Tệ Hại Của Tính Hay Phê Bình

print

Tệ Hại Của Tính Hay Phê Bình

(Chuyện cha Mễn kể cho các gia đình Bài 138)

Có một nghệ sĩ kia rất có tài châm biếm. Ông ta rất dễ dàng và nhanh chóng khám phá ra những khuyết điểm của bất cứ ai mà ông ta gặp gỡ. Rồi sau đó, ông sẽ cải biên, ông sẽ cho thêm mắm, thêm muối vào, để cho những khuyết điểm đó trở thành ly kỳ hơn, trở thành hấp dẫn hơn. Và cuối cùng, ông sẽ đưa những khuyết điểm đó lên sân khấu, để làm trò cười cho mọi người.

Rồi một đêm kia, trong một giấc chiêm bao, ông nằm mơ, ông thấy mình đang đi trên một con đường hoang vắng, mà trên vai thì ông phải vác những thứ hành trang thật cồng kềnh, thật nặng nề, nặng đến độ có thể để đè bẹp cả thân xác ông xuống đất. Ông cố gắng xoay qua xoay lại cho dễ chịu hơn, nhưng không thể được. Ông muốn ném tất cả những thứ cồng kềnh nặng nề đó xuống đất, nhưng cũng không thể được.

Rồi trong cơn mệt nhoài, ông cầu nhầu lẩm bẩm: Hành trang này là những thứ gì và là của ai, mà rồi tôi phải cong lưng, cực khổ, mà vác nó như thế này.

Nói vừa dứt câu, thì ông liền nghe một tiếng vọng lại từ xa, vọng lại rất rõ. Tiếng vọng đó giải thích:

Hành trang đó là những khuyết điểm của những người, mà con thường nhanh nhẹn bới móc ra, để làm trò cười cho thiên hạ. Tại sao con than phiền. Tại sao con kêu cực, kêu khổ, đó không phải là những thứ, mà con đã khám phá ra hay sao ? Chính con đã khám phá  ra, cho nên chúng phải thuộc về con, chúng phải là sở hữu của con, chứ không phải của ai đâu.

***

Bạn thân mến,

Một người có cái tính kiêu căng, hay khinh dễ, coi thường kẻ khác, thì thường khó lòng mà có những tư tưởng tích cực, khó lòng mà nghĩ tốt về người khác bao giờ. Người đó luôn nhìn những sai lệch, người đó luôn nhìn thấy những lỗi lầm của kẻ này người nọ mà thôi.

Nó cũng giống như một thân cây đã cằn cổi thì không thể đâm chồi, không thể nảy lộc, và không thể sinh hoa trái ngon ngọt được.

Trái lại, với tâm địa khinh người, họ chỉ biết nhìn mặt trái mà thôi. Họ chỉ thấy những khuyết điểm và những tiêu cực để chế giễu, để cười cợt, để chê bai. Lối sống như thế của họ đã làm phiền lòng cho không biết bao nhiêu người, thế mà họ vẫn tỉnh queo. Họ không có một chút áy náy, họ không có một chút bận tâm gì. Ai đau khổ mặc kệ ai, việc của họ họ cứ làm, đường của họ họ chứ đi.

Hơn nữa, với cái lối sống như thế, họ sẽ không bao giờ nghĩ được là họ đang làm hại chính mình. Bởi gậy ông rồi sẽ đập lưng ông. Bởi cuộc đời của họ sẽ không bao giờ thấy được có những cái gì là tích cực, thấy được những cái gì là tốt đẹp, không hề thấy được những cái gì là phấn khởi, mà quanh quẩn chung quanh họ, lúc nào cũng chỉ toàn là những cái xấu, chỉ toàn là những cái tiêu cực, cho nên lúc nào họ cũng cảm thấy chán chường, họ cũng cảm thấy nặng nề, họ cũng cảm thấy khó chịu và họ cảm thấy thất vọng

Có một văn sĩ đã viết được một câu rất hay:

Lỗi lầm nặng nề nhất của con người,

là hay bận tâm đến những lỗi lầm của kẻ khác.

Nếu người nghệ sĩ trên đây luôn có một cặp mắt quảng đại và yêu thương thì ông ta sẽ thấy được những điều tốt đẹp nơi kẻ này, người nọ, để ngợi khen, để tán dương, để khuyến khích. Và như thế, ông ta sẽ vui lây với niềm vui của kẻ khác, của những người mà ông tán dương khuyến khích.

Trong cuộc sống thường nhật, khi chúng ta vướng mắc một lỗi lầm nào đó, thì chúng ta thường tìm đủ mọi cách, tìm đủ mọi lý do, để tự bảo chữa mình.

Còn ngược lại, nếu có ai đó bên cạnh ta, mà có sơ xuất lỗi lầm điều chi, thì ta lại vội vàng chê bai, chỉ trích, lên án không thương tiếc. Chính cái lòng kiêu căng, tự phụ, muốn hơn người, đã làm cho chúng ta ra mù quán.

***

Lời chúa Giêsu cảnh báo trong kinh thánh, tuy đã hơn 2.000 năm rồi, thế mà sao vẫn còn y như mới, đối với mỗi người chúng ta. Chúa dạy:

“Đừng có nhìn cái rác ở mắt của anh em,

mà rồi không thấy cái xà trong con mắt của mình” (Matthêu 7,4).

Chúng ta phải can đảm thú nhận cái lỗi lầm này, là chúng ta hay suy đoán liều cho kẻ này người nọ, mà lại rất dễ dãi đối với chính mình.

Thấu hiểu được yếu đuối này của ta, cho nên chúa Giêsu đã dạy chúng ta một cách sống sao cho phù hợp hơn, đó là

“Các con hãy yêu thương anh em của mình như chính mình” (Matthêu 19,19).

Để sống theo cách Chúa dạy, chúng ta quyết không làm cho người khác bất cứ những gì, mà ta không muốn họ làm cho ta.

Tục ngữ Việt Nam có câu:

Yêu nhau mọi sự chẳng nề,

100 chỗ lệch cũng kê cho bằng.

Lạy Chúa, xin ban cho con tấm lòng đại lượng và yêu thương, để biết nhận ra những gì là tốt đẹp, là tích cực nơi những anh chị em sống bên cạnh chúng con, để nâng đỡ họ, để khuyến khích họ, như con muốn họ làm những điều ấy cho con. Amen