Sự cần thiết của việc lắng nghe

Sự cần thiết của việc lắng nghe

 

Chuyện kể rằng Nhan Uyên – “đệ tử ruột” của Khổng Tử trong một lần đi làm việc, anh thấy có một đám đông ở tiệm vải. Lúc này người mua người bán đang tranh cãi rất quyết liệt

Người mua thét lên: “ 3×8=23 sao ông cứ đòi 24″.

Nhan Uyên thấy trái tai gai mắt nên khuyên bảo người mua “Vị đại ca này, anh tính nhầm rồi. 3×8=24 sao là 23 được? Anh tính sai rồi, đừng cãi cọ nữa”

Người mua chỉ thẳng mặt Nhan Uyên nói: “Ai cần ngươi phân xử hay sao? Ngươi biết tính toán sao? Muốn phân xử chỉ có cách tìm Khổng phu tử, đúng hay sai hãy để ông ấy định đoạt. Đi! ta hãy tìm ông ấy để phân xử”.

Nhan Uyên đáp: “Được. Nếu Khổng phu tử nói anh sai, vậy xử lý sao?”

Người mua nói: “Nếu ta sai, hãy lấy đầu ta. Nhà ngươi sai thì sao?”

Nhan Uyên trả lời: “Nếu tôi sai, tôi sẽ từ quan”.

Hai người tìm gặp Khổng Tử.

Khổng Tử hỏi rõ tình huống, rồi quay sang Nhan Uyên cười nói: “Ba nhân tám là 23 đó! Nhan Uyên, con thua rồi, lấy mũ quan xuống đem cho người ta đi”.

Tuy không nói nhưng Nhan Uyên vẫn không phục. Anh lấy cớ ở nhà có việc nên xin nghỉ học. Khổng Tử không nói gì chỉ dặn dò 2 câu:

“Cổ thụ nghìn năm không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”

Trên đường về, Nhan Uyên gặp trận mưa to định trú tại một cây cổ thụ ven đường nhưng chợt nhớ đến lời dặn của thầy “Cổ thụ nghìn năm không náu thân…” nên tránh xa cây cổ thụ kia. Vừa rời đi, bỗng có sấm sét đánh vào cây cổ thụ nọ làm đổ cây.

Khi về tới nhà, trời cũng đã khuya nên Nhan Uyên không muốn kinh động người nhà, chỉ dùng bảo kiếm của mình đẩy cửa phòng nơi thê tử ngủ. Đến bên giường bỗng thấy có 2 người ngủ trên chiếc giường của anh, cơn tức giận nổi bùng lên và định giơ kiếm chém nhưng chợt nhớ lời dặn của thầy:

“sát nhân không rõ chớ động thủ”.

Kiềm cơn tức giận lại, anh bèn đốt đèn lên xem thì thấy người nằm bên thê tử của mình đó là muội muội của anh.

Ngày hôm sau, Nhan Uyên quay lại nhà của người thầy mình, anh quỳ xuống nói:
 “Sư phụ, hai câu người nói đã cứu ba người là con, vợ con và muội muội của con đó!

Nhan Uyên vừa vái lạy vừa nói: “Sư phụ liệu sự như thần, đệ tử mười phần kính nể!”

Khổng Tử nói: “Ta biết rõ con xin phép về nhà nghỉ là mượn cớ, thật ra cho rằng ta đã già nên hồ đồ rồi, không muốn học ta nữa. Con nghĩ xem, ta nói ba nhân tám bằng 23 là đúng, con thua, bất quá là thua cái mũ quan kia, nếu ta nói ba nhân tám bằng 24 mới đúng, người mua kia thua, đây là một mạng người đó. Vậy con nói xem, chức vị quan trọng hay mạng người quan trọng hơn?”

Kính thưa quý vị và các bạn thân mến

Giao tiếp là một trong những nhu cầu thiết yếu nhất của con người. Giao tiếp là điều kiện cần và đủ giúp con người có thể phát triển bản thân, mối tương quan xã hội và trong công việc. Một trong những yếu tố để việc thực hiện giao tiếp diễn ra tốt đẹp đó lắng nghe. Lắng nghe đòi hỏi chúng ta phải chú tâm để nghe, hiểu và thấu cảm. Như vậy, lắng nghe cũng là yếu tố quyết định cuộc sống của mỗi người. Câu chuyện trên cho chúng ta thấy rõ điều đó. Trước hết là sự lắng nghe của Khổng Tử. Khi đệ tử của mình hỏi về phép tính 3 x 8= 23. Khổng Tử không trả lời ngay nhưng ông muốn biết đầu đuôi câu chuyện. Vì thế, Khổng Tử biết rằng sự kết luận của ông sẽ ảnh hưởng đến người khác. Chính nhờ sự lắng nghe, ông đã cứu sống người cho rằng 3 x 8=23. Tiếp đến là sự lắng nghe của Nhan Uyên. Mặc dù không phục sự phán quyết của thầy nhưng ông đã nghe, ghi nhớ và suy gẫm điều thầy đã nói: “Cổ thụ nghìn năm không náu thân, sát nhân không rõ chớ động thủ”. Chính nhờ đó, ông giữ được mạng sống của mình, cũng như không trở thành kẻ sát nhân. Rõ ràng việc lắng nghe đã đem lại những kết quả tốt đẹp cho con người. Trong đời sống đức tin, việc lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa lại càng quan trọng hơn bởi nó không chỉ ảnh hưởng cuộc sống ngắn ngủi ở đời này nhưng còn quyết định cuộc sống vĩnh cửu của mỗi người. Chính vì thế, Chúa Giê su cũng đã khẳng định: người lắng nghe và thi hành Lời Chúa là người có phúc.

Trước hết, lắng nghe Lời Chúa, là lúc con người bước ra khỏi lâu đài ích kỷ của “cái tôi” để kết nối mối tương giao với Ngài, tạo nên sự thân mật, gần gũi giữa Đấng tạo hóa và loài thụ tạo. Khi Adam Eva còn ở trong vườn địa đàng, chiều chiều nghe tiếng Chúa gọi, hai ông bà đã đáp lời Ngài qua những cuộc dạo chơi và trò chuyện thân tình với Chúa. Hơn nữa, khi lắng nghe sẽ giúp chúng ta biết và hiểu nhiều hơn về một người hay một sự việc nào đó. Cũng thế, khi sự vạn hành một cách kỳ diệu của vũ trụ, chúng ta sẽ nhận ra tình yêu thương Thiên Chúa dành riêng cho mỗi người lớn lao biết là dường nào, như trong Tv 144, 3 “Lạy Chúa, con người có là chi mà Chúa cần biết đến? Phàm nhân đáng là gì mà Chúa phải lưu tâm”. Cũng thế, chính trong sự lắng nghe từ sâu thẳm của tâm hồn, chúng ta sẽ nhận biết ý định của Thiên Chúa trên cuộc đời chúng ta và mau mắn thi hành. Một khi sống và làm theo thánh ý Thiên Chúa, chúng ta không bao giờ sợ lạc lối. Quả vậy, trong kinh thánh cho chúng ta thấy nhiều mẫu gương của việc lắng nghe Lời Chúa và thực thi ý muốn của Ngài như Tổ phụ Abraham luôn bước đi theo sự chỉ dẫn của Thiên Chúa, hay như Môsê và các ngôn sứ luôn làm theo điều truyền dạy Ngài hầu cứu thoát dân Israel khỏi ách nô lệ Ai cập và thoát khỏi những cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Và một mẫu gương lắng nghe Lời Chúa mà Đức Giêsu đã đề cập trong bài tin mừng hôm nay đó Đức Maria. Nhờ Mẹ đã lắng nghe và luôn thưa tiếng xin vâng trước thánh ý Chúa mà nhân loại được cứu độ. Như vậy, chúng ta thấy rằng việc lắng nghe nhau và lắng nghe tiếng Chúa luôn luôn mang lại cuộc sống sung mãn cho chính bản thân và cho người khác.

Lạy Chúa, giữa một xã hội đang khép mình vì sự ích kỷ của bản thân, một xã hội quá nhiều những tiếng ồn ào thì việc lắng nghe lại cần thiết dường bao. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn lắng nghe, suy gẫm và đem Lời Chúa vào chính đời sống của chúng con. Amen.

Bích Liễu

print