Dẫy núi dài trên ba ngàn cây số như xương sống cá từ cuối miền nam tới New Dehli chia nước Ấn thành hai vùng khí hậu khác nhau. Phía Tây Nam, vùng Kerala, biển Goa có thể mưa dầm dề vào tháng sáu. Gió đưa mưa lên miền Bắc, không băng qua được rặng Hy Mã Lạp Sơn, thổi quay về hướng Đông Nam. Vào độ tháng mười nước bắt đầu lụt ở miệt Bangadesh, Calcutta.

Năm nay mới tháng tư mà mưa liên tiếp gần một tuần rồi. Hơi lạ . Mưa rừng. Mưa trên núi. Mưa núi bao giờ cũng lạnh. Trên độ cao, sương chậm tan và nắng lên muộn. Nắng đổ trên đầu núi, bao giờ cũng rực rỡ. Đứng bên này núi chỉ thấy hừng đông bắt lên phía bên kia đồi. Mấy hôm nay không cong hừng đông vì mưa đem sương về. Không gian chìm trong màn sáng đục. Rỉ rả đã mưa gần hết đêm qua. Mưa rừng thương mưa rất dai.

Trong phòng, qua khung kiếng tôi không còn thấy rừng cây dưới thung lũng nữa. Mây bay sà sà ngang qua cửa sổ. Mở cửa, gió đưa sương mù và mây ùa vào phòng. Phòng ùa ngập mây. Chưa bao giờ tôi gần mây như thế. Ngày xưa bé nhìn mây bay. Nước mỏi cổ mong cánh diều lên cao. Tuổi thơ không biết mây là gì, chỉ biết mây ở cao và chẳng bao giờ ta với tới. Mây là thần thoại của trời.

Không, mây không là thần thoại. Mây là tâm tình của đất gọi trời cao. Mây đem hơi nước từ sông, từ biển, từ đồng bằng với gọi trời và trời gởi mưa xuống. Mây vừa là tiếng của đát nguyện xin vừa là đáp trả của trời, trao nhau. Hôm nay mây đem mưa xuống rừng, mưa về bên thánh giá.

Tôi đến thiền viện Bodhi Zendo đúng vào dịp Tuần Thánh. Thứ Sáu Tuần Thánh không có thánh lễ, chỉ có thánh giá, không nhạc khí, không hoa đèn.

Thinh lặng suy niệm mầu nhiêm thánh giá, mầu nhiệm Chúa đau khổ. Đêm qua mưa lạnh, sáng nay vẫn rớt những tàn mưa rừng trên tầu chuối. Thiền đường cũng lạnh hơn mọi ngày. Tĩnh mịch, thoang thoảng chút hương trầm, một chút ấm. Chuông đầu ngày thức giấc bốn rưỡi sáng. Các thiền sinh ngồi như tượng gỗ chung quanh cây thập giá. Không giảng thuyết. Không nhạc đạo. Không nghi thức. Chỉ có thập giá gỗ. Mười năm sống đời linh mục, Tuần Thánh này khác quá.

Những năm đầu đời linh mục của tôi, Tuần Thánh là những ngày bận rộn nhất. Những ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm xưa với giải tội hàng giờ, tập nghi thức cho giúp lễ, tập hoạt cảnh suy niệm Chúa trong đêm vườn Cây Dầu, sửa soạn chặng đàng thánh giá, rửa tội tân tòng đêm Phục Sinh. Hôm nay tôi ngồi đây trên núi thấy Tuần Thánh này vắng vẻ quá. Âm vọng về những ngày tháng cũ. Những năm ở trại tỵ nạn, đêm Phục Sinh nào cũng tham dự niềm vui của biết bao anh chị em tân tòng rửa tội. Lễ bạc tưng bừng. Hôm nay chỉ có mưa rừng, thánh giá và thinh lặng của núi.

Mỗi ngày thứ Sáu Tuần Thánh năm xưa, chặng đàng thánh giá không ở trong nhà thờ mà trong các ngõ hẻm của trị tỵ nạn. Gần hai chục người vác cây thánh giá gỗ, toàn thể cộng đoàn theo sau, dừng mười bốn nơi trong các đường hẻm. Mỗi đoàn thể thay nhau vác thánh giá một chặng. Ba giờ chiều trời trưa hanh hắng chảy mồ hôi. Thánh giá vác đi trong đời sống. Tối thứ Sáu Tuần Thánh, Thiếu Nhi dọn hoạt cảnh Đêm Vườn Cây Dầu. Ca đoàn Thanh Niên, ca đoàn Trùng Dương của giáo xứ, ca đoàn Thiếu Nhi, mỗi ca đoàn dọn lời dẫn suy niệm, và những khúc ca thánh giúp giáo dân cầunguyện. Một thời kỷ niệm đã qua rồi.

Bây giờ trại tỵ nạn không còn. Mỗi người một phường trời. Những khuôn mặt thân thương tản mác vào cuộc đời. Tôi là linh mục của họ trong những ngày tháng ấy. Đối với tôi, họ là một phần trong đời tôi. Có lúc bực mình gắt gỏng, có lúc thiếu sót bổn phận, có lúc sai lầm, những tôi không quên họ. Như Đức, một đoàn viên Thanh Niên Công Giáo rất có tinh thần chung, không được định cư, hồi hương về miền Trung, nơi mùa đông thiếu áo, mùa hè thiếu ăn, nơi đầt cày lên sỏi đá với cái nghèo quanh năm. Đấy là thập giá trầy vai bất hạnh hay thánh giá hồng ân? Như H, phải giả hôn thú với người đàn ông đậu thanh lọc, tìm bất cứ giá nào để định cư, kiếm tiền gởi về nuôi em, trả nợ thay cho bố mẹ, cứu gia đình ở Việt Nam. Sau những ngày giả hôn thú với Cao Ủy, mỗi lần gặp tôi, H. khóc nghẹn trong cơn đau. “Cha ơi, họ hành hạ thân xác con.” Ở Việt Nam có mấy người biết có những đồng tiền gởi về cho thân nhân là giá đau đớn như trên thánh giá của một đời người. Sự đau đớn không bao giờ nói ra được, im lìm đem theo cõi chết. Như ông X. có chuyện buồn gia đình rồi vượt biên, ngày tôi về Việt Nam ông nhắn lời xin lỗi vợ con. Ông chết đơn côi trên đảo, không biết có được bình an không vì trong tin tha thứ từ quê nhà. Sau này người con ở Việt Nam nghe tin bố chết, bấy giờ thương bố thì đã muộn, nhờ tôi có cách nào bốc mộ cha về. Nhưng tôi đã rời trại rồi. Đó là những thập giá bất hạnh trong đời sống, hay thánh giá ban ơn?

Trên núi rừng của thiền viện hôm nay chỉ có thánh giá và mưa bay, chỉ có thinh lặng. Vào những ngày này, dưới thung lũng kia, các xứ đạo đang bận rộn, các cha xứ không có giờ nghỉ ngơi. Hôm nay thứ Sáu Tuần Thánh, ngày đặc biệt suy tôn thánh giá. Tôi ngồi trong thiền viện nhìn thánh giá với tâm tư và hình ảnh của quá khứ. Tôi không bận rộn với công việc nào cả. Chỉ có thánh giá và thinh lặng. Đâu là thánh giá thật, đâu là thánh giá giả?

Người Công Giáo hay nói đến thánh giá. Phải tai ương hoạn nạn gì, nhiều người nói đó là thánh giá. Gặp bất hạnh khốn khó cũng bảo thánh giá. Cái gì giữ, cái gì xấu xa xảy đến, chịu không nổi, họ an ủi nhau hãy vác thánh giá. Tôi thấy hình ảnh thánh giá đó thê lương quá. Có thật đấy là THÁNH giá không, HOLY cross hay chỉ là cross? Có thật đấy là ơn cứu độ không? Có thật đấy là điều Chúa muốn con cái Chúa vác không?

Tội ác xấu xa như kẻ sát nhân bắn người. Có thể hàng xóm đến an ủi bảo ông bà hãy vui lòng vác thánh giá. Một tay say rượu đâm xe giết chết các em bé thơ ngây. Hàng xóm chia buồn cũng an ủi ông bà hãy vui lòng vác thánh giá. Có khi họ bảo Chúa gởi để ông bà lập công đức! Có khi họ bảo Chúa thương ai, Chúa gởi thánh giá cho người ấy! Gỉa sử tôi là người ngoài Công Giáo, nghe giáo lý như thế tôi không dám vào đạo. Sao Chúa gởi nhiều sự dữ như thế? Vào đạo theo Chúa gởi tai nạn hầu tôi lập công đức ư? Tai ương nào cũng bảo là thánh giá. Tôi sợ. Tôn thờ thánh giá là chấp nhận những tai ương xấu xa đó sao?

Thiên Chúa chống lại những sự dữ đó. Thiên Chúa muốn con người hạnh phúc. Phải chăng trước những tai ương quá đau khổ, họ gán cho Chúa gởi tai ương đó đến giúp nhau can đảm chấp nhận? Nếu vậy oan cho Chúa quá. Chúa muốn sự lành cho con người cơ mà. “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá mà lại cho nó con rắn? Anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ tin Người” (Mt. 7, 9-11).

Nếu bảo Chúa gởi hoạn nạn đó như thánh giá đến, tại sao lại bắt kẻ sát nhân vào tù? Sao không cám ơn tay lái xe say rượu? Con cái bỏ nhà đi cũng là thánh giá Chúa gởi sao? Chúa gởi sao lại tìm nó về?

Với cách nói về thánh giá như trên, trong ngôn ngữ một số người Công Giáo nói về thánh giá, tôi thấy có điều không ổn. Lần kia có kẻ sát nhân bắn oan người con trai duy nhất, rất ngoan, học giỏi của anh chị X. Tôi nghe có người an ủi anh chị là: “Thôi, thánh giá Chúa định, anh chị cố gắng vác!” Chúa định sự dữ đó sao? Tội nghiệp cho Chúa. Gỉa sử họ nói với anh chị ấy: “Thật đau khổ cho anh chị lúc này. Chúa cũng đau với anh chị. Chúa chăng muốn sự dữ. Lúc này Chúa đang gần anh chị để vác chung nỗi đau của anh chị.” Tôi thấy lời ấy đúng giáo lý hơn.

Người ta nói nhiều về đau khổ của Chúa Kitô. Trong khi thật ra phải nói về Chúa Kitô chịu đau khổ. Hai điều khác nhau. Nhấn mạnh về đau khổ là nói về nỗi bất hạnh. Nhấn mạnh con người chịu đau khổ là nói về can đảm. Đức Kitô chấp nhận đau khổ trong can trường. Nhưng Ngài không đi tìm đau khổ như mục đích. Ngài không say sưa với đau khổ. Vì thế ta can đảm chấp nhận đau khổ khi hoàn cảnh xảy ra nhưng phải tìm cách loại trừ sự dữ gây đau khổ. Phải xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Trong khoá thiền học này có hơn hai chục người, nhiều quốc tịch khác nhau, Mỹ, Thụy Sĩ, Mexicô, Tiệp Khắc, Ấn Độ, Thụy Điển, Áo, đa số là Đức. Trong đó có ba linh mục. Hôm thứ Năm Tuần Thánh, Cha Stefan người Đức phụ trách nghi thức Chúa lập bí tích Thánh Thể và rửa chân. Cha Ama Samy phụ trách lễ Phục Sinh. Tôi phụ trách Thứ Sáu, suy niệm thánh giá. Trong nghi thức suy tôn Thánh Gía, tôi nói với các thiền sinh tập sự:

Các bạn thân mến ,

Chúng ta đến đây để học meditation. Tôi xin gợi ý về thánh giá, để như một thiền sinh, các bạn tìm cho mình một meditation riêng. Đức Kitô bị đóng đinh với hai tên trộm trên thập giá. Như thế ta thấy tất cả là ba cây thập giá. Mỗi lần vào phòng thiền, chúng ta cúi đầu trước cây gỗ này, cây thập giá. Trên cây thập giá không thấy tượng hình Đức Kitô. Vậy các bạn cúi đầu trước cây thập giá của ai? Của têm trộm hay của Chúa?Ngày nay có quá nhiều thập giá, lẫn lộn vào nhau. Thập giá của Chúa, của trộm. Làm sao các bạn phân biệt?

Quan trọng hơn là cả chính bạn, bạn đeo trên áo mình cây thập giá, làm sao người ta nhận ra bạn là môn đệ Chúa Kitô, hay môn đệ tên trộm? Vì cả hai đều có dấu hiệu giống nhau.

Phải chăng điều khác nhau là một cây có chất Thánh, một cây không. Nhưng làm sao để phân biệt cây thập giá bạn đeo có chất Thánh? Phải chăng chất Thánh không thể tìm thấy trên cây gỗ, chỉ có thể thấy ở nơi người đeo nó?

Theo nghi thức phụng vụ, thứ Sáu Tuần Thánh không có phép lành, không có lời cầu chúc cuối, không ca hát. Sách nghi thức căn dặn là im lặng ra về.

Vì thế, sau mấy lời gợi ý như trên, tôi im lặng một chút rồi ra khỏi tiền đường.

Ấn Độ, Mùa Chay và Phục Sinh, 2001

Linh Mục Nguyễn Tầm Thường