Tham nhũng: Nói Với Chính Mình + Giám Mục Gb. Bùi Tuần

print

Tham nhũng

Khi tôi tố tham nhũng, có lẽ tôi đã tự tố tôi.
Nếu tôi bênh tham nhũng, tất nhiên là tôi tự bênh tôi.
Tôi đặt tôi vào vấn đề đang đặt cho người khác. Tôi lấy chuyện người để hỏi lại lòng tôi.
Đối diện với lương tâm dưới ánh sáng bình lặng của Chúa, tôi thấy mình khó có thể gọi được là trong sạch. Chấp nhận điều đó là điều quan trọng. Nhưng ý thức được tai hại của tham nhũng còn quan trọng hơn. Vì có thấy xấu, tôi mới xác tín đủ để xa tránh, gớm ghê.
Tôi tưởng tham nhũng không đến nỗi gì. Nhưng xét kỹ, tôi thấy nó nguy hại không ít.
Tham nhũng là tính cách tội lỗi của hành vi đặt tiền bạc tư lợi lên trên công bình và luật pháp.
Tham nhũng nghịch đức công bình, hoặc công bình giữa cá nhân với cá nhân hoặc công bình đối với xã hội. Khi vì tiền bạc tư lợi tôi xét xử thiếu công minh, phân phối thiếu vô tư, áp dụng lề luật không đúng đắn, đối xử một cách thiên vị, thì tôi gây hại cho ích chung và cho những người liên hệ. Nếu mọi sự đều được giải quyết bằng tiền bạc và tư lợi thì sẽ tạo thành một thứ công lý giả tạo, theo đó kẻ ít tiền sẽ luôn luôn là kẻ thua thiệt.
Tham nhũng thường nghịch đức bác ái. Tôi dễ trở nên chai đá với những kẻ không biết mua chuộc tôi. Tôi sẽ dễ xử tệ với những người không có gì để cho tôi. Tôi sẽ coi thường những kẻ chỉ vì nghèo khó mà sa vào kiếp lầm than, không xứng đáng phẩm giá con người. Tôi sẽ dễ tàn nhẫn với những người muốn sửa sai tôi. Hành vi của tôi gieo mầm bất mãn, hận thù và sẽ dễ gây gương xấu.
Tham nhũng hay nghịch đức ngay chính. Vì tôi sẽ phải giả dối, quanh co, giấu giếm. Tôi sẽ cố biện minh cho hành vi tham nhũng của tôi bằng những lý do nguỵ tạo hợp pháp và đạo đức. Biện minh cho một việc là để có thể tái diễn lại việc đó. Nhiều hành vi làm nên thói quen. Quen phạm tội sẽ không còn sợ tội. Quen không sợ tội sẽ coi thường tội. Tình trạng đó làm hư hỏng lương tâm. Tội không làm hư cho bằng một lương tâm hư. Vì lương tâm hư sẽ không còn thấy rõ mình hư, sẽ không còn nhìn rõ các giá trị thực.
Tham nhũng là một tội, nên tôi không thể chấp nhận được.
Tôi sẽ cố gắng thực hiện bằng tâm tình và hành động những lời chỉ đạo rõ rệt sau đây của Đại hội Giám Mục Á châu:
“Chúng tôi nhất quyết lấy can đảm mà lên tiếng bênh vực quyền lợi của những người bị thiệt thòi và có thể chống lại mọi hình thức bất công từ đâu tới. Chúng tôi sẽ không tự bó tay bằng cách thỏa hiệp và cấu kết với những người giàu có và những người có thế lực trong những quốc gia chúng tôi” (Tuyên ngôn Đại hội Giám Mục Á châu, Manila 29/10/1970).
Tôi kết án tham nhũng nhân danh công bình bác ái. Chính vì thế, đường lối sửa sai của tôi cũng phải trong tinh thần công bình bác ái.
Tôi đả phá tham nhũng nhân danh đạo đức. Chính vì thế, phương pháp tôi dùng cũng phải đạo đức.
Tôi muốn ném đá những người tham nhũng, nhưng tôi sợ Chúa sẽ bảo tôi: “Ai thấy mình trong sạch, hãy ném hòn đá thứ nhất đi”. Lúc đó tôi không khỏi giật mình. Nên tôi phải khởi sự từ chính mình. Với chính mình, tôi sẽ gắt gao hơn với người khác. Có thể tôi không tham nhũng theo nghĩa ăn tiền, nhưng lại tham nhũng dưới những hình thức khác. Nếu may ra tôi không tham nhũng dưới bất cứ hình thức nào, thì chưa chắc gì tôi đã không phạm vô số những tội nghịch đức công bình, bác ái trong tư tưởng lời nói việc làm và những điều thiếu sót.
Tôi thực tình ăn năn sám hối với các Đức Giám Mục Á châu, khi các ngài tự thú: “Chúng tôi nhìn nhận rằng chúng tôi cũng đã thiếu sót. Chúng tôi chỉ bảo vệ những quyền lợi hẹp hòi và riêng tư. Chúng tôi đáng lẽ phải tỏ ra cảm thương và lo lắng hơn cho người nghèo và phải lên tiếng một cách mạnh mẽ hơn cho công bình, và cho công cuộc bảo vệ nhân quyền” (Tuyên ngôn Đại Hội Giám Mục Á châu, 1970).
Lạy Chúa, người phú hộ trong Phúc Âm đã bị kết án đày xuống hỏa ngục, vì quá lo thụ hưởng, không để ý người ăn mày Ladarô, phương chi con, nếu chẳng những không lo giúp người nghèo thì chớ, lại còn làm cho kẻ đói nghèo càng phải nghèo thêm do những bất công thối nát và hèn nhát của con.
Xin Chúa cho con thêm sáng suốt, và can đảm để thực thi công bình bác ái.