Sức Mạnh Của Thinh Lặng

print

 SỨC MẠNH CỦA THINH LẶNG

Lm. Micae Trịnh Ngọc Tứ

Thinh lặng có một sức mạnh phi thường đối với con người. Người ta có thể chiến thắng quân thù bằng súng ống, bom đạn. Nhưng để chiến thắng được chính mình, thì con người phải cần đến một loại vũ khí tuyệt diệu, đó là thinh lặng. Cũng vậy, sức mạnh của thinh lặng sẽ giúp con người chiến thắng được bệnh tật, sự nghèo nàn và sự chết. Trong thinh lặng, Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết.

1. Thinh lặng với sự dữ

Sự dữ là một mầu nhiệm. Và chúng ta sẽ không bao giờ có thể dò thấu và hiểu được mầu nhiệm của sự dữ. Nhưng tại sao lại có sự dữ? Một điều chắc chắn là Thiên Chúa không muốn sự dữ. Ngài không muốn chiến tranh, không muốn sự chết, không muốn đau khổ, cũng không muốn sự bất công. Nhưng nếu như sự dữ tồn tại, thì Thiên Chúa là nạn nhân đầu tiên của nó. Đứng trước sự dữ, con người phản loạn. Họ tìm cách để tiêu diệt chúng. Còn với chúng ta, những người có niềm tin vào Thiên Chúa, thì vũ khí hiệu nghiệm nhất chống lại sự dữ, đó là thinh lặng.
 
Thật vậy, thinh lặng trong cầu nguyện là trang thiết bị duy nhất cho cuộc chiến đấu với sự dữ: thinh lặng trong lời nguyện tắt, thinh lặng trong việc thờ phượng, thinh lặng trong chờ đợi.
 
Theo ĐHY R. Sarah, trận chiến chống lại sự dữ diễn ra trong thời gian và quan trọng là phải bền bỉ, không đánh mất niềm hy vọng… Trong đêm đen tối nhất, Thiên Chúa hoạt động trong thinh lặng. Chúng ta cần phải đi vào trong thời khắc của Thiên Chúa và trong thinh lặng thật sự, một thinh lặng trong yêu thương, tin tưởng và phó thác.
 
Đối với con người, ma quỷ luôn luôn cám dỗ. Chúng cám dỗ nhân loại sống nổi loại và sống vô trật tự. Chúng luôn gây ồn ào và hỗn độn nhằm ngăn cản chúng ta nghỉ ngơi trong Thiên Chúa. Vậy thành trì của chúng ta là thinh lặng chống lại quỷ dữ, không cho chúng chiếm hữu chúng ta.
 
Trong Tin mừng thánh Gioan, chúng ta thấy rằng: đối diện với sự bất công khi bị bắt bớ (sự dữ), Chúa Giêsu vẫn giữ thinh lặng. Tông đồ Phêrô đã rút gươm ra để bảo vệ Con Thiên Chúa. Nhưng Chúa Giêsu đã bảo Phêrô: “Hãy xỏ gươm vào bao, chẳng lẽ Thầy không uống chén mà Cha đã trao cho Thầy sao?” (Ga 18,11; Mt 26,52). Đứng trước những bất công và sự dữ, Chúa Giêsu vẫn bình thản trong thinh lặng.

2. Thinh lặng với bệnh tật

Sinh lão bệnh tử. Làm người ai cũng có bệnh tật. Chẳng ai là người khỏe mạnh, vô bệnh tật từ khi sinh ra cho đến khi chết. Cho nên bệnh tật là một thực tại khủng khiếp và đau đớn. Nhưng bệnh tật cũng là một biểu lộ cao quý sự thinh lặng nhiệm mầu của Thiên Chúa, một sự thinh lặng yêu thương và gần gũi với đau khổ của con người.
 
Những con người bệnh tật chịu đau khổ, mà vẫn một lòng phó thác vào sự tốt lành của Thiên Chúa, thì chứng tỏ họ có một đức tin mãnh liệt vào Thiên Chúa. Họ chỉ cho thấy một lòng can đảm thinh lặng và chìm đắm trong cầu nguyện liên lỉ, trong khi chờ đợi câu trả lời của Đấng Toàn Năng.
 
Con người bệnh tật có thể đo lường được thời gian ở đời ngắn ngủi biết bao khi sống trong thinh lặng. Người bệnh tật xét mình trong thinh lặng, giữa cơn đau, cho phép họ nhìn vào điều họ làm trong cuộc sống và điều mà họ còn phải thực hiện.
 
Trước bệnh tật, nếu con người nổi loạn, thì dần dần con người sẽ rơi vào trong tuyệt vọng vô bổ và đi vào con đường không lối thoát. Nhưng nếu con người xác tín rằng, bệnh tật là một hy vọng siêu phàm trong sự thinh lặng tuyệt đối của Thiên Chúa, thì con người biểu lộ một sự bình an không thể lay chuyển.
 
Đối với những con người mà căn bệnh của họ đã trở nên vô phương cứu chữa, chẳng hạn như ung thư giai đoạn cuối, thì lời nói không còn nhiều ý nghĩa nữa. Những người chăm sóc phải biết giữ thinh lặng, biết chăm sóc một cách ân cần, để chuyển tải cho họ sự gần gũi, sự ấm áp và lòng thương cảm của Thiên Chúa. Chỉ cần cầm tay họ và nhìn nhau mà không cần phải nói gì cả. Cái nhìn trìu mến có thể mang đến cho họ sự an ủi và vỗ về của Thiên Chúa. Thành thử ra, đứng trước một bệnh nhân đang đau khổ tột cùng, không cần chúng ta phải nói. Nhưng cần phải cảm thương trong thinh lặng, yêu mến và cầu nguyện, với sự xác tín rằng, chỉ có thinh lặng cầu nguyện là phù hợp nhất.
 
Còn chính bệnh nhân trên giường, thì họ nắm bắt được thinh lặng. Và chính nhờ sự thinh lặng này, mà họ tiến xa hơn trong mầu nhiệm thinh lặng của Thiên Chúa so với người khỏe mạnh bình thường. Mặc dù họ đang chịu đau khổ và đang sống trong chờ đợi, nhưng tâm hồn họ vẫn thổn thức niềm hy vọng và phó thác, những điều này giúp cho họ đắm chìm trong Thiên Chúa.

3. Thinh lặng với cái chết

Khi một người chết, họ ở trong thinh lặng, gọi là thinh lặng của người quá cố. Sự thinh lặng này dẫn những người còn sống đi vào mầu nhiệm của niềm hy vọng Kitô giáo và sự sống lại đích thật. Và chính lúc này, người sống phải đối diện với mầu nhiệm của sự thinh lặng xao xuyến, buồn rầu, đau thương và muộn phiền.
 
Đứng trước cái chết, con người bất lực hoàn toàn. Con người muốn sống lâu, sống trường thọ và thậm chí không bao giờ muốn chết. Nhưng cuối cùng con người cũng phải chết. Đó là một mầu nhiệm, mầu nhiệm của sự chết. Và người ta chỉ có thể thực sự hiểu được về sự chết ở trong thinh lặng cầu nguyện mà thôi. Trước mầu nhiệm sự chết, con người chỉ có thể hiểu được phần nào khi con người biết chìm đắm trong thinh lặng bệnh tật và thinh lặng đau khổ. Chỉ có một con đường để suy niệm về ý nghĩa của sự chết và con đường đó đi ngang qua sự thinh lặng nội tâm. Mối tương quan giữa người quá cố và người còn sống chỉ được kéo dài và tồn tại trong thinh lặng. Và hơn thế nữa, sự bất khả phân ly giữa thế giới sự sống và thế giới sự chết được hoàn tất trong thinh lặng.
 
 
Vì thế, ĐHY Sarah đã nói thật chí lý: “Cái chết chính là sự thinh lặng của mầu nhiệm, sự thinh lặng của Thiên Chúa và sự thinh lặng của cuộc sống”.
 
 
Cho nên trước cái chết, người kitô hữu chúng ta cần phải chấp nhận đi vào sự thinh lặng của Đức Kitô trên thập giá, bởi vì chính tại nơi đó, chúng ta có thể tìm thấy một Thiên Chúa đau khổ và hy sinh trong sự thinh lặng tuyệt đối. Thinh lặng là cần thiết khi con người phải đối diện trước cái chết. Thái độ thinh lặng là phương thế tốt nhất, để chúng ta đón nhận cái chết. Chính Đức Trinh Nữ Maria đã đứng lặng thinh dưới chân thập giá, để đón nhận cái chết của con Mẹ.
 
Chính trong sự thinh lặng cầu nguyện trước cái chết, mà người kitô hữu chúng ta xác tín rằng, cuộc sống này chỉ thay đổi chứ không bị hủy diệt. Và khi kết thúc cuộc đời trần thế, thì họ sẽ được một nơi ở vĩnh viễn trên Thiên đàng. Như vậy, chỉ có thinh lặng mới có thể giúp cho con người dám đối diện với cái chết và chấp nhận cái chết như một qui luật tất yếu của tự nhiên, mà Thiên Chúa đã an bài cho con người.

4. Thinh lặng Thiên đàng

Theo sách Giáo lý Giáo hội Công giáo, Thiên đàng là cuộc sống viên mãn vì được hiệp thông trọn vẹn trong sự sống và tình yêu với Thiên Chúa Ba Ngôi, với Đức Tring Nữ Maria, với các thiên thần và các 
thánh.
 
Như vậy, ở trên thiên đàng, tất cả mọi linh hồn kết hợp mật thiết với Thiên Chúa. Nơi đó có một sự thinh lặng tuyệt đối trong chiêm ngắm, hiệp thông và yêu thương.
 
Trên Thiên đàng, không còn sự ồn ào, xáo trộn của thế gian. Nhưng thay vào đó là một sự thinh lặng tuyệt đối, bởi vì các linh hồn đi vào sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa mà không cần lời nói nữa. Mọi sự lo lắng, sợ hãi, bon chen, ghen ghét, hận thù và cám dỗ sẽ không còn nữa. Cho nên, thinh lặng Thiên đàng là sự thinh lặng vô tận, đắm chìm trong tình yêu Thiên Chúa.
 
Nếu khi còn sống ở dưới thế gian này, lúc chiêm niệm là chúng ta đã ở trong thinh lặng rồi, thì trên Thiên đàng, sự thinh lặng đó lại trở nên thinh lặng viên mãn, thinh lặng vĩnh cửu, thinh lặng của tình yêu. Và sự thinh lặng này là kết quả của tình yêu vô biên của Thiên Chúa.