Tha hay không tha

THA HAY KHÔNG THA

Chúa Nhật 5 Mùa Chay năm C : Ga 8, 1-11

Suy niệm

Bài Tin Mừng hôm nay kể về một phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Có thể chị này đã lén lút hành nghề mãi dâm, hoặc có tính “lăng nhăng” vụng trộm.  Nếu như vậy, chị ấy không những sống trong tội, mà còn làm cho nhiều người đàn ông khác phạm tội, và đã gây nhiều thương tổn cho các gia đình khác. Đây là điều vẫn luôn xảy ra trong xã hội và ngay cả trong họ đạo chúng ta. Đây là những người tự phá hại đời mình, gia đình mình, và phá hại hạnh phúc gia đình người khác, dù là đàn ông hay đàn bà. Người ngoại giáo không nói chi mà người có đạo thì đúng là gây ô nhơ cho danh Chúa và đời sống xứ đạo.

Tuy nhiên, thái độ hành xử của Đức Giêsu trong bài Phúc Âm hôm nay rất lạ, được coi như một cuộc cách mạng đối với tâm thức xã hội và luật pháp thời đó và cả thời nay. Ngài bênh vực người yếu và phân trần sự bất công mà người phụ nữ phải chịu, cũng như thái độ giả hình của những kẻ chỉ dùng quyền để xét xử và kết án. Điều đáng nói ở đây là Đức Giêsu đã khơi dậy một ý thức về tội lỗi của những kẻ kết án. 

Phúc Âm Gioan cho thấy đã từng có những cuộc tranh luận gay gắt giữa Đức Giêsu với các nhà lãnh đạo Do thái giáo. Họ đang tìm cách để triệt hạ ảnh hưởng và uy thế của Ngài. Họ đã lợi dụng việc phạm tội của người phụ nữ để đưa Đức Giêsu vào tròng. Họ mở ra một phiên tòa ngay lúc Ngài đang giảng dạy cho dân chúng, và mời Ngài làm thẩm phán, với câu hỏi là: “Luật Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng người này Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Một câu hỏi bất ngờ, có vẻ chân thành nhưng lại rất nham hiểm. Nếu tha, thì Ngài chống lại luật Môsê, còn nếu Ngài tuyên bố ném đá, thì  phạm đến quyền của đế quốc Rôma, và đi ngược với Tin Mừng Ngài rao giảng. Cả hai gọng kìm đều siết chặt. Ðức Giêsu cúi xuống viết gì đó trên đất, bầu khí lắng đọng, im lìm. Các đối thủ có vẻ đắc thắng trước sự chần chừ của Ngài.

Họ hỏi mãi nên Ngài lên tiếng: “Ai trong các ông vô tội, thì cứ ném đá trước đi”. Rồi Ngài lại cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời của Ngài như âm vang trong tĩnh lặng, thấm vào tim óc của những người đứng chung quanh, dường như bắt người ta phải đối diện với lòng mình. Đứng trước tòa án lương tâm, ai dám tự hào mình vô tội? Có bao tội bất trung nặng chẳng kém tội ngoại tình. Có bao tội ngoại tình nhưng lại không bị bắt quả tang, không chỉ ngoại tình trong hành động mà còn trong tư tưởng, trong ước muốn. Khi lo tố giác người khác, người ta thường quên tội của mình. Dù sao nhóm người tố giác cũng còn chút lương tâm để nhận ra sự thật về bản thân. Họ đã bỏ đi, một cách nhận mình là kẻ có tội. Và rồi kẻ trước người sau cũng lần lượt rút lui.

Cuối cùng, chỉ còn lại người phụ nữ và Đức Giêsu: người đáng thương và chính Tình Thương (Miseria et misericordia). Ngồi bên cạnh nữ phạm nhân, Chúa Giêsu không một lời khiển trách, Ngài mở lời xoa dịu và trấn an chị:“Tôi không lên án chị đâu….”. Không lên án không có nghĩa là coi nhẹ tội lỗi, hoặc xí xóa cho qua. Nhưng Ngài mời gọi khẩn thiết: “Đừng phạm tội nữa”. Ngài không dung túng cái xấu, đồng thời Ngài khơi dậy cái tốt đang còn tiềm ẩn nơi người phụ nữ cũng như nơi dân chúng. Dù con người vốn yếu đuối, dễ sa ngã, nhưng Ngài luôn tha thứ và hy vọng vào sự đổi mới của họ.

Những kẻ có quyền thường thích lên án, thích trừng phạt, thích dựa vào luật lệ để buộc tội người khác. Đang khi đó, bản chất của quyền hành là để cứu giúp và cứu gỡ nạn nhân. Tội lớn nhất của các Kinh sư và người Pharisêu trong sự kiện này là dùng người đàn bà như một thứ đồ vật, để thực hiện ý đồ của họ, là nhằm đưa Đức Giêsu vào bẫy. Nhưng người gài bẫy lại mắc bẫy, vì đó là hành vi phi đạo đức. Chỉ Chúa Giêsu mới có quyền xét xử và kết án, nhưng Ngài lại làm việc đó với tình yêu.

Sứ điệp trong Tin Mừng hôm nay là “cứu sống” chứ không phải “giết chết”, là mở ra một tương lai, một chân trời mới, một niềm hy vọng, chứ không phải khép lại. Ngài xét xử theo lương tâm chứ không theo lề luật; theo lòng nhân hậu chứ không theo tội phạm. Phán quyết của Ngài là lên án tội lỗi chứ không phải tội nhân, là kêu gọi hoán cải và tuyên bố ơn tha tội, để giải thoát chứ không kiềm buộc.

Là môn đệ Chúa, sự hiện diện của chúng ta là để cứu chữa những gì đã hư hỏng, phục hồi những gì đã hư hao, làm mới lại những gì đã hư hại, nhất là đem lại niềm hy vọng cho những người đã sa cơ lỡ bước.  Đó là chủ điểm mà chúng ta đang sống trong năm thánh. Chúng ta chỉ có quyền tha, không có quyền buộc. Quyền kết án thuộc về một mình Thiên Chúa, đừng thay Trời hành đạo, vì là thái độ của kẻ kiêu ngạo. Mang thân phận tội lỗi, nên chúng ta càng phải cảm thương nhau. Ước gì ta có được cái nhìn và tâm tình của Chúa, để sống cuộc đời mới.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Người ta đã mở ra một phiên tòa,
mời Chúa xử người đàn bà phạm tội,
bị bắt quả tang không còn đôi chối,
tội ngoại tình là phải bị ném đá.

Cách xử án của Chúa quả thật lạ,
không theo luật mà xử với lòng nhân,
một phiên tòa kẻ phạm tội được tha,
kẻ kiện cáo lại thấy mình có tội.

Một phiên tòa tĩnh lặng và yên ắng,
không ồn ào để được thắng hay thua,
nhưng khơi mở cho lương tâm lên tiếng,
đòi người ta đối diện với lòng mình.

Qua đó Chúa dạy con trong mọi chuyện,
không cứ lấy cái đầu ra giải quyết,
trước tiên cần cảm nhận của con tim,
với cái nhìn đầy yêu thương trước đã.

Chúa tha thứ hết cho người tội lỗi,
nhưng kêu mời từ nay đừng phạm tội,
để sống vui với Chúa với mọi người,
góp phần cho thế giới được sáng tươi.

Xin cho con có trái tim của Chúa,
biết xót thương và quảng đại với nhau,
chớ ngặt nghèo gây thêm nỗi khổ đau,
nhưng quên mình để biết sống vì nhau.

Nếu Chúa cứ công bình mà chấp tội,
bản thân con có chịu nổi hay không?
xin cho con hãy mở rộng tấm lòng,
để lan tỏa tình yêu mến hiệp thông. Amen.

Lm. Thái Nguyên

print