Hai Thái Độ, Hai Tấm Lòng

print

Chúa Nhật 30 Thường Niên Năm C 2019

Hai Thái Độ, Hai Tấm Lòng

Lm. Giuse Nguyễn

Một người đàn ông ăn chơi nổi tiếng, đã ly dị, hay nói xấu các Linh mục, phê bình chỉ trích đường lối của Giáo hội… bước vào nhà thờ tham dự Thánh lễ. Một ánh nhìn. Hai ánh nhìn. Ba ánh nhìn. Nhiều ánh nhìn và hàng trăm con mắt đổ dồn về người đàn ông ấy. Họ nghĩ thầm trong bụng: Thằng này mà cũng đến nhà thờ! ; Thằng này lại nhà thờ làm chi trời! ; Phải Chúa nói chuyện được, Chúa đuổi nó ra khỏi nhà thờ rồi!…

Dường như người ta nghĩ rằng chỉ những ai xứng đáng mới được vào nhà thờ, hoặc chỉ những người thánh thiện mới được tìm đến Chúa. Đó là ý nghĩ hết sức sai lầm, vì Chúa đã từng nói: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mt 9, 13). Và Ngài cũng đã nói một câu châm ngôn: “Người khỏe mạnh không cần đến thầy thuốc, mà người đau yếu mới cần” (Mt 9, 12). Dựa vào phụng vụ lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy khám phá xem Chúa cần điều gì nơi con người chúng ta.

I. PHỤNG VỤ LỜI CHÚA

  1. Bài Đọc I: Hc 35, 12-14. 16-18

Đoạn sách này cho chúng ta thấy sức mạnh lời cầu nguyện của kẻ nghèo hèn: “Lời nguyện của kẻ nghèo hèn vượt ngàn mây thẳm” (Hc 35, 17), bởi vì: “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người góa bụa” (Hc 35, 14). Đó là sự thật về Thiên Chúa. Từ thời Cựu ước Ngài đã luôn bênh vực những người nghèo. Ví dụ khi dân tộc Do Thái định cư ở Ba Tư, họ bi đe dọa tiêu diệt do lòng oán thù của một đại thần chuyên chế, là Aman. Nhưng lạ lùng, Thiên Chúa đã dùng một người phụ nữ là Ette để cứu nguy cho dân tộc. Để có thể làm được việc đó, nàng Ette đã phải thành tâm ăn chay, cầu nguyện. Nàng đã thân thưa với Chúa: “Con cô đơn chẳng còn ai cứu giúp ngoại trừ Ngài” (Et, 4, 17l). Khi con người nhìn nhận sự bất lực của bản thân, đồng thời cậy dựa vào ơn của Chúa, chạy đến với Chúa, lúc đó lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa nhậm lời.

  1. Tin mừng: Lc 18, 9-14

Đức Giêsu đã nói rõ ràng đối tượng mà Ngài muốn nhắm đến trong dụ ngôn này: “Một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác” (Lc 18, 9). Dụ ngôn nêu lên hai nhân vật, qua đó phản ánh hai thái độ đối với Thiên Chúa.

Nhân vật thứ nhất là một người thuộc nhóm Pharisêu. Đây là hình mẫu của người Do Thái vì anh ta giữ đạo rất tốt. Anh ta thuộc nhóm người đạo đức, thánh thiện. Hành động của anh ta trong bài Tin Mừng này là hành động quen thuộc của những người mà người ta gọi là “biệt phái”, vì nó khác biệt với quần chúng.

Anh ta đứng trước mặt Thiên Chúa để liệt kê công trạng của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 12). Mà đây là sự thật, anh ta đã làm, làm tốt, và nhiều khi còn hơn thế nữa.

Anh ta xướng lên những tội anh ta không phạm: “Tham lam, bất chính, ngoại tình…” (Lc 18, 11). Nói chung là anh ta tự hào về đời sống luân lý của mình. Có như vậy anh mới xứng đáng với tên gọi “biệt phái” của mình.

Khi đến với Chúa mà thấy mình đầy đủ quá, xứng đáng quá nên anh chẳng có điều gì để lệ thuộc vào Chúa nữa cả, ngược lại anh còn tự hào về những gì mình có được, mình làm được. Dường như Thiên Chúa không có vai trò gì trong cuộc đời anh, ngoài việc phải trả công cho anh. Dường như anh thấy mình trổi vượt hơn người khác. Mà chính anh cũng xác nhận điều đó: “…vì con không như bao kẻ khác” (Lc 18, 11). Nếu anh ta có quan tâm đến ơn cứu độ thì anh ta nghĩ rằng ơn cứu độ đó xuất phát tự nơi anh.

Nhân vật thứ hai là người thu thuế. Chính nghề nghiệp đã khoác lên người anh ta sự loại trừ của người khác, đã quăng lên con người anh một cái nhìn khinh bỉ. Vì làm nghề thu thuế trong xã hội thời đó là anh phục vụ cho đế quốc để bốc lột nhân dân mình… Anh ta cũng đến Đền Thờ để cầu nguyện.

Luca nói rất ngắn gọn về anh: “Đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18, 13).

Nhưng điều đáng ngạc nhiên là kết luận của đoạn Tin Mừng: “Người này (thu thuế) khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia (biệt phái) thì không” (Lc 18, 14). Như vậy chính thái độ khiêm tốn của anh đã cứu anh. Còn đối với Thiên Chúa, ơn cứu độ được dành cho những ai biết mở lòng ra với Ngài.

Như vậy phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy rõ ràng hai thái độ diễn tả hai tấm lòng dành cho Chúa. Chúng ta dành cho Chúa tấm lòng nào thể hiện qua thái độ đức tin của chúng ta?

II. HAI THÁI ĐỘ, HAI TẤM LÒNG

  1. Tự mãn.

Chúng ta có tự mãn về đời sống đạo của mình không? Thấy mình đã chu toàn lề luật của Chúa, không làm gì sai trái, không có gì phải hối hận? Dự lễ, kinh hôm, kinh mai, lần chuỗi đầy đủ; không trộm cắp, giết người; chẳng ngoại tình hay nói xấu một ai?…Từ đó nghĩ rằng mình đã đủ để đón nhận ơn cứu độ. Tệ hại hơn nữa là vì thấy rằng mình đã tốt nên nhìn anh chị em mình, nhất là những người có thể hiện trong cuộc sống chưa được tốt lắm bằng một ánh nhìn khinh thị, loại trừ? Nếu có một cái nhìn và suy nghĩ như vậy thì không phù hợp với đời sống đức tin. Vì nếu như vậy thì cần gì chúng ta phải tin Chúa? Tự mình cứu độ mình được rồi, vì rõ ràng mình đã làm những việc tốt, làm đầy đủ và thậm chí còn nhiều hơn nữa.

Nhưng hãy nhớ rằng: “Người ta nên công chính không phải nhờ lề luật” (Rm 3, 28); nghĩa là không phải nhờ làm việc này việc nọ, mà nên công chính nhờ tin vào lòng thương xót của Chúa. Và chính thánh Phaolô cũng đã tâm sự: “Tôi có là gì cũng nhờ ơn Thiên Chúa”. Có làm được điều này điều nọ là nhờ ơn Chúa chứ không phải tự sức chúng ta.

Thực sự chúng ta đã tốt hoàn toàn chưa? Chắc chắn vẫn còn những thiếu sót, những lầm lỗi trong cuộc đời. Nhiều khi không phải là hành động mà bởi những suy nghĩ. Nhiều khi không phải là làm những điều sai lỗi, mà là chưa làm những việc lẽ ra phải làm. Ví dụ nếu tôi quan tâm đủ đến người anh chị em chung quanh tôi thì họ đâu phải buồn chán, thất vọng. Nếu tôi biết dừng xe lại đưa người ta vào bệnh viện thì họ đâu phải chết vì mất máu… Vì vậy chắc chắn trong cuộc sống chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa tốt. Cho nên chúng ta không được phép tự mãn về bản thân mình.

Càng không được phép lên án người khác, vì mỗi người có một hoàn cảnh, một tâm lý và một tâm hồn riêng. Chỉ có Chúa mới thấu suốt mọi sự bí ẩn mà thôi.

  1. Khiêm tốn:

Thái độ gục đầu, đấm ngực của người thu thuế là thái độ cần có của những người có đức tin. Gục đầu là để nhìn nhận mình chỉ là phàm nhân trước mặt Chúa. Đấm ngực để nhìn nhận những yếu đuối nơi bản thân mình. Con người chúng ta được cứu độ là nhờ lòng thương xót của Chúa. Khi chúng ta cúi đầu đấm ngực là chúng ta đang cần Chúa xót thương. Còn khi ngẩng đầu, vung tay là lúc chúng ta tự mãn về mình và không cần đến ơn Chúa.

Thánh vịnh đã nói “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu”. Lòng từ bi và nhận hậu này đã cứu chữa cho biết bao nhiêu những con người tưởng chừng như đã mất ơn cứu độ. Ví dụ tên trộm bị đóng đinh bên cạnh Chúa. Nếu không có lời van xin: “Khi nào về Nước Ngài xin nhớ đến tôi”, thì chắc chắn anh ta cũng sẽ đồng số kiếp với tên trộm còn lại. Hay như Mađalêna, ai dám nói cô ta là xứng đáng vào Nước Trời, với tội lỗi công khai như vậy? Nhưng lòng nhân từ của Chúa vẫn đổ xuống trên cô nhờ sự khiêm tốn ăn năn, sám hối.

Chắc chắn bản thân chúng ta đây cũng sẵn sàng tha thứ cho những ai đến xin lỗi mình, cho những ai buồn phiền vì những điều họ đã xúc phạm đến chúng ta. Thì Thiên Chúa còn đối xử với chúng ta tốt lành hơn bội phần cách chúng ta đối xử với người khác.

Khiêm tốn sẽ làm cho chúng ta thấy mình cần đến Thiên Chúa, cần đến anh chị em. Khiêm tốn sẽ giúp chúng ta dễ thông cảm hơn với người khác, vì có những sai lỗi chúng ta cũng đã từng trãi qua, hoặc chưa trãi qua thì suy nghĩ biết đâu mai mốt cũng tới lượt mình.

Tóm lại, phụng vụ lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy sự thật về Thiên Chúa. Ngài sẵn sàng tha thứ cho những ai biết thành tâm chạy đến với Ngài. Trong hành động tha thứ còn có ơn sủng để giúp chúng ta vươn lên mà bù đắp lại những thiệt hại do tội lỗi gây ra. Đồng thời mời gọi chúng ta tránh thái độ tự hào khoe khoang công trạng của mình. Vì khi chúng ta tự hào về mình là lúc chúng ta đang khép lòng mình lại trước ơn sủng Chúa; cũng khép cả cái nhìn với anh chị em, chúng ta là số một. Hãy bắt chước thái độ của người thu thuế. Không phải bắt chước để cứ phạm tội, cứ làm những điều sai trái rồi đến xin lỗi sẽ được Chúa tha. Nhưng bắt chước ở thái độ luôn ý thức mình cần đến Chúa.

Lạy Mẹ Maria là mẫu gương của sự khiêm tốn. Mẹ không bao giờ tự hào, khoe khoang. Mẹ luôn xác tín mình chỉ là đầy tớ của Chúa, để Chúa cần gì thì Mẹ sẽ sẵn sàng làm theo. Xin giúp chúng con luôn ý thức được giới hạn của bản thân mình để cần đến Chúa và sự trợ giúp của mọi người. Với ý thức khiêm tốn như vậy, mỗi ngày chúng con sẽ tự hoàn thiện bản thân mình hơn. Xin cho chúng con đừng bao giờ kết án những người xung quanh dù họ có phạm những tội tày trời đi chăng nữa, vì chỉ một mình Chúa mới có quyền xét đoán; nhưng hãy biết thông cảm, nâng đỡ và cầu nguyện cho mọi hoàn cảnh trái ý xảy ra xung quanh chúng con.

“Chúa ơi ở bên con nhé, vì con đây luôn cần đến Ngài!”