Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 1 Mùa Vọng, Năm B

Các bài đọc của Chúa nhật đầu tiên Mùa Vọng trình bày một số chủ đề: lòng trung thành của những người đau khổ ngay cả khi họ bị bế tắc trong tình trạng khó khăn; lời mời gọi tha thiết hãy canh thức và chờ đợi; niềm mong đợi Ngày Chúa đến. Việc đặt tập hợp các bài đọc này vào đầu Mùa Vọng định hình bối cảnh chung để hiểu toàn bộ mùa cử hành đặc biệt này. Chúa nhật đầu tiên của Mùa Vọng mở hướng nhìn của nó vào thế giới loài người đau khổ và sau đó vượt ra khỏi thế giới đó với hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn. Những than van, đau khổ sẽ bị xua tan và niềm mong đợi sẽ được thỏa mãn trọn vẹn trong Ngày của Chúa.

BÀI ĐỌC 1: Is (63,16-17; 64,2-7)

Niềm cậy trông ngập tràn

Mỗi Chúa nhật Mùa Vọng bắt đầu bằng một bài đọc trích từ sách Isaia, vì Isaia là vị ngôn sứ lớn nói nhiều về Đấng Messia. Bài đọc này được trích từ phần sau cùng của sách Isaia. Sau khi trở về Giêrusalem từ cuộc lưu đày ở Babylon, người Do Thái mong chờ sự xuất hiện của Đấng Messia. Họ ý thức rằng họ đã phạm tội và đáng bị trừng phạt, nhưng vẫn mong mỏi được giải phóng khỏi sự can thiệp của ngoại bang mà Đấng Messia sẽ mang đến. Sau khi Đấng Kitô đã đến, chúng ta cũng ở trong cùng một vị trí là chờ đợi sự hoàn tất uy quyền tối cao hay vương quyền của Thiên Chúa. Chúa Giêsu đã thể hiện vương quyền này nơi mình bằng các phép lạ chữa lành, đón tiếp những người tội lỗi, giảng dạy về Nước Trời và trên hết, bằng sự Phục sinh từ cõi chết của Người. Chúng ta không còn lý do gì để sợ chết. Chúng ta ý thức về những sai phạm của chính mình, về những lần chúng ta hợp tác với điều ác. Chúng ta mong muốn có được sức mạnh và lòng trung thành mà địa vị một thành viên hết lòng tin vào Nước Thiên Chúa sẽ mang lại cho chúng ta.

ĐÁP CA: Tv 80

Xin Chúa thăm nom vườn nho của Ngài

Axáp đã cầu nguyện cho sự phục hồi và ơn giãi sáng cho đoàn dân Chúa qua sự tỏa ánh rạng ngời của dung mạo Thiên Chúa (cc. 3,7,19; Ds 6,22-27). Ông đưa ra hai bức tranh về đoàn dân.

Một đoàn chiên (1-7). Israel giống như một đàn chiên được Chúa dẫn dắt ( Tv 77,20; 78,52): “Ta là dân Ngài, là đoàn chiên Ngài dẫn dắt” (Tv 100,3). Nhưng họ là những con chiên đi lạc, không muốn đi theo Mục Tử. Vì vậy, thay vì tận hưởng đồng cỏ xanh tươi và dòng nước trong lành (Tv 23, 2), họ phải chịu đựng trong nước mắt và trở thành cớ cho thù địch nhạo cười chế giễu (cc. 5-6).

    

Một cây nho (8-19). Hình ảnh này giống với với Isaia 5 và các câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu  trong Mátthêu 21, 28-46. Israel là một vườn nho trĩu quả, nhưng khi nó từ bỏ Chúa và bắt đầu thờ phượng thần linh của các nước thì trở thành cằn cỗi. Thiên Chúa đã sử dụng chính những quốc gia đó để kỷ luật dân của Ngài và phá hủy vườn nho. Lời cầu nguyện trong các câu 18-20 một phần phản ánh tâm trạng của dân khi một số người trở về quê hương sau khi bị giam cầm. Tuy nhiên sự giải thoát chỉ được thực hiện hoàn toàn trong Chúa Giêsu Kitô.

Dân Thiên Chúa hiện nay là một đoàn chiên mà vị Mục Tử là Chúa Giêsu (Ga 10), và là các cành trong một Cây Nho (Ga 15). Chúa muốn chúng ta trung thành trong đoàn chiên, và sinh hoa trái trong một cây nho.

BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 1,3-9

Mong đợi ngày Đức Giêsu Kitô

 

Bài đọc này là phần mở đầu Thư thứ nhất của thánh Phaolô gửi cho tín hữu Côrintô, nội dung tràn đầy sự phấn khích của ơn Chúa Thánh Thần. Cộng đoàn trẻ Kitô hữu tại Côrintô tràn đầy sức sống của Chúa Thánh Thần, không chỉ qua những việc phi thường như nói tiếng lạ, mà còn là sự chữa lành, ơn dạy dỗ và hướng dẫn. Ngay cả việc trở thành một thành viên tốt của một gia đình (chồng, vợ, cha mẹ, con cái) cũng là một hoạt động do Thánh Linh hướng dẫn. Tất cả những điều này là chuẩn bị cho sự tái lâm cuối cùng của Chúa Kitô, cho tất cả các hoạt động của Kitô hữu, dù buồn tẻ đến đâu, đều được Thánh Linh của Chúa Kitô ban sự sống và hoạt động. Một sự tươi mới và nhiệt tình mà rõ ràng đôi khi còn thiếu trong cộng đoàn Giáo hội của chúng ta ngày nay. Phaolô không ngần ngại nói với họ rằng họ “được Thánh Thần ban tặng ân huệ phong phú dồi dào”. Và dĩ nhiên, chúng ta cũng được như vậy. Nhưng ngài sẽ tiếp tục nói với họ rằng sự cãi vã giữa họ đang làm tổn hại đến việc họ phục vụ Chúa. Chúng ta hãy cầu xin vào Lễ Giáng Sinh có được một sự thông truyền những hồng ân mới của Chúa Thánh Thần, có thể giúp chúng ta phá vỡ những ràng buộc khiến chúng ta không phục vụ Chúa trọn vẹn.

TIN MỪNG: Mc 13,33-37

Anh em phải canh thức

Một giới lệnh lặp đi lặp lại ba lần: “Hãy canh thức!” bao quanh một dụ ngôn nhấn mạnh sự cần thiết phải sẵn sàng mọi lúc, bởi vì Kitô hữu không biết khi nào Chúa sẽ trở lại. Từ Hy Lạp được dịch là “thời gian” (kairos) thường dùng để chỉ thời gian thuận lợi, một thời điểm đặc biệt hơn tất cả các thời điểm khác, chứ không chỉ là thời gian tuần tự hoặc nối tiếp nhau (chronos). Kairos không phải là thời gian chung và các sự kiện không phổ biến xảy ra trong đó. Bởi vì nó không tuân theo các mô hình thời gian, những người mà câu chuyện dụ ngôn nhắm đến không có cách nào biết được khi nào một sự việc sẽ xảy ra với họ, và vì vậy họ đã được nhắc nhở, “Hãy canh thức!”

Dụ ngôn ngắn gọn đưa chủ đề này thành tâm điểm. Nó cho thấy, đối với những người tin Chúa, cuộc sống giữa dòng thời gian giống như hoàn cảnh của những người đầy tớ ở lại nhà khi ông chủ trẩy đi phương xa. Mỗi người đầy tớ được trao một quyền hạn nhất định trong gia đình. Họ không được chờ đợi sự trở lại của chủ nhà một cách ù lì thụ động mà phải hoàn thành trách nhiệm của mình một cách tận tâm cho đến khi thời điểm đặc biệt đó đến. Một người đầy tớ, người gác cổng, thì phận vụ chủ yếu là được yêu cầu canh gác. Không thấy nêu ra lý do cho chuyến đi của chủ nhà. Trên thực tế, ông ta thực sự không phải là một nhân vật quan trọng trong dụ ngôn. Điều quan trọng là tình trạng bất ngờ bao quanh thời gian ông trở lại, và như thế những người đầy tớ chờ đợi ông phải luôn ở trong tư thế cảnh giác cần thiết.

Phần đầu của dụ ngôn là mô tả, tường thuật những gì đã xảy ra với những người trong câu chuyện. Trong phần thứ hai (cc. 35-37), các động từ được sử dụng đều ở dạng ngôi thứ hai số nhiều, cho thấy rằng mệnh lệnh phải canh thức hướng đến tất cả những người nghe dụ ngôn. Câu chuyện là một ẩn dụ; tâm điểm của câu chuyện là một mệnh lệnh: “Hãy canh thức!”

Bốn khoảng thời gian được liệt kê — chập tối, nửa đêm, lúc gà gáy và tảng sáng — là bốn giờ canh đêm của quân đội La Mã. Giống như những người lính đứng gác, các Kitô hữu được khuyến khích đứng canh và không được ngủ quên. Ngủ say vào ban đêm tạo cơ hội cho kẻ thù của một người thực hiện các mục đích xấu của chúng. Mặt khác, sự siêng năng canh thức giúp bảo vệ tài sản và lợi ích của một người.

Chủ nhà sẽ trở về bất ngờ, không theo lịch trình, một khoảnh khắc kairos. Giống như các đầy tớ trong dụ ngôn, các Kitô hữu được mời gọi luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng. Cần đặc biệt chú ý đến những thời điểm dễ bị tổn thương nhất, đó là những giờ vào đêm khyua. Mặc dù cuộc sống giữa dòng thời gian sẽ vẫn diễn ra như bình thường, nhưng cần phải sống với nhận thức rằng đây là thời gian tỉnh thức. Mặc dù quyền hạn được phân bổ cho từng người tùy theo công việc tương ứng của mỗi người, nhưng những người đầy tớ phải nhận thức rằng trách nhiệm của họ đã được giao phó và tuy có tính cách tạm thời, họ sẽ phải chịu trách nhiệm quản lý của mình khi ông chủ trở lại..

Có ba chiều kích rất khác nhau nhưng có liên quan với nhau trong đoạn văn ngắn này. Đầu tiên (c. 34) là trình bày về những gì có thể đã xảy ra phổ biến trong xã hội. Điều thứ hai (cc. 35-36) chuyển hướng sự chú ý của chúng ta đến những Kitô hữu tiên khởi đang sống giữa thời gian. Câu cuối cùng (c. 37) khuyến khích các Kitô hữu mọi thời đại “Hãy canh thức!” vì không ai biết thời gian ông chủ trở lại.

***
+
 GLHTCG  668-677, 769: Những nỗi gian truân sau cùng và sự trở lại của Chúa Kitô trong vinh quangTHAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG  451, 671, 1130, 1403, 2817: “Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!”

+  GLHTCG  35: Thiên Chúa ban cho con người ơn đón nhận mặc khải, đón nhận Đấng Thiên Sai

+  GLHTCG  827, 1431, 2677, 2839: Chúng ta nhìn nhận mình tội lỗi

Lm. Giuse Ngô Quang Trung