Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm A
Thiên Chúa liên tục công bố Lời của Ngài cho nhân loại. Trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã công bố lời Thiên Chúa cho dân được tuyển chọn. Họ gieo rắc lời ấy như những hạt giống với hy vọng mang lại một mùa lúa dồi dào là các tôi tớ trung thành với Đức Chúa. Sau đó, vào thời điểm quyết định trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã sai Lời Hằng Sống, là Chúa Giêsu Kitô với nhân loại. Người công bố Tin Mừng cứu độ, Người gieo hạt giống đức tin nảy nở trong tâm hồn những ai mở lòng đón nhận. Lời Chúa mang lại một mùa gặt trĩu đầy những hoa trái tốt tươi là ơn huệ Thánh Thần trổ sinh trong lòng Giáo hội.
BÀI ĐỌC 1: Is 55,10-11
Lời Thiên Chúa thật hữu hiệu
Hai câu thơ này của Isaia về lời Thiên Chúa có thể được hiểu theo hai cấp độ. Ở cấp độ thứ nhất, nó chuẩn bị cho câu chuyện dụ ngôn của Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng về người gieo giống và hạt giống. Nhưng trong khi Isaia nhấn mạnh đến tác động và hiệu quả của lời Chúa, thì Chúa Giêsu không chỉ trình bày sự thành công rực rỡ của lời Người, qua những tâm hồn đón nhận sinh ra hoa trái “gấp ba mươi, sáu mươi, một trăm lần”, mà còn nhắc tới những thất bại nơi một số nhóm người nghe. Ở cấp độ khác, nó chuẩn bị cho việc suy niệm Lời Chúa trong phần mở đầu Tin Mừng Gioan: “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa”. Điều này giúp giải thích cách thế Thiên Chúa, Đấng đáng kính đáng sợ và bất khả diễn đạt đã hiện tỏ và hoạt động trong công trình sáng tạo. Trong Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên vũ trụ trời đất bằng Lời của Ngài (“Phải có ánh sáng, phải có một cái vòm, v.v…”), vì vậy Lời được nhận biết không phải là một điều gì đó tách biệt và độc lập với Thiên Chúa, mà là biểu hiện cụ thể ý muốn của Ngài, biểu lộ quyền năng Thiên Chúa. Lời phát ra từ miệng Thiên Chúa sẽ không trở lại nếu chưa hoàn thành kế hoạch Ngài muốn. Ở cấp độ này, Lời là sức mạnh sáng tạo của Thiên Chúa, không ngừng hoàn thành ý muốn của Thiên Chúa trong thế giới này.
ĐÁP CA: Tv 65,10-14
Hạt gieo vào đất mỡ mầu, sinh hoa kết quả dồi dào gấp trăm
Thánh vịnh bắt đầu bằng lời tuyên bố rằng Thiên Chúa của Israel là Đấng chăm sóc trái đất. Sau đó, tác giả đưa ra những lý do tại sao chúng ta phải ca ngợi Chúa. Cc. 11-14 dường như mô tả về chu kì của một năm nông nghiệp bắt đầu bằng những cơn mưa mùa thu làm mềm dịu mặt đất khô cứng, đang phơi ải (cc. 10-11). Tác giả Thánh vịnh trình bày Thiên Chúa như là một người làm nông, Ngài điều khiển mưa móc và khả năng sinh sản của trái đất. Lượng mưa dồi dào làm cho các luống đất khô hanh trở nên mềm mại để sẵn sàng nhận hạt giống tạo ra một vụ mùa bội thu (cc. 12-14).
Các Giáo phụ đã so sánh cách Thiên Chúa chăm sóc trái đất bằng mưa móc để mang lại mùa gặt dồi dào, với Lời Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn con người ta. Chúa Giêsu Kitô là Lời vĩnh cửu của Chúa Cha như mưa từ trời xuống cứu nhân loại bằng nước hằng sống của Bí tích Rửa tội. Nhờ nước và Thánh Thần, những ai mở lòng đón nhận Lời, sẽ nhận được sự sống mới trong gia đình của Thiên Chúa. Lời của Người không trở về mà lại thất bại, dở dang. Các tín hữu nghe và tuân giữ lời giáo huấn của Người sẽ tạo sinh nhiều thế hệ nối tiếp nhau làm nên một mùa lúa mới. Khi Lời Chúa được đem ra sống và thực hành nó sẽ hoàn thành mục đích là cứu rỗi nhân loại. Còn khi không được thực hành, đời sống con người trở nên như mặt đất khô cằn không được tưới gội.
BÀI ĐỌC 2: Rm 8,18-23
Thụ tạo được giải thoát khỏi cảnh hư hoại
Trong bài đọc trích thư Rôma 8 về đời sống trong Thần Khí của Chúa Kitô Phục sinh, chúng ta đã bỏ qua một vài câu quan trọng (được sử dụng trong một dịp riêng biệt) về việc được nhận làm con nuôi (dưỡng tử) của chúng ta, điều cho phép chúng ta- cả nam và nữ- gọi Thiên Chúa là “Abba, Cha”. Tên gia đình thân mật theo ngôn ngữ Aram này đã được Chúa Giêsu dùng để thưa với Cha Người trong lời cầu nguyện thương khó tại vườn Ghếtsêmani (Mc 14,36). Lời này cũng có thể được sử dụng bởi tất cả các môn đệ đã tham dự vào sự sống của Người. Cùng với Chúa Giêsu, chúng ta là những người thừa kế của Thiên Chúa, được chia sẻ gia tài của Ngài. Tuy nhiên, không chỉ chính chúng ta, mà toàn bộ thụ tạo cũng được đổi mới và tái tạo bởi Thần Khí. Tất cả đều mang một chiều kích mới và sự sống mới, tuy nhiên thực tại này vẫn còn phải rên rỉ chờ mong Thần Khí giải thoát khỏi cảnh hư nát. Đây là một lý do rõ ràng nhắc nhở con người đã được đổi mới phải quan tâm gìn giữ và bảo vệ công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Trước hết, chúng ta đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa để biến đổi và để hoàn thành công trình sáng tạo của Ngài. Bây giờ, được tái tạo như những người con nuôi và người thừa kế của Thiên Chúa, trách nhiệm ấy lại càng được xác định và được tăng cường. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ đón nhận những hoa trái đầu tiên của Thần Khí, và những ân huệ đầu tiên đó lại rất có ý nghĩa. Nó đặt chúng ta hướng về niềm mong đợi được hoàn toàn biến đổi như khi người ta kết thúc một mùa gặt.
TIN MỪNG:
Dụ ngôn người gieo giống
Những gì trong bản văn trình bày là dụ ngôn người gieo giống có thể được hiểu tốt hơn là dụ ngôn của đất. Đúng là vai trò của người gieo giống ở đây không đáng kể. Theo cách làm vào thời Chúa Giêsu, người gieo giống chỉ đi dọc theo một con đường rồi quăng hạt giống ra. Cũng không phải trọng tâm câu chuyện ngụ ngôn là hạt giống, mặc dù tầm quan trọng không thể phủ nhận của từ ngữ hạt giống có thể ám chỉ như là “hạt giống Lời Chúa”. Chính xác dụ ngôn nói về những khả năng tiếp nhận khác nhau của đất. Đoạn văn đọc vào Chúa nhật này rơi vào ba phần riêng biệt: chính dụ ngôn (cc. 1-9); lý do trình bày dụ ngôn (cc. 10-17); lời giải thích về dụ ngôn (cc. 18-23). Tác giả Tin Mừng sử dụng cách nói “Nước Trời”, chứ không nói “Nước Thiên Chúa”. Điều này phản ánh tư duy Do Thái tránh sử dụng tên riêng của Thiên Chúa.
Giáo huấn của Chúa Giêsu di chuyển ra khỏi khung cảnh riêng tư của một ngôi nhà để đi ra khối thính giả bên ngoài (c. 1). Người không còn chỉ nói với các môn đệ. Đám đông đã tập họp, và bây giờ Người giảng cho họ bằng dụ ngôn. Giảng dạy bằng dụ ngôn là một phương pháp sư phạm rất phổ biến. Cũng không chỉ có Chúa Giêsu hoặc thời của Người mới sử dụng kĩ thuật này. Isaia đã áp dụng nó khi ông mô tả dân Israel là một vườn nho (x. Is 5,1-7). Như thường thấy trong tư duy theo truyền thống Khôn ngoan, thiên nhiên thường hiện ra các ví dụ sống động giúp người ta hiểu biết sâu sắc về cuộc sống, và về con người. Dụ ngôn vốn không quá phức tạp để hiểu. Bởi vì hạt giống chỉ đơn giản là được rải trên đường đi và rơi tự do trên tất cả các loại đất. Một số sẽ được canh tác; số còn lại thì không. Chúa Giêsu trình bày nội dung này theo một cách khá quen thuộc đối với người nghe. Xét theo hình thức kể chuyện, đây không phải là một câu chuyện khó hiểu. Nhưng nó thực sự có ý nghĩa gì?
Chúa Giêsu kết thúc giáo huấn của Người bằng một tuyên bố khó hiểu: Ai có tai thì nghe. Theo một cách hiểu, tuyên bố này mời gọi người ta nắm bắt ý nghĩa chính của dụ ngôn. Những người có tai, những người mở rộng trí óc và con tim, cần phải nghe mới hiểu. Những người biết mở rộng tâm hồn đón nhận sẽ hiểu được các dụ ngôn; còn những người không có thiện ý đón nhận sẽ thấy dụ ngôn khó hiểu, hoặc hiểu sai. Trong lời giải thích Chúa Giêsu đưa ra cho các môn đệ, Người chỉ ra đặc tính kín ẩn của ngôn ngữ ẩn dụ. Trong khi dụ ngôn vẫn có thể được hiểu theo mặt chữ thì ý nghĩa thực của nó sâu sắc hơn nhiều và cần phải được phân biệt. Đôi khi ý nghĩa sâu xa này hiện ra rõ hơn vào những thời gian nhất định. Tất cả các dụ ngôn Chúa Giêsu sử dụng đều nói về các chiều kích khác nhau của mầu nhiệm Nước Trời. Có những mầu nhiệm không thể khai mở cho những người không sẵn lòng mở rộng tâm hồn để đón nhận. Ngôn sứ Isaia cũng đã gặp phải sự cứng lòng tương tự trong thời của ông (x. Is 6,9), và Chúa Giêsu sẽ nói tới điều này khi Người giải thích việc sử dụng các dụ ngôn.
Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ chú ý đến các đặc ân đã được dành cho họ. Họ được trao ban nhiều cơ hội để nhìn và nghe (hiểu) những gì mà ngay cả các ngôn sứ và người công chính trong quá khứ khao khát mà không được. Sau đó, Người giải thích cho các môn đệ hiểu ý nghĩa ẩn dụ của dụ ngôn. Cần lưu ý rằng trong mỗi trường hợp được giải thích, Lời đều được lắng nghe thật sự; ở một mức độ nào đó Lời đó đã được đón nhận. Ở đây Chúa Giêsu không đề cập đến thái độ từ chối thẳng thắn của những người ngoài, mà muốn nói đến cách những môn đệ đón nhận Lời của Chúa. Đôi khi Lời không bén rễ chút nào; đôi khi Lời không duy trì được lâu; và có khi Lời đã đâm rễ nhưng không đậu quả. Nói cách khác, có những thất bại.
Cũng có nhiều thành công. Lời sinh ra năng suất mang những tỷ lệ phần trăm khác nhau. Người ta có thể hiểu điều này từ hai hướng nhìn. Công trình có thể bị xem là đáng thất vọng khi một số hạt giống dường như đã bị phung phí và, ngay cả khi nó đã bén rễ, lại không cho một vụ thu hoạch tốt hơn. Nhưng nhìn cách khác, thành quả đạt được rất đáng hài lòng vì rằng hạt giống đã tạo ra được năng suất vượt trội mà nó có thể. Lời Thiên Chúa là những hạt mầm kiến tạo triều đại Thiên Chúa nên nó không thể trở về với Ngài mà lại dang dở, thất bại. Khi hiểu ý nghĩa của dụ ngôn này, người ta cần phải tự hỏi: Tôi là loại đất nào đây? Tôi đã đón nhận Lời Chúa thế nào?
—-
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 546: Chúa giảng dạy bằng các dụ ngôn
+ GLHTCG 1703-1709: Khả năng nhận biết và đáp trả tiếng Chúa
+ GLHTCG 2006-2011: Thiên Chúa muốn liên kết với con người trong việc ban ân sủng
+ GLHTCG 1046-1047: Vũ trụ này là thành phần của trần gian mới
+ GLHTCG 2707: Giá trị của việc suy niệm Lời Chúa
Lm. Giuse Ngô Quang Trung