Tân Phúc Âm Hóa Cuộc Sống Đời Thường – Chương 6: Bí quyết sống trọn vẹn giây phút hiện tại

CHƯƠNG SÁU

BÍ QUYẾT

SỐNG TRỌN VẸN GIÂY PHÚT HIỆN TẠI

1. Bí quyết sống trọn vẹn giây phút hiện tại bằng phương thế tự nhiên

1.1. Trở thành những con người có nghị lực.

1.1.1. Người chỉ biết ước mơ khác với con người thực hiện

Thành tựu không phải là kết quả của những dịp may. Điều khác biệt quan trọng giữa người làm được và người không làm được rất hiếm khi là do may rủi. Nó chỉ đơn thuần là người làm được thì đã làm nó còn người kia thì mơ về nó.

Nói chúng ta sắp làm gì, hay ước muốn làm gì, thì thật quá dễ. Mơ mộng hão huyền. Lập kế hoạch, nói, chuẩn bị làm.

Nhưng vấn đề là thật sự thực hiện nó – cái đó mới là điều phân biệt giữa người thắng cuộc với người ước mơ.

Có bao nhiêu người đang có một quyển sách trong đầu chờ được viết? Các thư viện không thể chứa hết được tất cả tiểu thuyết được nếu bất chợt mỗi tác giả hy vọng thành đạt nào cũng thật sự có viết ra một quyển.

Trong tiếng Mỹ, chỉ có một từ giúp phân biệt người làm được mọi việc và người không: “Do” – Hãy làm đi.

Giống như ai đó đã từng dùng ngòi bút để kiếm sống, tôi cũng có câu cảnh báo này để ở trên bàn làm việc. Câu đó như thế này:

“Dự tính viết không phải là viết. Nghĩ đến viết không phải là viết. Nói về viết không phải là viết. Nghiên cứu để viết, phác thảo để viết – chẳng có cái nào là viết cả. Viết tức là viết”.

Nguyên tắc này áp dụng được cho mọi thứ: Làm tức là làm. Chỉ có như vậy thôi. Không có cách nào khác cả.

Thế giới đang sẵn sàng và chờ đón những người chuyển ước mơ thành hiện thực, nhưng nhiều khi chúng ta tránh né để chờ người khác làm thay như câu chuyện Nhà Rùa.[1]

Một hôm, gia đình Nhà Rùa và những người bạn quyết định đi picnic. Với bản tính chậm chạp của mình, chúng mất bảy năm để chuẩn bị mọi thứ và lên đường. Nhưng như vậy nào đã xong, chúng mất thêm hai năm nữa để tìm ra một chỗ cắm trại như ý, rồi thêm sáu tháng mới dọn dẹp và bày biện xong đồ đạc.

Nhưng rồi, nhóm Rùa phát hiện ra rằng chúng đã quên mang theo muối.

Một chuyến picnic mà không có muối thì chẳng còn gì là thú vị. Làm sao để ăn trái cây hay ăn bánh mì đây chứ? – Chúng ngán ngầm bảo nhau như vậy.

Sau hơn một tháng tranh cãi, cuối cùng Rùa Nhí – một chú rùa trẻ nhất, nhanh nhẹn nhất được giao nhiệm vụ quay về nhà lấy muối.

Vừa nghe vậy, Rùa Nhí đã giãy nảy từ chối. Chú run rẩy thân hình trong chiếc vỏ, lắc đầu nguầy nguậy tỏ ý không đồng tình.

Nhưng rốt cuộc, trước sự thuyết phục của tất cả mọi người, Rùa Nhí cũng đồng ý đi về nhà lấy muối với một điều kiện: Cả nhóm rùa ở lại không được phép ăn bất cứ thứ gì trước khi chú quay trở lại.

Họ nhà rùa đành phải đồng ý và Rùa Nhí bắt đầu lên đường.

Nhưng rồi đã ba năm trôi qua mà Rùa Nhí vẫn chưa quay lại. Rồi năm năm… chín năm, rồi mười bảy năm.

Cuối cùng rùa bô lão không thể nhịn đói được nữa, bèn cắn một miếng bánh sandwich cho đỡ đói.

Đúng lúc đó, Rùa Nhí – giờ đã già và gầy đi nhiều sau hơn mười bảy năm vắng mặt – đột ngột thò đầu ra từ một lùm cây, hét lên the thé:

Đó… đó… tôi biết mà! Tôi biết là mọi người sẽ không đợi mà sẽ ăn trước khi tôi quay lại mà. Thôi thôi, tôi không đi lấy muối nữa đâu…

Rất nhiều người trong chúng ta lãng phí thời gian để chờ đợi người khác thực hiện những điều mình mong muốn thay vì bắt tay vào làm. Và cũng có những người quá lo lắng về những gì người khác đang làm khi vắng mặt mình đến nỗi không bao giờ làm được gì cho bản thân mình cả! [2]

1.1.2. Hãy làm ngay đừng trì hoãn.

Cách đây không lâu, nhân viên kế toán nọ gọi điện cho tôi, thông báo công việc bị chậm và đưa ra một lý do vớ vẩn nhất, rằng: Công việc đó phức tạp và đòi hỏi nhiều thời gian. Hẳn bạn cũng đồng ý với tôi điều này vô lý đến nực cười. Nó làm cả hai người bực bội một cách không đáng có. Nó ngầm ý rằng cô ta sẽ còn tiếp tục thiếu thời gian và chậm trễ.

Mọi công việc đều đòi hỏi một khoảng thời nhất định. Xây một căn nhà, viết một quyển sách, làm báo cáo hay việc vặt trong văn phòng đều như nhau. Ngoại trừ một số ít các trường hợp ngoài ý muốn – không kiểm soát nổi, đa phần bạn đều có thể tính toán trước thời gian mình cần để hoàn thành một công việc.

Người kế toán tôi kể trong ví dụ trên đây biết công việc lần này phức tạp, biết mình phải dành thêm thời gian cho nó. Cô còn biết rõ ngày mình phải hoàn thành. Thế nhưng cô đã trì hoãn quá lâu trước khi bắt đầu. Và thay vì nhận lỗi, cô ta lại đưa ra cái cớ: “công việc quá phức tạp!”.

Cả trong công việc lẫn cuộc sống hàng ngày, khá nhiều người có thói quen này. Có người luôn luôn trễ: Từ đưa con đi học, đi đến văn phòng cho đến nấu ăn tối đãi khách… Nhưng điều nực cười là họ sẽ đưa ra ngay một lý do: “Tại tôi có tới ba đứa con”, “Tại tôi phải ngừng tới hai lần đèn đỏ”, “Tại nấu ăn cho khách nhiều việc quá”.

Dĩ nhiên, tôi không phủ nhận công việc vốn khó khăn. Nhưng trong tất cả các ví dụ trên bạn đều đã tính toán trước khó khăn gì mình sẽ trải qua. Bạn biết mình có ba đứa con và biết phải mất bao lâu để chuẩn bị cho chúng trước khi đến trường. Bạn cũng biết từ nhà đến văn phòng mất bao nhiêu thời gian và càng biết rõ nấu ăn đãi khách mất nhiều công sức hơn. Vì thế những cái cớ theo kiểu “tôi không đủ thời gian” này chỉ để bạn lừa phỉnh chính bản thân và ngầm khẳng định lần sau, mình sẽ lại tiếp tục trễ.

Cách duy nhất bỏ thói quen này là bạn phải tự công nhận một điều, rằng trong hầu hết mọi trường hợp, bạn đều có thời gian, nhưng bạn đã bắt đầu quá trễ. Bạn phải tiến hành sớm hơn, dành thời gian dôi ra một chút để mình không hấp tấp vội vã. Nếu bạn thường xuyên chậm trễ năm hay ba mươi phút, bạn phải bắt đầu sớm hơn với khoảng thời gian tương ứng năm hay ba mươi phút, tránh căng thẳng cho bản thân và người xung quanh.

Thời hạn tôi phải hoàn thành cuốn sách, ví dụ là ngày 1 tháng 9. Tôi đã biết điều này từ sáu tháng trước. Vậy bạn nghĩ sao, nếu tôi chờ đến ngày 15 tháng 7 mới bắt đậu viết? Hẳn tôi lẫn nhà xuất bản đều phải căng thẳng, bực bội. Chưa kể trong lúc vội vã, tôi làm sao viết ra một tác phẩm hay? Thế nhưng đây chính là điều nhiều người thường mắc phải. Họ chần chừ, trì hoãn trước khi bắt đầu để rồi sau này phàn nàn.

Tưởng tượng nếu bạn có thể bắt đầu mọi việc sớm hơn đôi chút, cuộc sống của bạn sẽ nhẹ nhàng hơn biết bao. Bạn sẽ không phải vội vã, phải chạy từ đề án này qua công việc khác, bạn cũng không phải lái xe như điên để kịp ra đến sân bay hay đến công ty mà thay vào đó, bạn thong dong hơn.

Đây có thể nói là lời đề nghị đơn giản nhưng rất quan trọng. Khi đã có thói quen mới – luôn bắt đầu tiến hành mọi việc sớm hơn một chút, cuộc sống của bạn sẽ trở nên nhẹ nhàng và trôi chảy.[3]

1.1.3. Khắc phục thái độ lề mề, chậm trễ

– Thói lề mề, chậm trễ

Những người lười biếng có một đặc điểm chung là lề mề. Việc hôm nay nhưng cứ dây dưa sang ngày mai, đó là một thói quen tệ hại. Đối với một người khát khao thành công thì lề mề là thói xấu nguy hiểm nhất vì nó khiến cho con người mất đi lòng cầu tiến. Lề mề, rất có khả năng sẽ trở thành cố tật đến suốt cuộc đời. Cách duy nhất để giải quyết thói lề mề là phải lập tức hành động. Khi bạn bắt đầu làm việc, cho dù là bất cứ việc gì bạn sẽ rất ngạc nhiên phát hiện ra rằng trạng thái bản thân sẽ chuyển biến nhanh chóng.

Người quen thói lề mề rất có tài trong việc tìm cớ để trốn tránh. Họ dễ dàng nghĩ ra bao nhiêu lý do để biện hộ cho việc mình không muốn làm, nhưng lại không nghĩ đến những lý do để công việc phải hoàn tất. Tán đồng với những thứ kiểu “Việc khó quá, đắt quá, tốn thời gian quá…” chứ không muốn tin rằng “ chỉ cần chúng ta cố gắng hơn, tích cực hơn, có niềm tin mạnh mẽ hơn thì có thể làm được bất cứ việc gì…”.

Nếu bạn phát hiện bản thân thường xuyên tìm lý do cho những việc chưa làm xong, hoặc cố nghĩ ra hàng trăm nguyên nhân để giải thích tại sao công việc không hoàn thành đúng hạn thì bạn cũng nên tự chất vấn bản thân mình. Đừng tiếp tục biện hộ, tốt hơn hết là hãy hành động!

Lề mề phí hoài cuộc sống. Trong cuộc sống thường ngày chúng ta thường xuyên gặp thói lề mề, nếu bạn ghi lại được khoảng thời gian diễn ra trong một ngày thì bạn sẽ thật ngạc nhiên nhận ra rằng thói lề mề chậm chạp đang âm thầm lãng phí cuộc sống của chúng ta.

Thói lề mề là do sự lười biếng của con người. Mỗi khi bản thân phải cực nhọc hoặc phải quyết định điều gì đó, chúng ta cứ hay tự tìm cớ này nọ để an ủi bản thân, muốn sao cho bản thân càng ít cực nhọc càng tốt. Có những người có thể nhanh chóng dẹp ngay suy nghĩ này trong đầu để tích cực và chủ động đối mặt với khó khăn. Nhưng cũng có người chìm trong những mâu thuẫn, phân vân khó xử không thể quyết định được… Và thời gian cứ thế trôi qua.

Sáng sớm bạn bị tiếng chuông đồng hồ báo thức kéo ra khỏi giấc mộng đẹp, đầu óc nghĩ đến những dự định của bản thân nhưng cũng khó lòng cưỡng lại được chiếc chăn ấm áp. Một mặt không ngừng nhắc nhở bản thân: phải dậy thôi; nhưng mặt khác lại không ngớt tìm lý do cho bản thân thêm năm phút nữa. Và rồi cứ đấu tranh mãi như thế, năm phút nữa, mười phút nữa…

Lề mề chậm chạp là thoả hiệp với thói lười biếng, lâu ngày sẽ thành thói quen, ý chí sẽ bị xói mòn, bản thân ngày càng mất lòng tin, hoài nghi năng lực của chính mình, lý tưởng của chính mình, nghiêm trọng hơn là khiến tính cách trở nên mềm yếu và thiếu quyết đoán.

Lề mề chậm chạp cũng có lúc là do tính toán quá nhiều, do dự mãi mà không quyết được.

Người ta thích viện cớ để thoái thác nhưng lại không tìm tòi suy nghĩ để thực hiện tốt công việc, và đó là một việc kỳ lạ. Giá như những người suốt ngày chỉ nghĩ cách thoái thác đó, chỉ cần dành ra phân nửa sức lực và trí thông minh để nghĩ cách làm tốt công việc thì họ cũng có thể đạt được những thành công không nhỏ.

Phải khắc phục sự lề mề chậm chạp, loại bỏ nó ra khỏi bản thân. Thói quen dây dưa những việc đáng ra phải làm từ hôm qua, tuần trước hoặc thậm chí cả vài năm trước đến tận hôm nay mới làm đang nuốt chửng ý chí của bạn, nếu bạn không kiên quyết loại trừ thói xấu đó thì bạn khó mà đạt được thành tựu.[4]

– Khắc phục thái độ lề mề, chậm trễ.

Thật lòng mà nói, không có thuốc chữa cho thói quen làm việc lề mề. Một số chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu thói quen trì hoãn và làm hao phí thời gian đã thú nhận rằng hầu hết khách hàng tìm đến họ đều không khắc phục được thói quen tiêu cực đó. Nhưng một số người có tiến bộ ít nhiều nhờ theo các bước sau:

Bước 1: Quyết định xem bạn thật sự có muốn làm công việc đó không. Có thể, lợi ích thu được từ công việc đó không xứng với công sức của bạn.

Bước 2: Nếu bạn muốn làm công việc đó, bạn có muốn thực hiện nó ngay bây giờ không hay là sắp xếp vào lịch làm việc?

Bước 3: Xác định thời điểm mà bạn muốn trì hoãn công việc (thường xảy ra khi bạn nhận thấy mình cần làm công việc này hoặc khi bạn làm đến phần khó khăn của công việc). Vào ngay lúc đó, hãy nói to: “Dừng lại!” để tự làm mình tỉnh người ra, tập trung được năng lượng và quay lại kỷ luật làm việc.

Đó là khi bạn phải tin rằng: “Bây giờ mình muốn có năng suất thay vì cứ nhởn nhơ”. Sau khi bắt đầu, bạn sẽ thấy công việc rất dễ dàng được tiếp tục. Nếu bước này vẫn chưa hiệu quả, hãy thực hiện bước 3A.

Bước 3A: Hãy tự hỏi mình: “Điều gì đang khiến mình làm công việc này một cách miễn cưỡng?”

Câu trả lời của bạn sẽ là “Vì nó khó quá!” hoặc “Mình thích làm một cái gì đó vui vẻ hơn”. Bấy giờ hãy giải quyết vấn đề như sau:

  • Cứ cho rằng bạn đang sợ công việc này quá khó. Hãy nhắc nhở bản thân bạn luôn có thể chia vấn đề thành nhiều phần nhỏ. Và khi nào đụng đến phần khó khăn, bạn hoàn toàn có thể nhờ ai đó trợ giúp.
  • Nếu bạn bị cuốn hút vào một cái gì đó thú vị thay vì một công việc khô khan, hãy tự hỏi mình liệu sự thoải mái trong chốc lát có xứng đáng được nhận hiệu quả lâu dài không? Bạn sẽ tự có câu trả lời

Nếu bạn không mong muốn nhận một công việc nào đó vì bạn tin rằng mình không có đủ khả năng thì hãy hỏi lòng mình điều đó có thật hợp lý chưa. Nếu đúng, thì học hỏi hoặc rèn luyện thêm hoặc thay đổi công việc. Nếu thật ra đó chỉ là sự e ngại thoáng qua, hãy nhìn nhận nó và mạnh dạn dành lấy công việc.

Bước 4: Cam kết phải cố gắng ở một mức nho nhỏ nào đó, chẳng hạn, bạn phải gọi ba cuộc điện thoại cho khách hàng trong buổi sáng. Làm việc với năng suất cao suốt thời gian này.

Bước 5: Khi đã lao vào việc, hãy hỏi xem nó có đáng để hoàn tất luôn không.

Bước 6: Dành hẳn một thời gian để thư giãn hoàn toàn và không áy náy về công việc còn trì hoãn! [5]

1.1.4. Làm việc với hết khả năng.

Làm việc với hết khả năng tốt nhất của mình, bạn sẽ cảm thấy mình đang sống cuộc đời cách mãnh liệt. Bạn sẽ thấy bản thân bạn rất phong phú và tuyệt vời đối với chính bạn, bởi vì bạn đang dâng tặng con người bạn cho gia đình, cho cộng đồng và cho mọi sự.

Hãy làm việc! Vâng, làm việc sẽ giúp bạn cảm nhận được niềm vui cách sâu xa. Làm việc với tất cả khả năng của mình có nghĩa là bạn đang hoạt động. Làm việc hết sức mình đồng nghĩa với hoạt động đích thực. Bạn làm hết sức mình bởi vì bạn yêu thích chính công việc đó, chứ không phải vì bạn trông đợi một phần thưởng nào cả. Phần lớn con người chúng ta làm việc hoàn toàn ngược lại: chúng ta làm việc và trông chờ một phần thưởng nào đó, do vậy, chúng ta không lấy gì làm vui thú trong chính những công việc mà chúng ta đang đảm nhận. Đây là nguyên do tại sao chúng ta không làm việc với hết khả năng tốt nhất của mình!

Trái lại, nếu bạn làm việc chỉ vì chính công việc ấy mà không mong chờ phần thưởng, bạn sẽ thích thú với từng công việc của mình. Bởi như thế, bạn không bị phần thưởng chi phối tâm trí bạn. Phần thưởng rồi sẽ đến thôi! Thậm chí bạn có thể giành được kết quả nhiều hơn bạn tưởng.

Vậy, hãy lấy làm thích thú với những gì bạn đang làm, và làm với hết khả năng mình, bạn sẽ thấy cuộc đời thật thú vị, và đó là cách bạn tận hưởng cuộc sống. Bạn vui vẻ, không chán nản; không có gì bạn phải thất vọng cả. [6]

1.1.5. Chúng ta chưa làm việc với hết khả năng vì chưa tin tưởng ở mình và vì chưa tin tưởng đủ ở mình nên chưa khám phá ra hết những khả năng của mình

Hãy tin tưởng vào chính trí tuệ hay tinh thần của  bản thân. Hãy tin tưởng vào kinh nghiệm học hỏi, phán đoán, quyết định của mình. Một người luôn nghi ngờ bản thân sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải đối mặt với những lựa chọn trong cuộc sống.

Cả cuộc đời tôi chỉ có một việc duy nhất đó là theo đuổi các giá trị. Để theo đuổi các giá trị tôi cần phải quí trọng những gì mình đã có – cái tôi của mình. Nếu tôi không cảm thấy mình đáng nhận được sự thành công hay hạnh phúc thì tôi sẽ không bao giờ đạt được nó và không có cơ hội tận hưởng nó. Có những người cho rằng họ có khả năng nhưng không có giá trị, vì thế họ cứ làm việc và làm việc, không nghỉ ngơi và tận hưởng những gì mình đã làm.

Những người không tin vào khả năng và giá trị của mình thường có xu hướng sợ người khác và hậu quả là họ dễ rơi vào trạng thái đối lập với mọi người. Họ được coi như là mối đe doạ với người khác.

Ngược lại, nếu chúng ta tin tưởng vào khả năng và giá trị của mình chúng ta sẽ ít bị ảnh hưởng bởi tư tưởng “mọi người đều chống lại mình”. Chúng ta dễ dàng xây dựng mối quan hệ hợp tác và nhất trí, ít nhất nó cũng có cơ hội tốt để tránh được định mệnh này.[7]

Bạn biết không, một nghiên cứu cho biết rằng: Người bình thường như chúng ta, thường chỉ dùng không tới 30% những khả năng của mình. Phần khả năng chúng ta không dùng hay chưa dùng đến có lẽ vì chúng ta chưa nhận ra chúng nơi chính mình, thiếu xác tín về những khả năng đó, hoặc không tận dụng hết, hoặc dùng một cách cẩu thả, phí phạm… Nếu chú ý, bạn sẽ nhận ra rất nhiều năng lực nơi chính bản thân, nhưng khi nhận ra rồi bạn phải thừa nhận là bạn sở hữu chúng. Điều quan trọng sau cùng là khai thác cũng như làm phát triển tối đa những tiềm năng, những sức mạnh hay nói cách khác là sự giàu có, phong phú của chính minh.

Ví dụ: Một số người không biết là mình có tài buôn bán xoay sở tài tình, nếu gia đình không gặp cơn túng thiếu khiến họ phải lăn xả vào cuộc sống!

Một số người khi gặp nghịch cảnh mới biết là sức chịu đựng của mình thật tuyệt vời…Nếu ông thủ trưởng không đi vắng thì khả năng điều hành và tổ chức của bạn có thể vẫn bị chôn vùi.[8]

1.1.6. Để khám phá ra tài năng của mình, chúng ta phải biết kiên nhẫn.

+ Ít ai biết rằng Robert Frost, nhà thơ nối tiếng của Mỹ, người đã bốn lần đoạt giải “nhà thơ xuất sắc nhất trong năm”, người có tác phẩm được xuất bản và phát hành trên 22 thứ tiếng, đã phải miệt mài lao động và sáng tác trong âm thâm lặng lẽ suốt 25 năm. Hai mươi lăm năm sống ẩn dật vô danh, không ai biết đến, để rồi trở thành một nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy trên văn đàn của thế giới. Điều đó đòi hỏi phải có một nghị lực phi thường và lòng đam mê tột cùng mới có thể làm được!

+ Nhà phát minh vĩ đại Albert Einstein đã từng phát biểu:

“Tôi tư duy từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng khác, và từ năm này sang năm khác. 99 lần tôi kết luận sai, và đến lần thứ 100 thì tôi đúng”.

+ Sau Thế chiến thứ II, phóng viên chiến trường William Shirer quyết định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Ông đi nhiều nơi, thu thập nhiều tài liệu và viết rất hăng say trong 12 năm. Nhưng thật không may, sách của ông bán rất chậm. Sách bán ế ẩm, lại chi phí nhiều cho những lần đi thực tế, William gần như khánh kiệt. Thế nhưng, ông vẫn không nản lòng, vẫn say mê viết và in sách. Tập bản thảo mới dày gần 1.200 trang đã hoàn thành nhưng không ai trong số bạn bè, nhà xuất bản, biên tập viên ủng hộ ông. Và cũng không ai có thể ngờ rằng sau này cuốn “Những thăng trầm của cuộc sống”, trong lần phát hành đầu tiên đã chiếm ngay vị trí đầu trong bảng xếp hạng “mười quyển sách bán chạy nhất trong năm”.

+ Với danh ca Luciano Pavarotti thì thời gian chính là người bạn đồng hành thân thiết nhất. Sau khi tốt nghiệp đại học, Pavarotti rất phân vân không biết nên theo nghe giáo viên đã học, hay trở thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Anh đã hỏi xin ý kiến của cha mình. Cha của Pavarotti trả lời:

“Con trai, nếu cùng một lúc con muốn ngồi trên cả hai chiếc ghế, thì con sẽ rơi giữa hai chiếc ghế đó. Đừng bao giờ quên rằng con chỉ có thể ngồi trên một chiếc ghế mà thôi!”

Những lời nói của cha đã tiếp thêm sức mạnh cho Pavarotti. Anh quyết định chọn nghề ca hát. Phải mất thêm hai năm học thanh nhạc, rồi bẩy năm hát ở các tụ điểm, sân khấu nhỏ với món tiền cát sê ít ỏi, Pavarotti mới chính thức được đứng trên sân khấu trong nhà hát lớn của thành phố. Và ông đã thành công vói sự chọn lựa của mình.

+ Nhà sản xuất phim hoạt hình nổi tiếng Walt Disney nhớ lại thất bại cay đắng của những ngày đầu vào nghề, khi bị ông chủ tòa soạn báo sa thải vì khả năng sáng tạo kém:

“Khi đó tôi mới 21 tuổi, không tiền bạc, không danh vọng. Tôi gần như sụp đổ khi ngày nào cũng phải ngủ trên chiếc xô pha rách tươm, ăn mãi một món khoai tây nghiền và phải sống trong căn nhà ổ chuột”.

Walt Disney đã sống như vậy trong suốt một thời gian dài, để chúng ta, và cả thế hệ con cháu chúng ta, được những trận cười nắc nẻ trước những bộ phim hoạt hình vui tươi, sinh động và đầy tính sáng tạo của ông.

+ “Thất bại là cơ hội để khởi đầu cho sự thành công” là câu nói nổi tiếng của nhà sản xuất xe hơi lừng danh Henry Ford. Ông đã nghiệm ra được điều đó sau lần sáng chế chiếc xe đầu tiên mà không có bộ phận thắng; hay như lần ông sản xuất một chiếc xe đời mới ngay trong xưởng xe của nhà mình, nhưng chiếc xe không tài nào chạy ra khỏi xưởng, trừ phi phải đục tường, vì chiếc xe lớn hơn cửa ra vào. Nếu có dịp đến tham quan xưởng sản xuất xe của Henry Ford ở Greenfield, bạn sẽ nhìn thấy vẫn còn một mảng trống to trên tường.

+ Tiến sĩ Benjamin Bloom của trường Đại học Chicago, đã có 5 năm nghiên cứu những sinh hoạt cũng như mối quan hệ xã hội trong cuộc sống hàng ngày của các nhân vật nổi tiếng thuộc hơn 20 lĩnh vực khác nhau như: hội họa, âm nhạc, thể thao, khoa học, kinh tế, giáo dục… để tìm ra những đặc điểm vượt trội quyết định sự thành công của những con người này. Cuối cùng, ông kết luận:

“Mọi người thường nghĩ rằng những người nổi tiếng là những con người siêu việt, tuyệt vời với tài năng thiên phú. Sự thật họ cũng là những con người bình thường như chúng ta. Nhưng điều làm họ thành công và chúng ta có thể học hỏi chính là niềm say mê công việc, sự lao động hết mình và sự kiên trì đến không ngờ. Ở họ, niềm đam mê nghề nghiệp còn lớn hơn cả chính bản thân, và họ rèn luyện kiên trì không biết mệt mỏi. Một vận động viên bơi lội có thể lặn dưới nước suốt hai tiếng đồng hồ; một nhạc công piano mỗi ngày ngồi tập đàn nhiều giờ liền trong suốt 17 năm… Bất cứ ai cũng có thể đạt đến đỉnh vinh quang, chỉ cần chúng ta nuôi dưỡng trong lòng sự say mê cuồng nhiệt, lòng quyết tâm cao độ và tinh thần học hỏi, lao động nghiêm túc”.

+ Khi thấy Arthur Rubensten, nghệ sĩ piano nổi tiếng, cứ đàn đi đàn lại một bản nhạc cũ rích mỗi ngày, người học trò liền hỏi:

– Con vẫn chưa hiểu tại sao thầy vẫn cứ miệt mài tập luyện bản nhạc ấy trong khi tiếng đàn của thầy đã vô cùng tuyệt vời?

Rubensten điềm đạm trả lời:

– Vì ta muốn tiếng đàn của ta thăng hoa, thanh thoát và du dương hơn. Ta muốn người nghe cảm nhận được tình cảm của ta qua bản nhạc xưa cũ này!

+ Đối với các diễn viên kịch nói thì chất giọng –            hay còn gọi là đài từ – là điều quan trọng nhất. Trong số các các diễn viên nổi tiếng của thế giới thì James Earl Jones được mệnh danh là một trong mười người có đài từ đẹp nhất.

Để có được danh hiệu này, James đã phải đấu tranh rất vất vả mới khắc phục được bệnh nói lắp của mình. Suốt thời đi học, James nói chuyện, giao tiếp với bạn bè, thầy cô bằng những mẩu giấy chi chít chữ. Cậu bé James ngày ấy đã vô cùng đau khổ khi thường xuyên bị bạn bè trêu chọc. Thế nhưng, với sự giúp đỡ nhiệt tình của một cô giáo, James đã miệt mài rèn luyện để đạt được những thành công vang dội như ngày hôm nay.

+ Charles Darwin đã trăn trở và tự dằn vặt bản thân vì sự bất lực của mình khi liên tục phải chứng kiến người thân chịu đựng những vật vã, đau đớn vì bệnh tật. Ông quyết định tập trung vào việc nghiên cứu nguồn gốc sự sống con ngưòi. Những nghiên cứu của ông đã đóng góp rất lớn trong lĩnh vực y học.

+ George Mc Donald chứng minh rằng, một con ngựa chiến có thể kéo được hai tấn hàng. Nhưng nếu là hai con ngựa chiến thì sẽ kéo được trên 23 tấn hàng. Sức mạnh sẽ nhân đôi, hay có thể nhân lên gấp nhiều lần nếu có thêm bạn đồng hành, có ngưòi cùng chí hướng với mình.[9]    

1.1.7. Trở thành những con người có nghị lực

Việc trở thành một người có nghị lực không dành cho những người nhát gan hay không thật tâm. Đó không phải là một sự chuyển hóa dễ dàng. Nó chỉ dành cho những người đang có quyết tâm làm những gì cần thiết để lấy lại nghị lực và tâm hồn của chính mình. Làm thế nào để bạn nhận ra những con người nghị lực?

– Người nghị lực không chịu gò bó. Họ biết họ có một năng khiếu. Nó có thể là việc viết lách, việc tổ chức, phát ngôn, thể thao, âm nhạc, y học, công việc nội trợ, nghệ thuật, kinh doanh… Những người nghị lực quyết chí sử dụng và phát triển những năng khiếu của mình, dù có chuyện gì đi chăng nữa.

– Những người nghị lực biết cách nói “không” cũng như nói “có”. Họ không phí thời giờ vào những chuyện không đâu. Họ lắng nghe con người thật (chân ngã) bên trong họ và đi theo trực giác của riêng mình. Họ chú tâm và không có thời gian để lãng phí.

– Những người nghị lực biết cần bảo vệ mình khỏi những thông tin quá tải và quá nhiều các kinh nghiệm giả tạo. Họ biết những hiểm nguy của việc chìm ngập trong một đống thông tin nhưng vẫn khát thèm sự thông thái. Một lần có ai đó đã trao cho tôi một tấm biển có ghi: “Thật tốt khi làm một người kiếm tìm và học hỏi, nhưng sớm muộn gì thời gian sẽ lấy đi những gì chúng ta đã học được và bắt đầu chia sẻ nó với bất cứ ai lắng nghe”.

– Những người nghị lực cũng nhận thức được và chấp nhận những điều kỳ diệu của cuộc sống. Từ điển Webster định nghĩa một điều kỳ diệu là “một sự kiện xuất hiện mà không thể giải thích nổi bằng những định luật tự nhiên và vì thế được xem như là một hành động của Chúa”. Năng lực tâm linh không chỉ khiến cho những điều kỳ diệu tồn tại mà còn cho phép chúng ta hiểu được khi chúng xảy ra.[10]

1.2. Biết cách quản lý quỹ thời gian của mình.

1.2.1. Quản lý thời gian một tuần

Làm thế nào để quản lý thời gian và tổ chức công việc trong một tuần? Hãy ưu tiên cho những hoạt động thường lệ, công việc, và các nghĩa vụ gắn liền với cuộc sống của bạn.

Ai cũng có 168 giờ trong một tuần để hoàn thành các công việc được xếp vào dạng “ưu tiên”. Để tăng lượng thời gian này lên mức tối đa và để quản lý hiệu quả công việc hằng ngày của bạn, hãy tạo cho mình thói quen thường xuyên tổ chức các hoạt động, lịch làm việc, và cả sinh hoạt hàng tuần của mình nữa.

Bước 1: Hãy liệt kê một danh sách tất cả các công việc thường ngày mà bạn phải làm (hoặc cần làm) trong một tuần điển hình nào đó, bao gồm cả thời gian ngủ nghê, ăn uống (nhớ tính luôn thời gian nấu nướng chuẩn bị và dọn dẹp nhé), chăm sóc bản thân, công việc, đến các lớp học, thời gian lái xe, mua sắm, thời gian dành cho các thành viên trong gia đình, các câu lạc bộ, thanh toán hoá đơn, công việc tình nguyện, việc nhà, thể dục thể thao, gọi điện thoại, xem TV, thời gian cho các sở thích cá nhân, đọc sách báo, học hành nghiên cứu, và …

Bước 2: Tổ chức những công việc hàng tuần này thành những nhóm cùng loại với nhau và ghi chú lại thời gian bạn dành cho chúng.

Thật thú vị là gần một phần ba thời gian của bạn được sử dụng để phục vụ những nhu cầu cá nhân.

–    Ngủ : 49 giờ

–    Vệ sinh cá nhân : 3 giờ

–    Ăn uống : 8 giờ.

-> Tổng cộng : 60 giờ

Sau đó, liệt kê và đếm khoảng thời gian bạn sử dụng cho công việc, trường lớp, và cả những chuyện khác không thuộc một tuần “điển hình” của bạn. Chúng cũng sẽ chiếm một phần ba trong 168 giờ hàng tuần. Cụ thể:

–     Công việc: 40 giờ

–     Đi lại: 5 giờ

–     Các việc khác: 15 giờ

-> Tổng cộng: 60 giờ.

Bây giờ, hãy tính luôn những công việc bạn dành cho xã hội, ví dụ như :

–     Thời gian cho gia đình: 15 giờ

–     Các mối quan hệ và bạn bè: 5 giờ

–     Nhà thờ, hội nhóm, tổ chức: 6 giờ

–     Hoạt động vì trẻ em, thể thao…8 giờ

-> Tổng cộng: 33 giờ.

Cuối cùng, đối với lượng thời gian còn lại mà bạn có trong một tuần, hãy điền vào đó những công việc và sở thích cá nhân cũng như gia đình:

–     Việc nhà: 3 giờ

–     Rèn luyện thân thể: 4 giờ

–     Sở thích và các hoạt động giải trí: 4 giờ

–     Thời gian để tịnh tâm, suy ngẫm: 4 giờ.

-> Tổng cộng: 15 giờ.

Bạn có thể chia những mục này thành các hoạt động riêng theo khuynh hướng bộc lộ phong cách sống của bạn. Các bạn sinh viên sẽ thích liệt kê tất cả những lớp học và việc nhà của họ. Còn những người nội trợ lại thích liệt kê chi tiết tất cả những công việc mà họ phải làm thường ngày. Thời gian dành cho gia đình và bạn bè cũng có thể được chia rành mạch ra thành những mục nhỏ hơn.

Bước 3: Tạo ra lịch tuần, mỗi lịch tạo ra có thể dài 24 giờ (hoặc chỉ 30 phút) cho mỗi ngày. Sau đó ghi sao cho vừa trên một trang giấy, nếu không thì bạn cũng có thể mua một cuốn lịch dạng sổ tay trong đó có chia một ngày hay tuần thành những giờ cụ thể. Đầu tiên, hãy ghi vào đó những hoạt động thường xuyên nhất và chiếm nhiều thời gian nhất, bao gồm việc ngủ nghê, làm việc, ăn uống, vệ sinh cá nhân, đi lại… Tô màu xanh cho những việc ngủ, vệ sinh và ăn uống để làm nổi bật rằng đây là các yếu tố cơ bản của cuộc sống. Tô màu xanh lá cây cho công việc và thời gian đi lại để nhấn mạnh đây là các yếu tố liên quan đến tiền bạc.

Tiếp sau những hoạt động ban đầu này là các nhiệm vụ, bổn phận và các cuộc họp… những thay đổi, trồi sụt đối với các cam kết thời gian từ tuần này sang tuần khác thường vẫn hay phát sinh. Vì thế những phát sinh này có thể được tô đỏ và có thể để chỉ những hoạt động như: các trận thi đấu, tập luyện thể thao, nhóm họp bạn bè, các cuộc hẹn đặc biệt …

Điền vào các khoảng trống thời gian còn lại với những hoạt động thuộc về cá nhân, các mối quan hệ gia đình và xã hội để mang lại sự cân bằng và trọn vẹn cho bảng hoạch định thời gian của bạn. Những thay đổi liên tục là đặc trưng của mục này nên hãy dùng bút màu vàng để tô màu cho chúng biểu thị cho ánh sáng và niềm vui.

Lúc nào cũng phải giữ một bảng phân chia thời gian chính bên cạnh mình, dán các bản photo lên bàn hoặc tủ lạnh… và có những điều chỉnh cho thích hợp nếu cần thiết. Khi bạn đã có được kinh nghiệm trong việc viết thời gian biểu cho một tuần theo cách này thì việc quản lý thời gian của bạn cũng sẽ trở thành một thói quen thường xuyên và hết sức dễ dàng.[11] Một cách thực hành cụ thể gọn nhẹ đó là quy tắc năm điều.

“Quy tắc năm điều”

Một trong những phương pháp đã giúp cho tôi nhiều nhất chính là “quy tắc năm điều”. Trên bàn làm việc của mình, tôi đặt năm cái hộp đựng những vật quan trọng. Những chiếc hộp được dán nhãn theo thứ tự về tầm quan trọng – “số một” là quan trọng nhất và “số năm” là ít quan trọng nhất. Khi thư được đưa đến, tôi ngay lập tức phân loại nó và đặt nó vào một trong năm chiếc hộp, tùy thuộc vào mức độ quan trọng. Các hóa đơn luôn luôn đặt vào hộp số một. Khi các tin nhắn điện thoại tới mà không đòi hỏi phải trả lời ngay lập tức, tôi đặt chúng vào chiếc hộp thích hợp. Khi những lời cam kết và các nhiệm vụ xuất hiện, tôi làm tương tự. Khi các ý tưởng nảy ra trong đầu tôi, tôi cũng làm y như vậy.

Mỗi tuần một lần, tôi xử trí những chiếc hộp của tôi. Tôi thực hiện những việc số một ngay tức thì. Sau đó, khi có thời gian, tôi sẽ thực hiện những việc từ số hai tới số bốn. Mọi thứ trong hộp số năm bị bỏ qua và ném đi. Lúc đầu, thật khó để trì hoãn lại những việc trong các hộp ba, bốn và bỏ qua hộp năm. Nhưng càng ngày càng dễ dàng hơn. Cuối cùng, tôi có thời gian có thể gọi là của riêng mình.[12]

1.2.2. Quản lý thời gian một ngày.

Chúng ta ai cũng muốn thành đạt, ai cũng muốn nhiều tiền… nhất là các bạn trẻ. Nhưng để thành đạt được chúng ta cần phải có nhiều yếu tố. Nhiều người đổ lỗi là do mình không may mắn, không có vốn. Chúng ta còn được tạo hóa ban cho một tài sản quý báu hơn, đó chính là vàng – thời gian… Ai cũng cũng có cùng một tài sản như nhau là 1440 phút/ngày. Nhưng cách chúng ta sử dụng tài sản đó như thế nào lại tạo nên sự khác biệt rất lớn giữa người thành đạt và kẻ thất bại. Thời gian là vàng, chúng ta nên dùng số vàng như thế nào để tạo ra cho chúng ta nhiều vàng nhất theo nghĩa đen của nó.

Tại sao chúng ta sử dụng đồng tiền của mình rất tiết kiệm nhưng chúng ta lại không sử dụng thời gian như vậy. Chúng ta phải sử dụng chi ly từng phút một. Hãy sử dụng thời gian một cách tiết kiệm nhất và tối ưu nhất. Chúng ta luôn nghĩ sao cho tối ưu trong việc tiêu tiền, nhưng thời gian thì không. Chúng ta lãng phí thời gian của mình như vậy thì hỏi còn đâu thời gian để học tập và làm những việc quan trọng? Sai lầm lớn nhất của họ là nghĩ rằng mình có đủ thời gian để làm những việc gọi là quan trọng. Nhưng cứ làm việc theo kiểu “đánh trống bỏ dùi”, “buông quăng bỏ vãi” như thế thì chẳng có việc gì chúng ta làm đạt được kết quả.

Vì vậy chúng ta phải có một kế hoạch để thực hiện và thay đổi thói quen đó bây giời cũng chưa muộn:

– Liệt kê các công việc vào buổi sáng hằng ngày.

Liệt kê các công việc cần làm trong ngày ra một tờ giấy hoặc trên máy vi tính cũng được. Lưu ý chỉ cần liệt kê ra và chưa vội sắp xếp vì nếu như thế thì chúng sẽ rất bị rối trong việc nên làm việc gì và không nên làm việc gì. Não chúng ta không thể làm một lúc nhiều việc được.

– Xác định ưu tiên.

Sắp xếp thời gian mỗi ngày để giải quyết các công việc ưu tiên và cũng cần linh hoạt dành đủ thời gian cho những việc bất ngờ xảy ra. Hãy học cách nói “không” với những việc không phải là ưu tiên.

– Xác định khoảng thời gian cho mỗi công việc.

Một điều rất quan trọng là các bạn sẽ thắc mắc là trong khi thực hiện công việc này lại bị công việc khác quan trọng hơn xen vào thì làm thế nào? Theo nghiên cứu, chúng ta nên trừ khoảng thời gian 20% đề dự phòng. Đừng quên những việc nhỏ, nhưng tập trung chúng lại. Chớ để cho các việc nhỏ trôi đi, tốt nhất là dành 30 phút mỗi ngày cho các công việc này, và dành các cuộc điện thoại để một lần nhấc máy gọi luôn thể. Hãy tách thời gian ra những khoảng nhỏ để tận dụng tối đa nó.

– Tập cho mình tính kỷ luật, và thói quen.

Thay vì thường xuyên kéo lê cả đống việc, cần xác định hạn chót để hoàn thành từng công việc. Một mẹo nhỏ là nếu cần hoàn tất một việc vào 5 giờ chiều thứ Năm thì hãy bắt mình kết thúc vào lúc 12 giờ trưa. Nên giải quyết các việc khó trước, sau đó tha hồ… dạo chơi. Cuối cùng chúng ta nên tập cho mình thói quen làm việc chăm chỉ và có kế hoạch trước, đó chính là dấu hiệu của người thành đạt![13]

1.2.3. Ghi chép các công việc hàng ngày để biết mình sử dụng thời gian như thế nào.

Bạn muốn biết mình đã dùng thời gian cho những việc gì phải không? Việc dùng trí nhớ trong trường hợp này là vô hiệu, bởi bạn rất dễ quên những việc linh tinh như đọc mấy lá thư, nói chuyện với bạn bè, uống cà phê, ăn trưa… Nhưng có một cách để bạn nắm rõ các việc này: ghi chép lại các công việc.

Việc ghi chép sẽ giúp bạn thấy được rõ ràng bạn đã thật sự dùng thời gian như thế nào. Lần đầu tiên thực hiện việc ghi chép này, có thể bạn sẽ rất bất ngờ khi thấy một lượng thời gian rất lớn bị lãng phí. Có thể bạn không biết rằng mức năng lượng của bạn thay đổi khác nhau trong ngày bởi vì có một thực tế rằng các hoạt động của bạn đạt được những hiệu quả khác nhau trong những khoảng thời gian khác nhau. Mức độ hiệu quả khi bạn làm việc phụ thuộc vào lượng đường trong máu của bạn, thời điểm bạn nghỉ ngơi gần nhất, sự mệt mỏi và hàng loạt các yếu tố khác. Cũng có một vài chứng cứ đáng tin rằng cơ thể bạn có một chu kỳ mỗi ngày về thời điểm tràn trề năng lực và lúc báo động – lúc bạn cần nghỉ ngơi. Do đó, hãy ghi chép công việc một cách thường xuyên.

Ghi chép trong nhiều ngày sẽ giúp bạn nắm được cách bạn đã “tiêu” thời gian, và từ đó tìm ra khi nào bạn làm việc tốt nhất. Nhưng cũng chẳng cần phải thay đổi cách cư xử của bạn khác trước đây nhiều lắm, bạn chỉ cần nhớ những việc cần làm và làm chúng cho thật hiệu quả. Mỗi khi bạn thay đổi một hoạt động bởi một cách khác, dù là đọc thư, uống cà phê, nói chuyện tầm phào với bạn bè… hay cả lúc làm việc, thì cũng ghi chú lại sự thay đổi thời gian, cũng như khi tổng kết lại các hoạt động bạn cũng nên ghi lại cảm giác của mình, cho dù việc đó làm bạn thấy nhàm ơi là nhàm, hoặc làm cho bạn mệt mỏi đến hụt hơi, hay đôi khi làm bạn thấy lại khoẻ mạnh lên… Biết đâu khi đã quen làm việc này hàng ngày, bạn lại có hứng phát triển nó thành một nhật kí quan trọng của bạn!

Học được gì từ việc ghi chép này?

Khi bạn đã ghi khá cụ thể về thời gian trong một vài ngày, hãy thử phân tích chúng. Có thể bạn sẽ bị “sốc” khi trông thấy một lượng thời gian khá dài được dùng cho những việc không đâu. Bạn cũng có thể sẽ thấy bạn làm việc rất tốt trong một vài thời điểm trong ngày, và hơi tệ trong những lúc khác. Như đã nói, nhiều phần trong chuyện này phụ thuộc vào thời gian bạn nghỉ ngơi trước đó, thời điểm và chất lượng bữa ăn, còn cả tổng dinh dưỡng có trong người bạn nữa. Nghe thì có vẻ to tát nhưng cách ghi chép lại như thế sẽ là những thông tin cơ bản trong vụ này. Chúng thực sự là những kinh nghiệm đấy!

Ghi nhớ: Việc ghi chép là một công cụ hữu dụng để kiểm tra cách mà bạn sử dụng thời gian của mình. Chúng cũng giúp bạn tìm ra những biến đổi năng lượng của bạn, những lúc bạn cần nghỉ ngơi và những lúc bạn hoạt động thật sự có hiệu quả. Bằng cách phân tích những ghi chép đó, bạn sẽ xác định được cái gì nên tốn thời gian và bớt phí giờ vào những chuyện không đâu. Và bởi vì bạn biết thời điểm mà mình tích cực nhất, bạn có thể chọn nó để làm những công việc mà bạn thấy là quan trọng nhất trong ngày.[14]

Do vậy, bạn nên tự liệt kê các hoạt động hằng ngày của mình để tìm hiểu xem bạn đang sử dụng thời gian ra sao. Sau đây là một số câu hỏi quan trọng mà bạn nên đặc biệt chú ý:

– Bạn đang sử dụng thời gian ra sao?

– Bạn đã phí phạm bao nhiêu thời gian và phí phạm vào những việc gì?

– Làm sao để chấm dứt sự phí phạm này?[15]

Pele là một tên trộm khét tiếng vào thập niên 20 của thế kỷ 20 (không phải Pele huyền thoại bóng đá của Brasil đâu nhé). Đối tượng trộm cắp của ông ta đều thuộc tầng lớp thượng lưu, có địa vị và tiền bạc. Cuối cùng ông cũng bị bắt vì tội trộm cắp và phải ngồi tù 18 năm. Khi ra tù, phóng viên hỏi ông một câu rất lý thú: “Thưa ông, ông từng trộm tài sản của những nhà giàu có, vậy ông có thể cho chúng tôi biết, người thiệt hại lớn nhất là ai không?”. Pele đáp ngay không cần suy nghĩ: “Người đấy là tôi!”

Thấy phóng viên ngạc nhiên, Pele bèn giải thích: “Với tài năng của tôi, lẽ ra tôi đã trở thành một doanh nhân thành công, một đại gia ở phố Wall hoặc là phần tử có nhiều đóng góp cho xã hội. Bất hạnh thay, tôi đã chọn con đường trộm cắp, trở thành tên trộm lấy cắp tài sản của chính mình nhiều nhất, các vị biết đấy, tôi đã tiêu hao 1/4 thời gian trong đời cho việc ngồi tù”.

Còn Emanuel Ninger, một họa sĩ tài ba thuộc trường phái ấn tượng, với tay nghề khéo léo khó tin, đã vẽ các tờ giấy bạc 20 đô la và 50 đô la giống như thật, rồi sử dụng chúng. Cuối cùng, ông bị bắt vì phạm pháp. Điều đáng nói là, thời gian mà Ninger vẽ một tờ giấy bạc 20 đô la bằng với thời gian ông vẽ một bức tranh có thể bán được 500 đô la. Có bào chữa kiểu nào thì họa sĩ thiên tài này cũng là kẻ tội phạm. Thật đáng thương là người thiệt thòi nhất không ai khác mà chính là ông.

Pele và Ninger đều là người có năng khiếu ở một lĩnh vực nào đó, họ hoàn toàn có thể gặt hái thành công bằng tài năng của mình.

Thực ra có nhiều người lấy trộm tài sản của chính mình mà không hề hay biết. Họ không nhận thức được giá trị của bản thân, không tin rằng nếu phát huy tài năng, họ sẽ thành công mỹ mãn. Thật ra, ai không tin vào bản thân đều có nghĩa người ấy đang lấy cắp đi tài sản của chính mình. Đời người thật ngắn ngủi, nếu bạn không phát huy khả năng mà chỉ làm những việc không đáng làm, thế tức là bạn đang lãng phí thời gian – thứ tài sản quý giá nhất trên đời. Tài sản bị đánh cắp còn mua lại được, nhưng lấy mất đi thời gian của chính mình mới là điều đáng sợ. Bạn luôn tìm ra cái cớ biện minh cho hành động sai lầm này, chính vì thế bạn ngày càng quen với nó và cứ tái phạm mãi không thôi.

Này bạn, hãy nhìn lại xem, mình có đang cướp đi tài sản quý báu nhất của mình hay không. Nếu đúng là thế thì bạn ạ, bạn đang để mọi cơ hội vuột khỏi tầm tay.[16]

2. Bí quyết sống trọn vẹn giây phút hiện tại bằng phương thế siêu nhiên

2.1. Hai dạng thức thời gian: Thời gian của lý trí và thời gian của con tim

Quả thế, ta có thể nói về thời gian dưới hai dạng thức: thời gian của lý trí và thời gian của con tim.

Dạng thức thứ nhất là thời gian của tâm lý, của trí óc, thời gian mà ta có thể hình dung, tính toán, chia thành ngày giờ, năm tháng, đây là thời gian mà ta muốn quản lý, lên chương trình, và chẳng bao giờ đủ cho ta cả. Do đó ta luôn luôn thấy mình thiếu, đối với ta, thời giờ đôi khi trôi đi quá nhanh, có lúc lại quá chậm. Nhưng cũng có một thời gian khác, thời gian mà vào một lúc nào đó, ta cảm nhận được niềm hạnh phúc hoặc ân sủng, đây là loại thời gian mà tự bản chất, nó luôn luôn tồn tại, với thời gian này, ta cần phải học để nó được dần dần an định thường hằng trong ta. Thời gian này là thời gian của Thiên Chúa, của nhịp điệu ân sủng, ở tận sâu thẳm, trong cuộc sống chúng ta. Đây không phải là thời gian bị cắt xén, chia nhỏ, nhưng là một chuỗi liên kết của nhiều khoảnh khắc, hài hoà và an bình. Mỗi giây phút đều trọn vẹn nơi chính nó, không chút khiếm khuyết nhưng sung mãn tròn đầy, thời gian này được xem là đủ bởi nó trọn vẹn.

Nó trọn vẹn bởi tôi đã hoàn tất nơi ấy những gì tôi phải làm, trong hiệp thông với thánh ý Thiên Chúa, trong ngoan ngoãn với Thánh Thần. Nó trọn vẹn sự hiện diện của Thiên Chúa, trọn vẹn sự hiện diện giữa ta với Người, với tha nhân mà ta đang gặp gỡ, đối thoại, chia sẻ, nó trọn vẹn sự hiện diện của ta trong từng công việc, và chu toàn cách bình thản, với sự chú tâm hết lòng. Đây là thời gian hiệp thông với vĩnh cửu. Không phải là thời gian mà chúng ta lên chương trình (chúng ta chỉ có thể sống thời gian nội tâm này nhờ thái độ tự do và thanh thoát đối với các chương trình của mình), nhưng, còn hơn hẳn, một thời gian mà chúng ta đang đón nhận.

Nếu chúng ta luôn luôn sống trong thời gian này, chúng ta sẽ loại bỏ được nhiều điều sai lầm! Ma quỷ thường len lỏi vào thời gian nhàn rỗi, hoặc không được xử dụng đúng, như khước từ một việc tốt nào đó hoặc tìm kiếm một điều gì với lòng ham muốn…

Tôi nghĩ rằng các thánh là những người đã khám phá ra thời gian nội tâm này, và đã thành công khi xử dụng nó. Để đạt được điều này, phải có một sự tự do mãnh liệt, một sự siêu thoát hoàn toàn với mọi dự định và ý riêng, phải sẵn sàng nếu trong giây lát xảy ra điều trái ngược với kế hoạch của mình, sống phó thác tuyệt đối, không lo âu, sợ hãi, chỉ có một mối bận tâm duy nhất là thực hiện thánh ý Chúa. Đồng thời cũng phải có kinh nghiệm sống kết hiệp với sự hiện diện của Chúa trong ta, qua nguyện ngắm, và lắng nghe tiếng nói của Chúa Thánh Thần từ nội tâm, để bước theo sự thúc đẩy của Người.[17]

2.2. Điều duy nhất thuộc về ta đó là giây phút hiện tại

Chúng ta chỉ có thể thực sự sử dụng tự do của mình trong giây phút hiện tại mà thôi. Chúng ta không thể làm chủ, cũng không thể thay đổi được chút nào về quá khứ của mình; đôi khi ta thử sống lại một biến cố đã qua như một màn kịch tưởng tượng, nhưng những điều nuối tiếc hay những gì bị xem như thất bại (lẽ ra tôi phải làm thế này, nếu như tôi đã nói như thế kia…) cũng chỉ là gió thổi: không thể nào đi ngược lại thời gian. Thái độ duy nhất của tự do mà ta có thể đạt được đối với dĩ vãng, là phải chấp nhận nó với những gì đã xảy ra, và đặt hết tin cậy nơi Thiên Chúa.

Chúng ta cũng nắm giữ được rất ít về tương lai. Ta biết rõ rằng, dù có lo xa đến đâu, chỉ một biến cố nhỏ xảy ra, là mọi kế hoạch và mọi bảo đảm của chúng ta đều không còn diễn tiến đúng như dự định. Thực sự ta không thể lập chương trình cho đời mình được, nhưng chỉ có thể đón nhận qua từng giây phút hiện tại.

Tóm lại: điều duy nhất thuộc về ta, là giây phút hiện tại. Đó là nơi duy nhất ta có thể thật sự thực hiện những động tác tự do. Chỉ trong giây phút hiện tại ta mới thực sự tiếp xúc với thực tế. Đôi khi chúng ta quá chú trọng đến tính chất thoáng qua của giây phút hiện tại, và kết quả là cả quá khứ lẫn tương lai đều không còn thực sự thuộc về ta. Nhưng nếu chúng ta biết đặt mình trong viễn cảnh của đức tin và đức cậy Kitô giáo, thì giây phút hiện tại sẽ đến như một ân sủng phong phú, và một niềm trợ lực bao la cho ta.[18]

2.3. Giây phút hiện tại là giây phút có Chúa hiện diện

Giây phút hiện tại trước hết là giây phút có Chúa hiện diện: “Thầy sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Thiên Chúa là sự hiện diện vĩnh hằng. Ta phải tin chắc rằng mỗi giây phút, dù nó bao gồm những gì, đều tràn trề sự hiện diện của Chúa, chất chứa một tiềm năng thông hiệp với Thiên Chúa. Người ta không thể kết hợp với Chúa trong dĩ vãng, cũng như trong tương lai, nhưng là đón nhận từng giây phút như nơi cư ngụ cho sự hiện diện của Ngài, nơi đây Ngài phó mình cho ta. Mỗi giây phút là một thời gian hiệp thông với vĩnh cửu, chứa đựng vĩnh cửu theo một nghĩa nào đó. Thay vì luôn mãi hướng về dĩ vãng hoặc tương lai, ta cần phải học sống mỗi giây phút như tự nó đã đủ, như một hiện hữu tròn đầy, vì Thiên Chúa có đó, và nếu Thiên Chúa có đó, tôi còn thiếu thốn gì. Những cảm giác trống rỗng, cảm giác bị tước đoạt, hay thiếu điều này điều kia, thường xảy ra khi ta sống dĩ vãng (do tiếc nuối, thất vọng) hoặc trong tương lai (do sợ phải đợi chờ hão huyền), lẽ ra phải ở lại từng giây phút và đón nhận nó như nó là, tràn đầy sự hiện diện của Chúa, và nếu ta liên kết hiện tại với lòng tin, ta sẽ được nuôi dưỡng và được trợ lực, như thánh vịnh 145 viết:

“Muôn loài ngước mắt trông lên Chúa,                      

Và chính Ngài đúng bữa cho ăn.                        

Khi Ngài rộng mở tay ban                                       

Là bao sinh vật muôn vàn thoả thuê”.

Nơi quan điểm Kitô giáo, có một nét nào đó rất phóng khoáng về việc hiểu biết ân sủng trong giây phút hiện tại. Dù cho dĩ vãng của ta hoàn toàn là một thảm hoạ, dù cho tương lai của ta hầu như bế tắc, thì lúc này đây tôi có thể tái thiết, nhờ một hành vi của đức tin, của trông cậy và phó thác, trong hiệp thông với Chúa. Thiên Chúa hiện diện vĩnh hằng, mãi trẻ trung, luôn luôn mới mẻ, dĩ vãng và tương lai của tôi thuộc về Ngài; Ngài có thể tha thứ tất cả, thanh lọc tất cả, canh tân tất cả. “Người sẽ lấy tình thương mà đổi mới ngươi”. Trong giây phút hiện tại, vì tình yêu thương bao la Cha dành cho tôi như thế, tôi luôn có thể bắt đầu lại từ con số không, mặc cho dĩ vãng có thảm thương, ngăn trở; mặc cho tương lai có bị đen tối quấy nhiễu, dằn vặt tôi. Dĩ vãng của tôi ở trong đôi tay nhân lành của Thiên Chúa, Ngài có thể tận dụng tất cả, điều lành cũng như điều dữ, và tương lai của tôi cũng nơi sự Quan Phòng của Người, Đấng không quên ai bao giờ. Thái độ tin tưởng ấy thật cao quí biết bao, vì nó tránh cho chúng ta sống như đa số những người luôn cảm thấy bất mãn, họ thấy mình như “bị chèn ép” giữa một quá khứ đang đè nặng và một tương lai đầy lo âu. Ngược lại, sống giây phút hiện tại làm tâm hồn triển nở.[19]

2.4. Không bận tâm về quá khứ, cũng không lo lắng về tương lai, nhưng chú tâm đến giây phút hiện tại hôm nay

Trong các sách thiêng liêng, người ta thường ví mỗi giai đoạn trong đời sống thiêng liêng như những nấc thang nhân đức, những cấp bậc hoàn thiện; bao gồm ba, bảy, mười hai hoặc những số khác nữa tuỳ theo tác giả. Dĩ nhiên còn có nhiều điều phải học trong những bậc thang giá trị đó, dù cho sự miêu tả bảy căn phòng trong tâm hồn của Têrêsa Avila, hay mười hai bậc khiêm nhường trong tu luật thánh Biển Đức.

Nhưng kinh nghiệm đã dạy tôi nhìn sự vật theo cách khác. Tôi thường nói khôi hài rằng chiếc thang trọn lành thật ra chỉ có một bậc duy nhất: đó là bậc cấp mà tôi bước lên hôm nay. Không bận tâm về dĩ vãng, cũng không lo cho tương lai, hôm nay tôi quyết định Tin, hôm nay tôi muốn tín nhiệm mọi sự nơi Chúa, hôm nay tôi chọn yêu mến Chúa và tha nhân. Và cho dù kết quả của những quyết định tốt đẹp ấy có như thế nào, thành công hay thất bại, thì hôm sau, một “hôm nay” mới, cùng với lòng kiên nhẫn Chúa ban, tôi lại bắt đầu. Và cứ thế, không mệt mỏi, không màng tìm kiếm mức độ tiến bộ, cũng không cần biết mình đang đến đâu. Không thất vọng về mặt trái của mình, cũng không tự  kiêu về những thành công, không cậy dựa sức riêng mình, nhưng chỉ trông cậy vào lòng trung tín của Chúa mà thôi.

Đây là thái độ căn bản trong đời sống thiêng liêng được thánh Phaolô nói đến: “Tôi quên đi chặng đường đã qua, và lao mình về phía trước. Tôi chạy thẳng tới đích, để chiếm được phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻ được Người kêu gọi… Song dù đạt đến đâu đi nữa, chúng ta cũng cứ theo hướng ấy mà đi”.[20]

2.5. Hãy sống những giây phút hiện tại hôm nay, chứ đừng chờ đợi để sống

Điều chúng ta dự định cho tương lai, không luôn luôn là một nỗi lo âu, mà đôi khi là một sự chờ đợi để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Có thể đó là một mong chờ cụ thể như : gặp một người tri kỷ, ngày trở lại quê nhà sau một chuyến du lịch dài và mệt mỏi… Cũng có thể là một chờ đợi không có mục đích cụ thể, một hy vọng mù mờ, đôi khi do trí tưởng tượng: chẳng hạn như người ta chờ đợi một lúc nào đó hoàn cảnh thay đổi, đời mình khá hơn và cuộc sống có nhiều thú vị. Còn cuộc sống hiện tại, người ta lại không sống trọn vẹn, họ chờ khi nào thời đến (khi nào?) họ mới “sống hết mình”. Loại chờ đợi cụ thể hay mơ hồ này, dĩ nhiên là chính đáng, đều ẩn chứa một nguy cơ nào đó mà ta phải cảnh giác. Đôi khi người ta để cuộc đời trôi qua mà không tận hưởng, nhưng lại chờ đợi cuộc sống mới ! “chỉnh lại” thái độ tâm lý này hoàn toàn không phải là không quan trọng.

Thật vậy, thái độ này đưa ta ra khỏi thực tại, khỏi cuộc sống hiện sinh: những gì tôi đang sống đây không làm tôi thoả mãn, tôi hy vọng trong vài ngày, hoặc vài tháng nữa tôi sẽ có được một điều gì đó dễ chịu hơn, tôi đã dự tính rồi, tôi mong thời gian trôi càng nhanh càng tốt để được sống trong hoàn cảnh mới, trong tương lai, như lòng tôi mơ ước. Nhưng chính với tư tưởng này, ta lại có nguy cơ thiếu thực tế, thiếu chấp nhận cuộc sống hiện tại của mình. Trước tiên, ai sẽ đảm bảo rằng tôi sẽ không thất vọng, khi thời gian chờ đợi ấy đến? Và nhất là, trong khi chờ đợi “tận hưởng cuộc sống” tương lai, tôi có nguy cơ rơi vào tình trạng bỏ qua một cơ hội tốt đẹp mà cuộc sống hiện tại ban tặng. Tôi không đầu tư đủ cho ngày hôm nay, và tôi đã đi trệch ra ngoài một số ân sủng của hiện tại. Phải sống cho trọn vẹn từng giây phút, không nên quá bận tâm đến việc thời gian trôi nhanh hay chậm, nhưng đón nhận tất cả những gì đang được trao ban trong từng giây phút.

Để sống tốt mỗi ngày, ta chớ nên quên rằng, Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi ai làm một lúc hai công việc. Và bất kể việc tôi đang làm là thứ yếu (lau bếp chẳng hạn), hay quan trọng (như đang giảng thuyết trước bốn mươi ngàn người), cũng cần phải làm với tất cả sự hiện diện, đơn sơ, trầm tĩnh, và không tìm giải quyết thêm một vấn đề nào khác cùng lúc ấy. Khi tôi đang thực hiện một việc gì, dù nhỏ bé, cũng sẽ phạm sai lầm, nếu như tôi làm với sự vội vã, vì sợ mất thời giờ, hoặc để chuyển sang việc khác mà tôi cho là quan trọng  hơn. Việc gì cũng cần có thời gian của nó, dù là việc tầm thường, nó dệt nên cuộc sống, nó xứng đáng được thực hiện trọn vẹn, có nghĩa là nó phải được sống tròn đầy trong hiện tại.[21]

[1] Nguyễn văn Hải,Biết phát huy sở trường, trg.29-31

[2] First News, Hạt giống tâm hồn: câu chuyện cuộc sống,trg.125-126

[3] Nguyễn văn Hải, Biết vượt qua áp lực,trg.98-101

[4] Thạch Sơn Thủy, Bí Quyết Sống Còn Của Loài Kiến, trg.49

[5] Nguyễn văn Hải, Biết vượt qua áp lực, trg.114-116

[6]   Don Miguel Ruiz, Thỏa thuận với chính mình, trg.75-77

[7] Nathaniel Branden, Sức mạnh của lòng tự trọng, trg.109

[8] Trần thị Giồng, CND, Hạnh Phúc trong tầm tay,trg.124

[9] First News, Hạt  giống tâm hồn và ý nghĩa cuộc sống.5.trg.149

[10]    Sharon Wegscheider – Cruse, Học cách dung hòa (learning to balance your life) trg.33-34

[11] Nguyễn văn Hải,Biết vượt qua áp lực,trg.37-41

[12]    Sharon Wegscheider – Cruse, Học cách dung hòa (learning to balance your life),trg.43-44

[13] Nguyễn văn Hải, Biết vượt qua áp lực,trg.20-22

[14] Nguyễn văn Hải, Biết vượt qua áp lực, trg.124-126

[15] Nguyễn văn Hải, Biết phát huy sở trường,trg.48

[16] Nguyễn văn Hải, Biết sống cao thượng, trg.30-32

[17] Jacques Philippe, Tự do nội tâm, trg.115-117

[18] Jacques Philippe, Tự do nội tâm, trg.97

[19]  Jacques Philippe, Tự do nội tâm, trg.99

[20] Jacques Philippe, Tự do nội tâm, trg.100-101

[21] Jacques Philippe, Tự do nội tâm, trg.111-112

 

print