Sự mới mẻ gây tai tiếng

print

Sự mới mẻ gây tai tiếng

Thực hiện: Trang Sách nói Công giáo của Truyền Thông Giáo Phận Phú Cường

Ngay từ nguồn gốc sứ vụ của Giêsu, đã có một kinh nghiệm diệu kỳ về Thiên Chúa. Cho dù nảy sinh từ lòng Do Thái giáo, kinh nghiệm này mang một sức mạnh vượt trội và nổ tung. “Con là con yêu dấu của Ta…”. Những lời này, Giêsu đón nhận như chân lý sâu xa của bản thể Người, Người cảm nghiệm được trong chính mình, sức sống tuôn chảy của Thiên Chúa, sức mạnh nâng cao Người lên; từ nay, không phải là tình yêu của một con người đối với Thiên Chúa, nhưng là chính tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, đối với mỗi người. Qua Người, Thiên Chúa đến gần con người một cách tuyệt đối, mới mẻ và vô tận. Đó là Tin Mừng mà Giêsu có nhiệm vụ phải loan báo.
 
 Kể từ nay, Giêsu sẽ không còn đơn độc trong các lần giảng dạy. Có một vài ngư phủ trẻ cũng đi theo Người: Simon Phêrô, Anrê và Gioan. Khi được Người kêu gọi, họ đã để lại thuyền và lưới của mình mà đi theo Người. Sẽ có người khác đến sau, sắp tới, họ sẽ là 12 người. Cùng với họ, Giêsu rảo quanh vùng, thăm viếng làng mạc, thành phố. Trên môi miệng của Người, sứ điệp luôn trở đi trở lại là: “Nước Thiên Chúa đã gần kề: các ngươi hãy hoán cải và tin vào Tin Mừng”. Lời của Người kèm theo nhiều dấu chỉ: người mù được thấy, người điếc được nghe, người câm được nói, người khuyết tật được đi, người bị quỷ ám được giải phóng… Rõ ràng, có điều gì kỳ diệu đang xảy ra. Người ta như thở một luồng khí Phục sinh trong con người Giêsu, thành Nagiaret, một sức mạnh sống, đang hoạt động, nhắm đến giải phóng con người khỏi mọi nặng nề và mọi quỷ ám.
  Nhưng dấu chỉ tuyệt hảo nhất của sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa là sự tha thứ tội lỗi, sự xóa bỏ món nợ. Giêsu nói: “Tội của các ngươi đã được tha”. Đó là những lời lẽ làm sửng sốt, gây tai tiếng trong môi miệng của một con người. Xem như con người này chiếm vị trí của Thiên Chúa! Nhưng, chính là điều đó mà Giêsu tuyên bố với lòng phó thác, để muốn nói rằng, thời của Đấng Meshia đã thật sự bắt đầu; và cuối cùng, giờ mà Thiên Chúa ban tặng cho tất cả, sự tha thứ và ân ban của Người đã bắt đầu. 
 
 
Ngày kia, Giêsu đang ở trong ngôi nhà của Simon Phêrô ở Caphacnaum. Có nhiều người tụ tập đến nỗi cửa vào đầy người. Thầy đang thuyết giảng. Có những người đem đến cho Người một người bị bại liệt nằm trên băng ca, bởi họ không đến được với Người vì quần chúng, họ liền leo lên mái nhà, lấy mái ngói ra và thông qua lỗ mở đó, thòng người bại liệt cùng với băng ca xuống. Thấy được niềm tin của họ, Giêsu nói với người bệnh: “Này con, tội của con đã được tha” (Mc 2, 5). Trong đám đông, một sự thinh lặng khó chịu đón nhận những lời này. Ở đó, có một vài kinh sư, những người hiểu biết tinh tú về Lề Luật đến đó như những người tò mò; họ cảm thấy khó chịu khi nghe những lời của Thầy và nói thầm với nhau: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?” Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, Đức Giê-su bảo người bại liệt, Ta truyền cho con: “Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà!” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ!” (Mc 2, 1- 12).
 
  “Cha đã trao tất cả vào tay Người” (Lc 10,22). “Tất cả” nghĩa là kế hoạch yêu thương và giải hòa lớn lao. Việc tha thứ tội lỗi là dấu chỉ huy hoàng của việc Nước Chúa trị đến. Chính Cha hoạt động trong điều Giêsu nói và làm. Cha hòa giải thế giới trong Đấng Ngài đã sai đến. “Tội của con đã được tha”. Khi nói điều này, Giêsu cho biết mọi rào cản tách lìa Thiên Chúa và con người đã được bỏ đi. Người không chỉ đơn giản nói điều đó, cách cư xử và con người của Người tuyên bố rằng: kỷ nguyên của tha thứ và ân ban đã được mở ra. Ngay từ bây giờ, Thiên Chúa muốn thứ tha cho những người tội lỗi, đến gần họ và hòa giải với họ. Không chỉ Giêsu đón nhận những người tội lỗi, nhưng chính Người còn đến với họ, tự đến nhà họ và cùng ăn với họ. Một cách công khai, không giấu giếm gì, xem như Người muốn cho mọi người phải biết điều đó. Chúng ta thấy Người ngồi bàn với người thu thuế Matthêu, đồng bàn với dân thuế má, với những con người mà tiếng tăm không được tốt lắm. Chúng ta thấy Người đến ở nhà Zakêu – người thu thuế giàu có – nơi mà Người tự đến, và cả thành phố đều biết và xem ông ta như một kẻ có tội. Chúng ta cũng thấy Người ở nhà Simon, người Pharisêu; nơi đó, Người để cho một cô gái điếm đến gần và đụng đến mình trong buổi tiệc.
 
  Dĩ nhiên, mọi bình luận tha hồ, tự do, tuôn ra. Những người tự cho là công minh trước Lề Luật, những người được xem là đàng hoàng, cảm thấy xúc phạm, và họ thì thầm: “Ông này tiếp đón người tội lỗi và cùng ăn với họ” (Lc 15, 2). “Đó là một người bạn của những người Puplicano và người tội lỗi” (Lc 7, 24), (Mt 11, 19). “Ông này đến ở nơi nhà một người tội lỗi!” (Lc 19, 7). “Làm sao mà Thầy của các anh lại dám ăn ở với những người thu thuế và những người tội lỗi?” như người ta nói với các môn đệ (Mt 9, 11). “Nếu người này thật sự là một Ngôn Sứ thì ông ta sẽ biết người phụ nữ đụng đến ông là ai” (Lc 7, 39).
 
  Với những giọng điệu đó, Giêsu đáp trả: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 11-13) hoặc là: “Con người đến tìm kiếm và cứu rỗi điều gì đã hư mất” (Lc 19, 10) và nếu người ta giả bộ không hiểu và tiếp tục tỏ vẻ ngạc nhiên và xúc phạm thì Giêsu gằn giọng và tuyên bố: “Đúng vậy, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Trời trước các ngươi” (Mt 21, 31). Đây không chỉ đơn giản là lời dí dỏm, hóm hỉnh đối với Người, nhưng là sự nhận xét về điều gì đang xảy ra. Đó phải chăng chính là trường hợp của Zakêu – người thu thuế trưởng – khi tiếp đón Giêsu ở nhà mình, đi thẳng vào tác động của sự hào phóng của Thiên Chúa, vượt lên trên mọi Lề Luật và thước đo? Trong những lời đối đáp của Giêsu, cả một sự mới mẻ của Tin Mừng được bùng nổ. Không phải con người, nhờ hạnh kiểm tốt đẹp của mình và những công trạng tốt lành của mình đã đến gần Thiên Chúa; chính Thiên Chúa đã đến gần con người cách nhưng không, đầy lòng xót thương. Và để biểu lộ rõ điều đó, trước tiên và ưu tiên, Giêsu đến với những con người đã hư mất, đến với những người tội lỗi và những người bị loại trừ khỏi Nước Trời. Đó là ý nghĩa của cách hành xử của Người. Cách thức hành động này không phải của một Ngôn Sứ đơn thuần, nhưng của một con người kiên quyết cam kết Thiên Chúa trong hành động của mình, biết đặt mình ở vị trí của người khác; và cách nào đó, mang đến sự gần gũi của Thiên Chúa. Khi ngồi vào bàn ăn của những người tội lỗi, chính là tình bằng hữu của Thiên Chúa mà Người trao tặng cho họ, hòa giải họ với Ngài. Như cách Người nói với họ: “Các ngươi cũng vậy, các ngươi được Thiên Chúa yêu thương”.
 
 Như vậy, những người nam nữ này, vốn đã phải chạy trốn Thiên Chúa vì bao tội lỗi cùng với sự hủy hoại luân lý của mình, bỗng khám phá sự gần gũi không thể diễn tả được với Người.
 
 Ngày kia, thấy một người phong hủi đi về phía Người, theo luật bấy giờ, Người phải đuổi họ đi, hay chính Người phải xa lánh họ. Bởi người này bị ô uế. Trong xã hội Do Thái thời đó, người phong hủi không chỉ là một bệnh nhân lây lan mà còn là một con người xem như bị ô uế. Với danh xưng này, người đó bị loại trừ khỏi xã hội và kết án phải sống chui nhủi; người đó không còn là thành viên của cộng đồng. Con người đi về phía Giêsu biết rõ điều này; anh ta ý thức được sự ô uế của mình. Nhưng, như được thúc đẩy bởi một ánh sáng nội tâm, anh chạy vội cách liều lĩnh và gan dạ của người tin vững mạnh. Còn Giêsu, Người không tìm để xa tránh anh ta. Anh ta đứng trước mặt Người. Anh nói: “Lạy Thầy, nếu Thầy muốn, Thầy có thể thánh hóa tôi”. Vừa nói, anh vừa quỳ phục xuống chân Thầy. Nhưng Giêsu đã thấy rõ khuôn mặt của người đàn ông này. Một lòng khoan dung, bao la bỗng chiếm lấy Người. Trong giờ phút này, không còn một bên là thanh khiết, và bên kia là ô uế. Cả hai người đàn ông này vượt lên trên mọi biên thùy, giữa hai người một luồng điện đã ngang qua, một sự hiệp thông được thiết lập. Và để cho thấy rõ điều đó, Giêsu đi ngược lại với mọi quy luật, giang cánh tay và chạm đến người khốn cùng. Thời khắc không thể diễn tả được. Đụng chạm với bàn tay này, người đàn ông bỗng chốc hiểu rằng, tất cả đều đã thành sự. Anh ta không còn là kẻ ô uế hay kẻ bị loại trừ: anh ta được đón nhận, anh ở trong sự gần gũi của Thiên Chúa. Và không hề có một lề luật nào có thể đắt giá hơn sự gần gũi này mà Thiên Chúa cống hiến cách ân cần cho con người. Đối với anh cũng vậy, triều đại Thiên Chúa đang ở đó: Thiên Chúa đến gần anh, ngang qua con người Giêsu. Và rồi, Giêsu nói với anh: “Ta muốn, anh hãy được thanh sạch”. Ngay tức khắc, phong hủi rời khỏi. Anh được trong sạch, hoàn toàn trong sạch: một con tim mới trong một da thịt trẻ thơ (Mc 1, 40-42); (Lc 5,12-13).
 
 
Tin Mừng này thuộc về tất cả mọi người. Nhưng tất cả không đón nhận Tin Mừng đó một cách giống nhau. Có một khác biệt diễn ra giữa những người thính giả của Giêsu. “Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giêsu để nghe người giảng. Những người Pharisêu và các kinh sư bèn sầm sì với nhau” (Lc 15, 1-2). Đây là tất cả bi kịch của Phúc Âm. Đối diện với Thầy và sứ điệp của Người, biểu lộ hai loại thính giả rất khác nhau, hai thái độ trái chiều nhau. Ở hàng đầu, vây quanh Người có những người nam người nữ với danh tánh ngờ vực, ý thức về nỗi khốn cùng tinh thần và luân lý của mình, những con người trơ trọi không một công nghiệp cũng như phẩm giá theo lối nhìn của Lề Luật, và tự biết mình bị loại trừ. Vậy mà những con người này khám phá nơi Giêsu, đấng Thiên Sai của Thiên Chúa, không hề kết án họ. Hơn nữa, Đấng Thiên Sai này đi đến với họ, tỏ tình huynh đệ với họ và biểu lộ một sự tôn trọng vô bờ bến đối với họ; người này chấp nhận ngồi kề họ, cùng một bàn ăn, không hề quan tâm đến dư luận nói gì. Và ngang qua sự tôn trọng và tình bằng hữu này, người đó cho họ cảm nghiệm được một tình yêu kỳ diệu, hoàn toàn nhưng không. Một thứ tình yêu không hề xét đoán. Thế rồi, những người này hy vọng vào một thứ cậy trông điên rồ: họ thấy rộng mở trước mắt họ cánh cửa của Nước Trời mà họ tưởng đã bị khép kín muôn đời. Tất cả mọi sự đều trở thành có thể. Không có một lý do nào để thất vọng. Đột nhiên, họ đi vào Nước Trời: trong sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa. Đây là một trải nghiệm đổi đời: kẻ bị loại trừ trở thành người được tuyển chọn. Trong nỗi lòng của những người nghèo này, vang dậy bài ca của niềm vui đấng Meshia. Niềm vui của tiệc cưới và rượu mới. Niềm vui làm con mãi mãi. Phải chăng họ đã được yêu thương như họ là! Không có một lề luật nào ở đây đi ngược lại. Chỉ cần họ tin vào tình yêu này; và rồi, mọi sự được thay đổi. Và họ tin điều đó. Vì vậy, họ vây quanh Giêsu, lắng nghe Người hằng giờ với một niềm hân hoan như vậy.
 
 Đối nghịch lại, ngồi trong bóng tối và xầm xì, có những vị kinh sư và Pharisêu. Họ là những người diễn giải Lề Luật của Moisen, bị vấp phạm khi thấy Giêsu đi với những tội nhân và đón tiếp ân cần những người bị loại trừ. Một thái độ như vậy, đối với họ, là một thách thức với Lề Luật; bởi nó đặt để trên cùng một tầm vóc, những kẻ tốt và người xấu, những người công chính và những người không công chính. Hơn thế nữa, cách làm này, đặt thành ưu tiên, những người xấu xa và những người bất công. Và dựa trên đó, họ lẩm bẩm với nhau: con người này tự xưng là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa, ông ta nói và hành động nhân danh Ngài, và còn cư xử cách huynh đệ với những kẻ xa đọa, lầm lạc và những người ô uế. Không, người này không thể là Đấng Meshia. Chúng tôi biết rõ điều đó. Đấng tối cao, Đấng Thánh, Đấng được chúc phúc ở phe những người công chính, những người tuân thủ Lề Luật; ông này loại trừ và khinh chê tất cả những người khác, những người không biết đến Lề Luật.
 
  Giữa những người đó và Giêsu, sự không hiểu biết nhau mỗi ngày mỗi tăng lên và xâu xa hơn. Nhưng, cần phải biết điều này nằm ở đâu. Người ta thường nói rằng, lý do của sự xung đột giữa những người Pharisêu và Giêsu là chủ nghĩa tôn trọng pháp chế của những người Pharisêu. Việc tuân thủ Lề Luật của họ quá tỉ mỉ và bề ngoài. Việc gìn giữ Lề Luật trong sự nghiêm túc và tinh tuyền của nó đã có thể dẫn một số người trong họ đến việc tự cho mình quan trọng quá mức khi thi hành những tuân thủ bề ngoài này. Chắc chắn Giêsu đã kết án cách mạnh mẽ chủ nghĩa này, và nếu Người muốn giải phóng Lề Luật khỏi những lệch lạc này, là đem Lề Luật về với những đòi hỏi cốt yếu của sự công bằng và tình yêu thương. Nhưng không được quên rằng, về điểm này, có một số người Pharisêu và kinh sư Lề Luật vẫn nghĩ hoàn toàn như Giêsu và chính họ cũng muốn vươn tới sự hoàn hảo nội tâm, nhờ ngang qua điều cốt yếu của Lề Luật. Có nhiều lời trong Phúc Âm nói về những điều này. Chúng ta có thể thấy vị kinh sư của Lề Luật, khi Giêsu đã hỏi ông nhận thấy trong Lề Luật, điều gì quan trọng nhất. Ông trả lời: “Tình yêu, tình yêu Thiên Chúa và tha nhân”. Thế là Giêsu đã khen câu trả lời đúng đắn của ông (Lc 10, 26-28). Người còn nói với ông: “Ông không xa Nước Trời đâu” (Mc 12,34). Vâng, đúng vậy, một số người Pharisêu và kinh sư không xa Nước Trời; nhưng họ đã không được vào Nước Trời; họ đã bỏ qua; còn hơn thế, họ loại trừ nó. Tại sao?
 
  Giêsu không chỉ tự giới thiệu mình như một Ngôn Sứ mà sứ vụ là nhắc nhở những đòi hỏi luân lý cốt yếu của Lề Luật. Chúng ta còn có thể nói rằng, ưu tư chính yếu của Người không là làm cho người khác kính trọng Lề Luật. Điều làm cho Người quan tâm trước tiên, chính là con người: những bản thể, những con người mà Người thấy được nỗi khốn cùng và Người muốn cứu vớt họ. Không phải là cứu vớt Lề Luật, nhưng chính là những con người mà Thiên Chúa yêu thương và muốn thông ban chính mình cho họ. Người được sai đến để mặc khải cho họ thứ tình yêu này của Cha. Và chính Người, ngang qua bản thể sâu sắc nhất của mình, chỉ làm một với thứ tình yêu này của Thiên Chúa, cho con người. Điều gợi hứng và hướng dẫn Người trong mọi hành xử, chính là tình yêu đối với con người, nỗi ưu tư đưa họ ra khỏi sự khốn cùng của họ, tách họ ra khỏi sự suy đồi, ban lại cho họ phẩm giá và niềm vui, chứ không phải việc gắn bó với một tư tưởng hay một Lề Luật, cho dù Luật nó có thánh thiện. Một ngày Sabbat kia, ngay trong Hội Đường, Giêsu chữa lành một phụ nữ lưng gù tội nghiệp. Khi vị trưởng Hội Đường nói với dân chúng, với giọng điệu xúc phạm rằng, hôm nay không phải là ngày đem bệnh nhân đến chữa lành, thì Giêsu đáp trả cách mạnh mẽ: “Ai trong các ông, ngày Sabbat lại không dắt bò hay lừa của mình ra khỏi nơi ở của chúng để đi uống nước? Vậy mà người con gái của Abraham này, Satăng đã kiềm chặt từ 18 năm nay lại không được tháo gỡ khỏi xiềng xích ngày Sabbat chăng?” (Lc 13, 10-16). Trong một dịp khác, Giêsu nói: “Không phải con người được làm cho ngày Sabbat, nhưng ngày Sabbat được làm để phục vụ con người”. Đó là vị trí hàng đầu của con người. Chính con người, mà chúng ta phải cứu vớt, phải yêu thương.
 
  Một lần khác, những người Pharisêu đem đến cho Đức Giêsu một người phụ nữ ngoại tình và họ nói với Người: “Trong Lề Luật Moisen đã dạy cho chúng tôi phải ném đá loại phụ nữ này. Vậy ông, ông nói gì?” (Ga 8, 5). Đối với những người bảo vệ Lề Luật, người phụ nữ này phải chết; người phụ nữ này chỉ là một cành cây thối nát cần phải được chặt bỏ đi, để sự thánh thiện và sự vinh danh của Lề Luật được bảo vệ. Nhưng ở đây, cũng như mọi lần khác, Giêsu nhìn sự việc khác hoàn toàn. Trước tiên, Người không nhìn việc vi phạm Lề Luật, nhưng Người nhìn người phụ nữ này, đang đứng trước mặt mình, bị đè bẹp bởi sự khinh khi và xấu hổ. Chính bà là người mà chúng ta cần phải cứu vớt. Người sẽ không kết án bà, Người sẽ không tố cáo bà. Người chỉ nói với bà: “Con hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
 
  Cứu rỗi con người, đó là nỗi ưu tư lớn nhất của Giêsu, không phải cứu rỗi bằng cách chống lại Lề Luật, nhưng bằng cách mặc khải cho họ, ân ban của Nước Trời. Chỉ có ân ban loại này mới có thể giải phóng một cuộc sống u tối, khi để cho cuộc sống đó ngang qua luồng khí của ân ban này. Thế mà ân ban này đến với con người trước, mọi hành trình, hành vi, trước mọi công nghiệp của con người. Ân ban này gặp con người ở nơi họ đang ở. Đến tận cùng địa ngục của họ. Nghĩa là, một cách hoàn toàn nhưng không, và như thế, hoàn toàn độc lập với Lề Luật. Một cách tự do, đầy ân ban, Thiên Chúa đã đến gần con người, đến gần với mỗi một con người. Không có ai bị loại trừ. Đó là điều mà Giêsu công bố không mỏi mệt. Chính ở trên bình diện này, mà cuộc tranh luận giữa người và các kinh sư luật diễn ra. Đối với họ, Lề Luật là quy chiếu tối thượng, chính Lề Luật điều khiển cách thức tuyệt đối, về tương giao của Thiên Chúa và dân Ngài. Là tiêu chuẩn của sự lành và sự dữ, Lề Luật vạch ra giới hạn giữa người tốt và kẻ xấu, giữa người được tuyển chọn và kẻ bị loại trừ. Chính Lề Luật và chỉ có Lề Luật mà thôi, ấn định mức độ của sự gần gũi của Thiên Chúa với con người. Dựa trên luận điệu này, những người Pharisêu và kinh sư Lề Luật có thể nhắc lại lời của Thánh Vịnh gia: 
 
“Chúa ban thưởng cho tôi, bởi tôi sống ngay lành
Và tay tôi trong sạch như mắt Người đã thấy.
Lạy Chúa, Ngài giữ tín trung với người tín trung
Sự tuyệt hảo với người tuyệt hảo
Ở liêm khiết cùng ai liêm khiết
Nhưng dùng mưu mẹo với kẻ gian ngoa” .
 
Chúng ta hiểu rõ hơn việc gắn bó với Lề Luật này, nếu chúng ta nhớ lại rằng, khi Israen trải qua một giai đoạn xáo trộn vì không còn là chủ nhân định mệnh của mình. Với sự hiện diện của kẻ xâm lăng trên đất của mình, Israen đang gặp nguy hiểm, với những thỏa thuận hoặc thích nghi, Israen liều mình mất đi cái hồn và căn tính sâu xa của mình. Dĩ nhiên là có một giải pháp, khi có cuộc nổi loạn công khai và vũ trang, cuộc nổi loạn của những người Zelotes. Nhưng cuộc nổi loạn này đã không đưa đến đâu, chỉ đưa đến một dân tộc hoàn toàn bị đè bẹp. Còn những người Pharisêu, họ thu mình lại, dựa trên việc bảo vệ thiêng liêng của mình. Luật của Moisen là con đường chống lại áp bức, là thành lũy của dân tộc. Khi hoàn toàn trung thành với Lề Luật, đến những chi tiết nhỏ nhặt nhất, chúng ta sẽ không để mình vi phạm; chúng ta sẽ chống cự được với sự suy tàn và bị xóa sổ, cách hữu hiệu,. Việc gắn bó với Lề Luật này, không thiếu vắng sự cao cả của nó. Nếu không có những người Pharisêu thì Israen đã không tồn tại được với những thảm họa quốc gia vào cuối thế kỉ thứ I và đầu thế kỷ thứ II. Những người Pharisêu này, đã cứu vớt linh hồn Israen, bằng cách khắc ghi Israen vào Lề Luật. Nhưng, lại có mặt trái của vấn đề. Một đàng, họ dành cho Lề Luật việc “thờ phượng Tên gọi”; đàng khác, họ tự cho mình, là những tác nhân của chính việc cứu rỗi của họ, tự đặt mình như người có quyền của Thiên Chúa và khinh chê tất cả những ai không có khoa học hiểu biết về Lề Luật và truyền thống, và họ cho những người đó là những kẻ bị “nguyền rủa” (Ga 7, 49).
 
  Những con người này, không thể nào hiểu được Giêsu, mặc dù họ có nhiều điểm gần với giáo huấn của Người. Sứ vụ của Đức Giêsu, không được gợi ý từ bên ngoài, từ hoàn cảnh chính trị của đất nước; nó cũng không xuất phát từ một suy tư tự vệ, ngay cả là tôn giáo, đứng trước những nguy cơ của thời cuộc. Sứ vụ của Người hoàn toàn xuất từ một kinh nghiệm nội tâm, kỳ diệu: một kinh nghiệm của sự sung mãn. Kinh nghiệm đó là, Thiên Chúa thông ban chính mình, một cách khôn tả, một cách không thể vượt qua. Và trong việc thông ban này, Giêsu có một viễn tưởng rõ ràng rằng, Triều Đại của Thiên Chúa đã đến, rằng Triều Đại đó, đang ở đây. Bởi vì, ngang qua chính Người, Thiên Chúa trong sự trìu mến của Ngài, đã đến gần mọi con người, một cách hoàn toàn mới mẻ, vượt hẳn lên trên những gì con người có thể mong ước. Vì vậy, sứ vụ của Người là loan báo Triều Đại này đang đến, hoàn toàn với tính nhưng không của nó. Đối diện với quà tặng từ Trời này, Lề Luật không phải bị loại bỏ, nhưng Lề Luật mang một ý nghĩa khác. Có một điều gì đó đi trước; Lề Luật không là tuyệt đối. Tính tuyệt đối, chính là ân ban hoàn toàn nhưng không của Nước Trời, đó là lòng trìu mến của Cha. Và ở đây, mọi hiểu biết của những người Pharisêu và kinh sư, những hiểu biết chi tiết nhỏ nhặt của Lề Luật và của truyền thống của họ, mà họ rất hãnh diện, đến độ khinh khi những người dốt nát, thì tất cả những điều đó, không hề nặng ký và không là một sự đỡ nâng cho họ. Điều quan trọng là tin vào ân ban của Thiên Chúa và đón nhận ân ban đó, trong khiêm tốn với lòng biết ơn ân ban của sự gần gũi mới mẻ của Thiên Chúa, tự hiến mình qua Giêsu. Giêsu không hề đòi hỏi những người Pharisêu và kinh sư, từ bỏ Lề Luật, nhưng đòi hỏi họ từ bỏ, sự tự mãn này, sự tự mãn khép kín họ với chính mình và cản trở họ đón nhận ân ban của Nước Trời, trong sự triệt để mới mẻ của nó: một ân ban không lệ thuộc vào ý chí của con người, cũng không lệ thuộc vào công nghiệp cố gắng và ý chí của họ, nhưng chỉ dựa vào sáng kiến của Cha.
 
Ngày kia, khi một người Pharisêu, người tinh tuyền giữa những người tinh tuyền, diễn tả bi kịch đang xảy ra giữa những người đồng nghiệp và Giêsu thành Nagiaret. Người Pharisêu này có biệt danh là Phaolô, sẽ viết sau khi trở lại rằng: “Quả thế tôi làm chứng cho họ vì họ có lòng nhiệt thành nhưng lòng nhiệt thành đó không được sáng suốt, họ không nhận biết rằng chính Thiên Chúa làm cho người ta nên công chính và họ tìm cách nên công chính từ sức mình” (Rm 10, 2-3). Họ thiết lập lâu đài hoàn hảo của mình, họ không còn mở ra với luồng khí yêu thương trìu mến, đang viếng thăm trái đất và duy trì luồng khí này, luồng khí có thể biến đổi họ.
 Ở đây, chúng ta đụng đến tính sâu thẳm của bi kịch. Những kinh sư và Pharisêu tự để mình khép kín trong một hệ thống tôn giáo hoàn toàn dựa cậy trên công lý của Lề Luật. Và như vậy, họ khép kín Thiên Chúa vào với họ mà thôi. Làm như vậy, thời của Thiên Chúa cũng ngưng hoạt động với họ. Những người này không cần chờ đợi gì khác, ngoại trừ chính việc xác định về sự công chính của họ. Họ đã ra khỏi thời sáng tạo, thời của sự mới mẻ không thể dự kiến trước được của Thiên Chúa. Họ đã quên lời của Giavê: “Các ngươi đừng tưởng nhớ đến thời xưa nữa; đừng nghĩ đến nữa những gì đã qua đi. Này đây ta sẽ làm mọi sự mới” (Is 43, 18-19). Tin vào Thiên Chúa hằng sống luôn là khước từ, tự để mình đóng khung trong một kinh nghiệm đã ghi vào danh mục, cho dù có thánh thiện đến đâu; là tin rằng những buổi đầu lớn lao, cần phải được tìm kiếm, không phải tìm ở quá khứ, trong quá khứ, nhưng là tìm ở đằng trước, tiến đến tương lai. Nghĩa là tự mở ra với điều bất ngờ, mới mẻ của Thiên Chúa đang đến.
 
 Từ bi kịch này, Giêsu sẽ rút ra bài học cho chính môn đệ của mình. Người nói với họ: “Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới” (Mc 2, 22). Những lời lẽ này biểu lộ ý thức rất sống động rằng, sứ điệp của Giêsu mang tính cách mới mẻ, triệt để, là một lời mời gọi luôn mở rộng với Thiên Chúa. Giêsu còn nói: “Kẻ không đón nhận Nước Thiên Chúa theo cách một đứa trẻ thì sẽ không được vào Nước Trời” (Mc 10,15). Câu này là một câu đẹp nhất của Phúc Âm và cũng là một câu đầy ý nghĩa nhất. Bởi đó là một lời mời hướng đến sự ngây thơ, trong trắng và phó thác. Nhưng lời này của Thầy chắc chắn mang một điều gì lớn hơn. Đứa trẻ là một con người hoàn toàn hướng về tương lai. Đứa trẻ là một cái gì đi ngược lại với bất đồng, cứng cỏi, tù túng trong quá khứ. Đứa trẻ mở ra, trong sự ngỡ ngàng, trước sự mới mẻ với điều gì chưa thể tưởng tượng được. Đón nhận Nước Thiên Chúa theo cách một đứa trẻ nghĩa là để Thiên Chúa tự mặc khải ra trong sự mới mẻ, bất ngờ của Ngài, không tìm cách đóng khung vào quá khứ; là biết ngỡ ngàng trước mọi tình huống luôn mới mẻ, luôn sáng tạo. Tình yêu của Thiên Chúa đối với con người, chưa hề biết đến sự nông cạn và kết thúc của nó. Tình yêu của Thiên Chúa luôn làm ta ngạc nhiên. Không có điều gì trong quá khứ làm vơi đi mức độ. Ngay cả Lề Luật, là một điều cao cả, cũng vậy!