Thư của Đức Phanxicô gởi cho dân tộc Ucraina

THƯ CỦA ĐỨC PHANXICÔ GỞI CHO DÂN TỘC UCRAINA CHÍN THÁNG SAU KHI CHIẾN TRANH BẮT ĐẦU : NỖI ĐAU ĐỚN CỦA ANH CHỊ EM LÀ NỖI ĐAU ĐỚN CỦA TÔI

Hôm 24/11/2022, Đức Phanxicô đã gởi thư cho người dân Ucraina, để an ủi và khích lệ họ trước sự dã man mà quân xâm lược Nga gây ra cho đất nước này. Ngài cho thấy nỗi đau đớn của họ là nỗi đau đớn của ngài và bày tỏ « sự gần gũi …, trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện, với sự quan tâm nhân đạo, để anh chị em cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ rơi một mình hôm nay và nhất là mai ngày, khi cám dỗ có thể đến là quên đi nỗi đau khổ của anh chị em ».

Ngài trấn an và khích lệ họ : « Bất chấp bi kịch to lớn mà mình phải chịu, dân tộc Ucraina chưa bao giờ nản lòng và chưa bao giờ tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc gan dạ và mạnh mẽ, một dân tộc đau khổ và cầu nguyện, than khóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tuẫn đạo. »

Đặc biệt, Đức Thánh Cha « phó dâng nỗi đau khổ và nước mắt của anh chị em cho trái tim từ mẫu của Mẹ ». Và mời gọi hy vọng vào quyền năng của Chúa : « Thử thách mà Thánh Gia đã phải đương đầu trong đêm đó vốn dường như chỉ là lạnh lẽo và tăm tối. Tuy nhiên, ánh sáng đã đến: không phải từ phía con người, nhưng từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, nhưng từ Trời. »

Bức thư này như là sự nâng đỡ và là « vũ khí tinh thần » mà Đức Thánh Cha gởi đến cho dân tộc Ucraina, để khích lệ họ không nản lòng bỏ cuộc trong cuộc đấu tranh chống lại những kẻ xâm lược.

Dưới đây là thư của Đức Thánh Cha :

Anh chị em Ucraina thân mến !

Trên vùng đất của anh chị em, từ chín tháng qua, sự điên cuồng phi lý của chiến tranh đã nổi lên dữ dội. Trên bầu trời của anh chị em, tiếng gầm rú ác hại của các vụ nổ và âm thanh đáng ngại của còi báo động vang lên không ngừng. Các thành phố của anh chị em bị bom tấn công trong khi những cơn mưa tên lửa gây ra cái chết, sự tàn phá và nỗi đau đớn, đói khát và lạnh lẽo. Trên các đường phố của anh chị em, biết bao người đã phải chạy trốn, bỏ lại nhà cửa và những người thân yêu. Mỗi ngày, những dòng sông máu và nước mắt chảy dọc theo những dòng sông vĩ đại của anh chị em.

Tôi muốn hòa những giọt nước mắt của tôi với những giọt nước mắt của anh chị em và nói với anh chị em rằng không có ngày nào mà tôi không gần gũi anh chị em và không mang anh chị em trong trái tim và lời cầu nguyện của tôi. Nỗi đau đớn của anh chị em là nỗi đau đớn của tôi. Trên thập giá của Chúa Giêsu hôm nay, tôi nhìn thấy anh chị em đang phải chịu đựng nỗi kinh hoàng do sự xâm lược này gây ra. Vâng, thập giá đã tra tấn Chúa như sống lại trong các cuộc tra tấn được tìm thấy nơi các thi thể, nơi những ngôi mộ tập thể được tìm thấy nơi các thành phố khác nhau, nơi những hình ảnh này và biết bao hình ảnh đẫm máu khác đã đi vào tâm hồn chúng ta, khiến chúng ta phải kêu lên: tại sao? Làm thế nào con người có thể đối xử với những người khác theo cách này?

Nhiều câu chuyện bi thảm, mà tôi đã biết được, lại xuất hiện trong tâm trí tôi. Trước hết, những câu chuyện về các trẻ nhỏ: bao nhiêu trẻ em đã bị giết chết, bị thương hay mồ côi, bị cướp đi khỏi mẹ của chúng! Tôi khóc với anh chi em đối với mỗi đứa trẻ đã mất mạng vì cuộc chiến này, như Kira ở Odessa, như Lisa ở Vinnytsia, và như hàng trăm đứa trẻ khác: nơi mỗi trẻ nhỏ đó, cả nhân loại bị đánh bại. Bây giờ, các em đang ở trong cung lòng của Thiên Chúa, các em đang nhìn thấy nỗi lo âu của anh chị em và đang cầu nguyện để nó chấm dứt. Nhưng làm sao không cảm thấy âu lo đối với họ và đối với những người, nhỏ và lớn, đang bị đưa đi đày? Nỗi đau buồn của các bà mẹ Ucraina là không kể xiết.

Do đó, cha nghĩ đến các con, những người trẻ, để bảo vệ tổ quốc mình cách can đảm, đã phải cầm vũ khí thay vì thực hiện những ước mơ mà các con đã ấp ủ cho tương lai; cha nghĩ đến các con, những người vợ, những người đã mất đi những người chồng và đang tiếp tục kìm mình trong thinh lặng, với phẩm giá và quyết tâm, hy sinh tất cả cho con cái của mình; cha nghĩ đến các con, những người lớn, đang cố gắng bằng mọi cách để bảo vệ người thân yêu của mình; tôi nghĩ đến những người cao tuổi, thay vì một buổi hoàng hôn thanh bình, đã bị ném vào đêm tối của chiến tranh; tôi nghĩ đến các chị em phụ nữ đã phải chịu cảnh bạo lực và mang trong lòng những gánh nặng to lớn; tôi nghĩ đến tất cả các bạn, đang bị tổn thương trong tâm hồn và thân xác. Tôi nghĩ đến anh chị em và tôi ở bên cạnh anh chị em bằng tình yêu thương và thán phục đối với cách mà anh chị em đang đối mặt với những thử thách khó khăn như thế.

Tôi nghĩ đến các bạn, những tình nguyện viên, đang tiêu hao mỗi ngày cho mọi người; tôi nghĩ đến anh em, những Mục tử của dân thánh của Thiên Chúa, thường có nguy cơ cho sự an toàn của riêng mình – đã ở lại gần gũi với người dân, mang lại sự an ủi của Thiên Chúa và tình liên đới huynh đệ, biến đổi một cách sáng tạo các cộng đoàn và tu viện thành nơi ẩn náu nơi anh em mang lại lòng hiếu khách, sự trợ giúp và lương thực cho những người đang sống trong những hoàn cảnh khó khăn. Tôi cũng nghĩ đến những người tỵ nạn và những người di cư trong nước, đang phải ở xa nhà của mình, trong đó nhiều nhà cửa đã bị phá hủy; và tôi nghĩ đến các nhà cầm quyền, những người mà tôi cầu xin: nhiệm vụ của họ là điều hành đất nước trong thời kỳ bi thảm và đưa ra những quyết định sáng suốt vì hòa bình và sự phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ phá hủy rất nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng, ở thành phố cũng như ở nông thôn.

Anh chị em thân mến, trong biển sự dữ và đau khổ này – chín mươi năm sau cuộc diệt chủng khủng khiếp bằng nạn đói Holodomor -, tôi rất ấn tượng bởi lòng nhiệt thành của anh chị em. Bất chấp bi kịch to lớn mà mình phải chịu, dân tộc Ucraina chưa bao giờ nản lòng và chưa bao giờ tủi thân. Thế giới đã công nhận một dân tộc gan dạ và mạnh mẽ, một dân tộc đau khổ và cầu nguyện, than khóc và đấu tranh, kháng cự và hy vọng: một dân tộc cao quý và tuẫn đạo. Tôi tiếp tục gần gũi anh chị em, trong tâm hồn và trong lời cầu nguyện, với sự quan tâm nhân đạo, để anh chị em cảm thấy được đồng hành, để anh chị em không quen với chiến tranh, để anh chị em không bị bỏ rơi một mình hôm nay và nhất là mai ngày, khi cám dỗ có thể đến là quên đi nỗi đau khổ của anh chị em.

Trong những tháng ngày này, khi sự khắc nghiệt của khí hậu làm cho cuộc sống của anh chị em ngày càng trở nên bi đát hơn, tôi mong muốn rằng tình cảm của Giáo hội, sức mạnh của lời cầu nguyện, tình yêu mà rất nhiều anh chị em ở khắp mọi miền cảm nhận được đối với anh chị em, sẽ trở thành những cử chỉ âu yếm dịu dàng trên khuôn mặt của anh chị em. Vài tuần nữa sẽ là lễ Giáng Sinh, và nỗi đau khổ sẽ còn mãnh liệt hơn nữa. Nhưng tôi muốn cùng anh chị em trở lại Bêlem, với thử thách mà Thánh Gia đã phải đương đầu trong đêm đó vốn dường như chỉ là lạnh lẽo và tăm tối. Tuy nhiên, ánh sáng đã đến: không phải từ phía con người, nhưng từ Thiên Chúa; không phải từ trái đất, nhưng từ Trời.

Xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Người và là Mẹ của chúng ta, để mắt đến anh chị em. Trong sự hiệp thông với các Giám mục trên thế giới, tôi xin thánh hiến Giáo hội và nhân loại, cách riêng đất nước của anh chị em và nước Nga cho Trái Tim Vẹn Sạch của Đức Mẹ. Tôi xin phó dâng nỗi đau khổ và nước mắt của anh chị em cho trái tim từ mẫu của Mẹ. Đối với Đấng mà, như một người con vĩ đại của đất nước anh chị em đã viết, “đã mang Chúa đến trong thế giới chúng ta”, chúng ta đừng bao giờ mỏi mệt cầu xin món quà hòa bình được chờ đợi từ lâu nay, trong niềm xác tín rằng “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Xin Ngài thỏa mãn những mong đợi chính đáng trong tâm hồn anh chị em, xin Ngài chữa lành các vết thương của anh chị em và ban cho anh chị em được ơn an ủi. Tôi ở với anh chị em, tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi xin anh chị em cầu nguyện cho tôi.

Xin Chúa chúc lanh cho anh chị em và xin Đức Mẹ gìn giữ anh chị em.

Rôma, Đền thờ thánh Gioan Latêranô, ngày 24 tháng 11 năm 2022

Phanxicô

——————————

Tý Linh chuyển ngữ

(nguồn: Vatican.va)

print