Sử Dụng Tiền Bạc Cách Khôn Ngoan Theo Ý Chúa

print

Sử Dụng Tiền Bạc Cách Khôn Ngoan Theo Ý Chúa

Chúa Nhật 25 Thường Niên C  18.09.22

vo ha

I. Với người có niềm tin tôn giáo, thì hầu hết chấp nhận mọi loài trong vũ trụ đều do Trời làm ra. Trong đó, con người là chúng sinh thượng đẳng trên trái đất nầy, vì  được thông phần khôn ngoan của Đấng Sáng Tạo  nhiều nhất. 

Nên, khi con người biết quây quần tập hợp thành nhóm, thành đoàn thì có thêm giao tế và trao đổi cho nhau những thứ cần thiết cho cuộc sống hằng ngày. Lúc đó mọi sự  “thuận mua vừa bán” hài lòng các bên. Tới khi loài người phát minh ra tiền tệ làm đơn vị thuận lợi bậc nhất cho việc trao đổi mua bán, thì nhiều thứ phiền não cũng xuất hiện kèm theo.

Chi tiết hơn là, khi đồng tiền xuất hiện từ vỏ sò, đến ngân bản vị và kim bản vị, rồi thêm tín dụng như  hiện nay, thì tiền vẫn là vật vô tri vô tư vô giác, nhưng được loài người nhiều khi tôn lên thành ông thiện tạo bao phúc lợi, cũng như có  không ít khi bị dùng như ông hoàng độc ác thống trị chiếm lĩnh gây bao tai hại trực tiếp hoặc gián tiếp hiện tại và sau đó nữa. Còn chính tác nhân ác thì lãnh hậu quả tai hại khi giờ báo đáp thời thần ập tới. 

Lời Chúa được trích dẩn cho Chúa Nhật 25 Thường Niên C nầy răn dạy con người  chớ ỷ vào tiền của và thế lực mà đàn áp người nghèo cách bất chính thời Tiên  Tri Amos trong Cựu Ước. Còn Chúa Giêsu thời Tân Ước thì dạy quản lý tiền bạc sao cho có lợi cho cuộc sống mai sau, khi cảnh đời tạm bợ nầy chấm dứt, trong một câu truyện hay dụ ngôn về người quản lý trần tục bất trung, mà khi mới đọc qua, thấy có nhiều thắc mắc và tranh cải.  

Vậy ta cùng đọc chính văn những dòng Lời Chúa cùng xin ơn soi sáng cho hiểu thấu lẽ mầu nhiệm, ít ra như một tia lửa trong đêm tối trời,  mà Chúa dạy qua những bài đọc hôm nay.

  II. Lời Chúa.

Bài Đọc 1.   Am 8, 4-7: Chống lại những kẻ lấy tiền mua người nghèo”.

Trích sách Tiên tri Amos.

Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp kẻ nghèo khó, và muốn tiêu diệt hết những kẻ bần cùng trong cả nước. Các ngươi bảo: “Bao giờ qua tuần trăng mới để chúng tôi bán hàng? Khi nào hết ngày Sabbat để chúng tôi bán lúa mạch. 

Chúng tôi sẽ giảm lường đong, tăng giá và làm cân giả. Chúng tôi sẽ lấy tiền mua người nghèo, lấy đôi dép đổi lấy người túng thiếu. Chúng tôi sẽ bán lúa mục nát”.

 Vì Giacóp kiêu căng, Chúa đã thề rằng: “Ta sẽ không bao giờ lãng quên tất cả các việc chúng làm cho đến cùng”.

 

Bài Đọc 2.    1 Tm 2, 1-8  “Cầu nguyện cùng Thiên Chúa cho mọi người. Ngài muốn cho mọi người được cứu độ”.

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi Timôthêu.

Trước tiên, cha khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn cho mọi người: cho vua chúa, và tất cả những bậc vị vọng, để chúng ta được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. 

Ðó là điều tốt lành và đẹp lòng Ðấng Cứu Ðộ chúng ta là Thiên Chúa. Người muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

Vì chỉ có một Thiên Chúa, và một Ðấng Trung Gian giữa Thiên Chúa và loài người, là Ðức Giêsu Kitô, cũng là con người. Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho mọi người, để nên chứng tá trong thời của Người, mà vì chứng tá đó, cha đã được đặt lên làm kẻ rao giảng, làm Tông đồ (cha nói thật chứ không nói dối) và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. 

Vậy cha muốn rằng những người đàn ông cầu nguyện trong mọi nơi, hãy giơ lên hai tay thanh sạch, không oán hờn và cạnh tranh.

 

 Phúc Âm: Lc 16, 10-13 {hoặc 1-13} “Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: {“Một người phú hộ kia có một người quản lý, và người này bị tố cáo đã phung phí của chủ. 

Ông chủ gọi người quản lý đến và bảo rằng: ‘Tôi nghe nói anh sao đó? Anh hãy tính sổ công việc quản lý của anh, vì từ nay, anh không thể làm quản lý nữa’.

 Người quản lý nghĩ thầm rằng: ‘Tôi phải làm thế nào, vì chủ tôi cất chức quản lý của tôi? Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Tôi biết phải liệu thế nào, để khi mất chức quản lý, thì sẽ có người đón tiếp tôi về nhà họ’.

“Vậy anh gọi từng con nợ của chủ đến và hỏi người thứ nhất rằng: ‘Anh mắc nợ chủ tôi bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự, ngồi xuống mau mà viết lại: năm mươi’. 

Rồi anh hỏi người khác rằng: ‘Còn anh, anh mắc nợ bao nhiêu?’ Người ấy đáp: ‘Một trăm giạ lúa miến’. Anh bảo người ấy rằng: ‘Anh hãy lấy văn tự mà viết lại: tám mươi’.

 Và chủ khen người quản lý bất lương đó đã hành động cách khôn khéo: vì con cái đời này khi đối xử với đồng loại thì khôn khéo hơn con cái sự sáng.

“Phần Thầy, Thầy bảo các con: Hãy dùng tiền của gian dối mà mua lấy bạn hữu, để khi mất hết tiền bạc, thì họ sẽ đón tiếp các con vào chốn an nghỉ đời đời.}

“Ai trung tín trong việc nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai gian dối trong việc nhỏ, thì cũng gian dối trong việc lớn.

 Vậy nếu các con không trung thành trong việc tiền của gian dối, thì ai sẽ giao phó của chân thật cho các con?

“Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”.

 

 III. Đôi Dòng Ghi Chú Và Tâm Tình.

Trước hết Bài Đọc 1 từ sách của Tiên Tri Amos. Tình cảnh xứ Do Thái sau khi vua Salomon (990-031) TCN qua đời thì chia ra hai nước Nam Bắc như Việt Nam trước kia (1954-75).

 Tiên tri Amos sinh trưởng ở miền Nam được Chúa gọi  làm ngôn xứ thời vua Giêrôbôam (786-746) TCN cho miền Bắc tại thủ đô Bê-thêm nơi có đền thờ của Bắc quốc Israel đang trong cảnh thái bình tạm bợ. 

Ông tố cáo những bất công xã hội vì người giàu  có đàn áp và tiêu diệt kẻ nghèo khó thay vì giúp đỡ. Người giàu bán sản phẩm xấu mục nát, thêm cân non, đong đếm thiếu mà còn tăng giá.  Họ mua người nghèo làm nô lệ chỉ bằng giá một  đôi dép.

Họ nóng lòng mong cho ngày lễ và Sabat qua mau để mua bán gian lận.  Chúa thề sẽ không quên những việc – xấu sa – của chúng đến cùng.

Thêm biết, hậu quả là bắc quốc Israel bị Assyria bắt làm nô lệ từ năm 721 TCN, đến nay chưa có ngày về xứ. 

Sách Thánh Cựu Ước thời Tiên Tri Amos đã  ghi lại rõ ràng những dấu vết đen tối của người xưa,  tham lam tiền bạc mà làm bất cứ thủ đoạn gian mành nào. Những cớ sự dơ bẩn vẩn tồn tại tới thời Chúa Giêsu trong Tân Ước qua câu truyện   người quản lý bất trung kế tiếp trong bài Phúc Ngôn. 

Tới bài Phúc Âm, Chúa Giêsu  dạy môn đệ sử dụng tiền của đời nầy qua dụ ngôn người quản lý khôn khéo, bất lương, làm cho khi mới đọc qua, ta rất hoang mang khó hiểu. 

Vì có lối giải thích rằng tập  tục Do Thái xưa  không trả lương cho người quản lý. Nên khi khách hàng mượn 50 thùng dầu thì văn tự viết là 100. Số dư ra là phần của người quản lý khi làm giấy tờ mà người vay mượn chịu chấp nhận. Rồi 100 giạ lúa miến cũng được ghi lại là 80 đúng vốn của chủ. Do đó con số của nợ cho vay ra bị người quản lý hạ xuống, cũng không lỗ lã gì cho nhà chủ.

Lối giải thích trên đây rất ít thuyết phục.  Coi như người quản gia nầy biển thủ tài sản của ông chủ một cách hôn khéo lắc léo vì quyền lợi cá  nhân của mình, khi bị chủ cho thôi việc.  Người quản lý ở đây không bị lên án gắt gao.

Riêng câu truyện trên lại cho thấy rất rõ cách xoay sở khôn khéo theo thói đời của người  quản lý tài sản nhà chủ. Anh ta gọi những người thiếu nợ đến và sửa  giấy nợ, giảm bớt phần nợ mà họ phải trả thẳng cho chủ. Làm như vậy, họ sẽ biết ơn anh và khi anh thôi việc họ sẽ  đền ơn đáp nghĩa cho anh cách bí mật mà nhà chủ không hay biết.

Trước tình cảnh như trên,  bên trời Á Đông, Lời dạy chân thật đầy minh triết của Đức Cồ Đàm từ 25 thế kỷ trước, đã chứa đựng lối nhìn tinh tấn và rất ý nghĩa trong Kinh Pháp Cú câu 84: “Không vị tình thiên hạ, cũng không vị tình một người nào, người trí không làm bất cứ điều gì sai quấy: không nên cầu con trai, sự giàu có, vương quốc bằng sự sai quấy. Không nên cầu mong thành công của mình bằng những phương tiện bất chính. Được như vậy mới  thật là người đạo đức, trí tuệ, ngay thẳng”. 

Nên xin nghiệm thẳng lại, Chúa Giêsu không ca ngợi hành động lươn lẹo  lắc léo của người quản gia, vì   anh ta bị gọi là “bất lương” mà chỉ nhấn mạnh bằng cách so sánh  hành động của anh trong lời than phiền rằng người đời siêng năng làm chuyện gian trá tiền bạc như vậy đó. Còn con cái sự sáng, tại sao lại không biết siêng năng lo toan dùng “tiền của gian dối” đời    nầy mà lo cho có  người sẽ đón tiếp mình vào chốn an nghỉ đời đời.

Từ ngữ “tiền của gian dối” trong Anh Ngữ  gọi là “unrighteous wealth, dishonest wealth:  tiền của không liên chính, thiếu danh dự” được Phúc Âm và nhiều sách vở nhìn qua lăng kiến màu nâu, vì có quá nhiều người kiếm tiền một cách xấu sa đệ tiện. Như từ thời tiên tri Amos đã có trong bài đọc 1, thêm cũng vậy kéo dài suốt lịch sử , rồi càng ngày càng tệ hại hơn nữa, như hiện nay thì không bút mực nào tả xiết.  Nên đồng tiền vô tri vô giác, lại bị vạ lây ác xấu, hôi tanh một cách bất công, do sự u ám của lòng người từ nhiều phía gây cho. Đúng ra phải hiểu:  tiền của chỉ là tạm bợ, vô thường, không thật vĩnh viển, nay còn may mất, y như cuộc sống mỏng dòn, yếu đuối, mong manh của vạn hữu vậy.

Nói cách khác, trong dụ ngôn trên, Chúa  Giêsu chỉ than trách  con cái sự sáng không khôn ngoan vì không siêng năng làm sự thiện (dẩn tới sống đời đời) cho bằng con cái người đời hay con cái thế gian  siêng năng trong sự gian ác, dù đã biết rõ nhiều hơn vô minh rằng “khi hậu quả ác chưa thành, người ngu tưởng như đường mật, nhưng khi hậu quả ác đã thành, họ nhất định  phải chịu khổ sở đắng cay (Kinh Pháp Cú, câu 69).

Bài Phúc Âm trên lại còn dạy thêm ý khác, như kết luận của Chúa Giêsu, là phải sống chân thật và trung thành từ việc nhỏ tới việc lớn. Nếu không trung thành khi quản lý tiền của tạm bợ vô thường, thì làm sao được trao cho những của chân thật.

Xin giúp  chúng con hiểu rõ thêm ý nghĩa của câu thành ngữ Tây phương và đem ra thực hành: “tiền bạc là ông chủ xấu, nhưng là đầy tớ tốt”.

 Câu trên bắt nguồn  từ bài Phúc Âm hôm nay, khi đặt tiền bạc lên ngôi bá chủ của lòng mình, thì không còn chổ cho Thiên Chúa nữa. 

Ông chủ xấu tiền bạc sẽ dẩn tới diệt vong như Lời Chúa  qua tiên tri Amos bên trên. 

 

Trở lại bài đọc 2, là một trích đoạn trong thư Thánh Phaolô gởi cho đệ tử cộng sự thân tín Timôthê.

Thánh Phaolô khuyên hãy cầu xin, khẩn nguyện, kêu van và tạ ơn với đôi tay trong lành cho mọi người:  vua chúa, những bậc vị vọng để tín hữu được sống bằng yên vô sự, trong tinh thần đạo đức và thanh sạch. 

 Vì chưng, Đấng trung gian Giêsu giữ Thiên Chúa và loài người, mà vì chứng tá đó, Thánh Phaolô đã được đặt lên rao giảng, làm Tông đồ  và làm Thầy dạy dân ngoại trong đức tin và chân lý. Lý do:  Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi và đến nhận biết chân lý.

IV. Xin Dâng Lời Cầu.

Chúa đã tạo nên con người giống hình ảnh Chúa và ban cho sự khôn ngoan, nhờ đó biết sáng kiến ra tiền bạc làm phương tiện trao đổi để phục vụ những lợi ích cho nhau.

Xin cho mọi thành phần dân Chúa là Hội Thánh không “lấy tiền mua người nghèo” mà biết xử dụng tiền bạc làm đầy tớ tốt để phục vụ mọi người.

 Xin cho mọi Kitô hữu biết dùng tiền của do lao động chân chính, cho những nhu cầu vật chất của mình, thì cũng biết dùng tiền của đó để phát triển đời sống tinh thần.

Xin cho người giầu có biết nhận ra bổn phận chia sẻ cách quảng đại của cải Chúa ban cho với người nghèo khó, để có được những người bạn đích thức trong nước Chúa.

Xin cho mọi người trong gia đình Họ Đạo chúng con biết chọn Chúa là chủ nhân của đời mình vượt trên tiền bạc tạm bợ của trần gian nầy.

Xin cho chúng con biết xử dụng những ân huệ và tài năng Chúa ban để phục vụ nhau trong tinh thần tôn trọng phẩm giá mọi người. Amen.