Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm B

print

Tìm Hiểu Lời Chúa Chúa Nhật 2 Mùa Vọng, Năm B

Các chủ đề của Chúa nhật thứ hai của Mùa Vọng đều mở rộng và làm nổi bật các chủ đề của Chúa nhật thứ nhất. Bối cảnh bao gồm vùng hoang địa như khúc dạo đầu của một cuộc sáng tạo mới, tương lai trở thành thành hiện tại, và mọi tâm hồn cần phải biết sám hối.

 

BÀI ĐỌC 1: Is 40,1-5.9-11

“Hãy an ủi dân Ta”

 

Bài đọc Isaia hôm nay là một bài ca vui tươi mở đầu phần thứ hai của sách ngôn sứ Isaia. Sau 70 năm lưu đày, Israel đang mong chờ sự trở lại Giêrusalem, vì biết rằng họ sẽ sớm được thả ra khỏi nơi giam cầm. Họ đã “thụ án” ở Babylon và tội lỗi của họ đã được tha thứ. Chúa sẽ dẫn họ vui mừng băng qua sa mạc rộng lớn như khi Ngài dẫn họ băng qua sa mạc thời Xuất Hành, và sẽ biểu lộ vinh quang một lần nữa. Đối với các Kitô hữu, điều phấn khởi là Gioan Tẩy Giả tiếp nhận sứ điệp này khi ông chuẩn bị cho dân chúng đón Chúa Kitô đến. Việc Chúa đến Giêrusalem chưa bao giờ được hoàn toàn ứng nghiệm, và chúng ta có thể thấy rằng sự ứng nghiệm tuyệt vời của đoạn văn này là ở việc Chúa Kitô đến với dân Người. Người đến Giêrusalem, phải, nhưng có phải sự vinh hiển của Thiên Chúa vẫn chưa được tỏ hiện? Người đã đặt sự khởi đầu cho Vương quyền của Thiên Chúa, nhưng đó là để các Kitô hữu chúng ta thể hiện sự vinh hiển, tình yêu thương và lòng quảng đại của Thiên Chúa cho một thế giới chưa được chứng kiến ​​sự huy hoàng của ngày tái lâm của Người. Đây là trách nhiệm khó khăn của những người mang danh Kitô hữu, những người nhìn thấy nơi Chúa Giêsu sự hiển linh triều đại của Thiên Chúa.

ĐÁP CA: Tv 85

Xin ơn bình an và cứu độ

 

Thánh vịnh đưa ra lời hứa cho những người tị nạn trở về từ lưu đày sự bình an của thời đại Đấng Messia đã được các ngôn sứ báo trước (Is 43,3-7; 49,14-26; 58,8-12; Dcr 2,9, 14-17; 8,12 -13; 9,9-10). Ơn cứu độ được hứa ban cho những ai kính sợ Đức Chúa, đó là những người lo sợ xúc phạm đến Chúa và sống trong sự tuân giữ các huấn lệnh của Ngài một cách tôn kính. Tác giả Thánh vịnh sử dụng hình ảnh hoa trái được tạo ra bởi mưa nắng cùng với sự màu mỡ của đất đai; ông so sánh nó với các phúc lành của công lý và tín nghĩa của Thiên Chúa (cc. 11-12). Tác giả công bố rằng ơn cứu độ đến nhờ tình yêu vững bền của Thiên Chúa, được thể hiện qua sự sẵn lòng tha thứ tội lỗi của chúng ta và khôi phục sự bình an trong mối tương quan giao ước giữa chúng ta với Ngài.

Nhiều Giáo phụ đã coi các câu 10-11 như một lời hứa về biến cố Nhập thể của Ngôi Lời thần linh và sự kết hợp giữa Thiên Chúa với bản tính con người trong Chúa Giêsu Kitô. Trích dẫn câu 10 của thánh vịnh này, Thánh Athanasiô đã viết: “Chân lý và lòng thương xót đã ôm ghì lấy nhau trong sự thật, để bước vào trần gian qua Mẹ Thiên Chúa trọn đời đồng trinh” (Expositiones in Psalmos, 84). Chúa Giêsu là Đấng công chính của Thiên Chúa, và Người đã đến để ban ơn cứu rỗi cho tất cả những ai bước theo con đường của Người (c.12).

 

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót ban cho chúng ta ơn bình an và ơn cứu độ, nhưng chúng ta phải thực hành sự hoán cải nội tâm nếu chúng ta muốn lãnh nhận hồng ân này. Chúng ta phải khiêm tốn đáp trả sự tha thứ và tình yêu của Chúa” (x. Thánh Giáo hoàng Giooan Phaolô II, Tiếp kiến chung, ngày 25 tháng Chín, 2002).

 

BÀI ĐỌC 2: 2 Pr 3,8-14

Chúa sẽ đến như kẻ trộm

 

Thư thứ hai của thánh Phêrô, có lẽ là bức thư cuối cùng trong tất cả các sách Tân Ước. Bài đọc này nhằm an ủi các Kitô hữu thất vọng vì vụ “big bang” ngày tận thế vẫn chưa xảy ra. Những thế hệ Kitô hữu đầu tiên đã mong đợi thế giới này nhanh chóng kết thúc – nhưng nó vẫn tiếp tục. Trong thế hệ các Kitô hữu đầu tiên, phần lớn những giáo huấn luân lí của Phaolô được hình thành bởi ý tưởng về sự tái lâm sẽ xảy ra rất sớm. Nhưng ở thế hệ thứ hai, tác giả của bức thư này không còn sự háo hức như lúc đầu. Ông nói rằng nhiệm vụ của chúng ta là sống thánh thiện trong bình an và kiên nhẫn chờ đợi. Biến cố Tái Lâm vẫn sắp xảy ra theo nghĩa là chúng ta phải sống một cuộc sống luôn hướng về ngày đó, và chúng ta không phải mất thời gian chờ đợi. Nhưng nó sẽ không sớm xảy ra vào ngày mai đâu! Từ cái nhìn này, chu kỳ hàng năm của các ngày lễ và các cuộc cử hành của Giáo hội, thậm chí cả lễ Giáng sinh, là một lời nhắc nhở rằng Thiên Chúa hoàn toàn nắm quyền kiểm soát vũ trụ của Ngài. Đối với chúng ta, các mùa lễ đều trôi qua, nhưng đối với Chúa, thời gian chẳng mấy có ý nghĩa quan trọng.

TIN MỪNG: Mc 1,1-8

Phép rửa tỏ lòng sám hối

 

Đây là khởi đầu tin mừng. Cũng giống lời tường thuật đầu tiên trong Kinh Thánh về công trình sáng tạo của Thiên Chúa khởi đầu “từ buổi khai nguyên” (St 1,1), thì Tin Mừng Marcô cũng hướng chỉ đến sự khởi đầu mới về sự hiển lộ của Thiên Chúa cho nhân loại (c. 1). Ngay từ đầu (cc. 2-3), tác giả đan kết những lời của các ngôn sứ Malakhi (3,1,23) và Isaia (40, 3; x. Xuất hành 23,20), diễn giải lại chúng để thông báo về sự hiện diện của một đấng sẽ làm sứ giả cho sự xuất hiện của Chúa Giêsu.

 

Hành trình của Israel để thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập và được tự do đã đưa họ băng qua sa mạc để đến một miền đất hứa. Chủ đề này đã trở thành khuôn mẫu để nói về những kinh nghiệm giải thoát khác. Chủ yếu trong số đó là việc được thoát khỏi nơi giam cầm ở Babylon và chuyến hành trình trở về quê nhà. Biến cố sau là bối cảnh cho quy chiếu của Isaia được đề cập ở bài đọc 1. Khi người dân vỡ mộng về tình hình chính trị của họ, họ bắt đầu tìm kiếm một đường lối giải thoát mới và một nhà lãnh đạo tôn giáo mới. Đây là bối cảnh cho những quy chiếu của Malakhi. Bằng cách sử dụng hai điểm quy chiếu này để xác định Gioan Tẩy Giả, tác giả đã cho thấy thẩm quyền ngôn sứ của một người sống cuộc sống khắc khổ, và sứ điệp đòi hỏi cao của ông có thể đã quá khắt khe để được chấp nhận.

 

Ăn mặc giống như ngôn sứ Êlia (c. 6; x. 2 V 1, 8), Gioan loan báo phép rửa tỏ lòng thống hối để được tha tội (c. 4). Không giống như nghi lễ rửa tội của người Essenes tại Qumran, một nhóm Do Thái khác đã đi vào sa mạc để chờ đợi Đấng được hứa ban, phép rửa của Gioan dành cho tất cả mọi người, không chỉ cho một nhóm được chọn. Tất cả bầu khí đều xôn xao khi người dân của toàn bộ vùng nông thôn Giuđê và tất cả cư dân thành Giêrusalem đi đến với Gioan để chịu phép rửa (c. 5). Quang cảnh và đặc điểm của đám đông mà Gioan thu hút cho thấy sự đói khát thiêng liêng của dân chúng. Một số người trong số họ có lẽ đã bước ra ngoài để mục thị cảnh tượng này của một người khắc khổ đang thao tác công việc, nhưng trong khi ở đó, chính họ bị thu hút bởi sứ điệp của ông và họ đã cam kết sám hối theo những gì Gioan đã rao giảng. Nếu ông đang công bố Ngày của Chúa, họ không muốn ngày đó trở thành ngày phán xét cho họ.

 

Gioan lôi kéo được sự chú ý của đám đông, nhưng ông nhanh chóng từ chối. Ông chỉ vào một Đấng quyền năng hơn, một người đang đến sau ông (c. 7). Gioan là một sứ giả của Thiên Chúa, và ông biết vai trò của mình là người loan báo tin vui cho Ngài. Ông không phải là người được người ta chờ đợi từ lâu; ông chỉ là kẻ chuẩn bị cho con đường Đấng Cứu Thế đến. Mặc dù rõ ràng mang phong cách riêng, nhưng ở nơi ông không có ý muốn tự thể hiện mình. Ông thậm chí còn không cho rằng mình xứng đáng thực hiện nhiệm vụ của một người đầy tớ phục vụ cho Đấng quyền năng sắp đến. Thay vào đó, ông dạy rằng phép rửa bằng nước và lời mời gọi sám hối của ông sẽ được thay thế bằng phép rửa trong Thánh Thần của Đấng sẽ đến, và sẽ có tác dụng biến đổi con người ta hoàn toàn nhờ quyền năng Thiên Chúa (c. 8).

Nếu Gioan, tiếng hô vang trong sa mạc, là sứ giả loan báo sự xuất hiện của Đấng quyền năng của Thiên Chúa, thì sự xuất hiện của Đấng được chờ đợi từ lâu này đã gần kề. Sự kiện này có lẽ là lý do khiến nhiều người rời bỏ làng mạc, thị trấn và thành phố để đi vào vùng hoang địa. Họ khao khát trời mới và đất mới. Họ đang tự chỉnh đốn bản thân cho Ngày của Chúa, ngày đang ở ngay phía chân trời, hoặc ngay trên đỉnh đồi. Sự xuất hiện của Gioan, sứ điệp của ông và phép rửa đều báo trước tin mừng về sự cứu rỗi.

—–

THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO

 

+  GLHTCG  522, 711-716, 722: Các ngôn sứ và niềm mong chờ Đấng Messia

+  GLHTCG  523, 717-720: Sứ mệnh của ông Gioan Tẩy Giả

+  GLHTCG  1042-1050: Trời mới đất mới

Lm. Giuse Ngô Quang Trung