Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Năm B
Với lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, chu kỳ Giáng sinh đi vào kết thúc. Lễ này có thể được coi là bản tóm tắt của toàn bộ chu kỳ phụng vụ: Đấng sinh ra giữa chúng ta là vị Tôi Trung của Thiên Chúa, Đấng mang đến cho muôn dân lời hứa phổ quát về công lý và sự hoàn tất niềm hy vọng. Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, Người được giới thiệu là Con yêu dấu của Chúa Cha, và được xác định về căn tính thiên sai phổ quát.
BÀI ĐỌC 1: Is 55,1-11
Lời mời gọi tha thiết
Bài đọc sách Isaia tràn đầy những ý tưởng sống động rất phù hợp cho ngày lễ hôm nay. Để bắt đầu, Isaia công bố lời mời đến dự bữa tiệc thịnh soạn của đấng thiên sai. Lời mời được gửi tới những người có khả năng chi trả đồ ăn thức uống (c. 2) và cả những người không có khả năng (c. 1). Tất cả được mời đến với Đức Chúa để được nuôi sống và hồi phục sức khỏe. Nhưng đồ ăn thức uống ở đây không phải là lương thực bình thường, bởi vì mọi người còn được lưu ý: “Hãy chăm chú nghe Ta!” Nghĩa là chính Lời Chúa là nguồn sinh lực làm cho người ta sống và được tươi trẻ. Đối tượng đặc biệt của sự mời gọi này chính là việc tái lập giao ước, được Chúa công bố (c. 3). Giao ước ở đây có tính cách hoàng tộc vì được thiết lập với vua Đavít và dòng dõi của ông. Mặc dù giao ước được thiết lập một cách vĩnh viễn nhưng dân chúng đã phá bỏ mối dây ràng buộc này đã phạm tội. Về phía Thiên Chúa, Ngài tha thiết nối lại mối dây liên hệ này. Sấm ngôn nói rằng cũng như Đavít đã thành công trong việc công bố uy quyền của Đức Chúa cho các dân, thì những người được mời gọi ở đây cũng trở nên chứng nhân về lòng nhân từ và yêu thương của Đức Chúa. Cũng như Đavít đã trở thành nguồn phúc lành, bình an, và thịnh vượng cho chính dân tộc của ông, thì những người được mời gọi ở đây cũng trở nên nguồn ân phúc cho ngay cả một dân tộc mà họ chưa quen biết. Sau những lời mời gọi này mỗi người được mời gọi trở về với Đức Chúa. Đây không phải là gợi ý nhưng là mệnh lệnh. Khi đó chương trình của Thiên Chúa được thực hiện, cũng như nước mưa hoàn thành công việc tưới tắm của nó.
ĐÁP CA: Is 12:2-3,4bcd, 5-6
Bài thánh ca tạ ơn này phác họa những ân huệ sẽ được trao ban và được thừa hưởng trong tương lai. Vì vậy, người ta cũng có thể coi đó là một bài thánh ca của lòng tin tưởng. Thiên Chúa được công xưng là “Đấng Cứu Độ” và được củng cố bởi đặc tính này, tác giả không hề sợ hãi nhưng can đảm nói lên điều này. Chủ đề về nước xuất hiện ở đây giống như trong bài đọc trước. Mặc dù hình ảnh khác nhau một chút, trong cả hai trường hợp, nước mang chức năng biến đổi. Trước đó nó biểu thị cho sự sáng tạo mới; đó là dòng nước của ơn cứu rỗi.
Chủ đề về làm chứng cũng xuất hiện ở đây (cc. 4-5). Tác giả kêu gọi cộng đoàn ca tụng danh Thiên Chúa vinh hiển, danh xưng biểu thị chính bản tính của Thiên Chúa. Họ phải xưng tụng những kỳ công mà Thiên Chúa đã hoàn thành và công bố cho các quốc gia. Điều đáng mừng nhất trong số những công trình kỳ diệu này là sự biến đổi chính con người. Nói cách khác, đời sống được biến đổi của dân Chúa sẽ công bố cho các nước biết những điều kỳ diệu mà Thiên Chúa đã thực hiện.
Chủ đề thứ ba và cũng là chủ đề cuối cùng trong phần đáp ca này nêu bật tầm quan trọng của Giêrusalem. Thành phố này vừa là thủ đô của triều đại Đavít vừa là nơi xây dựng đền thờ. Đó là khía cạnh thứ hai được lưu ý ở đây. Chính thành thánh cũng được kêu gọi để vui mừng. Lý do cho niềm hân hoan này là sự hiện diện của Chúa ở giữa thành. Mặc dù đền thờ là biểu hiện cụ thể của sự hiện diện thiêng liêng này, nhưng chính sự hiện diện của Thiên Chúa là quan trọng chứ không phải đền thờ (x. Gr 7, 3-4). Thần học của đoạn văn này đã đạt được ý nghĩa đầy đủ. Sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân là nền tảng cho lòng tin tưởng của tác giả về ơn giải thoát trong tương lai.
BÀI ĐỌC 2: 1 Ga 5,1-9
Tình yêu chinh phục
Thư thứ nhất Gioan chủ yếu nói về tình yêu và thường được đọc trong mùa Phục sinh. Hôm nay bài đọc được đưa vào đây để nhấn mạnh đến tình yêu hỗ tương giữa Chúa Cha và Chúa Con, được thể hiện đầy đủ trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa: “Cha hài lòng về Con”. Qua Bí tích Rửa tội của mình, chúng ta cũng được thông chia tình yêu này. Nhưng, cũng như với tất cả tình yêu, luôn có một cái giá phải trả. Cái giá này không chỉ là tuân giữ các điều răn của Chúa. Đó còn là đòi hỏi một tình yêu chinh phục thế giới. Cách nó chinh phục thế giới được gợi ý bởi sự ám chỉ bí ẩn rằng Chúa Giêsu “đến nhờ nước và máu”. Đối với Gioan, cụm từ này có nhiều tầng ý nghĩa. Có phải nó có nghĩa là nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Giêsu khi Người bị lính đâm trên Thập giá? Hoặc là – và cách hiểu này đi theo truyền thống của Giáo hội – rằng nước tượng trưng cho Bí tích Rửa tội và máu tượng trưng cho Bí tích Thánh Thể? Đó là các bí tích phát xuất từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi Người trút hơi thở, hoặc trao ban Thánh Thần của Người cho cộng đoàn mới gồm Mẹ Người và người Môn đệ Yêu dấu, những vị đại diện của Giáo Hội. Chính “nhờ nước và máu” mà chúng ta gặp thấy Chúa Kitô trong hai bí tích căn bản này.
TIN MỪNG: Mc 1,7-11
Chúa Giêsu chịu phép rửa
Bài đọc bao gồm hai phần: xác định sứ điệp trung tâm của lời rao giảng của Gioan, và mô tả về phép rửa của Chúa Giêsu bởi Gioan. Ý chính trong lời rao giảng của Gioan đã khiến các nhà chú giải đặt cho ông là vị tiền hô. Ông không chỉ đi trước Chúa Giêsu, nhưng ông còn chuẩn bị lòng dân đón rước Người. Ông thực hiện điều này bằng cách đối chiếu bản thân và phép rửa ông thực hiện với Chúa Giêsu và phép rửa mà Người sẽ khai mở. Gioan không ngần ngại nhấn mạnh sự thua kém của mình so với Chúa Giêsu.
Ngay từ đầu, ông nói rằng Chúa Giêsu quyền năng hơn ông. Mặc dù chúng ta không thấy có lời giải thích nào về quyền năng này, nhưng ý nghĩa của bản văn cho thấy rằng Gioan đang nói về quyền năng là thẩm quyền của Chúa Giêsu, hoặc đơn giản là uy quyền lớn hơn con người của ông. Chúa Giêsu vượt trội hơn ông nhiều đến mức Gioan thậm chí không xứng đáng để thực hiện một nhiệm vụ hèn hạ là cởi quai dép cho Người, một công việc thường được thực hiện bởi các nô lệ trong gia đình. Ở đây Gioan không hạ thấp bản thân mình. Đúng hơn, ông đang tôn vinh Chúa Giêsu.
Tiếp theo Gioan đối chiếu hai phép rửa tương ứng. Của ông là với nước. Nhiều tôn giáo cổ đại cũng thực hành nghi lễ tẩy rửa kiểu này. Hành động như vậy có giá trị biểu tượng bên trong vì đặc tính làm sạch của nước. Còn phép rửa của Chúa Giêsu được thực hiện trong Thánh Thần. Điều này có thể ám chỉ thời cánh chung được ứng nghiệm, khi Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ rảy nước thanh sạch trên các ngươi và các người sẽ được thanh sạch” và “Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi” (Ed 36, 25-26).
Không có lời giải thích nào được đưa ra về lý do tại sao Chúa Giêsu lại chịu phép rửa thống hối. Điều này có thể chỉ đơn giản là một biểu hiện của lòng mộ đạo. Theo ngụ ý của trình thuật, có vẻ đó là một điều không bình thường. Chỉ có Chúa Giêsu thấy bầu trời bị xé ra; chỉ có Người nhìn thấy con chim bồ câu đáp xuống; và giọng nói nói trực tiếp với Người. Không có dấu hiệu nào cho thấy có ai khác đã nhìn thấy hoặc nghe thấy bất cứ điều gì. Điều này dường như là một khẳng định riêng về tầm quan trọng của Đấng Cứu Thế.
Một số truyền thống khác nhau hội tụ để làm cho biến cố này trở thành một trình thuật đặc biệt. Ý nghĩa thần học vừa phong phú vừa sâu xa. Đầu tiên, Thần Khí ngự xuống trên Chúa Giêsu như đã xuống trên các ngôn sứ nhiều thế kỷ trước đó (x. Is 61,1). Như vậy người ta có thể nói rằng có một chiều kích ngôn sứ cho ơn gọi thiên sai của Chúa Giêsu. Thứ hai, trong khi lời phán “Con là Con yêu dấu của Cha” mang hàm ý chỉ về vua (Tv 2, 7), vì các vị vua được cho là có liên quan đến một vị thần, thì cũng có một khía cạnh thần tính ở đây. Ngoài ra, lời nói này còn gợi nhớ đến mô tả về người tôi trung của Đức Chúa (Is 42,1b). Thêm vào đặc tính ngôn sứ của ơn gọi là một chiều kích hoàng tộc, một khía cạnh thần tính, và một khía cạnh người đầy tớ. Cuối cùng, tên gọi “Con Cha yêu dấu” gợi nhớ đến một người con trai yêu dấu khác là Isaác, người đã đối mặt với nhát dao khi cha mình bị thử thách (St 22, 2). Trong bối cảnh của ơn gọi thiên sai ẩn chứa bóng ma đau khổ và thậm chí cả cái chết.
Phép rửa của Gioan không thể thực hiện nơi Chúa Giêsu những gì mà nó có thể đã hoàn thành nơi người khác, đó là sự thống hối. Nhưng biến cố này đã giới thiệu Người với nhiều ý nghĩa. Đó là lời xác nhận của Chúa Cha về căn tính thiên sai của Người.
—–
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 535-537: Mầu nhiệm phép rửa của Chúa Giêsu
+ GLHTCG 1226-1229: Bí tích Rửa tội trong Hội Thánh. Những yếu tố căn bản trong hành trình khai tâm
+ GLHTCG 2560: Lời cầu nguyện diễn tả nỗi khao khát con người muốn gặp Thiên Chúa
Lm. Giuse Ngô Quang Trung