GIUSE ĐỖ VĂN THỤY, MSV
TÂN PHÚC ÂM HÓA
CUỘC SỐNG ĐỜI THƯỜNG
NHÀ XUẤT BẢN TÔN GIÁO
DẪN NHẬP
Câu chuyện TƯỢNG ĐẤT kể rằng: “Một pho tượng đất sét đứng bên đường chịu bao mưa gió dập vùi, rất muốn có một nơi nào đó để tránh mưa nắng. Thế nhưng nó là tượng đất không thể động đậy gì được. Tượng Đất rất thèm khát cuộc sống của con người, chẳng phải lo nghĩ gì, tự do tự tại đi đến bất cứ nơi nào, thế là Tượng Đất quyết định tìm mọi cơ hội mong được người cứu giúp.
Một hôm, có một ông tiên đến, Tượng Đất dùng hết sức bình sinh cầu cứu “xin ngài cho tôi được thành người!”. Tiên ông nhìn Tượng Đất từ đầu đến chân mỉm cười rồi phẩy tay một cái, quả nhiên Tượng Đất biến thành một thanh niên lực lưỡng hoạt bát.
“Anh muốn trở thành một con người, cũng được, nhưng trước hết anh hãy theo tôi đi thử một đoạn của đời người, nếu anh không chịu nổi, thì tôi lập tức lại cho anh trở lại thành Tượng Đất như cũ”, tiên ông nói.
Chàng thanh niên theo tiên ông đến một vách núi hiểm trở. Hai vách núi dựng đứng đối diện nhau, bên này là vách “sinh”, bên kia là vách “tử”, hai vách nối với nhau bằng cây cầu treo do các sợi xích sắt đan lại.
“Anh hãy đi từ bên này sang bên kia đi!”, tiên ông phẩy tay ra lệnh, chàng thanh niên rất hăm hở bước từng bước lên cầu, thế nhưng anh vừa đi được một đoạn trượt chân ngã nằm gọn trong vòng xích sắt khiến anh bị treo lơ lửng, ngực bị những vòng dây xích đè nặng gần như không thở nổi.
“Ôi, đau quá, cứu tôi với!”, chàng thanh niên hai tay quờ quạng, miệng kêu cứu.
“Hãy tự cứu lấy mình đi, trên con đường này không ai có thể cứu anh, anh hãy tự cứu lấy mình”, tiên ông mỉm cười nói.
Không có ai giúp, anh ta cố gắng vùng vẫy, mãi rồi cũng thoát ra khỏi cái vòng xích đó.
“Cái vòng đó là vòng gì mà làm ta đau khổ như vậy?”, chàng thanh niên tự hỏi.
“Tôi là cái vòng danh lợi”, cái vòng sắt dưới chân anh nói.
Chàng thanh niên lại đi lên phía trước, bỗng thấy một cô gái mắt phượng mày ngài mỉm cười nhìn chàng, nhưng thoáng một cái đã biến mất, chàng thanh niên rảo bước đi tìm lại trượt chân sa vào một cái vòng khác.
“Ối, ối… cứu tôi với, đau quá”, chàng thanh niên đau quá không chịu nổi kêu đến khản cả tiếng, thế nhưng xung quanh bốn bề im lặng như tờ.
Lúc đó, tiên ông lại hiện ra, mỉm cười chậm rãi nói: “Trên đường này không có người nào có thể cứu được anh, anh phải tự cứu lấy mình”.
Không còn cách nào khác, đành phải cố hết sức tự cứu mình, cuối cùng anh cũng thoát ra khỏi cái vòng đó. Lúc này, chàng thanh niên đã mệt mỏi lắm rồi ngồi giữa hai cái vòng thở hổn hển.
“Cái vòng này là vòng gì vậy?”, chàng đắn đo tự hỏi.
“Nó là vòng sắc dục”, cái vòng dưới chân chàng nói.
Sau một lúc nghỉ ngơi, chàng lại hăm hở lên đường, trong lòng cảm thấy tràn trề vui thú bởi vì mình đã thoát được những cái vòng khổ ải đó.
Chàng thanh niên tiếp tục lên đường, nhưng không ngờ lại rơi vào cái vòng tham lam, đố kỵ, thù hận… Sau khi vùng vẫy thoát ra được thì chàng trai khoẻ mạnh trước đây đã trở thành tiều tụy, không còn ra dáng người nữa. Chàng ngẩng đầu nhìn về phía trước mặt đoạn đường còn dài, không nhìn thấy cuối đường đâu cả, chàng không còn dũng cảm để tiếp tục đi hết đoạn đường phía trước.
“Trời ơi! Trời ơi! Tôi không muốn làm người nữa. Hãy trả tôi về như cũ đi!”, chàng trai đau khổ than vãn.
Tiên ông xuất hiện đứng bên cạnh chàng trai.
“Cuộc sống tuy có nhiều đau khổ, nhưng cũng có nhiều vui thú, hạnh phúc sau khi chiến thắng đau khổ. Chẳng nhẽ anh lại thực sự từ bỏ cuộc sống sao? tiên ông hỏi.
“Con đường của cuộc đời có nhiều đau khổ quá, mà vui thích thì lại hiếm hoi, nên tôi quyết định từ bỏ cuộc sống hãy cứ để tôi làm Tượng Đất như cũ đi”, chàng trai trả lời dứt khoát.
“Được đi trên con đường của cuộc đời là một cơ may và cũng là một lần duy nhất để có thể biến Tượng Đất thành người… Nếu đã vậy thì… thôi được!”. Tiên ông muốn nói gì nữa nhưng lại thôi.
“Tôi muốn là Tượng Đất !”, chàng trai nói.
Tiên ông im lặng nhìn chàng trai một lượt từ đầu đến chân, rồi phẩy tay một cái, thế là chàng trai lại biến thành Tượng Đất.
“Ta lại có thể đứng đây ngắm nhìn phong cảnh. Từ giờ trở đi ta không còn phải đau khổ của trần thế nữa!”, Tượng Đất nghĩ như vậy. Nhưng sau đó không lâu một trận mưa to đã biến Tượng Đất thành một đống bùn nhão”. [1]
CHƯƠNG MỘT
TÂN PHÚC ÂM HÓA
VỚI KITÔ HỮU THỜI ĐẠI HÔM NAY
- Tân Phúc Âm Hóa với Kitô hữu thời đại hôm nay.
1.1. Tân Phúc Âm Hóa (New Evangelization).
Thuật ngữ này được Đức Gioan Phaolô II sử dụng lần đầu tiên trong chuyến công du tại Balan mà không có sự nhấn mạnh ý tưởng chuyên biệt nào về vai trò của nó trong tương lai; nhưng sau đó nó đã được sử dụng lại và mặc lấy một sinh khí mới trong Huấn Quyền của ngài cho các Giáo Hội tại Châu Mỹ La Tinh. Ngài dùng thuật ngữ này để đánh thức và khơi dậy lại những cố gắng canh tân trong công cuộc mới về truyền giáo và rao giảng Tin Mừng tại châu lục này:
“Việc kỷ niệm một thiên niên kỷ rao giảng Tin Mừng tại đây hôm nay sẽ có đầy đủ ý nghĩa nếu anh em giám mục, cùng với các linh mục và giáo dân, chọn nó làm lời cam kết của mình; không phải một lời cam kết về một cuộc tái Phúc Âm Hóa, mà là một cuộc Phúc Âm Hóa Mới: mới về nhiệt huyết, phương pháp và cách biểu hiện”
Cho nên “Tân Phúc Âm Hóa” không phải là làm lại một cái gì đã làm không đầy đủ hay không đạt được mục đích, như thể hoạt động mới này là một sự phê phán mặc nhiên về thất bại của cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất.
Tân Phúc Âm Hóa cũng không phải là lại tiếp tục cuộc Phúc Âm Hóa thứ nhất, hay đơn giản là lập lại quá khứ.
Trái lại, đây là một sự dũng cảm mở ra những con đường mới để đáp lại những hoàn cảnh và điều kiện thay đổi mà Hội Thánh đang đối diện trong việc thực thi ơn gọi loan báo và sống Tin Mừng hôm nay.
Từ nay, thuật ngữ này được dùng để chỉ về những nỗ lực canh tân của Hội Thánh để đáp ứng những thách thức mà xã hội và các nền văn hóa hôm nay, qua các thay đổi quan trọng của chúng, đang đặt ra cho đức tin Kitô giáo, cho việc loan báo và làm chứng cho đức tin ấy.[2]
1.2. Những Kitô hữu thời đại hôm nay: lý tưởng và thực tế
Chúng ta đã biết phần nào về tinh thần của các Kitô hữu nguyên thủy, dẫu rằng lý tưởng không bao giờ được thực hiện trọn vẹn tại trần thế này, và Thánh Thần thì không tác động theo một khuôn khổ nhất định. Cần phải ý thức như thế mới nhận ra chân tính của người Kitô hữu. Tuy nhiên, một cách thực tế, chúng ta cũng phải thẩm định xem các Kitô hữu mà chúng ta gặp ngày hôm nay sống đạo ở mức độ nào sau hai mươi thế kỷ Phúc Âm Hóa.
Trong cuộc hành hương trở về nguồn, chúng ta đã tìm được mẫu người Kitô hữu nguyên thủy, là người đã hoán cải, đã đón nhận Đức Giêsu trong mầu nhiệm sâu xa và thân mật của Ngài, đã rộng tiếp Thánh Thần. Người ta cảm thấy thật ngỡ ngàng trước sự tương phản quá rõ ràng giữa người Kitô hữu được thánh Phêrô định nghĩa vào ngày sau biến cố Hiện Xuống và người Kitô hữu mà chúng ta thấy trước mắt, tức người Kitô hữu chúng ta hôm nay. Tương lai Giáo Hội chính là những thành viên mai đây của mình. Công cuộc canh tân cộng đoàn trong Giáo Hội trước tiên tùy thuộc vào các thành phần cấu tạo nên cộng đoàn này như những viên đá của tòa nhà, tức những Kitô hữu hôm nay.
Vậy chúng ta hãy phân tích hiện trạng một cách khách quan hết sức có thể. Ngày nay, khi nói một Kitô hữu là chúng ta nói về ai và về điều gì?[3]
- Việc giữ đạo hôm nay, một phương trình cần xét lại.
Trong nhiều thế kỷ được gọi là chịu ảnh hưởng Kitô Giáo, cách chung người ta cho rằng Kitô hữu trước tiên phải là một người “hành đạo”, nghĩa là một người có đi lễ các ngày Chúa Nhật và năng lãnh nhận các bí tích. Không có ai nghi ngờ gì cả về phương trình này: ai hành đạo thì có đức tin, ai có đức tin thì hành đạo. Đức tin được xét theo dấu chỉ thấy được là việc hành đạo.
Nhưng những cuộc điều tra xã hội học và những cuộc thăm dò cho thấy một thực tế rõ ràng là phải đặt lại vấn đề về giả định ấy trong công việc mục vụ của chúng ta. Ngọn gió của trào lưu tục hóa đã lay động cây cối. Những cành cây xem ra sống động sum xê giờ đã bị gẫy lìa. Khắp nơi việc thực hành các nghi thức tôn giáo đã xuống dốc, nhất là nơi giới trẻ. Chúng ta không chỉ đứng trước hiện tượng số lượng mà cả vấn đề chất lượng nữa. Vậy trong Kitô giáo, phẩm chất và chân tính Kitô hữu khi được sống đích thực là gì ?
Một cuộc thăm dò những người Công Giáo Pháp cho thấy một sự kiện báo động:
- 95% muốn có nhà thờ, nhưng phần lớn lại chẳng hề bước chân tới.
- 88% đòi cho con họ chịu phép Rửa Tội,
nhưng hơn một nửa không biết Đức Giêsu.
- 2/3 không tin Đức Giêsu đã phục sinh.
Những sự kiện này cho thấy cách sống sượng một tình trạng có thật. Vị Giám Mục Pháp cho tôi biết những dữ kiện trên, đã tiếp tục phân tích:
“Một ngày nào đó ta sẽ quyết định rút ra những hệ quả hợp lý từ những nghiên cứu này; nếu không thì ta sẽ lại tiếp tục ban bí tích cho những kẻ không có đức tin, và tiếp tục cử hành thánh lễ hôn phối hay an táng cho những người đến tham dự mà trong lòng bực bội hay chế diễu (tôi nói đến thánh lễ, đỉnh cao của đức tin chứ không nói đến phụng vụ Lời Chúa mà nếu được thực hiện tốt có thể là một phương thế truyền đạt giáo lý). “Sancta Sanctis” (điều thánh thiện phải dành cho những người thánh). Các sự việc của Thiên Chúa phải dành cho những ai có đức tin. Bí tích phải dành cho kẻ nào tin và thực sự lên đường.
“Phải can đảm dẹp đi những ảo tưởng. Chúng ta đã thực hiện công đồng Vaticanô II trong niềm tin rằng các Kitô hữu tự bản chất được kêu gọi làm người truyền giáo. Nhưng đáng lẽ phải giúp cho họ tin đã. Công cuộc canh tân mà công đồng Vaticanô II mong đợi bị trì trệ, những người sống đạo bị tan đàn, những kẻ bài bác vai trò ngôn sứ ngày càng nhiều lên, những Kitô hữu muốn được trấn an thì chủ trương quay về quá khứ… Sở dĩ tất cả điều ấy xảy ra là vì người ta đã ngây thơ tin rằng ai cũng đều chấp nhận và sống sứ điệp Kitô giáo nền tảng (tức là lời chứng kinh nghiệm đức tin: tôi tin vào Đức Giêsu Kitô, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế). Nhưng thực ra chỉ có một số người chấp nhận và sống mà thôi”[4]
Nếu so sánh hình ảnh người Kitô hữu nguyên thủy với hình ảnh của rất nhiều người Kitô hữu hữu danh hơn là hữu thực ngày nay, ta sẽ thấy ngay sự tương phản đập ngay vào mắt, và phải đặt ngay vấn đề triệt để cho mọi cuộc canh tân trong Giáo Hội. Công đồng Vaticanô II là một Công Đồng mang tính cách mục vụ, nghĩa la một Công Đồng mong ước là cho Hội Thánh thích ứng với những yêu cầu thời đại, cả bên trong lẫn bên ngoài. Giả thiết mà Công Đồng dùng làm khởi điểm là Giáo Hội bao gồm những Kitô hữu đích thực hay ít ra đang cố gắng trở nên như vậy. Nhưng những dữ kiện nêu trên buộc chúng ta phải xem lại giả thiết ấy. Phải đặt lại vấn đề một lần nữa: khi nói về người Kitô hữu là chúng ta nói cái gì và nói về ai ?
Câu chất vấn ấy làm ta khó chịu: một cách tổng quát, Kitô hữu hôm nay có thực sự là những tín hữu có một đức tin thiết thân, dấn thân và đúng thực không ?
Chúng ta có phận vụ phải xem xét lại các cấu trúc của Giáo Hội trên nhiều bình diện khác nhau, phải làm việc này và việc này phải lâu lắm mới hoàn tất. Nhưng hôm nay, ngay cả nền tảng đức tin cũng bị đặt thành vấn đề. Chúng ta vốn biết rằng Giáo Hội chỉ có ý nghĩa là nhờ Đức Kitô. Đức Kitô chỉ có ý nghĩa nếu Ngài là Con duy nhất của Thiên Chúa. Và Thiên Chúa chỉ có nghĩa nếu Ngài là Thiên Chúa có ngôi vị và sống động. Than ôi, tất cả những điều ấy đều bị lung lay, bị đặt lại vấn đề.
Nơi nhiều người, đức tin đã bị sói mòn tận căn. Họ cần phải tái khám phá lại ngay nơi trọng tâm của sứ điệp Kitô giáo.
Chúng ta đã quá chú trọng việc “cử hành bí tích”, mà không chú trọng đủ vấn đề “sống và loan truyền Tin Mừng”. Sự thiếu sót này bùng nổ ở tầm mức lục địa, khắp nơi ai cũng thấy người Kitô hữu không sống phù hợp với đức tin của họ.
Trước tình trạng khẩn cấp này, những tranh cãi nội bộ của chúng ta, dù thiên hữu hay thiên tả, không mang lại một cái gì sáng sủa hơn. Chúng ta cần phải tìm lại những đặc tính của người Kitô hữu. Sứ mạng của chúng ta không phải là phê phán cá nhân ai, mà là can trường bảo toàn lý tưởng Kitô giáo. Chúng ta phải trình bày Tin Mừng đúng với bản chất của Tin Mừng, là cho thế gian biết Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, cùng những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi những kẻ tự nhận mang danh Ngài trước mặt thiên hạ.
Chúng ta phải mời gọi các Kitô hữu ngày nay càng ý thức sống động hơn về đức tin của họ, gắn bó với Thiên Chúa ngày càng khắn khít hơn. Phải giúp một số Kitô hữu chuyển từ thứ Kitô giáo ít nhiều mang tính xã hội sang thứ Kitô giáo trọn nghĩa. Thứ Kitô giáo được cha mẹ truyền lại chủ yếu do sinh sản và giáo dục cũng phải trở thành thứ Kitô giáo chính mình lựa chọn, dựa trên quyết định của bản thân và việc nhận thức rõ ràng lý do chọn lựa như thế. Tertulianô đã nói lên điều ấy: “Fiunt, non nascuntur christiani”, nghĩa là không phải mình sinh ra là Kitô hữu, mà mình trở thành Kitô hữu.[5]
- Hướng đến một kiểu mẫu Kitô hữu mới.
Vậy mấu chốt của vấn đề là có biết bao nhiêu Kitô hữu hữu danh vô thực, làm thế nào để biến họ thành Kitô hữu đích thực ? Làm sao để Phúc Âm Hóa một thế giới vốn đã chịu ảnh hưởng Kitô giáo từ lâu ? Cần phải làm sao để Kitô giáo mà người ta đã tự do lựa chọn được phát triển, trong đó người Kitô hữu phải :
– Trở về với Đức Kitô với tất cả quyết định sáng suốt của mình.
– Chính mình thừa nhận những bí tích đã đưa mình vào Kitô giáo là Phép Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể.
– Biết cởi mở trong đức tin để đón nhận Thánh Thần và các ơn huệ của Ngài, hầu đáp ứng với định mệnh siêu nhiên mà Thiên Chúa dành cho mình.
Đó là vấn đề trọng tâm của mọi công tác mục vụ và là điểm tương phản rõ rệt giữa Kitô hữu hữu danh vô thực và Kitô hữu đích thực. Chúng ta phải xem xét vấn đề này. Người ta không trách các Kitô hữu vì họ là Kitô hữu, mà vì họ không sống đúng như người Kitô hữu.
Một Giáo Hội chỉ lo thực thi chuyên cần các bí tích thì chưa đủ, mà trước tiên phải biết tuyên xưng đạo của mình. Chúng ta phải công bố Đức Giêsu Kitô trong thế giới hôm nay, làm chứng cho niềm tin của chúng ta vào Ngài.
Đức Giêsu từng nói: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời”(Mt 10,32). Chúng ta cần những Kitô hữu tin vào Đức Giêsu, Con duy nhất của Chúa Cha, và công bố đức tin của họ vào sự sống lại và vào tác động của Chúa Thánh Thần. Đồng thời thực thi niềm tin này vào trong mọi chiều kích của cuộc sống họ.
Tóm lại, người ta đòi hỏi một Giáo Hội gồm những người tự nguyện, những người thể hiện mạnh mẽ sự tự do của con cái Thiên Chúa. Các bổn phận Kitô hữu không phải giống như những lệnh truyền độc đoán áp đặt từ bên ngoài, nếu không thi hành thì mắc tội trọng, mà giống như những đòi buộc từ thâm tâm, những mệnh lệnh phát sinh từ bản chất đức tin.
Giáo Hội ấy, Giáo Hội của ngày mai, sẽ càng ngày càng trở thành một Giáo Hội gồm các Kitô hữu sống tâm tư lưu đày giữa xã hội chung quanh, như hình ảnh cha Karl Rhaner từng tiên đoán. Giáo Hội ấy đang ngày càng thành hình rõ rệt hơn.[6]
- Những câu hỏi và những lời chất vấn cho một Kitô hữu đích thực hôm nay.
Điều ấy đòi buộc chúng ta phải xem xét rạch ròi lương tâm của mình. Nếu tôi tự xét mình, tôi phải đặt ra cho tôi câu hỏi:
– Tôi có thực sự hoán cải, nghĩa là tôi có chấp nhận cuộc sống với tâm hồn trở về với Thiên Chúa, tức Metanoia không? Hoán cải không chỉ là diệt trừ tội lỗi, dĩ nhiên ưu tiên là thế, nhưng ngày ngày còn phải từ bỏ lối suy nghĩ, quan điểm, thái độ rụt rè, và những tiêu chuẩn thường tình của mình.
– Tôi có thực sự chấp nhận Đức Kitô “là đường, là sự thật và là sự sống” của tôi không? Và lời nói lạ lùng của Phaolô, tôi có thể nói như ngài :”không còn phải là tôi sống, mà là Đức Kitô sống trong tôi không (Gl 2,20) ?
– Tôi có dám quả quyết rằng tôi thật sự tin như thế cho dẫu phải chấp nhận hệ quả của niềm tin ấy không ?
– Tôi có thực sự chấp nhận để Đức Kitô “Kitô Hóa”, để Thánh Thần “Thần Hóa” tôi một cách trọn vẹn không ? Tôi có tin Thánh Thần và các đoàn sủng của Ngài hiện nay cũng có thực như thế kỷ đầu tiên không ?
– Khi tôi thụ phong, Đức Giám Mục chủ phong đã ủy thác cho tôi sứ mạng làm mục tử “trong sức mạnh của các điềm thiêng dấu lạ”. Tôi có tin rằng Đức Giêsu đòi hỏi tôi phải phó thác cho Thánh Thần Ngài tới mức đó không ?
Người Kitô hữu của ngày mai chỉ có thể đương đầu với tương lai nếu được chúng ta truyền lại một thứ Kitô giáo hùng mạnh, đầy sức sống, dựa trên quyền năng của
Thánh Thần, được bóng Ngài che phủ và có khả năng thực hiện “những điềm thiêng dấu lạ”. Những điều ấy chứng tỏ chúng ta luôn luôn sống trong niềm phấn khởi của biến cố Hiện Xuống.
Chúng ta phải đọc lại Tin Mừng về cảnh tượng ở Nagiarét : Đức Giêsu áp dụng cho chính Ngài lời Isaia về việc Thánh Thần ngự xuống trên Ngài trước khi Ngài đem Tin Mừng đến với muôn dân (Lc 4,18). Phải nghe lại mệnh lệnh Đức Giêsu truyền cho các Tông Đồ trước khi sai họ đi chinh phục thế gian: “Vậy anh em hãy ở lại trong thành cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống”(Lc 24,49).
Phải chậm rãi đọc từng trang quyển giáo lý đầu tiên bằng hình ảnh này, đó là sách Tông Đồ Công Vụ. Chúng ta thấy trong trong sách ấy hình ảnh Phêrô đang nói với đám đông. Ông trầm tĩnh quả quyết lời tuyên sấm của ngôn sứ Giôen, đã được ứng nghiệm trước mắt họ, khi ông loan báo: “Thiên Chúa phán: Ta sẽ đổ Thánh Thần Ta trên hết thảy người phàm, con trai con gái các ngươi sẽ trở thành ngôn sứ. Ta cũng sẽ đổ Thánh Thần Ta cả trên tôi nam tớ nữ của Ta. Ta sẽ cho xuất hiện những điềm thiêng trên trời cao “ (Cv 2,17-18). Phêrô nhắc lại cho họ về Đức Giêsu Nagiarét” “Đức Giêsu Nagiarét là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mạng của Người, Thiên Chúa đã cho người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó”(Cv 2,22). Thời ấy Kitô giáo được sống như một chứng nghiệm.
Dưới ánh sáng các đoạn văn được linh ứng trên, chúng ta phải làm sáng tỏ khái niệm Kitô hữu “chuẩn mực”. Phải dẹp đi nỗi sợ hãi trước những gì thuộc về Thánh Thần mà chúng ta có khuynh hướng cho là “quá đáng”.
Phải thay đổi cách dùng từ ngữ của chúng ta, đừng gọi sợ hãi là thận trọng, cũng đừng cho thái độ ngập ngừng trước những gì vượt quá sức chúng ta là khôn ngoan. Có làm được như thế, chúng ta mới có thể xác định rõ chân tính của mình, có thể tuyên dương chân tính Kitô hữu “bằng hành động và trong sự thật”, và truyền trao chân tính đó lại nguyên vẹn cho các Kitô hữu ngày mai, tiếp nối chúng ta.[7]
—
[1] Giang Văn Toàn, Tâm Hồn, trg.155-158
[2] Lineamenta 5
[3] Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, trg.145-146
[4]Mgr G.Huyghe, Eglise d’Arras, số 2, 197
[5] Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, trg.147-149
[6] Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, trg.150-151
[7] Hồng Y LJ Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, trg.160-162