SỐNG VÀ CHẾT
Ở Palestine có hai biển hồ. Biển hồ thứ nhất gọi là biển Chết. Đúng như tên gọi, không có sự sống nào bên trong cũng như xung quanh biển hồ này. Nước trong hồ không có một loài cá nào có thể sống nổi mà người uống nước hồ này cũng dễ bị nhiễm bệnh. Người dân trong vùng không muốn sống gần đó.
Biển hồ thứ hai là Galilê. Đây là biển hồ thu hút nhiều khách du lịch nhất. Nước của biển hồ này lúc nào cũng trong xanh, mát rượi, con người có thể uống, cá cũng sống được. Nhà cửa được xây dựng xung quanh hồ rất nhiều. Cây cối nơi đây tươi tốt nhờ nguồn nước này.
Cả hai biển hồ này đều được đón nhận nguồn nước từ sông Giođan. Nước sông Giođan chảy vào biển Chết, biển Chết giữ lại cho riêng mình mà không chia sẻ nên nước trong biển Chết trở nên mặn chát. Biển hồ Galile cũng đón nhận nguồn nước từ sông Giođan, rồi từ đó tràn qua các hồ nhỏ và sông lạch, nhờ vậy nước biển hồ này luôn sạch và mang lại sự sống cho cây cối, muông thú và con người.
Bạn thân mến! hình ảnh biển Chết và biển hồ Galile tượng trưng cho sự chọn lựa cách sống của mỗi người chúng ta trong cuộc đời này. Cùng nhau đón nhận sự quan phòng, tình yêu thương và nguồn ân sủng dạt dào đến từ Thiên Chúa, nhưng những ơn lành đã đón nhận sinh ích lợi hay không là tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi người chúng ta.
Lối sống chỉ biết giữ cho riêng mình, ích kỷ theo tiêu chuẩn chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, luôn chạy theo vòng xoáy của lợi ích cá nhân và hận thù, so đo hơn thiệt theo thước đo giá trị của người đời sẽ biến chúng ta thành những con người bất hạnh, trở nên “mặn chát” như nước trong lòng biển chết kia, chẳng còn giá trị với đời sống con người, thiên nhiên và vạn vật. Chính điều này sẽ bào mòn xã hội, bào mòn giá trị sống và nhân cách con người, từ đó đẩy đưa con người tới chỗ vụ lợi, thu lợi nhuận trên mồ hôi công sức lao động của người khác, thậm chí buôn bán hàng giả, thực phẩm bẩn mà không quan tâm đến cảm xúc, nỗi lo lắng, thậm chí cả mạng sống của người tiêu dùng…Thực trạng đau xót này đang không ngừng diễn ra hằng ngày trước mắt chúng ta, ước mong sao bạn và tôi, chúng ta không ở trong số những người lựa chọn cách sống thực dụng, quy ngã này để chúng ta không phải nhận lấy một kết cục đáng buồn là đánh mất khả năng tương giao với Thiên Chúa, tha nhân và chính mình.
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”. Quả vậy, sống phải có cho và nhận, đó là quy luật sinh tồn của vạn vật. Không nằm ngoài quy luật ấy, để có thể tồn tại và sống bình an, hạnh phúc con người phải biết yêu thương, chia sẻ, đón nhận và cho đi như biển hồ Galile thì sẽ nhận lại được mối tương giao tốt đẹp với Thiên Chúa, tha nhân và vạn vật. Một lúc nào đó nếu bạn nghe được ai đó lên tiếng trong sự mặc cảm rằng: “tôi nghèo lắm nên chẳng có gì để cho người khác” thì hãy mạnh dạn nói với họ rằng: bạn cứ yên tâm mà tin chắc rằng không có ai nghèo đến nỗi không có gì để cho người khác, bởi sự cho đi không chỉ dừng lại ở của cải vật chất nhưng nó còn là sự sẻ chia tinh thần, đó có thể là; ánh mắt, nụ cười, lời an ủi, chúc mừng, đôi khi chỉ là sự im lặng cảm thông, lắng nghe, chăm sóc…Đại dịch Covid kéo dài trong suốt những năm vừa qua đã là một minh chứng cụ thể cho sự yêu thương, chia sẻ này. Giữa lúc đại dịch không ngừng bùng phát, tính mạng đang bị đe dọa cách nghiêm trọng chúng ta vẫn dành cho nhau những tình thương chân thành, trao cho nhau những ánh mắt yêu thương, sự chăm sóc, những hành động quan tâm, vỗ về, an ủi….tình thương và sự sẻ chia ấy thật ý nghĩa, ấm áp và đáng trân quý biết bao.
Lạy Chúa, sẽ thật bất hạnh cho con nếu cả cuộc đời con chỉ biết giữ cho riêng mình, như thế thì sự sống trong con rồi cũng sẽ chết dần chết mòn như nước trong lòng Biển chết, vì vậy xin Chúa nâng đỡ và giúp con xác tín mạnh mẽ căn tính của người Kitô hữu trong ý thức “Con có là gì cũng là nhờ ơn Thiên Chúa” (1Cr 15,10), ngõ hầu con đủ can đảm và quảng đại chia sẻ, lan tỏa tình yêu thương Phục Sinh của Chúa đến với anh chị em con như một cách thức lưu chuyển tình yêu Chúa để sự sống trong con được lớn lên mỗi ngày trong tương quan với Chúa, với anh chị em và với chính mình con. Amen.
Sr. Anna Phạm Thị Bích Liễu OP