Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm A

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm A

Hãy Vâng Nghe Lời Người

Mục đích của các bài đọc Mùa Chay là giúp chúng ta chuẩn bị cử hành lễ Phục Sinh. Các bài đọc Cựu Ước tập trung vào lịch sử cứu độ như là tiền đề của tiến trình chuẩn bị ấy, và theo ý nghĩa riêng, là tiên trưng cho hành động cứu chuộc của Thiên Chúa trong Chúa Kitô.

Các bài đọc thứ hai mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô thông qua bí tích rửa tội và trong đời sống Kitô hữu.

Các bài đọc Tin mừng năm A, sau các trình thuật về sự cám dỗ và hiển dung, vốn vẫn theo truyền thống vào hai Chúa nhật đầu tiên. Các Chúa nhật kế tiếp trích từ Tin mừng Gioan, trình bày ý nghĩa sâu xa của các dấu chỉ, giúp chúng ta suy niệm về các mầu nhiệm của ơn cứu độ là cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô, đồng thời mời gọi chúng ta tham gia vào những mầu nhiệm ấy thông qua bí tích rửa tội.

BÀI ĐỌC 1: St 12,1-4a

Từ ít năm qua, có một số học giả đã đề ra một chiều hướng suy tư thần học về Kinh Thánh, họ tập trung vào ý niệm Thiên Chúa hành động trong lịch sử. Qua những suy tư này, người ta coi Sách Thánh như là cuốn sách ghi lại những hành động cứu rỗi của Thiên Chúa trong dòng lịch sử nhân loại. Các nhà thần học đã liên tục trình bày những hành động mạnh mẽ, hiển minh Thiên Chúa can thiệp vào lịch sử con người.

Nhưng như thế thì một câu hỏi được đặt ra là: Làm thế nào chúng ta có thể thực sự quan niệm về một Thiên Chúa hành động? Một phần của câu trả lời được gợi ý qua bài đọc hôm nay. Thiên Chúa hành động bằng cách kêu gọi những cá nhân chủ chốt như ông Ápraham, và chính qua việc đáp trả của những con người này mà một chuỗi các hoạt động của Thiên Chúa đã tác động, đã khắc ghi vào thế giới. Chính khi Ápraham rời bỏ quê hương và gia tộc của mình mà Thiên Chúa đã kiến tạo nên một quốc gia và một dân mới, hành động đáp trả mau mắn của ông đã trở nên phúc lành cho mọi dân nước. Đức tin Kitô giáo ngay từ thời thánh Phaolô đã nhìn nhận rằng lời Thiên Chúa hứa, được thực hiện không chỉ trong lịch sử cứu độ của Israel được ghi lại trong Cựu Ước, mà còn hơn thế nữa trong cuộc nhập thể của Chúa Kitô và trong lịch sử Kitô giáo. Toàn bộ lịch sử này có thể được hiểu như là hành động đáp lại lời kêu gọi của Thiên Chúa, một lời kêu gọi ra đi và ra đi, xuyên qua một loạt những nhân vật chính, bắt đầu với Ápraham và lên đến đỉnh điểm là Chúa Giêsu Kitô và các tông đồ của Người. Đó là lý do tại sao thánh Phaolô đã sử dụng hình ảnh về ông Ápraham làm mô thức đức tin, mà là đức tin của Kitô giáo. Đức tin là hành động đáp trả ngoan cường trước tiếng gọi của Thiên Chúa, và do vậy, thái độ đó mở ra các dòng kênh phong nhiêu cho hành động cứu chuộc của Thiên Chúa, trong mọi ngóc ngách lịch sử nhân loại.

ĐÁP CA: Tv 33:4-5, 18-19, 20, 22

Từ khóa trong đoạn văn này chính là từ Hípri, hesed (lòng thương xót). Đó là một từ ngữ diễn tả mối tương quan đặc biệt của tình yêu giữa Thiên Chúa và dân Ngài, dựa trên mối dây liên kết của một giao ước. Các giao ước trong Kinh Thánh là những cam kết giữa Thiên Chúa và dân được tuyển chọn, trong đó Thiên Chúa hứa ban sự che chở thiêng liêng và dân hứa trung thành trọn vẹn với Chúa. Các giao ước Kinh Thánh cũng hình thành một mối liên hệ gia đình duy nhất giữa Thiên Chúa là Cha và dân giao ước là con. Các câu 4-5 tập chú vào Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và đức công chính của Ngài. Ngài mặc khải chính mình cho những người hết lòng tin tưởng vào giao ước tình yêu của Ngài. Trong các câu 18-20, tác giả thánh vịnh bày tỏ niềm xác tín về sự quan phòng của Thiên Chúa đối với loài người, nhất là những ai kính sợ Chúa và đặt hy vọng vào giao ước trung thành của Ngài. Chính tình yêu của Chúa giúp họ vượt qua mọi khó khăn tạm thời của cuộc sống, và thậm chí cả cái chết. Trong câu 22, tác giả thánh vịnh kết luận bằng cách khẩn cầu Thiên Chúa, vì tình yêu giao ước của Ngài luôn ở với dân, là những người đã đặt hy vọng và niềm tin vào một mình Ngài.

Khi các Kitô hữu đọc Thánh vịnh này, họ ca ngợi Chúa vì Ngài đã tự mặc khải qua Lời Chúa là Đức Giêsu Kitô. Trong Người, Chúa liên kết chúng ta với Ngài trong tình yêu của Giao ước mới. Chính nhờ Lời của Ngài, Thiên Chúa tạo dựng muôn loài muôn vật và cũng nhờ Ngài mà tất cả được tồn tại (Cl 1, 15-17).

BÀI ĐỌC 2: 2 Tm 1,8b-10

Các đối thủ của Phaolô đã nại tới hình tượng Ápraham để chứng minh cho yêu sách của họ rằng, những người dân ngoại trở lại phải được cắt bì để trở thành dân của Israel mới. Các Tông đồ đã tranh luận với các đối thủ trên nền tảng những xác tín của họ. Đối với họ, ông Ápraham đã được nên công chính bằng phép cắt bì, nghĩa là duy chỉ đức tin thôi thì không đủ. Do đó, điều này cũng phải áp dụng cho những người ngoại muốn đón nhận Tin Mừng. Tuy nhiên, Phaolô đưa ra một cách giải thích khác về câu chuyện Ápraham. Ápraham đã được nên công chính bằng đức tin, sau đó phép cắt bì chỉ như một dấu ấn chứng thực cho đức công chính của ông.

Đoạn văn 2 Timôthê không nói gì đến chuyện cắt bì nhưng cũng rất phù hợp. Nội dung nói về ơn gọi của Ápraham trong Sáng thế 12 để trình bày về ơn gọi Kitô hữu. Bài đọc nhắc nhở chúng ta rằng ơn gọi này không dựa trên công trạng riêng của chúng ta, mà do ý muốn của Thiên Chúa đã được ấp ủ từ lâu, như khi Ngài chọn gọi Ápraham. Ơn huệ đó đã có từ lâu, nhưng nay được thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng đem lại sự sống và sự bất tử khi Người xuất hiện. Vì vậy, điểm cuối cùng này được dùng để giới thiệu chủ đề biến hình, trong đó Chúa Giêsu hiện diện như là Đấng Cứu Thế làm cho sự sống và sự bất tử được sáng tỏ.

TIN MỪNG: Mt 17,1-9

Trình thuật về biến cố Chúa Giêsu hiển dung đi theo sau lời tiên báo cuộc Khổ Nạn lần thứ nhất cùng với lời giải thích về đòi hỏi người môn đệ phải vác thập giá để theo Chúa. Theo một cái nhìn, đối tượng thật sự của biến cố hiển dung chính là ba môn đệ. Bài tường thuật nói nhiều về họ hơn là về Chúa Giêsu, và chỉ nói đến tên Môsê và Êlia như là những đối tác để đàm đạo với Chúa. Chúng ta không được kể về kinh nghiệm của chính Chúa Giêsu, mà chỉ là những gì ba ông đã nghe và đã thấy. Chúng ta cũng không được biết liệu biến cố này có tác động gì đến Chúa Giêsu hay không, nhưng rõ ràng nó có ý nghĩa như là một mặc khải cho các môn đệ.

Mô tả về biến cố hiển dung gần giống với trình thuật những lần Chúa hiện ra sau phục sinh. Biến cố này cũng giống với biến cố Thiên Chúa mặc khải cho Môsê trong Xuất hành 24, 13-16. Nó xảy ra trên một ngọn núi, một nơi nguyên mẫu cho những lần Thiên Chúa tỏ hiện. Chúa Giêsu được mô tả là có khuôn mặt tỏa sáng như mặt trời và y phục của Người trở nên trắng tinh như ánh sáng (c. 2). Điều này gợi nhớ lại lời diễn tả của Gioan về Chúa Giêsu là Ánh sáng thế gian. Hai nhân vật trong Cựu Ước xuất hiện cùng với Chúa Giêsu, Môsê và Êlia, là hai trong số những nhân vật quan trọng nhất trong lịch sử Israel và đại diện cho Lề Luật và các tiên tri. Chúa Giêsu luôn thuận theo di sản Do Thái của mình.

Ở đây, cũng như vào thời điểm Chúa chịu phép rửa, một tiếng nói phát ra từ đám mây, tuyên bố rằng: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người; Các người hãy vâng nghe lời Người (c. 5). Tiếng nói chắc chắn làm các môn đệ sợ hãi, khiến họ ngã sấp mặt xuống đất. Một trong những bức tranh ghép kính có từ thời xa xưa về Hiển Dung còn được giữ lại, người ta đã khắc họa phản ứng của các môn đệ một cách sống động: cả ba dường như đang ẩn nấp để cố nhìn cho thật rõ ràng một cảnh tượng chưa từng xảy ra. Giống như một em bé nhắm mắt lại và nghĩ rằng nó đã xóa đi được đối tượng gây ra sợ hãi cho mình, thì ba môn đệ cũng đã ngã xuống như thể không chịu đựng được quang cảnh trước mắt họ. Ngoài ra, trong bức tranh chúng ta còn thấy các môn đệ khác ở xa, dường như đang ở trong các hang động mà họ có thể nhìn, nghe và thậm chí hiểu được những gì đang xảy ra, dù ít hơn Phêrô, Giacôbê và Gioan. Sự thật là những gì Chúa Giêsu mặc khải về bản tính của Người là Ngôi Hai Thiên Chúa thì vượt quá khả năng hiểu biết của họ. Thời gian tiến thêm, rồi qua biến cố Tử Nạn và Phục sinh, họ mới dần nắm hiểu được rõ hơn về mầu nhiệm con người và sứ vụ của Chúa Cứu Thế.

Cuối cùng, Chúa Giêsu dịu dàng chạm vào ba môn đệ và bảo họ đừng sợ hãi. Người cũng nói với họ không được kể lại thị kiến ấy cho bất cứ ai. Rõ ràng, họ chưa hiểu được tất cả ý nghĩa của những gì vừa  xảy ra. Điều cốt yếu là để hiểu rõ, họ phải lắng nghe Người.

—-
            LIÊN KẾT VỚI GIÁO LÝ CỦA HỘI THÁNH

+  GLHTCG 554-556, 568: Chúa hiển dung

 + GLHTCG 59, 145-146, 2570-2571: Sự vâng phục của ông Ápraham

+ GLHTCG 706: Lời Thiên Chúa hứa cho Ápraham được thực hiện nơi Chúa Kitô

+ GLHTCG 2012-2014, 2028, 2813: Lời mời gọi nên thánh

Lm. Giuse Ngô Quang Trung