Suy Niệm Lời Chúa Tuần XXVII Thường Niên
Thứ tư: ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc 1,26-38)
KÍNH TRỌNG THỂ ĐỨC MẸ MÂN CÔI
Lc 1,26-38
Trong toàn thể nhân loại, chắc hẳn không có ai được TC ưu ái ban tặng ân phúc trọng đại cho bằng Đức Maria. Ý thức điều đó và xác tín vào nền tảng Thánh kinh, Giáo hội hằng tôn kính và dành tặng cho Đức Mẹ nhiều tước hiệu cao quý…
Bước vào tháng 10, GH ưu ái dành một ngày Chúa nhật đầu tháng để tưởng nhớ và mừng kính trọng thể lễ Đức Mẹ, với tước hiệu “Mẹ Mân Côi”.
Sở dĩ có ngày lễ hôm nay là vì liên hệ đến một biến cố quan trọng trong dòng lịch sử Giáo Hội. Đó là sự kiện vua Hồi giáo đem một đại quân đông đảo và hùng mạnh hướng thẳng về La Mã, với lời thề sẽ san bằng đền thờ thánh Phêrô và biến nơi đây thành một chuồng ngựa.
Bấy giờ GH rất lo lắng và sợ hãi. Bởi vì với quân đội ít ỏi, khí giới thì thô sơ, lại không có kinh nghiệm tác chiến thì làm sao kháng cự lại với quân Hồi giáo hùng mạnh. Tin tưởng vào sự che chở của Đức Mẹ nên GH đã kêu gọi toàn thể tín hữu lần chuỗi Mân Côi. Nhờ đó mà đạo binh Công giáo đã ngăn chặn được bước tiến thần tốc của quân Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ, và đã giành được chiến thắng tại vịnh Lépante, vào ngày 07/10/1571.
Nhận ra cuộc chiến thắng lạ lùng ấy là nhờ ơn ban của Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi. Để ghi nhớ công ơn của Đức Mẹ Đức Thánh Cha Piô V đã dạy các tín hữu rước kiệu Đức Mẹ và chọn ngày 7 tháng 10 làm lễ kỷ niệm Đức Mẹ Chiến thắng, sau này được thánh Giáo hoàng Gio-an XXIII đổi thành lễ Đức Mẹ Mân Côi (1960).
Ngày nay mỗi khi kính nhớ lễ Đức Mẹ Mân Côi, Giáo hội không nhằm nhắc lại biến cố chiến thắng ấy, cho bằng mời gọi con cái GH tích cực khám phá lại vai trò vị thế của Đức Maria trong mầu nhiệm cứu độ; và qua đó cũng muốn nhắc nhở các tín hữu về sức mạnh phi thường của Kinh Mân Côi.
- Vai trò vị thế của Mẹ Maria.
Nhìn lại lịch sử cứu độ, qua lăng kính của Thánh kinh, chúng ta biết được công trình sáng tạo đầu tiên của Thiên Chúa đã bị phá vỡ, do tội lỗi nguyên tổ. Nhưng Thiên Chúa không muốn công trình tốt đẹp Ngài đã tạo dựng bị hủy diệt đi. Nên ngay sau khi nguyên tổ phạm tội, TC liền hứa ban Đấng Cứu Thế. Đấng ấy sẽ được sinh ra bởi một người phụ nữ. Đấng ấy sẽ tái tạo lại công trình sáng tạo của TC xinh đẹp như thuở ban đầu.
Và khi thời gian đã đến hồi viên mãn, lời hứa ấy bắt đầu được thực hiện, khi TC sai sứ thần Gabriel đến với cô thôn nữ làng quê Nazareth, có tên là Maria, để mời gọi cô cộng tác vào chương trình cứu độ của Người.
Cũng giống như bao cô gái làng quê khác, thiếu nữ Maria đã từng ấp ủ bao mộng ước và dự phóng cho đời mình. Nhưng giờ đây, Thiên Chúa lại xen vào và đã khuấy động đời cô. Người đã làm thay đổi toàn bộ những ước vọng dự hướng tương lai của cô.
Tuy nhiên sau khi biết được ý định của TC, thiếu nữ Maria đã sẵn lòng thân thưa với sứ Thần bằng hai tiếng “xin vâng” thật đơn sơ, nhẹ nhàng nhưng thật sâu lắng và đầy niềm tín thác. Chính nhờ bởi lời “xin vâng” tuy đơn sơ ấy mà ơn cứu độ của TC đã đến được với nhân loại.
Với biến cố Ngôi Lời TC đã nhập thể trong cung lòng Đức Maria do quyền năng của CTT, Đức Maria đã trở thành Mẹ TC. Xứng đáng đón nhận ơn phúc của TC theo như lời chào của Sứ Thần: “Kính chào Bà đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Bà, Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ.” (Lc 1,28). Qủa vậy, có ơn phước nào lớn hơn ơn phước được làm Mẹ TC và được TC ở cùng.
Vì là Mẹ Ngôi Hai TC làm người nên Đức Maria rất có uy thế trước mặt TC. Nhưng Mẹ Maria cũng là Mẹ GH và là Mẹ của mỗi người chúng ta, nhờ bởi lời trăn trối thánh Gioan cho Đức Mẹ và Đức Mẹ cho thánh Gioan của Chúa Giêsu dưới chân thập giá.
Là con cái của Đức Mẹ nên chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương đỡ nâng của Mẹ, bởi vì: “xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”. Tin tưởng như thế, chúng ta cần phải tỏ lòng yêu mến, tôn kính và vâng lời Mẹ chỉ dạy với tất cả tâm tình của người con thảo.
- Sức mạnh của tràng chuỗi Mân Côi.
Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, GH còn nhằm hướng chúng ta đến cuộc chiến khác, đó là cuộc chiến với tội lỗi do ma quỷ, thế gian và xác thịt gây ra. Nếu xưa kia đạo quân thập tự Công giáo, nhờ vào sức mạnh của việc lần chuỗi Mân côi mà chiến thắng quân Hồi giáo hùng mạnh, thì ngày nay với trận chiến ba thù, chúng ta cần phải vâng nghe lời chỉ dạy của Đức Mẹ mà siêng năng lần hạt Mân Côi. Đó là phương thế mà Đức Mẹ chỉ dạy chúng ta mỗi khi hiện ra trên ngọn cây Sồi với ba trẻ chăn cừu là: Giaxinta, Phanxicô và Lucia, tại làng quê hẻo lánh Fatima, nước Bồ Đào Nha:
(1) Ăn năn đền tội cải thiện đời sống.
(2) Tôn sùng Mẫu Tâm.
(3) Siêng năng lần chuỗi Mân Côi.
Ước gì mỗi người chúng ta tin tưởng vào sức mạnh thần thiêng của kinh Mân côi để trân quý và siêng năng lần chuỗi mỗi ngày, nhờ đó ta mới có thể vượt thắng được những cám dỗ của ba thù (ma quỷ, thế gian và xác thịt)..
Xin Chúa cũng cho chúng ta biết gắn kết đời mình với Mẹ Maria qua lời kinh mân côi, để cùng với Mẹ ta dâng lên Chúa lời tôn vinh, chúc tụng và ngợi khen vì biết bao điều cao cả Người đã làm trên cuộc đời chúng ta. Và đừng quên hiệp thông cùng với GH toàn cầu mà nguyện xin “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con khi nay và trong giờ lâm tử”. Amen.
Thứ hai: Lc 10,25-37
Thánh Gioan định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Tình yêu của Chúa là nhưng không và phổ quát dành cho hết mọi người. Tình thương ấy đã được Chúa Giêsu hướng dẫn cách cụ thể cho người thông luật trong bài tin mừng hôm nay.
Với cái nhìn định kiến và loại trừ, người thông luật như muốn giới hạn tình yêu của mình nơi những người cùng màu da, chủng tộc và tôn giáo. Nhưng qua câu chuyện người Sa-ma-ri tốt lành, Chúa Giêsu chỉ cho ông biết, người thân cận là tất cả mọi người. Bởi lẽ, mọi người đều được Chúa dựng nên giống hình ảnh Ngài, nên tất cả đều được Thiên Chúa yêu thương cứu độ, không loại trừ bất cứ một ai. Do đó, để xứng đáng có được sự sống đời đời làm gia nghiệp, thì phải thực thi giới luật tình yêu nhưng không và phổ quát “như Chúa đã Yêu”, qua việc tận tâm giúp đỡ mọi người, nhất là những người đang gặp hoạn nạn không phân biệt người đó là ai, theo mẫu gương của người Sa-ma-ri nhân hậu.
Xin Chúa uốn lòng chúng ta giống như trái tim Chúa, để chúng ta biết chạnh lòng trước những nổi đau của đồng loại mà tận tâm giúp đỡ. Nhờ thế chúng ta mới hy vọng có được sự sống đời đời làm gia nghiệp.
Thứ ba: Lc 10,38-42
Tin mừng hôm nay vẽ lên một bức tranh trong sáng với chân dung của hai người thiếu nữ tuyệt đẹp:
+ Cô Mácta nồng nhiệt đón rước Chúa Giêsu và các môn đệ vào nhà, và tất bật hy sinh chuẩn bị bữa ăn thịnh soạn cho khách quý.
+ Cô Maria thì tế nhị và sâu lắng trong cung cách tiếp đón Chúa Giêsu, bằng việc ngồi bên chân Chúa để lắng nghe lời Người dạy bảo.
Cả hai đều thể hiện những nét đẹp độc đáo của người phụ nữ: Hiếu khách, tận tâm hy sinh phục vụ, cũng như rất tinh tế và thân tình trong khiêm tốn lắng nghe lời dạy của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta biết tôn trọng những nét đẹp tuyệt vời mà Chúa ban tặng nơi mỗi người. Đồng thời cũng biết tích cực phát huy những nét đẹp nơi bản thân để góp phần tô điểm cho cuộc sống này mỗi ngày thêm tươi đẹp hơn.
Thứ tư: ĐỨC MẸ MÂN CÔI (Lc 1,26-38)
(Theo ý tưởng của cha Carolo tổng đại diện-giám đốc ĐCV St Qúy, Gp Cần Thơ)
Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố Thiên Thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria, khởi đầu cho chương trình cứu độ đầy yêu thương của Thiên Chúa dành cho Đức Maria cách riêng và nhân loại cách chung. Để thực hiện chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã chọn gọi Đức Maria cộng tác trong việc cưu mang và sinh hạ Đấng Cứu Thế và Đức Maria đã đáp lời bằng hai tiếng “xin vâng”.
Mỗi khi đọc “kinh kính mừng” là chúng ta nhắc lại lời sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria khi xưa: “kính mừng Maria đầy ơn phước, Đức Chúa Trời ở cùng bà, bà có phước lạ hơn mọi người nữ….” .
Lời truyền tin này là một lời chào chúc quý giá và mang giá trị hết sức cao cả. Bởi lẽ, có ơn phúc nào cao lớn cho bằng ơn phúc được Thiên Chúa ở cùng (chính Chúa là nguồn mọi ơn phúc và Đấng ban ơn phúc. Được Thiên Chúa ở cùng thì có mọi ơn phúc nơi mình rồi). Và có hạnh phúc nào lớn bằng hạnh phúc được Thiên Chúa ưu ái chọn làm Mẹ Thiên Chúa. (Được chọn làm mẹ vua đã là vinh dự và ơn phúc quá lớn rồi huống chi là Mẹ Vua Trời).
Ý thức sứ mạng cao quý ấy trong vui mừng khôn tả vượt trí hiểu, Đức Maria đã bối rối và tự hỏi lời chào ấy có ý nghĩa như thế nào? Nhưng sau khi được Thiên Thần giải thích, Đức Maria biết đó là ý định Thiên Chúa, dù không hiểu hết, nhưng Đức Maria vẫn khiêm tốn ngoan ngoãn vâng nghe.
Có nhiều điều xảy ra trong đời sống vượt ngoài trí hiểu và khả năng chúng ta, chúng ta cảm thấy không thể thực hiện được, nhưng“đối với Thiên Chúa thì mọi chuyện đều có thể”. Từ không, Chúa đã sáng tạo nên vũ trụ vạn vật chỉ bằng lời phán truyền. Từ bùn đất, Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa. Bằng quyền năng, Thiên Chúa đã làm cho bà Isave cao niên và son sẻ mang thai và sinh con. Nên việc cưu mang và hạ sinh Đấng Cứu Thế vẫn đồng trinh đối với Đức Maria là chuyện bình thường. Do đó, nếu ta biết tin tưởng và khiêm tốn để Chúa hành động nơi cuộc đời của ta như Đức Maria, thì Chúa cũng sẽ làm những điều kì diệu trên đời ta.
Tuy dẫu Thiên Chúa quyền năng làm được mọi sự. Nhưng Thiên Chúa lại yêu thích con người cộng tác với Chúa.
Để chọn gọi dân riêng, Chúa đã mời gọi tổ phụ Abraham cộng tác, và Abraham đã vâng lời bỏ xứ sở ra đi theo ý định Thiên Chúa. Thế là một dân riêng của Chúa đã hình thành.
Để cứu dân tộc Israel ra khỏi kiếp nô lệ bên Ai cập, Thiên Chúa đã mời gọi Môsê cộng tác, dù sợ hãi về sự kém cỏi của mình, Môsê vẫn vâng phục ý muốn của Chúa. Thế là cuộc giải phóng đã hoàn tất.
Để cứu độ nhân loại, Thiên Chúa chọn Đức Maria, một người thiếu nữ bình thường, nghèo khó làm mẹ Đấng Cứu Thế và Mẹ đã ngoan ngoãn tin tưởng vâng nghe. Thế là chương trình cứu độ từ ngàn đời của Thiên Chúa được thực hiện.
Để cứu độ mỗi chúng ta, Chúa cũng mời gọi chúng ta hợp tác với Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Chúa dựng nên con Chúa không cần con, nhưng để cứ độ con Chúa cần con cộng tác”.
Xin cho chúng ta biết noi gương Đức Maria biết khiêm tốn và ngoan ngoãn vâng theo thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh mà tích cực cộng tác với ơn cứu độ của Chúa để cứu chính mình và qua ta ơn cứu độ đến được với tha nhân.
Thứ năm: Lc 11,5-13
Nếu tin mừng hôm qua, Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ và chúng ta biết phải cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa; thì tin mừng hôm nay, Chúa lại mong muốn các môn đệ và chúng ta hãy tin tưởng vào tình thương của Người mà kiên trì cầu nguyện.
Bằng hai hình ảnh rất thực tế: Người bạn hàng xóm cho bạn mình vay mượn 3 chiếc bánh giữa đêm khuya, cho dẫu không vì tình bạn mà là vì sự quấy rầy; và người cha sẵn sàng cho con cái mình những thứ tốt nhất theo như lời nó kêu xin. Chúa Giêsu như cũng muốn mời gọi, khích lệ chúng ta là con cái Người hãy tin tưởng, cậy trông và phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa. Đừng bao giờ nản lòng, chán chí bỏ cuộc hay phàn nàn kêu trách Chúa khi thấy những lời mình cầu xin chưa được Chúa nhậm lời. Nhưng cần phải xét lại xem điều mình cầu xin có đẹp ý Chúa và thật sự có hữu ích cho cuộc sống và phần rỗi linh hồn của mình chưa?
Nên biết rằng trước một lời cầu nguyện sẽ luôn có 3 trường hợp xảy ra: Một là Chúa sẽ nhận lời nếu đó là lời cầu xin đẹp lòng Chúa và hữu ích cho ta. Hai là lời cầu xin của ta chưa tha thiết thiếu niềm tin hay chưa đúng thời điểm nên Chúa chưa ban ơn. Ba là lời cầu xin của ta không đẹp lòng Chúa và nguy hại đến phần rỗi đời đời của ta nên Chúa không nhậm lời.
Nhưng hãy luôn tin rằng trong mọi trường hợp Chúa luôn lắng nghe và thấu suốt sâu xa vô cùng mọi điều chúng ta cầu xin. Nên Người sẽ chọn lựa những điều thiện hảo nhất theo sự khôn ngoan của Người mà ban tặng cho chúng ta.
Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tin tưởng và tín thác vào tình thương của Chúa mà kiên trì cầu nguyện với tất cả tâm tình của người con thảo. Cũng như sẵn sàng đón nhận mọi biến cố vui buồn, thành công hay thất bại…xảy đến trong cuộc sống, với niềm xác tín vững vàng vào những điều tuyệt hảo mà Chúa đang thực hiện trên cuộc đời mình.
Thứ sáu: Lc 11,15-26
Suy niệm 1:
Với phép lạ trục xuất quỷ ra khỏi một người bị nó ám hại mà Tin mừng hôm nay thuật lại, vừa cho thấy uy quyền của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu; vừa cho thấy dấu chỉ của“Nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi”. Nhưng để có thể đón nhận nước Thiên Chúa đến nơi Đức Giêsu thì trên hết con người cần phải loại bỏ tính kiêu căng và lòng ghen tỵ. Bởi lòng ghen tị khiến cho đôi mắt chúng ta không còn khả năng nhìn thấy sự thật. Với đầu óc kiêu căng, tự mãn đẩy chúng ta đến cái nhìn hẹp hòi chủ quan nên dễ dàng phủ nhận những ý tưởng và việc làm tốt đẹp nơi người khác, giống như một số người Do Thái vì ghen tị và kiêu căng nên đã giải thích sai lạc và ác ý về phép lạ trừ quỷ của Chúa Giêsu, nhằm hạ bệ Người.
Xin cho chúng ta biết loại trừ tính kiêu căng, ghen tỵ ra khỏi tâm hồn, nhờ đó ta mới có được cái nhìn sáng suốt của đức tin mà nhận ra sự hiện diện của Chúa qua mọi biến cố trong cuộc đời. Nhất là xin cho chúng ta biết sám hối, chay tịnh cỏi lòng và chu toàn tốt mọi nhiệm vụ Chúa trao phó, để chuẩn bị tâm hồn xứng hợp cho ngày của Thiên Chúa.
Suy niệm 2:
Đứng trước một sự việc, biến cố, người ta có những phản ứng khác nhau tuỳ theo cái nhìn của mỗi người. Đồng thuận hay bất đồng; ủng hộ hay chống đối; tin nhận hay khướt từ … Đó cũng là phản ứng lẫn lộn của đám đông dân chúng khi chứng kiến phép lạ trừ quỷ câm của Chúa Giêsu mà tin mừng hôm nay nói đến. Xin cho chúng ta luôn có cái nhìn ngay thẳng và trong sáng để nhận ra sự thật trong mọi biến cố xảy đến trong cuộc sống.
Tin mừng hôm nay cho biết đám đông dân chúng cùng chứng kiến một phép lạ, nhưng họ lại có những phản ứng khác nhau:
- Đa phần thì lấy làm ngạc nhiên.
- Một số người thì cho rằng: “Ông ấy dựa thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ.”
- Kẻ khác thì lại muốn thử Người, nên đã đòi hỏi Người làm một dấu lạ từ trời.
Trước những phản ứng ấy, cách riêng với những người không tin, Chúa Giêsu phải kiên nhẫn giải thích cho họ hiểu rõ hai điều:
– Thứ nhất: “Đòan kết là sức mạnh và là điều kiện quan trọng để sinh tồn”. Vì thế mà Satan không thể nào chống đối lẫn nhau. “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ điêu tàn, nhà nào tự chia rẽ thì sẽ đổ xuống. Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?”. Bởi thế cho rằng Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ câm là không đúng!.
– Thứ hai: Để tạo nên sức mạnh chống lại Thiên Chúa và hãm hại con người, ma quỷ không ngu dại gì mà làm hại thuộc hạ của nó. Cho nên không thể nào cho rằng việc Đức Giêsu trừ quỷ con là dựa vào thế của quỷ vương được, mà phải đến từ Thiên Chúa. Bởi trong thế giới này chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền trên ma quỷ.
Nhưng do đâu mà một số người, chắc hẳn là những người Biệt Phái lại không tin nhận phép lạ Chúa Giêsu làm là do quyền năng Thiên Chúa? Thưa đó là vì họ ganh tỵ và thù ghét Chúa Giêsu.
Lòng ganh tỵ làm cho họ trở nên mù quáng, không còn khả năng nhận ra chân giá trị của sự việc và sự thật về con người nữa. Cũng thế, khi nuôi dưỡng sự thù ghét trong lòng nên họ đã tìm đủ mọi cách để nói xấu, hạ bệ và hãm hại Chúa Giêsu. Nhưng sự thật là sự thật, không ai có thể chối cải được. Cố tình không đón nhận chân lý chỉ gây thiệt hại và làm đau khổ cho chính bản thân mình mà thôi.
Câu chuyện sau đây một phần nói lên điều đó: Có một con đại bàng ganh tị với một con đại bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp: “Được. Nhưng tôi không có tên.” Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa… cho tới khi hai cánh nhỏ trụi nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình.
Xin Chúa đừng để chúng con phải mắc phải chứng bệnh đui mù tâm hồn do virus của ghen tỵ và hận thù gây ra. Nhưng ban cho chúng con có được tâm hồn đơn sơ, trong sáng và hiền hòa để chúng con có được cái nhìn đúng đắn và đánh giá tích cực về mọi sự việc và con người.
Thứ bảy: Lc 11, 27-28
Suy niệm 1:
Kinh nghĩa đức tin mà cộng đoàn chúng ta đọc hàng tuần, GH dạy rằng: “…đến ngày tận thế xác loài người ta sẽ sống lại mà chịu phán xét; kẻ lành lên thiên đàng hưởng phước đời đời, kẻ dữ sa hoả ngục chịu phạt vô cùng”.
Như thế người kitô hữu chúng ta luôn tin rằng ngày tận thế, Thiên Chúa sẽ đến và phán xét tất cả mọi người. Ngày ấy, người công chính sẽ được sống hạnh phúc với Thiên Chúa, còn kẻ gian ác sẽ bị tiêu diệt muôn đời.
Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để ngày đó sẽ là ngày an vui và hạnh phúc cho chúng ta? Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho ta biết phương cách để chuẩn bị cho ngày ấy đó là: phải lắng nghe và thi hành Thánh Ý Chúa.
Hạnh phúc của chúng ta không hệ tại bởi chúng ta “là” hay “làm” người kitô hữu, nhưng trên hết và quan trọng nhất là chúng ta có lắng nghe và thi hành lời Chúa hay không?
Đức Maria đã được Chúa ban thưởng hạnh phúc nước trời và nhiều đặc ân cao trọng khác, bởi lẽ Mẹ đã luôn khiêm tốn lắng nghe và thi hành thánh ý Chúa trong mọi cảnh huống của cuộc đời.
Lạy Chúa, ai trong chúng con cũng muốn thoát khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa và khao khát có được hạnh phúc nước trời làm gia nghiệp. Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ Maria luôn sống khiêm tốn vâng nghe và thi hành ý Chúa, để ngày Chúa đến không phải là một ngày kinh hoàng nhưng là ngày an vui và hạnh phúc cho chúng con.
Suy niệm 2:
Đời người ai cũng mong muốn có được hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không phải là cái gì để đi tìm mà nó chỉ xuất hiện khi ta làm một điều gì đó. Như thế muốn có hạnh phúc ta phải làm gì? Đó là điều mà lời Chúa hôm nay sẽ chỉ cho chúng ta biết. Vậy chúng ta hãy để tâm lắng nghe lời Chúa dạy hôm nay và cố gắng đem ra thực hành thì ta sẽ đạt được điều mà tất chúng ta mong muốn.
Người Việt chúng ta có những câu nói rất chí lý nhằm diễn tả sự gắn kết máu thịt giữa cha mẹ và con cái như sau: “Con cái là triều thiên của cha mẹ” hay “Con dại cái mang”…; rộng hơn là mối liên hệ giữa dòng tộc với nhau, như người đời thường nói: “Một người làm quan cả họ được nhờ”.
Đúng vậy, trên đời này có lẽ không có mối liên hệ nào khắn khít cho bằng mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái; cũng như dòng tộc với nhau. Chính vì thế mà niềm vui của người con cũng chính là niềm vui của cha mẹ và ngược lại. Và công danh, sự nghiệp thành đạt của người con cũng chính là niềm vinh dự và hạnh phúc của cha mẹ.
Rất có thể đã từng trải nghiệm điều đó, nên một người phụ nữ đã không ngần ngại cất cao lời ngợi khen cho người mẹ nào đã cưu mang và hạ sinh Thầy Giêsu vì Thầy quá tài giỏi và uy quyền “Phúc cho dạ đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú”. Đúng vậy, với cái nhìn tự nhiên có người mẹ nào lại không cảm thấy được hạnh phúc khi nhìn thấy con mình thành đạt, được mọi người ngưỡng mộ và kính trọng.
Nhưng Chúa Giêsu không muốn người phụ nữ ấy và dân chúng dừng lại ở cái nhìn tự nhiên, chỉ kiếm tìm hạnh phúc mau qua ở đời nhờ vào mối liên hệ huyết thống, mà Người còn muốn hướng họ đến cái nhìn đức tin để nhận ra đâu mới là hạnh phúc thật có gí trị bền vững nhờ vào mối liên hệ thiêng liêng giữa con người với TC, là nguồn mọi ơn phúc. Do vậy Chúa Giêsu mới phán rằng: “Những ai nghe và giữ lời TC thì có phúc hơn”.
Khi nói những điều đó, chắc chắn Chúa Giêsu không hề xem thường hạnh phúc ở đời này; Người cũng không hề chê trách hay hạ thấp vị thế của Mẹ Maria. Trái lại, Người muốn gián tiếp ca ngợi và tôn vinh mẫu gương tuyệt hảo của Đức Mẹ. Bởi hơn ai hết Đức Maria lúc nào cũng khiêm tốn để tâm lắng nghe “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.” (Lc 2,19) và sẵn sàng thực thi thánh ý của TC “Này Tôi là tôi tớ Chúa. Tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền” (Lc 1,38). Nhờ đó mà Đức Maria đã được TC trọng thưởng niềm hạnh phúc trọn vẹn trong nước trời. Mẹ thật xứng đáng được ca ngợi qua muôn thế hệ, như tâm tình mà Đức Mẹ cất lên trong lời kinh Magificat: “Vì Chúa đã trông đến sự thấp hèn tôi tớ Chúa, vậy từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phước” (Lc 1,48).
Xin Chúa cho chúng ta cũng biết khiêm tốn mở tai để lắng nghe lời Chúa, mở lòng để cho lời Chúa thấm nhập và rồi can đảm mở đôi tay ra để phục vụ mọi người, nhất là những người trong gia đình và nghèo khổ với niềm tin yêu và phó thác theo mẫu gương của Mẹ Maria. Được vậy, ta mới có được hạnh phúc đời này, nhất là sẽ được Chúa ban thưởng hạnh phúc trọn vẹn ở đời sau. Amen.