TÌM HIỂU LỜI CHÚA
CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN, NĂM C
Tuần này, chúng ta đọc Phúc Âm về đám cưới ở Cana, nơi Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng Thiên Chúa bằng cách biến nước thành rượu. Kinh Thánh bắt đầu bằng một đám cưới của Ađam và Evà trong vườn (St 2,23-24), và kết thúc bằng một đám cưới khác, tiệc cưới của Chiên Con (Kh 19, 9; 21,9; 22,17). Trong suốt Kinh Thánh, hôn nhân là biểu tượng của mối quan hệ giao ước giữa Thiên Chúa và Dân được Ngài chọn. Thiên Chúa là Chàng Rể và loài người là hiền thê của Ngài (x. 2 Cr 11, 2).
BÀI ĐỌC 1: Is 62,1-5
Tiệc cưới của Chúa
Mối quan hệ hôn nhân có lẽ là mối quan hệ thân thiết nhất trong số các mối quan hệ con người mà chúng ta biết, được thiết đặt để ngày càng trở nên sâu sắc hơn và trọn vẹn hơn. Ngay cả mối quan hệ của mẹ với con cũng không thể sánh bằng. Vì vậy, trong Kinh Thánh, mối quan hệ của Chúa với dân Ngài được mô tả theo cách này. Nhưng, giống như nhiều mối quan hệ hôn nhân của con người, nó trải qua những giai đoạn khó khăn. Israel đã không trung thành với Chúa đến nỗi Ngài phải nhẫn nhục chịu đựng và cuối cùng buộc phải từ bỏ nó cho những kẻ mà nó đã làm gái điếm. Tuy nhiên, điều này không thể là vĩnh viễn: Israel không thể tiếp tục bị gọi là ‘Đồ bị ruồng bỏ’ và ‘Phận bạc duyên đơn’. Quá khứ sẽ bị lãng quên. Sau khi dân Israel trở về từ cuộc lưu đày ở Babylon, tiên tri Isaia báo trước về đám cưới cuối cùng trong niềm vui sướng khôn xiết của một cặp vợ chồng mới cưới. Vì vậy, trong các sách Phúc Âm, Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tiệc cưới vui tươi, và hình ảnh Người là chàng rể trong niềm vui của lễ hội. Người luôn tạo cho chúng ta một cơ hội khác, một sự chào đón không thể tuyệt vời hơn.
ĐÁP CA: Tv 96
Đức Chúa là Vua và Thẩm phán muôn dân
Chủ đề về vương quyền duy nhất của Đức Chúa một lần nữa được trình bày kỹ lưỡng trong bài thánh ca này. Bằng một lời kêu gọi mạnh mẽ, tác giả gửi đến toàn thể địa cầu (cc. 7-10) – thực sự đó là tất cả tạo vật, có sinh khí cũng như vô tri vô giác (cc. 11-12) – đến tham gia đồng ca reo mừng Đức Chúa. Phần đầu (cc. 1-6) ông mời gọi cất lên một bài hát mới, tức là một bài ca thích hợp với sự đổi mới của trái đất qua công trình sáng tạo. Chính sự công bố về hành động tạo dựng, (“ơn Ngài cứu độ”, “vinh hiển của Ngài”, “những kỳ công của Ngài,” cc. 2-3), tự nó là một sự phủ nhận các vị thần khác, vì chúng không liên quan gì đến việc tạo dựng thế giới (cc. 4-5). Đền thờ, công việc vĩ đại cuối cùng trong công trình sáng tạo của Đức Chúa, thể hiện sự vinh hiển của Ngài một cách đặc biệt (c. 6).
Lời kêu gọi thứ hai, đó là các quốc gia hãy mang lễ vật của họ đến với Đức Chúa trong thánh điện (cc. 7-10), điều này diễn ra một cách hợp lý từ phần đầu. Các câu 1-6 nói rằng Đức Chúa, qua công trình tạo dựng, là đấng tối cao trên các “chư thần”, đấng bảo trợ của các quốc gia, và công trình tạo dựng này đặc biệt có thể nhìn thấy trong thánh điện. Phần cuối cùng (cc. 11-13) khuyến giục toàn thể thiên nhiên chào đón Đấng Tạo Hóa-Thượng Đế đến để xét xử, nghĩa là để thấy rằng thế giới mới được tạo ra vận hành theo ý định của Thiên Chúa.
“Qua phụng vụ và kinh nguyện, đức tin của mỗi thế hệ được thanh luyện, để các ngẫu tượng mà người ta dễ dàng cúng bái hằng ngày được loại bỏ, và chúng ta đi từ sự sợ hãi đức công chính siêu việt của Thiên Chúa đến cảm nghiệm tình yêu thương của Ngài” (Thánh Gioan Phaolô II, buổi Tiếp kiến chung, ngày 18 tháng 9, năm 2002). (x. GLHTCG 2096, 2143, 2628).
BÀI ĐỌC 2: 1 Cr 12,4-11
Những ơn ban của Thần Khí
Vào đầu mỗi năm, trong sáu Chúa nhật Giáo hội cho chúng ta đọc các bài đọc từ thư thứ nhất của Phaolô gửi cho tín hữu Côrinthô, một cộng đồng đang gặp khó khăn. Côrinthô là một thị trấn cảng thịnh vượng ở miền nam Hy Lạp, với một cộng đồng không đồng nhất, giàu và nghèo, học giả và người lao công. Không có người lãnh đạo trong cộng đồng, và việc trông cậy vào Thần Khí để được hướng dẫn trong các vấn đề của cuộc sống là Kitô hữu không phải lúc nào cũng nhận được giải pháp. Ba Chúa nhật liên tiếp cho thấy Phaolô đang cố gắng giúp đỡ họ. Đúng vậy, Thần Khí hoạt động trong họ theo nhiều cách khác nhau. Có nhiều ơn ban khác nhau, tất cả đều cần thiết cho cộng đồng đa dạng này. Rắc rối dường như là mỗi người đều quá đề cao sự đóng góp của mình đến nỗi những ơn ban của người khác dường như không đáng kể. Sự nhấn mạnh của Phaolô về nhiều cách mà Thần Khí hoạt động để xây dựng một cộng đồng, giúp chúng ta có cơ hội để suy tư về nhiều ân sủng mà Thần Khí đã tuôn đổ trên cộng đồng Kitô hữu của chúng ta và trên từng cá nhân thành viên trong cộng đồng. Tôi có thể vui mừng về những đặc ân mà Chúa đã ban cho tôi, nhưng chỉ khi tôi nghĩ đến tất cả những ơn ban mà người khác có mà tôi thiếu.
TIN MỪNG: Ga 2,1-11
Tiệc cưới tại Cana
Tác giả Phúc Âm kết thúc lời tường thuật về tiệc cưới tại Cana bằng cách coi nó như một dấu lạ (sēmeíon), một kỳ tích vượt ra ngoài chính nó để hướng tới một thực tại sâu xa hơn nào đó. Trong khi các chi tiết cụ thể của sự việc là quan trọng, ý nghĩa thực sự của chúng nằm ở mối quan hệ của chúng với thực tế sâu sắc hơn này. Biến cố này là sự biến đổi kỳ diệu nước thành rượu. Mọi khía cạnh khác của tường thuật phải được hiểu trong ánh sáng của sự kiện này. Biến cố bao gồm vai trò của mẹ Chúa Giêsu, giờ của Chúa Giêsu, sự tôn vinh của Người và niềm tin của các môn đệ.
Tên riêng của mẹ Chúa Giêsu không bao giờ xuất hiện trong Phúc Âm này. Điều quan trọng là phải biết điều này khi chúng ta thắc mắc tại sao Người lại gọi mẹ là “Thưa bà”. Kiểu nói này và câu trả lời của Chúa Giêsu đối với sự mách bảo của mẹ Người về việc thiếu rượu là không rõ ràng. Vì lý do này, chúng ta phải cẩn thận để không suy tư nhiều hơn nội dung bảo đảm trong văn bản. “Bà” không nên được coi là dấu hiệu của sự thiếu tôn trọng. Thay vào đó, nó giống với cụm từ “Thưa bà” hoặc “Bà mẹ” được nhiều người sử dụng ngày nay. Đối với phản ứng của Chúa Giêsu, kiểu thứ hai trên đây có vẻ đúng hơn. Hiểu được cái sau sẽ cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về ý nghĩa của cái trước.
Giờ của Chúa Giêsu là giờ tôn vinh của Người, là giờ mà Người sẽ được tỏa hiện trong tất cả vinh quang của Người. Đỉnh điểm của giờ này sẽ diễn ra khi Người được cất lên trên thập giá. Tuy nhiên, trong suốt sứ vụ, sẽ có những lúc một số khía cạnh trong căn tính của Người được thể hiện. Chính yếu trong số này là khi Người thực hiện các dấu lạ. Những phép lạ của Chúa Giêsu không bao giờ chỉ là những cuộc bày tỏ sức mạnh siêu nhiên. Nó luôn luôn là những mặc khải về sự đột phá của triều đại Thiên Chúa, và thời điểm mà sự đột phá này sẽ bắt đầu được xác định bởi Thiên Chúa, không phải bởi Chúa Giêsu và chắc chắn không phải bởi mẹ của Người. Chúa Giêsu đang nói: Chúng ta không thể đi trước thời gian của Thiên Chúa. Để đáp lại điều này, Đức Maria bảo những người giúp việc hãy làm theo sự chỉ dẫn của Chúa Giêsu. Điều này có thể là nói đơn giản về các sự kiện của tiệc cưới hoặc nó có thể có một ý nghĩa thần học sâu sắc hơn nhiều.
Rõ ràng là giờ vinh hiển của Người đã đến, vì Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ đầu tiên của Người. Qua đó, vinh quang của Người đã được bày tỏ cho các môn đệ và họ đã tin vào Người. Việc thiết lập triều đại của Thiên Chúa đã bắt đầu. Vì biến cố được mô tả như một dấu chỉ và vì một dấu chỉ hướng đến một thực tại sâu xa hơn những gì hiển nhiên, nên đức tin của họ không chỉ dựa vào khả năng làm phép lạ của Chúa Giêsu. Họ tin, hoặc cuối cùng sẽ tin, ý nghĩa sâu xa hơn của dấu chỉ, một ý nghĩa nào đó liên quan đến nước và rượu. Nước ban đầu được dùng để tẩy rửa theo nghi lễ. Theo phong tục của người Do Thái, nước được dùng để rửa tay cho khách và rửa các bình dùng trong bữa tiệc. Mặt khác, tiệc cưới với rượu uống dư dật là hình ảnh chân thực của thời đại thiên sai hoàn thành. Trong dấu lạ đầu tiên này, Chúa Giêsu đã biến nghi lễ của người Do Thái thành cử hành cánh chung, và các môn đệ của Người đã tin Người.
—
THAM KHẢO SÁCH GIÁO LÍ CỦA HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
+ GLHTCG 528 : ở Cana, Đức Kitô tỏ mình là Đấng Messia, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ
+ GLHTCG 796 : Giáo Hội, hiền thê của Đức Kitô
+ GLHTCG 1612-1617 : hôn nhân trong Chúa
+ GLHTCG 2618 : lời chuyển cầu của Đức Maria tại Cana
+ GLHTCG 799-801, 951, 2003 : các đặc sủng để phục vụ Hội Thánh
Lm. Giuse Ngô Quang Trung