Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 18 Thường Niên, Năm A

Chủ đề trung tâm của các bài đọc hôm nay là: Chúa đáp ứng các nhu cầu vật chất và tinh thần của chúng ta nếu chúng ta đặt tin tưởng vào Ngài. Ngài đã ban cho chúng ta Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc và thức ăn thiêng liêng của chúng ta, trong Lời và trong Bí tích Thánh Thể. Do đó Ngài chuẩn bị cho chúng ta dự hưởng bữa tiệc thiên quốc, đồng thời khuyến giục chúng ta cũng chia sẻ phúc lành của mình với người khác.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 55,1-3

Được mời gọi đến Bàn Tiệc

Cách tiếp cận của chúng ta với Thiên Chúa và những điều thiêng liêng có hai khía cạnh tương phản. Một mặt, chúng ta nhận thức trong sự kinh ngạc về vẻ uy nghiêm huy hoàng của Thiên Chúa và về sự yếu đuối mỏng giòn của chúng ta. Điều này gây ra một sự tĩnh lặng sâu thẳm trong chúng ta. Mặt khác, chúng ta muốn thấy có niềm vui trong việc cử hành những ơn lành Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đặc biệt trong Kitô giáo, đây là một niềm vui thường có tính cách gia đình và cộng đồng, nói lên sự hiệp nhất của chúng ta trong Chúa Kitô. Cách rõ ràng để cử hành những biến cố này thường diễn ra trong một bữa tiệc với niềm vui ồn ào, với thức ăn và đồ uống. Các bài đọc trong Chúa nhật này tất cả đều nói về niềm vui và lễ kỷ niệm, các bài đọc thứ nhất và thứ ba đều nói về một bữa tiệc. Isaia gửi cho chúng ta lời mời đến dự bữa tiệc. Lời mời này có hai lưu ý cụ thể. Trước tiên, nó cũng tương tự như những lời mời của Đấng Khôn Ngoan trong Kinh Thánh: đến để chia sẻ bữa tiệc do Ngài chuẩn bị cho những ai muốn tìm hiểu những đường lối của Thiên Chúa. Thứ hai, đó là sự hoàn thành giao ước mà chúng ta thấy nổi bật trong Kinh Thánh: Thiên Chúa đã lập một mối liên kết, một sợi dây ràng buộc đặc biệt với dân Ngài, bằng những lời hứa với Ápraham. Ngài liên tục đổi mới và làm tăng triển lời kết ước này, với Môsê và một lần nữa với Đavít. Khi Israel phá vỡ giao ước đó bằng những cuộc nổi loạn liên tục, Thiên Chúa đã hứa ban một giao ước mới, được phê chuẩn một lần nữa trong một bữa tiệc, bữa Tiệc Ly của Chúa Giêsu cuối cùng với các môn đệ.

 

ĐÁP CA: Tv 145

Tựa đề của Thánh vịnh này là: “Ngợi khen. Của vua Đavít”, nghĩa là được gán cho Đavít, vua Israel. Đavít là vị vua được xức dầu, nhưng ông nhìn nhận còn có một quyền năng cao trọng hơn ông, là Thiên Chúa Vua muôn vua. Trong cc. 1-2, tác giả muốn tán dương và chúc tụng Chúa “mọi ngày” và “đến muôn thuở muôn đời”. Lòng sùng mộ và biết ơn của vua là không giới hạn. Thánh Gioan Kim Khẩu viết: “Ước muốn tán dương Chúa là một chỉ dấu của một tâm hồn con thảo đích thực. Ai tán dương Chúa mọi ngày thì sẽ được ca tụng Ngài miên viễn” (Expositio in Psalmos, 144.2).

Đây cũng là một bài thánh ca kể lại những lần Thiên Chúa can thiệp để hướng dẫn, che chở và bảo vệ dân Ngài trải qua suốt dòng lịch sử. Chương trình của Chúa cho các dân tộc là thiết lập một vương quốc của ân sủng, tình thương, công lí, và lòng mến hơn là biểu dương quyền lực và sự thống trị. Bởi  đó, Đức Bênêđictô XVI khi nhắc đến Thánh vịnh này đã nhấn mạnh đến những cụm từ diễn tả sự toàn thiện của Thiên Chúa, như: “Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu đối với muôn loài Chúa đã dựng nên” (c.9). Công trình sáng tạo của Ngài thật hiển hách, tuy nhiên phẩm tính trổi vượt của Ngài lại chính là tình thương vô bờ bến đối với chúng ta.

Chúa gần gũi…kẻ thành tâm cầu khẩn Ngài”. Phần thứ hai của Thánh vịnh chứa đựng một tư tưởng đầy an ủi: nếu chúng ta sẵn lòng thực thi ý Chúa thì chúng ta luôn xác tín rằng Ngài sẽ đáp lời cầu khẩn của chúng ta. (x. Bênêđictô XVI, Tiếp kiến chung, ngày 1 và 8 tháng Hai, 2006).

BÀI ĐỌC 2: Rm 8.35,37-39

Hoan hưởng Tình yêu của Thiên Chúa

Biểu hiện sống động của niềm vui và sự tin tưởng này đã thực sự tóm kết và tổng hợp những lời giải thích về tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, vì nó được tỏ lộ và trình bày cho chúng ta trong hành động cứu độ của Chúa Giêsu. Đây là lời giải thích đầy đủ nhất mà Phaolô trình bày về cách Chúa Kitô cứu chúng ta và cách chúng ta được tạo nên một thụ tạo mới, sống bởi Thần Khí của Chúa Kitô. Sau đó, thư gửi tín hữu Rôma trình bày những hệ quả và những ứng dụng cụ thể của việc này. Sẽ có một sự bùng nổ niềm vui như vậy nữa nơi Phaolô mà chúng ta đọc trong ba tuần tới (Rm 11,33-36). Đó là lúc Phaolô ở tâm trạng tốt nhất và hăng hái nhất của mình. Đầu tiên, ngay trước khi đi vào bài đọc, chúng ta thấy xuất hiện một loạt các câu hỏi tu từ đầy phấn khích: ‘Vậy còn phải nói thêm gì nữa?’, ‘Có ai có thể kết án chúng ta?’, ‘Chẳng lẽ chúng ta không xác tín sao?’, một lòng tin tưởng mạnh mẽ rằng không gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Trong tư duy Kinh Thánh, bảy là con số hoàn hảo, biểu thị sự toàn vẹn: trước tiên Phaolô đưa ra bảy khó khăn và thử thách không thể cắt đứt mối tương giao chúng ta với Thiên Chúa, sau đó là bảy thế lực thù địch phải bất lực trước tình yêu của Ngài. Thông điệp ấy là: không có bất cứ điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa.

 

BÀI TIN MỪNG: Mt 14,13-21

Thánh lễ khởi đầu cho một ngày sống

 

Bài Tin mừng bắt đầu bằng việc nhắc đến cái chết của Gioan Tẩy Giả đã thúc đẩy Chúa Giêsu tìm một nơi mà Người có thể ở riêng một mình. Một số người cho rằng Chúa Giêsu đã cố gắng thoát khỏi số phận đã xảy đến với Gioan. Tuy nhiên, văn bản không cho thấy hành động này của Chúa Giêsu. Nếu Người cố gắng lánh khỏi nguy hiểm, thì phép lạ hóa bánh ra nhiều chắc chắn đã đưa Người vào sự chú ý của công chúng. Nơi vắng vẻ (eremos) không phải là một sa mạc khô cằn, vì nó có thảm cỏ dầy mà đám đông được hướng dẫn để ngả lưng nghỉ mệt. Điều này có lẽ mang ý nghĩa biểu tượng quan trọng, vì nó nhắc nhở mọi người về thời kỳ họ được giáo huấn trong quá khứ, họ cũng ở trong sa mạc nơi mà Thiên Chúa đã ký giao ước với họ. Sự trở về với sa mạc thường là một thời gian mang ý nghĩa duyệt xét lại nội tâm. Hơn nữa, nơi này đủ gần với các khu vực đông dân cư, điều đã gợi ý cho các môn đệ gợi ý rằng thức ăn có thể mua được và chỗ lưu trú cũng có thể tìm được.

 

Chúa Giêsu đi đến nơi hoang vắng riêng biệt, nhưng không ngăn cản đám đông tuôn đến, những người dường như biết trước Người sẽ đi đâu và đã đến đó trước khi Người đến. Nhìn thấy họ, Chúa Giêsu đã chạnh lòng thương (splanchnízomai), một từ ngữ diễn tả cảm xúc nội tâm mạnh mẽ, mà chỉ được sử dụng bởi hoặc về Chúa Giêsu và có ý nghĩa thiên sai (x. Mt 9,36; 15,32; 20,34) . Chúa Giêsu đã xúc động mạnh vì Người cảm động trước cảnh ngộ của người dân. Người đã chữa lành nhiều người, nhưng rõ ràng Người cũng có một ý nghĩ khác trong tâm trí.

 

Bánh và cá là thức ăn căn bản của người nghèo miền Galilê. Tuy nhiên, năm cái bánh và hai con cá khó có thể làm thành bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, lại càng quá ít so với đám đông đã tập trung ở đây. Tuy nhiên, đó là khẩu phần mà các môn đệ được truyền bảo phải phân phát cho dân chúng. Đám đông được yêu cầu ngả lưng xuống cỏ, vị trí thông thường được thực hiện tại một bữa tiệc. Mặc dù chỉ có những đàn ông đã được tính, nhưng tác giả thừa nhận sự hiện diện của phụ nữ và trẻ em. Hành động của Chúa Giêsu đối với thực phẩm thật ngắn gọn nhưng mang nhiều ý nghĩa. Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, và trao cho môn đệ như là lương thực ban cho dân chúng. Ý nghĩa về Thánh Thể ở đây thật rõ ràng (x. Mt 26,26-27). Lời cầu nguyện trên thức ăn có lẽ là một lời tạ ơn hơn là một lời chúc lành. Nếu đó là phước lành điển hình của người Do Thái thời bấy giờ, thì nó có thể giống với câu như sau: “Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Thiên Chúa, Đấng điều khiển vũ trụ, xin mang bánh đến cho chúng con, từ ruộng đất này” (Ber 6,1).

 

Thật khó để biết liệu Chúa Giêsu lịch sử có thực sự nói những lời này hay không và nếu vậy, liệu nó có được thực hiện với con mắt hướng về Bữa Tối cuối cùng của Người hay không, và đó chính là hình ảnh báo trước bữa tiệc cánh chung. Tuy nhiên, chúng ta có thể chắc chắn rằng tác giả Tin Mừng muốn những kết nối này được thực hiện. Thật sự, đoạn văn này gợi lại những truyền thống nuôi ăn khác, đã gợi ý cho tác giả nhớ lại qua khung cảnh này. Rõ ràng nhất là việc cho ăn kỳ diệu ở trong sa mạc hoang vu bằng manna (x. Xh 16,15; có vẻ như người Do Thái tin rằng manna sẽ trở lại với sự xuất hiện của Đấng Messia [2 Br 29: 8; x. Kh 2,17]). Ngoài ra còn có một câu chuyện về Êlisê, trong đó vị ngôn sứ nuôi một đám đông nhỏ hơn bằng những tấm bánh lúa mạch, và một số còn dư lại  (x. 2 V 4,42-44).

 

Một chi tiết đôi khi bị bỏ qua trong trình thuật nuôi ăn này có thể ám chỉ đến bữa tiệc cánh chung mà người Do Thái chờ đợi với những dự đoán mong mỏi. Theo một truyền thuyết trong văn chương khải huyền Do Thái, những con thú nguyên thủy của vũ trụ thời hỗn mang đã bị khuất phục hoàn toàn, sẽ được mời vào bữa tiệc cánh chung (Việc loại bỏ kẻ thù cuối cùng như vậy là khá phổ biến trong văn học thần thoại.) Những con thú này là quái vật biển Bơhêmốt (x. G 40,15) và con Giao long (x. G 40,25; Tv 104, 26). Có phải chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà câu chuyện Tin Mừng này với sắc thái cánh chung của nó, chỉ là thêm cá vào thực đơn chăng? Phép lạ trong vùng sa mạc được mô tả trong bài Tin Mừng hôm nay dường như đã tập hợp các truyền thống của quá khứ cũng như những kỳ vọng về tương lai, để tất cả đều hướng về bữa tiệc cánh chung cuối cùng.

 

Vai trò của các tông đồ không thể bị bỏ qua. Họ là những người mà qua đó đám đông đã trải nghiệm sự hào phóng của Chúa Giêsu. Họ phân phát thực phẩm và, rất có thể, đã thu thập những gì còn sót lại vào mười hai giỏ đầy. Tác giả Tin Mừng cho thấy, qua phép lạ này Chúa Giêsu cung cấp lương thực thiêng liêng cho dân Người thông qua Giáo hội.

 

Trong nhiều năm qua, người ta đã nỗ lực giải thích những gì thực sự xảy ra trong phép lạ này. Thức ăn có thực sự được nhân lên không? Hay mọi người đã đưa ra các phần ăn của riêng họ và chia sẻ với những người khác? Bất kỳ nỗ lực nào đưa ra để giải thích phép lạ, có thể rơi vào nguy cơ bỏ mất điểm mấu chốt của trình thuật. Ý nghĩa mang nhiều chiều kích của nó nằm ở chỗ: Thiên Chúa ban cho chúng ta dư đầy những ơn lành thông qua Chúa Giêsu.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+  GLHTCG 2828-2837: Xin ban cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày

+  GLHTCG 1335: Phép lạ hóa bánh ra nhiều là hình ảnh báo trước Bí tích Thánh Thể

+  GLHTCG 1391-1401: Hiệu quả của việc rước lễ

 

Lm. Giuse Ngô Quang Trung