Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Chay, Năm B

 Chủ đề chung của các bài đọc hôm nay là thách đố về một cuộc biến đổi toàn diện, đặc biệt trong Mùa Chay này. Chúng ta phải biến đổi đời sống thiêng liêng buồn tẻ và tĩnh tại của mình thành đời sống Kitô năng động trong Mùa Chay. Làm cách nào? Bằng cách cộng tác với ơn Chúa hoặc sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần với cầu nguyện, ăn chay và chia sẻ vật chất. Sự đổi mới đời sống thiêng liêng của chúng ta trong Mùa Chay phải dẫn đến kết quả là làm rạng rỡ tình yêu và lòng thương xót của Chúa Kitô xung quanh chúng ta.

BÀI ĐỌC 1: St 22,1-2, 9-13,15-18

Sát tế Isaác

Hẳn bậc cha mẹ nào cũng xúc động khi đọc câu chuyện ghê sợ và cảm động này. Làm thế nào một người cha có thể làm điều như vậy đối với con mình? Và cậu bé lại là niềm hy vọng cuối cùng của Ápraham cho sự tồn tại của gia tộc ông, được ban cho ông để thực hiện lời hứa của Thiên Chúa? Câu chuyện trở nên chậm hơn khi nó đi tới đỉnh điểm. Hãy theo dõi Isaác mang củi, và Ápraham cẩn thận mang theo những thứ làm cho đứa trẻ có thể bị thương: lửa và dao. Người ta có thể tưởng tượng cậu bé vui tính chạy lon ton bên cạnh bố, trả lời những câu hỏi dồn dập của ông và những câu trả lời ngập ngừng của bố khi ông tiến gần đến nơi làm ông sợ hãi. Tuy nhiên, ông đã tin tưởng vào Chúa ngay trước bờ vực của thảm họa, và vẫn tin tưởng rằng Chúa sẽ giải cứu ông khỏi hành động khủng khiếp này. Như thánh Phaolô nhấn mạnh, không phải bất cứ điều gì Ápraham làm đều biện minh cho ông, không phải hành động vâng lời của ông, mà chính là niềm tin cậy hoàn toàn vào Thiên Chúa. Tôi có thể hoàn toàn tin tưởng như vậy vào tình yêu của Thiên Chúa không? Truyền thống Giáo hội xem câu chuyện bi thảm này là hình ảnh tiên báo việc Thiên Chúa phó dâng Con một, yêu dấu của Ngài để cứu độ nhân loại. Bài đọc này chuẩn bị chúng ta cử hành hiến tế cao cả vào lễ Phục Sinh. Mục tiêu của Mùa Chay được đặt trước mắt để chúng ta thấy rõ mà tiến bước.

ĐÁP CA: Tv 116,10, 15-19

Bước đi với Chúa

Các Thánh vịnh 113-118 được gọi là Thánh vịnh Hallel (“Thánh vịnh ngợi khen”) và được hát trong Đền Thờ vào những ngày lễ đặc biệt, bao gồm lễ Vượt Qua. Trong câu 10, Tác giả Thánh vịnh tỏ bày ông đã giữ vững đức tin của mình ngay cả trong những lúc khốn cùng. Bày tỏ sự đau buồn vì bất hạnh không có nghĩa là thiếu đức tin.

Sau đó, trong các câu 15-19, tác giả viết về cách Thiên Chúa để ý tới cuộc sống của người công chính. Cái chết của họ thật có ý nghĩa vì họ rất quý giá đối với Chúa, Đấng chấp nhận cái chết của họ như một của lễ hiến tế. Tác giả thấy mình là “con yêu dấu”/ tôi tớ của Chúa, đã được nuôi dưỡng để nhận biết và yêu mến Chúa suốt đời từ những lời chỉ dạy của mẹ mình, “người nữ tỳ” của Chúa. Ông bày tỏ sự tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn trông chừng ông. Ngay cả trong lúc quẫn bách, ông vẫn tham dự việc thờ phượng trong Đền Thánh của Ngài. Bất chấp những khó khăn của mình, với tư cách là một người con trung thành/ tôi tớ của Chúa, ông vẫn dâng hi lễ tạ ơn trong cộng đoàn phụng vụ để hoàn thành lời thề hứa của mình và để ngợi khen Chúa. Câu đáp ca: “Tôi sẽ bước đi trước nhan thánh Chúa Trời, trong cõi đất dành cho kẻ sống” là của câu 9, nói đến việc tác giả tham gia vào phụng vụ Đền Thờ, nơi ông đứng trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Đó là sự nếm trước phúc thiên đàng, và chính là “miền đất của người sống.” Câu đáp này cũng là lời tung hô trong phụng vụ tại Đền Thờ Giêrusalem, cũng được tìm thấy trong các Thánh vịnh 27,13; 52, 7 và Isaia 38,11.

Thánh lễ được gọi là Hi Tế cứu độ, bởi vì nó nối kết lễ dâng của Hội Thánh trên bàn thờ với Hi Lễ của Chúa Giêsu, được hiện tại hóa (x. GLHTCG 222-226, 1330, 1352-1355).

BÀI ĐỌC 1: Rm 8,31-34

Phaolô xác tín vào tình yêu của Thiên Chúa

Thánh Phaolô suy tư về tình yêu của Thiên Chúa: nếu Thiên Chúa yêu chúng ta đến nỗi trao nộp Con của Ngài cho chúng ta, thì tình yêu đó là vô giới hạn. Phaolô bắt đầu bức thư bằng cách vạch trần cho thấy loài người đã sa lầy trong tội lỗi. Sự bất tuân của Ađam- và ‘Ađam’ có nghĩa là ‘con người’ trong tiếng Hípri – là biểu tượng của tình trạng tội lụy đó. Tiếp theo, Phaolô cho thấy rằng sự vâng lời hoàn hảo và đầy yêu thương của Ađam thứ hai, Chúa Kitô, đối với Cha của Người đã hóa giải sự bất tuân của chúng ta và giúp chúng ta tin tưởng nối kết lại tình yêu thương của Thiên Chúa. Thập giá là hành động yêu thương cao cả nhất: Chúa Giêsu yêu mến Cha của Người cho đến chết. Thiên Chúa đón nhận cái chết này vì tình yêu dành cho loài người. Phaolô nói tiếp, không gì có thể chia cắt chúng ta khỏi tình yêu này, dù sự sống hay cái chết, dù loài người hay sức mạnh siêu phàm. Như một ví dụ về tình yêu thương này, ngài tiếp tục cho thấy ngay cả những người Do Thái đã từ chối Chúa Giêsu vẫn là những người con  yêu quý của Thiên Chúa. Cuối cùng, họ cũng sẽ được cứu rỗi nhờ tình yêu đó.

 

TIN MỪNG: Mc 9,2-10

Chúa Giêsu hiển dung

Trình thuật về cuộc biến hình của Chúa Giêsu kết hợp các truyền thống quá khứ của Israel lại với nhau, những trực cảm về căn tính của chính Chúa Giêsu, và một cái nhìn thoáng qua về tương lai của sự hoàn thành cánh chung. Từ biến hình (metamorphoo) có nghĩa đen là “thay đổi hình thức”. Nhiều truyền thống tôn giáo tin rằng các vị thần có thể dễ dàng biến đổi theo các hình dạng khác nhau. Các trường phái thần bí khác nhau còn cho rằng con người và một số loài động vật cũng có thể thay đổi hình dạng của chúng. Trong niềm hi vọng khải huyền của người Do Thái, người công chính sẽ mang một hình thể mới là vinh quang thiên đàng. Mặc dù trình thuật này nhấn mạnh đến sự sáng chói của y phục Chúa Giêsu, nhưng chính Người đã được biến đổi hình dạng. Câu hỏi đặt ra, không phải là điều này có thể xảy ra không, mà điều này có ý nghĩa gì?

Các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan được đặc ân chứng kiến cuộc biến hình này, thuộc một nhóm gần cận với Chúa Giêsu. Sự hiện diện của họ làm cho biến cố này trở thành một sự kiện lịch sử chứ không phải mang ý nghĩa huyền hoặc. Mặc dù chỉ có Chúa Giêsu được biến đổi và chỉ Người mới là trung tâm của cuộc hiển dung, các môn đệ cũng bị cuốn vào kinh nghiệm đặc biệt này. Họ nhìn thấy Chúa Giêsu đã biến hình, cùng với các ông Môsê và Êlia. Họ bị che khuất bởi đám mây, và giọng nói trực tiếp đến với họ.

Trình thuật có nhiều chi tiết liên quan đến ông Môsê và ông Êlia. Cả hai đều gắn liền với núi (Sinai, Xuất hành 19; Khôrếp, 1 Vua 19); cả hai đều trải qua một kiểu biến đổi (khuôn mặt của Môsê trở nên rạng rỡ, Xh 34,29- 35; Êlia được cất lên trong một cỗ xe rực lửa, 2 Vua 2,11). Cuối cùng, những vị này gắn liền với hai truyền thống rất quan trọng. Trước tiên, các ngài đại diện cho truyền thống nền tảng của Israel: lề luật và các ngôn sứ. Thứ hai, cả hai đều tiên báo chiều kích tiên tri của thời đại thiên sai (x. Đnl 18, 15,18-19; Ml 3,1,23).

Trong cảm giác ngất ngây ông Phêrô xin phép dựng ba lều gợi nhớ lại lễ Lều Tạm, cuộc lễ người Do Thái tưởng niệm thời gian lưu trú trong hoang địa, họ phải sống trong những nơi ở tạm thời là các căn lều. Vào thời Chúa Giêsu, lễ này mang ý nghĩa về thời thiên sai (x. Dcr 14,16-19). Nếu lời yêu cầu của ông Phêrô xuất phát từ mong muốn được hưởng các phúc lành của thời thiên sai, thì chỉ thị cuối cùng của Chúa Giêsu là không được nói với ai, cho đến thời điểm sau khi Người phục sinh; điều này nhắc nhở ông rằng hành động tự hủy của Chúa Giêsu phải đi trước sự tôn vinh Người. Do đó, biến cố biến hình này là một hình ảnh báo trước sự hoàn tất đó.

Những lời từ đám mây vừa rõ ràng vừa khó hiểu. Chúa Giêsu được xác định là Con yêu dấu, gợi nhớ đến Isaác cũng là một người con yêu dấu (x. St 22, 2). Giọng nói mời gọi ba môn đệ lắng nghe Chúa Giêsu. Điều này có thể được hiểu theo nghĩa rất chung chung, nhưng những lời của Chúa Giêsu trên đường xuống núi sẽ cho biết cụ thể hơn. Rõ ràng là các môn đệ không hiểu ý của Người trong câu “sống lại từ cõi chết”. Mối liên hệ với Isaác và lệnh truyền của Chúa Giêsu cho thấy câu nói đó đề cập đến giáo huấn của Chúa Giêsu về cái chết của Người. Có thể biến cố biến hình nhằm mục đích chuẩn bị cho nhóm môn đệ thân tín này trước những đau khổ và cái chết không thể tưởng tượng được, để củng cố họ trước.

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

+ GLHTCG 554-556. 568 : Chúa Hiển Dung.

+ GLHTCG 59, 145-146, 2570-2572 : Đức vâng phục của ông Ápraham.

+ GLHTCG 153-159 : Các đặc tính của đức tin.

+ GLHTCG 2059 : Thiên Chúa tỏ lộ Vinh Quang để chúng ta biết thánh ý của Ngài.

+ GLHTCG 603, 1373, 2634, 2852 : Đức Kitô được ban cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Ngô Quang Trung