Thiên Chúa có thích thử thách con người không?

print

Thiên Chúa có thích thử thách con người không?

 

Những ngày qua, bệnh dịch đang hoành hành mạnh mẽ ở Việt Nam. Nếu trước đây, chúng ta chỉ nghe nói và chứng kiến trên màn hình tivi về sự tàn phá của bệnh dịch, thì bây giờ, chúng ta đang trải qua những khốn khó nhất trong cơn đại dịch. Giữa vòng vây của đại dịch, chúng ta mới thực sự cảm nhận được thân phận con người yếu đuối mỏng manh và dễ vỡ. Không ít người đã rơi vào sự hoảng loạn và mất hết hy vọng về tương lai.

Cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng! Điều quan trọng, chúng ta đối diện với những khó khăn ấy như thế nào. Bài Tin Mừng hôm nay,[1] cho ta thấy các môn đệ đang đứng trước một khó khăn lớn. Tất nhiên, tình cảnh này không bi đát bằng những điều mà người dân Việt Nam đang phải trải qua trong cơn đại dịch, nhưng ở đây, chúng ta thấy các môn đệ đang ở trong thế bế tắc và bất lực hoàn toàn.

Bấy giờ, Đức Giê-su hỏi Phi-líp-phê: „Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?” Người nói thế là để thử[2] ông” (6a). Thánh Gio-an đã khéo léo cho ta biết rằng Đức Giê-su đang „hỏi thử” người môn đệ. Chúng ta nên để ý sự khác biệt giữa thử thách và cám dỗ. Khi thử thách, người thầy hy vọng rằng học sinh sẽ vượt qua bài kiểm tra; Còn khi cám dỗ, người cám dỗ luôn muốn rằng người kia sẽ rơi thất bại và rơi vào cạm bẫy của mình. Ở đây, Đức Giê-su không có chủ ý gài bẫy. Ngài chỉ hỏi thử để hy vọng tìm thấy nơi Phi-líp-phê một đức tin mạnh mẽ hơn. „Vì Người đã biết mình sắp làm gì rồi” (6b). Đức Giê-su đã có một kế hoạch trong tâm trí. Ngài không có ý đòi buộc Phi-líp-phê phải giải quyết một vấn đề quá khó khăn, nhưng Ngài chỉ thăm dò xem, để biết chiều sâu đức tin của Phi-líp-phê thế nào.

Có lẽ, Phi-líp-phê không nhớ đến phép lạ Đức Giê-su đã thực hiện tại tiệc cưới Ca-na.[3] Phép lạ đánh dấu sự khởi đầu của Đức Giê-su, và khiến các môn đệ tin vào Ngài. Trước đó, Phi-líp-phê đã là môn đệ của Đức Giê-su.[4] Mặc dù chúng ta không được biết cụ thể rằng Phi-líp-phê có hiện diện trong tiệc cưới Ca-na hay là không, nhưng chắc chắn ông đã nghe nói về phép lạ đó. Tuy nhiên lúc này, Phi-líp-phê không mảy may nghĩ đến việc Đức Giê-su có thể thực hiện phép lạ để nuôi dân chúng.

Không chỉ riêng Phi-líp-phê cảm thấy tình cảnh quá khó khăn, mà một môn đệ khác cũng đã nhận ra tình hình thực tế không có gì khả quan. „Một trong các môn đệ, là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, thưa với Người: Ở đây có một em bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá.” Ông An-rê thông tin cho biết: có một nguồn lực khiêm tốn – một cậu bé với bữa trưa của mình. Ngay sau đó, ông tán thành chủ nghĩa bi quan của Phi-líp-phê: “nhưng với ngần ấy người thì thấm vào đâu!”” Cả Phi-líp-phê và An-rê đều giúp chúng ta hiểu được thực trạng khó khăn thực sự mà các ông đang phải đối diện.

Phải chăng Đức Giê-su đang thực sự muốn thử thách Phi-líp-phê và các môn đệ? Hay nói một cách khác, Thiên Chúa có thích thử thách con người không?

Kinh Thánh nói với chúng ta rằng Thiên Chúa là nguồn gốc mọi sự tốt lành. Còn sự dữ và những khó khăn trên thế giới như là một phần của cuộc sống. Và theo cái hiểu thông thường, Thiên Chúa không cần thử thách con người làm chi. Nhưng những thử thách và cám dỗ luôn hiện diện trong đời sống thường ngày, chúng là cơ hội để con người sống gần Thiên Chúa hơn.[5]

Bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta tiếp tục đặt niềm tin nơi Thiên Chúa. Trong những tình cảnh khó khăn, tưởng chừng như không thể đối với con người, thì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. Tất nhiên, chúng ta không nên hiểu lầm là mình cứ ngồi chờ đợi, Thiên Chúa sẽ ra tay cứu. Ngược lại, chúng ta được mời gọi: cố gắng vận dụng tất cả những gì mình có, để đẩy lui bệnh dịch và tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa. Nói một cách khác, Thiên Chúa luôn dành chỗ cho sự cộng tác của con người vào công trình của Ngài. Để phép lạ có thể xảy ra, con người cần đóng góp phần nhỏ bé của mình.

Trở lại với câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay. Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu bé không muốn chia sẻ bữa trưa của mình? Điều gì sẽ xảy ra nếu cậu bé nói: „Tôi cần những thức ăn này cho chính mình”; hoặc chối từ chia sẻ một cách trả lời khéo léo rằng: “Một chút của tôi sẽ không tạo ra sự khác biệt nào cả!” Ngược lại, ở đây cậu bé đã hoàn toàn quảng đại chia sẻ những gì mình có, và được Chúa ban phước lành. Đây là thông điệp chính trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.

Nhìn lại lịch sử loài người, chúng ta nhận ra rằng Thiên Chúa thường dùng một số ít người tài giỏi và khiêm tốn để thực hiện hầu hết các công việc nhân danh Ngài. Nếu ai trong chúng ta bị cám dỗ và muốn thoái lui, vì nghĩ rằng mình có quá ít để đóng góp, thì cần phải nhớ rằng Chúa đã thực hiện những điều kỳ diệu thế nào từ sự quảng đại đóng góp phần nhỏ bé của con người.

Niềm hy vọng của chúng ta trong cơn đại dịch này không phải là những hy vọng ảo tưởng vào những lời nói suông, nhưng là niềm hy vọng đặt trên những hành động cụ thể. Dù tình hình thực tế có bi đát đến đâu đi chăng nữa, thì chúng ta vẫn luôn cậy trông nơi Thiên Chúa và sống liên đới với người khác. Như lời Đức Thánh Cha Phan-xi-cô từng chia sẻ với chúng ta trong cơn đại dịch: Chúng ta nên sống trong đại dịch thế nào?[6] Và cần đối phó với đại dịch bằng tình yêu không biên giới.[7] Với tình yêu ấy, chúng ta thắp lên những ngọn nến hy vọng dìu bước nhau trong đêm tối, và hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.

Xin cho chúng con biết sống yêu thương và quảng đại với anh chị em mình. Amen.

Giuse Trần Văn Ngữ, SJ

………..

[1] Đức Giê-su hóa bánh ra nhiều (Ga 6,1-15).

[2] πειράζων (peirázôn) = có thể có nghĩa là kiểm tra, thử thách hoặc cám dỗ.

[3] Tiệc cưới Ca-na (Ga 2,1-11).

[4] Xem: Các môn đệ đầu tiên (Ga 1,43-48).

[5] Chúng ta hãy đọc thư thánh Giacôbê Tông đồ: “Khi bị cám dỗ, đừng ai nói : ‘Tôi bị Thiên Chúa cám dỗ’, vì Thiên Chúa không thể bị cám dỗ làm điều xấu, và chính Người cũng không cám dỗ ai (Gc 1,13). Hoàn toàn ngược lại: Chúa Cha không phải là tác giả của điều xấu, không có người con nào yêu cầu cá mà Người cho rắn (x. Lc 11,11) như Chúa Giêsu đã dạy, và khi sự ác xuất hiện trong cuộc sống của con người, Chúa chiến đấu bên cạnh họ, để họ có thể để được giải thoát khỏi sự dữ. Đó là một Thiên Chúa luôn chiến đấu vì chúng ta, chứ không chống lại chúng ta. (xem bài giảng của Đức Thánh Cha Phan-x-cô: https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2019-05/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-kinh-lay-cha-cam-do-thu-thach.html )

[6] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-04/dtc-phanxico-song-trong-dai-dich-covid-19-the-nao.html

[7] https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2020-09/dtc-phanxico-tiep-kien-chung-dai-dich.html