Sống có ích cho đời
Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: hai cây cam nọ được trồng và lớn lên cạnh nhau. Năm đó, chúng bắt đầu ra những quả to và ngon. Cây thứ nhất ra được hai mươi quả. Cây thứ hai chỉ ra được mười lăm quả. Người chủ vườn ra thăm hai cây cam, thấy chúng ra quả đẹp thì rất vui thích. Cây thứ nhất, ông hái đi mười lăm quả, còn chừa lại năm quả. Cây thứ hai, ông hái đi mười quả, để lại năm quả. Cây cam thứ nhất tức tối lắm, vì nó phải vất vả biết bao mới chắt chiu được ngần ấy quả mà lại bị ông chủ tàn nhẫn hái đi. Thế là nó bèn nương theo gió, tự mình làm gãy đi những nhánh cây của mình để không còn chỗ đơm hoa và kết thành những quả cam khác cho con người đến hái đi nữa. Nhưng nó không ngờ rằng, khi trơ trụi, không còn cành lá và hoa trái nữa, nó đã trở thành một cây cam vô dụng.
Còn cây cam thứ hai lại cảm thấy vui mừng vì ông chủ đến hái những quả cam của nó. Nó cố gắng hít thở khí trời, tranh thủ đón mưa và những tia nắng mặt trời để cành lá sum suê hơn và kết nhiều trái hơn. Năm tiếp theo đó, nó ra được ba mươi quả cam, rồi năm sau nữa nó lại cho ra năm mươi quả cam. Nó trở thành cây cam đẹp nhất và hữu ích nhất trong vườn nên được những cây ăn trái khác ngưỡng mộ và được ông chủ quý mến. Để cây cam này ngày một phát triển, ông chủ đã chặt bỏ cây cam trơ trui, vô tích sự bên cạnh.
Thế là nhờ biết lớn lên một cách quảng đại, không so đo tính toán thiệt hơn mà cây cam thứ hai đã khẳng định được giá trị của mình và được tồn tại. Còn cây cam thứ nhất đã bị diệt vong bởi sự toan tính ích kỷ của nó.
Quý vị và các bạn thân mến,
Câu chuyện ngụ ngôn mà chúng ta vừa nghe chứa đựng một thông điệp hết sức ý nghĩa đó chính là: sự tồn tại hay không tồn tại của bản thân chúng ta hoặc sự vật nào đó là kết quả có được từ những hành động của chúng ta và những sự vật đó. Có những quyết định và hành động duy trì sự tồn tại, nhưng cũng có những hành động phá huỷ sự tồn tại. Cây cam thứ nhất đã tự huỷ bản thân để không ai có thể tước đoạt những hoa trái mà nó vất vả lắm mới tạo ra được. Thói ích kỷ và toan tính đó dẫn cây cam này đến chỗ không còn có giá trị gì nữa cho ông chủ nên nó đã bị loại bỏ. Trái lại, cây cam thứ hai lại sẵn sàng cống hiến những hoa trái của nó và không ngừng tìm những điều kiện tốt để bản thân ngày càng phát triển và có thêm nhiều hoa trái cống hiến cho ông chủ và những ai cần nó. Câu chuyện này nhắc chúng ta nhớ đến dụ ngôn về lời người thợ làm vườn cảnh báo cây vả không sinh trái trong Tin mừng của thánh Luca: những cây không mang lại hoa trái cho đời thì sự tồn tại của chúng chỉ làm hại đất, hoang phí công sức và thời gian chờ đợi của chủ.
Nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta tự hỏi mình là cây cam thứ nhất hay cây cam thứ hai? Những toan tính, hơn thua và tổn thương trong đời có làm cho cõi lòng chúng ta khép lại và trở nên ích kỷ chỉ biết sống an phận, lo cho bản thân hay dám vượt ra khỏi những toan tính tầm thường đó để tìm cho mình một lối đi riêng để tồn tại và cống hiến nhiều hơn cho cuộc đời? Hôm nay, chúng ta mừng kính thánh Gioan Bosco – Đấng sáng lập Dòng Salêdiêng Don Bosco, Tu hội Con Đức Mẹ Phù Hộ hay còn gọi là Dòng nữ Salêdiêng Don Bosco và Hội Cộng tác viên Salêdiêng. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cha mất khi Gioan Bosco mới lên hai tuổi. Do vậy, Bosco đã không có được những ngày thơ ấu êm đềm như bạn đồng trang lứa. Ngài đã không đầu hàng số phận mà ngay từ lúc còn nhỏ, để có tiền đi học, ngài đã sẵn sàng làm nhiều việc từ chăn bò, làm công việc đồng áng, cho đến công việc bồi bàn cà phê, may quần áo, may giày… Với ý chí cầu tiến, ngài đi học đến hết trung học rồi vào Đại chủng viện, trở thành một linh mục lỗi lạc trong lãnh vực giáo dục các trẻ em mồ côi nghèo khổ, và dạy nghề cho các thanh thiếu niên. Noi gương thánh Gioan Bosco, chúng ta đừng sống an phận như một cây cam trơ trụi hay một cây vả cằn cỗi vì ngại đầu tư, sinh lời từ những nén bạc khả năng, thời gian, sức lực mà Chúa đã trao phó, nhưng dám liều lĩnh dấn thân vượt qua những trở ngại của bản thân và hoàn cảnh mà cống hiến cho đời những hoa trái tình yêu, hy sinh và phục vụ.
Lạy Chúa, như những hạt giống phải chết đi và mục nát trong lòng đất thì mới làm nảy sinh những cây mới cho đời, xin Chúa cho chúng con cũng biết chôn vùi đi sự ích kỷ và thói quen ưa thích hưởng thụ, thu góp lợi ích cho riêng mình. Có như vậy, chúng con mới làm cho cuộc sống của mình trở nên hữu ích cho cuộc đời. Amen.
Nt. Rosa Lê Ngọc Thuỳ Trang, MTGCQ