Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 15 Thường Niên, Năm B

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay nhắc nhớ chúng ta về ơn gọi được làm con Thiên Chúa, đồng thời mời gọi chúng ta làm chứng cho tình thương, lòng thương xót và ơn cứu chuộc của Ngài được thể hiện nơi Chúa Giêsu: “Trong Người, Thiên Chúa đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1,4).

 

BÀI ĐỌC 1: Am 7,12-15

Vị sứ giả bất đắc dĩ

Ngôn sứ Amos phải đảm nhận một nhiệm vụ khó khăn trong cuộc đời của mình. Ông đón nhận mệnh lệnh của Đức Chúa một cách miễn cưỡng sai đến, từ vương quốc Giuđa để nói với các đối thủ quyết liệt của ông ở Israel hãy thay đổi đường lối của họ: ngừng bóc lột người nghèo và người yếu thế, hãy dâng những của lễ là thực hiện đích thực lòng tôn kính đối với Đức Chúa, Đấng tranh đấu cho quyền lợi của những người nghèo khổ và yếu thế. Không có gì ngạc nhiên khi ông bị đuổi khỏi đền thờ của vương triều và được yêu cầu từ bỏ công việc đang thực hiện của mình. Cũng vậy chắc chắn chúng ta không thích những người cứ cố công đưa chúng ta ra khỏi lối sống thoải mái, chỉ ra những điểm thiếu sót của chúng ta, thách thức chúng ta tuân thủ kế hoạch của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Một cách vô ích, Amos khẳng định rằng ông không phải là một kẻ chủ ý gây rối, rằng tất cả những gì ông muốn là một cuộc sống yên ả để chăm sóc đàn gia súc và những cây sung của mình. Thế nhưng Chúa đã kiên quyết giao cho ông sứ vụ đặc biệt này và ông phải chu toàn. Điều cũng thách đố khi trở thành một Kitô hữu, đó là chúng ta không biết khi nào chúng ta sẽ được Chúa gọi để thực hiện một công việc đặc biệt nào đó, dù lớn hay nhỏ. Có khi đó chỉ là bất ngờ đón nhận một người cần nhờ đến chúng ta, và nó tạo ra không ít phiền toái, nhưng cần biết rằng họ chính là người của Chúa.

 

ĐÁP CA: Tv 85,9-14

Xin ơn bình an và ơn cứu độ

Thánh vịnh này thuộc nhóm Thánh vịnh kêu than. Israel nhớ lại làm thế nào Thiên Chúa của họ trong quá khứ đã tha thứ tội lỗi và khôi phục lại đất đai và tài sản của họ (cc. 2-4). Trong đau khổ họ cầu nguyện với Thiên Chúa Đấng luôn tha thứ và hồi phục: Một lần nữa xin tỏ cho chúng con thấy Chúa là vị Thiên Chúa chữa lành (cc. 5-8). Dân Chúa, vì tội lỗi, không dám cầu xin ơn phục hồi, mà chỉ chờ đợi trong đức tin vào Chúa: “Tôi lắng nghe điều Thiên Chúa phán.” Thiên Chúa không ban ơn một cách tự động cũng không bừa bãi; chỉ những ai kính sợ Chúa mới có thể hy vọng được hưởng ơn cứu độ (cc. 9-10). Câu trả lời của Chúa ở trong các câu 11-14. Các thuộc tính của Thiên Chúa, “Tình yêu và sự thật … Công lý và hòa bình”, một lần nữa sẽ hoạt động trên mặt đất, làm cho nó trở thành một nơi thích hợp cho Thiên Chúa ngự trị. Thánh vịnh có lẽ được sáng tác trong thời lưu đày, khoảng thế kỷ thứ sáu, khi Israel bị cám dỗ nghi ngờ rằng Thiên Chúa đã bỏ rơi họ mãi mãi.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho chúng ta ơn cứu độ và sự bình an, nhưng chúng ta cần phải hoán cải nội tâm để có thể nhận lãnh ơn ban này. Chúng ta phải đón nhận ơn tha thứ và tình thương của Thiên Chúa bằng thái độ khiêm tốn (x. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, buổi tiếp kiến chung, ngày 25 tháng Chín, 2002).

 

BÀI ĐỌC 2: Ep 1,3-14

Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa

Hôm nay chúng ta bắt đầu đọc thư gửi tín hữu Êphêsô, bài đầu tiên trong loạt bảy bài đọc Chúa nhật liên tiếp. Nhiều học giả cho rằng thư này không phải chính Phaolô viết, mà do một môn đệ đã hiểu rõ tư tưởng của Phaolô viết ra. Những vấn đề xưa cũ về người Do Thái và dân ngoại đã qua rồi. Bây giờ phải là những suy tư với tầm mức vũ trụ, mà Chúa Giêsu Kitô được đặt làm trung tâm mọi quyền năng vũ trụ. Thư mang văn phong khá khác biệt và khai triển nhiều ý tưởng của Phaolô. Có lẽ đây là văn bản chú giải đầu tiên về Phaolô.

Trong bài đọc mở đầu này người ta đếm được bảy ơn phúc của Thánh Thần, tóm tắt kế hoạch cứu rỗi nhân loại mà Thiên Chúa thực hiện cho con người. Đỉnh cao của những phúc lành này là “quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Chúa Kitô”. Chúa Kitô là Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, nhờ Người mà muôn vật được tạo thành. Chúa Kitô cũng là sự hoàn thành của công trình tạo dựng. Và sự hợp nhất muôn loài muôn vật trong Chúa Kitô là một điểm nhấn đặc biệt của thư Êphêsô. Tất cả mọi vật đều ở dưới quyền của Chúa Kitô, là Đầu công trình tạo dựng, là dưỡng chất cho tạo vật và là điểm quy hướng cho nó. Đây là những chức năng mà Đầu thực hiện cho một thân thể, nghĩa là Chúa Kitô thực hiện cho công trình sáng tạo.

 

TIN MỪNG: Mc 6,7-13

Các tông đồ đi rao giảng

Đây là trình thuật về sứ vụ truyền giáo mở đường của Nhóm Mười Hai. Ở đây, họ được cung cấp một số chỉ dẫn rõ ràng về những gì cần mang theo cũng như cách hành động trong cuộc hành trình của họ. Mặc dù họ được ban cho quyền năng để xua trừ các thần ô uế, nhưng rõ ràng là họ chỉ có thể làm được điều này thông qua thẩm quyền của Chúa Giêsu. Nói cách khác, bây giờ họ được ủy thác tham gia vào sứ vụ của Chúa Giêsu với chính quyền năng của Người.

Họ được phép mang dép và một cây gậy bên mình, có lẽ là để xua đuổi động vật hoang dã và để bảo vệ mình khỏi rắn độc. Tuy nhiên, họ không được mang các khoản khác, chẳng hạn như quần áo, thực phẩm dự phòng hoặc thậm chí là tiền bạc. Họ không được mang theo một chiếc túi để có thể cất giữ hoặc lấy ra bất cứ thứ gì bên mình. Họ không được tạo ra cảm tưởng nơi người khác rằng họ mong muốn một cách nào đó nhận được lợi lộc từ sứ vụ. Cuối cùng, họ phải chấp nhận sự chu cấp từ nơi công chúng. Họ phải ở lại trong ngôi nhà đầu tiên tiếp nhận họ, để không tỏ vẻ hoặc thực sự muốn lợi dụng lòng hảo tâm của người khác. Nhóm Mười Hai đang được khai tâm vào sứ mệnh của Chúa Giêsu, và họ phải tham gia vào sứ mệnh đó một cách thực sự từ bỏ.

Ở đây Chúa Giêsu chuẩn bị cho Nhóm Mười Hai khả năng nhận chịu sự từ chối và thất bại. Không có gì đảm bảo rằng họ sẽ được đón nhận, hoặc sứ điệp mà họ mang đến sẽ được người khác chú ý lắng nghe (c. 11). Nếu và khi điều này xảy ra, họ nên dứt bỏ mọi liên hệ với những người cố chấp. Rũ bụi chân ở một nơi là hành động biểu tượng mà người Israel làm khi trở về từ đất dân ngoại. Đó là một biện pháp phòng ngừa để không có bất cứ chất ô uế nào có thể lây nhiễm đến Đất Thánh hoặc thành thánh Giêrusalem. Nếu Nhóm Mười Hai thực hiện hành động này, những người Do Thái không tiếp nhận họ sẽ hiểu được mức độ nghiêm trọng mà bản án dành cho hành vi của họ.

Với những chỉ dẫn này, Nhóm Mười Hai đã ra đi. Sứ vụ mà họ phải thực hiện là sự kết hợp giữa lời nói và việc làm: rao giảng sự thống hối, xua đuổi ma quỷ, chữa lành bệnh tật. Điều này hợp với những lời đầu tiên được Chúa Giêsu công bố: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Hãy sám hỗi và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,15, Chúa nhật thứ Ba Mùa Thường Niên). Vì sự hiện diện của ma quỷ và những đau khổ do bệnh tật gây ra được coi là chứng cứ hiển nhiên về sức mạnh của ác thần trong thế giới, nên mọi người tin rằng việc trừ quỷ và chữa lành là chiến thắng của quyền năng Thiên Chúa, giúp phá vỡ sự khuất phục  của Satan. Qua Nhóm Mười Hai, triều đại của Thiên Chúa được thiết lập thay cho sự thống trị của ác thần. Rao giảng sứ điệp cứu độ đi kèm việc thực hiện những điều kỳ diệu này là bằng chứng cho quyền năng cứu độ của Thiên Chúa.

Rõ ràng là Nước Trời thuộc về Thiên Chúa, nhưng nó được khai mạc qua sứ vụ của Chúa Giêsu. Ở đây Chúa Giêsu đưa dẫn Nhóm Mười Hai vào công trình cứu rỗi của Thiên Chúa. Họ không được mời gọi, nhưng được ủy quyền. Họ được sai đi trong điều kiện một người có thẩm quyền gửi đi các đại biểu hoặc phái viên của mình. Quyền thế không phải của họ, sứ điệp cũng không phải của họ. Họ chỉ đơn giản là người được gửi đi thay cho người kia. Tuy nhiên, chính nhờ thông qua sứ vụ của họ mà các phép lạ được thực hiện.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 1506-1509 : Các môn đệ chia sẻ sứ mệnh chữa lành của Chúa Kitô

+ GLHTCG 737-741 : Giáo Hội được mời gọi loan báo và làm chứng

+ GLHTCG 849-856 : Nguồn gốc và tầm mức của sứ mệnh Hội Thánh

+ GLHTCG 693, 698, 706, 1107, 1296 : Thánh Thần, lời hứa và ấn tín của Thiên Chúa

+ GLHTCG 492 : Đức Maria được tuyển chọn trước khi vũ trụ được tạo thành

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung