Suy niệm Lời Chúa Tam nhật Thánh – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

print

Suy niệm Lời Chúa Tam nhật Thánh – Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Thứ Năm Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh.

Chúa Nhật Phục Sinh.

Thứ Năm Tuần Thánh

Phải rửa chân cho nhau 

 

Suy niệm

Người biết mình sắp qua đời thường để lại di chúc cho con cái.

Di chúc nói lên ước nguyện, lời nhắn nhủ hay lệnh truyền của người sắp ra đi.

Có thể nói Thầy Giêsu khi biết cuộc khổ nạn gần đến cũng đã để lại một di chúc kép cho các môn đệ dấu yêu:

Ngài đã rửa chân cho các môn đệ và nhất là Ngài đã lập bí tích Thánh Thể.

Thứ 5 Tuần Thánh là ngày chúng ta đặc biệt nhớ đến di chúc ấy.

Sống di chúc của Chúa Giêsu là cách biểu lộ tình yêu đối với Ngài.

Có nhiều điểm giống nhau nơi việc rửa chân và lập bí tích Thánh Thể.

Cả hai đều là những cử chỉ Thầy Giêsu làm lúc cận kề cái chết.

Cả hai đều được làm trong bầu khí một bữa ăn tối gần Lễ Vượt Qua.

Vào lúc cuối đời, sau bao năm tận tụy với sứ mạng phục vụ, Thầy Giêsu muốn gói ghém trong hai cử chỉ đơn giản ấy, lễ hiến dâng đời mình.

Cả hai đều tượng trưng cho cái chết tự hạ trên thập giá.

Rửa chân đòi thầy phải cúi xuống rất sâu, phải trở thành tôi tớ phục vụ.

Rửa chân là điều mà tôi tớ không hẳn phải làm cho chủ, thì bây giờ thầy làm cho trò.

Cái chết trên thập giá là sự phục vụ cao nhất được diễn tả qua việc rửa chân.

Bí tích Thánh Thể còn diễn tả cách tuyệt vời hơn cái chết hy sinh ấy.

Trong bí tích này, tấm bánh trở nên mình thầy bị bẻ ra và trao đi.

Rượu trở nên máu Thầy, máu sẽ bị đổ ra cho muôn người trên thế giới.

Trong cả hai biến cố rửa chân và bí tích Thánh Thể, thầy Giêsu đều mời các môn đệ tham dự cách tích cực.

Tham dự vào cái chết của Thầy bằng cách để cho Thầy rửa chân, hay tham dự bằng cách ăn uống mình và máu Ngài.

Hai biến cố trên không phải là chuyện chỉ xảy ra một lần bởi thầy Giêsu.

Thầy mời các môn đệ cũng làm như thầy và lặp đi lặp lại những cử chỉ đó.

– “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau”.

– “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”.

Cúi xuống phục vụ tha nhân và lãnh nhận bí tích Thánh Thể sẽ giúp chúng ta tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu.

Muốn ở lại trong tình thương của thầy Giêsu, cần giữ lệnh thầy truyền. “Đây là lệnh truyền của thầy, anh em hãy yêu thương nhau như thầy đã yêu thương anh em”.

Hơn nữa, thầy Giêsu còn cho ta một cách khác để ở lại trong thầy: “Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.

Thứ Năm Tuần Thánh là ngày lễ của Tình Yêu theo đúng nghĩa nhất.

Yêu là cúi xuống phục vụ, yêu là bẻ đời mình cho tha nhân như thầy Giêsu. Ước gì chúng ta được ở lại trong tình yêu của Giêsu nhờ biết yêu.

Lời nguyện

Lạy thầy Giêsu, khi thầy rửa chân cho các môn đệ, chúng con hiểu rằng thầy đã làm một cuộc cách mạng lớn.

Thầy dạy chúng con một bài học rất ấn tượng khi thầy bưng chậu nước, bất ngờ đến với các môn đệ trong bữa ăn, khi thầy cúi xuống, dùng bàn tay của mình để rửa chân rồi lau chân cho họ.

Chắc thầy đã nhìn thật sâu vào mắt của từng môn đệ và gọi tên từng người.

Giây phút được rửa chân là giây phút ngỡ ngàng và linh thánh.

Lạy thầy Giêsu, thế giới chúng con đang sống rất thấm bài học của thầy.

Chúng con vẫn xâu xé nhau chỉ vì chức tước và những đặc quyền, đặc lợi.

– Ai cũng sợ phải xóa mình, quên mình.

– Ai cũng muốn vun vén cho cái tôi bất chấp lương tri và lẽ phải.

Khi nhìn thầy rửa chân, chúng con hiểu mình phải thay đổi cách cư xử, không phải là ban bố như một ân nhân, nhưng khiêm hạ như một tôi tớ.

Từ khi thầy cúi xuống rửa chân cho anh Giuđa, kẻ sắp nộp thầy, chúng con thấy chẳng ai là không xứng đáng cho chúng con phục vụ.

Lạy Thầy Giêsu!

Thầy để lại cho chúng con một di chúc bằng hành động. Thầy đã nêu gương cho chúng con noi theo để rửa chân chẳng còn là chuyện nhục nhã, nhưng là mối phúc.

Xin cho chúng con thấy Ngài vẫn cúi xuống trên đời từng người chúng con để nhờ đó chúng con có thể cúi xuống trên đời những ai khổ đau bất hạnh.

 

Thứ Sáu Tuần Thánh

THẾ LÀ ĐÃ HOÀN TẤT

 

SUY NIỆM:

Vào Chúa nhật Lễ Lá chúng ta đã nghe đọc bài Thương Khó

trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.

Vào thứ Sáu Tuần Thánh, chúng ta luôn nghe đọc bài Thương Khó theo Gioan.

Thánh Gioan kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu với những nét riêng của ông.

Chúng ta trân trọng cái nhìn bổ sung của thánh Gioan cho những Tin Mừng khác.

Trong cuộc Khổ Nạn, Đức Giêsu của Gioan tỏ ra là người chủ động.

Ngài biết trước các biến cố sắp xảy ra, và Ngài có quyền năng làm chủ mọi sự.

Chính Ngài tiến ra và hỏi các kẻ đến bắt Ngài : “Các anh tìm  ai?”

Câu trả lời của Ngài đủ làm họ lùi lại và ngã xuống đất (18, 4-9).

Đức Giêsu bình an và uy nghiêm bước vào cuộc Khổ nạn,

vì Ngài đã chấp nhận chén đắng Cha trao (18, 11).

Khi bị vị thượng tế Khanna tra hỏi về giáo huấn,

chẳng chút sợ hãi, Ngài đã thẳng thắn từ chối trả lời (18, 19-21).

Khi bị vả mặt, Ngài cũng đòi kẻ xúc phạm Ngài phải nói rõ tại sao (18, 23).

Đức Giêsu bị đem tới dinh tổng trấn Philatô lúc trời đã sáng.

Philatô là người xét xử Đức Giêsu, nhưng có vẻ ông là người bị động.

Ông bị giằng co giữa một bên là Đức Giêsu đang ở trong dinh,

bên kia là đám đông và các nhà lãnh đạo Do-thái giáo đang ở ngoài dinh.

Một bên là ông Giêsu mà ông không tìm thấy lý do nào để kết tội (18, 38; 19, 4. 6).

Bên kia là chức tổng trấn và chức “Bạn của Xê-da” mà ông đang nắm giữ (19, 12).

Philatô không biết phải theo ai, chọn ai trong tình cảnh căng thẳng này.

Vì thế ông đã đi ra, đi vào cả thảy bảy lần (18, 18, 29. 33. 38; 19, 1. 4. 9. 13).

Đức Giêsu đã đối thoại khá dài với Philatô về Nước của Ngài (18, 36-37),

một nước không có trên bản đồ, không có quân đội, không dùng bạo lực.

Nước của Ngài gồm những người biết nghe sự thật và đứng về phía sự thật,

sự thật này được Ngài làm chứng và cất tiếng nói lên.

“Đây là Vua các người”, Philatô đã giới thiệu Đức Giêsu như thế (19, 14)

và ông đã cương quyết giữ lại tấm bảng treo trên thập giá mang dòng chữ :

“Giêsu Nadarét, Vua dân Do-thái” (19, 19).

Đức Giêsu đã tự mình vác thập giá lên đồi Sọ và bị đóng đinh vào giữa trưa.

Chiên Thiên Chúa bị giết đúng vào lúc ở Đền Thờ người ta giết chiên Vượt qua.

Đức Giêsu không cô đơn trên thập giá vì có Mẹ và người môn đệ dấu yêu.

Suốt một đời Ngài đã sống cho sứ mạng Cha trao, nay Ngài biết nó đã hoàn tất.

Chủ động cả trong cái chết, Ngài “gục đầu xuống và trao Thần Khí” (19, 30).

Qua cái chết trên thập giá, Đức Giêsu cho thấy tình yêu lớn nhất của Ngài (15, 13),

tình yêu trao hiến cả Máu và Nước từ trái tim bị đâm thâu (19, 34).

Nhưng thập giá cũng cho thấy tình yêu của Cha khi ban Con Một cho ta (3, 16).

Đức Giêsu Kitô đã trở về với Cha bằng con đường khó đi.

Người Kitô hữu cũng về với Thiên Chúa bằng con đường hẹp.

Ước gì chúng ta sống cuộc Khổ nạn của mình với sự bình an, can đảm của Giêsu.

 

LỜI NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu,

vì Chúa đã bẻ tấm bánh trao cho chúng con,

xin cho những người nghèo khổ được no đủ.

Vì Chúa đã xao xuyến trong Vườn Dầu,

xin cho các bạn trẻ đủ sức đối diện

với những khó khăn gay gắt của cuộc sống.

Vì Chúa bị kết án bất công,

xin cho chúng con can đảm bênh vực sự thật.

Vì Chúa bị làm nhục và nhạo báng,

xin cho phụ nữ và trẻ em được tôn trọng.

Vì Chúa chịu vác thập giá nặng nề,

xin cho những người bệnh tật được đỡ nâng.

Vì Chúa bị lột áo và đóng đinh,

xin cho sự hiền hòa thắng được bạo lực.

Vì Chúa dang tay chết trên thập giá,

xin cho đất nối lại với trời,

con người nối lại mối dây liên đới với nhau.

Vì Chúa đã phục sinh trong niềm vui òa vỡ,

xin cho chúng con biết đón lấy đời thường

với tâm hồn thanh thản bình an. Amen.

Chúa Nhật Phục Sinh

 ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ĐÃ TIN

 

Lời Chúa: Ga 20, 1-9

Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đi đến mộ, thì thấy tảng đá đã lăn khỏi mộ. Bà liền chạy về gặp ông Simon Phêrô và người môn đệ Ðức Giêsu thương mến. Bà nói: “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu.” Ông Phêrô và môn đệ kia liền đi ra mộ. Cả hai người cùng chạy. Nhưng môn đệ kia chạy mau hơn ông Phêrô và đã tới mộ trước. Ông cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó, nhưng không vào. Ông Simon Phêrô theo sau cũng đến nơi. Ông vào thẳng trong mộ, thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Ðức Giêsu. Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi. Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Ðức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

Suy niệm

Niềm vui Phục Sinh khởi sự bằng thái độ hốt hoảng.

Tảng đá che cửa mộ đã bị ai đó lăn ra.

Xác của Thầy đặt bên trong đã biến mất.

Thật là chuyện kinh khủng đối với bà Maria Macđala!

Bà đã đi thăm mộ lúc trời còn tối.

Có lẽ cả đêm qua bà không chợp mắt được,

chỉ mong cho chóng sáng để lên đường.

Ai có thể hiểu được trái tim của bà?

Tình yêu đã khiến bà đứng dưới chân thập giá (Ga 19,25)

và tham dự cuộc mai táng Thầy Giêsu (Mt 27,61).

Bây giờ tình yêu ấy lại thúc đẩy bà ra mộ trước tiên,

trước cả người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến…

Maria hốt hoảng chạy về báo tin cho hai môn đệ.

Bà nghĩ chắc có kẻ đã ăn cắp xác Thầy.

Vấn đề duy nhất làm bà âu lo khắc khoải,

đó là họ đang để Người ở đâu (Ga 20,2.13.15).

Bà cần biết chỗ đó, để lấy ngay xác về.

Maria chẳng nghĩ gì đến chuyện Chúa Phục Sinh,

bà chỉ mong tìm lại xác của Thầy đã chết.

Maria chạy về để kéo theo Phêrô và Gioan chạy đến mộ,

những bước chân hối hả vội vàng.

Chỉ có ngôi mộ trống và những băng vải đặt ở đó,

còn khăn che đầu thì được cuốn lại, xếp riêng.

Thấy mọi điều đó, Gioan tin rằng Thầy đã Phục Sinh.

Chẳng ai ăn cắp xác mà để lại gọn ghẽ khăn vải liệm.

Chúng ta cần có lòng mến thiết tha của bà Maria Macđala,

nhưng cũng cần có sự nhạy cảm để tin như Gioan.

Khi tin, người ta khám phá ra ý nghĩa của các biến cố:

ý nghĩa của cái chết bi đát trên núi sọ,

ý nghĩa của ngôi mộ trống và tấm khăn xếp gọn gàng.

Chúng ta cần có lòng tin

để khỏi rơi vào sự thất vọng hay hốt hoảng,

trước những thất bại, đổ vỡ mất mát trong cuộc đời.

Ðời chúng ta lắm khi giống ngôi mộ trống trải.

Những gì chúng ta yêu quý nay chẳng còn.

Chúng ta đôn đáo kiếm tìm điều đã mất,

trong nước mắt đau khổ như bà Maria (Ga 20,11)

Nhưng nếu xác Ðức Giêsu cứ nằm yên trong mồ,

để cho bà Maria đến thăm viếng,

thì làm gì có chuyện Chúa Phục Sinh?

Phiến đá cửa mộ không giữ được Ngài,

những băng vải không ngăn được Ngài ra đi.

Sự sống bật dậy từ tro tàn của cái chết.

Ánh sáng bừng lên từ bóng tối mịt mù.

Tình yêu thắng trận khi tưởng như bị hận thù nuốt chửng.

Niềm vui Phục Sinh là quà tặng bất ngờ cho Maria.

Bà sẽ chẳng bao giờ tìm thấy xác Thầy trong mộ đâu,

nhưng bà sẽ gặp chính Ðấng Phục Sinh ở ngoài mộ đá.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Phục Sinh,

vì Chúa đã Phục Sinh

nên con thấy mình chẳng còn gì phải sợ.

Vì Chúa đã Phục Sinh

nên con được tự do bay cao,

không bị nỗi sợ hãi của phận người chi phối,

sợ thất bại, sợ khổ đau,

sợ nhục nhã và cái chết lúc tuổi đời dang dở.

Vì Chúa đã Phục Sinh

nên con hiểu cái liều của người kitô hữu

là cái liều chín chắn và có cơ sở.

Cái liều của những nữ tu phục vụ ở trại phong.

Cái liều của cha Kolbê chết thay cho người khác.

Cái liều của bậc cha ông đã hiến mình vì Đạo.

Sự Phục Sinh của Chúa là một lời mời gọi

mang một sức thu hút mãnh liệt

khiến con đổi cái nhìn về cuộc đời:

nhìn tất cả từ trên cao

để nhận ra giá trị thực sự của từng thụ tạo.

Sự Phục Sinh của Chúa

giúp con dám sống tận tình hơn

với Chúa và với mọi người.

Và con hiểu mình chẳng mất gì,

nhưng lại được tất cả. Amen.