì tôi nóng lòng mong đợi điều Gioan đang nói “Hãy dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến”. Rửa xong, tôi an tâm ra về mà không ngờ Người là Đấng Cứu Thế đồng hành với tôi, đứng sát bên tôi, đã bị tôi gạt Người ra ngoài.
Thực tế hàng ngày đã xảy ra trăm ngàn lần tôi cư xử như thế đối với những người bên cạnh tôi. Tôi không ngờ rằng họ là chi thể Đấng Cứu Thế. Tôi bao nhiêu lần xô lấn những người bên cạnh tôi để tôi được hơn, được trước họ mà chẳng nhớ gì lời Chúa dạy : “Con phải kính nhường và yêu mến người bên cạnh con”. Thành thử ra tôi cũng không nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với tôi.
Nếu tôi được làm địa vị của Gioan tiền hô, thì khi vừa thấy Đấng Cứu Thế, tôi sẽ tự đắc hô to : Đấy, tôi nói có sai đâu. Ngài đến đây nè… Rồi tôi kêu gọi mọi người ủng hộ Ngài, hoan hô Ngài, đón rước Ngài, xin Ngài phất cờ giải phóng dân tộc, làm cho nước ta độc lập tự do giàu mạnh, đem quân xâm chiếm các nước, trở thành bá chủ hoàn cầu. Tôi rất phàn nàn và lấy làm tiếc vì không thể ngờ được rằng Gioan không làm như tôi mong muốn. Trái lại ông đã cúi mình xuống nhỏ nhẹ thưa với Ngài rằng “Tôi không đáng cởi quai dép cho Ngài. Tôi chỉ rửa anh em trong nước, còn chính Ngài mới rửa chúng tôi trong Thánh Thần. Vậy xin Ngài rửa cho tôi đi để tôi được ơn cứu độ”. Thật là con người đầy khiêm tốn, đầy tin tưởng, để rồi Gioan đã phó thác trót mạng sống mình cho Đấng Cứu Thế : dù phải chặt đầu, ông vẫn luôn quyết tâm chu toàn nghĩa vụ Thiên Chúa trao.
Còn Đức Giêsu, Người rất từ tốn và ẩn mình tuyệt diệu hơn nữa. Người đã thưa lại Gioan : “Chúng ta cần phải chu toàn nghĩa vụ thánh như thế”. Người đồng hóa mình với dân chúng, chịu những kẻ cậy sức mạnh xô đẩy, chèn ép để thông cảm với mọi nỗi xót xa của cuộc đời những kẻ thấp mũi bé miệng, neo đơn, cô thế cô thân. Người đã cúi mình trước Gioan làm phép rửa cho Người để cho những tội nhân biết cúi mình xuống trước tòa giải tội. Người đã dìm mình xuống nước để cứu vớt những kẻ chết trong dòng đời, cho họ được sống lại làm con chí ái với Người trong gia đình thiên quốc. Người chôn mình trong bản tính hư nát của loài người để cho con người được trường sinh vinh phúc.
Lạy Chúa Giêsu xin cho chúng con biết kính nhường nhau. Đó chẳng phải là kính mến Chúa sao ? Xin cho chúng con biết phó thác thân phận làm người, làm kitô hữu cho Đấng Cứu Thế. Chắc chắn chúng con sẽ được Người thanh tẩy và kết nạp chúng con vào nhà Cha chí ái trên trời.
(Linh mục Vũ Khắc Nghiêm, “Xây nhà trên đá” Năm A)
Thanh tẩy không chỉ là xối nước lên trán, chỉ một lần trong đời.
Chúng ta được thanh tẩy bởi mọi chuyện xảy ra trong đời.
Chúng ta được thanh tẩy bởi những gian truân thử thách, vì dòng nước xoáy này rửa sạch chúng ta khỏi giả dối và vô dụng.
Chúng ta được thanh tẩy bởi những đau khổ, vì dòng nước âm u này giúp chúng ta khiêm tốn và biết cảm thông.
Chúng ta được thanh tẩy bởi niềm vui, vì dòng nước róc rách này cho ta cảm nghiệm sự tốt lành của cuộc sống.
Chúng ta được thanh tẩy bởi tình yêu, vì nhờ dòng nước líu lo này chúng ta sẽ tươi nở như cánh hoa dưới ánh mặt trời.
Bí tích Thanh Tẩy giống như trồng một cây non, nó sẽ tiếp tục lớn lên suốt trọn đời ta. (Flor McCarthy)
Bà già 104 tuổi sống trong một căn hộ nhỏ tại Croydon. Khi bà được 100 tuổi, một nhà truyền giáo đến thăm và giải thích cho bà nghe đoạn Tin Mừng Gioan 3,16 : “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nổi đã ban Con Một Ngài để ai tin người Con đó, thì khỏi chết và được sống đời đời”. Bà đáp : “Thật là tuyệt vời. Thiên Chúa thật tốt lành khi Ngài tha thứ cho tôi đã bỏ cả trăm năm không học biết Ngài.” Cuộc trở lại của bà được tạp chí London City Mission thuật lại và kết thúc bằng câu : “Sinh 1825. Sinh lại 1925.”
CT : Anh chị em thân mến
Đức Giêsu được Chúa Cha trao ban Thánh Thần và được chính thức tấn phong làm Đấng Cứu Thế để cứu chuộc nhân loại. Chúng ta cùng cảm tạ Chúa Cha và tha thiết nguyện xin.
1- Hội Thánh có trách nhiệm thông truyền sự sống của Chúa / cho những người lãnh nhận bí tích thánh tẩy / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho Hội Thánh luôn làm tròn bổn phận của mình.
2- Chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho những anh chị em dự tòng / trước khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy / là một việc hết sức cần thiết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục tử biết luôn cố gắng thực hiện việc quan trọng này / đúng như Hội Thánh mong muốn.
3- Ở mọi nơi và mọi lúc đều có rất nhiều người xả thân rao giảng Tin Mừng / giới thiệu Chúa cho những anh chị em chưa nhận biết Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho những anh chị em ấy / luôn được bình an trong cuộc sống chứng nhân thường ngày.
4- Dù đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy / và đã sống đạo lâu năm / người tín hữu vẫn có bổn phận phải học hỏi / đào sâu thêm giáo lý của Chúa / để củng cố niềm tin còn non yếu của mình / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết luôn quan tâm đến việc học hỏi Lời Chúa và giáo lý của Người.
CT : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con trở nên con cái của Chúa qua bí tích Thánh Tẩy. Xin Chúa cho chúng con luôn cố gắng sống trọn vẹn ơn gọi Kitô hữu của mình. Chúng con cầu xin…
– Trước kinh Lạy Cha : Qua bí tích Rửa tội, chúng ta được làm con Thiên Chúa như Chúa Giêsu. Vậy, cùng với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng lên Chúa Cha lời kinh Lạy Cha.
– Sau kinh Lạy Cha : “… xin đoái thương cho những ngày chúng con đang sống được bình an. Xin canh tân sức mạnh Bí Tích Rửa tội trong chúng con. Nhờ Cha rộng lòng thương cứu giúp…”
Thánh lễ đã hết, anh chị em lại trở về cuộc sống bình thường. Anh chị em hãy cố gắng sống xứng đáng là con của Thiên Chúa.