Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm B

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm B

Các bài đọc Chúa nhật này tiếp tục cung cấp cho chúng ta những suy tư kitô học. Tuần trước, chúng ta đã kinh ngạc trước Chúa Giêsu, Đấng thực thi quyền năng Thiên Chúa qua việc khuất phục sức mạnh thiên nhiên. Hôm nay chúng ta lại chứng kiến thẩm quyền ấy đối với thế lực của cái chết. Người đứng trước chúng ta không chỉ như một Đấng khơi lên sự kính sợ mà còn là một hình mẫu về lòng quảng đại, làm khuôn mẫu cho đời sống chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 1: Kn 1,13-15; 2,23-24

Ơn bất tử

Bài đọc thứ nhất, như thường lệ, hướng đến bài Tin Mừng thuật lại phép lạ Chúa Giêsu cứu chữa một cô bé khỏi chết. Chúng ta cần dành cơ hội để suy ngẫm về cái chết trong kế hoạch của Thiên Chúa. Đối với những người không có đức tin cái chết bao trùm mọi sự. Đó là sự kết thúc tuyệt đối. Cái chết, đối với người này có lẽ đó là sự giải thoát khỏi mọi đau khổ, nhưng đối với người khác lại là một bi kịch con người, là điểm kết thúc đáng sợ mà từ đó không có ngày trở lại. Sách Khôn ngoan được viết vào thời điểm mà niềm tin vào sự bất tử và sự sống lại xuất hiện ở Israel. Trước đó, Israel đã tin rằng người chết sống trong trạng thái nửa sống nửa chết và hoàn toàn bất lực ở Sheol (không giống như Hades của Hy Lạp), nơi thậm chí người ta không thể cầu nguyện. Giờ đây, Israel nhận ra rằng tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho mỗi người rất mạnh mẽ đến nỗi họ không bao giờ có thể bị cắt đứt bởi sự chết. Như Chúa Giêsu đã nói, Thiên Chúa không phải là Đức Chúa của kẻ chết mà là của người sống (Mc 12,27). Bài đọc này có ý nghĩa tích cực và đem lại niềm hi vọng tuyệt vời, vì Đức Chúa là Thiên Chúa của sự sống dưới mọi hình thức tích cực của nó. Mọi hình thái sự sống đều phản ánh sự sống của chính Thiên Chúa. Và sự sống hoàn hảo nhất trong tất cả những phản ảnh này là sự sống của mỗi cá nhân con người, được tạo ra theo hình ảnh của Thiên Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 30,2,4-5,10-13

Lời tạ ơn liên lỉ

2-4 Lời cầu nguyện tạ ơn

Thánh vịnh không đề cập đến một sự kiện xác định, thay vào đó, là lời cầu nguyện tạ ơn Chúa vì tác giả đã được giải cứu khỏi kẻ thù. Ông bị lâm vào hoàn cảnh rủi ro, như bị ném xuống âm phủ (Sheol), nhưng đã được Chúa kéo lên khỏi đó.

5-6 Lời mời gọi ngợi khen Chúa

Trước sự giải cứu này, tác giả mời gọi mọi người ngợi khen Thiên Chúa. Sự đảo ngược từ bất hạnh trở thành vận may được mô tả bằng hai cách chính: cơn giận dữ tạm thời được thay thế bằng sự ban ơn lâu dài; cảnh khóc lóc hằng đêm, là thời điểm của bóng tối và sợ hãi, nhường chỗ cho niềm vui vào lúc bình minh, thời điểm của hy vọng và lời hứa mới.

7-13 Các phúc lành của Thiên Chúa trong quá khứ

Tác giả suy tư về những trải nghiệm quá khứ với Thiên Chúa. Trong những lần may mắn trước đây, ông đã ngu dại nghĩ rằng không gì có thể làm xáo trộn sự yên bình đó. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi với cảm giác rằng Chúa không còn ưu ái ông nữa. Sự tự mãn đã trở thành nỗi bàng hoàng sợ hãi, và tác giả một lần nữa kêu cầu Chúa giúp đỡ. Huyệt mộ và bụi đất cho thấy quan niệm của Israel về việc không thể có mối tương giao thân tình với Chúa sau khi chết. Vào thời điểm này trong lịch sử của mình, Israel coi Đức Chúa là Thiên Chúa của người sống, chứ không phải của kẻ chết. Vì vậy, không có cách nào để người chết tiếp tục ca ngợi Chúa. Tác giả sử dụng sự hiểu biết này làm cơ sở để xin Chúa nhân từ đoái xem lời cầu xin của ông. Con người sùng mộ này chỉ có thể dâng lời ca ngợi Chúa nếu còn được sống. Phần cuối của Thánh vịnh gồm những tâm tình tạ ơn. Lòng biết ơn này chính là nhìn nhận về vận may: sự đau buồn tang tóc được thay thế bằng niềm vui và sự nhảy múa; áo sô được đổi thành lễ phục huy hoàng.

Tâm tình của Thánh vịnh này nhắc nhớ đến biến cố của Đấng là hậu duệ và người thừa kế Đavít, Chúa Giêsu, Đấng Messia. Trong sự phục sinh vinh hiển của Người, chính Chúa Giêsu tạ ơn Chúa Cha đã không bỏ Người trong nơi âm phủ (Sheol), nơi ở của kẻ chết mà Người đã xuống sau khi chết để cứu chuộc những người bị giam cầm tại đó (1 Pr 3,18-20; 4,6). Trong bối cảnh này, Thánh vịnh cho thấy ý nghĩa tiên tri của nó trong việc công bố những gì Thiên Chúa đã làm khi Ngài cho Chúa Giêsu sống lại và cũng sẽ làm cho chúng ta. Khi đọc thánh vịnh này, chúng ta vui mừng với tư cách là người môn đệ của Chúa, những người truyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc nhân loại. Ngay cả khi chúng ta chịu đau khổ, hoặc vì tội lỗi hoặc vì bị bách hại, chúng ta tin chắc rằng Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta trong huyệt mộ. Thay vào đó, sự than khóc sẽ biến thành niềm vui mừng khi chúng ta chấp nhận sống cho Chúa và cho anh chị em chúng ta.

 

BÀI ĐỌC 2: 2 Cr 8,7, 9,13-15

Bố thí quảng đại

Thư của Phaolô gửi tín hữu Galatia cho thấy có sự bất đồng lớn trong Giáo hội sơ khai giữa những nhóm người cho rằng các Kitô hữu vẫn phải tuân giữ Luật Môisen và những nhóm bác bỏ điều ấy. Chung cuộc, Kitô giáo là sự hoàn thành những lời hứa với Abraham, và là sự hoàn tất Do Thái giáo! Phaolô bắt đầu hàn gắn sự tuyệt giao giữa hai nhóm bằng cách thực hiện một cuộc lạc quyên từ các cộng đoàn dân ngoại của ngài để đưa về Giêrusalem như một hành động thể hiện sự tôn kính và tình hữu nghị. Có vẻ như ở Giêrusalem có rất nhiều người nghèo, những người mà các cư dân của một thị trấn bến cảng nhộn nhịp và thành công như Côrinthô có thể giúp đỡ. Trong thư này, Phaolô đưa ra nguyên tắc cơ bản của lòng bác ái kitô giáo: nên giống Chúa Kitô, Đấng đã hoàn toàn dâng hiến bản thân mình làm quà tặng tình yêu. Tuy nhiên, ngài cũng đưa ra một nguyên tắc quý giá, đó là lương tâm của mỗi cá nhân là thước đo quyết định. Không phải tất cả chúng ta đều có thể đạt được sự hoàn thiện bản thân bằng cách sống hoàn cảnh nghèo khó như thánh Phanxicô, và do đó mỗi người phải tự đánh giá sự cho đi của mình bằng lương tâm cá nhân. Một số cộng đồng Kitô giáo quy định một phần mười thu nhập của họ trong việc bố thí. Phaolô thì tránh bất kỳ quy định toán học nào, vì hoàn cảnh và bổn phận- cũng như mức độ trao ban của mỗi người đều có những ràng buộc khác nhau.

 

TIN MỪNG: 5,21-43

Chúa Giêsu phục hồi sự sống

Hai trình thuật phép lạ được đan xen với nhau, nối kết với nhau để có thể diễn giải lẫn cho nhau. Cả hai câu chuyện đều bao gồm chủ đề về đức tin, về vấn đề về thanh sạch theo nghi lễ, về vấn đề sự sống và cái chết, đều nói đến khoảng thời gian mười hai năm, và quyền năng của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Giêsu. Còn có sự tương phản giữa phụ nữ và nam giới, giữa người có uy quyền và kẻ yếu thế, công khai và riêng tư, đức tin và vô tín.

Người cha hoang mang bối rối, một người đàn ông rất nổi tiếng, là quan chức của hội đường, và tên riêng của ông đã được cho biết, Jarô. Ông ta đến với Chúa Giêsu một cách công khai, như một người đàn ông trong một xã hội phụ hệ, nhưng cách tiếp cận của ông không phải là một kiểu thân tình xã hội. Ông ta sụp xuống dưới chân Chúa Giêsu và khẩn khoản xin Người cứu chữa đứa con gái của ông. Còn người phụ nữ đau khổ trong phép lạ thứ hai không rõ danh tính, đã trở thành nạn nhân của cả căn bệnh hiểm nghèo và những thầy thuốc đã cố gắng chữa trị cho bà. Tiền bạc của bà đã cạn kiệt, và vì căn bệnh xuất huyết của mình, bà bị ô uế theo nghi thức. Bà không dám đến gần Chúa Giêsu trực diện, và cũng không cầu xin Người. Ngược lại, bà liều lĩnh vi phạm cả những điều cấm kị xã hội và tôn giáo. Vừa là một phụ nữ vừa không trong sạch theo nghi lễ, mà bà lại cố tình chạm vào Người. Đây là câu chuyện phép lạ duy nhất mà Chúa Giêsu không chủ ý chữa lành. Kẻ đau khổ cố gắng theo cách riêng của mình và “túm lấy” quyền năng của Thiên Chúa. Và đó là một người phụ nữ bị gạt ra ngoài lề xã hội đã dám làm như vậy.

Mặc dù sự tương phản giữa người phụ nữ và người đàn ông trưởng hội đường rất rõ ràng, nhưng trong những vấn đề quan trọng nhất thì họ đều giống nhau. Cả người phụ nữ và người đàn ông đều hành động bằng đức tin. Họ tin rằng Chúa Giêsu có quyền năng chữa lành, và Người đã cho họ điều họ mong ước.

Một số yếu tố liên kết người phụ nữ trong câu chuyện này và cô gái trong câu chuyện kia. Cả hai đều được giấu tên và được gọi là phụ nữ, cho thấy những gì xảy ra với họ quan trọng hơn danh tính của họ. Tuy nhiên, họ vẫn có mối quan hệ với cộng đồng và không bị ruồng bỏ. Cả hai đều trong tình trạng ô uế về mặt nghi thức và theo một nghĩa nào đó, hoàn toàn nằm ngoài sự tiếp xúc xã hội. Mười hai năm là quãng thời gian ốm đau của người phụ nữ và cũng là tuổi của cô gái. Cả hai đều bị cản trở trong việc đóng góp vào việc xây dựng cộng đồng: khả năng sinh sản của người phụ nữ bị suy giảm, còn sự sống của cô gái thì bị ngừng lại.

Đức tin của người phụ nữ và ông Jarô trái ngược với sự vô tín của những người tập trung tại nhà ông. Lúc đầu, họ tin rằng Chúa Giêsu có thể làm cho con gái của viên trưởng hội đường khỏe mạnh trở lại, nhưng họ lại chế nhạo Người vì Người đã đưa ra lời gợi ý rằng Người có thể làm cho cô ấy sống lại mà họ không hiểu. Chúa Giêsu không quan tâm đến quy định về sự thanh sạch của người phụ nữ đau khổ này đáng lẽ đã bị cách li. Người cũng không chấp nhận số phận cái chết của cô gái, và Người đã chạm vào cơ thể không còn sự sống của cô. Trong cả hai trường hợp, sự đụng chạm lẽ ra đã làm ô uế người ta, nhưng lại trở thành cách thế mà qua đó Chúa Giêsu chuyển lưu sự sống của Thiên Chúa.

Việc chữa bệnh cho người phụ nữ, dù được thực hiện trước công chúng, ở giữa đám đông, thật sự là một việc riêng tư. Việc cứu sống cô gái, mặc dù được thực hiện kín đáo, có nguy cơ được biết đến rộng rãi. Trọng tâm của mỗi câu chuyện này đó là vấn đề về niềm tin vào Chúa Giêsu và quyền năng của Người đối với bệnh tật và cái chết.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 548-549, 646, 994 : Đức Kitô cho kẻ chết sống lại

+ GLHTCG 1009-1014 : Sự chết được biến đổi bởi Đức Kitô

+ GLHTCG 1042-1050 : Niềm hy vọng vào trời mới đất mới

Lm. Giuse Ngô Quang Trung

print